Search

Tự Xiềng Xích Mình

Pháp thoại Thiền Sư Bảo Thành, Bảo Như bút ký

Trong buổi chia sẻ pháp thoại hôm nay để mong rằng chúng ta với sự quay cuồng trong cuộc đời vẫn còn vang vọng âm thanh của Đức Thế Tôn và những âm thanh đó gửi gắm đến chúng ta những ý niệm thật ngắn thật gọn, thật dễ áp dụng để với cuộc sống hiện tại ai ai – dù không tới chùa, dù không tới các tổ đình thiền thất, khó có thể tiếp xúc được các bậc tôn túc thì phương tiện trên Youtube, facebook, các kênh mạng truyền thông cũng có thể gửi tới các bạn lời Phật gọn, dễ hiểu ứng dụng trong hiện tại.

Các bạn thân mến, các bạn có thấy rằng cuộc sống của các bạn càng ngày càng bừa bộn không? Khi chúng ta càng trẻ thì cuộc sống càng đơn giản, lớn thêm một chút tuổi lại thêm một chút bừa bộn, thêm một chút ngày tháng trôi qua lại thêm muôn thứ dồn dập kéo tới trong cuộc đời của chúng ta. Khi càng nhỏ, càng trẻ ta càng tự tại an nhiên, ta vui ta hạnh phúc và ta tung tăng trong từng bước chân nhảy nhót từ vùng này qua vùng kia, chẳng có sự lo lắng. Ôi tuổi trẻ thật là tuyệt đẹp, biết bao nhiêu kỷ niệm còn đó với chúng ta. Và khi tuổi trẻ đó vẫn còn trong tâm, chúng ta lại vẫn còn có nụ cười. Tuổi trẻ gắn liền với niềm vui, tuổi trẻ gắn liền với sự tự do không ràng buộc, tuổi trẻ gắn liền với nụ cười và sự trải nghiệm, tuổi trẻ gắn liền với sức mạnh đột phá vượt qua mọi thử thách, bẻ gãy mọi xiềng xích để đi tới sự thành công theo ước muốn của mình. Làm sao tuổi trẻ có sức mạnh đó? Bởi tuổi trẻ không tự cột chặt xiềng xích chính mình bằng sự cố chấp, bám chấp, dính mắc mà tuổi trẻ là khám phá trong niềm tự tin kiêu hảnh về trí tuệ kiến thức và nếu có thất bại, họ sẽ nghiên cứu để đi tới sự thành công.

Các bạn thân mến, Đức Phật tới trong cuộc đời và Ngài nhìn thấy mỗi một con người chúng ta luôn xiềng xích cột chặt chính mình bằng sự bám chấp – bám cho chặt và chấp cho chặt. Rồi lấy sự bám chấp đó để chế tạo ra những sợi xích thật lớn tròng vô cổ, cột chặt đôi tay, xiết đôi chân. Cứ từ từ, từ từ cột từ đầu cho đến chân tất cả xiềng xích của sự bám chấp càng ngày càng dài càng lớn, càng cuốn chặt lấy chúng ta, cuốn chặt mãi đến khi chúng ta ngộp thở và chết ngay trong chính tự xiềng xích của mình. Có bao nhiêu các bạn ở trong cuộc đời này đã tự xiềng xích mình vào dây xích khổ đau để rồi cả cuộc đời thay vì chấm dứt và tiếp tới một cuộc đời mới, có những ý tưởng đẹp hơn, họ lại tự cột chặt vào trong khổ đau đó mãi mãi. Dù khổ đau đó đã đi qua, nhưng họ chấp vào trong khổ đau đó, họ tự xiềng xích, họ tự cột chặt để cho nước mắt phải chảy khô cạn tên bờ môi cằn khô. Và để cho những giọt lệ cay đắng không còn có cơ hội chảy, mà chỉ còn những giọt máu cô đọng trong trái tim héo úa mà thôi. Thế vậy mà họ vẫn thích, họ vẫn thích tự xiềng xích cho đến chết. Cho nên ở đời mới có câu gọi là “Thú đau thương”. Càng đau trong biển tình, càng đau trong biển ái, càng đau khổ trong tất cả những xiềng xích tự cột chặt mình lại, họ lại cảm thấy đó như một thú vui. Quả thật, đây là một điều kinh khủng cho những quan niệm sai trái như vậy. Phật đã thấy con người đã tự làm mình đau khổ, tự xiềng xích trong bám chấp mà không nhìn rõ, nên Ngài đã tới cuộc đời khai ngộ để giúp cho chúng ta. Các bạn thân mến, không hẳn con người đâu, có một loại côn trùng nó tự nhả nước miếng ra và nó bao bọc cơ thể của nó, nó bao bọc mãi, bao bọc mãi rồi tới khi nước miếng dày cộm với bụi đất trộn lẫn, nó bị nhốt ở trong vỏ bọc của chính nước miếng nó nhả ra trộn lẫn với bụi đất ở bên ngoài cho tới khi bao trùm hết thì nó từ từ chết. Nhưng nó cứ làm như vậy hoài, trên đời có loại côn trùng như vậy và chúng ta không khác gì loại côn trùng đó cứ tự nhả ra những thương đau, nỗi niềm đau khổ day dứt ở trong mọi phương diện của cuộc đời, từ những góc độ của sự đổ vỡ về tình cảm, sự thất bại trên thương trường, sự đau đớn về tài danh bị thua, bị thiệt, bị mất không còn. Rồi từ sự mất xe mất nhà mất cửa, mất tình tiền danh tài, mất sắc, mất tất cả những ảo tưởng trong cuộc đời. Và từng cái mất nhỏ nhặt như vậy trong đối xử giữa người với người, giữa người với vật, giữa người với thiên nhiên tạo thành những mắt xích và chúng ta cứ nhả ra sự đau đớn như con côn trùng nhả ra nước miếng kia. Sự đau đớn, sự than vãn, sự oán trách nó dày cộm ở trong tư tưởng của chúng ta, nó tạo thành những mắt xích dài cột chân tay, cột toàn thân. Không những thế, nó còn cột chặt tư tưởng của chúng ta lại, làm cho chúng ta không thoát ra được nữa và rồi chúng ta chết dần như loại côn trùng kia. Nếu có tự nhốt mình vào thì ít nhất cũng phải như con nhộng tạo thành một cái kén, nhốt mình để tự bảo vệ khi còn yếu. Nhưng rồi khi chính trong cái kén đó nó nhốt mình để nó thành bướm thì cái kén đó vẫn cho nhả ra những sợi tơ để người đời ứng dụng những sợi tơ đó mà dệt thành vải lụa. Nếu chúng ta muốn tự nhốt, thì đừng nhốt vào sầu bi ai oán than trách, mà nhốt mình vào trong 5 giới của nhà Phật tạo thành cái kén như con nhộng để nhả tơ hồng của từ bi ra giúp cho cuộc đời đan thành những chiếc áo bảo hộ cho người và cho mình. Đó mới là điều lý tưởng chúng ta cần nhốt mình, tự xiềng xích mình bằng 5 giới cấm của Phật, chứ đừng tự xiềng xích và nhốt mình bằng những điều sầu muộn bi ai, khổ ải tham chấp ở cuộc đời. Chúng ta bám chấp vào điều đó sẽ không thành tựu mà tự hủy họai giết mình. Từ những bám chấp ban đầu, tuy nó thật là nhỏ, rồi nó từ từ, từ từ biến thái theo dòng thời gian, nó trở thành tâm ích kỷ vi tế đan xen vào trong cuộc sống tạo tác của chúng ta. Và từ những chấp ngã đó, nó biến thành những ích kỷ vi tế đó rồi từ từ nó hình thành khối cứng ngắc ở trong đầu, biến tâm ta thành kiêu mạn. Các bạn, biến tâm ta thành kiêu mạn tự kiêu tự đắc, tự đại và rồi từ tâm tự cao, tự đắc, tự đại đó bởi vì bám chấp vào, bám chấp vào sự đau khổ, bám chấp vào tiền, danh vọng, bám chấp vào những ảo tưởng của cuộc đời. Nó biến ta thành ích kỷ, nó biến ta thành người tự cao, tự mãn rồi chúng ta tự kiêu ngạo và tự trị vì thiên hạ luôn. Bất chợt ta biến ta thành ông trời và từ ông trời tự trị – chính ta tự trị muôn người, kiêu ngạo quá đáng. Chúng ta bám chấp vào cái tự riêng tư của mình và coi mình trở thành như kẻ ở trên hết. Do đó mà các bạn có biết không? Chính trong cái tâm đó chúng ta đã để tự do cho mình thật dễ dàng nổi nóng, thật dễ dàng nóng giận chửi bới, và chỉ nghĩ về cái lợi bản thân của mình rồi lại vùi đầu đắm chìm trong dục lạc để gây tổn hại cho biết bao nhiêu con người, bao nhiêu loài vật, để rồi những lầm lỗi ngày qua tháng lại nó cứ chất chứa, chất chứa chập chùng. Rồi tất cả những điều đó chúng ta đã từ từ từ từ như loài sâu nhả nước miếng trộn lẫn với đất để bao bọc cuộc đời của mình trong tự ngã, tự trị, kiêu mãn, ích kỷ của tâm chấp ngã ban đầu. Đức Phật tới để dạy cho chúng ta, chúng ta nên lấy 5 giới cấm của nhà Phật, không phải tự nhốt mình, mà tự bảo vệ mình và 5 giới cấm này như một phương tiện để phá vỡ mọi xiềng xích chúng ta đã cột chặt bản thân của mình từ trong vô lượng kiếp qua bởi vô minh và 5 giới này còn giúp chúng ta phá vỡ mọi xiềng xích của tâm chấp ngã bám víu vào những điều hư tưởng để tạo thành tâm ích kỷ, kiêu căng, ngã mạn.

Các bạn thân mến, lời của Phật dạy thật là đơn giản. 5 giới của nhà Phật như 5 thứ bửu bối, từng giây từng phút từng ngày tháng trôi qua sẽ cắt đứt mọi xiềng xích ràng buộc chúng ta vào trong những kiến chấp của cuộc đời, những tư tưởng chấp trược. Tất cả mọi giềng mối đau khổ tới từ tâm bám chấp. Phật nhìn rõ, giao cho chúng ta 5 bửu bối của 5 giới, trước là ngăn chặn tâm chấp tới, sau là để phá vỡ xiềng xích đó để giúp cho chúng ta tự do thoát khỏi mà thành tựu được sự an lạc trong cuộc đời. Các bạn, nhìn rõ được trị của 5 giới, 5 bửu bối Đức Phật trao cho để nhìn rõ được rằng cuộc đời của chúng ta có bửu bối để phá vỡ, để cắt đứt mọi xiềng xích mà chính mình đã tự ràng buộc, tự tạo ra, tự cột trói mình để dìm mình xuống lòng biển sâu đau khổ. Vì sao? Bởi ta xiềng xích chân tay lại, còn xiềng xích cột thêm đá vào trong cổ nữa rồi tự nhảy xuống bể khổ của cuộc đời, tự giết chết mình mà không hay. Phật tới Phật trao cho ta 5 giới để cắt đứt những sợi dây xiềng xích của sự chấp trược kia, giải phóng giải thoát ta khỏi sự ràng buộc của chính cái tâm thiếu hiểu biết. Để từ đó tâm của ta không còn chấp ngã và rồi những cái tâm ích kỷ nó tan dần tan dần và tánh tự mãn tự cao nó không còn tồn tại trong tâm thức. Chúng ta không còn có cái tâm kiêu mạn muốn ngự trị ai nữa, mà chúng ta sẽ là tâm hồn biết lan tỏa, biết trải rộng yêu thương tới muôn người. Để từ đó ta dịu dàng ta nhẹ nhàng, ta dễ thương, ta không còn dễ nóng tính nữa, và từ đó ta không nghĩ cho cái lợi của riêng mình mà ta nghĩ đến sự lợi lạc của muôn chúng sanh. Các bạn, sống ở trên đời, giá trị cao quý nhất là chúng ta thà rằng sống chỉ một giây mà được tự do tung tăng bay lên tận trời cao, chứ còn sống cả ngàn năm, cả đời đời kiếp kiếp mà tự xiềng xích trong đau khổ danh vọng hão huyền, trong ngũ dục của cuộc đời thì sống để làm gì. Một giây sống mà được tự do tung cánh bay lên trên trời – tốt lắm. Vậy hãy dùng 5 giới của nhà PHẬT như 5 bửu bối để cắt đứt mọi xiềng xích trong sự bám chấp của chúng ta để chúng ta được tự do bay bổng lên bầu trời, hưởng cái đẹp, để ngắm tinh tú muôn vì sao đang hiển lộ giữa không gian, toàn những điều kỳ diệu mỗi ngày tới ai sống. Cám ơn các bạn đã nghe.

Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn