Pháp thoại Thiền sư Bảo Thành, Bảo Như bút ký
Đã là con người, ai cũng luôn luôn bàn tán đến chuyện cái gì đúng, cái gì sai, cái gì hay nhất trong cuộc đời. Đặc biệt đối với các bạn đạo đang tu – chúng ta Phật tử đó mà, thường luôn luôn nói với nhau rằng pháp môn nào mới là cao siêu nhiệm màu, cách tu nào mới là cách tu đưa đến sự chứng đắc hay nhất. Bởi ngày nay con người chạy mòng mòng, thời gian trôi quá nhanh mà cuộc đời con người càng ngắn và hình như sự vội vàng đã xâm chiếm tâm trí của chúng ta. Từ đó chúng ta luôn luôn phải tìm kiếm cái gì hay nhất để học để làm, cái gì tốt nhất để thâu để gom về nhà. Và trong đường tu ta cũng có tâm trạng rằng phải tìm cái gì hay nhất để tu. Ai cũng thế và Bảo Thành cũng vậy, các bạn cũng vậy không tránh được đâu. Nhưng có một câu chuyện kể ra hôm nay để cho chúng ta tư duy và suy nghĩ lại pháp môn nào là cao siêu nhiệm màu, pháp môn nào và cách tu nào là cách tu tốt đẹp hay nhất.
Có một vị sư nghe nói rằng cách tu mà đi quanh những bảo tháp sẽ đi đến sự chứng ngộ. Cho nên vị sư này tìm đến một bảo tháp cổ, nghe nói là rất linh thiêng và nghe nhiều người và nhiều vị sư nói chỉ cần đi vòng quanh nhiều lần sẽ đạt đến sự chứng đắc. Nên vị sư này ngày ngày đêm đêm đi nhiễu quanh bảo tháp này, cứ đi như vậy đi mãi đi mãi đi hoài. Và một hôm, có một vị đại sư đi ngang qua, vỗ vai vị sư này và nói “Dù có đi nhiễu quanh các thánh địa của Phật như Tứ Động Tâm – nơi Phật sinh ra, nơi Phật giác ngộ, nơi Phật giảng bài kinh đầu tiên hoặc nơi Phật nhập niết bàn suốt cả cuộc đời thì đâu có bằng chúng ta đi học kinh điển của Phật để đạt đến sự tinh yếu nhất, còn nhiễu quanh như vậy chẳng làm được gì”. Vị sư này tư duy lời vị đại sự kia đã khai thị nhận thấy như thế, thầm cám ơn. Trở về nghiên cứu kinh điển, Tam Tạng đại kinh thông làu hết, dẫn đến sự tụng kinh lễ Phật rất là hay. Rồi vị sư này thường xuyên đọc kinh và tụng kinh râm ran hay lắm. Nhưng một hôm vị đại sư lại đi ngang vỗ vai vị sư này mà nói “Tu kinh kệ thông suốt nghe tụng thật là hay, nhưng phải tu làm sao đi tới sự bao trùm tất cả chứ chẳng mang kinh của Phật giảng, kinh của Phật nói, đọc cho Phật nghe”. Vị sư này nghe và suy nghĩ “À, ngày xưa mình học cái tinh yếu trong kinh Phật rồi – đọc tụng nghe, nay phải học tới cái bao trùm hơn, không thể cứ như thế”. Cám ơn đại sư, ông ta đã tìm ra được. Ông ta đi vào thiền định để có trí tuệ nhập định và ông ta thiền một thời gian thật là lâu…. Và rồi hôm nọ vị đại sư lại đi tới, thấy vị sư này đang tu thập thiền định, cố gắng kềm chế và phong tỏa cái tâm của mình không cho tư tưởng tán loạn, phải giữ cho con người của mình tịch tĩnh bất động. Vị sư đó lại nghe được lời của vị đại sư nói rằng “Thôi, tu như vậy là hỏng rồi, phải tu đi tới sự tinh yếu cao siêu hơn, pháp Phật toàn diện hơn”. Tới lúc này vị sư thấy rằng mình tu từ nhiễu quanh các bảo tháp tới khi nghiên cứu kinh điển thông thạo tụng niệm, nhập định rồi mà còn có pháp tu nào nữa đây? Suy nghĩ như vậy nên vị sư này mất hoàn toàn phương hướng nên cúi xuống đảnh lễ vị đại sư và thưa với đại sư rằng “Xin đại sư khai thị, con hoàn toàn mất phương hướng”. Vị đại sư lúc đó từ tốn và nói rằng “Cái tu tinh yếu đúng Phật pháp là phải từ bỏ tất cả những gì chúng ta đang nắm giữ, những gì chúng ta đang thu gom và nắm giữ hãy buông bỏ tất cả”. Phải tư duy một hồi vị sư nà mới ngộ ra cho nên mới đảnh lễ và tri ân sự khai thị của vị đại sư. Bắt đầu từ đó buông bỏ tất cả những gì mà bao nhiêu năm qua đã dày công thu lượm nghiên cứu chất chứa vào trong tâm. Và thế là một thời gian sau vị sư đã đi đến sự chứng đắc toàn diện thanh tịnh.
Các bạn thân mến, qua câu chuyện này chúng ta thấy rằng bất cứ một cái gì ở trên đời – ngành nghề kiến thức hoặc là tu, chúng ta nếu có tinh thần cầu tiến, luôn luôn mong muốn tìm tới một phương pháp gọi là tuyệt kỹ để đạt được sự thành công mỹ mãn thì sự tu cũng như vậy. Nếu mà thực sự trên đời này việc nhiễu quanh các bão tháp, các thánh địa để đi tới sự giác ngộ thì chúng ta chẳng cần phải tu, chỉ bỏ thời gian đi nhiễu quanh là thành tựu rồi. Nếu như thực sự ở trên đời này tụng niệm kinh điển, nghiên cứu kinh sách của Đức Phật dạy mà thành Phật thì biết bao nhiêu các bậc học giả đã thành Phật. Như ông Anan đó, ông thông thạo kinh Phật, nhớ hết. Và nếu như trên đời này thiền định – nhập định để chắn ngang tư tưởng, không cho nó khởi lên một điều gì để thành Phật thì ở trên đời này chắc cũng có nhiều Phật đấy. Nhưng cốt lõi của đạo Phật là chỉ thẳng ra vấn đề mà tạo ra đau khổ phiền não chính là ở tâm dính mắc, tâm ôm giữ, tâm chấp. Đã gọi là dính mắc, ôm giữ và chấp nó sẽ nằm trên mọi phương diện. Đừng nghĩ rằng chấp kinh chấp điển, đừng nghĩ rằng chấp vào trí tuệ, đừng nghĩ rằng ôm giữ kiến thức không phải là không tạo ra đau khổ phiền não đâu. Dĩ nhiên chúng ta phải đi tuần tự từ chỗ khởi tâm thành kính, từng bước như vậy tiến lên. Cho nên vị đại sư đã không xóa tan tất cả những điều gì mà vị sư kia tu tập, nhưng gợi ý để dẫn đường từng bước thành tựu. Từ chỗ nhiễu quanh các bảo tháp, các tôn tượng, các thánh địa để khơi nguồn cho tâm thành kính – tâm thành kính rất quan trọng. Khi đã có tâm thành kính rồi thì vị đại sư dẫn vị sư đi tới sự nghiên cứu kinh sách cho thông, bởi nếu chỉ có tâm thành kính mà không thông kinh điển thì dễ dàng đi vào mê tín dị đoan. Cho nên bước kế tiếp khi có tâm thành kính thì nghiên cứu kinh điển, vị sư này học kinh điển tinh thông tụng niệm giỏi lắm. Nhưng nếu chỉ dừng lại chỗ kinh điển thông liễu nghĩa tụng niệm giỏi thì chưa đến sự thành tựu nên vị đại sư một lần nữa nhắc nhở rằng phải đi tới sự bao trùm hơn bằng thiền định. Và vi sư kia đã đi vào nhập định để ngăn ngừa tâm mình không còn suy nghĩ bấn loạn – để tâm bất động Như Lai. Thế nhưng vị đại sư lại gợi ý đã đến lúc phải từ bỏ không nắm giữ, cả một chu kỳ hành trình từ nhiễu quanh lòng thành kính, hiểu liễu nghĩa kinh điển và đi vào thiền định, đến lúc là phải xả luôn tất cả những điều đó để trở về trạng thái của tâm vô trụ – tâm không.
Các bạn thân mến, đây là một sự hướng dẫn cao cả của vị đại sư. Chúng ta có kiên nhẫn như vị đại sư kia sẵn sàng tiếp dẫn cho đệ tử của mình hoặc những người thân của mình hoặc cho phép bản thân của mình đi tuần tự để xây dựng một nền tảng vững chắc trên con đừng tu hay không? Có khởi nguồn cho lòng thành kính chưa? Hay chúng ta bỏ qua sự thành kính lễ bái tôn tượng, các pháp bảo, các tháp bảo – các bảo tháp để đi thẳng tới vấn đề kinh. Chúng ta có nghiên cứu kinh điển chưa? Hay bỏ qua kinh điển luôn, bỏ qua thiền định luôn để đi tới gọi là phá chấp phá mê? Nhưng không có lòng thành kính, chẳng hiểu kinh của Phật và chẳng có chánh định để tu thì có gì để bỏ. Chúng ta dễ chấp vào điều đó để bỏ qua cả ba giai đoạn đi tới chỗ gọi là “vô học”. Mà thực sự là vô học – tức là không học được gì, vô học ở trong nhà Phật tức là đã học mênh mông tất cả rồi. Học tất cả, hiểu tất cả, đi tới chỗ từ bỏ, thì chứng đắc sự vô học trong cái đã học. Ngày nay thực sự chúng ta không học gì mà le te đạt đến sự vô học để từ đó phá chấp tất cả, chẳng có lòng thành kính trước các bảo tượng, tôn tượng, bảo tháp, pháp bảo, thánh địa để nuôi dưỡng lòng thành kính. Chẳng nghiên cứu kinh điển để tăng trưởng trí tuệ, chẳng thiền định để có chánh định, chỉ vội vàng bỏ hết gọi là phá vỡ toàn diện để rồi ta trở thành những kẻ vô học thì sao có được hạnh phúc và bình an.
Các bạn, câu chuyện này nói đến rằng chúng ta phải tuần tự từ lòng thành kính đến sự hiểu biết kinh điển đi đến trí tuệ thiền định và cuối cùng chúng ta phải xả bỏ tất cả để tâm thái trở về như một bậc “Vô học”. Các bạn, đây là cách thiền, cách tu cao cả. Cám ơn tất cả các bạn đã nghe qua. Hy vọng rằng nó gợi ý cho chúng ta, đánh thức một chút suy nghĩ trong cuộc sống trên con đường tầm cầu đạo pháp giải thoát.
Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa