Search

Tham Vấn Phật Pháp 17

Bảo Giác Tường đánh máy

Câu 1: Thưa thầy, con phát nguyện tu tập tại gia cách đây vài năm và từ đó con luyện tâm hằng ngày, điều chỉnh bản thân mình và quán chiếu các pháp trong sinh hoạt rất thường xuyên trong ngày và mỗi ngày ạ. Cuộc sống con từ đó thay đổi trở nên tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên con ko dành được thời gian để ngồi thiền. Thưa thầy, xin thầy khai thị cho con biết khi con không dành thời gian ngồi thiền thì sẽ có ảnh hưởng như thế nào ạ?

Câu 2: Dạ thưa Thầy, Phật có dạy là: hãy sống tùy duyên. Vậy phải hiểu và áp dụng vào đời sống phàm tục như thế nào để sống cho thật đúng nghĩa của hai từ “tùy duyên”, để có thể sống tùy duyên nhưng không tùy tiện. Xin Thầy khai thị cho chúng đệ tử

Câu 3: Giữa 2 cách thở
_Hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng và
_Hít vào hóp bụng, thở ra phình bụng.
Có gì khác nhau ạ?
Con mới học công việc mới, họ yêu cầu con tập hít vào hóp bụng thở ra phình bụng để tạo ra lực thì mới làm được. Và con bị rối giữa 2 cách thở. Dạ xin thầy khai thị thêm cho con ạ🙏. Mô phật!

Câu 4: Dạ thưa thầy, xin thầy khai thị giúp con về sự liên hệ giữa phước báu và nghiệp quả. Liệu phước báu có thể bù trừ cho những nghiệp quả mình đã gây ra không ạ? Vì sao con thấy khi con làm phước như phóng sanh hay làm công quả thì con cảm nhận thấy những điều chướng ngại, những bệnh tật và khó chịu về thể xác hay đến hơn. Có vẻ như theo con hiểu là việc tu và làm phước chỉ giúp mình dừng hẳn hoặc giảm bớt việc tạo tác ác nghiệp trong kiếp này thôi đúng không ạ?

Câu 5: Thưa thầy, bạn con xin hỏi Thầy là sau một thời gian thực tập và tu tập với Thầy thì cảm giác sự sân bên trong ngày càng nhiều hơn so với trước, việc sân nhiều như vậy không biết có phải do thực tập bị sai ở chỗ nào không ạ? và nên quán chiếu sao để bớt sân ạ?

Câu 6: Dạ thưa Thầy, con thấy có quan điểm như thế này: xuất gia đi tu chưa chắc đã giác ngộ và được giải thoát về Niết Bàn như Đức Phật, nhưng để giác ngộ và giải thoát về cõi Niết Bàn thì điều kiện đầu tiên là phải xuất gia đi tu. Còn hàng cư sĩ tại gia vẫn bị hạn chế về nhiều mặt và kiếp này có tu tại gia cũng chỉ là nền tảng, là bước đệm để kiếp sau tu tiếp chứ cư sĩ tại gia tu trong kiếp này không thể giải thoát khỏi luân hồi sanh tử, chỉ có người xuất gia thì may ra mới thoát khỏi vòng sanh tử được. Liệu rằng quan điểm trên có chấp chặt về hình tướng không ạ, xin Thầy khai thị để chúng con có cái nhìn thật đúng đắn.

Câu 7: Thưa thầy, trong việc học và tu thiền của đạo Phật, Đức Phật có nhắc đến việc Văn – Tư – Tu. Khi nghe một điều gì đó, mình suy nghĩ và kiểm chứng về nó, khi đã hiểu rồi thì bắt đầu tu. Trong khi con tiếp nhận giáo pháp của Phật, có những điều do con thiếu kinh nghiệm sống, thiếu trải nghiệm mà con chưa được thực chứng và tin tưởng được. Và khi ấy chỉ có thể tin theo Đức Phật và chư thầy, nhưng thực sự con vẫn còn có những khúc mắc trong lòng và cảm thấy không thoải mái. Nhưng có một số người không cần hiểu nhiều quá, chỉ cần cứ đơn giản lại chứng đắc. Như người sư đệ Bàn-Đặc trong bài “Quét Rác Vườn Tâm” chỉ quét sân chùa mà ngộ được đạo. Còn người sư huynh Châu-lợi-bàn-đà biết quá nhiều lại rơi vào tâm ma. Như vậy thì có cần thắc mắc quá nhiều, hiểu sâu và hiểu rõ để có thể tu không ạ hay chỉ nên đơn giản và chấp nhận những thiếu sót trong sự hiểu biết của mình, dựa vào niềm tin nơi thầy ạ? Vậy con nên làm thế nào ạ?

Câu 8: Dạ thưa Thầy, giữa sự tu hành và nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống con thấy có vài quan điểm như thế này: “tu để hết khổ”, hoặc “không khổ lấy gì mà tu” hay “lấy khổ làm chất liệu dệt nên đời tu”. Cái vòng tròn giữa tu và khổ, khổ và tu cứ quẩn quanh quanh quẩn khiến con hơi bị rối trí và phân vân. Vậy giữa nỗi khổ trong cuộc đời và sự tu hành ta phải nhìn nhận, phải quán chiếu và thực hành sự tu như thế nào cho đúng Chánh pháp mà vẫn dung thông giữa đạo và đời. Xin Thầy khai thị cho chúng đệ tử.

Câu 9: Dạ thưa thầy, nhờ thầy khai thị giúp con mình nên quán chiếu việc vợ/chồng mình ngoại tình như thế nào ạ? Mình nên ứng xử như thế nào khi chuyện đó xảy ra, mình nên ở lại trả nghiệp, chịu đựng điều đó hay mình xem đó là một nhân duyên đã hết và kết thúc nó ạ. Nếu trong trường hợp kết thúc thì chuyện đó thường mang một nỗi đau cho con trẻ, đó có phải là mình tạo nghiệp không ạ? Mình nên chú ý điều gì khi nhân duyên vợ chồng không còn nữa và đi đến kết thúc mà không tạo nghiệp ạ?

Câu 10: Thưa Thầy xin thầy khai thị cho con lý do tại sao khi có những đối tượng, có những con người khi mình nghĩ tới họ, hoặc chỉ cần làm việc tương tác với họ thì trong tâm mình, trong lòng mình nó liền trỗi dậy những hạt giống sân si, phiền não, thị phi nó trỗi dậy trong lòng con, trong tâm con. Khi gặp những con người đó những hạt giống tiêu cực xấu xa nó như được kích hoạt, nó như được tưới tẩm, được mời gọi cho nó trỗi dậy trong con. Vậy với những trường hợp như vậy làm sao con chuyển hóa, làm sao con tẩy xóa nó khỏi lòng con, khỏi tâm con và làm chủ chính mình cho những lần gặp khác, tương tác khác với những người đó. Dạ Mô Phật. Con xin tri ân Thầy.

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu trên kênh Youtube “Thất Bảo Huyền Môn” và kênh Facebook “Chua Xa Loi”. Giờ đồng tu ngày thứ 7 “Sống trong chánh niệm” đã tới, mời các bạn cùng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Trong thời đại ngày nay chiến tranh đang xảy ra bởi những sự quyết định sai lầm của các vị lãnh đạo các quốc gia trên thế giới, chúng con nguyện một lòng thỉnh xin Mười Phương Chư Phật, Chư Bồ Tát soi sáng và khơi dậy lòng từ bi nơi các vị lãnh đạo các quốc gia để họ có thể nhận ra chân giá trị của đời sống trong hòa bình của toàn nhân loại trên thế giới này, để ngừng hẳn mọi tạo tác gây hận thù và chiến tranh. Nguyện xin tất cả mọi người chúng ta cùng nhất tâm cầu nguyện vào đấng mình tôn thờ, nơi tôn giáo mình tin tưởng, chia sẻ những thông tin lành mạnh, hồi hướng những đức hạnh mà ta có thể lập được trong từng ngày, để nguyện cho thế giới trở về với sự hoà bình và chiến tranh chấm dứt. Giờ đây Bảo Thành mời gọi các bạn cùng trì tụng Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Thất Bảo Huyền Môn để hồi hướng cho sự hoà bình của thế giới.

Mô Phật! Chúng ta đã đồng trì tụng Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Thất Bảo Huyền Môn trong sự thanh tịnh và im lặng ở trong tâm – không bằng tiếng để chuyển năng lượng đặc biệt từ Chư Phật mà mỗi người chúng ta lãnh nhận được tới tất cả các vị lãnh tụ tinh thần cũng như lãnh đạo các quốc gia trên thế giới.

Mô Phật! Chúng ta đã xong phần trì tụng kinh bằng sự giữ im lặng hồi hướng công đức. Giờ đây, ngày hôm nay thứ 7, kính thưa các bạn là ngày Tham Vấn Phật Pháp số 17 và cũng là ngày chúng ta, mọi người đang chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh đang xảy ra. Không như những lần trước chúng ta tụng bằng tiếng, nay chúng ta trì ở trong tâm, giữ sự tĩnh lặng, hồi hướng công đức một cách đặc biệt, nguyện cho tất cả mọi người được tỉnh thức nhìn thấy chân giá trị của nền hòa bình, nguyện cho tất cả các vị lãnh đạo trên thế giới, các vị lãnh đạo tinh thần, các vị lãnh đạo các quốc gia bỏ qua cái bản ngã của mình, ngồi xuống, biết bàn thảo, biết chia sẻ và nâng đỡ nhau thiết lập nền hoà bình cho thế giới.

Giờ đây, đã đến lúc chúng ta đi vào tham vấn Phật pháp, nếu các bạn có câu hỏi gì cùng chia sẻ, chúng ta có thể bắt đầu ngay bây giờ.

Mô Phật! Bảo Nghy kính đảnh lễ Sư Phụ, Quý Thầy, Quý Sư Cô, kính chào toàn thể chư vị đồng tu. Thưa thầy, câu hỏi đầu tiên con nhận được là:

Câu 1: Thưa thầy, con Phật nguyện tu tập tại gia cách đây vài năm và từ đó con luyện tâm hằng ngày, điều chỉnh bản thân mình và quán chiếu các pháp trong sinh hoạt rất thường xuyên trong ngày và mỗi ngày ạ. Cuộc sống của con từ đó thay đổi trở nên tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên con không dành được thời gian để ngồi thiền. Thưa thầy, xin thầy khai thị cho con biết khi con không dành thời gian ngồi thiền thì sẽ có ảnh hưởng như thế nào ạ? Mô Phật!

Trả lời: Quan niệm từ xưa cho tới bây giờ khi nói đến chữ “thiền” là ai trong chúng ta cũng liên tưởng tới hình dáng của cái cách ngồi vững chãi, chân xếp bằng, bắt chéo lên, tay bắt ấn và cứ như vậy êm ru trong một tiếng. Nhiều người còn kéo dài đến 3 tiếng, có nhiều người còn khoe ngồi thiền đến 12 tiếng, không ăn không uống. Đó là cách thiền riêng của họ, là khái niệm, suy nghĩ chung và nó tạo thành cái mô hình thiền là phải ngồi.

Trong kinh Pháp Cú, chữ “thiền” được giải thích đơn giản nhưng mấy ai nghĩ như vậy. “Thiền” giải thích trong kinh Pháp Cú là “tâm được làm chủ”. Vậy tất cả mọi phương tiện đi, đứng, nằm, ngồi, ăn nói, làm việc… mà tâm ta được làm chủ thì đó gọi là “thiền”. Còn nếu như xếp bằng ngồi cả ngày các bạn à, mà tâm không thể làm chủ được thì đó chẳng phải là thiền. Thiền là phương tiện được ứng dụng mọi lúc mọi nơi, mọi hoàn cảnh, để rèn luyện, làm chủ cái tâm của mình, làm chủ trong mọi tạo tác và suy nghĩ, phải phá vỡ quan niệm thiền là phải ngồi như cái tượng để hiểu thấu thiền là tu luyện để tâm của ta được làm chủ. Rất nhiều các phương pháp thiền cũng đi ra truyền dạy ở bên ngoài bao nhiêu ngàn năm qua, tùy theo căn cơ phù hợp của ai đó mà các pháp thiền được thay, được đổi cho phù hợp, giảm nhẹ một chút xíu, không thiên về tôn giáo hay Phật giáo, mà chỉ nghĩ tới sức khoẻ mà điều tâm điều khí. Không sao! Không nhất thiết thiền là phải trực thuộc về Phật giáo, không nhất thiết thiền là phải đi tới sự giác ngộ. Chỉ cần làm sao tu tập để làm chủ được cái tâm thì đều gọi là thiền, tuỳ theo mức độ nông và sâu mà nó sẽ ảnh hưởng tới đời sống cá nhân và của tập thể. Còn đến mức độ cao siêu đi tới thành Bồ Tát, thành Phật, thành bậc giác ngộ, từ từ nói tới.

Là Phật tử tại gia, chúng ta lấy Bát Chánh Đạo làm chuẩn mực cho đời sống, mà thực ra tất cả các pháp thiền đều dựa trên hơi thở của chánh niệm, ứng dụng Bát Chánh Đạo để rèn luyện cái tâm và để làm sao đó mỗi người chúng ta làm chủ được cái tâm, không bị tán loạn, bấn loạn, phóng tâm, phan tâm, chạy rượt đuổi theo những điều vô bổ, vô ích bởi vì đời sống con người quá ngắn ngủi, quá mỏng manh.

Bạn là người Phật tử tại gia, tu pháp thiện. Phật dạy hãy làm điều thiện, bỏ điều ác. Chắc chắn trong những năm qua, bạn đã gạn lọc để nhìn thấu những điều ác thường xảy ra, bạn thường hành động đó, bạn ngưng và bạn đã tăng trưởng những pháp thiện, làm việc thiện lành. Điều đó thật cao quý. Đó chính là “thiền” các bạn ạ, không phải ngồi là thiền mà ngồi mới phải là thiền. Bạn đã làm pháp thiện, bạn đã tu tập pháp thiện, bạn đã hướng thiện và bạn đã làm chủ những cái tạo tác ác, không để cho nó dễ dàng kiềm chế cuộc đời, nhưng biết ngừng, biết quán chiếu, biết thực hiện những pháp lành, pháp thiện là bạn thiền, bạn đã thiền. Nếu bạn nói bạn chưa hoặc chưa có thời gian ngồi để thiền, điều đó đúng, nhưng bạn đã sống với cái tâm được làm chủ thì thực ra bạn đã thiền trong từng hơi thở rồi.

Tuỳ vào mỗi một hoàn cảnh mà phương pháp, phương tiện thiền được ứng dụng. Nhưng thiền không có nghĩa rằng chỉ một giây, một phút, một tiếng ta ngồi, mà thiền là tâm được làm chủ trong từng giây phút của chánh niệm. Chánh niệm là từng giây phút được làm chủ, cái tâm được làm chủ, không nhất thiết bạn phải ngồi. Nhưng nếu như bạn có thời gian sắp xếp để có thể ngồi 5, 10 phút, điều đó cũng đáng được ca ngợi. Bởi mỗi khi ngồi thiền, ta chủ động ngồi thiền, theo dõi hơi thở chánh niệm trong giây phút ấy thì tâm của chúng ta có cơ hội được làm chủ nhiều hơn. Và nếu như bạn đã quen cái phương pháp chánh niệm hơi thở trong mọi tạo tác của cuộc sống hằng ngày mà tâm bạn đã được làm chủ, tránh xa các pháp ác, hành được các pháp thiện, giữ đời sống an vui, hạnh phúc, bình an như bạn nói bạn có được sự bình an, sự hạnh phúc, bạn thấy thoải mái, mạnh khỏe, đó là công hiệu của thiền quán chánh niệm trong đời sống rồi. Bạn cứ tiếp tục làm như vậy, nhưng nếu có thời gian ngồi thì ngồi thêm, nhưng nếu không thể ngồi vì một hoàn cảnh nào đó, không sao, cứ giữ cái phương pháp tu tập, miễn là tâm bạn đã được làm chủ tránh xa pháp ác, siêng làm pháp thiện thì điều đó rất được tán thán. Bảo Thành tán thán cái công hạnh tu tập của bạn. Chúc bạn tiếp tục như vậy, và nếu tìm được thời gian như Bảo Thành nói, ngồi thêm chút phút sẽ giúp cho mình thăng tiến nhiều hơn, nhưng không nhất thiết phải gọi là ngồi mới mang ý nghĩa là thiền. Mô Phật!

Câu 2: Dạ thưa Thầy, Phật có dạy là: hãy sống tùy duyên. Vậy phải hiểu và áp dụng vào đời sống phàm tục như thế nào để sống cho thật đúng nghĩa của hai từ “tùy duyên”, để có thể sống tùy duyên nhưng không tùy tiện. Xin Thầy khai thị cho chúng đệ tử. Mô Phật!

Trả lời: Mô Phật! Ngày nay không phải Phật tử hoặc những người theo Phật giáo mới sử dụng hai chữ “tùy duyên”. Bạn hỏi câu “tuỳ duyên” kèm theo một chữ nữa gọi là “tuỳ tiện”. Hình như tiện đâu cũng nói chữ “tuỳ duyên” mà Bảo Thành cảm thấy rằng chữ “tuỳ duyên” nó như là một cái cớ để cho chúng ta muốn làm gì thì làm, chuyện gì tới thì tới, không sao. Câu hỏi thứ nhất bạn nói “thiền như thế nào”, Bảo Thành nói “tâm được làm chủ là thiền”. Nếu tuỳ duyên để tùy tiện khi sự việc xảy ra muốn sao cũng được thì cái đó tâm chưa được làm chủ, cái tuỳ duyên như vậy tội nghiệp cho Phật bởi ta đã hiểu sai. Kèm theo hai chữ làm chủ nữa thì chúng ta thấy chữ “tuỳ duyên” mới đúng. Tuỳ duyên mà làm chủ cái tâm, phải như vậy nghe các bạn. Chứ đừng tuỳ duyên mà tuỳ tiện muốn làm gì thì làm. Nói như vậy là rõ rồi phải không các bạn. Tuỳ duyên để làm chủ cái tâm chứ đừng tuỳ duyên mà tuỳ tiện muốn làm gì cũng được. Ta đã lạm dụng hai chữ “tùy duyên” để tuỳ tiện muốn sao cũng được. Chứ chẳng tùy duyên nghĩa là tuỳ mọi hoàn cảnh, mọi sự biến động trong đời, làm chủ cái tâm của mình để thoát khổ, để hạnh phúc và an vui. Tùy duyên để làm chủ tâm, người đó sẽ thành tựu được, còn ai tuỳ duyên để tuỳ tiện, muốn làm gì cũng được thường gây ra sự đau khổ và phiền não. Ta cứ cắt xén riết rồi cái gì thôi cũng tuỳ duyên, riết rồi đi tới cái tư tưởng mặc kệ chuyện gì tới thì tới, vẫn biết rằng trong Phật giáo nghiệp quả của chúng ta đã tạo ra, ta phải chấp nhận khi nó trổ. Nhưng Đức Phật đã giác ngộ, Ngài tìm được phương pháp để làm chủ những nghiệp quả ta đã tạo ra và chuyển hoá được chúng. Nếu bạn tuỳ duyên làm chủ cái tâm để làm chủ nghiệp thức nhiều đời ta đã tạo và chuyển hoá chúng thì đó chính là chữ “tuỳ duyên” cao cả. Còn nếu bạn tuỳ duyên để tùy tiện theo nghiệp quá khứ nó dẫn để rồi đổ thừa ôi đó là nhân quả, mắc nợ thì đó là cái cớ để chúng ta thỏa mãn tạo ra nghiệp. Bạn để ý nhiều cái chuyện, ví dụ đơn giản thôi, chúng ta phát nguyện tu thì khi cái nghiệp nó trổ quả, ta phải nghiên cứu để làm chủ cái tâm, không tác động vào cái quả khi nó trổ, thì quả trổ, quả trổ, tâm vẫn được làm chủ, vẫn an vui. Như cái quả độc, ta thấy quả độc mà không ăn thì không có sao, nhưng sờ vào sẽ bị độc. Do vậy, những cái nghiệp khi nó trổ mà ta tuỳ theo cái duyên khi nó trổ để làm chủ cái tâm, nhất định đó là chữ “tuỳ duyên” được hiểu đúng. Còn không, khi chúng ta phát tâm tu, chướng ngại xảy tới, ta bảo thôi duyên nợ rồi, nghiệp quả rồi, phóng tâm tuỳ tiện đi theo thì đó là ta đồng lõa với cái tà kiến. Chữ “tuỳ duyên” phải hiểu bằng chánh kiến, không đồng lõa với tà kiến để tuỳ tiện phóng tâm rượt đuổi.

Bảo Thành tiếp cận với một số các bạn khi xưa xuất gia, thọ giới tỳ kheo rồi nhưng họ lại hoàn y, hoàn tục. Khi tâm sự họ nói duyên nợ, duyên tới rồi, tuỳ duyên trả hết nợ. Nợ là phải trả nhưng bằng cách chuyển hoá, chứ nợ không phải trả để tạo thêm nợ. Duyên nợ tới, tâm được làm chủ sẽ có được phương tiện cao hơn để chuyển hoá. Còn nếu như nói cái chữ thôi duyên nợ, tùy duyên, trả trước rồi tu, thì cái đó ta đã tuỳ tiện để cho nghiệp lực kiếp trước nó làm chủ ta, tâm ta không làm chủ. Cái tuỳ duyên như vậy thường xảy ra ở đời khi ta làm chuyện gì sai ta hay dùng chữ “thôi đó là nghiệp”. Ta đổ thừa cho nghiệp, thôi tùy duyên, ta đổ thừa cho chữ duyên rồi ta tuỳ tiện phóng tâm tạo nghiệp. Câu hỏi thứ nhất trả lời thiền là tâm được làm chủ, kinh Pháp Cú Đức Phật dạy “tâm làm chủ các pháp, tâm làm chủ mọi tạo tác”. Người học Phật là người học để làm chủ cái tâm, cho nên tùy duyên để làm chủ cái tâm thì hiểu đúng, thực hành đúng như vậy, ta sẽ có sự an vui, còn tuỳ duyên hiểu để tuỳ tiện muốn sao cũng được thì ta đã để mặc cho cái nghiệp tiền kiếp nó dẫn, ta chưa được làm chủ, ta sẽ khổ.

Rõ hơn, chữ “tuỳ duyên” để tuỳ tiện là sai, còn chữ “tuỳ duyên” hiểu để mà làm chủ cái tâm là hiểu đúng. Mỗi khi thử thách tới trong cuộc đời, chúng ta hãy cố gắng trở về với chánh niệm hơi thở để tuỳ duyên vào hiện tượng đã xảy ra mà làm chủ cái tâm của mình để diện kiến, nhìn thẳng. Như câu “kiến phiền não thành bồ đề”, nhìn thẳng vào phiền não, làm chủ cái tâm để có được sự an lạc. Đừng nhìn vào sự phiền não để nó thâm nhập, phóng tâm theo, tuỳ tiện mà hành xử, không có chánh tâm, không được làm chủ tâm, ta sẽ khổ. Mô Phật!      

Câu 3: Giữa 2 cách thở

  • Hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng và
  • Hít vào hóp bụng, thở ra phình bụng.

Có gì khác nhau ạ?

Con mới học công việc mới, họ yêu cầu con tập hít vào hóp bụng thở ra phình bụng để tạo ra lực thì mới làm được. Và con bị rối giữa 2 cách thở. Dạ xin thầy khai thị thêm cho con ạ. Mô Phật!

Trả lời: Chúng sanh có những biệt nghiệp, biệt nghiệp là nghiệp riêng tạo thành những nhân duyên riêng biệt. Có người họ thích ăn mặn, người thích ăn chua. Ở trong chùa Bảo Thành gặp các bác, các cô thích ăn cay dữ lắm, nhưng Bảo Thành ăn cay không được. Và dĩ nhiên những người như vậy thường nói nếu không có ớt ăn không ngon, nhưng mà Bảo Thành lại khác, có ớt ăn không ngon, ăn vô là nước mắt chảy ra, không ăn được. Cái cơ thể  Bảo Thành cấu tạo khác ăn cay không được các bạn, mặc dù tập nhiều lần rồi. Cơ thể của các vị kia khác, ăn cay cả một đống ớt, các loại ớt thật cay họ ăn cũng được. Thật ra hít vào phình bụng hay hít vào hóp bụng thì con người sinh ra đều phải hít, tùy theo cái cách tu tập và sự công dụng như thế nào và tuỳ theo khái niệm, nhận thức của từng người để họ để mang lại hiệu quả sống cao. Khi chúng ta hít vào mà hóp bụng, tức là để hơi trên lồng ngực. Chúng ta để ý những vận động viên chạy bộ, họ hít vào thì không thể phình bụng ra bởi hít vào phình bụng không chạy được, nó nặng. Hít vào gọi là đề khí trên lồng ngực, do đó những người vận động viên chạy bộ đó, họ thường hóp bụng họ chạy, tốc độ họ chạy nhanh, nhẹ và họ giữ hơi ở trên phổi để phổi có thể lọc khí đưa oxy vào trong máu; còn nếu họ trầm hơi xuống dưới bụng, nó nặng bụng khó chạy, mà oxi có thể thiếu. Đó là cách nghĩ rất khoa học, đúng. Các nhà cử tạ học tập tạ đó, khi họ đẩy tạ, họ cũng phải đưa hơi lên lồng ngực để đẩy cho nó nặng. Các nhà khí công thì lại khác, họ hít hơi họ phình bụng dưới đan điền khí hải, họ không chộp dịch để có được cái sức mạnh trong từng giây đột biến để làm việc nặng, việc nhanh, nhưng họ phân tán sức mạnh của nội tâm đều trên từng tế bào để hài hòa sống an vui. Nếu bạn tu tập để có hiệu quả kinh tế cao như chạy bộ cho nhanh thì nhất định không thể phình bụng. Bạn cứ thử đi, nếu bị hít vào bạn phình bụng, bạn không thể chạy được. Nhưng bạn có thể hít vào phình bụng bạn đi bộ nhẹ nhàng, gọi là kinh hành đó – được. Tuỳ vào các dục của những hình thức tương tác hằng ngày để đạt được hiệu quả cao mà bạn ứng dụng hơi thở như thế nào, hai cái đều đúng. Tuy nhiên để phát huy được trí tuệ và để cho cơ thể vững chãi, làm chủ được cái tâm, phương pháp thiền đưa xuống dưới bụng phình ra để hơi thở có thể sâu xuống đan điền khí hải, đánh thức được các luân xa, khơi dậy các nguồn năng lượng tích trữ trong các đại huyệt, lan toả toàn châu thân trong cái thế ngồi vững chãi, thể đi vững chãi, vững chãi không phải chạy nhanh như tên nha các bạn, vững chãi tịnh tĩnh để cái tâm có cơ hội nhìn và quán chiếu rõ ràng hơn từng hơi thở, để mang tới hiệu quả cho tâm được thanh tịnh, hiệu ứng là có được sự bình an và hạnh phúc. Và khi có được cái sáng của tâm, sự bình an hạnh phúc, có được sức khoẻ, thì tất cả mọi chuyện bạn làm đều làm bằng kỹ năng của trí tuệ, nên đôi khi việc làm đó rất đơn giản mà thành công cao. Người xưa nói sử dụng cái đầu để làm việc chứ không sử dụng cái sức như con trâu để kéo cày. Nếu bạn làm công nhân việc nặng, cần những thao tác khiêng vác, bạn phải đề khí lên lồng ngực để gánh vác – được, đó là cách làm việc, cứ như vậy. Nhưng trong phương pháp thiền, theo truyền thống nhiều đời vào kinh nghiệm nhiều ngàn năm, đưa hơi xuống bụng phình bụng thở nhẹ nhàng hóp bụng dẫn khí lên đầu trì mật chú hoặc chỉ chánh niệm thôi, mang lại kết quả thật cao cho cái tâm thanh tịnh. Không có cái nào sai, chẳng có cái nào là tuyệt đối, tùy theo cái dục bạn đang muốn trong cuộc sống. Nếu công việc của bạn đưa bạn tới cái chỗ cần phải có năng suất cao, cũng không sao, cứ thở hóp bụng phình ngực ra, hít vào phình ngực hóp bụng, thở ra thì cũng từ ngực thôi, cũng được không có gì. Nhưng nếu bạn chú trọng trong cái thiền, hãy đưa hơi thở sâu một chút xíu xuống đan điền khí hải, phình bụng để tạo được sức khoẻ tốt đẹp và đánh thức được tiềm năng trí tuệ của chúng ta ở não bộ. Mô Phật!

Câu 4: Dạ thưa thầy, xin thầy khai thị giúp con về sự liên hệ giữa phước báu và nghiệp quả. Liệu phước báu có thể bù trừ cho những nghiệp quả mình đã gây ra không ạ? Vì sao con thấy khi con làm phước như phóng sanh hay làm công quả thì con cảm nhận thấy những điều chướng  ngại, những bệnh tật và khó chịu về thể xác hay đến hơn. Có vẻ như theo con hiểu là việc tu và làm phước chỉ giúp mình dừng hẳn hoặc giảm bớt việc tạo tác ác nghiệp trong kiếp này thôi đúng không ạ? Mô Phật!

Trả lời: Mô Phật! Khi các bạn thiếu 1 triệu, mà chỉ trả có 1 trăm thôi, thì bạn còn thiếu đến 9 trăm. Bạn đâu có thể nói rằng cái hành động bạn trả 1 trăm là hết nợ. Nhưng cũng không thể phủ định rằng trả 1 trăm là chưa chuyển nghiệp, bạn đã chuyển phần nợ từ 1 triệu còn 9 trăm, rõ rồi! Khi các bạn tu, các bạn tạo được phước báu mới được một xíu thôi để trả cho cái nghiệp quả gây chướng Ngài cho các bạn được một phần, chưa hết, nên chướng Ngài vẫn tới. Không phải như vậy là sự tu tạo phước báu của bạn không có xi nhê, mà là vẫn còn ít, để chúng ta tự nhắc, à các phước còn mỏng, cố gắng tu để cái phước dày thêm. Tu phước là đã chuyển được nghiệp quả rồi, tùy theo cái mức nghiệp quả ta nhiều hay ít. Có nhiều người không tu mà họ không gặp chướng ngại, bởi cái phước của họ còn quá nhiều, trong tiền kiếp họ đã tạo ra. Nếu bạn tu tạo phước rồi mà chướng ngại còn tới về thân, như thân bệnh, về tâm như phiền não, về mọi sự vẫn xảy ra thì hãy nhớ rằng cái phước bạn tạo ra còn ít, cố gắng thêm. Nếu bạn biết chắc rằng bạn nợ họ 1 triệu, bạn trả họ 1 trăm, nhất định bạn phải hiểu bạn còn thiếu 9 trăm. Bởi vậy trong thiền quán chánh niệm, ta quán chiếu là quán chiếu cái sổ nợ. Khi bạn tu mà tạo được phước, mà chướng ngại còn xảy ra, là sổ nợ vẫn còn, người tu phải biết và hoan hỷ nói rằng tôi cố trả nợ một phần rồi, tôi sẽ cố làm thêm phước báu để hoàn hết số nợ kia, bạn vui ngay. Nhưng nếu bạn nghĩ sai, bạn đòi đánh cái người chủ nợ kia, tôi trả nợ rồi sao chưa hết, nếu người chủ nợ nói thì họ sẽ nói “bạn nợ 1 triệu mà, trả có 1 trăm à”. Nếu cái nghiệp quả của ta có thể nói được, thì nó sẽ nói rằng “anh ơi, anh còn nợ

nhiều lắm, cái phước anh trả còn rất mỏng”.  Cái nợ đó nói được đấy, nếu các bạn chánh niệm hơi thở thiền quán cho rõ bằng trí tuệ Nam Mô Ta Mô Ta Mô Đa Ra Hoang, bạn  sẽ nhìn rõ được những khối nợ của tiền kiếp trong nhân quả khi nó trổ, và nhìn thấu được phước đức bạn tu như thế nào, để mỗi lần tu bạn trả được bao nhiêu, bạn chuyển được bao nhiêu. Trả nghiệp chính là chuyển nghiệp, trả 1 trăm là chuyển được cái nợ còn 9 trăm. Tu một chút phước tức là trả nghiệp và chuyển được nghiệp, có! 

Rốt ráo để hiểu, nếu tu tạo phước mà còn chướng ngại thì nhận thức ngay sổ nợ còn quá dày, cố gắng tu, chứ còn bỏ tu cũng không hết đâu. Cố gắng tu để trả hết nợ. Và cái phương pháp trả nợ cho thật dễ là nương vào trí tuệ của Phật và nương vào lòng từ bi của Mẹ Hiền Quan Âm. Mẹ Hiền Quán Thế Âm được mệnh danh là tầm thinh cứu khổ cứu nạn chúng sanh, Ngài là đấng đại từ đại bi. Mu A Mu Sa là thể nhập vào tâm đại từ đại bi, thể nhập vào chứ không phải đứng để nhìn. Dòng sông là để đi thuyền bên bờ kia, đứng bên bờ này mà mơ ước đến bờ kia, không bước xuống thuyền, chẳng có thể qua. Chúng ta phải thể nhập, bước vào thuyền từ của Mu A Mu Sa, của Mẹ Hiền Quan Âm, thắp sáng đuốc tuệ, thì ta sẽ khơi dòng, xa lìa bờ mê tới bờ giác, từng bước, từng bước một. Không ai bước xuống thuyền là tới bờ bên kia, phải đi rất từ từ. Bạn đang còn chướng ngại trong cuộc sống về thân bệnh, tâm còn phiền não, nợ còn quá nhiều, phước tạo quá mỏng, gắng tạo thêm phước, tinh tấn tu học, tiếp cận với các bậc thiện tri thức để được sách tấn không bỏ cuộc. Cám ơn bạn!

Câu 5: Thưa thầy, bạn con xin hỏi Thầy là sau một thời gian thực tập và tu tập với Thầy thì cảm giác sự sân bên trong ngày càng nhiều hơn so với trước, việc sân nhiều như vậy không biết có phải do thực tập bị sai ở chỗ nào không ạ? Và nên quán chiếu sao để bớt sân ạ? Mô Phật!

Trả lời: Đó là một cách nói thật là hay, tu tập một thời gian thấy sân ở trong lòng nhiều, nhưng Bảo Thành lại thấy mừng cho bạn, vui cho bạn. Bạn hỏi rằng bạn tu với Bảo Thành một thời gian thì thấy sân ở trong lòng nhiều, đúng không con? Như vậy là đáng mừng rồi, bởi hồi xưa mình không thấy mình sân, không có nghĩa rằng sân không có, sân không nhiều. Nhưng hồi xưa mình không thấy được mình sân. Nay mình tu, mình thấy được mình sân, sân nhiều hay sân ít, quan trọng ở cái chỗ là đã thấy được mình sân, bạn đã thành tựu rồi bạn ơi! Thật đáng mừng! Chỉ sợ rằng tu hoài mà không thấy mình sân, chỉ thấy mình là Bồ Tát, Thánh Hiền thôi, thì điều đó đáng ngại! Sắp sửa tẩu hoả nhập ma rồi!

Nhà Phật và Đức Phật dạy trong cả cuộc đời là để giúp cho chúng sanh phát triển và hiểu được cái dục của tánh thấy. Tánh thấy không phải là chỉ thấy cái đẹp mà không thấy cái xấu, tánh thấy là thấy tất cả. Bạn đã thành tựu được tánh thấy trong cuộc đời, trong mình có nhiều sân, đó là phần đặc biệt bởi ai thấy được mình sân sẽ có cơ hội để chuyển hoá như người mẹ thấy được nhà dơ biết lau chùi để nhà sạch. Nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon cơm. Nhà tâm của bạn, bạn đã nhìn thấy dơ ở cái tâm sân còn quá nhiều, bạn hãy lấy nước từ bi Mu A Mu Sa đổ lên cái nền tâm đó, rửa đi những cái chất liệu sân và thắp sáng căn nhà trí tuệ Nam Mô Ta Mô Ta Mô Đa Ra Hoang để nhìn rõ hơn nữa cái nguồn gốc, nguyên nhân, nguyên cớ tạo cho bạn sân, để không đổ dầu vào lửa, mà đổ nước từ bị vào trong cái nguyên nhân đó, sẽ hết. Chúc mừng bạn đã thấy được mình sân và sân nhiều, và thấy được cái sân, sân nhiều đó, bạn sẽ có cơ hội chuyển hoá nó. Chỉ tội nghiệp cho những ai tu mà không thấy, bạn tu bạn đã thấy, đó là tánh thấy.

Đừng cầu mong tu là thấy Phật, thấy Bồ Tát, bởi chúng ta sẽ thành Phật do thấy được tham sân si vốn có, vốn còn trong ta để tinh tấn tu học chuyển hoá. Người thấy được chướng ngại là người chuyển hoá được chướng ngại. Bạn thấy được tâm sân, bạn sẽ có cơ hội chuyển hoá được chúng. Bảo Thành càng tu cũng thấy được sân của mình nhiều lắm, nhưng học theo phương thức tu tập xưa đến giờ, chuyển hoá từ từ, tâm sân vẫn còn chưa hết, bởi khi ta hết sân, hết tham sân si, ta đã chứng đắc rồi, nhưng ta giảm bớt dần dần là ta chứng đắc dần dần, không hẳn là không chứng đắc, có chứng đắc, chứng đắc từ từ, thuyên giảm từ từ. Bạn đã thấy sân là bạn có tánh biết, chúc mừng bạn! Đừng sợ, vẫn lại một câu khuyên, hãy tiếp cận với các bậc thiện tri thức, gần gũi với các bậc tôn túc, các bậc thầy để được sách tấn, để được khuyến tấn và để được thúc đẩy vượt qua cái chướng ngại để được thành tựu nhiều hơn mỗi ngày. Mô Phật!

Câu 6: Dạ thưa Thầy, con thấy có quan điểm như thế này: xuất gia đi tu chưa chắc đã giác ngộ và được giải thoát về Niết Bàn như Đức Phật, nhưng để giác ngộ và giải thoát về cõi Niết Bàn thì điều kiện đầu tiên là phải xuất gia đi tu. Còn hàng cư sĩ tại gia vẫn bị hạn chế về nhiều mặt và kiếp này có tu tại gia cũng chỉ là nền tảng, là bước đệm để kiếp sau tu tiếp chứ cư sĩ tại gia tu trong kiếp này không thể giải thoát khỏi luân hồi sanh tử, chỉ có người xuất gia thì may ra mới thoát khỏi vòng sanh tử được. Liệu rằng quan điểm trên có chấp chặt về hình tướng không ạ, xin Thầy khai thị để chúng con có cái nhìn thật đúng đắn. Mô Phật!

Trả lời: Trả lời ngắn gọn, quan niệm đó là sai. Ai buồn mặc ai, ai thích kệ họ, Bảo Thành nói cái khái niệm và định nghĩa, quan niệm rằng để giải thoát luân hồi sanh tử phải là bậc xuất gia, tại gia không thể – thì cái đó là sai, hoàn toàn sai. Nhưng nếu nói người xuất gia có nhiều thời gian hơn, bởi bớt chuyện đời, để đầu tư vào sự tu, cho nên dễ thành tựu. Cũng như đi học, mình ở nội trú, chuyên học, mình chuyên tu, mình có nhiều thời gian để học, còn đi đi về về mất thời gian. Nhưng không phải tất cả những ai ở nội trú đều có thể có bằng cấp cao! Và những bạn không ở nội trú, đi đi về về tốn nhiều thời gian, nhưng học vẫn thành tựu, vẫn đổ bằng cấp cao. Chẳng phải ai xuất gia cũng thoát khổ đâu, thiếu gì những người xuất gia cũng khổ đầy, các bạn thấy cái cảnh đó vẫn xảy ra hằng ngày. Đó chỉ là hình tướng, giải thoát là do tâm, chẳng do tướng. Không có cái tướng của một vị thầy chùa, vị sư cô, vị xuất gia nào gọi là xuất gia hết, chỉ là tướng. Thoát khổ tại tâm, còn xuất gia hay không xuất gia chỉ là phương tiện khác biệt. Nhưng ở trong những phương tiện thuận lợi, nếu không cố gắng cũng không thể tu. Mà ở trong những phương tiện, hoàn cảnh bất lợi, có những người cố gắng vẫn thành công. Trong Đại Thừa, có gương của một vị tại gia nằm trong một cuốn kinh, gọi là kinh Duy-ma-cật, đây là kinh của Đại Thừa, không có Nguyên Thuỷ, tán dương công hạnh của Phật tử tại gia. Ông Duy-ma-cật chẳng phải là một bậc xuất gia theo Phật mà chỉ là một người tại gia như các bạn, là một thương gia giàu có, nhưng thật ra ông Duy-ma-cật đó theo kinh nói, đã là Phật. Nếu trong kinh Phật ta thường nghe tới cái chén cơm Hương Tích của Phật Hương Tích, thì chén cơm đó chính là chén cơm của ông Duy-ma-cật đã lên cõi Phật Hương Tích thỉnh về cho các Bậc đại đệ tử của Phật ăn. Chén cơm đó thơm lừng cả mười phương. Trong kinh Duy-ma-cật nói tới một vị cư sĩ tại gia đã thành Phật, và ông Duy-ma-cật có trí tuệ siêu Việt, bởi Ngài là Phật rồi, cho nên các đại đệ tử của Phật khi gặp Ngài đều được Ngài sách tấn, nâng đỡ, và chỉ ra những chỗ sai.

Trả lời ngắn gọn, quan niệm chỉ có xuất gia mới thoát khổ, thoát luân hồi sanh tử, còn tại gia tu là chỉ có nền tảng thôi, quan niệm đó hoàn toàn sai. Rõ hơn, xuất gia và tại gia chỉ là hai phương tiện để có thời gian đầu tư chuyên chú và công hạnh tu mà thôi. Thật nhiều các bậc tôn túc khi xuất gia rồi, sống trong cảnh chùa chiền, có nhiều cơ hội dấn thân để tu, nhưng giải đãi, cả cuộc đời chẳng thành tựu. Nhưng trong thế gian, trong cuộc đời bận rộn điên đảo mộng tưởng, thật nhiều Phật tử tại gia dành chút thời gian thật hẹp hòi nhỏ bé tu tập, vẫn đưa đến sự giác ngộ thật là cao. Bằng chứng, có nhiều Phật tử tại gia đã vãng sanh cực lạc, biết trước ngày giờ chết, lúc chết, giờ chết; và biết bao nhiêu bậc xuất gia, chết nào có hay, biết đi về đâu.

Tóm lại, xuất gia hay tại gia chỉ là phương tiện. Tuỳ vào bạn chọn phương tiện nào. Chẳng mặc định chỉ có xuất gia mới thoát khỏi luân hồi và thành Phật, tại gia không có cửa. Đó là quan niệm sai. Ngày xưa quan niệm sai lắm, ngay cả ngày nay vẫn còn trên cửa miệng nói hoài: “phụ nữ tu là để kiếp sau tái sanh thành thân nam mới tu được”, cho nên coi thường ni.  Các vị tăng coi ni như là “ôi cha…cố gắng tu!…” Cho nên ta vẫn thấy các bậc tôn túc lớn tuổi thường nói với các phụ nữ “cố gắng tu thành thân nam nghe con”. Đó là cứng nhắc trong văn tự. Nếu cố gắng tu thành thân nam mới thành Phật thì mẹ của chúng ta là gì? Mẹ là Phật! Mẹ là thân nữ, là tượng trưng cho tình yêu vô thượng, cao thượng. Phật nói “Mẹ là Phật!”. Nếu nói mẹ là Phật, mẹ là thân nữ thì có chi đâu phải biến thân nữ thành thân nam. Trong kinh Pháp Hoa có phẩm Long Nữ, thời đó mấy ông đệ tử Phật ngồi bàn tán rồi chỉ trích, chê bai phụ nữ là cố gắng tu thành thân nam mới thành Phật, thì cái cô Long Nữ kia, chỉ là một cô bé thôi, đứng dậy, rùng mình cái biến thành thân nam, chớp mắt cái biến thành thân Bồ Tát, thành giác ngộ. Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Long Nữ đã nói lên cái tướng không quyết định mà cái tâm, thật rõ! Cho nên, bạn ơi, đừng mắc kẹt trong khái niệm đó, bởi quan niệm, định nghĩa đó là sai. Bạn ở bất cứ phương tiện nào, hoàn cảnh nào, nếu bạn thu xếp được để tu, bạn đều có cơ hội để thành tựu pháp an lạc, giải thoát đau khổ và sanh tử. Đó là cái nhìn của bậc giác ngộ. Phật khi giác ngộ nhìn thấy và nói rằng “Ta là Phật, chúng sanh đều là Phật sẽ thành”. Trong chữ “chúng sanh” không hề phân biệt là chúng sanh xuất gia hay chúng sanh tại gia – toàn bộ chúng sanh! Đó là cái nhìn của bậc giác ngộ, cái nhìn bình đẳng tánh trí, đã gọi là bình đẳng tánh trí thì người xuất gia hay người tại gia đều bình đẳng tánh trí như nhau, nhưng phương tiện, khung thời gian tu tập khác nhau, sự thành tựu như nhau không khác. Mô Phật!

Câu 7: Thưa thầy, trong việc học và tu thiền của đạo Phật, Đức Phật có nhắc đến việc Văn – Tư – Tu. Khi nghe một điều gì đó, mình suy nghĩ và kiểm chứng về nó, khi đã hiểu rồi thì bắt đầu tu. Trong khi con tiếp nhận giáo pháp của Phật, có những điều do con thiếu kinh nghiệm sống, thiếu trải nghiệm mà con chưa được thực chứng và tin tưởng được. Và khi ấy chỉ có thể tin theo Đức Phật và chư thầy, nhưng thực sự con vẫn còn có những khúc mắc trong lòng và cảm thấy không thoải mái. Nhưng có một số người không cần hiểu nhiều quá, chỉ cần cứ đơn giản lại chứng đắc. Như người sư đệ Bàn-Đặc trong bài “Quét Rác Vườn Tâm” chỉ quét sân chùa mà ngộ được đạo. Còn người sư huynh Châu-lợi-bàn-đà biết quá nhiều lại rơi vào tâm ma. Như vậy thì có cần thắc mắc quá nhiều, hiểu sâu và hiểu rõ để có thể tu không ạ hay chỉ nên đơn giản và chấp nhận những thiếu sót trong sự hiểu biết của mình, dựa vào niềm tin nơi thầy ạ? Vậy con nên làm thế nào ạ? Mô Phật!

Trả lời: Mô Phật! Đức Phật là bậc đại giác đại ngộ, Ngài quán chiếu nhân duyên. Huynh đệ Bàn-Đặc và Châu-lợi-bàn-đà khác biệt nhau, Phật nhận ra sự khác biệt, trao phương tiện. Ông Bàn-Đặc không phải là không tu, mà các pháp môn kia như về Văn- Tư – Tu… Cái con đường đó, Văn – có, Tư duy – có đấy, chứ đừng nói ông không có tư duy, nhưng Văn, kiến văn thì không giỏi bằng người huynh đệ của mình là ông Châu-lợi-bàn-đà, nhưng về tư duy có. Phật chỉ đơn giản hoá cái Văn, tức là cái kiến văn hiểu biết, bằng cách giao cho công việc lấy chổi quét lá để quán chiếu vô thường. Quán chiếu vô thường là tư duy, là tu đó, Văn không nhiều như Tư, Tu – có, tư duy. Cho nên sau khi quét rác, quán chiếu được bốn mùa thay đổi, xuân hạ thu đông, lá xanh, lá vàng, lá rụng, dĩ nhiên ông ta sẽ hỏi “lá ơi lá rụng về đâu, lá tới từ đâu và lá rụng về đâu” – có tư duy. Nhưng không cầu kỳ trong văn tự, và cứ miên mật thực hiện cái pháp quán chiếu tư duy đấy, để rồi trong cái công hạnh tu, hiểu thấu được vô thường trong câu thứ 2 Nam Mô Ta Mô Ta Mô Đa Ra Hoang – quán chiếu vô thường.

Có nhiều phép quán chiếu để nhận ra vô thường như trong hai năm qua, đại dịch quét ngang, nhiều người đã chết. Nhìn vào sự chết, quán chiếu sự chết để nhận ra vô thường, đó là một phương tiện cơ hội để ta thấy. Hiện tại, chiến tranh đang xảy ra giữa Ukraine và Russia , quán chiếu chiến tranh để thấy được đời vô thường, sinh mạng con người vô thường, tánh khí vô thường. Hiểu được đó là tư duy và là tu. Đâu nhất thiết phải đọc rầm rầm rầm rầm kinh sách của Phật nói về vô thường. Nếu bạn là người có trí tuệ và có trí nhớ như ông A-nan, lời gì Phật nói ra ông cũng nhớ, nhưng ít có khi nào tu, cho nên không thành tựu được. Cho đến khi Phật viên tịch rồi, ông mới gắng tu, sau đó mới thành tựu được. Lời Phật chỉ diễn dãi để hiểu và Phật ứng dụng mọi phương tiện ngôn ngữ biến thành cách dạy tùy vào cái duyên của mỗi người, để khơi dậy sự hiểu biết để họ ứng dụng được đưa đến sự thành tựu. Cho nên chúng ta đừng mắc kẹt vào trong cái phương tiện. Kinh là tốt, đọc tất cả các lời Phật dạy trong tất cả các cuốn kinh còn đến ngày hôm nay để hiểu, rất tốt. Nhưng nếu bạn không có cơ hội và điều kiện đọc, thì Đức Phật nói một chữ một câu thôi, ứng dụng cho đúng cũng thành tựu được mà. Thì ông Bàn-Đặc chỉ một chữ là “quét rác” thôi, để quán chiếu vô thường, ông ta đã thành tựu. Nếu bạn nhận ra bạn không có đủ thời gian để chăm chút cho cái kiến văn của mình cho nó vô tận như ông Bàn-đà, thì không nhất thiết vùi đầu vào đó làm điên loạn thần khí để tích luỹ kiến văn như cái thứ để trang trí cho cái kiến thức Phật học của chúng ta. Học Phật quan trọng là giá trị của sự ứng dụng vào đời sống. Mô Phật!

Rồi chúng ta đã chia sẻ xong, hãy hồi hướng công đức. Thưa Phật, sự chia sẻ Phật pháp thứ 17, chúng con đã giữ sự thinh lặng trì mật chú, Đại Bi, Vãng Sanh, Thất Bảo ở trong tâm và chia sẻ với nhau những khúc mắc giản dị trên con đường tu. Nếu công đức có tạo được chút nào, nguyện hồi hướng tới tất cả các vị lãnh đạo các quốc gia trên thế giới để họ bình tâm suy nghĩ sáng suốt, quyết định mọi việc, hướng về sự bảo vệ và phát triển sự hoà bình cho thế giới, ngừng hẳn chiến tranh. Chúng con nguyện xin Chư Phật Mười Phương chứng minh!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn