Search

Bài 3134. Còn Nhớ Hay Đã Quên

Bảo Đăng đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh Facebook các bạn chia sẻ.

Hôm nay giờ tu đã tới rồi, kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy, miên mật tu tập Mật Thiền song tu chánh niệm hơi thở để thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, thân bằng quyến thuộc đã quá vãng nhiều đời được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình chúng sanh an lạc. Và nguyện cho Việt Nam quê hương của chúng con và các đất nước đang phải trải qua những cơn bão lớn được sự bình an, tai qua nạn khỏi.
Xin chư Phật chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Chúng ta hãy trở về với hơi thở của chánh niệm, nhớ lời Đức Phật dạy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi lan tỏa tình yêu thương. Quán chiếu Mu A Mu Sa có nghĩa là tâm Từ Bi, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có nghĩa là quán Trí Tuệ, Ma Sa Ốp Uê có nghĩa là tâm Tỉnh Giác. Mật Thiền quán chiếu Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác trong chánh niệm sẽ giúp cho mỗi người chúng ta có được một đời sống tỉnh thức, trí tuệ và yêu thương. Chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển, hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Mô Phật! Các bạn đồng tu thân mến. Cơn bão đã quét ngang đất nước Việt Nam của chúng ta và một số các quốc gia khác trên thế giới, vì vậy mà chuyến bay của Bảo Thành cứ bị đình, rồi cuối cùng cũng tới được nơi đây Thành phố Đà Lạt gần hồ Tuyền Lâm, đại điện Phật của Phật tử Tâm Lộc, Diệu Hương. Các bạn, cũng vì vậy mà hai ngày qua Bảo Thành không thể đồng tu với các bạn ở trên mạng, trên không gian mạng, kênh YouTube và các kênh Facebook, nhưng trong thâm tâm vẫn đồng tu và hồi hướng cho tất cả các bạn đồng tu, mọi người chúng ta tinh tấn tu học.

Chủ đề hôm nay “Còn Nhớ Hay Đã Quên”. Nghe văn thơ tình tự, hình như thấy ở đâu của một câu hát nào đó trong những ca khúc người ta thường hay hát “Còn Nhớ Hay đã Quên”. Một bạn trẻ gửi về với một tâm trạng hình như trách móc, hay nhắc nhở một ai đó là có còn nhớ hay đã quên rồi. Cuộc sống của mỗi người cứ bận rộn và nhiều sự đổi thay trong cuộc đời, đã làm cho mỗi người chúng ta hình như không phải vô tình hoặc cố tình, mà nhiều chuyện cứ phải trôi vào dĩ vãng hoặc là chúng ta không thể nhớ được. Bận rộn, lo lắng, sợ hãi làm cho ta không nhớ,  cái điều không phải đi vào tình cảm hoặc là những chuyện xảy ra cho đời người để trách móc rằng ai đó trong cuộc đời này có còn nhớ hoặc đã quên ta rồi. Biết bao nhiêu những người đi qua cuộc đời của chúng ta, có thể chỉ là một người trực diện trên một đoạn đường ở một hè phố, ở một khu chợ hoặc như Bảo Thành đây cũng gặp được người trên những chuyến bay bởi hay đi, chỉ một thoáng mà ta vẫn nhớ. Nhưng ngược lại có biết bao nhiêu người chúng ta gặp nhưng không nhớ, gặp hoài nhưng đã hoàn toàn quên.

Trên chuyến bay từ Sài Gòn đi ra Liên Khương Đà Lạt, có một cô Phật tử vô tình hay có nhân duyên gì không biết đã ngồi gần với Bảo Thành, cô ấy tặng cho Bảo Thành một cục kẹo và nói rằng “Mời Thầy ngậm đi cho khỏe”. Người rất xa lạ nhưng trao cho nhau một cục kẹo, kẹo sâm quý vị. Bảo Thành đón nhận và ngậm thấy khỏe thật, trong cái khỏe đó đã bắt đầu những câu chuyện chia sẻ. Cô ấy từ Sài Gòn đi ra hồ Tuyền Lâm gặp một nhóm bạn để tu thiền, Bảo Thành cũng đi ra đây để gặp một số Phật tử, làm một số Phật sự. Hai con người một chuyến đi, cùng một mục đích là tu tập Phật sự nhưng khác nhóm, đã chia sẻ về những nhân duyên mà cô Phật tử đó đi vào con đường tu thiền. Bảo Thành không quên cô ấy bởi cô ấy đã trải qua biết bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống, có cơ hội nghiên cứu về Thiền, về giáo lý của nhà Phật. Nhiều kiến thức, nhiều phương pháp đôi khi trong quá khứ đã làm cho cô ấy sợ hãi, không biết phải bắt đầu từ đâu, nhưng cuối cùng cô ấy cũng đã chọn cho mình một pháp môn tu tập và sự kiên nhẫn tinh tấn của cô đã thể hiện bằng sự di chuyển từ Sài Gòn ra tới Đà Lạt để đồng tu với các bạn ấy. Chỉ một vài câu nói chuyện với nhau mà vẫn còn nhớ không quên. Cuộc sống bắt đầu từ chữ duyên, nếu có duyên thì dù ở đâu, gặp một chút thôi hoặc một thoáng thôi ta vẫn luôn luôn ghi nhớ người ấy. Còn nếu như duyên đã tận, người ở với ta trăm năm cũng chỉ một thoáng rồi chia tay chẳng bao giờ quên.

Đời là như vậy, trên con đường đạo ta phải nhìn nhân duyên mà ta có được với Phật pháp. Mỗi người chúng ta cứ có thói quen là phải có một nhân duyên thật lớn, chờ đợi một nhân duyên lớn để tới với Phật, tới với đạo, tới với con đường giải thoát, bởi nhân duyên lớn thường gây chấn động cho mọi người trong gia đình, bà con, thôn xóm hoặc người thân. Và Bảo Thành cùng các bạn cứ thích khoe nhân duyên lớn của mình, chẳng để ý tới những cái duyên rất vụn vặt, nhỏ bé nhưng quan trọng. Các bạn có nhớ có những lúc chúng ta đau khổ dữ lắm, phiền não trong thất bại, ta đã tới với Phật, đó cũng là một cái duyên. Rồi có những lúc chúng ta thi cử hoặc đi phỏng vấn công việc, đi nhận việc mới ta cũng tới với Phật, nguyện xin Phật gia trì. Niềm vui như sanh con ta cũng nghĩ đến Phật, nỗi buồn phải chia ly với người thân theo tang chế ta cũng nhớ đến Phật, thất bại trên công ăn việc làm, nói chung mọi sự trên đời khi cần ta vẫn luôn luôn nhớ đến Phật. Có khi nào các bạn nhìn một chút xíu nữa về nhiều lần, phải nói nhiều lần các bạn, chúng ta đã tới cửa chùa, thiền môn, tịnh xá, am thất, gặp các bậc tôn túc hoặc đôi khi âm thầm một mình đi kinh hành trong cảnh chùa, nghĩ đến Phật, đọc kinh, trì chú hoặc chỉ đơn giản chánh niệm hơi thở trong từng bước chân, có nghĩ như vậy không các bạn? Những giây phút đó chúng ta đã nhớ đến Phật, những giây phút đó chúng ta đã nhớ về con đường Đức Phật dạy để giúp chúng ta chuyển hóa cuộc đời cho hạnh phúc hơn. Vẫn biết những lần nhớ về Phật không thoát khỏi hai chữ cầu cạnh, cầu xin, nhưng cũng là nhớ, dù van xin, dù cầu xin hay dù cầu nguyện cũng là duyên để nhớ đến Phật. Đừng đợi duyên quá lớn như gặp một bậc đạo sư truyền tâm ấn hoặc giảng một lời gì đó chấn động tâm thần và ta đã giác ngộ những duyên lớn đó không cần thiết đâu. Duyên mà chúng ta tới với Phật trong phiền não, trong đau khổ, trong cầu xin, trong muôn mặt đều là dấu chỉ để nhắc nhở rằng chúng ta còn nhớ chưa quên Phật. Chúng ta còn nhớ chưa quên Phật, nhưng độ nhớ của chúng ta vẫn là độ nhớ, nhớ đến Phật như một người nào đó có sức mạnh, có quyền năng, có pháp thuật để phục vụ cho nhu cầu của cuộc sống. Có lẽ không hay nhưng được xếp vào loại ta còn nhớ đến Phật, ta chưa quên Phật.

Bảo Thành và các bạn chúng ta còn nhớ đến Phật nhiều lắm chưa quên, nhân duyên ta nhớ đến Phật trong sự đồng tu mỗi một tối hoặc mỗi một ngày tùy theo khung thời gian và ở những quốc độ cho phép là nhân duyên rất tuyệt vời, phải khẳng định chúng ta còn nhớ đến Phật và chưa bao giờ quên Phật. Dù cuộc đời có quá nhiều sự bận rộn ta vẫn trở về với hơi thở của chánh niệm, quán chiếu tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác và trong từng hơi thở ta đã nhìn sâu hơn để thấy rõ những suy nghĩ, những tâm tư, những hành động, những ngôn từ ứng dụng trong ngày và từ đó chúng ta tăng trưởng tâm thiện lành để ứng dụng vào suy nghĩ, lời nói, ngôn ngữ, thành lập một đời sống có ý nghĩa hơn. Các bạn vẫn còn nhớ đến Phật và Bảo Thành cũng rất nhớ đến Phật, ta chưa quên. Cái nhớ của chúng ta không đợi khi đau khổ phiền não, ta nhớ đến Phật như một vị Thầy để tới với Phật xin Phật dạy dỗ chúng ta. Đức Phật là một bậc Thầy, Ngài có tâm Từ bi yêu thương, Trí tuệ của Ngài có thể giúp chúng ta nhìn thấu cuộc đời, sự Tỉnh giác của Ngài có thể đánh thức chúng ta để giúp cho chúng ta có một đời sống tỉnh thức. Các bạn đồng tu cùng với Bảo Thành nhớ đến Phật là nhớ đến một bậc Thầy để được học và được dạy bởi Ngài, chúng ta cần phải thay đổi cách nhớ đến Phật, cái nhớ từ cầu xin ta nâng cấp thành nhớ để đến với Thầy mà học, cái nhìn đó được xoay chuyển bởi ý thức thấy rõ rằng Đức Phật là một vị Thầy, sẽ giúp cho chúng ta học giỏi hơn, trưởng thành hơn, thành tựu hơn. Đây là một cách nhìn thay đổi toàn diện sự suy nghĩ của chúng ta, giúp ích thật nhiều. Nhớ đến Phật như vậy hay hơn là nhớ đến Phật như một đấng để cầu, để xin. Dĩ nhiên trong hai cách nhớ cũng đều là nhớ đến Phật, nhưng chúng ta phải thay đổi cách nhớ, cung cách nhớ.

Trong tâm của Bảo Thành luôn luôn nhớ đến Phật và luôn luôn nhớ đến Phật là một vị Thầy, Thầy của trời người, một bậc Thầy hiền lương trí tuệ, một bậc Thầy tỉnh giác rất mực yêu thương các học trò. Suy nghĩ như thế đã làm cho Bảo Thành tới với Phật rất thoải mái, rất tự nhiên và cách học Phật của Bảo Thành nhẹ nhàng thoải mái lắm các bạn. Ứng dụng được vào trong mọi góc cạnh của cuộc sống và dĩ nhiên Bảo Thành như các bạn vẫn còn phải va chạm vào những cung bậc cảm xúc giữa người với người, giữa người với môi trường và giữa người với các hiện tượng xung quanh. Nhưng chính vì tới với Phật quá dễ dàng trong tâm thái là một người học trò được Thầy mình ưu ái, nâng đỡ và dạy dỗ cẩn mật, cho nên Bảo Thành luôn ý thức và có khả năng làm chủ cảm xúc tùy thời, tùy lúc. Chúng ta cứ vẫn trôi lăn theo những cảm xúc của đời người, để rồi lúc lên – lúc xuống, lúc bệnh – lúc khỏe, lúc vui – lúc buồn, lúc thành – lúc bại, cứ như vậy ta không làm chủ được cuộc đời của mình và dĩ nhiên sự không làm chủ đó gây biết bao nhiêu phiền não, đau khổ cho chúng ta rồi.

“Còn nhớ hay đã quên” không đi vào một câu hát nào đó của một nhạc sĩ nổi tiếng sáng tác ra hoặc những thước phim, nhưng còn nhớ hay đã quên đã thầm nói với mỗi một cá nhân các bạn đồng tu rằng chúng ta rất may mắn là chúng ta chưa bao giờ quên Phật, chúng ta còn nhớ đến Phật. Một cây nhang thắp lên, quỳ xuống trong sự van vái, cầu xin cũng là một điều rất cần để nhớ tới, một bình bông, một chén nước hoặc cung kính chắp tay ngưỡng cầu lên chư Phật lạy ba lạy, thầm nói những điều gì đó trong tâm tư nguyện vọng của ta, qua sự cầu nguyện cũng là một điều rất tốt để nhớ đến Phật. Bảo Thành và các bạn đã nhớ đến Phật thật nhiều, để rồi quyết định luôn luôn ghi nhớ Phật ở trong tâm qua sự đồng tu. Có những sự nhớ ta phải gọi “Phật ơi! Con nhớ Phật lắm”, nhưng những sự nhớ như vậy cũng chưa ở mức độ cao, bởi sự nhớ đó vẫn còn quá nghiêng về hình tướng. Sự nhớ tốt hơn là chúng ta nhớ đến Phật là nhớ đến sự giáo dục của Ngài, sự giáo dưỡng của Ngài, sự dạy dỗ của Ngài và học hành, hành trì thực tập để lời dạy của Ngài chúng ta mang vào ứng dụng, tạo ra sự lợi lạc cho cuộc đời của chúng ta. Đây mới là cách nhớ, nhớ bằng suy nghĩ, lời nói và hành động cụ thể, có sự hành trì lời của Phật dạy, đừng nhớ như con vẹt để rồi cứ đọc từ đầu đến đuôi, chẳng bao giờ công phu tu tập, đụng chuyện cầu xin, van vái. Nhưng nhớ đến Phật là nhớ thực hành lời Phật dạy qua sự chiêm nghiệm, tư duy, tinh tấn, để đạt được Chánh kiến, mà có Chánh định vững chãi trong cuộc đời.

Các bạn và Bảo Thành còn nhớ đến Phật qua sự đồng tu là một cách nhớ vi diệu, bởi sự đồng tu của chúng ta nhớ về Phật qua sự quán chiếu của tâm Từ bi Mu A Mu Sa. Các bạn thân mến, mật ngôn Mu A Mu Sa khi các bạn cùng với Bảo Thành quán chiếu trong chánh niệm của hơi thở tổng trì mật ngôn này, chúng ta trực tiếp qua thân và tâm đã đón nhận được thật nhiều năng lượng mật điển vi diệu mà Phật rải xuống cho chúng ta từ nguồn ân, hồng phúc Tam Bảo đó mật điển đã làm cho tâm ta rộng lớn hơn, trái tim ta rộng lớn hơn, để tình thương của ta đối với người, đối với muôn loài là vô biên giới, không có vướng mắc, không có phiền lụy, không có cái tôi không có chấp. Qua kinh nghiệm của bản thân và của những bậc thầy đi trước tổng trì mật ngôn Mu A Mu Sa có diệu năng vi diệu, có sức mạnh thần thông bằng sự cảm hóa đời sống của chính mình để thay đổi cái nhìn, sự tương tác cho môi trường sống, lan tỏa và san sẻ tình yêu thương. Phải nhớ Đức Phật chính là đấng yêu thương và tới với Phật là tới với đấng yêu thương để học yêu thương, học san sẻ. Đây là cách nhớ đến Phật tuyệt vời nhất.

Bạn nghĩ đi, khi nhớ đến mẹ hoặc cha, hoặc các bậc thầy của ta là ta nhớ đến ngay tình yêu thương cao cả của các Ngài đối với mình, hiến dâng cả cuộc đời để chăm sóc dạy dỗ ta. Đức Phật là người cha, là người mẹ, là một bậc thầy luôn luôn yêu thương, luôn luôn đồng hành với ta trong mọi cung bậc cảm xúc của đời người, trong mọi khoảnh khắc của kiếp người. Ngài sẵn sàng dạy dỗ, dắt dìu, che chở, đùm bọc và bảo vệ ta bằng năng lượng của Mu A Mu Sa, năng lượng của tình thương. Hãy nhớ về Phật, hãy nhớ đến Phật qua năng lượng Mu A Mu Sa, năng lượng của tình thương. Chỉ có năng lượng của tình thương mà ta gắn kết với nhau qua sự ban rải của Phật làm cho chúng ta dung thông với muôn loài tận hư không trong vũ trụ, mọi nơi ta tới ta đều có sự gắn kết dung thông hòa nhập, không phân ly, chẳng cao thấp, rất hay, tốt cho sức khỏe và tốt cho trạng thái tịch tĩnh, có được sự an lạc của tâm. Nếu tâm của chúng ta an lạc, sức khỏe của chúng ta tốt, nhất định đó là những tặng phẩm vô giá mà chính ta ban tặng cho mình qua công hạnh thực tập. Nhớ đến Phật như là một vị Thầy rất yêu thương, che chở để dạy dỗ ta. Trong chánh niệm mật thiền, từng hơi thở hít vào thở ta tổng trì mật ngôn là gắn kết mật thiết với chư Phật, là đón nhận Phật là Thầy, là đón nhận năng lượng Từ bi của Phật, mọi vết tích đau khổ, phiền não trong ta, những vết tích tạo ra bởi ác nghiệp nhiều đời hay hiện thời đều được năng lượng nước Từ bi của Phật qua mật ngôn Mu A Mu Sa gội rửa sạch sẽ, thanh tẩy làm cho thân tâm thanh tịnh. Dĩ nhiên chúng ta nhớ theo cách ấy sẽ mang lại lợi lạc thật nhiều cho chúng ta, cho gia đình, cho cộng đồng xã hội và muôn loài chúng sanh.

Các bạn thân mến! Có khi nào bạn hỏi ai đó có còn nhớ hay đã quên ta không? Hình như Bảo Thành nhớ đến một câu hát anh còn nhớ hay anh đã quên, chỉ nhớ có câu vậy thôi, nhưng đó là một câu hỏi. Hãy tự hỏi mình rằng ta có còn nhớ hay đã quên Phật? Không cần phải gọi Phật Phật con nhớ Phật, mà chỉ cần nhìn vào hơi thở trong chánh niệm, hít vào thở ra đó chính là sự nhớ đến Phật đơn giản nhất nhưng hữu hiệu nhất. Ai cũng nói chúng tôi biết thở, nhưng sự thở đó là thở của vật lý do phổi của cơ thể tự động vận hành để sống, thể sống vật chất qua hơi thở đó rất thường ai cũng biết. Nhưng hơi thở học qua chánh niệm để cho thể sống tâm linh được sáng rất vi diệu. Nhìn lại trong trái tim của ta nếu thấy những tàn tích đau thương khổ lụy còn đó, thì hơi thở chánh niệm là một hình thức vi diệu để ta nhớ đến Phật, chữa lành những đau thương trong cuộc đời. Bảo Thành nhìn vào trái tim của mình thấy biết bao nhiêu tàn tích của quá khứ, qua hơi thở chánh niệm nhớ được về Phật cặn kẽ và nhận ra Đức Phật rất yêu thương Bảo Thành và từ đó tư duy thấy rằng Đức Phật rất yêu thương mỗi người chúng ta. Đừng đặt để và thần thánh hóa Đức Phật ở trên những ngôn từ của tôn giáo và từ đó ta với Phật như cách xa hàng vạn hải lý, hàng ngàn dặm, hàng vô lượng kiếp khó tìm gặp. Hãy đón nhận Phật một cách rất ân cần, nhẹ nhàng rằng Phật là đấng tình thương, đấng luôn luôn yêu thương chúng ta, Phật là cha, là mẹ, là thầy. Hãy đón nhận Phật và nhớ đến Phật như thế bạn sẽ có một cơ hội thay đổi toàn diện đời sống của bạn vì bạn đã nhìn về Phật, nhận Phật, nhớ Phật ở góc độ rộng lớn, thênh thang hơn. Đừng giới hạn Phật trong đời sống của chúng ta, trong nhà bếp, trong một chuyến đi du lịch, Phật sự hay công việc, trong tương tác trên bàn ăn buổi tối, buổi trưa với gia đình hoặc chỉ là một cuộc hẹn hò uống trà, uống cà phê với nhau, hay chạy xe ở ngoài đường, chúng ta đều có những cơ hội rất hay để an trú trong chánh niệm hơi thở và đón nhận Phật tới với chúng ta. Phật là tình yêu, là tình thương, là đấng nhân từ, đấng luôn luôn bảo bọc, che chở, hộ mệnh, hộ mạng cho ta.

Còn nhớ đến Phật hay đã quên rồi các bạn? Không ai quên Phật đâu. Nếu bạn đang nghe Bảo Thành nói chuyện đây là bạn chưa bao giờ quên Phật, nếu bạn đã một lần, một lần thôi tới chùa, một lần thắp nhang, một lần dâng hoa cúng trái cây, một lần đi lễ hội Vu Lan, Phật Đản, Tết, một lần nghe qua một đoạn kinh, nghe một lời giảng, một lần kính ngưỡng lên tôn tượng, di ảnh của Phật là các bạn vẫn còn nhớ đến Phật. Bởi nhân duyên đó nếu phát triển kịp thời, đúng mức, bạn sẽ thành tựu được đời sống an lạc lắm. Khẳng định rằng tất cả các bạn vẫn còn nhớ đến Phật và chưa quên Phật. Người đời có quên ta, bạn tình có quên ta, anh em, bà con, cô bác, cha mẹ có quên ta, muôn người có quên ta nhưng Đức Phật không bao giờ bỏ rơi ta. Vậy nên ta hãy luôn luôn nhớ đến Phật, nhớ đến Phật để không bị cô đơn, sầu muộn, nhớ đến Phật để được dắt dìu vượt qua tăm tối, đến được bến bờ tỉnh giác, hạnh phúc và an vui.

Các bạn, trong hoàn cảnh hiện thời trên toàn thế giới và ở nước Việt Nam chúng ta, trải qua biết bao nhiêu những biến đổi kinh khủng của thời tiết, của tai họa, của thiên tai đại dịch, của biết bao nhiêu những chứng bệnh lạ, của biết bao nhiêu những hiện tượng không thể đoán trước được, quét ngang hành tinh và đã đưa biết bao nhiêu con người ra đi mãi chẳng trở về. Thì chúng ta càng cần phải luôn luôn nhớ đến Phật, đấng từ ái, đấng yêu thương, đấng nhân từ, đấng mà luôn luôn hiện hữu trong đời của ta qua hơi thở. Phật rất gần chẳng ở đâu xa, Phật không ở trên Niết Bàn mà Phật ở ngay hơi thở của chánh niệm. Các bạn, phải thay đổi cách nhìn về Phật, đừng thần thánh hóa Phật, Phật là đấng nhân từ yêu thương chúng ta và ta có thật nhiều cơ hội để diện kiến Phật qua chánh niệm hơi thở mật thiền và nên nhớ phải dõng mãnh nói rằng chúng ta vẫn luôn luôn còn nhớ đến Phật, chưa bao giờ quên Ngài. Hãy tự nhắc nhở mình và nhắc nhở mọi người Phật là đấng nhân từ, hãy nhớ đến Phật qua hơi thở của chánh niệm. Sự nhớ như thế sẽ thay đổi cuộc đời của ta rất nhiều, thay đổi theo chiều hướng thượng, thay đổi để phát huy tâm tánh thiện lành, thay đổi để sống hạnh phúc và an vui, có sức khỏe của thân, trong sáng của tâm. Các bạn, chúng mình hãy trở về với hơi thở.

Thưa Phật! Chúng con vẫn còn nhớ đến Ngài, chẳng bao giờ quên Ngài. Chúng con nhớ đến Ngài và biết rằng Ngài là đấng nhân từ yêu thương, trong hơi thở của Mật Thiền chánh niệm Mu A Mu Sa chúng con luôn được tiếp cận với Ngài. Xin Phật đấng nhân từ hãy dìu dắt chúng con qua mọi đoạn trường của cuộc đời, để chúng con an lạc hạnh phúc hơn trong mỗi ngày.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển, hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con nếu tạo ra được chút phước nào, nguyện hồi hướng cho muôn loài chúng sanh đồng hành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn