Tâm Sĩ đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển Đại Từ Đại Bi tới muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và trên Facebook Chùa Xá Lợi.
Các bạn thân mến,
Cuộc sống chúng ta thường bị dục vọng lôi kéo, mấy ai trên đời có thể kềm hãm được đâu. Nếu kềm được dục vọng, có lẽ chúng ta sẽ được bình an và hạnh phúc.
Một câu chuyện kể: Có một thanh niên sống ở trên đời bị dục vọng lôi cuốn quá nhiều, đến lúc anh ta mệt mỏi quá, nên đi tới một Thiền đường, nơi đó có một vị Thiền sư đã chứng đắc được sự an lạc, để xin sự chỉ dẫn. Khi tới đó gặp vị Thiền sư, anh trình bày với Thiền sư rằng, anh ta muốn chuyển hóa dục vọng, cuộc đời của anh ta mệt mỏi quá rồi. Vị Thiền sư nói với anh ta rằng: Anh hãy về nhà đi, ngày mai trở lại đây, chúng ta sẽ bàn về dục vọng thì nhất định anh sẽ hết thôi. Nhưng nhớ rằng, trước khi bàn về chuyện đó, từ bây giờ tới ngày mai, anh không được ăn, uống bất cứ một thứ gì, thì khi tới Thiền sư mới có thể khai thị, cho anh hiểu, ngộ được việc này.
Anh chàng thanh niên nghe thấy thật là thích thú, bởi vì ngày mai sẽ được hóa giải mọi dục vọng của cuộc đời. Anh ta đi về, không ăn không uống ngay từ lúc đó cho tới sáng mai. Đến sáng anh tới với Thiền sư, khi Thiền sư bắt đầu nói chuyện, thì anh ta kể về nỗi khổ của dục vọng, lôi cuốn anh ta bao nhiêu năm nay.
Thiền sư ngồi nghe kể từ ban sáng cho tới chiều, xong vị Thiền sư đứng lên nói với anh ta: Bây giờ anh có thể ăn được gì không, cảm giác như thế nào. Anh thanh niên nói rằng: Ui chà, đói quá, từ hôm qua tới giờ chưa ăn, sáng giờ kể chuyện, đói run cả người. Bây giờ mà ăn, cả một con bò tôi ăn cũng hết, cả vài chung nước tôi uống cũng cạn. Vị Thiền sư nói: Vậy thôi chúng ta cùng đi.
Hai người đi một đoạn đường dài lắm, ba bốn, sáu bảy dặm đường xa xôi, thì tới một vườn táo. Vị Thiền sư nói: Đây cái bao, anh hãy hái táo để chúng ta cùng ăn, nhưng nhớ hái cho đầy, mang ra Thiền đường ngồi xuống cùng ăn với ta, không được ăn ngay bây giờ đâu, nhớ hái cho đầy đi. Nói xong vị Thiền sư trao cái bao rồi tản bộ đi về Thiền đường. Anh thanh niên rạo rực trong lòng, đói bủn rủn chân tay, liền ôm cái bao nhảy lên cây hái cho thật đầy bao táo.
Về tới Thiền đường, vị Thiên sư thong dong ngồi uống trà tịch tĩnh. Nhưng mãi tới tối, tới khuya, chàng thanh niên mới khệ nệ vác bao táo đầy ắp mang về Thiền đường. Vị Thiền sư nói: Anh đã về tới rồi, thôi hãy ăn đi đã, rồi chúng ta nói chuyện. Anh Thanh niên hai tay chụp trái táo ăn ngấu nghiến thật là nhanh, xong uống vài ly nước bụng kềnh ra no. Vị Thiền sư hỏi chàng thanh niên: Bây giờ anh no chưa, chàng thanh niên nói: No quá rồi, từ hôm qua tới giờ đói quá, lại vác cái bao lớn như vậy mệt nhoài, đói run cả người thưa Thiền sư, nhưng ăn được hai trái táo, uống vài ly nước thì no kềng bụng rồi, bây giờ muốn ăn, muốn uống nữa cũng không được.
Vị Thiền sư mới nhẹ nhàng nói với chàng thanh niên: Nhu cầu để no của anh sau một cơn đói, là hai trái táo và vài ly nước, thế mà tại sao lại vất vã đi một đoạn đường mấy dặm. Tại sao phải khệ nệ, ôm cả một cái bao nặng trĩu trên vai, đi một đoạn đường dài về tới đây, để cuối cùng chỉ ăn hai trái táo, uống vài ly nước đã no. Hình như chàng thanh niên đã hiểu, đã thấy rõ, đã thấm, bởi vì thực tế đã trải nghiệm được điều đó, liền chắp hai tay cám ơn vị Thiền sư đã khai thị.
Các bạn thân mến,
Nếu các bạn là chàng thanh niên kia thì sẽ hiểu, ở trên đời cái rất cần cho cuộc sống, như cơn đói trải dài một ngày một đêm, đi mấy dặm đường, cũng chỉ có hai trái áo, vài ly nước. Nhưng lòng chúng ta không ham ăn hai trái táo, vài ly nước, mà hái đầy bao vác trên lưng khổ vô cùng, mà về nhà ăn chỉ có hai trái vài ly. Sao không chỉ lấy hai ba trái, để đi về nhẹ nhàng nhanh chóng, ngồi ăn táo, uống trà đàm đạo với Thiền sư có hay hơn không.
Đây là điều chúng ta phải suy nghĩ, nhu cầu của chúng ta là bao nhiêu, còn lòng tham dục vọng của chúng ta là bao nhiêu. Cuối ngày để no, hai trái táo vài ly nước. Cuối cuộc đời nằm xuống dưới lòng đất, có gì để mang theo. Nói như vậy không phải để truyền bá tinh thần tiêu cực, để chúng ta giải đãi làm biếng, không làm, không tu. Nói như vậy để chúng ta phải suy nghĩ, thấy được giá trị đích thực của cuộc đời, là những gì chúng ta cần, để chúng ta không quá sức vượt ngoài, để cuối cùng rơi vào dục vọng, nó cuốn tròn, cuộn quanh, xoáy tít trong cuộc đời, làm chúng ta mệt mỏi nhức đầu thậm chí có thể chết.
Biết bao nhiêu con người đã bị rơi vào giếng dục vọng, để cuối cùng bào mòn sức khỏe, bào mòn cuộc đời theo năm tháng, đến khi già nua ngồi lại hối hận thì đã xong. Không những chỉ có người Phật tử tại gia, mà ngay cả các bậc tôn túc cũng thế, bào mòn sức khỏe, tinh thần theo năm tháng, bởi những dục vọng chạy đua quá lớn, mà nhu cầu cần thiết không là bao, để khi ngồi lại với huynh đệ, hoặc ngồi lại với nhau trong gia đình, nhìn lại cả một thời, chúng ta thấy hối tiếc những dục vọng mà chúng ta đã đắm đuối.
Nếu mau tĩnh ngộ nhận thức được điều này, chúng ta thấy chẳng cần thiết hái thật đầy một bao táo, vác về nhà tối khuya, ngồi giữa Thiền đường mà ăn hai trái. Nhìn rõ được nhu cầu của cuộc sống, các bạn luôn hạnh phúc, chẳng cần tranh đấu với bên ngoài về hình tướng, số lượng, để rồi qua những ngày tháng đói khát của cải, vật chất, quyền lực, danh vọng, tình ái. Chúng ta vơ vét cho thật đầy túi tham của cuộc đời, mà nhu cầu thì có là bao, ăn được hai trái và uống vài ly nước đã đủ.
Biết được nhu cầu tối thiểu của cuộc đời, làm việc gì cũng vừa, để rồi có nhiều thời gian thư giản, sống buông thư, sống chánh niệm, sống thong dong, tự tại, sống hạnh phúc, bình an. Còn nếu không, cuối cùng kết quả chúng ta thu lượm được là gì, là cả một túi tham dục vọng chình ình trước mặt, nhưng nhu cầu của cuộc đời chỉ vỏn vẹn hai trái táo, vài ly nước, để rồi mệt nhọc ngồi đó, mà không ăn được bao nhiêu. Nếu cố nhồi nhét để vượt qua cơn đói dài hạn kia, có thể sẽ bị đau bao tử mà chết.
Chúng ta đừng để dục vọng lôi kéo, mà muốn đừng để dục vọng lôi cuốn, thì mỗi người chúng ta phải biết công phu, trải qua sự thực rõ ràng của chàng thanh niên kia, đi vài dặm đường thật xa, vác một bao lớn táo về, mà chỉ ăn hai trái, mệt nhoài, không ăn một ngày vác thật nhiều, nặng lắm. Cuộc đời chúng ta đã ôm, đã gánh, đã vác quá nhiều dục vọng trong cuộc đời, mà nhu cầu chẳng cần thiết, để rồi bị gục ngả trong cuộc sống, đi đến sự trầm uất trong tâm trí, nguy hại đến sức khỏe.
Hãy mau tĩnh ngộ. Đời của các bạn đã trải qua những giai thoại như thế, trên chuyện, trên kinh. Và cũng trải qua những kinh nghiệm thực tế trong cuộc đời. Hãy khôn ngoan, tịch tĩnh hơn, trở về đời sống mà Đức Phật dạy: Sống chánh niệm, nhìn rõ, để chúng ta được sống bình an và hạnh phúc, để có dư thời gian sống trọn vẹn với những người yêu thương trong gia đình, như Cha, như Mẹ, vợ chồng con cái.
Chúng ta có thời gian tu dưỡng tâm thân, giáo dục con cái, ăn ở với vợ chồng đúng với tình nghĩa, để sức khỏe không bào mòn bởi dục vọng, mà lại tăng trưởng sức khỏe trong chánh định đời sống, rất cần. Người Phật tử tại gia cần ý thưc được chuyện này, để chúng ta không đắm chìm, sa ngã vào dục vọng một lần, hai lần, lần một lần hai, mãi mãi trong cuộc đời. Té một lần đã gọi là chới với rồi, té xuống dục vọng, giếng sâu của dục vọng một lần thôi cũng khó thoát, huống hồ chi nhiều lần té xuống, chết đó, đừng đùa dỡn với tử thần qua những cơn dục vọng, khao khát, kềm tỏa đời sống của chúng ta.
Hãy đi một đoạn đường thật dài, gõ cửa vị Thiền sư, để chúng ta được trải nghiệm một đời sống chánh niệm, thấy nhu cầu của cuộc đời chẳng có là bao, cuối cùng cũng tay trắng, trắng tay, tới với hai bàn tay trắng, về với hai bàn trắng tay.
Hãy về với sự trong trắng của tâm hồn, đáp ứng nhu cầu của cuộc đời với sự cần thiết tối thiểu, để rồi dành nhiều thời gian, sống bình an và hạnh phúc cho mình và những người thân yêu. Đừng đắm chìm trong dục vọng, túi tham vô đáy, bao nhiêu cũng chẳng đủ. Chúng ta cứ hẹn, cứ khất, lần một lần hai, suốt cả cuộc đời kiếp này qua kiếp sau, mà cũng chưa bao giờ dừng được, để trở về với cội nguồn chân tâm thanh tịnh, mà cứ đắm chìm trong dục vọng mãi.
Các bạn, hãy trở về sống trong chánh niệm hơi thở, biết hít thở nhẹ nhàng, thật buông lung, thật buông thư, đừng có chạy lung tung. Chúng ta sống một đời sống buông thư, đừng để tâm chạy lung tung, mông lung đây đó. Để chuyển hóa sự buông lung, chúng ta sống buông thư. Để kềm tỏa được dục vọng, chúng ta phải sống chánh niệm hơi thở.
Hãy sống như vậy đi thì hai từ buông lung và buông thư chẳng lẫn lộn qua lại với nhau. Cũng là buông:
Buông lung chạy loạn giữa đời,
Buông thư thì lại sống đời an yên
Chúng ta cần nhất là sự an yên nghe các bạn. Cám ơn các bạn đã lắng nghe.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa