Con về trong ánh đạo vàng
Thảnh thơi tâm thái nhẹ nhàng bước chân
Nương nhờ Phật điển từ ân
Ngữ thân thanh tịnh tham sân đoạn trừ.
Mô Phật! Bảo Thành kính chào đại chúng, kính chào tất cả các bạn đồng tu! Chúng ta hôm nay ở tại Mỹ quốc tức là sáng thứ 7, ở Việt Nam là tối thứ 7. Tính trên đầu ngón tay hôm nay thứ 7, ngày mai chủ nhật, đến thứ 2, thứ 3, thứ 4 và thứ 5, tối thứ 5 là giao thừa, chỉ còn 6 ngày nữa thôi tết Nguyên Đán Tân Sửu sắp tới rồi và Canh Tý sắp sửa ra đi. Có lẽ hôm nay dù ở Việt Nam hay tại Mỹ, ngày mà phong tục nhiều đời của người Việt cũng như người Á Đông nói chung, chưa nói đến cái vấn đề tôn giáo này kia mà nói về phong tục của con người thì từ ngàn xưa ông bà vẫn có cái lễ thật ấm lòng đó là ngày rước và đưa. Ngày đưa ông táo về trời để rồi rước ông táo trở lại, trong tín ngưỡng nhân gian niềm tin của con người đã hòa trộn vào với tín ngưỡng của Phật. Chúng ta không ngồi ở đây để nói về một cái điều gọi là phong tục ngàn xưa sai hay đúng. Mà chúng ta sẽ hiểu theo cách nào để hoan hỷ hơn, để mang một cái gọi là truyền thống lâu đời đưa ông táo về trời thành một cái niềm tin trong phật giáo một cách trong sáng. Để chẳng vì chữ đưa ông Táo về trời mà ta hổ thẹn làm việc đó bởi ta là người phật giáo. Tất cả những điều gì con người chế tạo ra, chế định ra, mặc định với nhau về tất cả mọi hình thức lâu đời tạo thành phong tục nó sẽ thăng hoa từ từ tùy theo sự hiểu biết mỗi một thế kỷ trôi qua. Ngày hôm nay ta hiểu về ngày lễ ông Táo chẳng còn đậm chất của văn hóa thuần túy xưa mà nó pha trộn vào với sự hiểu biết hiện tại của mỗi một người đang sống trong kỷ nguyên mới này. Chắc chắn các bạn đã làm lễ đưa ông Táo về trời rồi, thả cá chép như một sự tượng trưng chép hóa rồng bay về thiên cung, đưa ông táo về cho nhẹ. Còn để ông Táo cứ đi xe đạp hoặc là ông Táo đi xe honda, thậm chí đi xe hơi, máy bay đi nữa chắc cũng làm ô nhiễm môi trường. Ông bà ta ngày xưa không dùng những phương tiện đó bởi sợ ô nhiễm môi trường bởi vì sao? Bởi vì quanh năm suốt tháng ông Táo đã quá tội nghiệp ngồi trong nhà bếp bị thiêu nóng, bị hun khói, bị đen và bị ám những cái mùi vị đồ ăn của loài người cả năm trời rồi không lẽ chúng ta lại đưa ông Táo về trời với cái mùi vị của thế trần, tục thế, cái mùi ám khói của trần gian hay sao. Cho nên ngày đưa ông Táo về trời ta tắm rửa, ta thay ông Táo mới, ông Táo thật mới với bộ áo mới thật đẹp. Và ta không đưa ngài về bằng phi thuyền- phương tiện xả khói đen, ô nhiễm môi trường mà ta đưa ông Táo về trời bằng rồng, chép hóa rồng – phương tiện không nhả khói nhưng thanh cao. Các bạn, đó là quan niệm của con người, đó là cái lễ nghi, chẳng có tội tình gì, cũng chẳng phán xét đúng hay sai bởi đó là lễ nghi, lễ hội, một nghi thức lễ được tạo ra như để cho mỗi người hướng tới.
Nay ta nói tới cái ý nghĩa của ông Táo trong phật giáo. Bất cứ một Phật tử nào, chúng ta nhớ rằng cái bếp của người nghèo hay người giàu đều chan chứa tình yêu thương, năng lượng. Người ta nhìn vô bếp là thấy sự sống, dù nghèo đi chăng nữa vẫn rất là ấm cúng. Dù các bạn có bôn ba ở đời là vương giả quyền quý hay người tầm thường, khi vào trong bếp thì toàn bộ sự cực nhọc, mệt mỏi của con người, của thân xác, của tâm hồn đều tiêu biến mất và chúng ta cảm thấy thảnh thơi nhẹ nhàng. Cái bếp là trung tâm điểm của đời sống con người, nơi bếp mỗi người sẽ cảm thảnh thơi bởi hương vị của những món đồ ăn do cái tình yêu thương của người mẹ hiền, của bà, của những người yêu thương nấu ở trong đó cho ta ăn. Ta cảm thấy nhẹ nhàng sau khi ăn là bởi vì đói, mệt nhọc ở đời món ăn tuy đơn giản như bầu bí hoặc rau cỏ nhưng ít nhất nó chan chứa tình người. Ta sẽ cảm thấy sự thảnh thơi nhẹ nhàng ngay trong bếp. Cuối năm mà, chúng ta đưa ông Táo về trời chẳng phải là ông Táo ở trong cái bếp mà đưa lòng tri ân của người con hiếu thảo, hiếu đạo, cảm niệm ân đức của chư Phật, chư Bồ Tát, thánh hiền, cảm niệm ân đức của cửu huyền thất tổ, của ông bà, cha mẹ và tri ân tấm lòng của vợ chồng, con cái, những người cùng chung lưng đấu sức để tạo nên sự nghiệp nuôi sống cuộc đời của chúng ta. Cái bếp nó tượng trưng và nó thể hiện cái tinh thần của tình yêu, ai vào trong bếp cũng thảnh thơi nhẹ nhàng. Những năm xưa khi Bảo Thành còn nhỏ cái bếp không hiện đại như bây giờ, nấu bằng gas, đẹp mà nó chỉ là ba cục gạch mà cố ngoại thuở xưa phải quét lá khô để mồi lửa nấu cơm. Đi vô trong đó ngồi cạnh bà ngoại, nói chuyện với bà ngoại, hương khói của lá cây ám vào người, mùi khói thơm lừng tình yêu của bà ngoại, món cơm sơ sài vậy mà thật ấm, ấm cho tới ngày nay gần 40 năm bà ngoại đã ra đi nhưng trong lòng của Bảo Thành vẫn ấm tình ngoại ở trong trái tim. Ngoại vẫn còn đó và mỗi khi trở về trong trái tim, Bảo Thành lại thấy thảnh thơi nhẹ nhàng dù cuộc đời nhiều muôn trùng thử thách và chướng ngại luôn kéo tới. Không sao! Không sao bởi trong tim có cái nhà bếp, có ông Táo, có ngoại ngự ở trong, có ân tình, có ân nghĩa. Các bạn, con người ta cứ tìm đủ mọi cách để diễn nghĩa cho đúng hay sai, trong tình yêu thương ngôn ngữ đâm ra thừa, lý thuyết thừa, triết lý thừa, triết học thừa. Trong tình yêu chỉ có cảm nhận, không cần một thứ ngôn ngữ gì nữa. Cái bếp của người Việt nói riêng và cái bếp của nhân loại nói chung nó mang ý nghĩa của tình thương, sự bao bọc của cái lòng ấp ủ, nuôi dưỡng và dìu dắt nhau trên con đường lữ thứ làm người trên sa mạc của nghiệp chướng nhiều đời ta đã tạo. Lý thuyết nào là đúng? Trong tình yêu không có lý thuyết, cái bếp là tượng trưng cho tình yêu vô thượng nhiều đời của cửu huyền thất tổ, nơi mà chư Phật, chư Bồ Tát, chư thiện thần, hộ pháp chứng minh cho chúng ta trở về để lấy vật thực dưỡng thân. Ngày đưa ông Táo về trời là ngày mà ta ngưỡng cầu lên Tam Bảo, lên cửu huyền thất tổ, cha mẹ của chúng ta để tri ân rằng đã cho ta được làm người sống trên cuộc đời. Và cái bếp này dù là bếp hồi xưa bằng gạch, bếp lò hay bếp gas vẫn ẩn tàng những cái lời dạy cao siêu trong hương khói, hương vị của nhà bếp, hương khói của tình thương, hương vị của tình yêu. Vào trong bếp là thấy hình của mẹ, của cha, vào trong bếp là thấy hình của ông bà, thấy hình ảnh của trời phật. Chẳng phải ở trong bếp là một cái bàn thờ thờ ông Táo, thờ ông Địa, thờ Phật mà trong bếp ta thấy những nghĩa cử thanh cao, mầu nhiệm của người cha đã tạo ra để cho ta được sống mạnh khỏe và bình yên.
Thảnh thơi nhẹ nhàng không còn là một cái giáo lý cao siêu của phật dạy mà là sự thổn thức biết tri ân với tình yêu thương với những người đã lót đường cho ta đi vào cuộc đời. Nếu chúng ta biết tri ân tình yêu thương ấy thì ta sẽ có một cuộc sống thảnh thơi nhẹ nhàng. Còn nếu như chúng ta trở thành một con người vô ơn thì cuộc đời sẽ thật nhiều lo âu, phiền não, gập ghềnh sóng gió, chướng ngại hầm hố, gai góc rình rập cuộc đời của chúng ta. Các bạn thấy không, ngày cuối năm gần kề chúng ta đưa ông Táo về trời, chúng ta không còn gửi ông Táo về để tấu với Ngọc Hoàng Thượng Đế về những điều tốt đẹp của ta để mong cho một năm mới ta có dư dả tiền bạc để bếp luôn ấm. Mà ta mượn cái hương khói của tình thương để mà phóng sanh tốt hơn gọi là thả cá hóa rồng về trời mà là một cái nghĩa cử cao hơn theo lời phật phóng sanh, sám hối để đền bù những tội lỗi, nghiệp chướng ta đã tạo ra trong năm qua. Ngày này là ngày ghi nhớ công ơn của cha mẹ, ghi nhớ công ơn của ông bà, của trời đất, của phật, Bồ Tát, thánh hiền, của vợ chồng của tình nghĩa mà ta đã thật ấm cúng trong cái bếp này cùng dìu dắt nhau vượt qua, cùng nuôi nấng, cùng để cho nhau cái ân tình chứa đựng trong những món ăn thật là đơn gian nhưng cao lương mỹ vị của vua chúa cũng không sánh bằng bởi đầy ấp hương vị của tình yêu. Các bạn, nếu các bạn quên cái mùi vị của tình yêu trong cuộc đời nơi gia đình, cuộc đời chẳng bao giờ thảnh thơi và nhẹ nhàng đâu. Nhọc nhằn, lo âu, khổ cực sẽ như núi đè lên trên đầu. Đây là ý nghĩa cao cả của đời thường nhưng nếu chúng ta nhìn thêm một chút xíu nữa theo tinh thần của nhà phật của những ngày cuối khi năm Canh Tý sắp qua, Tân Sửu sắp tới chúng ta nhớ lại lời phật để thấu rõ hơn cái sự nhẹ nhàng tới là tình yêu, là từ bi, là tình thương ta trao cho nhau trong ân tình, chẳng phải vô ơn bạc nghĩa, trọng ân, trọng nghĩa. Người trọng ân nghĩa là người luôn được thảnh thơi và nhẹ nhàng như cuộc đời có khố rách áo ôm nhưng họ có đói họ vẫn sạch, rách họ vẫn thơm, tâm hồn họ thơm lừng cái sự thanh tịnh, đáng quý, đi tới đâu ai cũng thương, ai cũng mến, đi tới đâu ai ai người ta cũng sẵn sàng đón tiếp. Đi tới cái chân lý của Đức Phật soi chiếu để giải cho chúng ta thấy trọng ân nghĩa rất quan trọng. Bởi vậy trong tứ ân Đức Phật dạy là ân cha mẹ, ân trời phật, ân các bậc trưởng thượng, các vị thầy, ân quốc độ ta sinh ra. Những cái ân nghĩa đó, người biết trọng ân nghĩa đó luôn có một đời sống thảnh thơi nhẹ nhàng. Chúng ta bắt đầu có sự lo lắng, phiền muộn, nặng nhọc ở trong cuộc đời đè lên vai chính là bởi vì chúng ta không hiểu thấu và đã không trung thành với cái lý tưởng cao cả mà ông bà, cha mẹ truyền dạy. Vong ân bội nghĩa để rồi cái tâm tranh chấp hơn thua của chúng ta nó đẩy lùi đi cái sự thảnh thơi nhẹ nhàng trong cuộc đời, vì đâu? Vì ta không được nhắc nhở, vì ta sống ở trong môi trường mà quá bon chen, tranh chấp quá nhiều. Và cái định nghĩa ngày nay đời là bon chen, đời là tranh chấp nếu không người ta đè lên đầu, lên cổ lấy gì mà sống, sao sống nổi. Những cái cách nói như vậy hình như lâu dần hình thành một nhân cách sống, một phong tục rồi tạm gọi là một chân lý sống, sống là phải tranh chấp, sống là phải bon chen, sống là phải hơn thua. Những điều đó là đã làm tan biến tất cả sự thảnh thơi nhẹ nhàng trong cuộc đời để từng lúc ngủ vắt tay lên trán trằn trọc bâng khuâng, lăn qua lăn lại, thâu đêm chẳng ngủ sáng sớm mắt quầng, đâu còn cái nét tươi, nhìn vào chỉ thấy tàn nhang u ám, còn đâu sự thảnh thơi nhẹ nhàng.
Tranh chấp, bon chen, hơn thua là rất người nhưng cái rất người đó là rất người hiểu sai lệch về cuộc đời. Các bạn, tri ân, nhớ đến ân của người xưa, của phật trời, của Bồ Tát, của ông bà, cha mẹ, của các bậc thầy, của tổ quốc đó mới là chân lý thật sự mới giúp cho chúng ta thảnh thơi nhẹ nhàng, thong dong và tự tại. Những ngày cuối năm cận kề như Bảo Thành vừa đếm còn có 6 ngày nữa Canh Tý như con chuột chạy thoáng qua, chúng ta kiểm điểm lại 1 năm, chúng ta có nhẹ nhàng thảnh thơi không, còn có lo âu sầu muộn gì. Cuộc đời có bao nhiêu thứ cây nó muốn dừng nhưng gió nó hổng chịu thổi hoài à, cuộc đời có biết bao nhiêu những con gió ngược xuôi thổi qua thổi lại ta té xuống, đau khổ. Và trong năm mới nhất định các bạn sẽ luôn luôn mơ ước và nguyện cầu rằng các bạn sẽ được thảnh thơi hơn, nhẹ nhàng hơn. Đối với người ta phải có một cái lòng tri ân, người đối với ta cũng phải có một lòng tri ân thì ai ai cũng thảnh thơi nhẹ nhàng. Nhưng mà các bạn nói tôi luôn biết tri ân tình cảm, sự quan tâm của mọi người nhưng họ không biết tri ân tôi, họ đã phản bội tôi, phản bội về kinh tế, phản bội về tình cảm, phản bội về cái cách xử thế ở trong ngôn ngữ, phản bội về mọi sinh hoạt trong cuộc đời, tôi thật là khổ. Đó là bởi vì các bạn còn tranh chấp giữa mình và họ bởi cái tâm tham sân si. Cho nên Đức Phật dạy cho chúng ta cuộc đời là bỏ bớt tranh chấp đi, là bỏ cái sự hơn thua, bon chen đi. Đời mà ai không bon chen nhưng bon chen cho lắm rồi cũng xuống mồ cô lạnh mà thôi. Đời ai không tranh chấp, tranh chấp cho nhiều sầu muộn cả đời, chết xuống dưới kia ma nó đưa đường dẫn lối về âm tình yêu địa ngục. Hơn thua cho lắm thì có gì mang theo. Những câu đó, cát bụi cuộc đời có gì đâu vẫn luôn luôn được nhắc nhưng chúng ta chẳng bao giờ thấm, chẳng bao giờ thấy được cái ý nghĩa đó ngoại trừ khi trên khóe mắt những giọt máu đau khổ biến thành nước chảy lăn trên gò má thể hiện sự đau khổ đó, nặng nhọc đó nó thấm vào trong xương tủy. Giá trị của thảnh thơi nhẹ nhàng dù các bạn thầm hiểu được giá trị đó lúc này hay lúc sau, trẻ hay lớn tuổi, trễ hay muộn không quan trọng nhưng ta hiểu được cái giá trị của sự thảnh thơi nhẹ nhàng nó tới từ tình yêu, nó tới từ tình thương, nó tời từ lòng từ bi và hiểu thấu sự mệt nhọc, khổ cực của cuộc đời tới từ sự tranh chấp, hơn thua, bon chen. Phải phân biệt thật rõ thì ta sẽ có cơ hội gạn lọc, sàng lọc để đưa những thứ tốt đẹp vào trong cuộc đời để ông Táo không còn là cái bếp nữa mà ông Táo chính là sự hướng thiện.
Người ta đã mang ba cục gạch kê ở ba góc biến thành ông Táo nhưng bao nhiêu năm đưa ông Táo về trời cái bếp kia vẫn lục đục vợ chồng, con cái, cha mẹ, gia đình cứ lỉnh kỉnh, lục đục, đau khổ, phiền não. Cơm thì có ăn canh thì có húp nước thì có uống nhưng mà cơm canh chẳng ngọt, gia đình xào xáo là bởi vì ta tôn thờ ông Táo và đặt 3 cục gạch ở ba góc để nấu cơm. Và rồi cái cục gạch thứ nhất đó chính là cái đầu gạch đá của ta gặp ai cũng ném, cục gạch thứ hai là của vợ, cục gạch thứ ba là của con cái trong gia đình. Ba cục gạch, đầu của vợ chồng, con cái đã biến thành gạch hở chút là tranh chấp từng câu, từng chữ, từng hành vi, hơn thua nhau từng chút, cãi cọ. Nay ta nhớ 3 cục gạch của ông Táo, đừng biến Táo thành gạch, gạch thành Táo, ông Táo cũng là một vị thần mà sao tội nghiệp biến ổng thành cục gạch để mà nung ổng mấy trăm ngày trời đen thui được một ngày rửa cho sạch, thả vài con cá chép tượng trưng cho rồng bay về cõi trời. Tội nghiệp! Tội nghiệp! Cả một năm trời ta chẳng gội rửa tâm thức cho sạch để cho tình nghĩa vợ chồng, con cái và cha mẹ được ấm cúng, được thơm tho trong những hương vị của cái bếp mà tình nghĩa vợ chồng keo sơn, trọng hiếu với cha mẹ, thương con cái hình thành những món ăn, như vậy nó tuyệt vời hơn không. Nhưng hôm nay chúng ta hãy mang một ý niệm khác, cũng là ba nhưng mà không phải ba cục gạch tượng trưng cho ông Táo. Người Phật tử chúng ta phải biết mang vào trong bếp ba cái gọi là Tam Bảo Phật Pháp Tăng. Ta không biến Phật Pháp Tăng thành bếp để nấu nhưng ta thỉnh Phật Pháp Tăng vào trong bếp. Phật là bậc tỉnh giác thì khi các bạn nấu đồ ăn phải nấu với cái tâm tỉnh giác đừng mê, đừng chấp, đừng bon chen, đừng hơn thua thì cơm canh đạm bạc cũng thật ấm, thật thơm hương vị nồng nàn, cả thôn đều ngửi thấy. Phật Bảo là sự tỉnh giác ngay trong nhà bếp bới bữa cơm rất quan trọng cho đời người, sống trong nhà bếp, vui trong nhà bếp, buồn trong nhà bếp, tình nghĩa cũng từ trong nhà bếp, hạnh phúc cũng ở trong đó, đau khổ cũng ở trong đó. Mà nếu chúng ta bước vào nhà bếp với tâm tỉnh giác tức là có Phật Bảo tức là luôn luôn tỉnh thì nhất định bữa ăn đó sẽ giúp cho muôn người tỉnh ngộ, thoát khỏi u mê. Ta còn thỉnh vào trong bếp Pháp Bảo nữa là con đường mà ta hiểu thấu rõ ràng từng món ăn phải nấu bằng cái tâm thái yêu thương, từ bi. Rồi còn có thêm một Bảo nữa đó là Tăng Bảo, sự hòa hợp, hòa hợp với tăng thân, hòa hợp với vợ chồng, hòa hợp luôn với những món ăn ta đang làm trong sự tỉnh giác và từ bi. Nhất định cái bếp của các bạn, chúng ta không tiễn ông Táo về trời nữa mà ta rước phật vào nhà bếp để từ đó bếp của ta 365 ngày không phải là có khói mù mịt nữa mà có hương, hương giới, hương định, hương huệ trong từng món ăn, trong từng món canh, trong từng lúc chúng ta khởi lửa để nấu. Nó ấm, nó nồng, nó có sự tri ân cảm niệm, thương mến, nhớ ân, trọng tình, trọng nghĩa. Thì nhất định với cái tinh thần đó thôi sự thảnh thơi nhẹ nhàng sẽ tới với cuộc đời.
Các bạn nhớ, Đức Phật luôn dạy cho chúng ta là Phật tử tại gia chẳng cần phải buông nào là đời, nào là tiền, nào là công danh sự nghiệp nhà cửa để trở thành những bậc xuất gia. Hãy là mình và hãy là Phật tử tại gia. Có một vị tiên nhân tu, tu theo đạo tiên thành tiên rồi, giảng thật là hay ai nghe cũng thích cho nên vua trời Đế Thích thích nghe vị tiên nhân này giảng pháp. Một hôm vua trời đế thích tới nghe giảng và khóc, tiên nhân hỏi:
- Tại sao ngài lại khóc?
- À! Tôi khóc la bởi vì tôi thấy được ngài sắp chết, ngài có ngũ thông nhưng chưa tận lậu thông.
Vị tiên nhân đó nghe sắp chết thì buồn, chưa có tận lậu thông tức là còn phiền não, chưa thông được sự phiền não, thông tất cả, cái gì cũng thông nhưng mà chưa thông được sự phiền não. Vua trời Đế Thích thấy ông ta sắp chết báo cho ông ta rồi ông ta buồn rầu khóc, ông ta hỏi vua trời Đế Thích:
- Làm sao để tôi không sợ hãi cái phiền não của sự chết?
- Ở đằng kia nơi có Trúc Lâm Thiền Viện có Cồ Đàm (tức Đức Phật) đang giảng, ngài hãy tới đó thỉnh phật, ngài sẽ giảng cho.
Khi bậc tiên nhân đó trên đường đi tới, đi gặp phật nhưng nghĩ rằng ta không có gì để tặng cho phật bỗng thấy bên lề đường có hai bông hoa của cây Ngô đồng liền hái hai cây Ngô đồng mang tới để cúng dường cho phật. Khi tới thì tiên nhân hỏi:
- Thưa phật, ngài hãy dạy cho tôi đừng phiền não, sợ hãi về sự chết!
Phật chỉ nói buông, ông ta buông bông hoa ngô đồng một bên xuống, phật liền nói buông lần thứ hai ông ta lại buông cái bông hoa thứ hai. Phật nói buông lần thứ ba, ông ta nói với phật:
- Thưa phật, con đã buông hai bông hoa ngô đồng, có còn gì để buông nữa đâu
- Không! Không, hai cây ngô đồng có bông đẹp chẳng phải điều ta nói ngươi buông. Điều thứ nhất ta nói ngươi buông là buông chấp vào những cái điều gì qua sáu căn của chúng ta nhìn thấy. Điều thứ hai ta nói ngươi buông là buông những cái cảnh ở bên ngoài đừng dán chặt vào bên trong. Điều thứ ba ta nói ngươi buông là mọi chấp thủ, bon chen, hơn thua ở đời.
Lúc này tiên nhân ngộ ra liền trở về tu buông xả tất cả và sau đó chứng đắc không còn lậu hoặc, phiền não không còn, thảnh thơi và nhẹ nhàng.
Cuộc đời của các bạn trong những ngày cuối năm này và Bảo Thành hãy là một con người bình thường, là một Phật tử bình thường thôi trở về với nhà bếp, hãy buông đi sự tranh chấp, tiếng vào tiếng ra giữa những con người đang sống chung là vợ, là chồng. Người yêu thương ta mà, hơn thua nhau chút lời nói, hành vi làm chi, có tốt đẹp gì đâu. Đừng tranh chấp nhau, đừng bon chen, đừng hơn thua. Nếu như cuộc sống của các bạn giữa vợ và chồng, giữa các bạn và cha mẹ, giữa các bạn và người thân, giữa các bạn và mọi người các bạn tương tác có thể bỏ được thứ nhất là tranh chấp, thứ nhì là bon chen, thứ ba là hơn thua thì nhất định ba ngôi Tam Bảo các bạn thỉnh vào trong nhà, trong đời, trong bếp, cái bếp cuộc đời của các bạn sẽ ấm lắm. Mỗi năm chẳng còn phải đưa ông Táo về trời nữa mà chỉ cần đưa tâm hồn mình lên để mà tri ân Tam Bảo Phật Pháp Tăng bằng giới hương, định hương, huệ hương. Từ bỏ sự tranh chấp, từ bỏ sự hơn thua, từ bỏ sự bon chen các bạn sẽ thảnh thơi nhẹ nhàng vô cùng trong cuộc đời.
Con về trong ánh đạo vàng
Thảnh thơi tâm thái nhẹ nhàng bước chân
Nương nhờ Phật điển từ ân
Ngữ thân thanh tịnh tham sân đoạn trừ.
Các bạn, ta là Phật tử, chúng ta đã về như những đoàn con trong ngày cuối năm, dưới ánh đạo vàng Như Lai để chúng ta được thảnh thơi tâm thái, nhẹ nhàng từng bước chân bước qua cái năm Canh Tý này để tới cái năm Sửu. Các bạn, chúng ta phải nương nhờ vào phật điển từ ân, phật điển là tha lực của chư Phật, của Tam Bảo, như chúng ta phải nương nhờ vào ngọn lửa ở trong bếp thì cơm mới thành gạo, không có lửa không thể thành gạo được. Phật điển giúp cho chúng ta thành tựu được sự gắn kết với tam bảo Phật Pháp Tăng từ đó ngôn ngữ và thân của chúng ta thanh tịnh, tham sân của chúng ta được đoạn trừ, sự tranh chấp không còn, hơn thua chẳng có, bon chen cũng tiêu biến luôn thì nhất định các bạn và Bảo Thành sẽ thảnh thơi nhẹ nhàng. Vị tiên nhân kia có ngũ thông nhưng chưa có tận lậu thông tức là chưa hết phiền não, khi được chư Phật khai thị buông ngài đã chứng đắc. Chúng ta hôm nay nghe được để có một năm mới tốt đẹp để năm con chuột đi qua, năm con trâu đi tới không còn là gánh nặng mà là sự gắn kết yêu thương trong gia đình giữa vợ chồng, con cái và với đấng bậc ơn nghĩa sinh thành nên chúng ta. Hãy hướng về tam bảo, thỉnh tam bảo vào cuộc đời, thỉnh tam bảo về trong nhà, thỉnh tam bảo vào ngay trong nhà bếp để từng giây phút ta nấu nướng cho nhau ăn nấu bằng sự tỉnh giác, nấu bằng tình yêu, yêu thương, nấu bằng sự hòa hợp không phân rẽ. Nấu bằng cái tâm trong tranh chấp từng cái hành vi, lời nói, nghĩa cử, nấu bằng cái tâm không có bon chen, hơn thua, tình nghĩa mà, nấu bằng cái tâm. Không bao giờ sa và lầy vào những điều như thế để chúng ta luôn luôn được thảnh thơi nhẹ nhàng như người con trở về quê nhà nằm ngửa trên cánh đồng mênh mông vô tận của những thảm cỏ xanh nơi tâm thức tỉnh thức hòa hợp với yêu thương. Nhất định gia đình của các bạn sẽ luôn thảnh thơi và nhẹ nhàng, năm mới đang tới nhất định chúng ta sẽ thảnh thơi và nhẹ nhàng. Và Bảo Thành luôn nguyện xin mười phương tam bảo luôn luôn gia trì cho tất cả chúng ta và chúng sanh được thảnh thơi nhẹ nhàng, bỏ đi sự tranh chấp, bỏ đi sự hơn thua, bỏ đi sự bon chen, luôn luôn tịnh dưỡng và nuôi dưỡng bằng sự tỉnh giác của phật bảo, bằng cái sự yêu thương từ bi của pháp bảo, bằng cái sự hòa hợp của tăng bảo. Cám ơn các bạn đã nghe
Con về trong ánh đạo vàng
Thảnh thơi tâm thái nhẹ nhàng bước chân
Nương nhờ Phật điển từ ân
Ngữ thân thanh tịnh tham sân đoạn trừ.
Chúc tất cả đại chúng và các bạn đồng tu một năm mới tới thảnh thơi và nhẹ nhàng trên mọi nẻo đường của cuộc sống này.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
PHẦN: CÂU HỎI & CHIA SẺ
Câu 1: Dạ thưa thầy! Con nghe nhiều người nói buổi tối không nên nghe kinh, nghe pháp vì sẽ có những người âm tới, có đúng không ạ?
Chúng ta nhớ, khi học về đạo chúng ta cứ nghe người này người kia mà chẳng tới các bậc hòa thượng, thượng tọa, đại đức, tăng ni, những bậc liễu thông kinh điển hướng dẫn cho chúng ta. Rồi ta đi chợ, ta gặp bạn, ta giao tiếp nghe cái này nghe cái kia riết rồi sợ rồi nghe theo họ. Tất cả những lời kinh tức là lời của Phật được ghi lại tạo thành kinh truyền lại cho người sau. Dưới bất cứ một dạng kinh nào đều chuyển tải cái sự thanh tịnh và ý nghĩa tu tập để người nghe có thể hiểu được, thực hành được đưa đến sự giải thoát và nhẹ nhàng. Vế thứ nhất giả sử chúng ta tụng kinh ban ngày, ta đọc kinh ban đêm con ma nó nghe, có âm tới nghe thì có gì là sai, giả sử có thì có gì là sai. Bởi bình đẳng tánh trí, đôi khi cha mẹ còn sống thì là dương, cha mẹ mới mất thì là âm. Mà giả sử cái phần âm của cha mẹ còn hiện tiền, chưa tái sanh mà còn đó nghe được tiếng kinh thì là điều tốt mà bởi quý ngài còn nghe được tiếng kinh, còn có cơ hội được tư duy, dù không còn thân nhưng cái thần thức vẫn còn có cái khả năng đó thì cái điều đó tốt. Đọc kinh bất cứ thời nào cũng vậy, chẳng phải chỉ cho riêng ta mà theo như truyền thống trước khi tụng kinh ban đêm hay ban ngày, giờ giấc nào ta có được chúng ta đều thỉnh chư thiên, đều thỉnh chư hương linh ông bà, cha mẹ, tất cả mọi chúng sanh hãy cùng nghe, lắng nghe lời phật, tư duy và thực hành. Cho nên nếu phần âm có nghe được thì ta đã đang bố thí pháp của phật trong giờ kinh đó. Trong các hạnh bố thí, bố thí pháp cao cả nhất, bố thí phước báu nhiều nhất. Cho nên bất cứ giờ nào không nói tới cái giờ đêm, vẫn cứ giờ nào các bạn tụng kinh tu luyện, thực tập, tịnh độ, niệm phật, thiền mật hoặc tư duy chánh niệm đều thỉnh tất cả chư vị, chư hương linh, tất cả mọi chúng sanh giờ này tôi tu tập, tôi thỉnh chư vị cùng nghe. Để họ được thừa hưởng vào cái sự bố thí pháp của ta trong giờ tu tập đó, nương vào hồng lực trí tuệ của nhà phật khai thị qua kinh, liễu thông vạn pháp vô thường, từ bỏ để bớt khổ, bớt phiền não. Đó là điều tốt mà cho nên đừng nghĩ rằng phần âm nghe mà sợ không dám tụng kinh, đó là quan niệm sai lầm. Chúng ta có cái tâm bất bình đẳng chia rẽ, phần âm chúng ta sợ, đó là một quan niệm sai lầm.
Âm siêu dương thới, nếu các bạn có thể tụng kinh hồi hướng cho phần âm được siêu thoát thì cuộc đời của các bạn sẽ thơi thới nhẹ nhàng và tăng trường phước báu. Một cơ hội tăng trưởng phước báu, không có gì phải khước từ, sợ hãi. Cho nên nếu mà sự tụng kinh của ta mà có phần âm đến nghe thì bạn đã có nhân duyên đặc biệt, bạn có phước báu đặc biệt thì phần âm mới tới nghe. Như lúc giảng Bảo Thành nói về một vị tiên nhân ngũ thông, phước báu, cao siêu thì vua trời Đế Thích mới tới nghe giảng. Các bạn tụng kinh mà có khả năng để phần âm nghe và liễu thông thì các bạn có phước báu thật nhiều, các bạn rất đặc biệt. Hãy giữ chánh niệm, tinh tấn tu học, đọc kinh nhà phật, thiền định và trí tuệ, từ bi và hỷ xả, hành thiện và bố thí trong mọi thời mọi lúc các bạn có thể làm. Các bạn có nhớ không, ở nhà thương chúng ta đang ngủ nhưng các bác sĩ vẫn phải trực, nhiều khi 1,2 3 giờ sáng, cấp cứu đưa vào họ vẫn ở đó để cứu giúp chúng ta. Con người đêm còn phải thức để trợ lực giúp đỡ lẫn nhau thì huống hồ gì khi chúng ta về đêm có tiếng kinh cầu, thiền định, trí tuệ, niệm phật hoặc tịnh tâm chánh niệm chúng ta nhớ san sẻ và hồi hướng cho tất cả phần âm và dương. Để âm thì được siêu, cõi dương thì thơi thới, mọi loài chúng sanh đồng thành phật đạo. Mô phật!
Câu 2: Có khi con ngồi thiền thì con cảm giác có hơi nóng từ vùng bụng lên tới vùng ngực, vậy điều này có bình thường không ạ?
Con người mình nếu mà không còn hơi ấm là chết rồi cho nên các bạn thấy không khi có người chết người ta hay sờ lên coi người lạnh dần ở chỗ nào. Và theo như tín ngưỡng thì ta thấy hơi ấm còn ở đâu thì thần thức ở đó. Nếu chúng ta tu thiền là chúng ta kích hoạt năng lượng của cơ thể đặc biệt trong thiền mật song tu có sự gia trì của phật điển, năng lượng thực tế chuyển vào cơ thể tác động vào cái nguồn tự lực và năng lượng tự thể từ các huyệt đạo, kinh mạch và các luân xa. Đây là chuyện bình thường, cơ thể của chúng ta có những điều đó, không có gì phải khước từ. Khi năng lượng của phật đổ vào nó dung hòa với cái năng lượng đó, nó chuyển động trong thân, có âm dương, có lạnh và nóng, có ấm và mát, tất cả mọi hiện tượng đó là bình thường. Bạn chỉ cần dùng tánh thấy biết nhận diện à ở nơi bụng, nơi ngực, nơi đảnh đầu, nơi lòng bàn tay, chân nó nóng .Không sao, đừng để cho những cái cảm giác đó kéo bạn đi, bạn chỉ nhận biết rằng nó đang ấm, đang nóng, có luồng năng lượng đang chạy và nhớ trở về hít vào, thở ra, chánh niệm hơi thở từ bi quán là đủ. Các bạn nhớ, hãy trở về hơi thở từ bi quán và nhận diện ra tất cả mọi cảm giác, quán thân tâm tức là nhận diện mọi cảm giác và suy nghĩ của ta khởi lên từ thân và tâm, biết ta đang nóng, đang ấm, có năng lượng. Biết rồi trở về với hơi thở từ bi quán, quán tình thương. Cứ như vậy bạn sẽ tốt đẹp thôi và nhớ nếu có hiện tượng đó thì rất bình thường nhưng đừng cột tâm vào hiện tượng đó suốt một thời ta tu thở.
Câu 3: Trong công việc và cuộc sống ngoài xã hội thì bắt buộc mình phải cạnh tranh với người khác để tạo sự thúc đẩy và không ngừng phát triển bản thân để tồn tại không sẽ bị thải loại nhưng phật dạy mình không nên chấp nhất, hơn thua nên giờ con không biết phải làm thế nào? Xin thầy chỉ dạy.
Mô phật! Đức Phật không dạy chúng ta, người Phật tử tại gia bỏ tất cả bởi hồi xưa phật còn dạy các vị vua như vua A Xà Thế, vua Ba Tư Nặc, vua Tần Bà Sa La, các vị vua rồi vương hầu như nhà đại phú Cấp Cô Độc hoặc thái tử Kỳ Đà, ngài dạy hết. Ngày không dạy các vị đó bỏ tiền, bỏ của, bỏ nhà nhưng ngài dạy cho các vị đó và dạy cho chúng ta thăng hoa đời sống bởi mọi tạo tác với tâm ý thiện lành. Khi bạn muốn vươn lên để thành công bằng tâm ý thiện lành điều đó đáng được khuyến khích, đáng được sách tấn, đáng được khích lệ. Nhưng nếu bạn vươn lên bằng tâm tranh chấp, hơn thua, sân hận, bon chen để lòng giận, lòng sân, lòng tham tăng trưởng thì với cái tâm đó bạn phải coi lại. Đức Phật dạy tất cả mọi hoạt động trong kiếp của con người khác biệt ở cái tâm thiện hay tâm ác. Nếu bạn đi làm ăn trong cuộc đời, bạn muốn thăng tiến vươn lên hơn người bạn của mình bằng tâm thiện rằng tôi phát nguyện thăng tiến nghiên cứu tăng trưởng kiến thức trong làm ăn, kinh tế, tiếp thị, mọi mặt để tôi có thể thành tựu được và san sẻ cái điều đó với mọi người, chẳng phải cái tâm ác tham sân si Bảo Thành sách tấn và khích lệ bạn cứ tiếp tục con đường như vậy. Cho nên bất cứ một việc gì ở trong đời các bạn không cần phải bỏ, chỉ cần bỏ cái tâm ác, lấy cái tâm thiện lành đồng hành với mọi công việc thì đúng với lời phật. Bạn nhớ nhìn cho rõ, đừng nghĩ rằng đạo phật là bỏ tất cả đối với Phật tử tại gia bỏ tiền, bỏ nhà, bỏ cửa đi vào gốc cây mà ở, không phải. Bỏ là bỏ tâm ác và mang tâm thiện song hành với mọi tạo tác trong kiếp người. Mô phật!