Dạ thưa Thầy, con thấy có quan điểm như thế này: xuất gia đi tu chưa chắc đã giác ngộ và được giải thoát về Niết Bàn như Đức Phật, nhưng để giác ngộ và giải thoát về cõi Niết Bàn thì điều kiện đầu tiên là phải xuất gia đi tu. Còn hàng cư sĩ tại gia vẫn bị hạn chế về nhiều mặt và kiếp này có tu tại gia cũng chỉ là nền tảng, là bước đệm để kiếp sau tu tiếp chứ cư sĩ tại gia tu trong kiếp này không thể giải thoát khỏi luân hồi sanh tử, chỉ có người xuất gia thì may ra mới thoát khỏi vòng sanh tử được. Liệu rằng quan điểm trên có chấp chặt về hình tướng không ạ, xin Thầy khai thị để chúng con có cái nhìn thật đúng đắn. Mô Phật!
Trả lời: Trả lời ngắn gọn, quan niệm đó là sai. Ai buồn mặc ai, ai thích kệ họ, Bảo Thành nói cái khái niệm và định nghĩa, quan niệm rằng để giải thoát luân hồi sanh tử phải là bậc xuất gia, tại gia không thể – thì cái đó là sai, hoàn toàn sai. Nhưng nếu nói người xuất gia có nhiều thời gian hơn, bởi bớt chuyện đời, để đầu tư vào sự tu, cho nên dễ thành tựu. Cũng như đi học, mình ở nội trú, chuyên học, mình chuyên tu, mình có nhiều thời gian để học, còn đi đi về về mất thời gian. Nhưng không phải tất cả những ai ở nội trú đều có thể có bằng cấp cao! Và những bạn không ở nội trú, đi đi về về tốn nhiều thời gian, nhưng học vẫn thành tựu, vẫn đổ bằng cấp cao. Chẳng phải ai xuất gia cũng thoát khổ đâu, thiếu gì những người xuất gia cũng khổ đầy, các bạn thấy cái cảnh đó vẫn xảy ra hằng ngày. Đó chỉ là hình tướng, giải thoát là do tâm, chẳng do tướng. Không có cái tướng của một vị thầy chùa, vị sư cô, vị xuất gia nào gọi là xuất gia hết, chỉ là tướng. Thoát khổ tại tâm, còn xuất gia hay không xuất gia chỉ là phương tiện khác biệt. Nhưng ở trong những phương tiện thuận lợi, nếu không cố gắng cũng không thể tu. Mà ở trong những phương tiện, hoàn cảnh bất lợi, có những người cố gắng vẫn thành công. Trong Đại Thừa, có gương của một vị tại gia nằm trong một cuốn kinh, gọi là kinh Duy-ma-cật, đây là kinh của Đại Thừa, không có Nguyên Thuỷ, tán dương công hạnh của Phật tử tại gia. Ông Duy-ma-cật chẳng phải là một bậc xuất gia theo Phật mà chỉ là một người tại gia như các bạn, là một thương gia giàu có, nhưng thật ra ông Duy-ma-cật đó theo kinh nói, đã là Phật. Nếu trong kinh Phật ta thường nghe tới cái chén cơm Hương Tích của Phật Hương Tích, thì chén cơm đó chính là chén cơm của ông Duy-ma-cật đã lên cõi Phật Hương Tích thỉnh về cho các Bậc đại đệ tử của Phật ăn. Chén cơm đó thơm lừng cả mười phương. Trong kinh Duy-ma-cật nói tới một vị cư sĩ tại gia đã thành Phật, và ông Duy-ma-cật có trí tuệ siêu Việt, bởi Ngài là Phật rồi, cho nên các đại đệ tử của Phật khi gặp Ngài đều được Ngài sách tấn, nâng đỡ, và chỉ ra những chỗ sai.
Trả lời ngắn gọn, quan niệm chỉ có xuất gia mới thoát khổ, thoát luân hồi sanh tử, còn tại gia tu là chỉ có nền tảng thôi, quan niệm đó hoàn toàn sai. Rõ hơn, xuất gia và tại gia chỉ là hai phương tiện để có thời gian đầu tư chuyên chú và công hạnh tu mà thôi. Thật nhiều các bậc tôn túc khi xuất gia rồi, sống trong cảnh chùa chiền, có nhiều cơ hội dấn thân để tu, nhưng giải đãi, cả cuộc đời chẳng thành tựu. Nhưng trong thế gian, trong cuộc đời bận rộn điên đảo mộng tưởng, thật nhiều Phật tử tại gia dành chút thời gian thật hẹp hòi nhỏ bé tu tập, vẫn đưa đến sự giác ngộ thật là cao. Bằng chứng, có nhiều Phật tử tại gia đã vãng sanh cực lạc, biết trước ngày giờ chết, lúc chết, giờ chết; và biết bao nhiêu bậc xuất gia, chết nào có hay, biết đi về đâu.
Tóm lại, xuất gia hay tại gia chỉ là phương tiện. Tuỳ vào bạn chọn phương tiện nào. Chẳng mặc định chỉ có xuất gia mới thoát khỏi luân hồi và thành Phật, tại gia không có cửa. Đó là quan niệm sai. Ngày xưa quan niệm sai lắm, ngay cả ngày nay vẫn còn trên cửa miệng nói hoài: “phụ nữ tu là để kiếp sau tái sanh thành thân nam mới tu được”, cho nên coi thường ni. Các vị tăng coi ni như là “ôi cha…cố gắng tu!…” Cho nên ta vẫn thấy các bậc tôn túc lớn tuổi thường nói với các phụ nữ “cố gắng tu thành thân nam nghe con”. Đó là cứng nhắc trong văn tự. Nếu cố gắng tu thành thân nam mới thành Phật thì mẹ của chúng ta là gì? Mẹ là Phật! Mẹ là thân nữ, là tượng trưng cho tình yêu vô thượng, cao thượng. Phật nói “Mẹ là Phật!”. Nếu nói mẹ là Phật, mẹ là thân nữ thì có chi đâu phải biến thân nữ thành thân nam. Trong kinh Pháp Hoa có phẩm Long Nữ, thời đó mấy ông đệ tử Phật ngồi bàn tán rồi chỉ trích, chê bai phụ nữ là cố gắng tu thành thân nam mới thành Phật, thì cái cô Long Nữ kia, chỉ là một cô bé thôi, đứng dậy, rùng mình cái biến thành thân nam, chớp mắt cái biến thành thân Bồ Tát, thành giác ngộ. Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Long Nữ đã nói lên cái tướng không quyết định mà cái tâm, thật rõ! Cho nên, bạn ơi, đừng mắc kẹt trong khái niệm đó, bởi quan niệm, định nghĩa đó là sai. Bạn ở bất cứ phương tiện nào, hoàn cảnh nào, nếu bạn thu xếp được để tu, bạn đều có cơ hội để thành tựu pháp an lạc, giải thoát đau khổ và sanh tử. Đó là cái nhìn của bậc giác ngộ. Phật khi giác ngộ nhìn thấy và nói rằng “Ta là Phật, chúng sanh đều là Phật sẽ thành”. Trong chữ “chúng sanh” không hề phân biệt là chúng sanh xuất gia hay chúng sanh tại gia – toàn bộ chúng sanh! Đó là cái nhìn của bậc giác ngộ, cái nhìn bình đẳng tánh trí, đã gọi là bình đẳng tánh trí thì người xuất gia hay người tại gia đều bình đẳng tánh trí như nhau, nhưng phương tiện, khung thời gian tu tập khác nhau, sự thành tựu như nhau không khác. Mô Phật!
Tham vấn Phật Pháp 17, https://youtu.be/oey87vr9NzM