Search

Bảo Diệu Tâm đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nguyện xin chư Phật mười phương rải năng lượng đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh – Mu A Mu Sa.

Bảo Thành kính chào các bạn!

Hôm nay Bảo Thành muốn gợi ý cho mọi người về một điều gọi là vu khống. Có lẽ trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta không mang ý tưởng vu khống cho người khác nhưng cách làm việc của chúng ta, cách nói của chúng ta lại hàm ý là vu khống. Dù không cố ý thực sự là vu khống cho người ta nhưng bởi vì theo thói quen nói chuyện, theo thói quen làm việc mà chúng ta vô tình đã vu khống cho người. Mà vu khống này, dù chỉ là vô tình thì đó cũng tạo ra nghiệp. Các bạn thân mến! Trong nhà Phật, tất cả mọi tạo tác của ta đều tạo ra một lực, một lực Thiện tức là lực hướng thượng, để giúp chúng ta hướng tới mục đích sống cao cả. Còn nếu nó không hướng Thượng thì là hướng xuống, nó tạo ra một năng lượng kéo chúng ta sống tầm thường gây khổ cho người khác mà chính chúng ta cũng không biết được.

Có một câu chuyện trong Kinh kể rằng: Thời xưa khi Đức Phật đi giảng về phía miền Nam của Ấn Độ, Đức Phật bắt đầu đụng chạm đến những vị thầy dạy các môn phái khác. Bởi Đức Phật là bậc Giác ngộ, khi Ngài đi tới đâu đệ tử của các bậc thầy thuộc các Tông phái, các môn phái khác, nghe Đức Phật khai thị thì giác ngộ, thì hiểu nên đành bỏ thầy của mình mà theo Phật. Các vị thầy đó rất là buồn và căm ghét Đức Bổn Sư Thích Ca. Có một người phụ nữ là đệ tử của một vị thầy trong nhóm đó nghe thầy của mình kể rằng: Đức Phật đã lôi kéo hết đệ tử và đồng môn rồi. Người phụ nữ đó rất khó chịu, rất bực bội và vì thương ông thầy của mình nên nghĩ ra một cách. Người phụ nữ đó từ sáng sớm đã tới nơi hội trường Đức Phật giảng cho đại chúng. Nhưng người phụ nữ lại đi ra mãi đằng sau bếp, không biết làm gì ở đằng sau đó. Nhưng tới khi đến giờ khai thị của Phật đông đảo đại chúng rồi. Người phụ nữ đó lại từ từ ở đằng sau bếp đi ra đằng trước đứng một chút rồi đi về. Người phụ nữ này lập đi lập lại như vậy cho đến một thời gian thật là dài khoảng chừng ba, bốn, năm, sáu tháng sau. Một hôm người phụ nữ cũng đi ra từ đằng sau, nhưng cái bụng thì bự chình ình, nhìn thẳng vào Thế Tôn và nói rằng: “Này Đức Phật! Không biết ông ngồi đó giảng chuyện tốt đẹp gì tôi không hay, nhưng cái bụng của tôi bây giờ nó bụng bự như vầy giải quyết sao đây? Thì khi người phụ nữ nói như vậy mọi người ngầm hiểu rằng: Có lẽ Đức Phật đã làm cho người phụ nữ này mang thai bụng bự rồi mà giảng muôn điều nhân nghĩa, chẳng dành thời gian chăm sóc cho người phụ nữ. Đức Phật chỉ giữ thanh tịnh và im lặng. Người phụ nữ càng bực mình, càng nói những chuyện vu khống, vu khống và hàm oan cho Đức Thế Tôn. Chư Thiên trên cõi trời thấy người phụ nữ này đã xúc phạm đến bậc Giác ngộ, liền hóa thành con chuột và trèo lên cái hông của người phụ nữ cắn đứt sợi dây, sợi dây cột chặt những gì đó mà người phụ nữ độn vào trong bụng chị bự lên. Thì bao nhiêu những thứ mà độn trong bụng nó rớt xuống, cả đại chúng mới: Ồ! hóa ra là cô này đã độn vào bụng bự lên hằng ngày, và tạo một ảo giác rằng: Cứ đi từ sau ra đằng trước ngày ngày như vậy để cho người ta cảm giác cô này có sự gần gũi với Phật nên nghĩ rằng, ám chỉ rằng: Chư Phật đã làm cho cô ta mang thai. Chư Thiên nhận được điều đó nên đã cắt đứt sợi dây, đồ đã rớt xuống. Cô ta hoảng sợ và ngay trong giây phút đó đất đã nứt ra và cô đã rơi xuống hố sâu của vực thẳm.

Các bạn thân mến! Đó là câu chuyện trong Kinh. Cô gái đó đã vì thương ông thầy của mình đã vì chấp vào những điều gì đó do sự ngưỡng mộ với một vị thầy mà đi độn bụng lên, vu khống, vu oan cho Thế Tôn. Trong cuộc sống của Bảo Thành, cuộc sống của các bạn có lẽ không cần biết các bạn là ai, không cần biết Bảo Thành là ai, nhưng đã là người, chúng ta đôi khi vô tình theo một thói quen từng sống từ thuở nhỏ, thích độn mọi việc lên cho to, độn thật là to. Cái chữ độn lên cho to đôi khi gọi là vu khống và đôi khi nói cho nó bình thường một chút gọi là nổ cho nó to để mọi người thích thú về câu chuyện ta kể. Nhưng vô tình nó là vu khống tạo ra nghiệp. Có những chuyện không đâu vào đâu, ta nói cho cũng lớn, cũng to. Có  những chuyện không có, ta cũng đồn thổi lên cho có. Có những chuyện không phải, ta cũng nói cho phải. Và bởi vì những chuyện vô tình như vậy các bạn không cố ý, Bảo Thành tin chắc các bạn không cố ý. Vu khống, độn chuyện, đâm bị thóc chọc bị gạo, mang chuyện chỗ này đẩy vào chỗ kia, mang chuyện đằng Đông đưa vào đằng Tây. Có lẽ ta không có cố ý Bảo Thành cũng đã làm những chuyện vô tình như vậy, nhưng khi hiểu ra chính sự vô tình làm như vậy nó lại đồng nghĩa với vu khống. Nó lại đồng nghĩa vấn đề đồn thổi hàm oan. Nó lại đồng nghĩa với chuyện ta vô tình đâm bị thóc chọc bị gạo, thị phi và rồi tạo ra nghiệp một cách vô tình rồi ta phải gánh mà ta không có biết.

Các bạn ! Hôm nay Bảo Thành muốn nói điều đó, để chúng ta phải chú ý đến nhất cử nhất động của mình, để những điều gì khi chúng ta nói về mình thì phải chân thật. Nói về người thì phải càng chân thật hơn. Nếu các bạn nói cho người khác về một người thứ ba, tốt nhất các bạn đừng nên nói. Bởi những điều người ta nghe trực tiếp của người đó chưa chắc đã tường, đã tỏ mà nói lại cho người khác nghe, người ta lại nghe không rõ hiểu lầm tạo nên oán trách gây ra nghiệp. Do đó đừng nói chuyện sau lưng người khác. Bởi vô tình nói chuyện sau lưng mà không đúng thì phạm vào giới “Nói dối” tức là giới thứ tư. Chúng ta đừng nói dối, nói dối tạo ra nghiệp. Chúng ta không cố tình nói dối, nhưng khi chúng ta nói những chuyện nghe không rõ, nghe không tường, nghe không hiểu mà khăng khăng khẳng định là như vậy chúng ta đã vô tình nói dối rồi. Người nói đã tạo nghiệp, người nghe chấp nhận điều đó nữa thì gọi là “vô minh” cũng tạo ra nghiệp nhiều lắm. Bởi khi nghe một người khác nói về chuyện không đúng, ta lại hòa vào điều đó tác động thêm lại đồn, lại thổi thêm thì chúng ta lại càng tạo nhiều nghiệp hơn.

Không hẳn chỉ có hàng Phật tử hay người bình thường vu khống, nói dối mà chính những hàng Tăng sĩ như Bảo Thành, như những vị Đại Đức Hòa Thượng, những vị Thượng tọa đi nữa, không cố tình nhưng trong một lúc nào chúng ta vui, hay một lúc nào đó không làm chủ được ngôn ngữ của mình, chúng ta đã nói cho người ta đang nói chuyện về một người khác những chuyện mà ta không rõ, ta không hiểu thì vô tình Tăng và Ni, Phật tử và tứ chúng hay người trong cộng đồng xã hội, ta cũng lại hòa vào cung đàn của vu khống, nhịp điệu của nói thêm mà ta không có nhận ra được nó. Tưởng như vô tình nhưng tạo ra nghiệp, Bảo Thành chỉ gợi ý rằng : Trong cuộc sống của chúng ta khi tương tác, khi nói chuyện một điều gì. Người xưa nói như thế này: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, đó là người trong dân gian. Còn Chư Phật nói: Phải sống với tâm chân thật. Có nói có, không nói không. Không việc gì phải đồn thổi, độn bụng lên như cô gái kia đã độn lên để vu khống cho Đức Thế Tôn. Các bạn thân mến! Vu khống với nhau đã là tội nặng lắm rồi, mà chúng ta vô tình vu khống cho những bậc đang xuất gia thì chúng ta còn tội nặng dữ lắm. Tội vô cùng, tạo nhiều nghiệp. Vu khống cho nhau thì nghiệp đã lớn, vu khống với những bậc xuất gia, nghiệp còn lớn hơn. Nhất là những bậc xuất gia vu khống với những bậc xuất gia khác. Nghĩa là trong sự tương tác hằng ngày, ta là Phật tử hay ta là những người xuất gia vẫn phạm vào những lỗi đó đó. Do đó Bảo Thành khuyên rằng: Không cần biết các bạn là ai, là người tại gia hay người xuất gia, chúng ta cũng phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói về người thứ ba. Để làm gì? Để cho chúng ta sống an lạc và bớt tạo ta nghiệp. Thế giới này sẽ vui hơn, con người ta tiếp cận sẽ hoan hỉ hơn và tình bạn bè sẽ thêm nồng thắm, đoàn kết hơn. Đoàn kết là bởi chúng ta luôn chia sẻ những sự chân thật trong trái tim của mình và biết san sẻ tình thương đó một cách công bằng, không đồn thổi thêm, để gây mất lòng, gây sự thù hận, gây sự hiểu biết không đúng về nhau, tạo ra sự ngăn chia giữa người với người, sự hận thù giữa người với người. Như vậy thế giới sẽ buồn lắm, thế giới không có chút hòa bình nào hết.

Các bạn thân mến! Ngõ hầu trong cuộc sống ai mà không vậy, một phút vô tình tổn hại muôn đời. Một phút vô tình làm cho bao nhiêu người đau khổ. Một giây, một khắc vô tình làm tổn thương đến những người chung quanh. Đôi khi chỉ một đôi lời, chỉ một lời nói, chỉ một tạo tác hay một suy nghĩ vô tình khởi lên trong sự đồn thổi hay vu khống chỉ là vô tình, Bảo Thành nói như vậy. Chỉ là vô tình mà thôi, nhưng đồng nghĩa với đồn thổi, đồng nghĩa với vu khống, đồng nghĩa với đâm bị thóc thọc bị gạo thì ở bên kia biết bao nhiêu người đau khổ, biết bao nhiêu những người sẽ chia rẽ với nhau, và thế giới này sẽ buồn lắm, buồn lắm các bạn ơi! Do đó để tạo niềm vui cho mọi người, cũng như câu chuyện Bảo Thành kể trong lúc đầu, điều tốt nhất của chúng ta là đừng phạm giới thứ tư tức là “Nói dối”. Nói dối nó cũng như vấn đề đồn thổi nói thêm, nói bớt hoặc nói theo chiều hướng rằng: Theo ý muốn của mình mà thôi, theo suy nghĩ của mình mà thôi, theo tư kiến riêng của mình, theo những điều mình cho là đúng. Các bạn! Những điều chúng ta cho là đúng chưa hẳn đúng với người khác. Những điều chúng ta cho là chân lý chưa hẳn là chân lý. Bởi điều đúng với mình mà không đúng với những người khác. Do đó chúng ta cũng không cần phải tán tụng cái đúng của chúng ta và mang cái đúng của ta ra cho người khác nghe, để người khác khinh khi coi thường người khác. Điều đó không hay! Chúng ta chia rẽ.

Trong cộng đồng nhỏ bé, do nhân duyên và phước báu ta có cơ hội gặp gỡ nhau. Chúng ta hãy trân quý tình bạn, trân quý cái tình mà chúng ta có thể gặp nhau, an vui trong cuộc sống. Để giữ tình cảm đó đừng để nó mất và chúng ta cần cẩn trọng trong từng lời nói, khi nói về họ với người khác, khi giới thiệu người ta với người này hoặc khi nói chuyện giữa người này với người kia. Chúng ta nên nói chân thật bằng ái ngữ và yêu thương, đừng đồn thổi, đừng nói thêm, đừng nói bớt, đừng nói theo chiều hướng riêng tư, suy nghĩ riêng của mình: Ta là đúng, ta là tất cả, ta là người chuẩn mực phù hợp tốt nhất còn tất cả mọi người đều sai. Theo xu hướng đó tức là: Ta là người đang đồn thổi. Nói một cách khác: vu khống hàm oan cho kẻ khác tạo ra nghiệp lớn, hay nói rõ hơn chẳng khác gì cô gái độn bụng lên vu khống cho Thế Tôn. Có thể người khác không biết, có thể Chư Thiên cũng không thấy, nhưng luật nhân quả thấy thật là rõ. Chúng ta không trốn được đâu. Nếu như khi nó đủ, đủ nhân rồi, đủ nhân vu khống hàm oan rồi, đủ nhân của nói dối, đủ nhân mà chúng ta chà đạp lên người khác rồi nó sẽ trổ quả. Và lúc đó Chúng ta sẽ tổn phước báu của chúng ta và phước báu của gia đình. Nguyện cho muôn người ý thức được điều đó, để chúng ta giữ được phước báu nhỏ nhoi tạo được trong công hạnh tu tập, để tích lũy phước báu đó làm những chuyện tốt đẹp. Hãy trở thành Tư lương đi về con đường an lạc, sống bình an trong cuộc sống.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn