Bảo Diệu Tâm đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn đang ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn. và kênh Facebook Chùa Xá Lợi.
Các bạn thân mến! Pháp của Đức Phật nhiệm màu như nước từ trên trời rơi xuống, để rồi tưới tẩm khắp mọi nơi trên trái đất này. Từ đó mọi sự sống được khởi nguồn bởi nước phối hợp vào với sự thấm nhuần nơi đất. Đất đón nhận nước và nước mang lại sự sống tươi mát. và rồi đất thì ôm ấp sự sống đó. Chân lý của Đức Phật như nước đó đi vào lòng người của chúng ta. Và mỗi một người chúng ta phải như đất để đón nhận, phải làm sao cho những chân lý của Đức Phật thấm nhuần vào đời sống của chính mình. Để từ đó những chân lý đó mới có thể được nảy mầm trong cuộc sống đích thực của chúng ta. Còn không, cũng như nước tưới ở trên những tảng đá lớn không thấm được, thì sự sống đâu có cơ hội phát triển.
Các bạn! Có một câu chuyện để mà chúng ta suy nghĩ về sự liên đới hợp nhất giữa chân lý chúng ta học và trong ứng dụng nó thực sự như thế nào? Nó không thể chỉ có về hình thức mà phải thực sự đi sâu vào đời sống của chúng ta. Ứng dụng đúng chân lý đó mới có thể thoát khổ, mới có thể chuyển hóa được những nỗi niềm đau đớn ở trong tâm hồn chúng ta. Đặc biệt nhất là những người như Bảo Thành và các bạn, sống một đời sống rất bình thường, va chạm thật nhiều. Chúng ta là Phật tử tại gia, mang lời Phật vào trong cuộc sống của mình, phải ở dưới một góc độ khác biệt, nó không còn thuần chất như các bậc xuất gia. Nó pha trộn vào với đời thường, và trong sự pha trộn này, nếu chúng ta hiểu thấu thì nhất định thành tựu cũng như tất cả các bậc ở trong thiền môn mà thôi.
Câu chuyện kể về thời của Đức Phật. Thời đó có một vị vua đương thời khi Đức Phật còn tại thế. Ông vua này tên là Ba Tư Nặc.
Hôm đó có một cuộc trò chuyện giữa ông vua Ba Tư Nặc và phu nhân của vua (Tức là vợ của vua), nói theo ngôn ngữ hiện tại cho dễ hiểu. Vua Ba Tư Nặc mới hỏi vợ rằng, người vợ này tên là Ma Lợi rằng: Là ở trên đời này vợ thương ai nhất? Vợ của vua Ba Tư Nặc mới nói rằng: “Thần thiếp yêu vua nhất”. Thì vua Ba Tư Nặc hãnh diện và nói với vợ rằng: “Trẫm biết điều này, bởi nàng chỉ yêu trẫm mà thôi và yêu trẫm nhất ở trên đời.” Trầm ngâm một chút, vợ của vua, bà Ma Lợi mới nói với vua rằng: Nếu hoàng đế cho phép thì thần thiếp mới nói chính xác hơn. Vua Ba Tư Nặc liền cho phép, và rồi hoàng hậu Ma Lợi mới nói vua rằng: “Thực ra trên đời này thần thiếp yêu thần thiếp nhiều nhất, và người mà thần thiếp yêu nhiều nhất chính là bản thân của thần thiếp”. Vua Ba Tư Nặc ngỡ ngàng: Sao một người lại có thể yêu chính mình nhất? Cho nên mới nói với phu nhân của mình rằng: “Nàng hãy cho trẫm biết, tại sao mà nàng lại yêu bản thân nhiều hơn là yêu trẫm?” Lúc đó phu nhân Ma Lợi mới phân tích với vua rằng: Bây giờ thiếp hỏi vua: Nếu như ở trên đời này có một người mà vua thương nhất là ai? Vua cũng trả lời y như phu nhân của mình là: Yêu nhất là vợ là hoàng hậu. Rồi hoàng hậu Ma Lợi mới nói: Nếu thực sự mà vua thương nhất thần thiếp, thì nếu như thần thiếp thực sự có thương một người nào khác, thì vua sẽ suy nghĩ như thế nào? có phải chăng vua sẽ nổi giận và rồi vua sẽ giết chết người đó hay không? Nhà vua kinh ngạc vô cùng bởi câu hỏi như vậy. Nhà vua rất đỗi kinh ngạc, trong sự kinh ngạc đó, vua trầm ngâm suy nghĩ. Hoàng hậu Ma Lợi lại tiếp: Đúng! Ở trên đời khi chúng ta thương mình nhất, để rồi chúng ta thương người kia chẳng qua là để nâng cao giá trị của mình, để phục vụ cho bản thân của mình mà thôi. Và để gọi là yêu một người? Chẳng khác gì để người đó phục vụ cho bản thân, thương bản thân mà thôi. Lúc này vua Ba Tư Nặc mới hiểu được ý nghĩa đó.
Các bạn thân mến! trong cuộc sống của chúng ta, ta không nói đến tình nghĩa vợ chồng, bởi nó rắc rối vô cùng. Theo cách nhìn của con người, vợ chồng là hai đối tượng không thể yêu một người thứ ba, dù là vợ hay là chồng, điều đó rất đúng. Bởi Chư Phật dạy giới thứ ba, để bảo vệ đời sống của vợ chồng. Nhưng câu chuyện này hàm ý đi sâu về chân lý và triết lý Đức Phật dạy mà ngôn từ chúng ta thường nói với nhau, ứng dụng hằng ngày bằng lòng đại từ đại bi gọi là tâm từ bi. Nhưng thực ra tâm từ bi đó chúng ta nói nhưng chưa hiểu thấu nghĩa để ứng dụng vào đời thường, bởi tất cả tình thương của chúng ta đối với một đối tượng nào đó đều nhắm tới mục đích là để tôn vinh chính mình, chưa đi tới chỗ mà có thể quên mình, bỏ mình, để yêu thương người ta đích thực.
Do vậy mà trong cuộc sống, khi chúng ta gọi là thương một người nào đó, luôn kèm theo yếu tố người đó phải luôn luôn ở trong một giới hạn khuôn mẫu, để cho mình yêu thương họ và họ được mình yêu thương. Còn nếu như họ làm những chuyện gì ngoài định mức của riêng ta thì nhất định ta sẽ dùng đủ mọi cách để làm giảm tình thương của ta đối với họ, hoặc đôi khi chúng ta còn dùng quyền lực như ông vua, để trảm đầu những người mà phu nhân Ma Lợi đã yêu thương. Cuộc sống không nói đến góc độ như vậy, nhưng mà thực ra chân lý của Chư Phật chúng ta học, khi nói đến lòng từ bi là vô hạn, không có giới hạn khuôn mẫu ở chỗ hai con người tới với nhau bằng tâm từ bi thì không thể ràng buộc người khác theo ý của mình.
Mượn câu chuyện này để Bảo Thành và các bạn cùng ôn lại. Nếu thực sự chúng ta là Phật tử tại gia, chúng ta tu hạnh tâm Từ Bi. Chúng ta nhớ, khi chúng ta đối xử với mọi người bằng tâm từ trên danh nghĩa của đạo Phật, nhớ rằng không kèm theo hai chữ là tôi thương anh, tôi thương cô, tôi thương chúng sanh, thì chúng sanh phải như này phải như kia. Mà lòng Từ Bi của chúng ta thực hành theo giáo lý của Phật, như nước ở trên trời luôn trong suốt hòa nhập cùng vào với đất và để cho đất có thể phát sinh sự sống nơi nó vốn có. Khi gọi là mang lòng Từ Bi để lan tỏa tới mọi chúng sanh, thì nhất định năng lượng Từ Bi đó khơi nguồn sống cho chúng sanh đó, để thể hiện cho tự thể thiên nhiên vốn có nơi căn duyên của từng chúng sanh, chứ không gượng ép và trói buộc trong những khuôn mẫu, trong những định kiến, trong những điều hoạch định của riêng mình. Và rồi khi không như thế, tâm sân, cái tôi của chúng ta trỗi dậy, chà đạp và đập vỡ tất cả các mối quan hệ trong cái được gọi là lòng Từ Bi ta đang ứng dụng vào cuộc đời.
Các bạn! Chúng ta cần một chút quán chiếu, để thấy rằng giữa cuộc sống mà người Phật tử chúng ta bắt đầu nghĩ đến ứng dụng lời Phật. Cần phải suy nghĩ cho sâu rộng, để cho chúng ta không bị luống cuống, không bị dính mắc vào thành quách của cái tôi riêng mình, để từ đó chúng ta luôn luôn chỉ bám chấp, thủ chấp vào cái tôi để đặt để tình yêu thương, gói trọn trong hai chữ Từ Bi nhưng chưa hiểu đích thực của cái tâm Từ Bi
Các bạn thân mến! Cuộc sống thật là ngắn gọn, ngắn đến mức mà chúng ta không thể biết được ngày mai như thế nào, chốc nữa sẽ ra sao. Cho nên để ứng dụng Phật pháp vào đời thường, ứng dụng Phật pháp vào cuộc đời của mỗi người chúng ta, chúng ta cứ phải từ từ, đừng vội vàng tung hô hai chữ Từ Bi nhưng không thực hành được đúng nghĩa của nó. Từ Bi đối với chúng sanh là Từ Bi như nước tuôn xuống và để rồi cho chúng sanh như đất đón nhận nước, phát triển sự sống riêng tư. Lòng Từ Bi của chúng ta đối với chúng sanh, là tưới tẩm sự sống cho chúng sanh vươn dậy theo thiên nhiên tự thể căn duyên của từng người, chứ không theo chiều hướng áp chế tự đặt. Nếu theo ý ta lòng Từ Bi sẽ tới, không theo ý ta lòng Từ Bi coi như sẽ bị mất đi và sự hận thù trỗi dậy, sự đàn áp, sự bất công, sự đè nén. Đây là một thói xấu của mỗi người chúng ta, yêu theo một chiều. Từ Bi đi theo một hướng và để Từ Bi định hướng, lòng Từ Bi được định hướng chẳng phải là Từ Bi. Nước mưa xuống thì cứ tuôn từ trời, đất hứng nước mưa, sự sống vươn lên. Lòng Từ Bi của chúng ta lan tỏa như mưa từ trời và mỗi một chúng sanh khi đón nhận đều có thể phát khởi cho tự nguồn hạnh phúc viên mãn. Cho chúng sanh đó theo chiều hướng của nhân duyên, hướng thượng của chính họ, chẳng phải theo sự định mức của riêng ta áp chế vào những con người đó.
Chúc các bạn nghe điều này thấu được một chút xíu, để chúng ta bắt đầu, khi nói đến chữ Từ Bi là nói đến sự công hạnh, công phu tu tập, chứ không phải là chữ để chỉ nói như một hình thức trang điểm cho cuộc sống, để có nghĩa rằng ta là Phật tử. Nhưng chúng ta phải tự hào, ta là người thực hiện được những lời giáo dưỡng của Phật một cách đích thực trong đời sống của người bận rộn hằng ngày.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa