Tâm Sĩ đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa. Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển Đại Từ Đại Bi tới muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn trên mạng Youtube Thất Bảo Huyền Môn và trên Facebook Chùa Xá Lợi.
Các bạn,
Chúng ta đang sống trong một cuộc sống mà phải chạy, đi, đứng, phải nằm, phải ngồi. Đó là cách nói bình thường, nhưng nếu chúng ta đi sâu vào, chúng ta sẽ thấy như vậy: cuộc sống của chúng ta lo toang qúa nhiều. Nhiều chuyện chúng ta lo nghĩ và lao đầu vào để tìm kiếm, cho tới phút cuối cùng của cuộc đời. Điều chúng ta có được chất chồng đầy nhà cửa, điều chúng ta có được để thỏa mãn ước vọng làm người của mình.
Nhưng cuối cuộc đời của chúng ta, khi tuổi già rồi, nhìn lại tất cả những thứ chúng ta có, những thứ đã tìm được trong cuộc đời cũng không xử dụng tới, cũng không cần, bởi càng lớn tuổi không còn cần nhiều nữa đâu. Nhưng khi còn tuổi trẻ chúng ta cứ đi tìm tòi đủ thứ. Chúng ta bào mòn sức khỏe, bào mòn khí lực của chúng ta, bào mòn tất cả, để miễn làm sao có được tất cả những điều mong muốn. Khi lớn tuổi, qua sự bào mòn theo năm tháng của sức khỏe, thể chất, tinh thần, chúng ta lại đi tìm về những điều đó, nhưng còn nữa hay không? Hay chỉ nhìn đống tiền, vật chất, nhà cửa thật lớn, của cải nhiều, rồi tặc lưỡi than cho sức khỏe sa sút, tinh thần suy sụp. Cần gì trong cuộc sống? đó là một dấu hỏi mà mỗi người chúng ta phải suy tư.
Các bạn.
Có một câu chuyện kể ở trong đời. Có một ông cụ vợ mất sớm. Ông làm thật là giỏi, có gia tài lớn, thường nghiên cứu các món đồ chơi, sưu tầm những thứ độc đáo như đồ cổ, các vật dụng khác thường, vì ông ta giàu và có tiền. Con cái được cho đi du học nước ngoài, khi thành tài có kiến thức, họ ở lại phục vụ nước ngoài. Nên ông cụ chỉ còn lại một thân một mình với đống gia tài thật là lớn. Biết bao nhiêu đồ cổ, nhà cửa còn đầy đó, nhưng con cái thì ở nước ngoài, làm ăn bên đó. Ông cụ một mình làm việc, trong lòng luôn nhớ về các con, mà các con thì ở cách xa, chỉ thường viết thư hay gọi điện thoại về thăm ông cụ mà thôi.
Ông cụ ở một mình, nhưng cuối cùng có một cậu học trò được cụ đưa về nhà nuôi. Cậu học trò sống cùng ông cụ, luôn chăm sóc, tiếp chuyện cùng ông cụ, bất cứ ông cụ đi đâu, cậu học trò đều hiện diện nơi đó. Ông cụ làm gì người học trò cũng có mặt giúp đỡ tận tụy. Lâu dần người ta thấy cậu học trò này cũng như người con vậy, bởi quá gần gũi và bất cứ việc gì cũng làm. Nhưng có một điều, dân ở trong làng phát hiện ra, là cậu này không phải ở đây làm việc vì đồng lương, vì tình thương, mà tới đây bởi hiểu được hoàn cảnh của ông cụ, nên có tâm tham, tới vì nhà cửa, tiền tài của ông, khối gia tài kết xù kia, khi các con của ông ở quá xa không về.
Những lời đồn như thế đã đi tới tai các con của ông ở nước ngoài. Các người con lo lắng cho Cha thật nhiều, nên thường xuyên gọi điện thoại về nhắc nhở Cha: phải cẩn thận với người học trò Cha đang nuôi ở bên cạnh, không có tâm tính là người con yêu thương Cha đâu, mà chỉ là một người đang nhìn vào khối gia tài của Cha, để chờ ngày Cha mất, hoặc có chuyện gì đó là sẽ chiếm đoạt hết của Cha.
Người Cha nghe vậy thôi, chứ trong lòng vẫn cười, vẫn vui, vẫn thoải mái với cậu học trò kia. Trải qua mười lăm mười sáu năm trời, sống gần gũi thân thiện với cậu học trò như thế, cho tới cuối đời, đến lúc mãn phần, con cái của ông lúc đó ở xa mới về. Trong lễ tang, mọi người có mặt đầy đủ, con cái và cậu học trò, mà người ta đã đồn đãi cậu tới vì gia tài mà thôi. Các người con của cụ nhìn người học trò với ánh mắt không bình thường, cứ nghĩ người học trò có mưu mô gì đây.
Thế rồi cuyện gì tới phải tới. Luật sư mang di chúc của ông cụ ra đọc cho các người con, thân bằng quyến thuộc và Thôn Làng nghe, về gia tài cụ muốn để lại cho ai. Trong di chúc ông cụ đã để lại toàn bộ cho cậu học trò. Phần chính ghi phía dưới di chúc để lại, ông cụ có viết một dòng chú thích rằng:
“Các con yêu của Cha, các con yêu Cha thật là nhiều, nhưng các con ở xa vòng tay của Cha. Tình thương của các con đối với Cha thật ngọt ngào trên môi miệng, truyền đạt qua điện thoại. Cả mấy mươi năm khi các con thành tài rồi, Cha không gặp được các con. Từ khi Mẹ mất Cha sống một mình, nuôi các con ăn học thành tài, thì các con bay xa, chưa một lần về thăm Cha. Lời thăm còn đọng lại ở trên điện thoại. Tình yêu thương còn vang vọng ở trên điện thoại. Còn Cha thì mấy mươi năm không gặp các con.
Nhưng cậu học trò này dù có tâm giả dối thật, đã đóng vai giả làm con, làm người thân, người chia xẻ buồn vui. Cậu ta có dã tâm đóng giả là con người tốt, để thay thế các con làm những việc, mà đúng ra phận của các con phải làm, là chăm sóc Cha khi tuổi về già. Cậu đã đóng vai đó một cách giả dối, nhưng trải qua mười mấy năm trời, thì sự giả dối đó đã dần dần không còn là sự giả dối, mà là sự chân thật.
Dĩ nhiên trong lúc đầu tâm giả dối đóng vai, nhưng trải qua thời gian, sự giả dối đó đã phôi phai, chỉ còn lại là ân tình của hai người đã hiểu nhau. Nên gia tài không còn có nghĩa gì đối với người già như Cha, cả một đời phải bôn ba tìm tòi. Khi các con ở quá xa, chẳng cần đến gia tài, thì cuối đời Cha, gia tài đó cũng không có nghĩa gì đâu, chỉ có tình thương mà thôi. Cậu học trò đóng vai giả, giả thật sự để yêu, để thương, giả để chăm sóc cho Cha mười mấy năm. Như vậy đã đủ giả để trở thành sự thật trong tâm tưởng của người Cha già quá cố. Nghe tới đây các người con khóc sụt sùi, rồi chiêm nghiệm lại lời của Cha là quá đúng”.
Các bạn thân mến.
Cuộc sống của chúng ta, nếu như các bạn còn có Cha Mẹ, các bậc sinh thành hiện tiền trong cuộc sống. Nếu các bạn vì một mục đích nào đó, phải sống xa Cha Mẹ. Nếu vì hoàn cảnh nào đó các bạn không thể gần gũi được Cha Mẹ vào tuổi xế chiều, các bạn nên nhớ câu chuyện này, để chúng ta có đôi chút suy tư trong cuộc sống. Các bạn bôn ba để làm giàu, để xây dựng sự nghiệp mà tái tạo cuộc đời, hay đặt nền tảng cuộc đời đi vào tương lai, nên nghĩ lại Cha mẹ của chúng ta, một thời trẻ cũng có những ước vọng, kỳ vọng như chúng ta. Nhưng về cuối đời, tất cả những ước vọng kỳ vọng đó đã tạo ra là để cho chúng ta, còn cái cần cuối đời của họ là tình thương, sự quan tâm của các con cháu.
Tình thương và sự quan tâm không thể đi bằng những lá thư, hoặc trên điện thoại, như thời đại hôm nay chúng ta thường xử dụng. Trên điện thoại có thể nghe, có thể nhìn thấy đó, nhưng bàn tay có thể ôm, bàn tay có thể chạm vào với nhau, và tình thương có thể san sẻ buổi tối, buổi sáng hay buổi trưa, ngồi uống cà phê, ăn một bữa cùng với nhau để tâm tình, đó đích thực mới là tình thương. Bởi khi đối diện mặt nhìn mặt, gần gũi như thế, tình thương được thể hiện bằng trái tim chân thành. Còn những lời trên môi miệng kia dù rất chân thật, thì nó cũng chỉ là những âm thanh mà thôi.
Người càng lớn tuổi như Cha Mẹ chúng ta rất cần con, cần cháu, rất cần những người thân gần gũi, thể hiện sự quan tâm và yêu thương. Một con người rất giả, nhưng đóng vai giả rồi cũng thấm vào trong tâm, để trở thành thật. Trong ý tưởng này chúng ta cũng như vậy, có biết đâu chúng ta là cậu học trò thật là giả, giả dối đi vào con đường của Phật, của những bậc Thánh, đóng vai của một con người giả, giả học Phật, giả học tốt, giả làm người tốt, người lành.
Nhưng các bạn ơi, các bạn cứ giả đi trong mười năm, giả trong nửa cuộc đời, đóng vai giả là người con Phật, đóng vai giả là người tốt, người thiện lành, cho tới suốt cuộc đời cũng tốt mà, bởi vì mưa lâu thấm đậm. Có phải chăng tất cả chúng ta đều là giả. Đúng vậy, chúng ta chỉ là giả tạo trong cuộc đời. Chính trong sự giả tạo trong cuộc đời này, mà chúng ta làm được việc thiện lành. Chính trong sự giả tạo của cuộc đời, mà chúng ta biết tôn trọng, yêu thương, quí mến một cách chân thật, biết an ủi chia xẻ tiếp cận với nhau hằng ngày trong cuộc sống.
Với sự giao thoa, cảm thông, thì sự giả tạo trong cuộc đời trở thành ý nghĩa vô cùng. Dĩ nhiên di chúc của cuộc đời là gì: là hạnh phúc và bình an. Ông cụ đã ra đi trong sự hạnh phúc và bình an. Gia tài của cụ để lại chẳng phải là mồ hôi, nước mắt, vật chất, đồ cổ, nhà cửa, mà là tình yêu thương đích thực của cụ, đã dành cho cậu học trò kia.
Hãy trở thành những cậu học trò có tánh tham, sân, si, đóng giả trong những vai thiện lành suốt cả cuộc đời nghe các bạn. Bởi phần thưởng cuối cùng của các bạn là gì, là sự an lạc, bình an, tích lũy được trong cái giả, để đóng vai chân thật, sống thật.
Cuộc đời chỉ là giả tạo. Chúng ta thường đóng các vai khác nhau. Thay vì những vai ác vai xấu, hãy đóng thiện hão, thiện lành. Hãy đóng vai yêu thương, san sẻ, an ủi và chăm sóc cho nhau. Sống với chân lý rất bình thường như vậy là đủ rồi.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa