Search

Nhảy Múa Trên Sa Mạc

Các bạn thân mến.  Ở trên đời, nhiều khi chúng ta cứ ngẫm nghĩ ta làm gì đây.  Và bất cứ việc gì ta làm, ta cũng thường hay chú tâm đến sự nhận xét của mình.  Cẩn thận hơn nữa, chúng ta còn thăm dò những người đi trước, có kinh nghiệm, chia sẻ với chúng ta.  Chúng ta lấy nguồn cảm hứng từ kinh nghiệm của người đi trước, để nuôi dưỡng tư tưởng, ước mơ của mình.  Đặc biệt nhất là những bậc đã thành công thật sự, chúng ta thường tìm đến để xin các đấng đó cho những lời chia sẻ, khuyên bảo. 

Điều đó không chỉ ở trong tôn giáo, mà cả trong cuộc đời từ xưa tới nay, cổ kim luôn nhắc nhở hậu thế là phải thường tiếp cận với những bậc thành công để học hỏi kinh nghiệm.  Thời chưa có kinh sách, chưa có văn chương, chưa có báo chí, mỗi người muốn học phải tiếp cận những người có kinh nghiệm, thành công để hỏi.  Đối với ngày nay, chúng ta có quá đầy đủ thông tin, kinh nghiệm sợ bị mất đi, nên những ai đã trải qua kinh nghiệm thường ghi chép xuống thành sách, thành những biên bản, tài liệu lưu giữ ở trong văn khố của quốc gia, của khu vực hoặc trong những thư viện lớn.  Để cho những thế hệ sau khi muốn tra cứu, họ vẫn có thể tiếp truyền những kinh nghiệm đó để đi tiếp con đường.

Các bạn, chúng ta hãy trở về thuở xa xưa khi Đức Phật còn tại thế.  Lúc đó Đức Phật đi kinh hành qua những khu rừng.  Trong khu rừng đó, có biết bao nhiêu người tu chỗ này chỗ kia.  Có một chỗ rất đặc biệt, khi Phật đi qua, có một người đang tu.  Người đó thấy Đức Phật là bậc giác ngộ, muốn tham vấn với ngài để ngài ấn chứng và thọ ký xem đạo hạnh của mình, sự tu của mình như thế nào.  Đó là một người tu khổ hạnh.  Ngồi dưới gốc cây, không di chuyển, để thân này phải hàng phục tâm, đi đến sự giác ngộ.  Người đó quỳ xuống thưa: Bạch Đức Thế Tôn, con tu đã lâu lắm, và tinh tấn vô cùng, xin ngài cho con một lời rằng khi nào con sẽ giác ngộ.  Đức Phật với oai nghi của đấng minh tuệ đã nói thật nhẹ nhàng, như một búp sen đang nảy mầm trong tâm thức của anh kia:  một ngàn năm sau, anh sẽ giác ngộ.  Khi nghe qua, người thiền này buồn rầu vô cùng.  Sao lại phải một ngàn năm sau mình mới có thể giác ngộ.  Cuộc đời ngắn mấy mươi năm.  Ngàn năm nữa mình biết đi về đâu.   Anh ta buồn vô cùng, buồn không thể nói hết nữa.  Thế nhưng anh ta vẫn tiếp tục tu tập.  Buồn, nhưng vẫn tu. 

Đức Phật lại tiếp tục con đường kinh hành.  Đến một khu rừng xa nữa, lại cũng có một người tu đứng bằng một chân thôi.  Người này cũng muốn tham vấn bậc giác ngộ, xin sự chia sẻ để biết rằng con đường tu của mình bao giờ sẽ tới được sự chứng ngộ.  Cho nên vị đó quỳ lạy Đức Phật, xin Phật một lời khai thị để biết khi nào mình có thể thành Phật.  Bạch Phật, khi nào con có thể giác ngộ được thưa ngài?  Phật cũng nhìn, với cái uy nghi của bậc giác ngộ, và cũng khẽ nói như một làn gió thật mát thổi qua giữa trưa hè rằng: một ngàn năm sau anh sẽ giác ngộ.  Anh này nghe xong rầu rỉ, khóc lóc buồn lắm, buồn thật là buồn. Nhưng rồi anh ta cũng vẫn tiếp tục tu. Cả hai người đều tiếp tục tu bởi Thế Tôn khai thị một ngàn năm sau sẽ giác ngộ.  Nhưng tâm trạng hai người thật là buồn. 

Rồi Đức Phật đi tiếp tục, ngang qua một sa mạc, đất trống, cát, có một người tu nhảy múa trên sa mạc.  Thấy Đức Phật đi ngang, tướng hảo bậc giác ngộ hiện tiền giữa sa mạc, liền hỏi ngài rằng.  Bạch ngài, xin cho con biết khi nào con sẽ giác ngộ. Phật nhìn một khuôn mặt trầm tĩnh, nhảy múa trên sa mạc nóng bỏng, với niềm vui hân hoan vô cùng.  Phật cũng lại khiêm tốn nói rằng: À, anh sẽ giác ngộ một ngàn năm sau.  Xong rồi Phật lại ra đi.  Lời phán một ngàn năm của Phật làm cho người nhảy múa trên sa mạc đó chẳng có chút gì cảm động, chẳng có chút gì sợ hãi, chẳng có chút gì buồn chán hết.  Anh ta vẫn điềm tĩnh như những tháng ngày đã tu tập ở nơi đây.  Lời tham vấn vẫn là lời tham vấn.  Sự trả lời của Phật chỉ là một sự trả lời anh ta đã nghe, đã biết và đã hiểu.  Anh ta vẫn trầm tĩnh, vui vẻ, hân hoan, nhảy múa với sa mạc nóng bỏng mà bao nhiêu lâu nay anh ta đã tu ở đó.  Khi Đức Phật dạo chân đi xa, thì chỉ trong chốc lát, anh này đã đi tới sự giác ngộ. 

Cũng ba người được trả lời từ Thế Tôn là một ngàn năm sau giác ngộ.  Hai người đầu thì buồn bã vô cùng, nhưng người thứ ba không dính mắc vào câu trả lời của Phật.  Hỏi để bậc giác ngộ ban ân, nhưng chẳng vì lời nói của Phật ngàn năm sau mới giác ngộ mà buồn.  Anh ta vẫn trầm tĩnh, vẫn bình thường.  Tâm vẫn định an ở giữa sa mạc nóng bỏng.  Thế nên, khi Phật đi xa, anh đã giác ngộ.

Câu chuyện nói lên điều gì? Dĩ nhiên, mỗi người có một cách giải thích riêng của mình.  Nhưng ở đây, Bảo Thành muốn mượn câu chuyện để nhắn nhủ bản thân và mọi người rằng.  Chúng ta ở trên đời, ai cũng muốn hỏi ý kiến của người khác về mình như thế nào.  Nhất là chúng ta luôn mong cầu sự hỏi han đó, được trả lời sao đó mà làm cho chúng ta hài lòng.  Chúng ta hài lòng ở chỗ người trả lời đó nói thật rõ ta sẽ thành công. Dù công việc nhỏ, hay công việc lớn, dù chuyện bình thường, hay chuyện vĩ đại thì khi ta hỏi ai đó, nhất là những người có kinh nghiệm, hay những bậc thầy, chúng ta thường mong họ nói rằng ta sẽ thành công ngay bây giờ, mới vui.  Nghe vậy hạnh phúc.  Câu chuyện hai người kia khi nghe trả lời một ngàn năm sau, họ buồn lắm.  Người thứ ba không buồn, tâm tịch tĩnh, tức là người có chánh định, tâm không chấp.  Vẫn hỏi những là bậc cao nhân, những bậc giác ngộ, nhưng tâm không chấp và dính mắc vào trong đó. Chính vì đó, tâm thái an nhiên tự tại, dù nhảy múa. Đây là điều hay nè các bạn. Dù tu hạnh nhảy múa quay cuồng trên sa mạc nóng bỏng, tâm vẫn chánh định, tâm vẫn chánh niệm an vui.  Chính vì điều đó, chỉ nương vào sự khai thị của Phật, hùng lực của Thế Tôn qua câu nói một ngàn năm sau, chỉ tợ như bóng câu trôi qua, anh ta đã giác ngộ. 

Chúng ta, những phận đời trong cuộc chơi, cũng đang nhảy múa trên sa mạc nóng bỏng của cuộc đời, nóng bỏng của sự thành tựu, tài danh, tiền bạc, nóng bỏng của thành tựu tình cảm, vật chất, nhà cửa.  Ôi sa mạc của cuộc đời đầy cát nóng bỏng, quay cuồng nhảy múa ở trong đó.  Nhưng chúng ta cũng có phước duyên tới với Phật.  Và trong sự nhảy múa cuống cuồng trên sa mạc cuộc đời, mỗi người chúng ta cũng thầm nhờ Phật khai thị rằng: Phật ơi, bao giờ con có được sự tự tại.  Biết bao nhiêu chuyện đã xảy ra, đã tạo ra biết bao nhiêu cảm xúc.  Nhưng các bạn khi tới với Phật vẫn thường hỏi để sách tấn mình.  Chúng ta hỏi Phật qua các bậc thầy, qua giáo lý, qua nhân quả. Và ngầm thấy những câu trả lời cho chính mình làm cho các bạn, và cả Bảo Thành lòng buồn ngao ngán.  Vì câu trả lời đó xúc chạm đến cảm xúc mong muốn của chúng ta. Bởi vì ta mong muốn những điều thiện hảo, nay không như ý ta buồn.

Vẫn có những con người khi tới với Phật, nhìn rõ được những điều xảy ra, mà họ vẫn có chánh định, tâm vẫn tịch tĩnh.  Bởi vì trong cuộc đời nóng bỏng sa mạc nhảy múa cuồng điên với những lăn dục, người đó vẫn giữ được tâm chánh niệm. Lời khai thị của bậc chân nhân, hay của Chư Phật, của các bậc thầy tổ, hay những người có duyên đối với họ, họ đều giữ chánh niệm hơi thở, lắng nghe thật sâu, và an yên tự tại.  Bởi vậy, năng lượng tích được do sự gởi gắm của những bậc thầy luôn luôn được tiếp đón, và từ đó đi tới sự giác ngộ an nhiên. 

Các bạn nhớ rằng trong cuộc sống, hạnh phúc không phải là thứ sẳn sàng có trong tầm tay.  Hạnh phúc đến từ hành động của chính ta.  Bởi vậy cũng tu, cũng mong cầu giải thoát, nhưng khi nói đến sự tu đó, phải như này, phải như kia, hai người kia buồn lắm.  Chúng ta cũng vậy, khi đi tu, khi tiếp cận với các bậc thầy, các bậc thầy đôi khi nhắc nhỡ chúng ta hãy tinh tấn lên, như vậy, như kia, chạm vào tự ái của ta.  Ta buồn ngay tức khắc.  Nhớ rằng, ta nghe mà ta buồn, ta nghe mà ta cảm xúc, để cho những nỗi niềm đó chồng chất thì cái sự nghe đó vẫn còn thể hiện sự dính mắc trong nhu cầu đòi hỏi câu trả lời theo ý mình.  Chỉ một sự dính mắc mỏng manh đó thôi thì cả ngàn năm sau hai vị kia mới giác ngộ. 

Người thứ ba chẳng dính mắc trong sự mong cầu, mà chỉ hỏi để nhờ sự khai thị của Phật.  Tâm tịch tĩnh, chánh niệm, anh ta đã đi tới sự giác ngộ ngay sau đó.  Các bạn hãy nhớ rằng, bất cứ một chuyện gì cũng vậy, những chuyện nhỏ hay chuyện vĩ đại, thành tựu hay không, đều là phải kiên định trong tất cả những sự xuyên suốt của thử thách tới với chúng ta.  Nhớ rằng bất cứ một sự thành công nào, một sự thành tựu nào, một sự tu tập nào, thì hãy nhớ, nhiều sự thử thách đều đang tiềm ẩn trong những nguy cơ tới với chúng ta.  Tuy nhiên không có gì đáng sợ, bởi sống trong chánh niệm, tịch tĩnh trong chánh niệm, tinh tấn tu học thì khi lời của bậc Thế Tôn khai thị, không phải là con số một ngàn năm, hay một trăm nay, hay một ngày, mà năng lượng, năng lượng từ bi của Thế Tôn gởi tới qua câu trả lời đó.  Ngôn lời của Thế Tôn không phải là ngôn lời mang ý nghĩa, dĩ nhiên nó nằm ngoài ý nghĩa của nhân sinh.  Từng lời của Chư Phật chất chứa năng lượng từ bi, nếu chúng ta đón nhận được năng lượng đó, chúng ta sẽ đi tới sự giác ngộ của sự an vui tịch tĩnh.  Người thứ ba đã giác ngộ, trong chánh niệm hơi thở, trong sự tịch tĩnh.  Chúc các bạn, nếu gặp được những bậc cao nhân, hay khi hỏi một điều gì, chúng ta đón nhận câu trả lời trong niềm vui, trong chánh niệm.  Đừng để điều ta mong muốn làm cho chúng ta buồn, rơi vào những nỗi niềm cõi lòng riêng của mình

Cảm ơn các bạn đã nghe, chúc các bạn an vui

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn