Thưa Thầy! Xin thầy chỉ dạy cho chúng con làm thế nào để vượt qua khó khăn phiền não khi gặp Ma chướng mà không bị thất thoái tâm Bồ Đề trên đường tu tập ạ?
Chúng ta đi vô trong rừng có biết bao nhiêu thể loại cây khác nhau. Chúng ta đi vô một vườn bông có biết bao nhiêu màu sắc, hương thơm. Chúng ta vào cuộc đời có biết bao nhiêu con người khác biệt và khi Ma chướng tới thì nó có hằng hà sa thể loại Ma chướng. Nếu nói trong tinh thần của nhà Phật là ngũ dục, con Ma chướng về tiền: tiền lương hàng tháng, tiền lương hàng ngày, tiền ăn uống, nhiều thứ lắm. Rồi nói đến tình thì có thật nhiều Ma chướng về tình, về danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, về những sinh hoạt hằng ngày, sự tương tác với con người. Có quá nhiều thể loại Ma chướng, bởi vậy Đức Phật mới dạy cho chúng ta quán chiếu trong Chánh Niệm hơi thở để nhìn tận gốc Ma chướng nào đang hiện hữu trong ta, làm cho chúng ta phải phiền não, đau khổ, khó chịu hoặc làm chặn đứng sự tiến lên trong cuộc sống. Ta phải nhìn rõ được gốc rễ của nó. Không thể đau bụng đi tìm ông bác sĩ nhổ răng, cho nên đau răng thì tới nha sĩ, đau bụng thì tới bác sĩ để khám nội khoa, để người ta thăm bệnh, truy xét rồi tìm ra cách trị. Cuộc sống cũng y chang như vậy, bây giờ nói Ma chướng tới trong cuộc đời, loại Ma chướng nào đây? Nếu không tiện kể ra là thể loại Ma chướng nào thì chúng ta nói chung chung. Mọi chướng ngại trong cuộc đời đều là do trí tuệ ta xử lý vấn đề không phù hợp với kiến thức hiện hành, tạo ra sự trở ngại. Hai là do chướng nghiệp đời trước tạo ra, nay trổ quả để Ma chướng nó tới. Đối với những chướng nghiệp tiền kiếp không ai biết được, ngoại trừ những Bậc Đại Giác Đại Ngộ nhìn thấy quá khứ hiểu rõ. Nhưng chiếu theo Nhân Quả mọi sự chướng ngại tới với chúng ta do nghiệp quả tiền kiếp, đều do bất thiện nghiệp, ác nghiệp. Đức Phật dạy cho chúng ta tu trong Chánh Niệm và luôn luôn hành thiện, người xưa gọi là hành thiện tích đức. Chính vì tất cả những điều thiện, điều thiện ở đây là những tư tưởng thiện, lời nói thiện, suy nghĩ thiện để mang lại hạnh phúc, bình an cho ta, cho cha mẹ, vợ chồng, con cái, cho tất cả những người ta giao tiếp hàng ngày. Chính pháp thiện đó tăng trưởng phước báu để chuyển hóa những bất thiện nghiệp tới từ pháp ác ta đã tạo từ tiền kiếp để ngăn ngừa nó trổ quả. Hoặc nó trổ quả thì cũng nương vào năng lượng phước báu của pháp thiện đó nó sẽ xoay chuyển từ lớn thành nhỏ, từ nặng thành nhẹ. Chính trong hơi thở Chánh Niệm và với Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, chúng ta có khả năng tăng trưởng những vùng kiến thức cần thiết trong cuộc sống để đối ứng phù hợp, không tạo ra chướng ngại trong cuộc sống. Do đó, hai vấn đề lớn này đối với nhà Phật vẫn nằm gọn trong cái gọi là Trí Tuệ. Ta phải có Trí Tuệ bằng hành thiện tích đức. Từ đó ta sẽ có năng lượng Từ Bi tiếp từ mật chú Mu A Mu Sa, hoặc từ hơi thở Chánh Niệm, từ quán chiếu hơi thở, từ tụng kinh, niệm Phật. Tất cả các pháp thiện đều tạo ra một nguồn năng lượng. Đối với ác nghiệp thì gọi là nghiệp lực ác, đối với thiện nghiệp thì gọi là nghiệp lực thiện. Ta phải tạo ra thật nhiều lực thiện bởi pháp thiện chuyển hóa lực ác, ngăn chặn nó trổ quả, tăng vùng kiến thức bằng Chánh Niệm. Khi có Chánh Niệm hơi thở, con người và thần kinh, trí tuệ của chúng ta sẽ được khai mở, nhận ra sự phản ứng, đối ứng ở trong đời bằng pháp thiện để không tạo ra phiền não. Làm sao để chúng ta không thất thối Bồ Đề Tâm trên con đường tu đạo? Chúng ta phải luôn luôn liên tục tu, dành cho mình những thời gian thuận lợi để chú tâm vào con đường tu pháp môn nào phù hợp với chúng ta. Nếu các bạn có căn duyên phù hợp với niệm Phật chúng ta tới với các đạo tràng niệm Phật. Nương vào các Bậc Thầy đó, với niệm lực, Tín − Nguyện − Hạnh trong Pháp môn Tịnh Độ tăng trưởng năng lượng của Chánh Định để khi thử thách, chướng ngại tới ta có sẵn tự lực Chánh Định trong niệm Phật đó để chuyển hóa, không làm cho chúng ta lung lay. Trong đời sống có pháp Thiền hoặc là Thiện Mật hoặc là chúng ta tới chùa tụng kinh hoặc gần những Bậc Thiện Tri Thức, những Bậc tôn túc, giáo thọ sư, các thầy, các sư cô, các chùa chiền, tu tập ở trong các nhóm, tạo được một Định lực trong những Chánh Niệm, Chánh Tư Duy và Chánh Pháp của Như Lai. Để khi thử thách tới chúng ta có thể chuyển hóa được nó. Ngược lại nếu như hiện tại bạn chưa có sự chuẩn bị như vậy mà Ma chướng tới, tức là thử thách nó tới, làm sao để bạn không thất thoái? Khi các bạn chưa tu, chưa có sự chuẩn bị cho chướng ngại trong cuộc đời, Đức Phật và các Bậc Tổ cũng như các Bậc Thầy luôn khuyên chúng ta hãy tới với những người có Trí Tuệ, những người có lòng thiện tâm, những Bậc Thiện Tri Thức, những Bậc tu, để những vị đó khai tâm, hướng dẫn cho chúng ta. Đây là nói trên bình diện của Phật giáo, còn nói trên tất cả các tôn giáo hoặc những bạn không phải là Phật giáo thì chúng ta nhớ rằng khi chướng ngại tới trong cuộc đời, chúng ta phải nên tới với những người có kiến thức hơn chúng ta, những người có đức độ hơn chúng ta, để nương vào những Bậc đó hướng dẫn cho chúng ta vượt qua chướng ngại. Khi đã vượt qua những chướng ngại đó rồi thì chúng ta phải nên chọn những Pháp môn, những cách tu tập để chuẩn bị cho những chướng ngại kế tiếp sẽ tới. Có một sự chuẩn bị như vậy bằng sự tu tập, tu học rõ ràng, khi chướng ngại tới chúng ta dễ xoay chuyển. Cũng như người học lái xe giỏi, thuần thục, khi chướng ngại bất chợt xảy ra trên con đường lưu thông, họ có cái phản ứng, phản xạ thật là nhanh để không tạo ra chướng ngại và nguy hiểm hơn cho bản thân của họ. Do đó để chuyển hóa những chướng ngại đó có hai trường hợp. Một là chưa có sự chuẩn bị khi chướng ngại xảy tới ta nên nương vào các Bậc Thiện Tri Thức, các Bậc giáo thọ sư, các Bậc Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni, các chùa xa hay chùa gần, bất cứ một chỗ nào mà chúng ta có nhân duyên với chư vị đó để nhờ sự giúp đỡ. Và trường hợp thứ hai là các bạn đã tu rồi thì chúng ta nương vào lực tu đó để chuyển hóa. Còn nếu đã tu lâu rồi mà sự việc đó xảy ra thì các bạn phải kiểm tra lại sự tu của mình nó vận hành đúng chưa, và Pháp môn đó có phù hợp với chúng ta hay không mà sao chúng ta tu 1 năm, 2 năm, 10 năm, ta tu lâu rồi mà chướng ngại tới lòng vẫn sợ hãi và thất thối Bồ Đề Tâm. Cái đó cần phải kiểm chứng lại.
Tham vấn Phật Pháp 1, https://youtu.be/L_603EeBHhA