Search

Tham Vấn Phật Pháp 3

10:48 Câu 1. Con có nghe Thầy giảng trong một bài đồng tu là cái tâm duy nhất mà chúng ta có là tâm Phật hay còn gọi Phật Tánh. Còn những cái vui buồn, giận hờn chỉ là những cảm xúc mà mình có. Vậy khi nhận ra con có một cảm xúc nào đó thì làm sao để mà tâm Phật luôn làm chủ những cảm xúc của mình và làm cách nào để dẫn dắt những cảm xúc vui buồn trở về an nhiên tự tại?

Câu hỏi của con là chúng ta chỉ có một cái tâm Phật duy nhất mà thôi. Còn tất cả những cảm xúc của chúng ta như vui buồn, sướng khổ, giận hờn hoặc những cảm xúc về ăn uống, thời tiết, khí hậu, nói chung, những cảm xúc đó khi tới với chúng ta, chúng ta làm như thế nào để chuyển hóa cảm xúc đó?

19 THÁNG 12 NĂM 2020

Con người thường thích lý luận và thích đặt cho nhiều tên và phân tích, mổ xẻ cho thật nhiều, làm nhiều thứ để đôi khi không nhớ mình đã đặt như thế nào. Dĩ nhiên trong cuộc sống chúng ta phân tích kỹ để hiểu rõ vấn đề là điều tốt. Nhưng không nhất thiết chúng ta phải chặt vụn ra rồi từng mảnh vụn đó chúng ta đặt tên để ép mình phải nhớ. Đức Phật khi Giác Ngộ, Ngài đã thành Phật, Ngài nhìn thấy trong chúng sanh đều có tánh Phật, đều có tâm Phật. Ngoài ra Ngài không nói đến một trạng nào khác rằng chúng ta có cái tánh gì khác, chỉ có tánh Phật mà thôi. Điều đó để khẳng định rằng tánh Phật vốn có ở trong ta. Như ở trong kinh Đức Phật dạy có một câu chuyện kể rằng:

Có một người có cái bình ngọc, cái bình ngọc đó anh ta ôm ở trên người, anh ta đi một vòng ở chợ. Thì trên đường đi có một người bạn hỏi:

  • Này anh ơi, anh có một cái bình ngọc đẹp quá, anh đựng cái gì ở trong đó?

Người đó mở bình ra thì chưa có gì, chỉ là một cái bình ngọc thôi. Nhưng sau khi anh ta đi một vòng quanh chợ và trở về người đó lại hỏi rằng:

  • Cái bình ngọc của anh như thế nào cho tôi nhìn?

Và anh ta nhìn vào bình ngọc thì người này đựng vào trong bình ngọc toàn là những thứ như muối, cá, thịt, mua để mang về nhà. Người kia bịt mũi và chê rằng một cái bình ngọc cao quý như thế tại sao lại đi đựng những cái thứ dơ bẩn vào bên trong. Rồi lại có một người khác cũng có một cái bình ngọc đi ra, người ta cũng hỏi rằng:

  • Bình ngọc của anh đẹp có cái gì ở bên trong?  

Anh ta mở ra không có gì chỉ là bình ngọc mà thôi. Cũng đi quanh một khu chợ khi trở về, người kia lại hỏi:

  • Anh đã có gì trong cái bình ngọc này?

Khi anh ta mở ra thì anh ta ngạc nhiên vô cùng và khen rằng:

  • Cái bình ngọc đã đẹp, anh còn biết đựng ở trong bình ngọc những thứ đẹp hơn nữa như vậy thật là tuyệt vời.

Tại sao? Là bởi vì người đó đi vòng quanh chợ đã mua vàng, mua kim cương, mua đá quý đặt vào trong cái bình ngọc nên tăng thêm cái vẻ đẹp của bình ngọc.

Các bạn, trong câu chuyện này ta nói một cách thật là đơn giản, bình ngọc đó là tượng trưng cho cái tâm Phật của chúng ta. Tâm Phật mà Đức Phật nói là tâm từ bi, tâm thiện lành. Tâm Phật là tâm trong suốt, không có dính mắc, tâm hoan hỷ, tâm đó luôn luôn lan tỏa hạnh phúc tới cho muôn người. Tâm Phật như cái bình ngọc kia, chúng ta đi một vòng trong những giác quan của mình mắt, mũi, tai, miệng, cảm xúc. Sáu cái giác quan đó của chúng ta đi, chúng ta va chạm với cuộc đời tạo nên cái cảm giác. Mà sự cảm giác này thì chúng ta đã học ngày nay, đã được mở rộng và biết rằng chính là do não bộ của chúng ta tương tác, nhận biết qua các căn, tức là các giác quan của chúng ta, nó phản ứng, nó đưa chúng ta tới những cảm xúc như vậy. Còn tâm Phật của chúng ta trong suốt như thế, luôn luôn ở cái thể trong suốt nhưng vốn ở trong tâm Phật đó từ nhiều đời chúng ta đã chất chứa rác rưởi của tâm tham chấp và sân si. Tham Sân Si, đó là ba cái hạt bụi lớn, ba chất dơ lớn đã bám và chứa đựng vào trong tâm Phật của chúng ta. Cho nên chúng ta qua sáu căn không nhìn, không cảm giác, không nghe, không nói bằng tánh trong suốt của tâm Phật nữa. Mà bị cái bụi Tham Sân Si che phủ. Y như căn nhà của chúng ta bụi bặm, nhà vốn sạch nhưng để lâu không có lau chùi cho nên bụi đóng từng lớp. Đầu tiên khi các bạn bước vào bụi sẽ bay lên ngột ngạt, khó thở và cái điều các bạn nhìn thấy đầu tiên chính là bụi. Y chang như thế, tâm của chúng ta là cái bình ngọc trong suốt tâm Phật nhưng nhiều đời bởi vì chúng ta đã vô minh, không hiểu biết, tương tác với sáu cảnh ở bên ngoài do giác quan cảm nhận bởi sự hoạt động của não bộ lầm tưởng đó là ta, lầm tưởng đó là tánh của ta, tâm của ta. Rồi xáo trộn lên tưởng rằng trong một mớ tâm lộn xộn đó có tâm này, tâm kia rồi có cả tâm Phật.

Nhưng thực ra nếu để đơn giản cho cuộc sống dễ dàng hơn cho mọi người trên con đường học Phật chúng ta phải minh định thật là rõ theo lời Đức Phật dạy. Phật nói: “ta là Phật, các con là Phật sẽ thành bởi trong các con có Bổn Tánh của Phật, có tâm Phật”. Và từ lời thọ ký đó ta nhận định rằng trong ta chỉ có tâm Phật mà thôi. Còn tất cả những thể loại tâm khác được đặt tên đều chỉ là những bụi, những rác rưởi, những chất dơ do sáu căn của chúng ta đi vòng quanh trong cuộc đời mà sự tương ưng với não bộ chúng ta lượm lặt chấp nó là ta, là tâm cho nên cứ nhồi nhét mãi. Khi khẳng định được ta chỉ có tâm Phật mà thôi thì tất cả những thể loại khác cảm xúc tương tác với sáu căn ta biết nó không phải là tâm của ta, nó chỉ là cảm xúc.

Hai anh kia đã đi qua một vòng trong chợ, người đầu tiên mua cá, mua thịt, những thứ hôi tanh bỏ vào bình ngọc. Những thứ đó được tượng trưng cho những cảm xúc vui buồn, sướng khổ do cái tâm tham và tâm chấp chúng ta lượm lặt vào cho nên tâm Phật của chúng ta vẫn trong suốt, vẫn còn đó, vẫn đẹp, vẫn thanh tịnh, vẫn từ bi, nhưng nó bị những bụi bặm của Tham Sân Si phủ lên nên não bộ của chúng ta qua các giác quan khi đón nhận nó tưởng lầm nó là ta, nó là tâm của ta cho nên chúng ta thường hay nói rằng: “tôi như vậy đó”. Mỗi khi chúng ta có một chuyện gì giận hờn khó chịu, chuyện gì không vui, chuyện gì người ta đụng tới điều mình không thích thì mình hay nổi cáu và vỗ bàn, đập ghế nói rằng: “tôi như vầy, anh có chịu hay không thì tùy anh”. Khi chúng ta không nhận rõ mình nên thường tưởng lầm những thứ đó là mình. Mình là sự Từ Bi Hỷ Xả thanh tịnh, mình không phải là chỗ Tham Sân Si. Nhưng Tham Sân Si nó nổi lên trên bề mặt tâm thức của não bộ nhận rõ cho nên ta cứ tưởng đó là tâm. Cho nên theo lời của Đức Phật ta có tâm Phật. Tâm Phật là tâm duy nhất ta vốn có còn những thứ cảm xúc kia là sự va chạm của não bộ tương tác với giác quan của chúng ta. Rồi chúng ta vì nhiều đời, nhiều kiếp cứ bỏ những cái thịt, cá hôi thối vào bình ngọc, bỏ những cái tâm tham chấp đó vào trong cuộc đời và lầm tưởng nó là ta. Cho nên nó trở thành những đống rác rưởi trong cuộc đời. Minh định rõ ta chỉ có một tâm Phật duy nhất mà thôi. Còn những tâm khác người ta đặt tên ra thì chúng ta tạm gọi đó là cảm xúc tương tác của giác quan. Như người thứ hai khôn ngoan đi vòng quanh chợ không mua thịt, mua cá đặt vào bình ngọc mà mua hột xoàn, kim cương, vàng bạc, châu báu đặt vào trong nên nó tăng thêm cái giá trị.

Trở lại câu hỏi làm sao chúng ta có thể chuyển hóa những cảm xúc kia để tăng trưởng và thẩm nhập vào trong đời sống của tâm Phật? Chúng ta hãy khôn ngoan như người thứ hai đi vòng quanh sáu giác quan của mình va chạm trong cuộc đời, không lượm thịt cá hôi thối mà mang vào trong bình ngọc, vào trong tâm Phật của chúng ta, giữ tâm từ bi mà phát triển lòng từ thiện, hướng thượng, giữ giới. Chúng ta thực hành những điều như vậy thì tâm Phật sẽ hiển lộ biến thành những cảm xúc tốt đẹp. Là con người ta luôn luôn có những cảm xúc như thế vui buồn, sướng khổ, tốt xấu bởi có não bộ và giác quan đưa tất cả những gì ta nghe, ta nhìn, ta va chạm. Nó tạo lên bởi sự tham chấp và si nên cho nó là thật. Ngày nay ta nhận định thật là rõ cái rất thật mà ta có để sau khi chết tất cả những cái thứ kia không còn nữa chỉ còn duy nhất tâm Phật. Vậy ta chứa gì vào tâm Phật? Ta chứa vàng bạc, châu báu, kim cương hay ta chứa thịt cá hôi thối vào trong đó?

Để chuyển hóa những cảm xúc mang sự hôi tanh mùi đời vào thì ta phải tăng trưởng cảm xúc tốt đẹp trong cuộc sống. Mà Phật dạy cho chúng ta là hướng thiện, hướng tới điều tốt, hướng thượng. Và hướng thiện bằng những hành động cụ thể, như trong cuộc sống ta luôn tạo cho mình những cảm hứng, những sự khởi lên tư tưởng tốt đẹp bằng cách luôn luôn an trú trong Chánh Niệm hơi thở quán tưởng tâm từ bi, tâm chân thật, tâm thành kính, tâm yêu thương mà từ xưa đến giờ ta đặt tên như vậy đó. Nhưng thật ra ở trong tâm Phật của chúng ta nó có tư chất yêu thương, Từ bi, thanh tịnh, thành kính chứ nó không có Tham Sân Si, Hỷ Nộ Ái Ố. Cái đó không có trong tâm Phật, tâm Phật chỉ thanh tịnh, tâm Phật trong suốt như viên ngọc.

Nhận định rõ ta có tâm Phật, nhận định rõ tâm Phật của chúng ta là từ bi, là thanh tịnh, là thành kính, là yêu thương, là thiện lành, chúng ta bắt đầu chuyển hóa sự suy nghĩ mình đi vào trong chất từ bi, chất thiện lành, chất trong suốt của hướng thượng từ thiện. Thì từ từ những cảm xúc kia nó sẽ vơi dần đi bởi chúng ta tăng trưởng tâm này, cũng như cái bình ngọc đựng vàng bạc, châu báu thì không thể đựng thịt, đựng cá vào bởi nó đã đầy rồi. Phật nói trong một niệm chúng ta chỉ có một cảm xúc, một là của tâm Phật hai là cảm xúc của Tham Sân Si tương tác với giác quan ở bên ngoài. Do đó, khi chúng ta hướng dẫn não bộ của chúng ta, đây là cách luyện sự suy nghĩ của chúng ta tương tác với tâm Phật nhiều hơn để thẩm nhập đi sâu vào trong chất từ bi, chất thành kính, chất chân thật, chất thiện lành thì tự nhiên ta sẽ đi vào được tâm Phật và sống được như vậy. Còn những bụi bặm kia khi nó đã có bởi Tham Sân Si thì chúng ta chỉ cần tăng trưởng chất thiện lành đó những cái kia sẽ từ từ bị đẩy lùi ra. Chúng ta không cần phải chú trọng quá nhiều, chỉ cần nhận ra rằng đâu là vàng bạc, châu báu để đặt vào đúng chỗ của tâm Phật, đâu là rác rưởi chúng ta đừng mang vào nữa.

Là người chúng ta luôn luôn có những cảm xúc như vui buồn, sướng khổ của Tham Sân Si bởi trong ta có sự dính mắc nhiều đời rồi. Như cái nhà nhiều năm đã không lau chùi, bụi bặm quá nhiều. Dĩ nhiên lúc đầu vào căn nhà đó ta phải nhìn thấy bụi và nhìn thấy sự dơ dáy. Vậy thì hãy xắn tay áo lên lau chùi, cứ kiên nhẫn lau chùi từ từ bởi bị bụi bẩn đó nó không phải là cái nhà của ta, nó chỉ là bụi ở bên ngoài bay vào do cửa không khóa. Do đó, chúng ta khóa cửa, lau chùi sạch sẽ bụi bặm sẽ không vào được. Và khi lau chùi sạch sẽ thì căn nhà Chân Tâm, tâm Phật của chúng ta sẽ hiển lộ thật là rõ ràng.

Do vậy, tất cả những cảm xúc kia, để chuyển hóa được nó, Phật dạy cho chúng ta mượn hơi thở đi vào trụ tâm Phật, dưỡng tâm Phật của chúng ta vào trong hơi thở Chánh Niệm đó để nó phát huy chất Từ Bi, chất thiện lành, chất hướng thượng, chất thanh tịnh, thành thật. Và khi chúng ta trụ tâm, lấy tâm của chúng ta đặt ở trên thềm hơi thở Chánh Niệm đó thì sự dơ dáy của cuộc đời, bụi bặm của cuộc đời dần dần được tẩy gội đi. Và rồi cái thuần chất của Phật Tánh được hiển lộ.

Cách nói này là cách nói cho hàng Phật tử tại gia của chúng ta. Còn nếu như các bạn đi học, nghiên cứu về Phật học, về kinh Vi Diệu Pháp để nói về trạng thái tâm được phân tích đặt để thì chuyện đó là của những người nghiên cứu Phật học, chúng ta có thể nghiên cứu sau. Nhưng cách nói của Bảo Thành hôm nay là cách nói của những người Phật tử tại gia trên bước đầu học Phật. Chúng ta bớt đi tất cả những sự suy nghĩ quá mông lung mà nắm gọn trong tầm tay lời khẳng định của Phật ta chỉ có duy nhất một tâm Phật đó là bình ngọc mà thôi. Như vậy, đi vòng quanh chợ đời sáu giác quan của chúng ta sẽ lượm cái gì vào trong bình ngọc đó? Chúng ta sẽ mang vàng bạc, châu báu đặt vào đó nếu chúng ta biết trụ vào hơi thở để định rõ tâm Phật là bình ngọc chỉ chứa vàng bạc ở trong đó mà thôi. Và gạt bỏ đi những tâm rác rưởi mà người đời thường gọi là tâm, nhưng đó là những sự đón nhận của não bộ tiếp xúc qua giác quan tưởng lầm là tâm nên cho mình là như vậy. Do đó trong đời thường có câu nói: “tôi như vậy”. Thực ra chúng ta không như vậy mà đó chỉ là những cảm xúc, để chuyển hóa những cảm xúc đó chúng ta nói gọn lại là chúng ta thường phải trụ vào trong hơi thở Chánh Niệm, đặt tâm của mình trong hơi thở Chánh Niệm, trụ tâm của mình trong hơi thở Chánh Niệm thì từ đó sẽ hiển lộ được Phật Tánh bình ngọc trong suốt, thuần chất từ bi, yêu thương, hướng thượng và thiện lành. Cho nên các bạn cứ thực tập như vậy thì tất cả những cảm xúc mà nó làm cho các bạn mệt, đau khổ, phiền não sẽ giảm dần, và từ từ sẽ không còn nữa. Mà chỉ còn có năng lượng ở trong tâm Phật hiển lộ trong cuộc sống hàng ngày.

Khi chúng ta là Phật tử tại gia, đời sống phải va chạm thật là nhiều, ai ai trong chúng ta cũng thường bởi tâm sân, tâm tham, tâm si mà nổi cáu, nổi quạu, có những cảm xúc vui buồn, bực bội, có những cảm xúc thích và ghét. Luôn luôn có bởi căn nhà dù sạch tới đâu nếu cửa mở toang nó sẽ có bụi. Do vậy chúng ta ngoài vấn đề trụ trong hơi thở Chánh Niệm chúng ta còn phải khóa cửa lại. Tức là chúng ta phải giữ năm giới của nhà Phật để tất cả những cái sự tương tác do các căn của chúng ta với cảnh giới bên ngoài. Như mắt nhìn thấy, ta giữ giới cho nên con mắt ta sẽ được bảo hộ, không nổi lên tâm sân, tâm tham để vơ vét vào. Hoặc khi tai chúng ta nghe, chúng ta nhờ giữ giới mà tai, mắt, miệng, lưỡi, ngôn ngữ, ý và cảm xúc của chúng ta được bảo hộ như căn nhà được đóng kín bụi bặm sẽ không vô.

Cũng như ở Mỹ tất cả các cửa thường được đóng kín, rất khó có bụi đi vô ngoại trừ chúng ta mở ra mở vào nên bụi lọt. Còn ở Việt Nam nhà thường không đóng kín, bụi thường bay vào khi xe ở bên ngoài nó chạy. Y chang như vậy, năm giới là năm cánh cửa được đóng kín và bảo hộ tất cả các giác quan tạo ra những cảm xúc bụi bặm làm cho chúng ta đau khổ, phiền não. Cho nên trụ trong Chánh Niệm hơi thở, thẩm nhập vào cái chất Từ Bi Hỷ Xả, thiện lành, hướng thượng, chân thật, thành kính và chúng ta giữ năm giới thì nhất định tất cả những cảm xúc kia từ từ chúng ta sẽ thanh tẩy, gội rửa và làm chủ được chúng. Như người ôm bình ngọc làm chủ được cái bình ngọc và biết đặt để vào trong cái bình ngọc hột xoàn, kim cương, vàng bạc, châu báu. Chứ không đặt vào trong cái bình ngọc đó thịt cá hôi tanh của mùi đời. 

31:49 Câu 2. Đôi lúc con không còn tinh tấn trong quá trình tu nữa, nhưng lúc đó trong tâm con luôn hướng về Phật, về những Bậc Thầy của mình. Những lúc đó thì con như là dậm chân tại chỗ và không biết mình sẽ đi về đâu. Làm sao để con có thể vượt qua được cảm xúc đó ạ?

Chúng ta khi làm việc, nhất là khi tuổi còn trẻ thường dùng sức thật là nhiều, việc gì cũng dùng thật là nhiều sức. Khi lớn tuổi rồi thì mới hối tiếc tuổi trẻ dùng quá sức nên bây giờ bệnh hoạn. Trong nhà Phật, chữ Chánh Tinh Tấn tức là chúng ta điều độ, tu tập đều, nhẹ nhàng. Đừng có lúc sung quá, chúng ta tu tập quá mạnh, quá nhiều để rồi để khi mệt chúng ta không còn tinh thần nữa dù vẫn nghĩ về Phật, vẫn nghĩ về những Bậc Thầy mình theo học, cái đó gọi là Tà Tinh Tấn. Tà Tinh Tấn là dụng sức quá nhiều, dụng tâm quá nhiều đưa đến sự mệt mỏi, chán nản. Rồi lâu dần khi nó ở cái trạng thái như vậy tồn tại trong tâm, khi đương đầu với những cảm xúc thì trạng thái đó nó đưa ra lấn át, làm cho chúng ta không có khả năng đương đầu với những thử thách, rơi vào tình trạng chúng ta chán nản, bỏ cuộc dù chúng ta vẫn muốn tu học.

Chuyện này không phải chỉ có hàng Phật tử tại gia mà các Bậc xuất gia cũng như vậy. Khi còn trẻ thì thường mang sức mạnh của mình như là di sơn dời hải, dời núi, dời biển, quá tinh tấn. Nói tinh tấn ở trong cái gọi là Tà Tinh Tấn tức là dùng quá nhiều sức, quá nhiều năng lượng để bị hao tổn. Hôm nay thay vì chúng ta tập một tiếng hoặc nửa tiếng anh ta thích thú tập 7 tiếng, 10 tiếng. Được hai, ba ngày đâm ra mệt nhoài không tập được nữa. Cho nên tu không phải là chỉ dồn vào tâm mà chúng ta còn phải lượng sức của mình. Cho nên luôn luôn phải dưỡng sức để cho thân của chúng ta có độ bền, dẻo dai và có sức khỏe song hành với luyện tâm. Trên con đường học Đạo, Phật luôn luôn khuyên chúng ta phải quan tâm tới sức khỏe bởi Phật đã trải qua nhiều năm khổ hạnh và thấy được sự mệt mỏi bởi do khổ hạnh không chăm sóc cho sức khỏe sẽ nguy hại như thế nào và không làm cho tâm thăng tiến trên con đường tầm cầu Đạo Giải Thoát. Do đó sau này Phật đi vào con đường Trung Đạo tức là luôn luôn phải dưỡng sức khỏe của chúng ta đồng thời tu luyện cái tâm. Từ đó, mỗi khi chúng ta tập phương pháp đơn giản của Phật mà đôi khi các bạn coi thường đó là hơi thở.

Các bạn nhớ Chư Phật dạy như vầy, mạng sống của con người của chúng ta ngắn dài chỉ bằng một hơi thở. Cách nói này để cho chúng ta thấy sức khỏe rất quan trọng phải được gắn liền với hơi thở. Khi chúng ta tu tập Chánh Niệm hơi thở đều đặn không phải chỉ trong cái giờ chúng ta đồng tu, tu luyện 15, 20 phút mà trong suốt một ngày. Bởi vì khi chúng ta tập quen rồi thì chúng ta sẽ có Chánh Niệm cùng với hơi thở. Hơi thở thật là đều, vào ra thật là đều. Và khi hơi thở của chúng ta vào ra đều cùng với cái sự Chánh Niệm nhận thức rõ ràng thì sức khỏe của thân sẽ tăng trưởng và sự tu tập của chúng ta sẽ đúng với Chánh Tinh Tấn. Để khi đương đầu với thử thách ta không chán nản.

Khi bạn rơi vào trạng thái đó là bạn đã cố gắng quá nhiều, dụng tâm, dụng sức quá nhiều để vượt qua những thử thách trong cuộc đời bằng cách bám víu vào con đường tu Đạo. Có nghĩa bạn tu là để chuyển hóa thử thách và chướng ngại trong cuộc đời cho nên bạn dồn sức để thay đổi những chuyện xảy ra. Và khi bạn dồn sức quá nhiều mà không thay đổi được những hiện tại đó bạn thấy mệt, đầu hàng và chán nản. Chúng ta không tu để đối phó với đau khổ, chúng ta không tu để đối phó với những chướng ngại trong cuộc đời. Mà chúng ta tu là để đi vào trong sự thanh tịnh của Chánh Niệm. Khi bạn đi vào trong thanh tịnh của Chánh Niệm những chướng ngại trong cuộc đời, những điều không như ý trong cuộc đời sẽ được chuyển hóa. Bởi sống trong Chánh Niệm của hơi thở tăng trưởng được phước báu thiện lành để chuyển hóa tất cả nghiệp ác tạo ra những trường hợp đang xảy ra mà bạn đang tương tác với người thân hoặc người ngoài hoặc môi trường sống trong gia đình.

Do đó để bạn tìm lại được sức sống, trên con đường tu tập không còn chán nản nữa bạn hãy trở về thực tập hơi thở Chánh Niệm đều đặn trong mọi trường hợp của cuộc sống khi tương tác với khách hàng, khi tương tác với người nhà, khi tương tác với bạn bè, khi làm việc hoặc trong bất cứ một môi trường nào. Bạn chú tâm đến hơi thở vào ra thật nhẹ nhàng trong Chánh Niệm đó khi nói, khi ăn, khi ngủ, khi nghỉ, khi diện kiến người này, diện kiến người kia, tất cả sinh hoạt hằng ngày. Tu Chánh Niệm hơi thở không phải là vào chùa ngồi trước tượng Phật mà chúng ta đi vào đời với mọi hình thức tương tác, luôn luôn chú tâm vào sự hít vào thở ra thật là nhẹ. Giữ được sự điềm tĩnh và cứ Chánh Niệm như vậy trong mọi tương tác và sinh hoạt tạo thành một thói quen tốt hòa nhập vào với hơi thở trong sự Tỉnh Thức. Cứ đều đặn như vậy, đừng cố, đừng tu để mà thay đổi cuộc sống mà chúng ta tu để đi vào sự Chánh Niệm. Chánh Niệm đó sẽ thay đổi được tất cả bởi vì nó có công năng diệu dụng tăng trưởng phước báu. Bởi Chánh Niệm là một trong Bát Chánh đạo mà Đức Phật day cho chúng ta, 8 con đường thánh để đưa chúng ta đi từ phàm thành thánh. Nay áp dụng Chánh Niệm vào đời sống là chúng ta đang đi vào cung bậc của một quả vị Thánh. Thì tất cả những điều đang xảy ra trong cuộc đời sẽ được chuyển hóa một cách tự nhiên không gượng ép quá sức như chúng ta tìm tòi đủ mọi phương thức để đuổi, để xô đẩy đi, không cần thiết phải như vậy. Cho nên đừng tu để chống trả lại những ác nghiệp, đừng tu để mà thay đổi những hiện tượng trong cuộc đời. Tu là đi vào con đường thánh, khi chúng ta đi vào Chánh Niệm, một trong 8 con đường đi đến chứng quả vị Thánh thì những con đường của cuộc đời kia sẽ xa dần các bạn và các bạn sẽ có được hạnh phúc và bình an.

Cho nên trả lời câu hỏi là khi bạn đã lâm vào cái cảnh đó rồi thì phải minh sát rằng khi chúng ta tu Chánh Niệm hơi thở không phải chỉ trong 5 phút, 10 phút, 30 phút đồng tu. Mà trong suốt một ngày chúng ta tập thói quen hít vào thở ra với Tánh Biết. Khi bạn chửi mình, hít vào thở ra biết bạn đang chửi, dừng ở đó. Khi người ta khen mình, hít vào thở ra có Tánh Biết, biết người ta đang khen. Thực tập Tánh Biết trong tương tác, với sự đồng hành hơi thở vào ra đó, nó sẽ tạo nên một năng lượng của Chánh Định giúp cho bạn an định trong cuộc đời và tăng trưởng phước báu đúng theo con đường Đức Phật đã dạy của Bát Chánh đạo. Và như thế tất cả sự mệt mỏi, tất cả những sự chán nản sẽ dần dần được đẩy lùi và các bạn sẽ thấy thảnh thơi, nhẹ nhàng, thong dong và hưng phấn trong cuộc sống, có tràn đầy năng lượng để làm việc. Nhất là các bạn trẻ, Bảo Thành khuyên đừng cố gắng quá sức, đừng coi Phật Pháp, đừng coi giáo lý của Phật như một bửu bối để vùi đầu nhào vô như con trâu húc cho thật mạnh để đánh đổ tất cả những gì mình không ưa thích hoặc trái ý với chúng ta. Mà nhớ rằng giáo lý của Phật là một chân lý thật nhẹ nhàng. Chỉ cần đi vào đó thôi, cứ từ từ mà đi, đi cho vững, đi cho đều, đi cho nhẹ nhàng từng bước chân thì sự an lạc sẽ hiện diện trong cuộc đời.  

41:18 Câu 3. Con đã thỉnh được Mẹ Quan Âm về thờ tại gia và thường xuyên ngày ngày con vẫn tụng niệm Chú Đại Bi. Nhưng có những hôm con bận hoặc là có những lúc con không thể niệm Thần Chú Đại Bi được thì việc đó có ảnh hưởng gì đến việc tu tập của con không và ảnh hưởng gì đến việc con thỉnh Mẹ về tại gia không ạ?

Khi chúng ta thỉnh một tôn tượng, một di ảnh của Chư Phật, Chư Bồ Tát về nhà để thờ thì qua cái tôn tượng hoặc di ảnh của Bồ Tát hay của Phật đó chúng ta nhớ về những hạnh nguyện. Nếu là Đức Phật khi chiêm bái tượng Phật ta nhớ về lời dạy của Đức Phật. Nếu là tượng Bồ Tát ta nhớ về công hạnh của Bồ Tát. Bạn thỉnh tượng Mẹ Quan Thế Âm về thờ, mỗi khi bạn nhìn lên tôn tượng của Ngài Quan Âm ta nhớ đến tâm Đại Từ Đại Bi của Ngài. Và như bạn nói bạn thường tụng Chú Đại Bi nhưng có những lúc bận rộn hoặc vì một lý do nào không thể tụng Chú Đại Bi, như vậy có phải là không phù hợp với con đường tu hoặc là có chuyện gì xảy ra hay không?

Khi chúng ta tụng Chú Đại Bi, chúng ta nhớ rằng Chú Đại Bi thì công hạnh, lời nguyện cũng như sự hành đạo của Ngài Quan Âm là Từ Bi, là ban vui cứu khổ. Khi tụng Chú Đại Bi, khi niệm Chú Đại Bi, khi trì Chú Đại Bi, dùng từ nào cũng vậy là chúng ta hiểu được Đức Quán Thế Âm mang sự ban vui cứu khổ để giúp đỡ cho chúng sanh, để hóa độ chúng sanh. Do đó, khi các bạn tụng trì Chú Đại Bi không phải là chúng ta tụng Đại Bi lại cho Mẹ Quan Âm nghe. Mà dưới sự chứng minh của Mẹ Quan Âm qua tôn tượng ta tôn thờ chúng ta mang lời dạy của Mẹ Quan Âm dạy rằng là Đại Bi. Nguyên Chú Đại Bi này dài lắm nhưng nó bao gồm chỉ có hai chữ là Đại Bi bởi vì Chú Đại Bi chỉ có hai chữ Đại Bi. Đại Bi tức là cái tâm cứu khổ lớn nhưng cũng lồng vào đó Mẹ Quan Âm là Mẹ Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát. Cho nên trong Chú Đại Bi phải có chữ Từ. Mẹ Quan Âm là Đại Từ Đại Bi, như vậy để thể hiện tâm Từ khi tụng Chú Đại Bi chúng ta phải biết cứu khổ chúng sanh, chúng sanh đó phải chính là ta.

Cho nên không phải khi bạn bận rộn không tụng được Đại Bi sự tu của mình bị gián đoạn mà phải nhớ ta tụng Đại Bi là nhắc nhở mình phải mang những cái hành động tốt đẹp để cứu bản thân cho mình bớt khổ, cho hết khổ và cứu giúp những người khác bớt khổ, hết khổ. Do vậy khi tụng Chú Đại Bi không cần thiết là bạn phải tụng liên tục ngày này qua ngày kia nhưng bạn phải làm sao sử dụng được cái ý nghĩa đó trong cuộc đời. Khi tụng Chú Đại Bi bạn phải nhìn rõ coi bạn có khổ không trong lúc này và cái khổ của bạn nó tới từ cái chỗ nào. Bạn có thể tư duy suy nghĩ, nương vào công hạnh Đại Từ Đại Bi của Ngài Quán Âm để mang tâm Từ, tâm yêu thương yêu thương chính mình để cho những nổi khổ của chúng ta được chuyển hóa, đó gọi là Bi. Tức là ta cứu những nổi khổ, ta chuyển hóa những cái khổ của ta bằng tâm yêu thương. Do đó các bạn phải biết yêu thương mình, yêu thương mình thì không làm những điều tạo cho chúng ta khổ nữa, đó mới là ý nghĩa. Phật dạy thật là rõ, những điều tạo cho ta khổ là Tham Sân Si. Do vậy, khi bạn khổ bạn liền hiểu rằng ta có chút tham, chút sân. Khổ nhiều tham nhiều, sân nhiều, si nhiều.

Để cứu được cái khổ do Tham Sân Si đó bạn phải thể hiện được tâm Từ, tâm yêu thương, tâm yêu thương với mình, tâm yêu thương với mọi người xung quanh trong cuộc sống. Mà cách hành động thể hiện sự yêu thương đó thường chúng ta thật dễ có thể làm được tùy theo khả năng của mình là vấn đề bố thí giúp người, phóng sanh giúp tất cả mọi chúng sanh đang bị lâm vào cái tình trạng nguy hại đến sinh mạng, làm từ thiện, cúng dường, giúp đỡ dưới mọi hình thức, phương tiện bạn có thể làm. Đó là hiểu đúng ý nghĩa của Chú Đại Bi tức là tâm cứu giúp mọi người thật là lớn, sẵn sáng dấn thân giúp đời dưới mọi hình thức phù hợp với khả năng trong cái tình yêu thương muôn loài và yêu thương chính bản thân của mình. Khi các bạn làm được điều đó tức có nghĩa các bạn đã tụng Chú Đại Bi, các bạn đã trì Chú Đại Bi. Còn các bạn trì Chú Đại Bi một ngày 1 biến, một ngày 10 biến, 1 tiếng, 2 tiếng mà các bạn lại không thể làm được những cái chuyện thương người, từ thiện giúp đời, phóng sanh, trợ giúp cho những mảnh đời bất hạnh để xoa dịu nỗi khổ của người khác, mang tâm yêu thương san sẻ với mọi người và chăm sóc cho tự thân thì dù bạn có tụng 100 biến Đại Bi cũng không có công hiệu, cả đời đời kiếp kiếp tụng liên tục cũng không có công hiệu.

Còn nếu các bạn chỉ nhìn qua Chú Đại Bi một lần mà có thể thực hành được lòng từ thiện, san sẻ yêu thương, biết cúng dường, biết phóng sanh, biết giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, biết thương mình và thương muôn loài thì đó chính là Chú Đại Bi đã được trì tụng bằng những suy nghĩ, ngôn ngữ và nghĩa cử phù hợp với ý nghĩa mà Mẹ Quán Thế Âm đã dạy.

Cho nên trả lời câu hỏi, nếu như bạn không tụng một ngày, hai ngày vì bận rộn thì điều đó cũng không sao. Cái quan trọng là phải hiểu được ý nghĩa để khi chúng ta sống ở đời chúng ta biết tạo cơ hội để chuyển hóa nỗi đau của chính mình và niềm đau của mọi người. Và chúng ta luôn luôn cố gắng thực tập lan tỏa tâm Từ tức là yêu thương và tâm Bi là cứu giúp mọi người đặc biệt những người đang khổ. Những ngày cuối năm nay chúng ta hãy nhớ tới những mảnh đời bất hạnh, sống khổ, gặp những cảnh éo le, nghặt nghèo, chúng ta có thể tới thăm các cụ già neo đơn, những em mồ côi, những người liệt giường, những người bệnh hoạn mà chúng ta biết được. Với những nghĩa cử như vậy chính là chúng ta tụng Đại Bi và tăng trưởng được phước báu thật nhiều bởi ai biết an ủi người bệnh hoạn thì mình sẽ được ủi an trong cuộc đời của mình. Hãy làm điều đó tốt hơn và nhớ không tụng Đại Bi vì bận rộn không có gì gọi là gián đoạn trong công phu tu. Nhưng nếu chúng ta không thể thực hành được ý nghĩa của Chú Đại Bi là giúp đời, là mang tâm yêu thương để giúp đời, mang tâm yêu thương để chuyển hóa khổ đau của chính mình trong những lỗi lầm mình tạo ra và san sẻ với những người đang khổ đau trong cuộc đời thì các bạn đã không trì Chú Đại Bi rồi. Còn nếu làm được điều đó thì không nhất thiết phải tụng Đại Bi mới gọi là tu. Tu là bằng hành động cụ thể, bằng những tư tưởng luôn thương yêu mọi người bằng những ái ngữ, ngôn từ chia sẻ, giúp đỡ mọi người và bằng những nghĩa cử hành vi tốt đẹp, san sẻ với mọi người. Khi bạn làm đúng như vậy tức là Chú Đại Bi đã được tụng trong tư tưởng, lời nói, nghĩa cử và hành vi tương tác hàng ngày. Không cần thiết phải ngồi ngay Chánh Điện nhìn Mẹ Quan Âm một tiếng tụng 7, 8 biến, 20 biến Chú Đại Bi.          

51:39 Câu 4. Khi con phạm lỗi thì ngay sau đó con nhận ra và sửa lỗi nhưng đó là những lỗi nhỏ con kịp thời sửa chữa. Nhưng có những lỗi con chưa sửa được mà cảm thấy buồn vì nó thì con phải chuyển hóa như thế nào được ạ?  

Ở trong đời ai cũng có lỗi, Bảo Thành cũng có lỗi, lỗi to, lỗi nhỏ, tùy theo. Cái tốt đẹp mà bạn vừa nói là bạn có những lỗi bạn nhận ra được nhưng bạn chưa sửa kịp. Do đó khi nhìn những lỗi lầm đó bạn cảm thấy buồn tức là hổ thẹn. Tâm hổ thẹn khi nhìn ra sự sai trái và lầm lỗi là cái tâm tốt rồi tức là mình đã có cái chiều hướng thẩm nhập vào chân lý của Phật. Đó là sự nhận thức, nhận thức ra lỗi và cảm thấy hổ thẹn đó là sự nhận thức rất tốt. Đầu tiên ta phải nhận thức ra được ta có lỗi dù ta chưa sửa được, Phật dạy đó là biết lỗi. Tánh Biết rất quan trọng, nhiều khi chúng ta cứ tưởng lầm rằng Tánh Biết là phải biết chuyện tốt, thấy sai là phải chuyển tốt ngay. Chưa, đầu tiên là sai biết sai, đúng biết đúng. Khi chúng ta phát triển được sự nhận thức biết đúng và biết sai thì nó giúp cho chúng ta có khả năng phán đoán, nhận xét thật là nhanh để rồi tạo ra những tạo tác có Chánh Kiến tức là có sự nhận thức theo Nhân Quả.

Đối với những lỗi lầm bạn đã tạo ra dù rất là nhỏ như kinh Pháp Cú nói dù những lỗi thật là nhỏ, nhỏ như hạt bụi các bạn cũng không bao giờ làm. Bởi dù nó nhỏ như hạt bụi các bạn cứ làm những lỗi lầm đó lặp đi lặp lại thì nó tạo ra những nghiệp quả lớn vô cùng. Kinh Pháp Cú dạy những lỗi lầm, sai trái, pháp bất thiện nhỏ như hạt bụi cũng không được làm. Nhưng nếu các bạn đã làm rồi nay các bạn nhận thức ra và biết rằng ta đã sai dù rất nhỏ, sửa chưa được không sao, ít nhất là có sự nhận thức. Khi nhận thức nó đã sai bạn hổ thẹn là điều rất tốt. Rất nguy hiểm khi những việc lỗi thật là nhỏ ta nhận ra mà không biết hổ thẹn, không biết hổ thẹn thì không đưa đến sự sám hối do đó ta lại tiếp tục phạm lỗi nữa mà thôi.

Bạn nói bạn cảm thấy buồn tức là có sự hổ thẹn với lỗi lầm đó, điều này được khích lệ, rất tốt. Khi đã biết mình lầm lỗi cảm thấy buồn, cảm thấy hổ thẹn bước kế tiếp là bạn sám hối thành tâm. Dù chưa sửa được nhưng sám hối cho những lỗi lầm đã tạo ra. Tất cả những lỗi lầm của bạn đã tạo ra bạn không thể sửa bởi vì đã tạo ra rồi. Nay bạn sám hối lỗi lầm đó và phát nguyện ngừng ngay không bao giờ tái lập lầm lỗi đó nữa đó là sự nhận thức thứ hai. Biết nhận thức mình đã sai, thứ hai sám hối, thứ ba ngưng. Thứ tư là chúng ta phát tâm làm một việc tương ưng tốt đẹp cho lỗi lầm chúng ta tạo ra.

Ví dụ lỗi lầm đó là chúng ta đã cãi nhau với một người nào đó, dù rất nhỏ chỉ cãi nhau thôi bằng tâm sân nay nhận ra lỗi lầm đó tuy nó xong rồi, không sửa được nó nữa nhưng ta nhận thức rằng nó đã sai, ta cảm thấy hối hận và sám hối, phát nguyện sẽ không bao giờ lặp lại điều đó nữa. Rồi chúng ta lập một hành vi tương ưng tức là ta đã cãi nhau nay ta không cãi nữa mà luôn mang ngôn ngữ yêu thương, từ ái đối xử với người đó nếu gặp còn không thì cũng đối xử như vậy đối với những ai ta gặp. Thì đó là hành vi ta có thể làm để làm sao để chuyển hóa nghiệp ta đã lầm lỗi cãi nhau bằng tâm sân thì nay ta không cãi bằng tâm sân nữa mà ta tương tác bằng ngôn ngữ Từ Bi, bằng tâm Từ Bi. Thì như vậy chúng ta đã tăng trưởng được phước báu để chuyển hóa  nghiệp lực do khẩu nghiệp ta cãi nhau với người ta, ta tạo được một nghiệp tương ưng là thiện nghiệp do nói ái ngữ, do tương tác phù hợp, do tôn trọng lẫn nhau, kính trọng lẫn nhau tạo được thiện nghiệp do cách ứng dụng ngôn ngữ này để thiện nghiệp này nó chuyển hóa khẩu nghiệp trong tương tác mà ta đã chửi với người kia.

Cho nên khi bạn đã nhận ra lỗi lầm, chúng ta nhận biết, khi chúng ta cảm thấy xấu hổ hãy sám hối và tạo ra một việc tương ưng như vậy nhưng ngược lại. Cãi nhau thì ta không cãi nữa dù gặp người đó ta sẽ không cãi với họ mà ta nói những người tốt đẹp sách tấn mọi người sống tốt với nhau, yêu thương với nhau. Hoặc không thể gặp người đó nữa thì ta gặp bất cứ ai trong cuộc đời, trong cuộc sống chúng ta luôn luôn tương tác bằng ái ngữ, ngôn ngữ thiện lành thì chúng ta sẽ tăng trưởng thiện nghiệp trong ngôn ngữ thiện lành này để chuyển hóa ngôn ngữ bất thiện ta đã ứng dụng vào với người kia.

58:14 Câu 5. Khi làm thiện nguyện mà người khác không đón nhận hoan hỷ, không đúng tâm ý của người ta thì mình không nhận được phước báu đúng không ạ?

Khi chúng ta làm từ thiện, chúng ta làm việc thiện bằng tâm gì? Đây lại phải dùng chữ “tâm” tức là với cái cảm xúc gì bởi tâm Phật là tâm Từ Bi, chúng ta làm từ thiện là làm với tâm Phật, tâm Từ Bi hay bằng những Tham Sân Si của cuộc đời. Dĩ nhiên khi bạn đã phát tâm tức là mình muốn thực hiện điều đó để cứu đời, để giúp đời bằng lòng Từ Bi, bằng lòng yêu thương. Lòng Từ Bi, yêu thương đó bạn kiểm tra lại coi hành vi gọi là từ thiện đó đối với đối tượng này có bằng lòng yêu thương, san sẻ và bằng lòng giúp đỡ họ, chuyển hóa khổ đau của họ hay không. Nếu bằng lòng Từ Bi, yêu thương, san sẻ đó thì dù đối tượng kia có bằng lòng nhận với lòng tốt hay với ác ý sân giận hay không bạn vẫn luôn luôn đón nhận được phước báu. Ngoại trừ như người kia như bạn nói không có bằng lòng, có những biểu hiện không ưng ý thì người ta không được phước mà thôi. Người ta nhận được vật chất mà bạn giúp đỡ họ nhưng không nhận được phước báu trong cái phẩm hạnh đón nhận tương ưng với điều gì bạn đối xử với họ. Nhưng ngược lại bạn vẫn có phước báu. Nếu bạn vì họ không nhận một cách rõ ràng, không hài lòng, không tri ân, không cám ơn bạn mà bạn sân lên thì bạn không có phước báu. Dù bạn đã trao tặng cho họ những hiện vật hoặc hiện kim nhưng vì cảm giác của bạn, cảm xúc của bạn nhận ra rằng hoặc nghĩ rằng họ không có biết tri ân, không có đón nhận bạn bực mình, khó chịu, nói: “Trời ơi, tôi làm việc thiện mà thái độ như vậy”. Khi bạn nghĩ như vậy bạn không có phước báu.

Cho nên, khi chúng ta đi làm từ thiện, ở Phật tử tại gia chúng ta chưa nói đến vấn đề mà cúng dường Ba La Mật tức là không thấy người cho, không thấy được cái người nhận rồi không thấy được vật cho. Cách đó là của những Bậc cao rồi. Còn chúng ta là người Phật tử bình thường thì khi đi làm từ thiện phải nhận thức ra rõ ràng ta làm bằng lòng Từ Bi, yêu thương và san sẻ, giúp đỡ mọi người. Và cứ mang tâm thái như vậy ứng dụng vào công việc từ thiện. Còn đối tượng nhận giúp đỡ của chúng ta, họ nhận bằng lòng như thế nào, bằng cảm xúc như thế nào, có tương ưng hay không tương ưng cũng không sao. Nếu tương ưng thì họ tăng trưởng phước báu, họ không tương ưng thì họ chỉ nhận được vật chất mà thôi, phước báu thật nhỏ, không nhiều.

Cho nên trả lời câu hỏi nếu bạn làm từ thiện khẳng định rằng mình làm bằng lòng yêu thương, san sẻ với muôn người, bằng lòng Từ Bi như tinh thần của Mẹ Quan Âm thì đối tượng kia có nhận bằng cái tâm nào đi nữa, cảm xúc nào đi nữa, lòng nào đi nữa thì bạn cũng luôn luôn có phước báu. 

1:02:06 Câu 6. Dạ thưa Thầy khi thấy nhiều người khổ mà mình không có khả năng giúp vậy mình phải làm sao cho nhẹ lòng?

Ở trên đời thật là nhiều người khổ. Khi chúng ta giúp đỡ người khổ mà chúng ta thấy họ khổ không thể giúp đỡ mà ta khổ nữa thì không đúng. Giúp đỡ một con người đau khổ nếu họ khổ vì cái gì? Họ khổ bởi vì bệnh hoạn, họ không có tiền đi nhà thương ta lại không có tiền để giúp đỡ họ nhưng ta thấy được người đó bị bệnh cần đi nhà thương, không có tiền ta thấy buồn, ta không biết phải làm gì? Có một phương pháp giúp đỡ mà Chư Phật gọi là hồi hướng. Sự hồi hướng tức là chúng ta mang cái công hạnh tu tập của mình bằng lòng Từ Bi yêu thương, năng lượng yêu thương. Năng lượng yêu thương của chúng ta có sức mạnh bởi vì chúng ta trụ vào trong Chánh Niệm, giữ giới, hành đúng lời Phật dạy thì lòng Từ Bi, năng lượng Từ Bi của chúng ta có sức mạnh hồi hướng để an ủi người bệnh hoạn. Nếu bạn có thời gian nữa bạn có thể tới thăm viếng họ, an ủi họ, chia sẻ bằng tình yêu thương, kề cận với họ đó cũng là một sự giúp đỡ cao quý. Không hẳn bạn phải mang tiền tới cho họ đi nhà thương. Cho nên đừng có nghĩ rằng khi giúp đỡ một con người khổ là chúng ta phải mang một cái gì đó cho mà khi ta không có ta sẽ thấy buồn. Ta có được một cái cao quý nhất đó chính là tình yêu thương. Hãy mang tình yêu thương chân thật của mình, hãy mang năng lượng yêu thương của mình an ủi và chia sẻ tới với tất cả những người đang đau khổ. Nếu có cơ hội gặp ta mang tình yêu thương để san sẻ với họ, nếu không có cơ hội gặp ta có thể hướng tới những người đau khổ đó bằng năng lượng yêu thương thì như vậy đã là một pháp cúng dường cao cả rồi.

Nói đến trường hợp như bạn vừa hỏi là bạn thấy họ khổ nhưng không giúp được thì chúng ta có thể giúp được bằng cách như vừa nói tức là hồi hướng tình thương của chúng ta hoặc tiếp cận, an ủi, chia sẻ. Nếu không tiếp cận được với họ thì chúng ta có thể hồi hướng trong sự tu tập với đức hạnh của mình. Đối với những lời Phật dạy ứng dụng cho phù hợp mỗi một ngày để chúng ta tăng trưởng phước báu từ đó hồi hướng cho người ta bằng tình thương thì điều đó là điều rất tốt ta có thể làm được ở mọi nơi, mọi lúc, mọi thời gian.

1:05:43 Câu 7. Từ khi con đồng tu với Thầy được nghe Thầy giảng dạy thì con hiểu sâu về Nhân Quả. Bây giờ con lại suy nghĩ đến cha mẹ và mong muốn cho cha mẹ mình cũng hiểu được Nhân Quả vì cha mẹ của con và người thân của con chưa được biết đến Nhân Quả của nhà Phật. Thì con xin Thầy khai thị giúp cho con cách thức để con dẫn dắt cho những người thân của con hiểu về Nhân Quả của nhà Phật ạ?    

Thời xưa khi người ta gặp Thế Tôn tức là Đức Phật dù Ngài chưa nói, chưa dạy một lời thì người ta cũng nhận ra được đây là một Bậc Thánh bởi đời sống của Đức Phật tỏa ra năng lượng Từ Bi và yêu thương. Khi chúng ta tu hiểu thấu về Nhân Quả, chúng ta thực hành được và cùng đồng tu với nhau thấy nó mang lại lợi lạc cho cuộc sống. Chúng ta muốn làm sao đó người thân của chúng ta cũng bắt đầu bước vào con đường tu học như vậy để lợi lạc cho những người yêu thương. Điều mà các bạn có thể làm là hãy bắt chước Đức Phật, noi gương Ngài tức là hãy sống đức hạnh, hãy sống hạnh phúc, sống bình an, sống tốt và sống đừng tạo nghiệp, sống yêu thương, sống san sẻ, sống biết quý trọng và tử tế, hiếu đạo với cha mẹ.

Đây là bạn đang nói về cha mẹ thì bạn phải sống hiếu đạo, tử tế, sống và đối xử với tinh thần của người làm con, đạo làm con. Bạn chỉ cần làm như vậy thì  gương của đời sống của bạn cha mẹ sẽ nhận ra, sẽ từ từ hiểu thấu và sẽ noi gương của bạn. Sẽ nghĩ: “À, đứa con của mình sao nó có hiếu quá, đứa con của mình sao nó tốt, đứa con của mình sao nó sống đức độ, hiền lương, đối xử tốt với vợ, đối xử tốt với cháu của mình”. Cha mẹ họ lại còn nhận ra mình là những đứa con biết đối xử với thân bằng quyến thuộc, cộng đồng xã hội tốt và làm việc tốt, hiền lương như vậy. Cha mẹ sẽ nhìn vào chính đời sống của mình và nhận ra: “Ủa, từ hồi nó học cái gì không biết mà sao nó tốt quá”. Cha mẹ sẽ noi theo và dần dần cũng sẽ hỏi mình mà thôi. Là cha mẹ thì luôn luôn tinh tế, khi chúng ta sống với hiếu đạo rồi, tốt đẹp rồi, xây dựng hạnh phúc cho gia đình, thương yêu vợ con, làm ăn đàng hoàng, sống đúng, có đạo đức, có hiếu đạo với cha mẹ thì cha mẹ sẽ nhận biết ra mình đang học  gì mà mình tốt như thế. Cha mẹ sẽ từ từ tìm hiểu và rồi sẽ đi tu học những điều gì mình đã học khi có điều kiện phù hợp.

Không nhất thiết là chúng ta phải tìm một phương pháp nào đó để cho cha mẹ học như ta. Mà chúng ta chỉ cần sống đúng với tinh thần Nhân Quả, giữ lòng tử tế, hiếu đạo với cha mẹ thì cha mẹ sẽ nhận ra và sẽ cố gắng học những điều gì ta đang học bởi thấy được sự lợi lạc đó đã có nơi con cái thì cha mẹ cũng sẽ học mà thôi. Nhưng chúng ta là phận làm con rất khó để nói với cha mẹ về những chuyện rằng cha mẹ nên học cái này, nên học cái kia. Không cần thiết, chỉ cần cứ sống cho đúng, sống cho đúng với đạo hiếu, sống cho đúng với Nhân Quả, sống mẫu mực, sống gương mẫu cha mẹ sẽ nhìn ra và rồi cha mẹ sẽ hỏi han chúng ta và rồi sẽ có nhân duyên. Chúng ta tu như vậy và hồi hướng cho cha mẹ thì khi cha mẹ hội tụ được đủ nhân duyên sẽ gặp được những Bậc Thiện Tri Thức đúng giờ, đúng khắc để cho cha mẹ đi vào con đường tu Nhân Quả như chúng ta.

1:10:30 Câu 8. Sao con lúc nào cũng thấy nóng giận với bất kỳ ai. Ai không vừa ý thì con sẽ nóng lên và sẵn sàng chửi bất chấp, con không kềm lại được. Tâm con lúc nào cũng mê muội, khi nghe kinh con cũng không nghe lọt vô được chữ nào?

Khi chúng ta để cho cái nóng giận, cái sân nó chiếm ngự, nó làm chủ rồi. Chúng ta nhớ cái sân nó rất là nguy hại, nó là gen di truyền, là năng lượng được mang từ đời này qua đời kia. Bởi vô minh không nhận thức được nên ta cứ ôm ấp nó hoài như mang lửa ở trong lòng. Lửa sân đó nó bốc cháy phừng phực lên rồi và nó tương tác chúng ta càng sân dễ dàng hơn bởi vốn có, ai cũng có nhiều ít thì tùy. Riêng đối với bạn là bạn vừa hỏi là bạn dễ sân, dễ nóng. Tất cả những tánh sân và nóng đó nó tới từ tự tôn mình hơi cao, đặt mình hơi cao, đặt mình là trung điểm của đời sống, trung tâm của vũ trụ. Nói đúng hơn ta có tánh hơi tự cao, hơi nâng mình lên quá đối với những người khác. Cho nên khi tương tác ta thường bị rơi vào chỗ không được như ý, cảm thấy mất tôn trọng nên mình dễ nóng nảy, khó chịu.

Đức Phật dạy chúng ta phải khiêm tốn và phải kiên nhẫn, có hạnh kham nhẫn. Khiêm tốn là phẩm chất cao quý. Để khiêm tốn chúng ta phải luôn luôn quán tưởng như vầy, ví dụ hồi xưa trong kinh Diệu Pháp có nói có một vị Bồ Tát Thường Bất Khinh trong phẩm Bồ Tát Thường Bất Khinh. Vị này gặp ai cũng nói tôi không dám khinh thường các Ngài bởi các Ngài đều là Phật sẽ thành. Gặp ai cũng nói như vậy và người ta cho rằng ông ta là người điên, người khùng. Nhưng thực ra ý nghĩa trong phẩm Bồ Tát Thường Bất Khinh là gì? Là để chuyển hóa tánh tự cao, để chuyển hóa những điều bất như ý, để chuyển hóa những điều nghịch ý làm cho chúng ta sân, khó chịu.

Chúng ta thứ nhất đã được nhắc nhở phải chú trọng đến Chánh Niệm hơi thở để giữ cho hơi vào ra đầy đủ Oxy. Khi Oxy vào ra đầy đủ, hơi thở đều đặn nó giúp cho bình tĩnh về trạng thái của thân. Thân có được sự bình tĩnh bởi hơi thở đầy đủ đồng thời tâm của chúng ta luôn quán tưởng đối tượng chúng ta đang nói chuyện. Nếu đối tượng đó bạn tương tác, bạn dễ nóng tính thì phải theo như  phẩm hạnh của Bồ Tát Thường Bất Khinh có nghĩa luôn luôn quán tưởng con người ta đang tương tác này là vị Phật tương lai. Không ai gặp Phật mà nổi nóng với Phật hết, đây là cách thiền quán cao siêu.

Khi đối nhân xử thế ở đời với người, với vật luôn luôn quán tưởng con người đó, chúng sanh đó, người bạn đó, đối tượng đó là Phật trong tương lai. Từ đó tâm cống cao ngã mạn của chúng ta sẽ giảm xuống và sẽ tăng trưởng đức hạnh khiêm cung, khiêm tốn. Cho nên từ đó khi ta tương tác với một vị Phật tương lai như vậy tánh nóng của chúng ta sẽ bớt đi thật là nhiều. Nhưng nhớ, chủ chốt vẫn là hơi thở. Theo như khoa học giải thích ở dưới rốn của chúng ta một đốt ngón tay, ngay chỗ đó nó có một vùng mà luôn luôn sản xuất một hóc môn mà từ đó sản xuất ra một chất hóa học. Khi mà mình bất như ý, mình khó chịu thôi chưa sân thì ở đó nó sẽ thải ra một chất hóa học nó làm cho cơ thể mình nóng, khó chịu, bực bội và nó đẩy lên trên rốn rồi tràn vào phổi, thở không ra, khó chịu, nó làm tắt nghẽn cho nên mình dễ sân. Đây là khoa học chứng minh, điều đó có, bạn có thể vô Google để tìm hiểu chất làm cho mình dễ sân, chất hóa học ở trong cơ thể của con người đó, hóc môn ở ngay dưới rốn nó phát ra khi chúng ta khó chịu.

Cho nên để giảm bớt sự khó chịu để nó kích hoạt chất hóa học đó nó làm cho mình sân thì chúng ta cố gắng hít thở cho đều. Nhớ, hít thở rất là hay, Phật đã dạy chúng ta cứ tập hít thở đều đặn chú ý vô hơi thở trong tương tác thì sự khó chịu bởi những điều bất như ý, những điều không như ý hoặc là oan gia trái chủ hoặc là những điều không như ta mong muốn, cầu cạnh. Sự khó chịu đó nó sẽ giảm tuyệt đối bởi hơi thở vào ra nó như máy điều hòa, nó giúp cơ thể của chúng ta điều hòa được năng lượng của cơ thể và không làm cho chúng ta khó chịu để kích hoạt chất hóa học làm cho ta sân.

Cho nên lần sau khi bạn cảm thấy nóng khi giao tiếp với mọi người bạn chú tâm hít vào thật sâu đưa xuống dưới bụng, phình bụng ra giữ ở đó 3 giây rồi thở ra nhẹ nhàng đồng thời quán tưởng đối tượng đó là Phật trong tương lai. Tâm quán tưởng người đó là Phật, thân trụ trong hơi thở vào ra đều đặn để không có làm cho mình khó chịu, kích hoạt chất hóa học làm cho mình sân giận. Bạn hãy thực nghiệm, tu học là thực nghiệm, ai cũng có lầm lỗi, ai cũng có nóng giận, ai cũng có sân hết. Nhưng bạn đã biết bạn như vậy đó là điều khích lệ, rất tốt, tán thán cái sự bạn đã nhận biết được rằng mình có tánh nóng. Mình có tánh nóng, mình dám nhận điều đó đây là điều cao quý mà mỗi người chúng ta cần phải học nơi bạn.

Lần sau khi có cảm xúc như vậy bạn chú trọng vào hơi thở và bây giờ bạn hãy tập quán đi. Tất cả những người xung quanh chúng ta đều là những vị Phật tương lai để khi tương tác với họ ta tương tác với vị Phật tương lai để tâm của chúng ta biết khiêm tốn. Và với hơi thở để giúp cho chúng ta điều hòa khí huyết, năng lượng cơ thể để làm chủ được cảm xúc không gây sự khó chịu tạo ra sự kích hoạt của chất hóa học dưới rốn làm cho chúng ta sân giận có thể đưa tới những hành vi, những lời nói, suy nghĩ không phù hợp, tạo nghiệp.

1:19:22 Câu 9. Một số người quan niệm rằng chỉ cần sống tốt mà không cần đến chùa, như vậy có đúng không ạ?

Hồi xưa Phật đâu có chùa, những thuở đầu Ngài đi cứ ban ngày ở một gốc cây. Thời đó không có chùa, như vậy Phật tử thời đó họ tới chùa hay họ làm gì? Thời đó Đức Phật dạy xong Người nói với các Phật tử rằng những điều ta đã khai thị hãy đi về và ứng dụng, thực tập cho nó tốt, sống cho nó tốt.

Trả lời câu hỏi: không nhất thiết phải tới chùa. Sau này Phật có chùa do ông Cấp Cô Độc và Thái Tử Kỳ Đà cúng dường ở miền Nam tạo ra cái chùa đầu tiên gọi là Tịnh xá Kỳ Viên tức là chùa Kỳ Viên đầu tiên. Tại sao tạo nên chùa? Tạo nên chùa là tạo thành trung tâm để cho Phật tử có cơ hội tới chùa tiếp xúc với quý Tăng Ni để chúng ta được hướng dẫn cho những thời khóa tu, tụng niệm kinh điển, sám hối. Tất cả những hình thức sinh hoạt tôn giáo trong Phật giáo ở nơi chùa đều là những nghi thức tốt đẹp giúp cho chúng ta từ bỏ những  tâm bất thiện, hướng tới những điều thiện lành, thực hiện đúng giáo lý của nhà Phật. Tiếp xúc được với những Bậc Thiện Tri Thức học hỏi nghiên cứu kinh điển, hiểu biết thông thái khi được khai thị. Cho nên khi chúng ta nếu ở gần chùa có cơ hội tới chùa là điều tốt.

Còn đối với một số người quan niệm họ khư khư khẳng định rằng không cần tới chùa, ở nhà sống tốt là được rồi thì điều đó đúng nhưng vẫn còn có tiêu cực. Nếu chúng ta có thể nói như vầy: “Tôi không có cơ hội tới chùa nhiều hoặc tôi không có thời gian tới chùa nhưng ở nhà chúng tôi sống tốt đúng như lời Phật dạy là đủ”. Câu nói này chấp nhận được bởi vì người đó không có cơ hội tới chùa và không có thời gian tới chùa nhưng ở nhà có thể qua phương tiện của máy móc, băng dĩa, qua những lời giảng ở trên phone chúng ta học được, chúng ta thực hiện và sống tốt thì cách nói này nó phù hợp. Còn nếu như cách nói rằng tôi không cần phải tới chùa, ở nhà sống tốt thôi là được rồi thì cũng được nhưng mà chưa hoàn thiện cho lắm.

Lời của Đức Phật dạy không phải chỉ học ở trong chùa không mà thôi bởi phương tiện ngày nay thì lời của Phật dạy thì chúng ta còn có thể học được ở trên phone. Như bây giờ Bảo Thành đang nói chuyện các bạn đang nghe ở trên phone, đâu phải ở chùa nhưng bởi vì Bảo Thành đang ngồi ở chùa nên qua màn hình các bạn có thể nhìn thấy tôn tượng của Phật. Đôi khi vào những  mùa ấm Bảo Thành cũng thích ngồi ở ngoài sân có cỏ và cây. Mùa này là mùa đông không ngồi được nên ngồi ở trong Chánh Điện. Như vậy chúng ta học để trở thành người tốt, làm điều tốt không nhất thiết phải học ở trong chùa. Chúng ta chỉ cần học được từ những người có thể là Bậc Thiện Tri Thức trực tiếp diện kiến họ thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tại chợ, thứ ba tại chùa. Có thể là tại gia đình như cha mẹ, anh, chị, em hoặc tại chợ trong sự tương tác ta học được những phẩm hạnh cao quý.

Còn chùa nếu có cơ hội tới thì ta nên tới để tiếp xúc với các Bậc xuất gia, các Thầy, các Sư cô để chúng ta tiếp cận với Tam Bảo trong đó có Tăng Bảo đó là năng lượng hòa hợp. Cho nên dù các bạn tới chùa các bạn không gặp được một Bậc cao minh như các bạn mong muốn để giảng kinh Phật. Nhưng các bạn cũng đón nhận được năng lượng hòa hợp từ Tăng thân. Cho nên rất tốt cho các bạn tới chùa nếu có cơ hội. Sống tốt là một chuyện nhưng các bạn nương vào sự hòa hợp của Tăng thân khi tới chùa, đón nhận năng lượng hòa hợp của Tăng thân để nuôi dưỡng phẩm cách tốt đẹp tại gia đình. Bởi nơi gia đình của chúng ta vẫn có ý nghĩa rằng chúng ta sống tốt nhưng bởi đụng chạm nhiều với vợ chồng, con cái, xã hội chúng ta dễ nổi sân và chúng ta dễ gây sự bất hòa. Chắc chắn các bạn nếu là đời sống đôi lứa vợ chồng hoặc cha mẹ, con cái đã thường thấy sự bất hòa trong gia đình giữa anh với em, giữa chị em, giữa vợ chồng, giữa cha mẹ. Cho nên khi tới chùa chúng ta thừa hưởng và nương vào năng lượng hòa hợp của các Bậc Tôn Túc, Tăng Ni để khi sống trong gia đình với tánh tốt, phẩm hạnh tốt ta có đó khi đụng chuyện thử thách ta không tạo ra sự bất hòa bởi ta đã nương vào năng lượng hòa hợp để chuyển hóa bất hòa trong gia đình. Như vậy rất là cao quý.

Cho nên trả lời câu hỏi này nếu bạn không có cơ hội và thời gian tới chùa thì các bạn chỉ cần sống ở đâu thực hiện đúng những điều tốt đẹp như lời Phật dạy là đã đủ. Còn nếu bạn có cơ hội tới chùa Bảo Thành khuyên chúng ta cũng hãy thường xuyên tới chùa theo những thời gian hoặc khung thời gian cho phép để nương vào đức hạnh của các Bậc tu, năng lượng hòa hợp để chúng ta có thể giữ được trạng thái hòa hợp nơi gia đình và cuộc sống.

Còn cách nói không cần tới chùa, không cần tới chùa, chỉ cần ở nhà sống tốt là được rồi cũng đúng nhưng hơi tiêu cực một chút xíu. Bởi vì cách nói đó dễ làm cho người khác hiểu lầm, cho những người chưa suy nghĩ kĩ hiểu lầm và rồi họ có một tâm phân biệt giữa chùa với chỗ này, chỗ kia. Cho nên nếu các bạn có khả năng không cần thiết tới chùa để tu mà ở nhà sống tốt rồi các bạn được sách tấn điều đó nhưng không nên nói rằng không cần tới chùa bởi có thể tạo ra sự hiểu lầm cho người khác. Và nương vào sự hiểu lầm đó người khác có thể tạo ra nghiệp. Cho nên sống tốt cho mình là một chuyện tốt nhưng khi chúng ta khẳng định một điều gì đó hãy suy nghĩ kĩ một chút xíu để cho những người nghe thấy không nghiêng về khía cạnh quá tiêu cực để tạo ra nghiệp bởi cuộc sống đau khổ đã quá nhiều, mọi lời nói và hành động của chúng ta luôn luôn phải tích cực một chút xíu không những cho ta và cho những người xung quanh chúng ta đây có thể noi gương ta mà sống một cách tích cực hơn, không bị tiêu cực.     

 1:26:51 Câu 10. Xin Thầy chỉ dẫn cho con về nghi thức sám hối oan gia trái chủ để con có thể thực hiện được đầy đủ ạ?

Ở trong chùa có thật nhiều các nghi thức như Sám Hối Lục Căn, Thủy Sám, Sám Hối Di Đà. Có nhiều bài nghi để tụng sám hối bởi các Bậc Tổ khi chế tác ra những bài kinh sám đó thường nhắc nhở cho chúng ta những hành vi, lời nói, tư tưởng nào tạo ra nghiệp để chúng ta như có thước đo hiểu rằng ta đã tạo ra. Nhưng sám hối mà dễ nhất không qua các nghi thức đó là gì? Là những hành vi, ngôn ngữ và tư tưởng tương ưng phù hợp với điều thiện để bù lại những điều bất thiện ta đã làm.

Đối với oan gia trái chủ, ví dụ ta gặp một người oan gia trái chủ được gọi là khắc khẩu, cứ đụng chuyện là cãi nhau không khi nào nói chuyện với nhau được tạm gọi là oan gia trái chủ vì khắc khẩu. Làm sao? Chúng ta không thể cứ ngồi đó mà sám hối, sám hối cao cả ở đây là nhận thức ra rằng khi gặp đối tượng này thì ta không biết nhường nhịn cho nên hay xung khắc bởi ngôn ngữ. Dưới hình thức gọi là sám hối hữu hiệu nhất là ta nhớ tới lời Phật không chống kình, học hạnh lắng nghe, sử dụng ái ngữ, không nên chống đối để phát huy được khả năng thông cảm trong sự chia sẻ, đàm thoại, đối thoại với họ.

Đây được gọi là sám hối hay nhất bằng những hành động, hành vi, suy nghĩ, lời nói cụ thể để chuyển hóa sự chống kình của ta với đối tượng gọi là oan gia trái chủ tạo ra khắc khẩu. Nhận thức được sự khắc khẩu đó chính là ngay bây giờ, nghiệp ngay bây giờ là nghiệp gì, đừng đổ thừa nghiệp quá khứ. Nghiệp ngay bây giờ là ta đang thích chống kình, ta thích cãi, ta thích hý luận, ta thích tranh luận, ta thích hơn thua. Nhận thức được điều đó cái “ta” quá lớn, cái “tôi” quá lớn, ta nhỏ lại một chút, ta khiêm tốn lại một chút, ta nhớ đến Mẹ Quan Âm học hạnh lắng nghe, ta nhớ đến Ngài Phổ Hiền học hạnh tùy hỷ, hằng thuận chúng sanh.

Không chống kính, lắng nghe, hằng thuận, chia sẻ, thông cảm thì người gọi là oan gia trái chủ mà khắc khẩu đó tức khắc hết khắc khẩu, nay không còn gọi là oan gia trái chủ nữa mà trở thành tri kỷ, bạn thân. Bởi người đó thấy rằng ta biết thông cảm, ta biết lắng nghe, ta biết chia sẻ và ta biết để cho họ san sẻ những ức chế trong lồng phổi của họ, chúng ta trở thành bạn thân đối với họ.

Cho nên để sám hối hiệu quả nhất là khi tương tác với một đối tượng nào gọi là oan gia trái chủ chúng ta nhận thức coi trái chủ về cái điều gì ? Về ngôn ngữ , về năng lượng. Ví dụ như gặp oan gia trái chủ tạo nhiều  năng lượng tiêu cực khó chịu mà chúng ta cảm ứng được qua cơ thể hay gọi là bị chiêu cảm bởi năng lượng tiêu cực đó thì chúng ta chỉ cần phát huy năng lượng tích cực, năng lượng Từ Bi của ta bằng cách Chánh Niệm hơi thở đón nhận tha lực Phật điển Từ Bi Mu A Mu Sa để tăng trưởng năng lượng Từ Bi và rồi hồi hướng trong tương tác.

Hồi hướng tức là trong tương tác ta mang năng lượng đó ra tương tác với vị đó, với người đó thì người đó sẽ được lan tỏa và gắn kết với năng lượng Từ Bi của chúng ta thì những năng lượng đối nghịch tiêu cực của họ dần dần được chuyển hóa. Suy nghĩ này ứng dụng với tất cả mọi hoàn cảnh oan gia trái chủ trong cuộc đời từ khắc khẩu, khắc hành vi, khắc cách sống hoặc là luôn luôn tạo sự khó khăn, chống đối chúng ta. Suy nghĩ cho kĩ, chỉ cần Chánh Niệm hơi thở, trở thành Từ Bi, thực hiện tánh bao dung, thông cảm, lắng nghe bạn sẽ chuyển hóa được tất cả mọi sự đối kình với nhau trong danh từ gọi là oan gia trái chủ mà bạn phải gặp phải.        

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn