Search

Trọn Vẹn Kiếp Người

Bảo Tịnh Hương đánh máy, Bảo Tịnh Minh biên tập

Trong buổi đồng tu của chương trình Sống Trong Chánh Niệm ngày thứ bảy hôm nay tại tổ đình Chùa Xá Lợi tiểu bang Maryland. Giờ đã tới mời tất cả chúng ta hãy chắp tay vào quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo, đồng trì tụng hồng danh Đức Phật, Đại Bi chú, Vãng sanh chú và Thất Bảo Huyền Môn. Chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (03 lần)

Chú Đại Bi (01 biến):

Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát. (03 lần)

Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm đà la ni, nam-mô hắc ra đát na, đá ra dạ da. Nam-mô a rị da, bà lô yết-đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da. Ma-ha-tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa. Nam-mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da bà lô Yết-đế, thất Phật ra lăng đà bà. Nam-mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà đà, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, câu lô câu lô kiết mông, độ lô độ lô phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Ma mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê y hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá ra, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì, địa rị sắt ni na, ba dạ ma na ta-bà ha, tất đà dạ ta-bà ha. Ma ha tất đà dạ ta-bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì ta-bà ha. Ma ra na ra ta-bà ha. Tất ra tăng a mục khư da, ta-bà ha. Ta-bà ma ha, a tất đà dạ ta-bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ ta-bà ha. Ba đà ma kiết tất đà dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì bàn dà ra dạ ta-bà ha. Ma bà rị thắng yết ra dạ, ta-bà ha. Nam-mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam-mô a rị da bà lô Yết-đế thước bàn ra dạ, ta-bà ha.

Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt sà rạ ta bà ha. (03 lần)

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và tất cả các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn, kênh Facebook Chua Xa Loi.

Chú Vãng Sanh (03 biến):

Nam mô a di đa bà dạ

Ða tha dà đa dạ

Ða điệt dạ tha

A di rị đô bà tỳ

A di rị đa tất đam bà tỳ

A di rị đa tỳ ca lan đế

A di rị đa tỳ ca lan đa

Dà di nị, dà dà na

Chỉ đa ca lệ ta bà ha.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật chứng minh, phóng quang tiếp dẫn Chư hương linh Cửu huyền Thất tổ, ông bà, cha mẹ, những người thương yêu của chúng con quá vãng nhiều đời được siêu sanh miền lạc quốc. Cùng nguyện hồi hướng Chư Phật gia hộ cho hàng đệ tử tại gia của chúng con tinh tấn tu học, bồ đề tâm kiên cố xa bể khổ miền mê để đi vào bờ Giác Ngộ. Hồi hướng cho tất cả các đấng sinh thành tăng long phước thọ, luôn được thắp sáng trí tuệ viên mãn.

Thất Bảo Huyền Môn (01 biến):

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Ma Sa Ốp Uê.

Sa Bi Mô U.

Sa U Sa U Ba Thê Um.

NamMô SaKa PuốtTế, NamMô SaKa PuốtTế.

Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.

Mô Phật! Kính thưa quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trong chánh niệm đời sống mỗi thứ bảy, chúng ta cùng ngồi đây với nhau trên những khung giờ khác biệt tuỳ theo ta đang sống ở vùng miền nào. Không gian thời gian, ngữ cảnh cuộc đời khác biệt mà vẫn đến nơi Đức Phật dạy để buông bỏ trong chốc lát trở về với tự tánh thấm nhuần năng lượng Từ Bi của Phật. Cho mình một sức mạnh nội tại thắp sáng đuốc tuệ để tiếp tục đi trên con đường vào cuộc đời tìm được hạnh phúc cho ta, cho gia đình, cho thân nhân, cho tất cả những ai có nhân duyên đi vào cuộc đời dù là một giây một đời hay nhiều kiếp.

Chúng ta vẫn có nhiều định nghĩa về kiếp người. Mới đó khóc oe oe khi được sinh ra trong lòng mẹ, dìu dắt từng bước chân đi vào cuộc đời. Nơi đấng sinh thành dạy dỗ, mớm cho từng miếng ăn, từng chút sữa, từng âm thanh lọt vào lòng người rồi tạo thành ngôn ngữ bập bẹ kêu ba kêu mẹ, ta vui ta mừng đến lúc thoảng một cơn gió nhẹ đưa qua, hơi thở đi chẳng về kết liễu một cuộc đời. Tiếng trống tiếng kèn lại thổi vang, vậy là chúng ta đã nói trọn vẹn một kiếp người.

Khi nghe thấy đâu đó có người nằm xuống thì ta coi như à người đó đã xong một kiếp người, người đó đã trọn vẹn một kiếp người. Có lẽ không ai vội vàng và kịp thời gian để ghi lại dòng tiểu sử hay lịch sử oanh oanh liệt liệt của riêng mình để khi nằm xuống đó, ai ở trên đờ này còn nuối tiếc thương mến đọc lại để biết mình. Nhưng ít nhất trên bia đá của mộ phần hoang lạnh ngoài đồng dế kêu, giun đào, cỏ mọc, xương trắng phơi trên miền xương lạnh đó vẫn còn khắc ghi tên, tuổi, ngày tới và ngày đi, như vậy là đủ rồi. Bao nhiêu năm có phải chăng trọn vẹn kiếp người còn khắc ghi trên bia đá lập ở trên mộ kia. Có phải chăng nằm dưới miền đất hoang lạnh của sự vô tri, không còn ai kề cận đó, nếu như còn chút thổn thức trong thần thức, ta thấy được gì dưới lòng đất tối tăm và ta thấy được gì còn mang theo về với miền đất lạnh. Phải chăng là chút xương chút thịt còn đó để nhớ những năm tháng qua đi cũng trở về với lòng đất. Có chăng là còn vài mẩu xương hay còn có gì, vẫn trọn vẹn một kiếp người, phải chăng chỉ là như vậy.

Chủ đề Trọn Vẹn Kiếp Người định nghĩa sẽ phức tạp vô cùng bởi không ai có một định nghĩa để trọn vẹn kiếp người giống nhau, ta khác. Các bạn, ta đã sống nửa đời trong mơ ước, không biết nửa đời của các bạn là một ngày hay năm mươi năm, một giây hay mấy mươi năm đây. Ta đã sống nửa đời trong mơ ước, sinh ra chưa biết gì thì cha mẹ đã thêu dệt những ước mơ mớm vào lòng đời. Buổi thôi nôi một tháng chưa biết gì đâu nhưng thôi nôi một năm cha mẹ hoặc người thân, theo từng vùng miền có thói quen mua đồ chơi đủ thứ đại diện có các ngành nghề thảy xuống đất cho đứa bé một tuổi bò bò. Nếu lượm vào cái xẻng ôi chu choa con mình mơ ước thành anh xây dựng. Nếu chọn máy cày chắc nó thành anh máy cày rồi. Nếu chọn máy vi tính ô nó trở thành nhà sáng chế vi tính thành lập các phần mềm. Lỡ mà chọn cái kim thì không biết nó là cái kim chích thuốc của bác sĩ hay kim chích thuốc của những đạo chích lần mò trong đêm tối. Nhưng dù sao đi nữa ta vẫn mần mò trong ý nghĩa tưởng tượng để đặt để, thêu dệt ước mơ cho đứa bé mới một tuổi chẳng biết gì sờ loạng choạng vậy mà đã ấn định ước mơ.

Ta đã sống nửa đời cho mơ ước

Rồi nửa đời để tiếc nuối ngày xưa

Còn hiện tại không thấy đâu các bạn ơi. Các bạn thấy không ta sống nửa đời cho mơ ước rồi nửa đời để tiếc nuối ngày xưa. Hôm nay ta không sống trong hiện tại. Ta sống để dệt mơ cho tương lai nhưng ngày qua ta lại sống để nuối tiếc ngày xưa, như vậy từng giây phút cuộc đời ta luôn dệt mơ của tương lai và nuối tiếc cho những chuyện đã qua còn hiện tại ta chỉ là thây ma của quá khứ hoặc bóng ma cho tương lai.

Hiện tại không thấy, u ám mờ tịt vậy mà khi chết cũng trọn một kiếp người trong mơ ước, khi chết cũng trọn một kiếp người trong nuối tiếc. Tại sao ta cứ sống để mơ ước để rồi chết trong niềm mơ ước. Tại sao ta cứ sống để nuối tiếc để rồi chết thành nuối tiếc. Con ma mơ ước hay xác chết nuối tiếc có làm gì được nữa khi hiện tại thân người vi diệu có khả năng thay đổi toàn bộ vậy mà không ứng dụng, cứ mơ cứ dệt mộng. Mộng là mộng nó ảo vậy mà cứ ngồi đó biến nó thành những sợi tơ mong manh trong kí ức, dệt thành giấc mộng giấc mơ như thảm đỏ bay để ngồi trên đó như cô gái bay trên thảm dệt mơ mộng vào vùng trời cao hái hoa trời rắc xuống lòng trần của người thế gian.

Các bạn có khi nào ngồi ngẫm nghĩ để thấy rằng dù là trẻ hay lớn tuổi cứ gọi như nửa đời đã qua bởi ai biết được ngày sau ta như thế nào, bởi ai biết được ngày sau là một trăm năm hay chỉ một giây nữa ai biết được. Cứ coi như ta sống nửa đời, ta sống nửa đời cho mơ ước rồi nửa đời để tiếc nuối ngày xưa. Các bạn có khi nào ngồi ở đâu đó trong một góc, nghe một nốt nhạc nhẹ nhàng mà tiếc nuối ngày đã qua của những buổi hẹn hò với tình, những buổi hẹn hò với tiền tài danh vọng và địa vị quyền lực sức mạnh, sự ăn uống sung sướng ở đời chưa? Tất cả những cái đó khi qua đi hầu hết vẫn để lại trong tâm chúng ta sự nuối tiếc vậy nên khi lớn tuổi ta vẫn thường kể cho con cháu, ôi các con các cháu có biết không? Hồi xưa, hồi xưa ấy và rồi hồi xưa đó, hồi xưa kia để rồi ta ngồi kể chuyện hồi xưa, hồi xửa hồi xưa rồi hồi xưa hồi xửa cứ như vậy nửa đời còn lại ta nuối tiếc chuyện xửa chuyện xưa, hồi xửa hồi xưa cứ như thế rồi hồi về miền ký ức đắm chìm mà ngay trong những giây phút hiện tại của tuổi đã lớn ta không biết sống chánh niệm. Điều này rất thực tế, mỗi ngày trôi qua vào buổi sớm ngồi uống ly cà phê vợ pha hoặc chồng pha cho ta hoặc quán cà phê nhỏ quán cóc giữa lòng đời bận rộn, cuốn cuồn xoay đó ta vẫn mơ mơ màng màng như cảnh giới của thần tiên bởi sao thức dậy là mơ, thức dậy là mơ là ước. Ước gì hôm nay trúng con số đề, ước gì hôm nay trúng một điều gì đó trúng mánh trúng mối làm được nhiều tiền. Những ước mơ đó đầy rẫy trong cuộc đời, Bảo Thành có các bạn có, ước mơ cho cuộc sống yên bình, ước mơ cho tất cả mà chẳng bao giờ thực hiện để những ước nguyện thay vì mơ thành sự thật. Ta đã biến những ước nguyện thành ước mơ. Ta hão huyền ta thăng hoa thay vì đi tới chí nguyện lớn ta giảm tốc độ để giảm giá, ở đời khi ta đi chợ cái gì cũng mong ngày giảm giá, on sale giảm giá như vậy tại sao ta lại giảm giá chí nguyện của mình cho những ước mơ vụn vặt của đời thường.

Các bạn, ta phải nghe cho thật rõ đừng dệt mộng dệt mơ nếu những ước mơ của đời thường có thật chữa được khổ đau của loài người thì nhớ rằng không thể đong đo bằng vật chất tịnh tài, danh vọng địa vị của cải để xoa dịu và xoá tan đi khổ đau của những con người đang trầm mình trong những khổ đau đó.

Đức thái tử Tất Đạt Đa sao lại thành Phật khi tuổi trẻ Ngài nhìn thấy sự khổ đau của chúng sanh trong sinh lão bệnh tử. Ngài muốn cứu khổ Ngài muốn chúng sanh hết khổ hết đau hết bệnh. Nếu nói dùng tiền để cứu nếu quan niệm đó được nghĩ thì Đức Phật thiếu gì tiền bạc châu báu ngọc ngà, hô một tiếng thì vàng bạc đầy ắp cho người ta ăn người ta uống, người ta đâu có khổ nhưng đó không phải là chân lý. Nếu là chân lý Phật đã chẳng đi tu, vượt thành khổ ải để sống đời sống bình dị, đi chân đất đầu trời, mặc áo cà sa bằng vải liệm xác chết để độ chúng sanh Ngài có tiền mà. Nếu dùng quyền lực thì Ngài có thể làm vua, dùng quyền lực đó để ban bố quyền hành tiền tài danh vọng và địa vị, chữa lành những mảnh đời đau khổ.

Không Ngài đã suy nghĩ kĩ như mỗi người chúng ta đã suy nghĩ nhưng Ngài hiểu được những phương pháp đó chẳng phải là chữa lành bệnh, chẳng phải là cứu khổ mà chỉ là tăng thêm khổ đau mà thôi. Biết bao nhiêu con người trong thế gian này đã làm chuyện đó và ta không thoát ra khỏi mặc định không nên làm như vậy dù đã học Phật mà chẳng noi gương Phật. Phật đã từ bỏ tiền bạc châu báu, vợ đẹp con khôn gia tài quyền danh bởi Ngài thấy chúng sanh khổ và những cái Ngài có đó không thể chuyển hoá khổ đau của chúng sanh chỉ là mớm cho một phần sống thực tại trong kiếp đời để lại tiếp tục đón khổ vào mà thôi.

Người đời đã cho những người đói miếng ăn miếng uống khi họ đói khát. Người đời đã cúng dường bố thí từ thiện quần áo khi họ rách rưới, bệnh hoạn thì có thuốc đầy đủ nhưng Đức Phật là cúng dường trí tuệ cho muôn người bởi không có trí tuệ chẳng thể thoát khổ. Do đó các bạn thân mến! Ta đã sống nửa đời mơ ước phải chăng cũng chỉ là cơm ăn áo mặc, phải chẳng cũng tiền danh tình tài. Tình và tài nhà cửa và những bữa tiệc linh đình. Yến tiệc trong cuộc đời không còn trong cung đình nữa mà yến tiệc trong cuộc đời đã bày ra những quán cóc bên vệ đường đơn thuần chỉ có một người. Chúng ta đã thấy những con người độc ẩm để mất nhân cách trở thành gã say bên lề đường bởi vì họ tìm thấy được những mơ ước trong những chum rượu uống vào. Điều đó chẳng có gì sai đối với loài người nhưng là say với những người đang đi tìm sự thức tỉnh.

Các bạn, ta đã sống nửa đời cho mơ ước rồi nửa đời để tiếc nuối ngày xưa, ngày xưa ấy nếu mà. Các bạn vẫn thường nói ngày xưa ấy nếu mà tôi nhanh tay một chút xíu tôi lấy được cô vợ đẹp rồi. Ngày xưa ấy nếu mà tôi nhanh chân một chút tôi đã có anh chồng giỏi rồi. Ngày xưa ấy nếu mà tôi mạnh dạn một chút xíu, hăng say một chút xíu thì tôi ngày nay chẳng ai sánh bằng. Rồi có lẽ không hẳn chỉ là sự nuối tiếc trên môi miệng thì thầm cho chính mình nghe mà còn thêu dệt trong mơ ước của sự nuối tiếc đó thành những áng văn. Những áng văn bất hủ đời người chúng ta truyền lại cho con cháu, người thân mà đâu có ngờ rằng chẳng phải là truyền mà là ô nhiễm tinh thần của căn bệnh truyền kiếp, sự mơ ước nuối tiếc của chính mình. Ta đã làm ô uế và ô nhiễm tâm thanh tịnh của trẻ thơ bằng rập khuôn như thế.

Các bạn, cuộc sống con người chúng ta chẳng trọn vẹn chút nào nếu chỉ dựa trên nền tảng mơ ước khi đang sống để rồi nuối tiếc cũng khi đang sống mà chẳng chánh niệm trong đời. Như vậy chẳng có trọn vẹn kiếp người các bạn. Ta mới sống được một vế, một vế đó là vế của đau khổ phiền não chưa trọn vẹn kiếp người. Nếu trong kiếp người Đức Phật dạy có đau khổ phiền não thì phải có hạnh phúc và an lạc. Ta hoàn toàn thiếu vế hạnh phúc và an lạc như vậy nếu có chết đi chẳng thể trọn vẹn một kiếp người chỉ uổng một kiếp người. Một kiếp người sống nửa đời cho mơ ước rồi nửa đời để nuối tiếc ngày xưa, uổng một kiếp người các bạn.

Các bạn nấu một món cơm ăn để đó chẳng chờ tới một tuần sau mới ăn bởi tuần sau nó đâu có còn. Món ăn chẳng thể chờ, sự tu chẳng thể đợi.

Ta đã sống nửa đời cho mơ ước

Rồi nửa đời để tiếc nuối ngày xưa

Nay tỉnh thức sống vui từng hơi thở

Đức Phật tới, Ngài dạy cho chúng ta để tìm một nửa của đời sống nữa ở sát cạnh sát vách như cô hàng xóm ở sát vách. Không phải nhà nàng ở cạnh nhà tôi cách nhau có hàng mồng tơi xanh rờn đâu các bạn mà nhà nàng ở đây là nàng hạnh phúc và an lạc, ở sát cạnh ngay anh đau khổ và phiền não. Các bạn thân mến, nếu ở sát vách nhà mình có một cô nàng đẹp như thế nhất định phải cưới làm vợ mà đúng vậy nếu sát cạnh cuộc đời đau khổ và phiền não này có một cô nàng hạnh phúc và an lạc. Đức Phật đã điểm đã chỉ rồi sao ta không vội vàng chuẩn bị lễ phẩm để cưới nàng hạnh phúc và bình an mới trọn vẹn một kiếp người chứ các bạn. Còn cô độc thế kia chỉ là anh chàng giả say giữa lòng đời đau khổ và phiền não ngất ngưởng rồi chết sao trọn một kiếp người. Trọn vẹn một kiếp người là phải cưới được cô nàng hạnh phúc và bình an. Nhà nàng ở sát nhà tôi mà chỉ cách một hàng rào của hơi thở chánh niệm, phân định được đâu là thiện ác, đâu là hiện tại còn không cứ mập mờ. Cứ mập mờ cho anh chàng say sưa bên lề đường độc ẩm một mình trong mơ ước, hối tiếc ngày xưa mà chẳng biết kết nghĩa nên một với cô nàng tuyệt vời của hạnh phúc và an lạc. Đó là chánh niệm hơi thở đời sống vốn ở sát cạnh ngay trong đau khổ và phiền não của chúng ta.

Các bạn, nay tỉnh thức sống vui từng hơi thở là nay ta mới nhận ra ui cha sao cận kề nhà của ta cô hàng xóm hạnh phúc và bình an kia hiện diện mà ta không biết ta không màng. Ta cứ lơ mơ màng màng mơ ước để tìm những nàng tiên nâu bay bổng trong những ô uế của cuộc đời ăn chơi trác táng. Các bạn ta đã sống nửa đời trong mơ ước những nàng tiên nâu cho những dục vọng của thế gian, cho những điều mơ ước thấp hèn kiếp người để rồi đi lòng vòng lại chui đầu vào tam đồ khổ địa ngục ngạ quỷ súc sanh. Nhốt ở dưới đó mồ hoang cỏ lạnh xương phơi, nửa đời nằm ở dưới đó ta lại hối tiếc, tiếc nuối ngày xưa. Hãy tỉnh thức và đi tìm ngay người yêu chân thật kề cạnh anh chàng đau khổ và phiền não, đó là cô nàng hạnh phúc và bình an.

Nay tỉnh thức sống vui từng hơi thở

Cho kiếp người trọn vẹn, sống ngay giờ

Các bạn thân mến! Một đời sống chánh niệm là đời sống để chúng ta biết dừng những mơ ước hão huyền trong nửa đời cuộc đời, vương vấn phảng phất ở đầu đường xó chợ của tham dục mà trở về ngôi nhà tự tâm để ta không còn phải nuối tiếc nửa đời sau cho những chuyện của ngày xưa. Ta tỉnh thức sống vui từng hơi thở để ta thành tựu kết thân nên một, nhất như với nguồn hạnh phúc an lạc của tự tánh vốn có ngay đây. Nhà của tự tánh, hạnh phúc, an lạc sát vách với cuộc đời đau khổ trầm luân của chúng ta. Nếu ta không một lần dũng cảm bước qua nhà hàng xóm sát vách của đau khổ phiền não thì chẳng bao giờ, muôn muôn đời đời ta vẫn cứ khổ ta vẫn cứ phiền não và khi khổ, phiền não ta sẽ đắm mình vào mơ ước và trầm mình trong nuối tiếc của ngày xưa ấy.

Ở đời có câu nhà nàng ở sát nhà tôi mà đúng vậy, đời sống hạnh phúc và bình an ở sát ngay sát vách với đau khổ và phiền não. Chỉ cần các bạn dũng cảm bước qua ngưỡng cửa của chánh niệm hơi thở thì các bạn ngay tại đây ngay chỗ này, các bạn sẽ tỉnh thức để sống vui từng hơi thở để cho kiếp người trọn vẹn sống ngay bây giờ đây mới chính là kiếp người trọn vẹn. Trọn vẹn một kiếp người để khi nhắm mắt xuôi tay duỗi cánh hạc bay về trời tây chẳng nuối tiếc chuyện xưa ta đã vắng, chuyện xưa vắng rồi.

Các bạn thân mến! Trong đạo Phật không hù doạ về sự chết nhưng sách tấn chúng ta hãy dũng cảm phá vỡ bức tường ngăn cách giữa nhà nàng và nhà tôi, giữa cái tôi của đau khổ phiền não của mơ ước của nuối tiếc để bước qua nhà nàng hạnh phúc và bình an, của hiện tại trong hơi thở, của niềm vui ngay bây giờ tại đây và chánh niệm. Chúng ta phải cắt đứt đi dây tơ của mộng tưởng thêu dệt ý nghĩa cao cả mà quên đi thực tại chánh niệm hơi thở để bừng sáng trí tuệ.

Đức Phật đã từ bỏ tiền tài danh vọng địa vị quyền lực bởi vì Ngài thấy rằng những thứ đó không thể cứu khổ chỉ có trí tuệ viên mãn. Đạt được trí tuệ viên mãn đó đưa vào sử dụng được gọi là diệu dụng phương tiện còn nếu bạn chưa đạt được trí tuệ viên mãn đó, bạn chỉ dụng cái cớ ứng dụng phương tiện rồi lại lầm vào trong bóng tối để bóng đen như con ma xó của cuộc đời nhốt bạn vào trong cái xó của địa ngục, cái xó của tham sân si, cái xó của ngạ quỷ súc sanh và biến mình thành con ma xó. Ma xó bị nhốt nó mới mơ mới ước. Ma xó bị nhốt nó mới nuối tiếc thời được tự do.

Các bạn, chỉ có trí tuệ như mẹ Quán Thế Âm, Ngài có trí tuệ bừng sáng nên diệu dụng hằng hà sa phương tiện còn chúng ta chưa có trí tuệ nếu vịn vào phương tiện để độ đời ta dễ lầm, dễ đưa người lạc đường vào cõi mê. Đạt được trí tuệ thì chúng ta có đa phương tiện còn không chỉ là phương tiện của cõi dục, của ngũ dục. Bởi vậy khi Bồ Tát đạt được trí tuệ rồi Ngài bước vào phương tiện của loài người mà không bao giờ bị dính mắc. Còn phàm phu chúng ta khi chưa đạt được trí tuệ mà ứng dụng đa phương tiện thì phương tiện sẽ biến thành núi đá đè lên ta như ngũ hành sơn nhốt kín Tề thiên Đại thánh. Rồi phải nhờ Ngài Quán Thế Âm điểm đạo, Đường Tăng tới mới kéo ra được mà đã ra rồi con khỉ đó vẫn cuồng ngạo hoài à. Trên suốt đoạn đường đi thỉnh kinh nó phá, nó nghịch chỉ có vòng kim cô siết cho nó đau, nó mới tỉnh ngộ để hồi về. Phim đó ta coi từ nhỏ sao cứ để cho tất cả nuối tiếc trong cuộc đời ta như vòng kim cô siết để rồi gục ngã trên thềm đời vương vấn những cõi dục đó. Rồi than rồi thở rồi chờ một Đấng cứu độ, đâm vào con đường mê tín dị đoan để giải thoát.

Chúng ta không thể dùng vật chất để cứu khổ, tinh thần để cứu khổ, tâm lý để cứu khổ chỉ có thể dùng chân lý của trí tuệ mà thôi. Vậy nên biết bao nhiêu những người có học cao, học vị đều buông bỏ hết bởi thấy điều đó chỉ giúp cho xã hội phát triển chiều sâu chiều rộng của vật chất và tinh thần nhưng chẳng thể cứu khổ thoát khỏi luân hồi sanh tử nên các Đấng ấy đã từ bỏ. Nhớ rằng nếu nói về học vị, hàm vị ngày nay thì Đức Phật có đủ hết bởi Đức Phật là Thái Tử được học văn võ song toàn. Nếu được cấp bằng và học vị thì Ngài có đủ, tiến sĩ bác học Ngài có hết nhưng Ngài đều quăng vào xó nhà, bỏ đi một mình bằng đôi bàn chân thực nghiệm trong đau khổ để tìm ra chân lý Giác Ngộ và chỉ có trí tuệ mà thôi.

Các bạn, Trọn Một Kiếp Người tức là trọn một kiếp người đi vào miền an lạc của đời sống bằng chánh niệm hơi thở để thắp sáng đuốc tuệ, phá tan bức vách giữa nhà nàng và ta, giữa nàng hạnh phúc và bình an với anh chàng đau khổ và phiền não kia có thể kết thân thành một gia đình hai mặt. Phật nói ở đâu có đau khổ và phiền não, ở đó có hạnh phúc và bình an. Nhưng ta chẳng chịu ở đó ngay đó, ngay đây, ngay chỗ này để hưởng hạnh phúc và bình an mà cứ trầm mình trong hồi ấy, ngày xưa ấy, hồi xửa hồi xưa, tôi đau tôi khổ, tôi này tôi kia, tôi nuối tiếc. Bây giờ lại không thay đổi trong hiện tại để sống mà cứ mơ, cứ ước để khi chết đi rồi gọi là trọn vẹn một kiếp người nhưng thật ra chúng ta chưa thật sự trọn vẹn.

Ta đã sống nửa đời cho mơ ước

Rồi nửa đời để tiếc nuối ngày xưa

Nay tỉnh thức sống vui từng hơi thở

Cho kiếp người trọn vẹn, sống ngay giờ

Các bạn thân mến! Đúng một tuần ngày cuối tuần này ta sống với đời sống chánh niệm. Ta tìm lại ngay vách ngăn đôi giữa đau khổ phiền não và hạnh phúc bình an. Sức mạnh phi thường có thể phá vỡ sự ngăn cách đó là chánh niệm hơi thở Từ bi thì nhất định các bạn là anh chàng đau khổ phiền não đó sẽ kết hôn được với cô nàng hạnh phúc và bình an. Vậy mới gọi trọn vẹn một kiếp người không cô độc trong miền khổ đau. Chúc các bạn một tuần mới ngẫm nghĩ một chút xíu trong từng tách trà, giọt cà phê hay nơi thanh vắng hay rộn ràng của cuộc đời thấm thía rằng ta đã quên một cô nàng thật đẹp, sống sát vách nhà của ta, đó là cô nàng hạnh phúc và bình an. Phá tan sự ngăn cách đó để kết thân giữa đau khổ phiền não với hạnh phúc bình an. Kết nên một mới trọn vẹn một kiếp người và phải dùng lực của chánh niệm hơi thở để ta sống nửa đời mà không còn mơ ước, để rồi nửa đời còn lại chẳng nuối tiếc nữa bởi cả đời tỉnh thức sống vui từng hơi thở, để cho nguyên một kiếp đời chúng ta trọn vẹn sống an yên.

Đừng như là ta sống nửa đời cho mơ ước rồi nửa đời để tiếc nuối ngày xưa. Đừng tính sổ như vậy, cứ nửa đời này, nửa đời kia mà ta phải sống trọn đời trong chánh niệm để từng ngày, từng phút và từng giây, ta nhìn thấy hơi thở trong chánh tâm chánh khí, trong cuộc đời hiện tại để ta thực sự xứng danh một người sống trọn vẹn trong kiếp người có thân người là phương tiện vi diệu là tuyệt kỹ võ lâm mà Đức Phật đã thọ ký, đã khai thị cho chúng ta để không uổng kiếp người. Cám ơn các bạn đã nghe.

Thầy Bảo Thành: Bây giờ nếu như các bạn có sự chia sẻ gì thì chúng ta có thể chia sẻ cho nhau nghe. Mô Phật!

Phần câu hỏi và giải đáp:

Câu hỏi 1: Có người họ vô tình làm tổn hại đến con. Con không có chê trách hay chửi bới gì hết, con nói là con không bị vấn đề gì. Nhưng họ không tin và cứ tự trách mình, cứ thấy có lỗi với con, họ xin lỗi nhiều lần. Việc họ cứ gặp con, tự trách mình rồi xin lỗi khiến con khó chịu việc họ đã gây ra cho con. Xin Thầy chỉ cho con cách làm sao thoát ra được việc người ta cứ tự trách mình như vậy?

Trả lời:

Cuộc sống có nhiều điều lạ, nhiều khi khách tới nhà thăm ta. Ta mời bữa cơm họ đói meo chưa ăn, họ nói tôi ăn rồi, cô chú ăn đi nhưng mà mình ăn từng miếng họ đói họ thèm. Nhiều khi trong cuộc đời có những người tặng đồ ta, ta không chịu nhận, ta cứ đẩy qua đẩy lại tiếng việt gọi là khách sáo. Nếu mình mở lòng ra, người đó tới xin lỗi bởi vì họ áy náy một chuyện gì, họ nghĩ theo quan niệm của họ, nghĩ họ đã phạm, họ đã làm ta khổ làm ta phiền, nay họ tới họ xin lỗi mà ta cứ nói ta không có gì, không có gì thôi anh ơi không có gì đâu, thôi cô ơi không có gì đâu rồi người ta lại càng áy náy bởi vì người ta nghĩ rằng mình không đón nhận sự sám hối của họ, xin lỗi của họ, mình không có rộng lòng tha thứ, họ càng buồn, họ càng tìm cơ hội để xin lỗi.

Dù chúng ta không bị gì khi người đó tạo một chuyện gọi là không ưng ý đối với ta. Ta không sao thì không nhất thiết phải nói rằng thôi anh ơi tôi đâu có sao đâu mà cứ xin lỗi hoài, cô ơi có sao đâu xin lỗi hoài. Ta phải nhớ rằng ta cứ đẩy như vậy thì họ lại đưa tới, gọi là đẩy đưa mà, đẩy đưa riết thành đò đưa phiền não, hãy học cách đón nhận. Nếu như họ nói xin lỗi cô, xin lỗi anh tôi như vầy thì ta nói à thôi hãy bỏ qua. Như vậy là đủ và rồi lấy lòng bao dung đối đãi thì họ bỏ qua ngay. Còn mình nói thôi không có gì thì họ đeo suốt cuộc đời coi chừng họ thành con ma bám theo mình rồi gây phiền não.

Để cắt đứt chuyện đó, cứ đón nhận lời xin lỗi của họ bằng tâm chân thành dù những điều họ làm, không làm ta bị ảnh hưởng gì nhưng họ đã tới, họ đã dám nói tức là ta chứng minh cho lầm lỗi của họ nhưng lầm lỗi của họ không làm ảnh hưởng đến ta nhưng họ muốn ta chứng minh điều đó thì ta cứ nói với lòng chân thành. Tôi đã nghe tất cả những gì anh nói, thôi chúng ta huề, còn không có chuyện bắt tay huề đó họ đeo riết à. Cho nên bao nhiêu lâu nay họ đeo riết phiền não thì nếu họ nói một lần nữa, hãy nhìn thẳng vào đôi mắt họ bằng chánh kiến, bằng lòng từ ái, bằng sự nhẹ nhàng và bao dung và nói rằng ôi chúng ta thưở đó hoặc lúc đó không biết gì làm chuyện sai thôi mình cùng bỏ qua. Hết, không kí hợp đồng nữa nghe con, còn họ mang hợp đồng tới họ kì kèo, mình không chịu kí họ đeo riết đó nha. Mô Phật!

Câu hỏi 2: Có câu nói Cháy nhà mới lòi mặt chuột. Khi mà có chuyện thì bản thân con rất là chân thật, bản thân con những lúc bình thường gặp thuận duyên thì con vẫn sống và làm theo những gì Đức Phật dạy nhưng khi gặp nghịch duyên hay những chuyện bất như ý thì con lại giận dữ, con lại khởi lên những ích kỉ những sự tranh giành phần lợi về cho mình và con không thích giúp người khác. Vậy thưa Thầy có phải như vậy là con sống giả dối không thưa Thầy? Đến khi đụng chuyện thì bản tính thật của con mới hiện ra. Con xin Thầy chỉ dạy cho con ạ.

Trả lời:

Tại vì mình nhìn chưa rõ, luôn nghĩ rằng tất cả những gì mình được mình vui, mình thuận duyên là ông Phật ban. Đến khi mình gặp những chuyện không phù hợp, mình giận dữ mình sân si. Tâm lí con người luôn luôn nghĩ rằng Phật ban bố tất cả, được thì vui không được thì buồn, giận chửi người như đứa bé cha mẹ cho đồ chơi thì thích không cho thì giận khóc. Bởi mình chưa nhìn rõ được nhân quả còn ai nhìn rõ được nhân quả rồi không bao giờ giận khi người khác chọc giận. Cái đó đòi hỏi sự thực tập nhìn thấu vào nhân quả. Những điều xảy ra cho ta dù ưng ý, thuận ý hay hợp ý đều do phước báu mình tu tập mà có. Những điều xảy ra không ưng ý, không như ý muốn đều do nghiệp ác của ta tạo ra. Thấy như vậy ta điều chỉnh còn khi các bạn chưa thấy rõ được nhân quả, vẫn dựa vào Phật khi những niềm vui tới, dựa vào ma để sân để giận khi những đau khổ tới với chúng ta.

Nói cháy nhà lòi mặt chuột tức là có chuyện, đụng chuyện mới thấy được sự thật hiện tướng của tâm. Nhưng trong nhà Phật không sao, đừng sợ lòi mặt chuột, đừng sợ cái xấu nó lòi ra khi cháy nhà, mà đạo Phật là thấy cả cái xấu lẫn cái tốt của ta. Thấy tốt quán chiếu nhân duyên gì mang thành cái tốt đó cố gắng làm theo, thấy xấu quán chiếu nhân duyên, điều gì tạo tác ra cái xấu để ta khử trừ chuyển hoá.

Cho nên hãy cố gắng trở về với hơi thở chánh niệm để quán chiếu tánh thấy và biết. Nhớ tất cả phước hay hoạ đều tới theo nhân quả của ta. Ta nhờ Phật chứng minh nhưng đừng dựa vào Phật để rồi khi vui ta cám ơn Phật dựa Phật, khi buồn ta lại dựa vào tánh ma của ta để ta sân giận. Cho nên các bạn đừng có sợ gì hết, những điều đó rất là người, Bảo Thành cũng như các bạn sẽ nhiều lần trong cuộc đời từ kiếp này đến kiếp sau sẽ luôn luôn vu vơ như thế, vu vơ thật nhưng đừng vớ vẩn, lẩn quẩn nha các bạn.

Hãy dũng mãnh bước ra để diện kiến mặt chuột của ta và mặt thật của ta. Hai cái luôn luôn tồn tại song hành trong kiếp người chỉ cần chúng ta biết nhận diện và có chí nguyện thay đổi là tốt. Chúc bạn có sức mạnh nhận diện được những sự ưng ý để tri ân Chư Phật, tiếp tục tu hành và nhận diện được sự không như ý để tri ân Chư Phật đã cho ta nhìn rõ nó, để ta sửa thay vì giận dữ nhưng bằng chánh niệm hơi thể để tăng nội lực chánh niệm đời sống, cám ơn bạn.

Câu hỏi 3: Trong cuộc sống hàng ngày, tại nơi gia đình cũng như là trong công sở hoặc là những bữa tiệc đến với bạn bè người thân thì có rất nhiều thức ăn thường bị lãng phí. Đặc biệt là tiệc tùng thì bản thân con không muốn lãng phí nên thường thì con sẽ yêu cầu đem về thì có rất nhiều ánh mắt nhìn con và dị nghị, thì con không biết là mình nên bỏ phí như họ hay là mình nên đem thức ăn đó về để mà mình dùng, tại vì con sợ là mang nghiệp lãng phí, con xin thầy chỉ dạy cho con.

Trả lời:

Nếu bạn có dũng khí thấy được sự bỏ phí thức ăn trong những buổi tiệc tùng hay những buổi gì đó và bạn muốn lấy đồ dư đó mà nó còn đàng hoàng lịch sự nha các bạn, để mang tới hiến tặng cho những người không có để họ ăn thì điều đó là điều tốt. Nhưng ở đời có phép lịch sự và thị phi, nếu chúng ta đi một buổi tiệc, ăn dư mà mình lại cho vô hộp vơ vét mang về, những người khác họ không có hiểu chân lý của ta làm, ý nghĩa của ta làm, ta tạo cớ cho họ nghĩ sai, nghĩ xấu về ta là ta tạo cớ cho họ tạo nghiệp.

Cho nên phải thật khéo, nhà Phật tất cả mọi phương tiện giúp đời đều phải khéo. Theo như suy nghĩ riêng của Bảo Thành nếu bạn thương đến những người không có miếng ăn trong những buổi tiệc tùng dư dả bỏ phí đổ đi, bạn hãy nói với người chủ của bữa tiệc đó một cách nhẹ nhàng rằng anh ơi, chị ơi hay cô ơi, sau buổi tiệc đồ ăn dư không biết anh chị có để cất đi hay không hay là bỏ. Nếu anh chị vẫn giữ lại để dùng nữa thì tuyệt vời còn nếu anh chị muốn bỏ xin cho tôi xin những phần đó đem đi làm từ thiện giúp những người nghèo khổ không có miếng ăn miếng uống. Ta phải nói rõ như vậy và người ta sẽ chuẩn bị cho chúng ta tốt hơn là trong bàn tiệc ta đi ăn với bạn bè, ta đi ăn tiệc cưới, ta đi ăn tiệc này tiệc kia rồi bạn bè cứ nhìn ta hốt hốt mang đi. Cái rồi ý là ý tốt, lòng ngay nhưng mọi người nhìn người ta không có nhìn như ta, gây ra tạo cho họ ý nghiệp, ta làm phước mà tạo cho người có ý nghiệp thì cũng chưa được trọn vẹn.

Cho nên hãy sử dụng phương tiện tốt đẹp hơn, hãy mạnh dạn nói với những người chủ nhân của bữa tiệc đó. Sau bữa tiệc nếu có đồ ăn dư bỏ đi xin hãy cho tôi được đó nhận để tôi giúp đỡ cho người nghèo. Cái đó gọi là danh chánh ngôn thuận thì việc của ta sẽ tạo được phước nhiều hơn còn nếu lẳng lặng một mình làm cũng được nhưng rồi phước cũng tạo ra được một phần nhưng cũng tạo ra một phần nghiệp bởi người khác vì cớ của ta mà họ nghĩ xấu nói xấu đôi khi có những hành động xấu. Dạ cám ơn.

Câu hỏi 4: Lời chia sẻ của Phật tử Châu: Dạ thưa Thầy con là Châu. Con xin đảnh lễ Thầy, Thầy Phương, Sư Cô, tăng thân Chùa Xá Lợi và chào cả nhà đồng tu. Thời gian qua con xin tri ân Thầy đã dìu dắt chúng con tu hành. Con thấy trong cuộc sống con có nhiều thay đổi tốt hơn. Con tri ân Thầy giúp cho gia đình con, gia trì cho con của con có sức khỏe. Con cũng xin nguyện mười phương Chư Phật gia hộ cho Thầy, Thầy Phương nhiều sức khoẻ, vạn sự được hanh thông và con cũng chúc nhóm mình nhiều sức khoẻ, tu học tinh tấn vui vẻ cùng với nhau. Dạ con xin hết, con chào Thầy ạ.

Thầy Bảo Thành: Mô Phật! Thầy cảm niệm ân đức từ những lời thật chân thật của cô. Nguyện chúc Chư Phật chứng minh và chúng ta mỗi người phải nổ lực tinh tấn để tự thắp đuốc tuệ của mình mà đi trên con đường này. Mô Phật!

Câu hỏi 5: Có người muốn mượn tiền con để kinh doanh nghề sát sanh hại mạng của chúng sanh khác. Con không muốn cho mượn vì con sợ tiếp tay cho sự giết hại tạo ra nghiệp nhưng người này trước đây có ơn với con nên bây giờ không cho thì thấy không phải với họ, còn con có khuyên để đổi nghề khác họ không chịu. Con xin thầy hướng dẫn cho con cách xử lý tình huống này như thế nào? Mô Phật!

Trả lời:

Mô Phật! Đây rất thực tế, một câu hỏi thực tế ở đời, Đức Phật ngày xưa có dạy các đệ tử: Ngay ta là Phật nói ra các con cũng phải suy nghĩ, tư duy cho rõ nếu phù hợp hãy làm theo, học theo còn không phù hợp dù là lời của Thế Tôn các con cũng đừng làm theo. Nếu người đó có ân nghĩa với ta thưở trước, nay ta biết chắc rằng họ làm nghề sát sanh, có ân đó mà ta biết, ta thấy, ta hiểu ngành nghề của họ là sát sanh, là hại sự sống của những chúng sanh khác, phạm vào giới thứ nhất. Ta biết rồi mà ta còn tiếp tay là ta gián tiếp phạm giới sát sanh. Dù họ có ân nghĩa, họ có buồn ta cũng không cho họ mượn tiền, điều đó nên có sự dũng mãnh quyết định như vậy, đừng nể vì ân vì nghĩa vì cha vì mẹ vì là Phật mà nói điều sai ta làm theo. Phật dạy ngay Phật nói sai cũng không làm theo.

Cho nên người ân nghĩa mà làm việc sai, ta khuyên không được bởi ta chưa có cái duyên. Phật không thể độ được người không có duyên. Bạn không có duyên để nói cho người ân nghĩa dừng việc đó thì ta cũng có cái duyên là họ cần mượn tiền ta, ta cho họ mượn tiền với điều kiện đừng làm điều đó nếu họ không theo điều kiện đó thì cuộc đời mà, ân nghĩa ta vẫn nhớ, ta vẫn tri ân, ta vẫn trả ân nhưng không thể vì ân nghĩa mà tiếp tay cho họ tạo nghiệp sát, ta là người con Phật thọ Tam Quy Y giữ năm giới. Giới sát sanh, ta phải giữ và giữ cho họ cũng như các vị Sư ngày nay cũng vậy, Sư nguyên thuỷ hoặc ngay quý Thầy cũng vậy. Tất cả đi theo Phật trong sự cúng dường, cúng dường gì ăn đó nhưng nếu biết rằng những người cúng dường ta vì ta mà sát hại chúng sanh để ta hưởng thọ, để ta hưởng cái điều đó ta sẽ không bao giờ ăn, huống hồ là ta biết chính xác rằng ngày đó, người đó, việc đó họ sẽ làm toàn là sát sanh thì ta hãy mạnh dạn đừng cho họ mượn. Mô Phật!

Thầy Bảo Thành: Thầy cám ơn tất cả đại chúng đã nghe, chúng ta chắp Thầy hồi hướng kết thúc buổi Đời Sống Chánh Niệm hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật 

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang 

Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu hôm nay tới tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo. Xin Chư Phật mười phương từ bi chứng minh cho chúng con. 

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn