Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa
Con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn! Bảo Thành lại gặp các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn, điểm hẹn lý tưởng của chúng ta hiện tại với một phương tiện đi tới toàn cầu thế giới mà chúng ta ở nơi đâu cũng có thể gặp gỡ nhau được. Trân quý tình bạn dù chúng ta hợp hay không hợp, ngay phút này các bạn nghe qua những lời của Bảo Thành thì coi như là lời chào đặc biệt đến các bạn.
Các bạn thân mến, có biết bao nhiêu phận người cứ lang thang từ miền ngược tới miền xuôi, từ thôn quê tới thành thị, rồi sống ở trong thành thị đó một thời gian lại chán mà lại đi tìm nơi khác như là trở về thôn quê. Ngược xuôi mãi trong cuộc đời, tìm cho mình một chỗ ăn một chỗ ở một chỗ để cư trú, một chỗ để gọi là dừng chân. Thế nhưng có biết bao nhiêu con người cứ đi mãi đi mãi đi mãi suốt cuộc đời mà không bao giờ tìm được một nơi thực sự như ý mình mong muốn. Có một câu chuyện thật đơn giản mà Bảo Thành muốn kể để rồi từ đó chúng ta hãy cùng nhau bàn bạc xuyên câu chuyện này để thấy được ý nghĩa cao đẹp của đời người nên ở chỗ nào. Câu chuyện nói về một con chim cú – Cú Mèo đó các bạn.
Thuở đó có con Cú Mèo sống cùng với một con chim – con chim này rất hiền hòa và rất đẹp. Hai con này sống chung với nhau trong một cái ổ các bạn, trên cây thật là đẹp tại một khu rừng thanh tịnh gần một thôn xóm có người ở. Thế rồi đang sống an vui như vậy đấy – như các bạn cũng biết, con chim cú này khi nó cất tiếng hót, chẳng hiểu sao tiếng hót của con chim cú làm cho các loài chim khác trong khu rừng này không có ưa nên con chim cú thấy tủi lòng buồn lắm bởi nghĩ rằng tiếng hót của mình như bao nhiêu loài chim khác, sao các loài chim khác hót ai cũng vỗ cánh vỗ tay khen, ngược lại tiếng hót, tiếng kêu của mình thì bị coi như là loài cú, kêu nghe thấy sợ, họ tránh xa. Con chim cú buồn lắm nên nói với chim bạn rằng: Thôi! Chắc tôi phải đi thôi, tôi ở đây không ai chấp nhận tiếng của tôi. Anh chim kia mới nói rằng: Bạn ơi! Có lẽ tiếng của bạn không làm cho mọi người vui, thì dù bạn đi đâu cũng không ai vui đón nhận bạn đâu. Thay vì bạn ở chỗ này, hai đứa mình đã cùng ổ với nhau bao nhiêu năm trời rồi, sống với nhau đùm bọc che chở trên cây này cũng cả 100 năm rồi đó, thế hệ bao nhiêu đời của ta cũng sống ở đây. Nếu phải đi xa để tìm chỗ an lành thì đây là nơi tổ tiên ông bà đã để lại, vậy hay là anh nên suy nghĩ thay đổi tiếng phát ra. Thay vì anh phát ra tiếng mà người ta ghét, anh thay đổi phát ra loại âm thanh khác đi, cố gắng sửa đổi âm thanh của mình để được mọi người thương, thích thì có là an tâm không? Còn không anh lại bỏ tôi ra đi, anh đi miệt mài đường xa chỗ này chỗ kia không quen và chẳng có bạn bè chí thân chí cốt như tôi. Lang thang kỳ bạt như vậy biết đâu nơi chỗ nào người ta có thể chấp nhận bạn. Anh chim cú không đồng ý và rồi anh ta cứ lang thang chỗ này chỗ kia, mà thực sự nơi những miền đất mới khi chim cú tới, cũng tiếng đó cất lên thì dân làng người ta đuổi người ta xua, người ta không thích. Rồi nó lại bỏ nó đi tìm chỗ khác, và ở bất cứ chỗ nào, đã bao nhiêu lần tới và đã bao nhiêu lần phải bỏ đi, bao nhiêu lần tới chỗ mới thì đều xảy ra chuyện như vậy. Cuối cùng nó phải lẩn phải trốn vào trong hang núi trong rừng sâu và chẳng dám cất tiếng hót lên nữa. Chỉ có chờ màn đêm xuống phủ kín rồi nó mới dám mò ra đi tìm ăn và cất tiếng hót ban đêm mà thôi bởi ban ngày người ta đánh người ta đuổi và các loài muông thú khác không có thích. Cuối cùng chim cú đã thuộc về màn đêm tăm tối, chỉ có thể rình rập ăn đêm và cất lên những tiếng ai oán chứ chẳng còn là tiếng hót.
Câu chuyện đơn giản như vậy thôi các bạn. Một câu chuyện về một tổ chim có 2 người bạn sống chung với nhau là Cú và Chim. Nhưng cú chẳng thay đổi tiếng hót, cứ tưởng rằng đi tìm chỗ nào đó tốt đẹp hơn.
Các bạn thân mến, cuộc đời của chúng ta trong tình bạn, tình người, trong chỗ này chỗ kia, chúng ta cứ tự mãn với kiến thức của mình, cứ tự cao với danh giá của mình tưởng là cao là hay, chỗ này không trọng dụng, chỗ này không biết hưởng, không biết đón mừng, không biết tiếp nhận ta. Chẳng qua là ta đã tôn vinh tự cao của ta quá mức, ta không nhìn lại như lời Đức Phật dạy là hãy nhìn lại để sửa. Nơi đâu là nơi hoàn hảo? Câu trả lời không có. Người nào là người hoàn hảo? Tìm hoài cũng không có. Quan trọng là mỗi nơi có nhân duyên đã phù hợp tương tác với nhau trong chiều dài của cuộc sống ta chuyển hóa, ta nhạy bén đón nhận những điều sai điều không phù hợp để chuyển hóa cho phù hợp. Nhưng ở trên đời này mấy ai có thể làm được, bởi tánh ngã mạn tự cao của chúng ta thúc đẩy rằng ta vẫn có một giá trị gì đó tuyệt vời cao lắm, nơi đây không đón nhận, chưa nhận ra, chưa nhìn ra. Mà chúng ta lại không nhận thấy rằng chúng ta cần phải thay đổi bản thân để phù hợp chỗ này, để rồi ta cứ lặng lẽ ra đi như là tìm nơi nào đó để họ nhận ra giá trị cao cả của ta mà mời thỉnh cung nghinh, giữ chân ta và đưa ta lên tầm cao. Ta suy nghĩ tầm cao, với tới tầm cao và cho rằng ta đã tới đó. Nhưng thật ra trong muôn loài muôn vật, mỗi một tiếng gáy mỗi một tiếng hót tự thể nó khác biệt lắm, quan trong là có thể dung hòa được với nhau để sống hay không. Chứ chẳng phải rằng tiếng hót tiếng gáy của ta là cao cả mà mọi loài phải phục tùng thương mến. Loài chim cú mà khéo, sửa tiếng hót cho hay phù hợp với thôn làng ở đó thì vẫn còn tình bạn là loài chim kia đã sống chung ổ bao nhiêu năm trời rồi, đâu phải miệt mài đường xa tìm mãi tìm mãi, có chỗ nào dung thân đâu để cuối cùng phải trốn vào trong rừng trong núi, thức trắng canh đêm rình mồi khóc than. Các bạn, làm sao ta thay đổi được điều đó? Quan trọng là chúng ta có nhận thức ra hay không. Mỗi một nơi chúng ta tới, tự thể đều đã có sự dung thông đối với những con người sống chung ở đó. Khi ta tới và khi ta đã ở với khoảng thời gian đủ dài để gọi là định vị trong cuộc sống ta có thể an trú ở đây cùng với bạn cùng với tri kỷ cùng với bao nhiêu con người khác. Ta nên suy nghĩ cho thật kỹ, cần phải hoàn thiện và thay đổi, trân quý chỗ ta đã ở đang ở và sẽ mãi mãi tồn tại bởi mỗi một con người có thể cởi tấm lòng, mở rộng tâm chia sẻ và nâng đỡ để vượt qua sự khác biệt, tới điểm chung là giao hòa với nhau trong tâm thái kính trọng yêu thương. Chẳng phải tâm cầu mong sự tán tụng từ người khác nâng mình lên và đặt mình ở chỗ cao. Đó là sự tự cao tự ngã, cống cao ngã mạn. Như loài chim cú cống cao ngã mạn, chẳng chịu sửa đổi, cứ đi tìm, đi tìm rồi cuối cùng tách biệt ra, sống một mình đơn lẻ cô độc trong rừng hoang núi thẳm để tiếng hót tưởng chừng cao quý đó trở thành tiếng than vãn trong cuộc đời, biến thành thứ dân gian gọi là “loài cú”. Thực ra cú hay mèo chim hay chó đều có cái đẹp, đẹp tuyệt phẩm khi được sinh ra trong kiếp này, hiện hữu tại nơi đây. Chỉ cần biết chuyển hóa tự thân để dung thông hòa hợp thì thật là đẹp, bởi đó Đức Phật ngày xưa biết bao nhiêu giáo luật Ngài đã dạy, cuối cùng tóm lại 6 điều gọi là “tinh thần lục hòa”- 6 điều hòa hợp.
Các bạn thân mến, bây giờ không cần kể chi tiết điều thứ nhất thứ hai…. thứ sáu là gì, nhưng mà ở trên đời này tất cả cần phải có sự hòa hợp. Muốn hòa hợp không phải là người ta hòa hợp với mình, mà nơi mỗi một trái tim mỗi một con người của chúng ta phải tự có trách nhiệm nâng cao tầm hiểu biết và có cái nhìn xuyên suốt là sống hòa hợp với muôn người trong mọi hoàn cảnh, và còn phải biết quên mình vì người chứ đừng đặt mình lên quá cao. Đôi khi chúng ta nâng phẩm giá của mình lên qúa cao để rồi nghĩ rằng người khác phải thuộc về ta, phải bênh vực ta, phải luôn luôn tôn sùng tôn kính ta bởi ta có giá trị cao như thế. Nhưng không phải. Ngọc bất trác bất thành ngọc. Ngọc kia mà khi đào lên từ đá thô nếu không được các nhà kim hoàn mài dũa cắt gọt thì ngọc đó cũng chẳng thể là ngọc. Một con người dù có là ngọc ẩn trong sự thô sơ của cuộc đời này, trong va chạm mỗi ngày là chúng ta đang tạc lên hình hài vẻ đẹp của ánh sáng ngọc ngà cao quý của ta. Dĩ nhiên khi gọt dũa khi va chạm nó đau đớn bởi vì một phần của ta bị rơi rụng, nhưng phần đó là phần bụi bặm, như ngọc kia được cắt đứt khỏi đá khỏi bụi, bùn dơ để rồi nó hiển lộ tánh đẹp của ngọc, để khi nó tiếp xúc với ánh sáng của mặt trời nó tỏa sáng. Mỗi một người chúng ta là một viên ngọc ẩn ở trong bùn, trong đá trong bụi, khi được va chạm tương tác trong cuộc sống sẽ làm cho viên ngọc quý của chúng ta dần dần rơi rụng tan đi những bụi bặm rác rưởi dơ dáy bám vào và để lộ ra phần ngọc quý của chúng ta. Còn nếu chúng ta sợ sự tương tác đó để rồi ôm cả khối bùn nhơ bụi bặm dơ dáy như loài cú kia chạy chỗ này chỗ kia để rồi đặt mình lên giá cao đó mà không tạc không đẽo không đục không gọt dũa thì ai có thể nhìn thấy cái đẹp cái cao quý đó đâu. Mà đi tới đâu người ta chỉ nhìn thấy cái thô ở bên ngoài và rồi chẳng ai chấp nhận mình đâu. Bởi ở trên đời này bạn không biết quỳ xuống khiêm tốn thì ai có thể khiêm tốn quỳ xuống đối với bạn. Ở trên đời này bạn tự cao thì người ta cũng biết tự cao, bạn không khiêm tốn để dung thông thì ai có thể khiêm tốn dung thông? Chúng ta phải sống được theo chân lý của Chư Phật, hãy hạ mình xuống thật thấp bởi phẩm giá cao cả không phải ở chỗ thấp hay chỗ cao mà ở chỗ chân thật trong trái tim biết hoàn thiện bản thân mỗi ngày mỗi giây mỗi phút trong cuộc sống. Ở trên đời đâu có chỗ cao chỗ thấp, mà không nhất thiết phải tự đặt mình lên cao hay hạ mình xuống thấp, chỉ cần biết dung thông với thiên nhiên biết hòa hợp. Như con cú đã sống với con chim trong cùng một tổ, thay đổi để sống để mọi người được an vui. Tại sao con chim kia nó có thể hót, ca mà ai cũng thích còn con cú không ai thích là bởi vì con cú không biết thay đổi. Có biết bao nhiêu tình bạn tình người bỏ nhau ra đi là bởi vì ta quá tự cao không biết thay đổi cuộc sống cho phù hợp. Con chim nói đúng, hãy thay đổi để sống nhưng con cú chẳng bao giờ nghe. Chúng ta có bao giờ suy nghĩ lại, Bảo Thành cũng đã từng trải rồi, đã phạm thật là nhiều bởi chẳng nghe, thay đổi mình để hòa hợp dung thông, cứ tự cao tự mãn để đi mãi đi mãi. Nhưng rất may là còn một chút phước báu trụ lại và cuối cùng liễu ngộ ra rằng cuộc sống cao quý ở chỗ ta học được từ tổ thầy dạy lại lời của Phật là cuộc sống phải biết hoàn thiện mình mỗi ngày và thay đổi để phù hợp với tất cả mọi người. Đó mới là tình yêu thương chân thật, đó mới gọi là từ bi rõ ràng của nhà Phật, chứ không mập mờ trong tình cảm của con người đâu.
Từ bi là biết thay đổi, biết tri ân, luôn luôn phải biết tri ân, biết cảm nhận và biết mở rộng vòng tay để đón để ở, đi đứng nằm ngồi trong sự thanh tịnh. Ít nhất thì cái tổ đó con chim và con cú đã ở chung bao nhiêu ngày tháng năm rồi, sao không thể có được cảm tình tri ân để mà ở lại, thay đổi cuộc đời thay đổi tiếng hót mà cứ nằng nặc đòi ra đi một cách quyết liệt quá nhanh. Nhớ rằng câu ở đời thường nói: Không có mợ chợ cũng đông. Có những con người tự cao lúc nào cũng nghĩ rằng ta ở đó mới là quan trọng, nhưng họ đã sai bởi vì trước khi họ tới đó, trước khi họ ở đó đã có biết bao nhiêu con người đã ở đó đã tới đó để có cái chỗ đó cho ta tới. Tổ đó đã ở đó với loài chim và loài cú và dân làng đã sống chung rồi, cú tới chẳng qua chỉ trong một thời gian nhất định, Nếu cú biết thay đổi cú sẽ mang lại sự hòa hợp, đẹp đẽ biết bao. Cuộc đời quan trọng nhất vẫn là chỗ biết sửa mình để hòa hợp chứ đừng ép người phải sửa để theo ta. Quên mình vì mọi người, đó là sự phụng hiến, sự hiến dâng, đừng đặt để mình lên quá cao rồi lủi thủi như loài cú, phải trốn trong rừng sâu núi thẳm, hét lên những tiếng than van rùng rợn giữa ban đêm.
Cảm ơn các bạn đã nghe. Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa