Bảo Diệu Tâm đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa
Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn.
Các bạn thân mến! Chúng ta cũng lại gặp nhau trên kênh Youtube Thiền Mật Tông – Thất Bảo Huyền Môn. Cũng như những lời lần trước, đã có duyên kết thêm thiện duyên, xin các bạn hãy đăng nhập vào kênh Youtube Thiền Mật Tông Thất Bảo Huyền Môn để chúng ta có thể gặp gỡ thường xuyên hơn. Nếu có duyên, chúng ta cùng đồng hành trên kênh Youtube này dù rằng chúng ta chưa có cơ hội gặp nhau.
Các bạn thân mến! Trong cuộc sống của mỗi người, ở một góc độ vô tình nào đó, do môi trường sống, do môi trường chúng ta học, do môi trường chúng ta làm việc, vô tình nó tạo thành như là một chức năng, mà chức năng đó tạo lên, gắn kết lên, lập trình lên cho chúng ta hoạt động theo bản năng có điều kiện. Bản năng có điều kiện do môi trường, do trường học, do xã hội, do thói quen chúng ta làm việc, do trong gia đình, do những phong tục tập quán. Tức là nó cứ cài đặt vô, rồi nó lập trình như là một điều kiện. Nó cứ xảy ra, tuôn ra như vầy mà chúng ta ít có khi nào làm chủ, ý thức được. Và ít có khi nào, chúng ta sống làm chủ ý thức của mình, tác động vào tư tưởng và làm việc theo Chánh niệm, theo tư tưởng tư duy ngay trong hiện tại. Mà hầu hết là chúng ta biến cuộc đời như trở thành một cái máy.
Và guồng máy đó, nó cứ bị xoay hoài theo những phản ứng có điều kiện tương tác, được lập trình một cách tự nhiên, mà mỗi người chúng ta không hề hay biết. Để rồi khi có một điều gì mới tới, nó tốt đẹp hơn, nó giúp chúng ta sống hoàn thiện hơn, nó làm cho chúng ta có thêm phương tiện để sống, lợi lạc hơn thì chúng ta khó có khi nào đón nhận. Bởi vì những thói quen tập tục, bởi những việc mà chúng ta tương tác hàng ngày với xã hội, hoặc là sự lập trình có điều kiện theo phong tục, tập quán sinh hoạt trong gia đình đã quá ăn sâu vào trong tâm thức, trong tâm của chúng ta và chúng ta đã hành động như vậy thôi.
Các bạn ạ! Có một câu chuyện kể rằng: Thuở xưa có một thôn ở miền rừng núi xa xôi, nông dân thường sống theo thời tiết thiên nhiên, vận hành một cách tự nhiên. Và những người nông dân thức dậy khoảng chừng vào canh ba, để đi làm đồng áng. Mà hầu hết, họ nghe tiếng gà gáy là họ có thể biết được đó là canh ba. Bởi con gà nó cũng hay lắm. Nhưng thuở đó, không biết tại sao, tất cả những chú gà được nuôi trong làng đó, quá nhiều gà trống gáy loạn xạ hết, không đúng canh, không đúng giờ. Con gáy trước, con thì gáy sau, cho nên người làm nông họ khó chịu. Có lúc họ dậy sớm, có lúc họ dậy trễ, bởi vì nhiều gà mà con nào cũng gáy hết. Con nào cũng tranh nhau gáy cho thật to. Con nào cũng tranh nhau gáy cho thật lớn. Con nào cũng muốn người dân làng phải nghe được tiếng gáy của mình. Và con nào cũng theo thói quen đó.
Do gà gáy không đúng canh, không đúng giờ làm cho phiền lòng nhiều bác nông dân ở trong thôn đó. Một hôm, ông trưởng làng được một người ở xa mãi ở trên miền núi – xa lắm, tặng cho một con gà trống, mà là gà rừng. Loại gà rừng nó đậu ở trên cây cao. Nó không đậu ở dưới đất. Nó không đậu ở dưới sàn thấp. Gà rừng chúng ta biết, nó có cánh. Nó có đuôi rất là đẹp. Nó sặc sỡ, nó nhỏ, gọn, nó thon, mạnh, nó khỏe và có thể bay lên trên cao nó đậu. Đặc biệt ông trưởng làng từ khi nhận được con gà rừng này, nó đập cánh mà bay lên trên cây thật là cao và đúng vào canh ba nó mới gáy. Nó chỉ gáy đúng vào canh ba mà thôi. Mà khi nó cất lên tiếng gáy rồi thì tất cả những con gà trống ở trong làng thời đó hoàn toàn im bặt không dám gáy nữa. Và qua ngày thứ hai thì hoàn toàn các con gà trống không dám gáy loạn xạ, không dám gáy trước, không dám gáy sau. Mà chỉ có khi nào nghe thấy con gà rừng gáy đúng vào canh ba, những con gà trống đó bắt đầu mới đồng loạt cất lên. Sau một thời gian, ông già làng và dân làng rất là hoan hỉ, rất là vui bởi vì thấy con gà này gáy đúng canh. Mà hình như con gà rừng đã trở thành nhạc trưởng, gáy thật là to, gáy thật là mạnh, gáy đúng canh ba để mọi người thức dậy. Và rồi đồng loạt tất cả các chú gà hồi xưa thường hay gáy loạn xạ đó cùng cất tiếng gáy cùng một lúc, ngưng cùng một lúc, như một dàn nhạc giao hưởng vào buổi sớm đón bình minh lên, để tiếp bước chân cho những nhà nông ra vườn làm ruộng mà không thấy mệt mỏi. Thế là cuộc sống bình an và hạnh phúc. Dân làng rất hoan hỉ.
Nhưng có một anh chàng nhậu, mà anh chàng này nhậu nhẹt tối ngày, say sưa nên không làm gì hết, chuyên môn đi ăn trộm gà của dân làng. Mà từ thuở con gà rừng về nó gáy thì mấy con gà kia mới gáy. Do đó anh ăn trộm này, canh ba thì sáng quá người ta thức rồi. Cho nên, thường canh một, canh hai còn tối om, rình mò đi ăn cắp. Mà gà im bặt không gáy, anh ta không biết gà ở đâu để mà tới bắt gà. Anh ta rất là bực mình khó chịu. Anh ta mới nghĩ, cũng tại con gà rừng này. Nó gáy làm cho tất cả mọi con kia chỉ gáy vào canh ba khi trời đổ sáng và đồng loạt cùng gáy. Nên chuyện ăn cắp, ăn trộm gà của anh này khó thành công. Do đó anh ta khởi ý lên rằng: sẽ phải bắt được con gà rừng này rồi giết nó đi thì cơ hội ăn trộm gà phục vụ cho sự đam mê ăn nhậu của anh ta sẽ tốt hơn.
Hôm đó anh ta lần mò tới gốc cây của con gà rừng sống để bắt. Nhưng con gà rừng nó khôn ngoan, nó sống ở trong rừng sợ muôn thú ăn, bắt cho nên nó sống ở trên cây. Anh này anh trèo lên nhưng ban tối thì loạng choạng. Anh ta trèo khi gần tới con gà thì giơ tay ra để bắt. Con gà rừng là loại gà rất là lanh lẹ, hiểu được luật sinh tồn trong cuộc sống, cho nên nghe tiếng động, nó liền bay đi mất và anh ta bắt không được. Trong lúc chới với trên cành cây, anh ta té xuống và rồi bị chủ nhà phát hiện bắt được. Dân làng trách móc, anh ta lầm lũi ra đi.
Các bạn thân mến! Như vậy con gà gáy có liên quan gì tới buổi pháp thoại ngày hôm nay? Trong cuộc sống của chúng ta, mỗi một con người theo một thói quen, lập trình do một phong tục tập quán sống. Trong cuộc sống hỗn độn, ai cũng muốn tranh nhau hơn thua như những con gà ở trong làng, con nào cũng muốn cất tiếng gáy thật to làm chủ cả làng, cả thôn. Nhưng chúng lại gáy không đúng thời, không đúng lúc, gáy không đúng chỗ, mà chỉ đúng với những điều chúng ưa thích, làm loạn xạ cả cuộc sống ở trong làng để mọi người dân không thể thức đúng giờ, đúng canh để đi làm việc.
Có lẽ trong cuộc sống mỗi một con người, có một thói quen bị điều kiện sống đó nó lập trình kéo mãi để làm ảnh hưởng đến đời sống của người khác. Cho tới khi chúng ta được giới thiệu, được mang vào một phong cách sống mới ổn định hơn, tịch tĩnh hơn, tốt đẹp hơn cho muôn người, thì tánh cũ mà đã bị thuần hóa bởi điều kiện của phong tục, bởi thói quen, bởi sự ưa thích của ta, nó chống lại sự tốt đẹp, mới mẻ đó. Như anh trộm kia say sưa trong mùi rượu, trộm gà để ăn, thì trong chính mỗi người của chúng ta cũng có bản tính ăn uống nhậu nhẹt, say mê trong những điều thích thú để rồi quên đi đúng sai, mà chỉ biết làm những điều chúng ta ưa thích mà thôi. Cho nên khi một cái mới được giới thiệu, khi một cái mới vừa tới với chúng ta thì cái cũ đó liền như tên trộm. Bởi nếu như cái mới tốt đẹp tới nó sẽ thuần hóa một điều gì đó chúng ta đã quen trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng trong thâm tâm của mỗi người vẫn có bản tánh của thằng ăn trộm. Thằng ăn trộm nó không chấp nhận. Thằng ăn trộm đó vẫn thích chúng ta ngủ quên trên những thói quen thuần thục có điều kiện, để sống một cách buông thả, để nó có thể nằm, có thể ngủ, có thể ăn, có thể uống vô thời hạn, vô định kỳ, không cần đến ai hết. Cho nên khi chúng ta có một giáo lý mới, có một sự khai thị mới, có một phương thức sống mới, có một điều gì đó tốt đẹp hơn, chúng ta đón nhận vào, chúng ta học vào, chúng ta thực tập, liền ngay tức khắc bị thói quen của thằng ăn trộm nó sẽ chống lại. Nó sẽ tìm đủ mọi cách để tiêu diệt cái mới tốt đẹp kia. Cũng như ăn trộm trèo lên trên cây để bắt con gà rừng. Nhưng con gà rừng là một loại gà linh, sống để tồn tại mang tiếng gáy đánh thức mọi người. Nó biết bay đi thoát khỏi sự kìm tỏa của tên trộm. Và trong đêm tối khi chúng ta trèo lên có thể vô tình té xuống và đau lắm.
Các bạn trong chúng ta có những thói quen như vậy, thói quen ưa sống với những điều đã ngủ quên say sưa với nó. Chúng ta ưa sống với thói quen chúng ta thích, mặc dù những thói quen đó hoàn toàn không đúng, hoàn toàn sai trái. Do đó mà khi một điều mới chúng ta đang học vào, chúng ta thật là khó ứng dụng được. Bởi thói quen cũ như thằng trộm, nó sẽ tìm cách đẩy ra, nó sẽ tìm cách giết chết, nó sẽ tìm cách ngăn chặn, không cho điều mới tốt đẹp được đi vào áp dụng trong cuộc sống của chúng ta. Cũng như con gà rừng kia khi nó tới, nó cất tiếng gáy đúng canh ba và nó đã hòa nhịp vào với tất cả mọi con gà trống gáy đúng thời, đúng cách, làm lợi ích cho nông dân.
Những chân lý mới, những điều khai thị mới, những cái tốt đẹp mới mà chúng ta học được từ những bậc thầy, từ bạn bè hoặc từ cha mẹ hoặc từ trong môi trường mới này. Khi chúng ta mang vào áp dụng thì những thói quen cũ như thằng trộm kia nó không có ưa, cho nên buổi đầu khi chúng ta học một điều gì mới tốt đẹp hầu hết Bảo Thành và các bạn đều thấy khó, thấy nó tốt, thấy nó hay, muốn áp dụng nhưng mà thói quen cũ như tên trộm nó cứ rình mò hoài. Nó cứ đẩy, nó ngăn chặn, rồi nó tìm cách triệt tiêu, nên những điều mới đó chúng ta khó thực hành và dần dần chúng ta bỏ luôn cái mới tốt đẹp kia đi. Để rồi con gà rừng phải tung cánh bay đi, không còn ở trong thôn làng cất tiếng gáy đồng đều với muôn con gà khác để báo thức canh ba cho những bác nông dân sống trong tỉnh thức, dậy khi bình minh tới để ra đồng làm ruộng. Có phải chăng những điều tốt đẹp đang tới với mọi người nhưng thói quen trong cuộc sống của chúng ta đã đánh chết một chân lý, một điều tốt đẹp.
Các bạn thân mến, ai trong chúng ta có những thói quen cũ, và ai trong chúng ta cũng có nhiều thói quen như vậy. Ai trong chúng ta cũng có đủ nhận thức đón nhận những giáo lý, những chân lý, những điều tốt đẹp mới để hoàn thiện cuộc sống. Nhưng khi mang vào áp dụng nó thật là khó. Nó khó bởi vì thói quen cũ không chấp nhận. Do đó, ý thức được việc này, chúng ta phải kìm hãm được những thói quen cũ, để cho một điều mới tốt đẹp hơn đi vào dần dần, để trở thành một thói quen mới, tốt, áp dụng được trong cuộc đời, mang đến hạnh phúc cho muôn người. Cám ơn các bạn đã theo dõi sự gợi ý của Bảo Thành.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa