Pháp thoại Thiền Sư Bảo Thành, Bảo Như bút ký
Hôm nay, trong không khí của chánh điện chùa Xá Lợi thinh không, lắng đọng. Tất cả chúng ta đều hướng về Đức Thế Tôn – Đức Bổn Sư và giáo pháp nhiệm màu của ngài đã truyền dạy cho chúng ta.
Các bạn thân mến, sống trong cuộc đời có biết bao nhiêu những trải nghiệm vui buồn. Có những niềm vui chỉ thoáng tới rồi đi. Có những nỗi niềm buồn ray rứt, cứ gánh gồng chồng chất theo đuổi mãi. Một phận người rồi cũng sẽ qua đi. Ở trên đời, theo Đức Phật khai thị, chẳng ai có thể đi ngược lại điều vô thường sanh diệt. Có lẽ sinh ra và chết đi – sanh tử hai cõi thật bình thường trong kiếp người. Người hiểu đạo, người thấu hiểu luân hồi thì bình tĩnh nhìn cuộc đời tái hiện trên thế gian này và rồi cũng an nhiên tự tại ra đi mà chẳng một niềm nuối tiếc, buồn rầu sợ hãi. Nhưng khi sống ở trên đời này, ta cứ miệt mài rong ruổi cho mưu cầu của cuộc sống, kiếm tiền, kiếm cơm ăn áo mặc cho mỗi phút cuộc đời, phút cuối tới ta không còn kịp nữa. Đến khi đau khổ phiền lụy bi ai, ta nương vào đâu dể mà giải sầu, giải buồn? Có chăng là những thành tựu trong cuộc đời của chúng ta mà thôi. Đức Phật thấy chúng ta cứ mãi lẩn quẩn loanh quanh như con gà nó ăn quanh quẩn ở cối xay, may mắn được vài hạt thóc, hạt gạo văng ra thì no được đôi chút. Vậy mà nó vẫn cứ sướng, sướng run cả người để rồi nó cứ lẩn quẩn ở cối xay, chẳng muốn đi đâu.
Chúng ta cũng vậy, cứ lẩn quẩn ở trong cối xay của nghiệp chướng -chết rồi sống ở trong địa ngục ngạ quỷ súc sanh, xoay vần và xay nát tâm trí của chúng ta. Lâu lâu mới được vài hạt thóc hạt gạo của niềm vui rụng xuống, rơi xuống, rớt xuống, thế mà cứ hớn hở hoài chẳng muốn tránh xa cối xay của vòng luân hồi nghiệp thức. Ai là người chỉ cho các bạn để có thể có dũng lực tránh xa, rời xa cối xay của luân hồi đau khổ kia. Ai là người chỉ cho các bạn thấy những hạt thóc hạt gạo vung văng rơi rụng ở bên ngoài chỉ là những thứ hư ảo, như sương khói đó. Các bạn. chúng ta cứ lẩn quẩn mãi bên cối xay của sáu nẻo luân hồi đau thương rồi nhặt và lược chút niềm vui tô điểm cho cuộc đời như thế. Đến phút cuối cứ ngậm ngùi, than vãn khóc thương.
Các bạn, Phật khi giác ngộ đã đi tới vườn nai, tại nơi đó Ngài đã gặp 5 người bạn xưa – là 5 anh em Kiều Trần Như, thấy vẫn như vậy – luẩn quẩn bên cối xay của tư tưởng phàm phu, chui mãi vào trong đó để tự, để vòng luân hồi nghiền nát đau khổ, chẳng thể thoát. Giác ngộ rồi Phật thấy thương và Phật tới khai thị cho 5 anh em Kiều Trần Như về cái khổ của cuộc đời, nguyên nhân gây ra khổ, rồi có niềm vui bất diệt bên cạnh những cái khổ đó và con đường đi tới niềm vui bất diệt đó. Ngày đó được ghi khắc lại trong dấu ấn của bài kinh Chuyển Pháp Luân, tức là lần đầu Đức Phật chuyển vòng pháp, xoay vần trong thế gian. Kể từ đó, hơn 45 năm trời Ngài ròng rã đây đó khắp miền thôn quê hẻo lánh tới kinh thành đông đúc nhiều người để giảng dạy cho những ai có nhân duyên. Liễu ngộ được cảnh khổ của trần gian, tránh xa cối xay của luân hồi để không bị nghiền nát trong đau khổ.
Ngày hôm nay chúng ta vẫn tụng kinh nhớ đến lời của Ngài Bồ Tát Phổ Hiền, ngài đại hạnh Phổ Hiền thường nhắc cho chúng ta, trong điều thứ 6 Ngài dạy cho chúng ta là chúng ta phải thỉnh chuyển pháp luân. Phật xưa quán chiếu nhân duyên mà tới, chuyển vòng pháp luân đầu tiên. Ngày nay kinh sách quá nhiều, lời dạy của các bậc thông tuệ, giáo thọ sư, các bậc hòa thượng, thượng tọa, đại đức tăng ni tôn kính không những ở trong chùa mà còn đặt thật gọn trong lòng bàn tay của các bạn qua những phương tiện truyền thông như Youtube, Facebook, Zalo, Twistter…. Những phương tiện đó đã mang lời Phật tới thật gần cho chúng ta. Thật gần, không còn phải ở trong đạo tràng trang nghiêm để mà lắng nghe, lắng nghe tiếng tuệ giác của các bậc hiền triết, thức giả khai dẫn nữa, mà ta có thể nằm, có thể ngồi, ta có thể nửa ngủ nửa tỉnh, nửa mê nửa thức, nửa ăn, nửa uống hời hợt nghe kinh. Chứ còn nói đến tâm mình thành kính thật lời Phật thì chắc ngày nay khó quá. Với xã hội bộn bề ngược xuôi để nuôi thân trong đời, cơm áo rồi gạo tiền, nhà cửa, xe cộ, bận rộn. Lòng thành kính đối với Tam Bảo mờ nhạt theo năm tháng, mà sự vội vàng nghe qua lời kinh tiếng kệ của nhà Phật, có lẽ như chỉ là một liều thuốc ngủ hay chỉ là một liều thuốc mê, để rồi ngủ mê trong đống bận rộn của cuộc đời. Chứ chúng ta, những bạn trẻ, ít có khi nào nghĩ rằng phải có một lòng thành kính đón nhận lời của Phật như khi xưa Phật đã dạy Pháp Luân chuyển bánh đầu tiên và như ngài Phổ Hiền truyền dạy là phải có tâm thành kính Thỉnh Chuyển Pháp Luân. Chúng ta có tâm thành kính thỉnh giáo pháp của Phật, xoay chuyển cối xay của luân hồi trong lục đạo, hay chúng ta cứ miệt mài đắm chìm ở trong đó hay không? Hay chúng ta đau, quen dần với các loại thuốc tê, cho nó tê đi để khỏi đau. Hay chúng ta đau, rồi quen dần với các loại thuốc ngủ, ngủ đi cho hết đau. Chúng ta cứ vùi đầu trong thuốc tê thuốc ngủ, vùi đầu trong những lời để làm cho tê tái tâm hốn, để làm cho bị mụ mẫm ngủ quên. Phật không tới để làm cho chúng ta ngủ quên trong đau khổ, mụ mẫm trong phiền não. Phật tới là để đánh thức chúng ta, hiểu rõ được giá trị của cuộc sống, để từ đó có sức mạnh vượt xa rời xa cối xay của luân hồi phiền não đau khổ. Như con gà phải một làn bứt ra khỏi cối xay để tự do nhảy nhót vui nhộn với cuộc đời ở ngoài kia. Chúng ta sao không thành kính thỉnh dòng pháp của Chư Phật xoay chuyển suy nghĩ và lối sống của chúng ta. Đó gọi là thỉnh Pháp Luân. Chẳng phải là điều gì nó cao nó lớn ngoài tầm tay.
Thỉnh chuyển Pháp Luân là chúng ta thành tâm thành kính đi tới nghe lời khai thị của các bậc giáo thọ sư, của các bậc minh tuệ, của các bậc thức giả, các hòa thượng, thượng tọa đại đức tăng ni, những người đã liễu thông, đã học và đã hành. Nếu mỗi người chúng ta ngày nay, dù bận rộn tới đâu mà không có tâm thành kính thỉnh để nghe, mà chỉ nghe để giải khuây hoặc để che khuất nỗi buồn của mình thì chúng ta không thành tựu được điều gì. Ngay cả khi nghe ở trên mạng, Youtube, Facebook, Zalo, Twistter, các thông tin truyền thông… chúng ta cũng cần phải có một lòng rất thành kính, lắng lòng để nghe kinh, nghe kệ, nghe lời khai thị, nghe bài pháp. Chính vì lòng thành kính đó cũng như đất đã sẵn sàng để đón nhận nước từ trời mưa xuống mới có thể tiếp sức cho hạt giống nảy mầm mọc lên. Nếu như mặt đất kia chai đá, nước rơi xuống sẽ chẳng đọng lại, chẳng thấm vào và rồi hạt giống không có cơ hội mọc. Tâm của chúng ta với tâm thành kính đón nhận lời khai thị, thì nhất định chủng tử Bồ Đề, mầm mống Bồ Đề mới có cơ hội phát triển. Do đó, thỉnh chuyển pháp luân không cầu kỳ văn tự, mà là một chữ rất kính rất thành, chí thành chí kính đón nhận từng lời, nghe lời khai thị của các bậc giáo thọ sư, các đấng bậc thầy. Dù ở trên phương tiện đại chúng, máy móc hay trực tiếp thì cũng luôn luôn bằng tâm thành kính mới có tác dụng. Còn nếu như chúng ta coi lời dạy của các ngài chi như một khúc ca, một khúc hò để ru ngủ làm mê, thì chúng ta cũng như con gà ăn quẩn ở cối xay lượm vài hạt thóc gọi là no nê.
Các bạn, chúng ta hãy dũng mãnh nghe theo lời Phật với thành tâm chí thành chí kính thỉnh pháp luân là thỉnh lời Phật dạy, qua kinh kệ, chúng ta phải trang nghiêm đạo tràng trong thân tâm, trong ý chí, trong tư tưởng lời nói việc làm, tư thế thanh tịnh đón nhận từng lời từng chữ. Dù chỉ một lời một chữ trong tâm thanh tịnh đó các bạn cũng sẽ đạt được sự an lạc. Cho nên đi theo ngài Phổ Hiền dạy, thỉnh chuyển pháp luân ở đây có nghĩa đơn giản đối với cuộc đời hiện tại là chúng ta mang tâm thành kính đón nhận lời Phật dạy từ kinh từ sách từ băng từ dĩa, phương tiện truyền thông hay trực tiếp từ những lời giáo huấn của những bậc tôn sư. Với tâm thành kính như vậy, chúng ta mới thấm được ý nghĩa giáo lý nhiệm màu cao siêu để làm sống lại đời sống của chúng ta, đời sống thiện. Còn nếu không với tinh thần chí thành đảnh lễ quý kính lắng ghe, thì tâm của ta đã chai lỳ như cục đá, nước của Phật dù có tưới tẩm vào cục đá chai lỳ của cái tâm không biết thành kính đón nhận lời Phật kia chẳng có tác dụng đâu.
Do đó hôm nay, lời chia sẻ của Bảo Thành là mỗi người chúng ta khi nghe kinh kệ từ băng dĩa một cách gián tiếp, từ kinh sách cũng vậy, hoặc trực tiếp từ các bậc thông tuệ, giáo thọ sư, các hòa thượng, các bậc xuất gia, chúng ta luôn phải có một cái tâm thành kính. Tâm thành kính như vậy thì nhất định khi chúng ta thỉnh Pháp của Phật vào cuộc đời, nó sẽ xoay chuyển những khổ đau phiền não của chúng ta để thành tựu được sự an lạc vĩnh viễn.
Cám ơn các bạn đã nghe bài bài pháp ngày hôm nay. Chúc mọi người an vui. Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa