Bảo Đăng đánh máy
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và tất cả các kênh Facebook các bạn chia sẻ.
Giờ tu đã tới, mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con dõng mãnh đứng dậy, tinh tấn tu luyện mật thiền chánh niệm hơi thở để thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho song thân phụ mẫu hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chấm dứt chiến tranh, chúng sanh an lạc.
Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, giữ lưng cho ngay, buông lỏng toàn thân. Nhớ lời Phật dạy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi lan tỏa tình yêu thương. Khi quán chiếu mật ngôn Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ Bi, quán chiếu NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là quán tâm Trí Tuệ, quán chiếu Ma Sa Ốp Uê là quán tâm Tỉnh Giác. Chúng ta hãy bắt đầu.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển, hồi hướng cho nhau.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)
Kính chào các bạn, chủ đề hôm nay chúng ta gửi về “Tâm Bình Thường Là Đạo”. Chúng ta ngồi ở đây ai có thể cho Bảo Thành biết tâm bình thường là như thế nào không? Tâm bình thường như thế nào ha? Có ai trong chúng ta sống hiền, sống lành, sống đạo đức rồi người ta gọi mình là người không bình thường không? Có bị chửi vậy chưa? Có! Ở đời nó ngược rồi nó xuôi, cái căn bản đạo đức làm người ngày xưa ông bà mình giữ được tôn vinh, ai cũng khen. Trong thế giới đảo điên lộn ngược hết rồi mình làm ác người ta bảo là bình thường, mình hiền lương người ta bảo mình dại khờ, bất bình thường, hiền quá hóa ngu, người ta chửi như vậy. Tâm bình thường là đạo, ta nhớ rằng chúng ta cứ mặc định sự bình thường cho nó cao cả, ví dụ người ta nói tâm bình thường là tâm vô cấu tức là không bị uế trược, tâm vững chãi, tâm tĩnh lặng như mặt hồ không một gợn sóng, vững chãi như núi sông không bao giờ lung lay. Gặp trước mọi hiện tượng của cuộc đời họ tự tại và mỗi người chúng ta cứ chạy theo những định nghĩa tâm bình thường như vậy để được bình thường, nhưng khi chúng ta đeo đuổi những định nghĩa đó lại bị những người khác cho là chuyện bất thường, đôi khi còn gọi là khùng nữa.
Ví dụ như chúng ta nói người tu học Phật sự bình thường là tụng kinh, là tới chùa, là gặp quý Thầy, quý Sư Cô, là học giáo lý nhà Phật, là giữ giới, như những chuyện rất bình thường của người Phật tử đó trong chúng ta đây có bị chồng, bị vợ hoặc cha mẹ, người thân cho là bất bình thường không? Có! Nhiều khi vợ đi tu nói “Trời ơi bà mất bình thường quá rồi, người ta ở nhà chơi bà cứ đi tu, chuông với mỏ hoài”. Đó là một trường hợp Phật nói, khi vợ tu mà chồng không có ưa, cho nên hay nói ngược, chuyện rất thường đời người con Phật thì ông chồng cho là chuyện không có bình thường. Lại có chuyện người chồng tu, kinh kệ, nghiên cứu kinh sách, người vợ nói “Ông chồng tôi chắc có lẽ là không bình thường rồi, người bình thường là phải biết ăn, biết nhậu, biết đi chơi, ổng bất bình thường, kinh kệ tối ngày”. Ở đây có ông chồng nào bị vợ nói vậy không hoặc nghe có ông chồng nào bị vợ nói vậy không? Đó là trường hợp thứ hai, trường hợp thứ ba nữa là cả vợ cả chồng không thích đi chùa, người Phật tử không thích học, cái đó người ta cho là bình thường nhưng là chuyện bất thường phải không? Nhưng ở đời thì cho đó là bình thường, nhưng lại chuyện bất thường, chẳng biết đâu mà mò. Còn một trường hợp đặc biệt nữa là cả hai vợ chồng đều đi tu, vợ cũng đi tu học tập tu luyện, chồng cũng đi như vậy thì có ai gọi vợ chồng của nhà mình là mất bình thường không? Ở nhà có ai nói mình bất bình thường không? Không! Nhưng hàng xóm có không? Có! Làm sao bịt được miệng của mọi người. Vậy tâm bình thường là đạo là tâm gì? Định nghĩa thì mỗi người mỗi một ý nghĩa tìm không ra, ở sao cho vừa lòng người. Ông trời ở không đúng phải không, nắng kêu nắng, mưa kêu mưa.
Hồi xửa hồi xưa có một ông vua, ông mới muốn các họa sĩ vẽ cho ổng một bức tranh để thể hiện sự bình thường, nhưng rất bình an. Hàng trăm các họa sĩ vẽ lên những bức họa thật tuyệt vời, nhưng cuối cùng nhà vua chỉ lựa được hai bức tranh thôi và đi đến điểm cuối là phải chọn lựa một bức để thể hiện sự bình an trong sự rất bình thường của đời người. Một bức tranh họa sĩ vẽ mặt hồ trong suốt không một gợn sóng, có núi xanh vững chãi, có rừng thong dong tự tại, có mây trời, nhìn ở dưới nước cũng thế tịch tĩnh, trong sáng, mây đẹp, núi đẹp, rừng đẹp, nước trong. Một bức tranh như vậy tất cả chúng ta cho rằng có phải là một bức tranh bình an không? Bây giờ mặt hồ phẳng lặng không sóng, cây xanh, núi vững chãi, mây đẹp nữa, như vậy bức tranh đó quá tuyệt vời. Bây giờ mình đi đâu cũng vậy mà cho nên ở đời người ta thấy điều đó là đẹp, mọi người đã nhiều khi mệt mỏi trong thành phố, tìm về nơi rừng núi có hồ nước thanh tịnh để ẩn trú. Ở đây có ai đi về núi về rừng, hôm bữa mình về núi Dinh mình thấy êm đềm mình thích không? Trong đầu có khi nào nói ở thành phố ồn ào thôi về núi không? Tuần trước Thầy đi theo nhóm Phật tử của cô kia ở Đà Lạt qua Hồ Xuân Hương thấy núi, thấy mây đẹp lắm. Có lẽ một số bạn nói Thầy chắc trốn ở trên đó bởi vì thành phố ồn ào quá, ngày mai đi nữa về núi chắc cũng trốn một chút xíu. Ở đây có ai thích đi vào chỗ có mặt hồ phẳng lặng không sóng không? Ai thích nhìn núi yên tịnh bất động không? Ai thích vào rừng để rồi mình có thể không còn bị ồn ào thế sự không? Ai nhìn thấy mây trời xanh mướt trên mặt hồ, ai nhìn thấy núi vững chãi, như vậy cảnh đó có phải là cảnh bình an không? Cảnh đó đưa tâm ta trở về sự bình thường. Thì bức tranh đó các quan thần và mọi người nhìn thấy đều trầm trồ “Ồ! Đây là bức tranh tuyệt vời” bởi quá đẹp, nhà vua nhìn vô cũng thích bởi nó phẳng lặng không có một chút sóng đẹp lắm.
Nhưng còn một bức tranh nữa họa sĩ lại vẽ núi thì xám xịt gồ ghề, sóng thì cuồn cuộn, mây trời thì đen tối, phong ba bão tố cuồn cuộn, thác nước đổ dữ dội lắm, nhìn sơ qua cảnh đó có bình an không? Thì nhà vua thấy sự tương phản như vậy một bên là núi lặng sóng không có, hồ thanh tịnh đẹp, một bên thì sóng gió bão tố, thác đổ ầm ầm, núi thì gồ ghề, mây trời thì đen xì. Nhưng bây giờ nếu quý vị được làm vua thì chọn bức tranh nào thể hiện sự bình an? Ông vua cũng lưỡng lự nhưng rồi ông nhìn sâu vào bức tranh sóng gió đó, ở đằng sau vách núi mà thác nước đổ ầm ầm xuống như vậy ông thấy có một cái cây mọc lên ở kẻ nứt của vách núi đằng sau thác đang đổ, ông nhìn kỹ thì có một con chim làm tổ và đang ấp mấy chú chim con, nhìn thác đổ xuống, nhìn mây trời xám xịt, nhìn sóng gió ba đào mà nó vẫn hót. Bây giờ được tả tới đó rồi nếu quý vị là vua thì chọn bức hình nào thể hiện cho sự bình an? Bức tranh nào, tại sao? Bây giờ nếu chọn bức tranh thứ hai thì tại sao, có ai trả lời dùm được không? Tại nghe thấy con chim làm tổ ở đằng sau thác nước mây trời cuồn cuộn, sóng gió núi thì gồ ghề xấu vậy, mà nó vẫn ấp con, nó vẫn hót, hai hình ảnh tương phản thì đâu gọi là tâm bình thường.
Nếu người ta nói tâm bình thường là tâm yên lặng như mặt hồ không có sóng, nó bình thường là tâm vô cấu, tâm vô trụ, tâm tịch tĩnh, tâm an nhiên, mà tại sao bức tranh thứ hai chúng ta lại chọn là bức tranh bình an? Như vậy thì tâm quý vị có bình thường không? Hay là tâm này là tâm khùng khùng? Đó là thói đời, ta chỉ chọn việc dễ dàng thôi. Trên con đường đạo gọi là tâm bình thường là đạo, vậy những người tu đạo để có tâm bình thường có phải chăng trốn tránh sóng gió của cuộc đời hay vẫn như con chim mẹ nhìn thác đổ xuống, mây đen, núi gồ ghề, sóng gió mà vẫn tịch tĩnh ấp chim con, líu lo với cảnh trời giông bão đó. Cuộc đời của quý vị có phẳng lặng như mặt hồ kia không? Cuộc đời của quý vị có xanh như mây trời không? Có xám xịt không? Cuộc đời của quý vị có đẹp như núi vững chãi không? Hay có nhiều lúc lung lay muốn té xỉu? Như vậy là quý vị tâm mình thường hay tâm bất bình thường? Tâm bình thường chẳng phải là ảnh hưởng ở cái cảnh, có nhiều con người cảnh thật đẹp, chúng ta nhìn họ có vợ chồng, có nhà, có cửa, công ăn việc làm, chúng ta có thể nhìn xuyên qua đó thấy sự bất bình thường trong gia cảnh của họ không? Ở đây ai có gia đình tưởng như bình thường, nhưng chỉ có mình thấy không bình thường không? Rồi có ai thấy gia đình cãi nhau quá trời quá đất, đánh đập nhau cho là bất bình thường, nhưng nó bình thường không? Có!
Mình tới nói “anh chị sao cãi nhau hoài?”
Người ta nói “chuyện đó bình thường, vợ chồng tôi mỗi ngày cũng phải 3, 4 câu vọng cổ vậy đó”
Có nghe bào giờ chưa? Có! Vậy thì cái nào là bình thường, cái nào là mất bình thường? Suy nghĩ, phải suy nghĩ. Chúng ta tu thiền quý vị, nếu mình chạy đuổi theo những định nghĩa thì coi chừng một túp lều tranh hai trái tim vàng, chúng ta mơ ước kiểu đó là khùng, ngày nay không có đâu
Yêu anh là phải nhà lầu xe hơi
Tiền vô bạc tấn em mới thời nói phone
Còn như nhà nghèo, vách đá, lều tranh,
Em xin bãi biệt tiễn anh ra đường.
Mỗi một thời đại, mỗi một khoảnh khắc, mỗi một chặng đường chúng ta thay đổi nhiều lắm, để làm cho ý của người khác được thành tựu và rồi ta đã đánh mất mình.
“Tâm bình thường là đạo” như hai bức tranh nhà vua đã chọn bức tranh thứ hai, bởi trước phong ba bão tố của cuộc đời, trước thác lũ trên núi ập xuống, trước mây đen xám xịt, vách núi thô, rừng cây xiêu vẹo, con chim mẹ vẫn bình tĩnh làm tổ ở trên cây mọc lên ở vách núi nứt nẻ. Chúng ta mỗi một cuộc đời đã mọc lên những tâm thiện từ vách chân tâm nứt nẻ qua những thử thách ác nghiệp của cuộc đời, chủng tử thiện, hạt giống bồ đề đã có mầm mọc lên từ đó và chúng ta là con chim mẹ biết chọn cành bồ đề trong cuộc đời giông bão của mình để làm tổ, tổ của sự công phu tu tập, tổ đó để sanh ra những chủng tử đẹp hơn mỗi ngày trong các pháp thiện. Ta bình tĩnh nhìn giông bão, ta bình tĩnh nhìn trời đen, ta bình tĩnh nhìn sóng cuồn cuộn bão tố và ta vẫn đó líu lo hát Mu A Mu Sa rải tâm Từ bi, chúng ta vẫn líu lo trì tụng NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, đó là tâm bình thường được gọi là đạo. Ông vua đã chọn bức tranh thứ hai bởi thấy con chim mẹ nhìn thấy muôn sự thay đổi vô thường sanh diệt, hiểu được nên tâm của chim mẹ bình thường. Còn chúng ta không thấy được cảnh sanh diệt là vô thường, thấy nó yên tịnh thì cho là đẹp, thấy mặt hồ trong suốt thì cho là tốt, thấy mây trời xanh thì cho như một giấc mơ, thấy núi vững chãi thì tưởng như đây là nơi ta ở mãi. Nhưng những cảnh như vậy nó có tồn tại mãi không? Không! Nó vô thường. Nhưng nếu chúng ta cứ mong chờ sự bình thản như vậy nó có tồn tại không? Một gia đình ấm êm hạnh phúc, ông chồng ngọt lịm như mía lau đường phèn, rồi ông đó cứ như vậy suốt đời không? Không mà biết rồi nhưng sao cứ phải chọn ông chồng bình thường lại nói chuyện ngọt ngào, tới khi ông chửi mình cho là bất thường. Rồi ông mà ổng cứ chửi mình như vậy thì ông có chửi mình suốt cuộc đời không?
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là quán chiếu sự vô thường, vô thường trong sinh lão bệnh tử. Cho nên ai sinh ra là phải già, phải bệnh và phải chết, đó là chuyện rất bình thường gọi là vô thường. Nếu tâm ta hiểu được vô thường như vậy ta sẽ bình thường như con chim mẹ ấp chim con, ta sẽ bình thường để làm việc thiện. Thầy về đây gần được một tháng trong xóm này bốn người chết, nhanh lắm, thì đó là bất thường hay vô thường? Người ta đồn “Trời ơi! Ông này ông về xóm đạo đang bình yên, ổng tu theo đạo Phật, ổng về đây bốn người chết queo chuyện bất bình thường”.
Nhưng nếu quán chiếu theo chân lý của nhà Phật thì đó là vô thường hay bình thường? Không ai sống mãi ở đời, người học Phật mật ngôn số hai cho ta có trí tuệ bởi nhìn thấu được vạn pháp vô thường sanh diệt. Từ đó mới gọi là tâm bình thường là đạo. Không dựa trên những bức tranh của họa sĩ vẽ cho đẹp, không dựa trên những thứ gọi là thả thính của người đời để nghe cho phê rồi rơi xuống vực thẳm, thì những lá thính đó nó bay tứ tung do những ác nghiệp của cuộc đời gieo vào với nhau, tranh kia cũng mờ bởi họa sĩ cũng chỉ phát lên bởi tâm tưởng tượng mà thôi. Nhưng người họa sĩ thứ hai rất khôn khéo, đặt ở đằng sau thác nước sự cuồng phong bão tố một tổ chim. Người thông minh, người có trí tuệ là người nhìn thấu được cảnh vô thường dù đẹp, dù yên ắng hay bão tố xấu xa vẫn luôn luôn hiểu được điều tương phản giữa hai bức tranh đều là vô thường, thì tâm bình thường. Hãy là con chim mẹ biết hót Mu A Mu Sa, hãy là con chim mẹ biết mang NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang ấp ủ những chủng tử thánh thiện, thiện lành vốn có trong ta. Dù ở vách núi cheo leo ta vẫn có thể để cho chủng tử bồ đề, cho tâm Phật của ta mọc ra từ vách núi đó và trên đó tổ ấm của sự tỉnh giác Ma Sa Ốp Uê nhất định đủ để ôm ấp cả cuộc đời mà ta đang đi giữa giông bão. Ở đây cuộc đời của quý vị có ai đang nằm trong tầm của tâm bão không? Có ai đang trong vùng tâm bão không? Bão tố của cuộc đời, của gia đình, của chồng, của vợ, của con, của thân già, thân bệnh, thân yếu, của tiền mất, nhà tiêu tán, của chuyện cháu, của chuyện hàng xóm, chuyện đủ thứ,… Có ai đang trong vùng tâm bão đó không? Vậy giờ sao đây, tâm ta bình thường hay bất thường? Vậy làm sao giữa tâm ở đó ta trở thành bình thường được gọi là đạo, ta phải quán chiếu vô thường, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là vô thường. Mấy hôm trước Thầy nói rất là to mạnh hôm nay khàn khàn rồi, bất thường hay là vô thường? Chúng ta thấy vô thường thì là bình thường, khàn khàn tại vì đi nhiều bị khàn tiếng, nhưng vẫn còn sức, thay đổi không khí, tiếng khàn nhưng mà bổ phổi, hít nhiều thuốc với tàn nhang. Quý vị nhớ mọi chuyện trong thế gian này luôn thay đổi, nhìn thấu được điều đó ta sẽ có tâm bình thường được gọi là đạo. Còn không ta bỏ sóng gió để đi tìm sự yên bình, rồi một mai nó biến thành sóng gió ta lại bỏ nữa và ta chỉ là kẻ ăn mày của những sự tưởng tượng, mà ăn mày tưởng tượng người ta gọi là ma trơi chập chờn, chập chờn trong hư ảo của cuộc đời, để trở thành kẻ ăn cơm thừa, người ăn cơm thừa canh cặn, chúng ta đi ăn thừa đồ cúng tình cảm, đồ cúng tình thương, đồ phế thải của người khác bởi chúng ta biến mình thành ngạ quỷ đói khát những điều không thực, do ta không nhận ra vô thường, bám víu vào những bức tranh thật đẹp.
Vua đã chọn bức tranh thứ hai để biểu tượng và làm biểu tượng cho sự bình an. Chúng ta không phải chọn cuộc đời sóng gió như vậy làm biểu tượng cho sự bình an, mà chúng ta phải nhìn thấy rằng con chim mẹ nó đã chọn ở trong hoàn cảnh giông tố có một cái cây để làm tổ. Nếu trong hoàn cảnh bão tố đang ập tới với cuộc đời của quý vị, quý vị vẫn tìm được một cây mọc ở trên vách núi cheo leo của tâm Phật, đó chính là tánh thiện lành. Trụ vào đó, làm tổ nơi đó, nhất định sẽ có những chú chim con hót líu lo, đó là gì? Là sự thành tựu của những phước báu quý vị có được, các bạn có được. Người tu không màng sự thử thách mà chỉ sợ tâm mình đeo đuổi những ảo ảnh của cuộc đời, tìm tới những điều mà người khác mặc định, cài đặt, dẫn dắt. Để suốt cuộc đời không tu luyện cho có ý chí, mà chỉ chạy theo những điều người ta đồn thổi rồi mình đánh mất mình. Ở đây có ai đã từng đánh mất mình trong một thời gian ngắn vì ai đó trong gia đình, trong cha mẹ, có thể là cha, là mẹ, là vợ, là chồng, là bạn bè dẫn dắt, đã thúc đẩy rồi ta bỏ mất quyết định của mình, lập trường của mình, ý chí của mình chạy theo họ, đến khi hụt hơi mới biết ra ta đã bỏ quên ta, có không? Có! Bảo Thành cũng bị, quý vị ai cũng bị hết. Cho nên tâm bình thường là đạo là tâm đó chỉ có được từ sự công phu tu tập, quán chiếu vô thường. Để hỗ trợ cho ta quán chiếu sự vô thường cho tỏ tường, ta nương vào hơi thở của chánh niệm, ta nương vào mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để trí tuệ thấy rõ như hai bức tranh. Còn nếu ông vua đó mà ổng không khéo nhìn thấy tổ chim ở đằng sau thác nước đang đổ xuống ở một bụi cây nhỏ, thì như mọi người thôi sẽ chọn bức tranh thứ nhất.
Trong cuộc đời giông bão của ta, ta có nhìn thấy đằng sau thác nước đang đổ xuống tưởng như cuốn trôi, nhấn chìm đời mình có một tổ chim ở đó không? Có con chim mẹ đằng sau đang ấp con không? Các bạn đồng tu đang ngồi đây tức là có rồi, ta đang ngồi tu, chim khôn chọn cành mà đậu, ta đã chọn cành chân như Phật tánh, mình khôn lắm rồi. Không là người ta bảo đi tu để làm gì, ở nhà karaoke, đi chơi, đi ăn, đi uống, gặp bạn bè phải không? Như bức tranh thứ nhất vẽ ra quá đẹp, ở đời có nhiều tranh vẽ vẽ đẹp lắm để dẫn dụ, dẫn dắt và xô đẩy chúng ta đến vực thẳm của tâm tham, để tham mà không đạt được thì thành sân, mà sân quá trời, sân ngậplên trên đỉnh đầu thì thành si, giận quá thì quá ngu, giận quá mất khôn. Nhưng mà nếu gặp ông chồng ổng đang nóng, bà vợ đang nóng, mình chửi giận thì hóa ngu, thì ổng nói “tao ngu mày thích không thích thì thôi”, ở đời có đó! Cho nên quý vị nhớ tâm bình thường là tâm quán chiếu thấy rõ vô thường và tâm đó được gọi là tâm đạo. Ở đây có ai bất bình thường và bây giờ trở lại bình thường chưa? Hôm nay ta phải trở lại bình thường, hiểu thấu cuộc đời. Hỡi những ai đang đau khổ trong cảnh vợ vợ, chồng chồng, con cái, hoàn cảnh làm ăn, kinh tế gia đình, bạn bè, thôn xóm, thân yếu, thân bệnh, thân nghèo, thân khổ, thân than, thân thở thì phải nhớ những chuyện đó là chuyện vô thường. Quán chiếu thấu rõ ta sẽ trở thành người bình thường. Người bình thường là người bình an thường lạc trong mọi cảnh vô thường lui tới do nhân duyên của mình và để có được sự bình thường đó, hưởng sự an lạc đó ta phải quán chiếu vô thường và người quán chiếu được vô thường biết làm tổ ấm cuộc đời trên vách núi cheo leo giữa cuộc đời giông tố này, nơi cành cây của tâm tánh Phật, làm một cái tổ qua công hạnh tu ta sẽ tạo được vô cùng phước báu. Để có tâm bình thường được gọi là đạo. Không chọn cảnh thứ hai, bức tranh thứ hai cũng như bức tranh thứ nhất bởi đời là vô thường, tâm thanh tịnh quán chiếu vô thường thì cảnh đời có như thế nào đi nữa tâm ta cũng là đạo. Con đường đạo đó đưa ta tới sự bình an hạnh phúc, tăng trưởng phước báu. Hãy trở về với hơi thở.
Thưa Phật! Chúng con nghe rồi chẳng muốn trở thành những người dị thường, những người phi thường mà muốn trở thành một người rất bình thường, quán chiếu vạn pháp vô thường trong mật ngôn số hai để mỗi một khoảnh khắc trong cuộc đời những cảnh trái ý, nghịch hoặc thuận chúng con đều đón nhận bằng tâm hỷ, biết buông xả toàn diện để con đường đạo luôn là ánh sáng trí tuệ, dẫn đưa chúng con tới bờ giác ngộ.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển. Sống tâm bình thường.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)
Hồi hướng:
Chúng ta hãy hồi hướng công đức.
Thưa Phật! Nếu chúng con có được chút phước báu nào ngày hôm nay, chúng con nguyện hồi hướng cho mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.