Các bạn thân mến. Mặt trời lên rồi mặt trời xuống, tạo ra nhiều danh từ trên thế gian này. Mặt trời lên thì gọi là bình minh. Mặt trời xuống thì gọi là hoàng hôn. Khi nói đến bình minh, người ta nói đến sự bình tĩnh, ánh sáng tràn đầy. Một ngày mới đang tới. Nói đến hoàng hôn, khi chiều tà nắng nhẹ bên bờ, một cơn gió thoảng…. Ôi chao, đối với các nhà thơ thì bình minh cũng đẹp, mà hoàng hôn cũng đẹp. Mà cũng hay các bạn, phải không? Nếu bình minh không đẹp, trên đời đâu có những ca khúc tán tụng về bình minh đâu. Nếu hoàng hôn không đẹp, sao có những nhịp điệu của cuộc đời để tăng cảm xúc làm người.
Câu chuyện về một anh chàng đi tu. Trong lúc anh ta tu, đi đến vị thầy nào anh ta cũng không nhận ra rằng những vị đó là những bậc cao nhân. Cho nên cuối cùng anh ta buồn. Vô tình trong một cuốn kinh, anh ta nhận ra được một chân lý gì đó không biết, kinh này hình như cũ lắm rồi, nó thuộc tạng một bửu bối chân truyền của nhiều đời để lại. Nhưng anh ta hạnh phúc, bởi vì chẳng ai tìm thấy, anh ta là người duy nhất có cuốn kinh này, nên trong lòng vui, vui đến mức mà dấu không cho ai hay hết. Thế rồi một hôm anh ta ngồi thiền, ngồi kỷ, ngồi lắng sâu, ngồi nhập định, ngồi ngây ngất ở trong thiền viện. Hình như anh ta đạt tới một điều gì mà bí kíp thượng thừa trong cuốn kinh đó đã lưu truyền. Anh ta mỉm cười nhẹ nhàng. Nhưng bỗng chốc, ở trong tưởng thức của anh ta hiện lên hai thằng quỷ. Một thằng quỷ ngồi bên trái, một thằng quỷ ngồi bên phải. Chúng bắt đầu nói chuyện với anh ta. Anh ta cười nói với bản thân: ta đã là người thiền rồi, đi cao quá rồi, cảnh giới cao rồi, giác ngộ rồi. Nay quỷ tới chắc là nương nhờ thần lực của ta đây. Anh ta ngồi im, hai thằng quỷ cũng ngồi im. Anh ta mỉm cười. Hai thằng quỷ cũng cười. Anh ta thấy, à thì ra chúng đang tiếp thu năng lượng định tuệ của ta đây. Ôi ta đã giác ngộ. Lòng vui, lòng vui…, tu bao nhiêu kiếp, giờ có chân kinh, mới ngồi một chút xíu đã trở thành Phật rồi, mừng quá, mừng quá, trong lòng hoan hỷ. Thế nhưng anh ta tò mò. Hai thằng quỷ này ngồi đây để làm gì? Và chính cái tò mò đó, anh ra nghĩ rằng: thôi, ta là Phật. Ta là bậc giác ngộ mà. Chúng sanh sợ hãi ta. Chúng sanh mờ mịt không biết gì, tỏ lòng thương xót ban vui cứu khổ. Như những hạnh nguyện của Phật, tỏ lòng thương xót anh ta mới hỏi thằng quỷ bên trái. Này anh quỷ kia, ngươi tên là gì? Anh quỷ trả lời: Bạch ngài, con tên là Ghét. Anh ta chột dạ. Ở trên đời mình sống bao nhiêu năm nay, chưa có một ai đặt tên là thằng Ghét. Anh ta mới hỏi: Vậy thì con ghét cái gì? Dạ bạch ngài con là thằng Ghét. Con ghét nhất là đánh mất sự bình an. Hình như vị chứng đắc kia ngồi nhẹ mỉm cười và nghĩ như vầy: Mất bình an, thì chỉ có đi tu mới tìm được sự bình an chứ. Còn không đi tu thì cả đời vẫn tên là Ghét. Nên anh ta nói rằng: Con à, quỷ bên trái nghe đây. Ngươi tên là Ghét, ngươi ghét nhất là đánh mất sự bình an thì ngươi phải đi tu mới có được sự bình an chứ. Ngươi phải cố gắng tu, như ta đây. Ta không có bình an, nên ta tu, ta có bình an nè. Nên các ngươi mới tới nương nhờ ta. Anh ta vui dữ lắm. Rồi anh ta nhìn thằng bên phải, và hỏi: thằng quỷ, tên gì? Nó nói: dạ, dạ…, dạ…, dạ… Nó không nói được. Ảnh hỏi, trời đất ơi, ngươi tên gì quỷ? Thằng quỷ ghét ta hỏi một câu là nó nói liền. Con ngươi, sao ta hỏi không nói mà cứ ú ớ hoài. Nó nói; dạ…dạ…dạ… con tên Sợ. Mà đúng thật, ông ta vừa hỏi nó đã ú ớ sợ rồi bởi nó tên là Sợ. Anh ta mới hỏi rằng: Này thằng Sợ kia, tại sao ngươi tên là Sợ? Dạ, con tên là Sợ, bởi vì con sợ bóng tối của lòng danh lợi, của sự tranh chấp, của sự hận thù ghen ghét, làm mất đi lương tri, mất đi tất cả, không thể đi tới sự giải thoát, nên con sợ. Anh ta phán luôn không cần suy nghĩ: Ngươi sợ bóng tối, bởi vì ngươi là ma, có phải không? Ngươi là quỷ, bóng tối tới ngươi phải hiện hình, còn ban ngày ngươi không dám hiện hình? Hiện hình trong bóng tối của danh lợi, của tiền tài danh vọng, của tranh chấp hơn thua, của ganh ghét hận thù. Ngươi đúng là thằng Sợ. Anh chàng này tự đắc. Tu có bí kíp chân truyền của tổ nào không biết nữa. Anh ta đã tìm thấy trong một đống rơm, trên tổ chim. Anh ta đã thành một vị cao nhân rồi. Quỷ Ghét, quỷ Sợ phải tới lạy. Anh ta mừng, mừng quá nói. Thôi ngồi đi, ngồi đó mà cười như lúc nãy thôi là được rồi. Ta làm gì làm theo. Và anh ta bắt đầu nhập vào thiền định. Nhưng anh ta bí lối, không biết phải làm sao thiền đây. Nay có một thằng Ghét, một thằng Sợ ngồi bên trái, bên phải. Rồi anh ta bắt đầu sợ, sợ cái năng lượng sợ của thằng Sợ nhập vào. Anh ta ngồi một hồi, cái thằng Ghét nó ngồi bên cạnh, thế là dính năng lượng ghét vô. Thế là anh ta bắt đầu ghét hàng xóm, ghét bạn bè, ghét người thân, ghét đến ông thầy. Rồi lại cái năng lượng sợ, sợ không thành công, sợ này sợ kia. Cuối cùng, anh ta bồn chồn lấy cuốn sách ra đọc lại trang cuối coi nói gì. Và trong phần cuối của trang, bậc ghi lại bí kíp đó để gọn lại có mấy câu thật đơn giản. Thật là đơn giản. Khi thương thì không ghét. Khi định thì không sợ. Sống trên đời biết nhường nhịn. Sống chấp nhận lẫn nhau. Nếu đã yêu, yêu cho trót. Trong cuộc làm người, dù bất cứ sự gì, đừng run sợ. Ghét và sợ là cảm tính của con người. Ghét và sợ là cảm xúc của dòng đời. Sống ngoài ghét sợ lòng người an vui. Sống ngoài ghét sợ? Anh ta giật mình nhìn lại hai thằng quỷ Ghét và Sợ tại sao chúng ngồi bên mình, thì chúng đã biến mất rồi. Anh ta mới chợt ngộ ra. Không phải quỷ Ghét Sợ hiện hình ra, tới trình bày. Mà chính trong Tâm của anh ta trong khi thiền. Sự sợ hãi muôn thuở của cuộc đời. Bất thiện nghiệp nhiều đời kết lại đi tới hiện hình. Tâm có sợ thì lòng thấy sợ. Tâm có ghét thì lòng thấy ghét. Ghét sợ đó anh mới nhận ra rằng chính là do anh ta có ở trong tâm ghét và sợ. Khi anh ta nhận ra rằng ghét sợ có ở trong tâm mình. Anh ta đã tới sự tịch tĩnh an nhiên. Và ngộ được lời kinh của cuốn bửu bối. Cuốn sách tìm được trong tổ chim đã để lại cho anh ta câu: Ghét sợ là chính tại tâm mình. Chính tâm ghét sợ tương ưng đó, trong tưởng thức của khi anh ta nhập thiền, ngồi tu, hóa hiện muôn hình ảnh tới để giúp vui cho anh ta, để anh ta cảm thấy như đã chứng đắc. Khi anh ta hiểu được điều đó, anh ta ngộ ra rằng, tất cả những gì tới và lui trong tưởng thức của mình chỉ là cảch trần tích lũy nhiều đời nhiều kiếp. Ngộ được điều đó anh ta không còn dính mắc vào thằng quỷ ghét và thương, bên trái và bên phải, bên đúng và bên sai, bên hoàng hôn hay là bên bình minh nữa. Giữa bình minh hoàng hôn, cuộc thế chuyển vần, anh ta sống tự tại giữa ghét và sợ, giữa yêu và hận, anh ta chẳng còn dính mắc. Đi giữa con đường đó tự tại an nhiên.
Các bạn, đây là một câu chuyện thực tế xảy ra cho nhiều người chúng ta. Khi chúng ta có những nỗi sợ về cuộc đời, bởi thất bại và thành công, đương đầu với thử thách. Hay khi chúng ta ghét. Ghét là bởi vì cuộc đời biết bao người tạo khổ cho chúng ta. Chúng ta tìm tới cửa thiền môn, giáo lý của phật, mang cái tâm sợ và tâm ghét đó. Nên khi nhập vào thiền định trong tiếng mõ tiếng chuông, tưởng thức của ta sẽ hiện ra muôn trùng những hình ảnh khác biệt để đối kháng với ta. Đó chính là do nghiệp của chúng ta, nương vào tưởng thức để gợi ý. Nếu con mắt của chúng ta nhìn rõ ghét và sợ, thương và hận, yêu và thù đó là chính trong tâm của ta, thì ta sẽ mang chánh niệm hơi thể để điều phối chúng nhẹ nhàng. Nhưng không phải dễ đâu. Thật nhiều bạn đã lầm tưởng. Khi trong tưởng thức hiện hình thì lầm tưởng, như cái anh đó lúc đầu. Trên thế gian biết bao nhiêu người lầm tưởng. Không những lầm tưởng có quỷ Ghét, quỷ Sợ tới, mà còn lầm tưởng có Phật, có Bồ tát, có Thượng đế, có Thánh, có Thần đến, rồi hãnh diện vì ta như vậy chứng đắc rồi nên Phật thánh thần tiên ghé ngang. Chưa kể lại còn có người thấy cả Diêm Vương đến quỳ lạy. Có người thấy cả vong linh ghé về, tưởng mình là trung tâm của vũ trụ, như cái rốn của vũ trụ, như bậc giác ngộ, mà Phật thần thánh hiền, quỷ ma vong linh, cô hồn các đảng phải tới tiếp cận với ta. Để qua ta, ta giáo dưỡng chúng sanh, cứu khổ cho chúng sanh. Đó mới là điều mắc cạn trên cành cây, tự mãn như anh chàng kia đọc được bửu bối tự khen mình đã chứng đắc. Đó chính là vì chúng ta không có một bậc thầy hướng dẫn, nên chúng ta thường lăn xả vào tưởng thức của mình. Anh Ghét, anh Sợ, anh Giận, anh Thương, anh Yêu, anh Thù…Tất cả họ đối kháng hiện hình trong tưởng thức. Rồi hiện ma, hiện quỷ, hiện thần, hiện tiên, hiện thánh, hiện Phật, Bồ tát luôn. Hiện Diêm Vương, vong linh, cô hồn các đảng. Và chúng ta cứ tưởng mình giác ngộ như anh chàng đó.
Người tu không phải là tầm cầu Phật ở cõi trên hiện xuống, hay Bồ tát thánh hiền, hay đưa tay cứu vớt vong linh. Mà người tu theo chánh pháp của Như lai, với chánh kiến là để cứu vớt CHÍNH MÌNH, với cái tâm của mình. Tâm như họa sĩ vẽ muôn màu, muôn sắc. Chính vì cái tâm của ta như họa sĩ, vẽ muôn màu muôn sắc của Phật thánh quỷ ma, vong linh, tiền tài, danh vọng, đều do tham sân si mà ra. Nên các bạn nghe tới những vong linh này khác tới lui, nhập trong cuộc đời hoặc quỷ ma lui tới như anh chàng trong câu chuyện. Cuối cùng anh ta nhận ra được đó chính là tâm của anh ta hiện hình. Khi anh ta nhận ra điều đó thì những tưởng thức tan biến. Anh ta sống trong chánh niệm, tịch tĩnh an vui tới ngay tại chỗ.
Các bạn hãy quay trở về phá tan tưởng thức của những vọng niệm đang hiện hình dù là quỷ hay là ma, hay là gì đi nữa. Đừng chứng tỏ ta là người quan trọng như sứ giả của Như Lai, ban vui cứu khổ, dẫn dắt mọi người qua bể khổ cuộc đời. Ta còn lặn ngụp trong bể khổ cuộc đời, còn tham sân si chìm đầy hết thì làm sao cứu người được. Không biết bơi, mà nhảy xuống hồ cứu người, chết đuối. Các bạn chưa tu, chưa giữ được 5 giới, chưa có tâm chánh định mà lại nghĩ rằng đang cứu vớt vong linh, đang cứu vớt linh hồn này, linh hồn kia…các bạn sẽ chết chìm trong cái tâm đó. Như người không biết bơi, thấy người chết đuối, tỏ lòng anh hùng nhảy xuống cứu, hóa ra chết cả hai người.
Cảm ơn các bạn đã nghe
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa