Dạ thưa Sư Phụ, dân gian có câu: Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ thứ ba tu chùa. Ngoài ra còn có quan điểm tu là phải ăn chay, tụng kinh gõ mõ, xa rời thế tục xô bồ, ẩn tu nơi thâm sơn. Hay như quan điểm chỉ cần tu tại gia, hiếu kính cha mẹ, ăn ở hiền lành, không cần vào chùa tu hành. Có rất nhiều quan điểm về sự tu, tu là phải thế này, phải thế kia, không được như thế nọ, nhiều khi chúng con thấy bị rối và hoang mang không biết tu sao cho đúng. Xin Thầy khai thị cho chúng con biết vậy thực chất tu là gì ạ, và cái gốc, cái cốt tủy của sự tu hành là gì thưa Thầy? Mô Phật!
Trả lời: Mô Phật! Đức Phật đã nhìn thấy chúng sanh có căn cơ khác biệt, do vậy mà Đức Phật không đưa ra một đề án, một cách tu, một pháp tu số 1 và chỉ một pháp tu mà thôi để bắt tất cả mọi người phải theo, bởi chúng sanh duyên nghiệp khác, tư tưởng khác nhau. Những gì bạn vừa nói chỉ là phương tiện phù hợp với sở thích hay nói đúng hơn là phù hợp với căn cơ của người ấy. Tại gia, chốn thâm sơn cùng cốc, tu ăn chay, tu chẳng cần ăn chay, tu ở trong miếu trong thất, tu bằng tụng kinh gõ mõ trì chú, quán chiếu…đều là phương tiện. Nếu ai đó phù hợp với phương tiện nào, hãy bắt đầu bằng phương tiện đó, rồi ta sẽ tiến bộ, thăng tiến và dần dần hoà nhập vào với các phương tiện khác. Cho nên, bạn tu sao cũng được, miễn là nó phù hợp và làm cho bạn tăng trưởng được niềm vui an lạc, hạnh phúc trong cuộc sống, và chuyển hoá được đau khổ, phiền não của các bạn. Phương pháp nào bạn tu mà thấy phiền não bớt đi, đau khổ bớt đi, hạnh phúc thêm một chút, an lạc thêm một chút, và thấy đời vui… được rồi, cứ tập, từng bước từng bước, còn thiên hạ nói sao cũng được.
Thường thì ta tập cái gì, tu cái gì đúng rồi, ta cứ xiển dương nhất nhất, đệ nhất võ lâm, cao ở trên trời rồi đè bẹp các pháp môn khác. Nhớ, tất cả chỉ là phương tiện, tu tại gia, tại chợ hay tại chùa đều là cách nói thôi! Cách nói thôi các bạn ơi! Tu ở đâu cũng được, ở đâu cũng có thử thách, ở nhà cũng có ma vương, ở chợ cũng có quỷ vương và ở trong chùa có cả quỷ vương và ma vương, chỗ nào cũng có. Cho nên ở đâu cũng có thử thách, cũng phải đương đầu với nhiều chuyện không như điều ta suy tưởng.
Định nghĩa tu là gì? Tu là nhìn rõ những ác nghiệp ta tạo ra từ thân, ngữ, ý – sửa! Tu là sửa những suy nghĩ, lời nói, hành vi thuộc về ác pháp, tổn phước hại công đức của chúng ta gây ra phiền não, đau khổ, tai hoạ và sửa chúng thành thiện pháp, suy nghĩ tốt, lời nói tốt, hành động tốt, nói cho ngay, nghĩ cho thẳng, đi cho ngay cho thẳng, đó là như vậy! Cho nên tu là sửa những ác pháp ta đã tạo ra nhiều đời. Rồi! Bạn mượn môi trường nào bạn tu cũng được. Ở trong chùa bạn cũng phải tu, từ bỏ ác pháp, làm thiện pháp như lời Phật dạy. Hãy làm việc thiện bỏ việc ác, tu là như vậy! Tu là làm thiện bỏ ác để tâm được thanh tịnh. Ở nhà bạn cũng phải vậy, ở chợ cũng vậy, ở trong rừng sâu bạn cũng vậy mà ở trong môi trường xã hội bạn cũng vậy, trong công trường, trong thương trường, trong chiến trường…bất cứ chỗ nào, ở ngoài đường, ở đâu cũng phải tu là sửa những ác pháp, làm việc thiện, bỏ việc ác. Dù tụng kinh cũng phải bỏ việc ác làm việc thiện, trì chú cũng phải bỏ ác hành thiện, gõ mõ cũng vậy, không đọc kinh – ngồi quán chiếu cũng như vậy! Đó là cái nền tảng gọi là tu! Tu là nhận rõ ác pháp – sửa! Còn vấn đề văn chương, pháp ngữ cao siêu diễn bày – đó là tâm của những vị hoạ sĩ quá siêu xuất pha màu sắc của ngũ ấm diễn giải thôi, cái gốc vẫn phải trở về hành thiện bỏ ác, tâm ý thanh tịnh, từ đó rời xa cõi sanh tử luân hồi này. Mô Phật!
Tham vấn Phật Pháp 21, https://youtu.be/s4GRTxj0vU8