Search

Trái Tim Người Tu Phật

Tu Phật lấy từ bi làm gốc
Gieo yêu thương tận chốn cùng nơi
Nương hạnh Bồ tát hằng cứu khổ
Trái tim dung chứa tựa biển trời

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Bảo Thành kính chào đại chúng, kính chào tất cả các bạn đang ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi livestream.

Các bạn, chúng gặp gỡ nhau vào những chiều thứ 4, thứ 6 để cùng nhau cất lên tiếng kinh, tiếng kệ, đại bi chú để ngưỡng cầu tới mẹ Quan Âm đại bi quan lâm trần gian trong lúc khổ hạnh của cuộc đời đang tràn ngập sự lo lắng tới lòng người trên khắp thế giới này để lòng từ bi của Mẹ lan tỏa khắp mọi nơi sưởi ấm trái tim của sự sợ hãi nơi con người, mang lại cái hơi ấm của niềm tin dũng mãnh bước qua muôn trùng những thử thách mà người con Phật cũng như tất cả loài người đang trải qua trong thời kỳ này. Nhất định có Mẹ ta không bao giờ sợ hãi bởi nơi đâu có Mẹ ở nơi đó có tình yêu thương. Nơi đâu có bàn tay của Mẹ dắt dìu bước chân của chúng con – hàng Phật tử sẽ vượt qua hầm hố chông gai để đi vào cuộc đời bằng sự bình an hạnh phúc. Và nhất định trong cuộc đời lữ thứ của kiếp người này Mẹ từ bi, Mẹ Quan Âm luôn gần gũi với chúng con. Đặc biệt trong trái tim người tu Phật như chúng con nhất định luôn luôn mở rộng khấn nguyện Mẹ đi vào cuộc đời an trú trong trái tim phàm phu này để từ đó sưởi ấm và thắp sáng đuốc tuệ nơi tâm thức người con Phật, nơi tâm thức người tu Phật để chúng con luôn luôn tự nhắc nhở, tự sách tấn và nương theo lời dạy của Thế Tôn để có mẹ ở trên đời, vượt qua mọi chướng ngại. Cuộc đời của chúng ta mà, ai cũng xảy ra những chướng ngại tràn ngập tới lui hoài, ai trong chúng ta cũng gặp những cái chuyện ngang trái ở đời, ai trong chúng ta không gặp những cái chuyện thử thách, ai không gặp những chuyện vui, chuyện buồn. Thế gian, kiếp người là như vậy, có thành có bại, có vui đó rồi có buồn. Thành bại, vui buồn, được mất nó tới hằng ngày với chúng con và nó tới hằng ngày với những người xung quanh chúng ta. Cuộc sống khi thức dậy ta có thể nhìn thấy được sự được mất còn có hay không và mỗi một ngày trôi qua đời người Phật tử của chúng ta đều có một sự trải nghiệm cao quý. Cao quý từ bản thân, trải nghiệm cao quý từ những người thân, sự trải nghiệm cao quý từ mọi nơi làm việc. Các bạn hỏi thế nào là trải nghiệm cao quý? Khi ra đường người ta đánh nhau, người ta giết nhau thậm chí trong trường học có những cô giáo còn phải lo lắng sợ hãi bởi vì học trò nó mang kiếm, nó mang dao, mang búa lên trường, nó đánh nhau ngược xuôi, sợ quá, sợ quá. Như vậy sao gọi là sự trải nghiệm cao quý được? Rồi ở góc đường kia, ở góc đường này mọi nơi, mọi chốn lộn xộn xảy ra đánh nhau, cướp bóc, hãm hại, chà đạp sao lại gọi là trải nghiệm cao quý. Các bạn, trong trái tim người tu Phật tràn đầy năng lượng từ bi và dưới con mắt trí tuệ của cái năng lượng từ bi đó chúng ta nhìn mọi sự biến hiện của cuộc đời bằng cái tâm yêu thương. Và nhìn mọi cảnh dù nghịch hay thuận, dù ác hay là thiện đều rút tỉa trong đó những bài học để nâng cao cái đời sống đức hạnh của chúng ta. Thấy ác để bỏ ác, thấy thiện để làm thiện, thấy dữ để khuyên răn bản thân và tăng trưởng cái tâm thiện phước báu hồi hướng cho những người kia, hồi hướng cho những người bất thiện. Đó cũng là hạnh bố thí pháp, bố thí trí tuệ, bố thí tâm lực. Giả như ở trong cái môi trường chúng ta đang sống ví dụ có cái cô giáo ở trong trường học, học trò đánh nhau, dí nhau bằng dao, bằng búa loạn xạ ở trong trường dưới thân là một cô giáo làm sao có thể cản được? Thì đầu tiên chúng ta giữ được bình tĩnh trong hơi thở nguyện xin Tam Bảo gia trì, long thần hộ pháp chư thiên hộ mạng cho những học trò khác đồng thời hồi hướng năng lượng từ bi rải lên trên những con người đó qua cái năng lượng thanh lực Phật điển mà Phật ban rải cho chúng ta để ngăn chặn những cái tâm ác đang trỗi dậy trong lòng những người đó. Đồng thời trí tuệ được khai mở bằng hơi thở Chánh niệm để rồi tìm được phương pháp tốt đẹp như kêu gọi ai đó như bảo vệ, nhân viên an ninh, người ta trợ lực giúp đỡ. Đó là một hình thức tịch tĩnh, tỉnh giác trong hơi thở Chánh Niệm.

Các bạn thân mến, chúng ta đó là nói đến một cấp độ của môi trường trường học, trong môi trường xã hội, trong môi trường gia đình thử thách luôn luôn tới. Và trong mỗi một cái thử thách nghịch hoặc thuận đó đều là một sự trải nghiệm cao quý. Bởi nơi cái nghịch ta tăng trưởng phước thiện, nơi cái nghịch ta có con mắt trí tuệ nhìn rõ để từ đó chúng ta tịch tĩnh trong Chánh Niệm hơi thở mà rải tâm từ của Chư Phật qua cuộc đời của chúng ta tới với họ. Và qua những trải nghiệm mà thuận với chúng ta, phù hợp ta có cơ hội nhận thức những cái mầm mống phước thiện ta gieo nay đã trổ quả thành những cái điều thuận tới để tăng trưởng cái niềm vui trong cuộc đời. Vui buồn là hai khái niệm của cảm xúc mang thân người không thể chạy trốn. Cái hay của trái tim người tu Phật là ở trong trái tim của chúng ta đầy ắp năng lượng từ bi, trong con mắt của chúng ta luôn có trí tuệ để có Chánh Tư Duy nhìn mọi sự vật, nhìn mọi pháp biến hiện trong cuộc đời đều thấy cái tích cực ở trong đó để tiến lên. Đó là trái tim người tu Phật có tâm thiện. Chúng ta không nhìn theo phiến diện tiêu cực mà chúng ta nhìn theo cái tâm thiện tích cực để dù có lặn ngụp trong sình lầy cũng có thể vươn lên để có thể thấy được mặt trời trí tuệ. Dù rớt vào hầm sâu, núi thẳm chông gai, trùng trùng nguy hiểm thì ta cũng sẵn sàng bước lên khỏi chông gai hầm sâu núi thẳm đó, bởi vì sao? Bởi trong trái tim người tu Phật luôn hiện hữu cái năng lượng từ bi và ánh sáng trí tuệ cùng với bàn tay che chở của Mẹ Quan Thế Âm và của Đức Phật Như Lai. Còn có cái gì để sợ khi bên đời có Đức Phật là cha, có Quan Âm là mẹ dìu dắt chúng ta thăng trầm qua mọi cảnh của cuộc sống. Chỉ cần các bạn luôn luôn nhắc nhở rằng ta là người tu Phật, trong trái tim của người tu Phật luôn luôn có Phật, luôn luôn có ngài Quan Thế Âm. Tu Phật là chúng ta làm cái gì? Tu Phật chúng ta lấy từ bi làm cái gốc, cái gốc từ bi này vững chãi muôn đời, nó bất thối chuyển, bất lay động, nó vững chắc không hề sanh diệt các bạn à. Cái gốc từ bi này bao trùm hết cả thế giới, nó cái sức mạnh trụ lại trong cõi Ta Bà, trong cái cõi khổ, cõi sướng, cõi buồn, cõi vui, cõi được, cõi mất, cõi không, cõi có và ta luôn luôn thường hằng bất biến ở trong cái cuộc đời bởi từ bi làm gốc đó. Cho nên trái tim người tu Phật luôn luôn lấy cái từ bi làm gốc để gieo yêu thương tận chốn cùng nơi. Ta lấy từ bi làm gốc để mang yêu thương gieo trồng vào tận nơi khốn khổ của cuộc đời, tận nơi tận cùng của sự nghiệt ngã, những cái sự mà đau khổ nhất, phiền não nhất ta sẵn sàng lấy cái gốc từ bi đó để gieo yêu thương. Gieo yêu thương vào nơi oán thù, gieo yêu thương vào nơi tối tăm, gieo yêu thương vào nơi hận thù, vào nơi đau khổ, vào nơi tận cùng của kiếp người lăn trôi trong sanh tử. Bởi ta là người tu Phật trong trái tim luôn có gốc từ bi và chính từ gốc từ bi đó ta biết gieo yêu thương vào muôn mọi cảnh sống của cuộc đời, luôn luôn biết gieo yêu thương vào mọi cảnh sống trong cuộc đời, vào tận chốn cùng khổ. Vào tận chốn mà nơi đó không ai có thể tới ta cũng có thể tới bởi ta là người tu Phật có cái gốc từ bi thấm nhuần trong trái tim và chúng ta biết mang yêu thương để chúng ta gieo trồng vào trong cái xã hội này.

Các bạn thân mến, tất cả mọi người chúng ta luôn luôn nhớ rằng tất cả chúng ta có một cái sức mạnh nội tâm, sức mạnh đó là bởi vì có cái gốc đại từ, có cái gốc đại bi làm chuẩn mực trong cái đời sống của người con Phật. Do đó mà từ đây trong giây phút này, từ đây trong cuộc đời này, từ đây nơi chốn Ta Bà ta đang hiện hữu các bạn nhớ rằng tu Phật lấy từ bi làm gốc. Để từ đó khi cái tánh sân nó hiển lộ, nó khơi dậy, nó mọc dậy, nó trỗi dậy ta phải tự nhắc nhở: “không, không không, không thể đầu hàng nó được vì ta là người tu Phật, trái tim lấy từ bi làm gốc”. Cho nên những cái cảnh sân, cảnh si, cảnh giận, tham chấp ái dục ở trong cuộc đời nó mọc ở trên gốc từ bi thì không thể mọc được. Và chính từ cái gốc từ bi đó ta biết gieo yêu thương vào mọi nơi, mọi miền cơ cực của cuộc đời, khốn khổ của cuộc đời. Để từ đó tất cả những cái nhành, cái cánh, cái bông, cái hoa, cái trái, cái lá bất thiện sẽ không có cơ hội trỗi dậy bởi biết yêu thương. Nơi đâu có yêu thương ở đó có Phật, yêu thương tức là từ bi đó, nơi đâu có từ bi và yêu thương nơi đó có Bồ Tát Quan Âm, nơi đâu có từ bi và yêu thương ở đó bớt đi sự khổ ải trong cuộc đời, bi lụy sầu muộn, đau đớn tận cùng trong trái tim của cái kiếp người khốn khổ này đều được vơi đi bởi ở đó có từ bi làm gốc, có trái tim người tu Phật biết gieo yêu thương. Mang yêu thương gieo vào nơi oán hận, nơi tối tăm, nơi cùng khổ, nơi mà không ai có thể ghé ngang nhưng chúng ta có thể tự tại bước vào bởi vì ta lấy từ bi làm gốc. Các bạn, chúng ta nương theo hạnh Bồ Tát để hằng cứu khổ:

Tu lấy từ bi làm gốc

Gieo yêu thương tận chốn cùng nơi

Nương hạnh Bồ Tát hằng cứu khổ

Trái tim dung chứa tựa biển trời.

Đó là trái tim của người tu Phật, ai trong chúng ta cũng làm được điều này, chỉ cần các bạn chú ý một chút xíu và nuôi dưỡng cái trái tim của mình bằng cái năng lượng từ bi. Bởi vậy khi chúng ta tụng Đại Bi Chú, chúng ta quán tưởng thấy cái tình yêu của ngài Bồ Tát Quan Thế Âm, ngài tầm thinh cứu khổ, lòng đại từ đại bi của ngài lớn bao trùm cả biển trời, mênh mông vô tận. Nơi nào có tiếng thống khổ của chúng sanh nơi đó Mẹ Quan Âm sẽ hiện hình đi tới với phương tiện diệu dụng, ứng hóa thân phù hợp để nâng đỡ chúng sanh đó vượt khổ, chuyển hóa phiền não, tới được hạnh phúc. Cái mà chúng ta có thể nhận ra ngài Quán Âm hiện hữu trong thân tướng này không đó là con mắt trí tuệ của người tu Phật nếu như trong trái tim có cái gốc là từ bi. Bởi từ bi sẽ nhận ra từ bi, ngưu tầm ngưu mã tầm mã, trong trái tim ta từ bi làm gốc thì hạnh đại từ đại bi của Quán Thế Âm ứng hóa thân nơi người mẹ hiện trong gia đình, cặm cụi nấu một bữa ăn ngon cho chúng ta. Trên con mắt trí tuệ và trái tim gốc từ bi đó ta nhận ra ứng hóa thân của ngài Quan Âm đang phưởng phất trong cái hình hài của người mẹ yêu dấu của chúng ta. Bởi từng bữa cơm, từng ngày ở trong cái bếp đó với lòng từ bi yêu thương con mẹ đã cặm cụi dù cái tuổi đã già, dù mắt đã mờ, tâm đã lẫn, chân tay run rẩy thế mà mẹ vẫn luôn luôn cặm cụi ở trong cái bếp đó để làm sao mong rằng món cơm của mẹ làm đây, món ăn của mẹ nấu đây tràn trề tình yêu thương của người mẹ để người con nếm vào chẳng phải là hương vị của đồ ăn mà còn có hương vị của tình yêu thương của mẹ. Đó là con mắt của người có trái tim tu Phật, có từ bi làm gốc nên nhận ra lòng từ bi của mẹ ở trong bếp, của cha ở ngoài đời. Bởi cha phải bươn chải ở ngoài đời nắng mưa dãi dầu, mồ hôi nước mắt để có được miếng ăn, miếng uống, có được cơm áo cho chúng ta mặc, có được sự sống và có được sự học hành, giáo dục cho chúng ta. Nhìn thấy được điều đó, trong ánh mắt biển trời của cha ta sẽ thấy được ngài Quan Âm ở trong đó. Trong cái cơ cực, nhọc nhằn hàng ngày của người chồng, người vợ nhìn vào sẽ thấy hóa thân của ngài Quán Âm bởi vì người chồng yêu thương chúng ta, người chồng lấy từ bi làm gốc gieo yêu thương và mang sức mạnh, trái tim, mang nước mắt mồ hôi để đánh đổi lại tất cả mọi thứ cho vợ được yên ấm ở cửa nhà. Ngược lại, người chồng nhìn thấy vợ cũng thấy được ứng hóa thân của ngài Quan Âm trong bàn tay của người vợ, bàn tay bao dung che chở, bàn tay nâng đỡ và dắt dìu, bàn tay êm ái và nhẹ nhàng, bàn tay từ bi của Quán Âm. Trái tim người tu Phật lấy từ bi làm gốc thì ánh mắt của cái người tu Phật đó luôn biết nhận ra ứng hóa thân của Quán Thế  Âm hiện hữu trong cuộc đời nơi mỗi một con người đang sống cùng với họ. Lành thay, chính chúng ta hiểu được trái tim người tu Phật và lấy từ bi làm gốc thì cái gốc từ bi đó sẽ luôn luôn biết gieo yêu thương tận chốn cùng nơi, nơi ngõ hẹp hang sâu, nơi sơn lam chướng khí, nơi rừng sâu núi thẳm hay nơi tận cùng tâm thức của chúng ta, nơi những con người đang sống chung một gia đình. Nơi đó có ai? Nơi đó có chồng, nơi đó có ai? Có người vợ yêu thương, nơi đó có đấng bậc sinh thành của con cái, có chú bác ông bà, có người thân trong dòng tộc, có tất cả mọi người tương tác mỗi ngày ở đây. Nhận thức được điều đó ta mới thấy trái tim của chúng ta dung chứa được biển trời như trái tim của Mẹ Quan Thế Âm Bồ Tát. Chúng ta thấy được trái tim của chúng ta, trái tim người tu Phật mới dung chứa được biển trời như trái tim của Chư Phật.

Các bạn thân mến, trái tim người tu Phật là trái tim biết lấy từ bi làm gốc để luôn luôn, luôn luôn gieo yêu thương đến tận chốn cùng nơi, không có chỗ nào ngăn ngại hết, tâm ta trở thành vô quái ngại, tâm ta thanh tịnh, không ai cũng bố được, tâm ta chứa đựng được biển trời, tình yêu thương, lòng từ bi. Để rồi chúng ta nương vào cái hạnh Bồ Tát hằng cứu khổ đó để cứu khổ ngay trong tâm cảm của từng con người đang sống trong gia đình, đó là một gia đình của chúng ta. Người Phật tử chúng ta không đi xa cũng chẳng đi gần, nhân duyên gặp gỡ trong gia đình này là đại phước báu gặp được trong kiếp người. Hãy mang cái hạnh Bồ Tát hằng cứu khổ đó lấy cái gốc từ bi làm chuẩn mực trong đời sống và biết gieo yêu thương vào mọi hoàn cảnh nghịch cũng như thuận từng giây phút sinh sống trong cuộc đời. Thật là hạnh phúc, thật là bình an và mỗi người chúng ta sẽ thấy được giá trị cao cả của đời người là ở chỗ nào. Là ở chỗ chúng ta biết sống đúng với trái tim người tu Phật. Các bạn, có lẽ chúng ta bận rộn quá nhiều, theo truyền thống là Phật tử, theo truyền thống là tôn giáo này hay tôn giáo kia chẳng phải nói là trái tim người tu Phật không mà trái tim của người biết tu. Dịch cái chữ Phật cho nó dễ hơn là tỉnh giác, là tỉnh thức. Trái tim của người biết tu luôn tỉnh thức trong lòng từ bi. Trái tim người tu là trái tim tỉnh thức trong lòng từ bi, lấy yêu thương gieo vào khắp cùng chốn nơi, lấy cái hạnh Bồ Tát để mà san sẻ yêu thương, biết lắng nghe, che chở cho muôn người. Để rồi làm cho trái tim của mình, trái tim người tu đó luôn luôn tỉnh thức để trở thành rộng lớn, dung chứa tựa như biển trời tất cả, tất cả mọi người, mọi chúng sanh vào trong đó để cái yêu thương che chở đùm bọc, để cho cái yêu thương gội rửa phiền não, đau khổ cho muôn chúng sanh trong đó có ta, có gia đình của ta. Chúng ta đi tu, trái tim người tu Phật không chạy trốn thế gian,không chạy trốn cha mẹ, vợ chồng, con cái, không từ bỏ tất cả. Mà làm cho những cái gì chúng ta có được cái phước báu ở đời này trở nên thánh, trở nên Bồ Tát, trở nên thánh thiện trong cuộc đời. Như vậy gia đình là nơi chúng ta trở nên thánh thiện trong mọi nghĩa cử, trong mọi ngôn ngữ, suy nghĩ và hành động. Bởi vì sao? Bởi trái tim người tu luôn tỉnh thức trong tình yêu thương. Mỗi khi bớt đi một chút yêu thương thì trái tim người tu của các bạn đã bớt đi một sự tỉnh thức, đang bước vào cái vùng u mê của cuộc đời, đang bước lên cầu cõi u mê dẫn tới cái sự đau khổ chờ đợi ở bên kia bờ. Chiếc cầu u mê luôn luôn sẵn sàng thắp đèn rước ta đi nhưng khi bước vào đó rồi chúng ta sẽ khổ. Cho nên mỗi khi các bạn bớt đi một chút yêu thương để rồi rải ra một chút hận thù đau đớn cho người khác nghĩa là tình yêu thương đã khô cạn dần, đang khô cạn dần trong trái tim người tu để các bạn chẳng còn tỉnh giác nữa, chẳng còn sống tỉnh thức mà đang bước trên chiếc cầu u mê. Chiếc cầu u mê đó cần phải phá, cần phải bỏ và nhịp cầu tỉnh thức cần phải tiếp nối mỗi ngày trong hơi thở Chánh niệm để người tu lấy tình yêu thương tỉnh giác làm gốc để mà sống, làm hơi thở để mà nuôi dưỡng cuộc đời và biết mang yêu thương gieo đến tận chốn cùng nơi trong cái kiếp nhân sinh. Các bạn thân mến, cuộc sống của chúng ta tuyệt vời và cao quý ở chỗ chúng ta thường năng nghĩ rằng Mẹ Quán Thế Âm luôn trong trái tim và trái tim người tu Phật của chúng ta là trái tim tỉnh thức trong yêu thương. Để từ đó:

Tu Phật lấy từ bi làm gốc

Gieo yêu thương tận chốn cùng nơi

Nương hạnh Bồ Tát hằng cứu khổ

Trái tim dung chứa tựa biển trời.

Ở đâu có tình yêu thương ở nơi đó có Phật, ở đâu có tình yêu thương ở đó có Bồ Tát, đơn giản. Không tìm Phật và Bồ Tát ở trên cung trời Đâu Suất hay ở trên cung trời này, cung trời kia hoặc ở trên Niết Bàn, hoặc ở trên Thiên Đàng hoặc ở trên bàn thờ hoặc ở trong chùa, trong am, trong thất. Mà chúng ta sẽ thấy được ứng hóa thân của Phật ở ngay chỗ nào, nơi nào có tình yêu thương. Nên trong trái tim của người con Phật, người tu Phật lấy từ bi làm gốc rồi thì mỗi người chúng ta phải biết gieo yêu thương vào nơi oán thù, gieo yêu thương vào tận chốn cùng nơi của cuộc đời ta đang hiện hữu nơi kiếp người này. Và chúng ta phải biết nương vào hạnh Bồ Tát để hằng cứu khổ những người thật gần như chồng, như vợ, như cha mẹ con cái, người thân đang sống chung với chúng ta. Để bao nhiêu lâu phước thọ của chúng ta còn sống chung với họ đó thì luôn luôn mang tình yêu thương để mà sống chung. Và cái tình yêu thương sống chung thật gọn nhỏ trong gia đình đó sẽ giúp cho trái tim của chúng ta lớn mãi, lớn mãi, có cái sức dung chứa tựa biển trời và hạnh phúc, an lạc luôn tồn tại trong tâm thức, trong cuộc đời, trong trái tim người tu Phật như chúng ta.

Cám ơn các bạn đã nghe qua và nguyện xin Chư Phật gia hộ để trái tim người tu Phật như Bảo Thành và các bạn luôn lấy từ bi làm gốc và biết gieo yêu thương tận chốn cùng nơi. Biết nương hạnh Bồ Tát hằng cứu khổ và trái tim dung chứa tựa biển trời.

Đồng tu hôm nay nghe pháp chia sẻ với nhau nguyện xin Chư Phật chứng minh để chúng con hồi hướng công đức này tới với tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa        

Trái Tim Người Tu Phật – Sống Trong Chánh Niệm

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn