Search

Tỳ Kheo Thèm Thịt

Pháp Thoại Thiền Sư Bảo Thành, Bảo Như bút ký

Câu chuyên lại trở về một thuở xưa thời Đức Phật. Thuở đó, trong hàng đệ tử của Phật, có một vị tỳ kheo bị bệnh, cứ lăn lộn ở trên đất hoài, đau đớn vô cùng. Thế rồi ở trong thành đó có một tín nữ, có cái tâm luôn luôn cúng dường Phật và hàng tỳ kheo. Đó là bà Tô Ti. Bà này nghe vị tỳ kheo bệnh như vậy thì đi tới thăm hỏi. Trong lúc nói chuyện, vị tỳ kheo đó mới nói cho vị tín nữ này rằng ông ta rất muốn ăn thịt, cho nên trong lòng cảm thấy đau đớn khó chịu vô cùng. Bà Tô Ti đi về nhà để tìm thịt, nấu nướng cúng dường cho vị tỳ kheo này.

Nhưng vào thời đó ở thành Baranai, vua theo đức Phật, nên ngài ăn chay và cấm dân trong thành không được sát sanh. Thế nên bà Tô Ti chẳng thể tìm được thịt để cúng dường cho vị tỳ kheo kia. Cuối cùng bà ta, với tín tâm và với hạnh nguyện đã phát tâm cúng dường, không thể thất thối dù trước một hoàn cảnh nào. Bà tà đành cắt thịt đùi của bà và kêu những người tỳ nữ nấu nướng đàng hoàng mang tới dâng cúng cho vị tỳ kheo kia. Thực vậy, vị tỳ kheo kia ăn xong khỏe mạnh. Thế nhưng bà dần dần đau đớn, và có lẽ vận mạng cũng chẳng có thể qua được cơn đau này.

Khi chồng của bà đi xa về tìm hiểu và bà đã kể thành thật cho chồng nghe như vậy. Chồng nghe xong thật là buồn. Tuy nhiên bà Tô Ti nói với chồng, tôi cũng chẳng còn được bao lâu nữa, cho nên ông hãy chuẩn bi trai tăng để thỉnh Phật và tăng đoàn tới để cúng dường cho Phật và cúng dường cho mọi người để có được phước báu trước khi tôi ra đi. Khi chuẩn bi trai tăng xong, ông chồng thỉnh Đức Phật tới nhà để cúng dường cho Phật và Tăng đoàn cùa Ngài. Khi ăn xong, Ngài giảng pháp để mà đa tạ tấm lòng cúng dường của bà Tô Ti và ông chồng. Thế nhưng Phật không thấy bà Tô Ti đâu, và hỏi ông chồng rằng bà đâu, không ra để nghe lời ta khai thị? Ông chồng thấy bà bị đau không thể đi đứng được, nên nói với Phật rằng, Bà nhà tôi đang nằm bên trong, thất lễ bởi vì không thể đi đứng thuận lợi được. Nhưng Phật nói rằng, hãy đi vào kêu bà Tô Ti ra đây tôi có lời khai thị.

Khi ông chồng đi vào bên trong, bà Tô Ti nghe nói Đức Phật thỉnh bà đi ra ngoài để nghe sự khai thị. Bà hoan hỉ vô cùng, trong lòng vui mừng bởi Thế Tôn đã tới nhà, đã hưởng dụng phẩm vật cúng dường đơn sơ của gia đình trước lúc bà phải từ trần, rồi bây giờ còn gọi mời bà ra ngoài để nghe sự khai thị. Bà hoan hỉ hạnh phúc vô cùng, liền bước cái một xuống giường và đi ra đằng trước đảnh lễ Phật trong một tư thế khẳng khái, không có đau đớn. Ông chồng cảm thấy sửng sốt vô cùng. Và khi ra đằng trước được Phật khai thị xong thì thực sự chân của bà đã lành lại. Lành là bởi vì tín tâm cúng dường Tam Bảo. Lành là bởi vì công đức cúng dường cho Phật. Lành là bởi vì Phật kêu, bà tin tưởng đi ra nên vết thương liền lành. Và cuối cùng bà cũng nghe Đức Phật hỏi tại sao như vậy? Bà thành thật kể về vị tỳ kheo kia. Sau khi Đức Phật nghe xong, Đức Phật chúc phúc cho bà. Nhung khi trở về gặp vị tỳ kheo kia, Đức Phật đã quở trách đệ tử của mình, không giữ được giới hạnh, để rồi thèm những của không nên thèm mà làm cho tín nữ phải đau đớn như vậy. Vị tỳ kheo đó đã sám hối và sửa đổi.

Câu chuyện ngưng ở nơi đó, để nói rằng trong cuộc sống của chúng ta, chẳng ai có thể hoàn hảo hết được. Có những con đường chúng ta đi, vì đường dài như ở trên sa mạc mịt mù, chưa có sự chứng đắc, thất thối bồ đề tâm. Lòng của chúng ta có thể không còn giữ được những điều gọi là giới hạnh hay là giới luật nữa. Để rồi chúng ta sai phạm như vị tỳ kheo kia. Có hai sự việc đối ứng nhau ở đây: Một phía là bên tỳ kheo, những bậc xuất gia và một bên là tín nữ, hàng cư sĩ tại gia.

Hàng cư sĩ tại gia còn giữ được tín tâm lời hứa: nếu phát tâm cúng dường, nếu phát nguyện cúng dường, dù không có cũng cố gắng tìm cho có, bởi đã phát tâm cúng dường. Đây là một dấu hiệu tốt của đàn na tín thí có tâm cúng dường cao cả. Phát tín được tấm lòng cao cả đó, để bất thối dù rằng phải cố gắng thật là nhiều, cắt cả thịt của mình để cúng dường cũng vẫn sẵn sàng. Đó là một cái tín tâm mà ngày nay khó có thể thấy trong hàng Phật tử. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy còn thật nhiều Phật tử có cái tâm cũng cao cả vô cùng. Hy sinh tất cả để cúng dường cho chư tôn đức tăng ni. Nhưng trong hàng chư tôn đức tăng ni, như vị tỳ kheo kia, chúng ta thấy đã không giữ được phẩm hạnh của mình, đã đòi hỏi quá đáng quá mức, để rồi làm cho đàn na tín thí bị đau khổ.

Các bạn nhớ, Đức Phật không cấm ăn thịt. Nhưng, khi làm tỳ kheo không nên sanh khởi lòng tham ăn thịt. Đức Phật dạy, khi chúng ta đi khất thực, ai cho cái gì, cúng cái gì bằng tấm lòng chân thành, thì mang cái lòng hoan hỉ của ta đón nhận để thọ phẩm vật đó. Bằng lòng chân thật đón nhận sự cúng dường, rồi sau đó mang tất cả sự thanh tịnh để truyền đạt lại cho đàn na tín thí, đó những lời cao cả khai thị của thế tôn, để họ được hiểu, được biết về chân lý giải thoát khổ của chư Phật đã dạy. Nhưng cũng đừng vì những điều chúng ta mong muốn để rồi tỏ lộ cho hàng đàn na tín thí tại gia. Để vì cái tâm muốn cúng dường, lại phải lao vào cảnh khổ tìm cho ra được những điều mà tăng ni muốn để cúng dường.

Chuyện này thời Đức Phật đã có và có lẽ thời hiện tại vẫn luôn xảy ra. Bởi vậy chúng ta thấy ngày nay khi xảy ra những sự việc như vậy, thường mang đến tiếng xấu cho những hàng có phẩm vị cao ở trong Phật giáo của chúng ta, và cho cả hầu hết những tôn giáo khác. Bởi vì tôn giáo nào, cũng có những vị tu sĩ thường quên đi phẩm hạnh của mình trong chốc lát, để rồi tạo cớ cho đàn na tín thí gièm pha, chê bai hoặc là khổ vì chúng ta. Các bạn nhớ, vị tỳ kheo kia vẫn còn thật là tuyệt vời ở chỗ có công đức là đệ tử của Đức Phật, nên được đức Thế Tôn nhắc nhở, khiển trách và để rồi sau đó nhận ra cái sai của mình, sám hối tu sửa.

Còn chúng ta, đôi khi cuộc sống trong tánh cống cao ngã mạn, kẻ trên ta chẳng nghe, kẻ dưới ta chẳng có thèm lui tới. Do vậy, tự tung tự tác có những điều sai trái cứ giữ kín ở trong lòng, để rồi cứ trượt mãi trên cái sai đó. Trong cuộc sống, chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng, Đức Phật thương yêu ta thực sự, nếu chúng ta là những vị xuất gia. Tuy nhiên, một lúc nào mệt mỏi trong cuộc sống, có điều gì đó sai trái, ta hãy tới với huynh đệ, hoặc là chúng ta phải tới với những bậc tôn kính cao hơn chúng ta, những bậc trưởng thượng, những bậc thầy, những bậc lãnh đạo cao hơn, để chúng ta thành tâm sám hối và xin sự gia trì, khai thị, để chúng ta vượt qua được cơn thử thách đó. Đừng vì sự đòi hỏi riêng của cá nhân, để rồi sau đó, Phật tử của chúng ta, đàn na tín thí của chúng ta phải bị khổ trong cuộc đời. Chúng ta nhớ rằng, cư sĩ tại gia cũng vì một tín tâm tin tưởng các hàng xuất gia và tin vào công đức cúng dường đối với hàng tăng ni, cho nên khi họ đã hứa, họ thường phải làm chuyện đó. Nếu như chúng ta có ước muốn một điều gì, nhận sự cúng dường của cư sĩ tại gia, thì phải nhớ đến phẩm hạnh của mình. Hãy nhớ đến sự thiểu dụng tri túc, vừa đủ sống, vừa đủ xài trong cái điều cần có ở cuộc đời xuất gia. Để cho chúng ta sống an nhiên tự tại và không làm cho hàng tín thí của chúng ta phải lo lắng quá đáng và đâm ra bệnh, đôi khi gây hại đến sanh mạng như bà Tô Ti, chút xíu nữa là đã vong mạng rồi, vì bị đau đớn phần thịt cắt ra cúng dường cho vị tỳ kheo kia. Nhưng vì lòng tín tâm vào tam bảo và vì sự cúng dường đến Phật, phước báu có được đó và với sự dũng mãnh đi ra ngoài khi nghe Phật kêu để được khai thị, phước báu đã đầy đủ để bà lành bệnh và được sống lại những tháng ngày khỏe mạnh.

Các bạn thân mến, trong cuộc đời không nói đến tỳ kheo hay nói đến Phật tử, mà nói đến con người của chúng ta cũng vậy. Chúng ta ai ai cũng có lòng ham muốn để thưởng thức những điều chúng ta thích thú. Nhưng nên nhớ, đừng vì những điều ta thích, ta ham muốn mà làm khổ cho những người khác. Bởi vì, sử dụng những cái ta có, đó là điều trân quý trong cuộc đời. Còn nếu ta không có mà nương nhờ vào người khác, thì hãy nhớ rằng tùy duyên. Họ cúng dường cho ta điều gì, họ biếu cho ta cái gì, họ tặng cho ta cái gì, ta nhận cái đó với cái lòng thành của họ hiến tặng. Chứ đừng vì ta muốn, vì ta cần để rồi kêu gọi họ cho ta những điều ta muốn ta cần. Đây không đúng phép ở giữa cuộc đời với nhau. Bởi vi khi như vầy, ta sẽ sinh lòng tham để rồi luôn luôn đòi hỏi, cầu cạnh những người khác phải cung phụng cho chúng ta.

Đó là nói tới cuộc sống của đời thường. Còn nói tới đời sống của những vị xuất gia, chúng ta nhớ rằng, chúng ta phải thực tập đời sống thiểu dụng tri túc. Tất cả mọi sự cúng dường của đà na tín thí, đều phải dùng vào phụng hiến cho tam bảo, cho xây dựng chùa chiền, cho xây dựng những nơi tu tập hoặc là phát triển Phật pháp, chứ chẳng phải là dùng vào đời sống của người xuất gia. Cơm quá lắm cũng ngày 3 bữa hay đúng ra cũng chỉ 1 bữa 1 ngày. Có gì đâu nữa, có gì đâu nữa để chúng ta thèm thuồng. Nếu đã là xuất gia, chuyện thèm muốn trong cuộc đời cần phải kềm chế và phải biết quản thúc tâm của chúng ta, để không vì sự ham muốn đó mà rồi tâm cầu, cầu lợi từ đâu, từ những tín đồ của mình, từ những phật tử của mình, để rồi cho những tín đồ, phật tử phải cưu mang, mệt nhọc, sợ hãi, hoang mang, bịnh hoạn đi đến mạng vong.

Các bạn nhớ, chúng ta hãy sống và chia sẻ với nhau những điều ta có thể. Nhưng đừng để cho sự ham muốn của chúng ta đặt nặng lên đời sống của người khác. Cám ơn các bạn đã nghe qua câu chuyện này, dù bạn là người cư sĩ hay bạn là tu sĩ xuất gia. Đây là một câu chuyện được kể lại thực sự, để gợi ý cho chúng ta sống tốt đẹp, không nhằm một mục đích miệt thị chê bai ai, nhưng để gợi ý. Hy vọng các bạn có được sự gợi ý, để chúng ta sống tinh tấn và hạnh phúc mỗi ngày.

 Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn