Dạ con xin Cám ơn thầy 🙏 Thời gian qua theo học, vì cuộc sống con có nhiều phiền não, nhưng cuối cùng con cũng đã vượt qua. Con xin Cám ơn thầy cho chúng con bài học, sửa lỗi và tư duy. Dẫu con có chậm chạp nhưng con vẫn bước đi. Cám ơn thầy tất cả 🙏 luôn lắng nghe chúng con với tâm từ rộng lớn khai mở và yêu thương.
Câu 1: Bảo Thy kính đảnh lễ Thầy, Dạ cho con hỏi, Thầy có bài giảng “Sao Không Đón Nhận”. thì theo như lời Thầy dạy, Đức Phật đã rất an yên và tự tai khi bị bà thứ phi Migazada cho người chửi Đức Phật, và xúc phạm tới Đức Phật rất nhiều. đến như Ngài A Nan còn không chịu nỗi. Nhưng vì đức Phật quán chiếu được đó là nghiệp quả của mình nên rất an yên và mở rộng lòng từ bi để hóa độ. Còn chúng con, trong cuộc sống trong đời còn quá nhiều nghiệp quả nở đan xen, chồng chất, làm sao chúng con phân biệt được đâu là quả của mình để an nhiên mà đón nhận vì đó là nhân mình đã gieo. Làm sao phân biệt đâu là rác người ta đẩy, người ta đổ cho mình để biết mà né tránh khi mà chúng con chưa đủ tỉnh tâm để mà nhận diện ạ. Dạ con cảm ơn Thầy khai thị ạ. Mô Phật.
Câu 2: Thưa Thầy, khi mua vật phóng sanh, tâm lý chung là mọi người sẽ chọn mua những con vật giá thành rẻ để số lượng phóng sanh được nhiều hơn, hoặc là họ sẽ chọn mua những con vật khỏe mạnh để khi thả ra tự nhiên sẽ tăng cơ hội sống, còn những con ốm yếu thì họ không chọn mua. Thưa Thầy, những quan điểm như vậy có đúng và phù hợp với lòng từ bi của Đạo Phật không ạ, xin Thầy khai thị cho chúng con….
Câu 3: Bạn con chơi thân với một người bạn và người bạn đó lấy lý do gặp khó khăn hỏi mượn tiền và cứ năn nỉ nhờ người bạn kia giúp và đến ngày hẹn thì lại lý do này nọ ko chịu trả tiền, cứ khất hoài và rồi im luôn . Như vậy người bạn kia có nên nhờ pháp luật can thiệp giúp không ạ? Trường hợp như vậy, nếu quán chiếu theo nhân quả thì có phải là nợ của kiếp trước không ạ? Và mình sẽ làm thế nào cho phải, xin Thầy khai thị ạ?
Câu 4: Lời Bảo Thi…
Câu 5: Dạ thưa Thầy có phải mình phải Chánh Niệm thì mới có đủ Trí Tuệ để vượt qua được những chướng ngại. Vì Thầy luôn dặn chúng con phải Chánh Niệm trong từng hơi thở, từng hành động của mình. Nhiều lúc Thiền con không thể nào tập trung được mà những dòng cảm xúc cứ chạy trong đầu con. Làm sao để mình có thể tập trung vào Chánh Niệm mà không bị những cảnh giới khác làm phân tâm ạ?
Câu 6: Việc đối đãi với người thân trong gia đình đôi khi không thể hoà nhập và xảy ra nhiều mâu thuẫn tranh cãi. Còn đối với người ngoài đôi khi lại có thể hoà nhập hơn và dễ dàng hơn nhiều. Để ngăn chặn được cái tôi và ngọn lửa sân trong người con cần phải học điều gì ạ thưa Thầy?
Câu 7: Hầu hết tất cả mọi người đều chỉ nhìn thấy sự việc diễn ra trước mắt, rất hiếm ai nhìn thấy được phước báu mình đã tạo, vì phước báu là vô hình không thể nhìn thấy. Vì thế trên con đường tu đạo, nhiều người gặp khó khăn lại từ bỏ vì cho rằng việc tốt mình làm cũng không giúp được gì cho mình lúc khó khăn. Khi đương đầu với những sự việc như vậy phải làm sao để tốt cho mình và cho người ạ. Con xin Thầy khai thị.
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi.
Chúng ta hãy quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Hôm nay ngày đầu năm 2022, tăng thân chùa Xá Lợi, các bạn đồng tu, chúng con một lòng thành kính ngưỡng cầu lên ba ngôi Tam Bảo ban rải tràn đầy hồng ân xuống cho chúng con, và nguyện cho mỗi người chúng con đón nhận được thật nhiều năng lượng tình thương, tha lực Phật điển, thắp sáng trí tuệ để nhận thấu được vạn pháp trong cuộc đời là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con nguyện xin Chư Phật gia trì cho thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch, cho cõi nhân sinh này đau khổ được thuyên giảm, bệnh tật được tiêu trừ và thân tâm thường an lạc. Một lòng chúng con nghĩ tới Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, người thân đã quá vãng, nguyện xin Chư Phật phóng hào quang giác ngộ, tiếp dẫn để chư vị theo thiện nghiệp của mình mà tái sanh cảnh thiện lành. Chúng ta hãy cùng nhau trì niệm hồng danh Chư Phật, Đại Bi Chú, Vãng Sanh và Thất Bảo.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! (03 lần)
Chú Đại Bi (01 biến):
Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát. (03 lần)
Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm đà la ni, nam-mô hắc ra đát na, đá ra dạ da. Nam-mô a rị da, bà lô yết-đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da. Ma-ha-tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa. Nam-mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da bà lô Yết-đế, thất Phật ra lăng đà bà. Nam-mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà đà, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, câu lô câu lô kiết mông, độ lô độ lô phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Ma mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê y hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá ra, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì, địa rị sắc ni na, ba dạ ma na ta-bà ha, tất đà dạ ta-bà ha. Ma ha tất đà dạ ta-bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì ta-bà ha. Ma ra na ra ta-bà ha. Tất ra tăng a mục khư da, ta-bà ha. Ta-bà ma ha, a tất đà dạ ta-bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ ta-bà ha. Ba đà ma kiết tất đà dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì bàn dà ra dạ ta-bà ha. Ma bà rị thắng yết ra dạ, ta-bà ha. Nam-mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam-mô a rị da bà lô Yết-đế thước bàn ra dạ, ta-bà ha.
Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt sà rạ ta bà ha. (03 lần)
Chú Vãng Sanh (03 biến):
Nam mô A Di Đa bà dạ
Ða tha dà đa dạ
Ða điệt dạ tha
A Di rị đô bà tỳ
A Di rị đa tất đam bà tỳ
A Di rị đa tỳ ca lan đế
A Di rị đa tỳ ca lan đa
Dà di nị, dà dà na
Chỉ đa ca lệ ta bà ha.
Thất Bảo Huyền Môn (01 biến):
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Ma Sa Ốp Uê.
Sa Bi Mô U.
Sa U Sa U Ba Thê Um.
NamMô SaKa PuốtTê, NamMô SaKa PuốtTê.
Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.
CHÚC MỪNG NĂM MỚI!
Mô Phật! Các bạn thân mến, hôm nay ngày đầu năm, năm con cọp, năm này dũng mãnh dữ lắm, Tăng thân chùa Xá Lợi, tại tổ đình chùa Xá Lợi – tiểu bang Maryland gửi lời chúc mừng đầu năm tới với tất cả các bạn đồng tu cũng như thân hữu trong cộng đồng xa gần. Nguyện xin Chư Phật mười phương ban rải năng lượng của tình thương và tha lực Phật điển linh diệu xuống cõi trần gian này để đại dịch Covid mau được chuyển hóa, lòng người được bình an, thế giới được hòa bình. Cũng nguyện cầu cho tất cả quý ông bà, các đấng bậc sinh thành tăng long phước thọ, sống miên trường với đức hạnh để có thể truyền lại đại hồng đại phúc cho con cháu. Nguyện cho tất cả những ai đang bị bệnh có đầy đủ phước báu gặp thầy, gặp thuốc, bệnh tật tiêu trừ. Nguyện cho những ai đang đau khổ nhận rõ được các pháp trong cõi trần gian này là Vô Thường, biết buông bỏ để trở về với cội nguồn của chân tâm, sống hạnh phúc hơn trong năm mới. Nguyện cho tất cả các trẻ thơ mau lớn trong sự giáo dục của ông bà cha mẹ, một nền giáo dục Phật Đà đức hạnh để trưởng thành trong cái chân lý hiểu thấu được nhân quả, lìa xa cõi đau khổ và luôn thành tựu được sự an vui trong cuộc sống, hiếu đạo với ông bà cha mẹ. Nguyện cho người người, nguyện cho tất cả mọi chúng ta yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào với sự tỉnh giác của Chư Phật, hiểu thấu được cái tánh Phật tinh tuyền trong suốt vốn có nơi chúng ta và chuyển hóa được tất cả mọi phiền não, đau khổ, không còn sợ hãi trong cuộc sống, và biết mở rộng vòng tay bao dung, yêu thương và tha thứ lẫn nhau.
Hôm nay ngày đầu xuân tây lịch, tại chánh điện tổ đình chùa Xá Lợi, thành phố Buckeystown, tiểu bang Maryland, Mỹ Quốc. Chúng ta gặp nhau qua kênh Youtube và Facebook của Chùa Xá Lợi đồng tu trong ngày đầu năm với chương trình Tham Vấn Phật Pháp số 15. Có lẽ chúng ta có vài câu hỏi để cùng gợi ý cho nhau trên con đường tu và các bạn có thể tùy tâm gửi lời chúc tết cho nhau những ngày đầu hồi hướng công đức, khởi nguồn yêu thương và thắp sáng tuệ giác của mình.
Mô Phật! Giờ đây Bảo Thành xin được lắng nghe.
Phật tử Bảo Nghy: Mô Phật! Bảo Nghy kính đảnh lễ sư phụ, quý thầy, quý sư cô, kính chào toàn thể chư vị đồng tu. Lời đầu năm con xin kính gửi đến quý thầy, quý sư cô những lời chúc tốt đẹp nhất cho năm 2022 không những cho chính chúng ta mà còn dẫn dắt cho toàn bộ chúng con, các anh chị em Phật tử đi theo những con đường tốt đẹp nhất và đem đến nhiều điều lợi ích nhất cho tất cả mọi người. Con xin gửi lời của bạn Vân Dương gửi đến cho Thầy, thay vì câu hỏi thì hôm nay bạn Vân Dương gửi đến một lời cảm ơn. Con cũng xin mượn lời cảm ơn đó, thay mặt cho tất cả chúng con để gửi đến thầy.
Dạ con xin Cám ơn thầy! Thời gian qua theo học, tuy cuộc sống con có nhiều phiền não, nhưng cuối cùng con cũng đã vượt qua. Con xin cám ơn thầy cho chúng con bài học, sửa lỗi và tư duy. Dẫu con có chậm chạp nhưng con vẫn bước đi. Cám ơn thầy vì tất cả, luôn lắng nghe chúng con với tâm từ rộng lớn khai mở và yêu thương.
Mô Phật! Cảm ơn bạn Vân Dương đã thay mặt chúng con gửi đến lời cảm ơn đầu tiên với thầy.
Câu 1: Dạ cho con hỏi, Thầy có bài giảng “Sao Không Đón Nhận” thì theo như lời Thầy dạy, Đức Phật đã rất an yên và tự tại khi bị bà thứ phi Màgandiyà cho người chửi Đức Phật, và xúc phạm tới Đức Phật rất nhiều. Đến như Ngài A Nan còn không chịu nổi. Nhưng vì Đức Phật quán chiếu được đó là nghiệp quả của mình nên rất an yên và mở rộng lòng Từ Bi để hóa độ. Còn chúng con, trong cuộc sống, cuộc đời còn quá nhiều nghiệp quả nở đan xen, chồng chất, làm sao chúng con phân biệt được đâu là quả của mình do nhân mình đã gieo để an nhiên mà đón nhận. Làm sao phân biệt đâu là rác người ta đẩy, người ta đổ cho mình để biết mà né tránh khi mà chúng con chưa đủ tĩnh tâm để mà nhận diện ạ. Dạ con cảm ơn Thầy khai thị ạ. Mô Phật!
Trả lời: Mô Phật! Trong pháp môn Thiền Mật Song Tu, mật ngôn số 1 “Mu A Mu Sa” là khơi nguồn Từ Bi, yêu thương vô tận. Và để đánh thức được cái nguồn Từ Bi yêu thương vô tận đó, chúng ta cần nương vào hùng lực của mười phương Chư Phật. Phận kiếp con người chúng ta có thật nhiều những năng lượng bất tịnh bởi những cái ác nghiệp nhiều đời chúng ta đã tạo ra, như ngoi ở dưới sình ngoi lên cần một cái lực thật là lớn, đôi khi đuối sức cần người ở bên trên giúp đỡ kéo lên, và rồi khi lên rồi, ta phải tự gội rửa, tắm rửa cho sạch sẽ những cái bùn lầy dính vào trong chúng ta. Đức Phật như một người mẹ lúc nào cũng sẵn sàng cận kề với mỗi người. Ngài có cái nước tuyệt đối thanh tịnh, đó là nước Từ Bi, nước cam lồ luôn luôn ban rải xuống cho chúng ta. Thực tập Thiền Mật Song Tu, quán chiếu Thất Bảo Huyền Môn mật ngôn số 1 là để đánh thức và khơi nguồn cho một sự sống vốn có ở trong chúng ta tràn đầy cái chất, chất đó là chất Từ Bi và yêu thương.
Những cái nghiệp chồng chéo từ đời này qua đời kia giữa ta và muôn người để rồi đôi khi người ta tới, người ta xả rác vào cuộc đời của ta hoặc thậm chí có những duyên nghiệp tốt người ta tới người ta hiến tặng những món đồ quý cho chúng ta. Nhưng hầu hết là chúng ta rất vui mừng đón nhận những cái điều tặng tốt đẹp, còn sự rác rưởi xả vào ta không biết đón nhận. Thường là nghĩ vì người ta, có khi nào nghĩ rằng vì ta có cái tấm lòng rộng lượng và đủ cái năng lực chuyển hóa, nói đúng hơn chúng ta có thể là một bãi rác lớn để cho người ta xả rác vào. Ở Việt Nam ngày nay đã có rồi, những cái bãi rác thật là lớn, và rác mỗi một ngày thâu lượm đổ vào đó thật là nhiều. Rác đó từ đâu? Từ mỗi người chúng ta xả ra. Trong cái quy luật tốt và xấu, thiện và ác lẫn lộn ở cái cõi Ta Bà này, có rác xả ra và tất nhiên ta vẫn có cái sự đón nhận tốt đẹp vào. Nhìn vào đống rác mỗi ngày ta xả ra là nhìn vào biết bao nhiêu tốt đẹp ta đã hấp thụ được từ chỗ đó mà xả ra rác. Nhưng vẫn có đống rác. Rác rưởi ngày nay người ta đã có hệ thống tái tạo sử dụng trở lại, cho nên nó cứ xoay vần xoay vần, từ tốt thành rác, từ rác lại trở thành tốt, tái sử dụng. Đó là những hình ảnh chúng ta thấy được cái sự luân hồi, tức là vòng quanh của cái tốt, cái xấu lẫn lộn trong kiếp người mà nhiều kiếp rồi ta và muôn người đã tạo cho nhau, lẫn lộn như thế. Nếu chúng ta không tu và quán chiếu thật kỹ, thì chúng ta khó có thể thẩm định được và thông thường dễ bị đau đớn và tăng trưởng cái cảm thọ phiền muộn, khó chịu.
Vậy nên trong mật ngôn số 1 Mu A Mu Sa gắn kết với cái sự nhiệm màu, thánh đức của Mẹ Hiền Quan Âm để mỗi người phát triển cái năng lực yêu thương như người mẹ. Những ai là mẹ đều hiểu thấu, còn nếu chúng ta không hiểu thấu thì là con, ta có mẹ, quán chiếu ta đều thấy người mẹ của chúng ta luôn luôn yêu thương con của mình trên từng bước đi vào trường học, vào trường đời để học hỏi kiến thức làm người và kiến thức của thánh nhân. Đứa con đó luôn luôn phạm lỗi, mẹ luôn luôn tha thứ. Vì sao? Vì mẹ yêu thương chúng ta. Nhớ về thuở bé, thuở bé mà mới sinh ra lúc 1 cho tới vài tuổi, chúng ta đôi khi nghịch ngợm hoặc là không tự chủ được những vấn đề vệ sinh, ăn uống dơ dáy, bẩn thỉu lắm. Nhưng đối với người mẹ, con mắt của mẹ không nhìn thấy sự dơ dáy, bẩn thỉu ấy, mà mẹ luôn luôn nhìn thấy một thiên thần trong sáng, thanh tịnh đang nằm ở đó. Và muôn sự chúng ta thải ra hoặc chúng ta nghịch ngợm, chúng ta dơ dáy bẩn thỉu, tình yêu của mẹ đã giúp cho mẹ không nhìn thấy những sự dơ dáy đó. Tình yêu thương lớn như vậy, mẹ sẵn sàng dọn dẹp, lau chùi, rửa ráy để cho đứa con lúc nào cũng thơm tho mùi yêu thương.
Chúng ta trong cuộc đời, rác rưởi do nhiều cái ác nghiệp mà tạo ra từ muôn kiếp trước nay trổ quả trở về với chúng ta, chẳng cần phải truy ra cái cội nguồn ai đúng ai sai, cũng như người mẹ không bao giờ truy ra cái cội nguồn con vì làm sao. Chỉ cần yêu thương, dọn dẹp, tẩy rửa, tắm rửa, vậy thôi! Chúng ta hãy nương vào tình yêu thương của Mẹ Hiền Quan Thế Âm, quán chiếu thiền quán Từ Bi mật ngôn “Mu A Mu Sa” cho tới khi tăng trưởng, gắn kết được với Mẹ Hiền Quan Âm thì mọi cái sự ưu phiền trong cuộc sống, rác rưởi của người đời đổ vào chúng ta, chúng ta có được cái năng lượng yêu thương thật lớn đó, có thể gội rửa, chuyển hóa. Gội rửa, chuyển hóa bằng cái tâm hoan hỷ và từ trong rác rưởi người đời đổ vào chúng ta, ta lại xả ra không dính mắc nhưng luôn khởi nguồn yêu thương, quán chiếu bằng tâm Từ Bi yêu thương vậy thôi. Và như thế, năng lượng yêu thương của Mẹ Hiền Quan Âm và Chư Phật gắn kết với chúng ta, giúp cho chúng ta có cái năng lượng để chuyển hóa và đẩy lùi đi những phiền ưu kia. Cho nên các bạn nhớ chú tâm quán chiếu mật ngôn “Mu A Mu Sa” thật nhiều sẽ tăng trưởng, tăng trưởng để rồi các bạn nhớ chúng ta không cần thiết phải truy cùng đuổi tận cho ra gốc, cội nguồn của cái nguyên cớ sao họ chửi chúng ta, họ xả rác với chúng ta. Chỉ cần mang tình yêu thương, bao dung và tha thứ thì tự nhiên bạn sẽ trở thành một người luôn được hoan hỷ và tràn đầy phước báu.
Trở lại câu hỏi là làm sao thì Bảo Thành chỉ trả lời đừng cần truy tìm tông tích, mà chỉ cần khởi nguồn Từ Bi “Mu A Mu Sa”, vậy là đã đủ, như người mẹ không bao giờ truy tìm những điều gì từ người con mà chỉ cần rải lòng yêu thương, chăm sóc, che chở và tắm rửa cho con. Chúng ta hãy tắm rửa cho tất cả mọi người xả rác vào chúng ta bằng tâm Từ Bi Mu A Mu Sa như người mẹ tận tụy yêu thương suốt cuộc đời đối với các người con. Chúng ta phát triển được cái tâm yêu thương đối với tất cả mọi chúng sanh và thực hành cho đúng thì mọi sự rác rưởi của người mang tới xả vào cuộc đời của chúng ta, chúng ta là những nhà giám đốc tuyệt vời, quản lý cả một cái sở rác. Nếu không có sở rác trong cuộc đời này, rác rưởi ta xả ra sẽ bỏ đâu? Nếu không có những sở rác từ những con người phát tâm bồ tát như chúng ta và như tất cả mọi người thì sự bất an, sự đau khổ, sự rác rưởi từ những cảm xúc của người khác biết đổ ra đâu và vào đâu để cho họ được nhẹ nhàng. Cho nên đón nhận rác rưởi của người khác bằng tâm Từ Bi cũng là hạnh Bồ Tát, là một pháp tu để cho chúng ta chứng đắc được cảnh giới Niết Bàn an vui và tịnh tĩnh ngay ở kiếp này. Cố gắng hít vào thở ra thật nhẹ, trì mật âm “Mu A Mu Sa”, quán chiếu đến Mẹ Hiền Quan Âm và gương mẫu của người mẹ để chúng ta thấy rằng chỉ có tình yêu và sự tha thứ sẽ làm cho mọi rác rưởi của cuộc đời biến thành hương hoa, thậm chí còn trở thành trầm hương cúng dường lên mười phương Chư Phật. Mô Phật!
Câu 2: Thưa Thầy, khi mua vật phóng sanh, tâm lý chung là mọi người sẽ chọn mua những con vật giá thành rẻ để số lượng phóng sanh được nhiều hơn, hoặc là họ sẽ chọn mua những con vật khỏe mạnh để khi thả ra tự nhiên sẽ tăng cơ hội sống, còn những con ốm yếu thì họ không chọn mua. Thưa Thầy, những quan điểm như vậy có đúng và phù hợp với lòng Từ Bi của Đạo Phật không ạ, xin Thầy khai thị cho chúng con. Dạ Mô Phật!
Trả lời: Mô Phật! Trên con đường tu, Bảo Thành và các bạn thường bị kẹt vào cái chỗ có đúng với Phật pháp hay không. Điều đó đôi khi là nó nâng cấp để chúng ta trở thành một ông tòa án phán xét người đó đúng, người kia sai mà không có sự chủ động để đi làm, chỉ phán xét người đúng người sai thôi. Thật ra trong nhà Phật gọi là tùy duyên. Tùy duyên ở đây có nghĩa là tùy vào căn cơ, nhận thức và tầm hiểu biết về Phật pháp, hoặc cách hiểu biết về cái chân lý qua sự hướng dẫn của ai đó phù hợp với nhân duyên và họ bắt đầu thực hiện từ cái chỗ đó đã là đủ. Nếu một người khởi cái tâm phóng sanh mà tâm niệm của họ lúc đó là chỉ lựa những loại thật là rẻ tiền thì đó là điểm khởi đầu của họ, chẳng sai cũng chẳng đúng mà chỉ là cái chỗ khởi đầu cho sự thực tập pháp phóng sanh. Nếu chúng ta chỉ dừng ở đó thôi, và nếu chúng ta nhìn thấy ngay chỗ đó, chúng ta hồi hướng cho họ để họ học hỏi thêm, thực tập thêm để tăng trưởng cái lòng Từ Bi mà biết phóng sanh đúng ý nghĩa hơn, nhưng đừng vội vàng chấp vào chỗ đó, phán xét người ta hành pháp phóng sanh không đúng, ta tạo nghiệp cho ta. Và nếu chúng ta kìm không được, chúng ta nói vào nói ra, chúng ta sẽ làm cho họ thất thối cái tâm bởi dễ bị tự ái khi chúng ta chưa khéo ăn khéo nói để khuyến tấn họ để thực hiện cái pháp phóng sanh.
Có những con người lựa những con vật rẻ tiền, những con vật khỏe mạnh, không lựa cái con yếu đuối sắp chết hoặc là mắc, đó là nhân duyên của họ hết. Tùy theo cái nhân duyên khởi tâm của họ mà chúng ta hoan hỷ hồi hướng để cho người đó mỗi một ngày tăng trưởng hơn sự nhận định đúng chân giá trị của pháp bố thí và làm một cách không miễn cưỡng, khởi từ tâm Từ và yêu thương để khi phóng sanh chẳng lựa chọn con khỏe, con rẻ tiền mà sẵn sàng phóng sanh với cái nhân duyên phù hợp khi tiếp cận với các loài thú cần phải phóng sanh. Đó là nói sự phóng sanh cho các loài đang sắp sửa bị chết, dù khỏe hay yếu, dù mắc hay rẻ thì tùy tâm. Có những người người ta có ít tiền thì đôi khi nghĩ rất gọn gàng như con người, ít tiền mà mua một con mắc quá, được một con thôi, họ cũng so sánh chút xíu và rồi họ mua những con nhỏ để rẻ tiền. Điều đó cũng không có gì sai, bởi vì đó là phù hợp với nhân duyên, suy nghĩ của họ ngay lúc đó. Ta chỉ cần hồi hướng cho họ, mai mốt họ phát triển được cái tâm Từ Bi thực sự, hiểu thấu cái pháp bố thí rồi thì họ tùy duyên gặp cái cảnh nào, gặp chúng sanh nào thì liền tỏ lòng Từ Bi và thực hiện pháp phóng sanh mà không chấp trược, dính mắc vào tài chánh, dính mắc vào cái sự lựa chọn riêng tư của mình. Hãy để cho họ có cơ hội phát triển và tu tập, thực hiện một cách hoàn mỹ hơn mỗi một ngày. Đừng vội vàng thúc ép mọi người phải y như khuôn mẫu mà họ làm một cách miễn cưỡng. Nương theo cái sự phát tâm của họ và dắt dìu họ tiến lên cũng như người mẹ nương theo sự phát triển của người con, và dần dần mớm và hướng dẫn cho người con trưởng thành hơn mỗi một ngày.
Nói cho đúng pháp bố thí, chỉ cần khởi tâm yêu thương, chẳng dính mắc, và khi gặp đến chuyện cần phải phóng sanh, đó cũng là hạnh bố thí. Chúng ta có nhiều thì bố thí nhiều để phóng sanh, chúng ta có ít thì bố thí ít để phóng sanh. Và tùy cơ, tùy thời, tùy lúc mà chúng ta phóng sanh phù hợp với hoàn cảnh đó. Cái tâm không dính mắc sẽ tạo được phước báu thật là nhiều, cái tâm có dính mắc cũng tạo được phước báu nhiều. Nhiều hay ít chính là bởi vì cái chỗ mà ta có sẵn sàng đón nhận, đón nhận bằng cái tâm khởi nguồn yêu thương hay không, chẳng phải bởi vì hành động. Cho nên cái hành động là một hành động rất cụ thể, nhưng cái tâm như Đức Phật dạy là chúng ta phải tác ý như Pháp, khi phóng sanh ta phải tác ý như Pháp từ bi yêu thương. Nhưng con đường đó là con đường cần huân tu và thực tập. Vậy nên để cho đúng pháp bố thí, hãy cho mọi người có cơ hội thực hiện, thực hành và tu tập từ từ, đừng vội thúc ép đúng khuôn đúng mẫu để rồi làm cho người khác khó chịu, thất thối cái tâm phóng sanh của họ. Cho nên người đã phóng sanh rồi thì tùy thời tùy cơ, chẳng chấp vào những chuyện gì hết, họ làm được phần nào hãy sách tấn họ tiếp tục làm, cho đến khi họ có thể tiến lên. Tránh cái chỗ dính mắc ở chỗ đó để tâm của chúng ta cũng được cởi bỏ và thoải mái hơn. Có nghĩa là hãy hằng thuận mọi cái duyên khởi từ chúng sanh và hãy sách tấn nhau thực hiện hạnh phóng sanh với những điều kiện, căn cơ, nghiệp thức của từng người. Mô Phật!
Câu 3: Bạn con chơi thân với một người bạn và người bạn đó lấy lý do gặp khó khăn hỏi mượn tiền và cứ năn nỉ nhờ người bạn kia giúp và đến ngày hẹn thì lại lý do này nọ ko chịu trả tiền, cứ khất hoài và rồi im luôn. Như vậy người bạn kia có nên nhờ pháp luật can thiệp giúp không ạ? Trường hợp như vậy, nếu quán chiếu theo nhân quả thì có phải là nợ của kiếp trước không ạ? Và mình sẽ làm thế nào cho phải? Xin Thầy khai thị ạ. Mô Phật!
Trả lời: Chúng ta thật sự có cái nghiệp nợ của kiếp trước, nợ đó là nợ ân nợ tình, nợ đó là nợ với Chư Phật, chúng ta tu và trong kiếp này chúng ta khởi tâm từ bi khi gặp những người khó khăn. Đôi khi chúng ta cho một người bạn mượn tiền chẳng phải là chúng ta nợ đâu, mà chúng ta đã học được cái pháp thương yêu con người bần cùng, khó khăn trong lúc đó. Và chính vì nghe người ta khó khăn, gian khổ, kẹt, mà chúng ta tỏ lòng yêu thương cho họ mượn. Sau rồi cũng vì nhiều lý do, họ khất riết, khất riết, một ngày, một tháng, một năm, đôi khi hai ba năm, đôi khi cả một đời sẽ không bao giờ trả lại được.
Đứng trên cái góc độ sòng phẳng của xã hội, công bằng của xã hội, nếu là một món tiền thật lớn chúng ta cho nhau mượn trong lúc khó khăn, có giấy tờ đầy đủ rõ ràng, đúng thời hạn người kia phải trả. Và nếu như người ta không trả, khất hoài, khất hoài thì người ta đã đánh mất đi cái uy tín và đã phạm vào cái công bằng trong xã hội. Và đó cũng là cái hậu quả họ chưa nhìn thấu nhân quả. Theo như suy nghĩ, nhiều lần đã hỏi, giấy tờ đầy đủ hoặc có đầy đủ dữ liệu chứng minh được người kia mượn tiền hoặc là mượn tài sản của chúng ta một khối thật lớn theo như hiệp ước chung nơi lúc đầu họ cần sự giúp đỡ và vì tình yêu thương ta giúp đỡ họ mà họ không trả, thì có lẽ để theo cái công bằng của xã hội, chúng ta nên nhờ vào pháp luật để can thiệp. Cũng công bằng nhưng đừng vì lòng hận thù, chỉ vì sự công bằng nhờ vào pháp luật can thiệp. Nhưng nếu vì hận thù, vì tức giận, ta nhờ pháp luật can thiệp thì chúng ta không hay, sẽ tổn phước. Nhưng chỉ vì sự công bằng, nhắc nhở họ nhiều lần sẽ phải tới giai đoạn đó, thì sự công bằng đó ta nhờ vào pháp luật là chuyện hiển nhiên, không có gì sai. Nhưng đừng để dính vào sự căm phẫn, bực bội, căm thù, để cho cái tâm sân của chúng ta trỗi dậy.
Còn đối với những cái sự mượn mà ta có thể du di bỏ qua được thì đó cũng là một phần chúng ta quán chiếu nhân cái việc đó mà khởi tâm Từ yêu thương, tạo cái nền tảng cho tâm Từ phát triển, có thể tha thứ cho người đó. Tùy vào cái hoàn cảnh, tùy vào cái thời và từng con người để chúng ta có thể khởi tâm yêu thương theo những cái phương hướng nào tốt đẹp nhất để giúp cho người và giúp cho chúng ta thành tựu được sự an lạc. Đôi khi một người cứ mượn hoài không trả, nếu ta không dùng tới pháp luật, họ lại tiếp tục dùng cái chiêu trò đó để mượn được nhiều từ những người khác. Như vậy là vì không đưa họ ra pháp luật, chúng ta có thể đã tiếp tay cho họ nghĩ sai và hiểu lầm để tiếp tục dùng chiêu trò đó đi lừa gạt hoặc làm cho những người khác bị phiền não. Do vậy mà chúng ta cần phải suy nghĩ kỹ từng trường hợp để ứng dụng cho pháp luật hiện tại nơi ta ở can thiệp vào, hoặc là không, tùy theo cái mức độ nghiêm trọng của sự việc.
Nói về nhân quả, tất cả mọi sự tương tác giữa con người và con người đều là nhân quả, nhân quả ác hoặc nhân quả thiện. Nhân quả do ta thiếu nợ họ hoặc nhân quả do ta phát triển tâm Từ Bi vì tình yêu thương. Cho nên nếu họ mượn ta mà ta cho họ mượn, đôi khi đó là cái nhân quả vì ta đang thực hiện tâm Từ Bi và vốn trong ta đã có lòng thương người, cho nên khi họ tới, ta thương người ta cho mượn. Nếu quán chiếu sâu hơn trong cái tình thương đó vẫn có cái nợ, nợ ân tình của người xưa, của kiếp trước mà nay cái tâm tình đó ta thật dễ dàng cho họ mượn. Cho nên quán chiếu ở chiều sâu hay chiều nông thì chúng ta không nhất thiết phải đi sâu vào trong đó, chỉ cần tùy thời phù hợp. Nếu cần can thiệp của pháp luật để ngăn ngừa cái người kia tiếp tục dùng cái chiêu trò đó gây đau khổ cho nhiều người và thể hiện sự công bằng, ta nên nhờ vào pháp luật. Còn nếu người đó chỉ một lần phạm tới chúng ta và chỉ có chúng ta thôi, và cái món nợ đó không gọi là quá lớn để làm cho chúng ta bị tổn hại, chúng ta có thể tạo cơ hội cho người đó hoàn trả lại từ từ. Nhưng nếu đó là một món quá lớn mà người đó quyết định không trả, dùng đủ mọi chiêu trò và chúng ta có đầy đủ mọi thông tin dữ liệu giữa cái hiệp định, hiệp ước của hai người, chúng ta nên nhờ pháp luật can thiệp, bởi đó cũng là sự rất công bằng theo cái luật. Mô Phật!
Câu 4: Dạ Mô Phật! Như theo Thầy dạy, tu là mình hành Thập Thiện và giữ Ngũ Giới, nhưng trong hiện tại có rất nhiều người nghĩ rằng mình đi làm từ thiện, đi phóng sanh nhiều là đủ, còn việc hành Thập Thiện hay giữ Ngũ Giới thì họ không nghĩ là mình nên quán chiếu, tham sân si thì họ vẫn còn, nó vẫn vận hành mỗi ngày. Qua hành vi và cảm xúc, đôi lúc họ nhân danh cái sự tử tế mà họ làm những việc trái đạo người, trái đạo trời, rồi họ cho đó là cái nghiệp mà họ phải làm nên họ làm như vậy. Rồi nói là mình đi làm từ thiện, đi phóng sanh nhiều lắm, cho nên như vậy là đủ rồi, đủ giải nghiệp rồi nên không sao. Và họ luôn tỏ ra rất tự tin, tự tại với hành vi không tốt của mình. Đối với những con người có tư duy như vậy thì mình nên thuyết phục họ như thế nào cho phải đạo thưa thầy. Dạ Mô Phật!
Trả lời: Mô Phật! Nếu mình đã có một đứa con rồi, hoặc nhiều đứa con mình nuôi, mình thấy rằng mình luôn luôn cho con mình học rất từ từ và tiến lên. Đôi khi nhìn thấy con cái của mình sai – sai với quan niệm của mình, mà đúng – đúng với hiểu biết của chúng. Như câu số 2 được trả lời, đó là tùy duyên của họ và khả năng hiểu biết của họ về Phật pháp. Họ đang hành như vậy, ta thấy họ hành chưa tròn, chưa đủ, chưa đúng với ý nghĩa cũng không sao, miễn là họ đã khởi tâm phóng sanh, làm việc từ thiện là tốt rồi. Còn vì mục đích gì và họ tự hào về điều đó hay không không quan trọng đâu. Chúng ta đừng dính mắc vào là phải làm sao để thay đổi họ, để hướng dẫn cho họ hoàn hảo hơn. Hãy để cho họ thực tập cái bước đầu tiên đấy cho đủ. Cái nhân duyên đủ lớn thì họ sẽ thay đổi, họ sẽ có đầy đủ kiến thức hơn.
Ai trong những bước đầu học Phật cũng có một chỗ dính mắc vào để tự hào về những điều mình làm như từ thiện, như phóng sanh, như là công phu tu tập… Không sao! Ngài Phổ Hiền dạy “Hằng thuận chúng sanh” – chúng sanh tính khí đang như vậy, căn cơ đang như vậy, hằng thuận với chúng sanh ở ngay cái mức đó để đồng hành với họ. Lấy đời sống mẫu mực, lấy đời sống thực hiện đúng Thập Thiện, giữ Ngũ Giới, lấy đời sống thực hiện đúng Phật pháp của chúng ta như ánh sáng để soi vào họ mà không cần nói với họ, đây gọi là thân giáo, để qua đời sống của chúng ta nó phản ảnh trung thực và rõ nét hơn. Từ đó, họ có thể thấy được sự khác biệt khi đồng hành với chúng ta, mà ta không chấp, không dính, không chạm đến họ, họ dần dần họ sẽ nhận thức và thay đổi. Người xưa gọi là “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng,”. Nếu họ đang làm ở mức độ đó chưa hoàn hảo đâu, mà tâm ta sân, ta giận thì họ lại “gần mực” rồi, họ sẽ bị “đen”, họ sẽ sân giận. Nhưng nếu chúng ta có một thân giáo, tức là thực hiện đúng rồi, thì ta như “bóng đèn” mà ta sẵn sàng đồng hành với họ, họ được ở gần gũi với sự sáng bởi do cái thân giáo – tức là sự thực tập của ta tốt đẹp hơn, họ sẽ ảnh hưởng cái điều đó và dần dần họ sẽ thay đổi.
Nhưng chúng ta thường bị dính mắc vào cái chỗ hay nói, thấy họ sai mình muốn hướng dẫn, thấy họ thực hành chưa đúng mình muốn dạy dỗ. Cái tốt nhất là chúng ta hãy nhớ Đức Phật ngoài vấn đề dạy, Ngài có một đời sống thân giáo rất mẫu mực, một đời sống mô phạm. Chúng ta hãy sống một đời sống thân giáo và gương mẫu để cho những ai đang khởi những tạo tác từ thiện, sống đạo, bố thí, phóng sanh dựa trên những nền tảng kiến thức của họ mà ta không phân biệt, được đồng hành để nương vào cái sự thực tập tốt đẹp của ta, họ ảnh hưởng và thay đổi theo. Như vậy tốt hơn là phương pháp ta cứ luôn luôn hướng dẫn cho họ, tìm cách thay đổi họ bằng cách mang ý nghĩa dạy dỗ họ. Con người dễ bị chạm tự ái, và từ đó họ không làm những việc đó, coi chừng vô tình vì ý tưởng tốt mà hành động không phù hợp, chạm tự ái, họ sẽ từ bỏ con đường đó. Cho nên, Bảo Thành khuyên, hãy noi gương Đức Phật, sống một đời sống mô phạm, sống đúng thân giáo, tức là lấy cái đời sống của mình là bài giáo pháp để cho họ nương vào ánh sáng đức hạnh của chúng ta mà họ có thể tăng trưởng kiến thức cũng như những sự thực hành về Phật pháp trong đời sống của họ. Mô Phật!
Câu 5: Dạ thưa Thầy có phải mình phải Chánh Niệm thì mới có đủ Trí Tuệ để vượt qua được những chướng ngại. Vì Thầy luôn dặn chúng con phải Chánh Niệm trong từng hơi thở, từng hành động của mình. Nhiều lúc thiền con không thể nào tập trung được và những dòng cảm xúc cứ chạy trong đầu con. Làm sao để mình có thể tập trung vào Chánh Niệm mà không bị những cảnh giới khác làm phân tâm ạ?
Trả lời: Như dòng sông nước chảy khi lũ, khi lụt, rác rưởi nó xuống dòng sông vẫn bị đục, nhưng sông vẫn chảy, nó không vì đục mà nó dừng lại, nó cứ chảy. Và cái dòng luân lưu của dòng sông, dòng nước đó nó chảy dần, chảy dần, nó gạn lọc và rác rưởi, sự dơ bẩn sẽ lắng xuống, nó sẽ trong sạch. Cái tâm của con người luôn luôn khởi tới tất cả mọi suy nghĩ, không những từ cuộc sống này mà cả nhiều kiếp tích lũy ở bên trong trong cái tưởng thức luôn luôn phát ra. Chỉ cần giữ Chánh Niệm tức là giữ cho cái dòng chảy của tâm thức mình luôn trong suốt, nương vào cái hơi thở đó, và theo dòng chảy của hơi thở, cái tâm định ở trong đó cứ như vậy mà đi thì muôn rác rưởi, tức là nhiều tư tưởng, suy nghĩ khác nó tràn về, chúng ta cứ để nó chảy vào cùng với hơi thở chánh niệm đó, sau một thời gian thì tự nhiên nó hòa nhập thì nó tan biến và nó trong suốt. Không cần phải gượng ép dùng sức để chặn đứng mọi cái tư tưởng nó khởi ra hoặc nó khởi dậy khi chúng ta Chánh Niệm hơi thở. Chỉ cần cứ tiếp tục cho phép những tư tưởng đó nó tuôn ra, mà ta phải luôn luôn nương vào, hít vào, thở ra, trì mật chú “Mu A Mu Sa”, tức là quán chiếu tâm Từ Bi.
Tâm Từ Bi Mu A Mu Sa có nghĩa là ta không có phân biệt những tư tưởng tốt và tư tưởng xấu khi nó khởi lên ở trong tâm của chúng ta, mà chúng ta chỉ cần nương vào hơi thở Chánh Niệm, giữ Chánh Niệm, hít vào – biết hít vào, thở ra –biết thở ra, trì mật ngôn “Mu A Mu Sa” biết tâm Từ Bi. Chỉ có vậy, dùng tâm Từ Bi rải xuống mọi tư tưởng khởi nguồn ở trong ta dù trong hay đục, cứ nương vào hơi thở Chánh Niệm đó, từ từ chúng ta sẽ có nội lực và sức mạnh để chuyển hóa mọi tư tưởng đó từ dơ thành sạch, từ xấu thành tốt, từ ác thành thiện. Đó gọi là chuyển hóa thân tâm. Mô Phật!
Câu 6: Việc đối đãi với người thân trong gia đình đôi khi không thể hoà nhập và xảy ra nhiều mâu thuẫn tranh cãi. Còn đối với người ngoài đôi khi lại có thể hoà nhập hơn và dễ dàng hơn nhiều. Để ngăn chặn được cái tôi và ngọn lửa sân trong người, con cần phải học điều gì ạ thưa Thầy?
Trả lời: Mô Phật! Đó là tâm lý riêng. Đôi khi đối với người ngoài ta hay khoe mẽ, thể hiện cái lòng bao dung thương yêu, cho nên khi va chạm, ta cũng dễ du di và tha thứ. Đó là một góc độ. Và đôi khi có một góc độ khác “Ờ, người ngoài mà, liên quan gì đến ta”, nên ta dễ bình tĩnh hơn. Nhưng đối với người trong gia đình, chúng ta có sự trông đợi khác: họ là anh của mình mà, họ là em của mình, họ là cha của mình, họ là con của mình, họ phải như vầy, họ phải như kia. Cho nên khi mâu thuẫn, chúng ta dễ nổi sân bởi ta luôn trông đợi người gần gũi với chúng ta phải đối xử tốt với chúng ta, phải làm đúng theo ý của ta. Khi đối xử không đúng chừng mực gọi là tốt và cái định mực của ta thì ta dễ bực bội, bởi ta nghĩ rằng họ là những người thân mà còn như vậy. Đó là cái tâm lý rất chung của loài người. Và hầu hết trong mọi gia đình, trong mọi mối giao hảo giữa cha, mẹ và các con, vợ chồng, người thân trong gia đình thường hay bị xích mích hằng ngày.
“Ngọc bất trác bất thành ngọc”, những sự va chạm đó như viên kim cương vậy đó, nó sẽ cắt dần những góc cạnh thô để có thể trở thành đẹp hơn, phản ánh cái ánh sáng tình thương trong gia đình. Cho nên chúng ta cũng không ngại gì trong cái mối giao hảo của gia đình khi mình bực mình sân. Nhớ rằng, dù sao đi nữa thì người trong gia đình vẫn có tình yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho chúng ta. Nếu chúng ta có thể dung hòa được cái cách đối xử đối với người ngoài và đối xử với người trong bằng sự quán chiếu mỗi ngày, ta sẽ tìm ra phương pháp hài hòa và dung thông, chân thật hơn với chính mình.
Và nhớ, con người thường dính mắc vào sự trông đợi nơi người khác phải đối xử như ta muốn. Phật gọi “cầu bất đắc là khổ” – tức là khi ta cầu và mong muốn những người khác làm theo ý ta, ta sẽ khổ. Bởi vậy, hãy bằng tâm yêu thương, làm tất cả những điều gì có thể làm được. Ngược lại, đừng trông đợi người gần gũi với chúng ta trong gia đình của chúng ta phải làm điều gì theo ý ta thì ta đã tránh bớt đi sự dính mắc, trông đợi và cầu mong người thân của chúng ta phải rập khuôn mẫu, đáp ứng nhu cầu cảm xúc của ta. Tu là giảm bớt nhu cầu đáp ứng cảm xúc của mình, tu như vậy mới có cơ hội phát triển tình thương rộng lớn hơn.
Hy vọng đầu năm chúng ta cùng phát triển cái tâm giảm bớt những nhu cầu đáp ứng cảm xúc riêng tư mà mở tâm Từ để rải tình thương tới với mọi người mà không trông đợi sự đền đáp của họ đối với chúng ta. Mô Phật!
Câu 7: Hầu hết tất cả mọi người đều chỉ nhìn thấy sự việc diễn ra trước mắt, rất hiếm ai nhìn thấy được phước báu mình đã tạo, vì phước báu là vô hình không thể nhìn thấy. Vì thế trên con đường tu đạo, nhiều người gặp khó khăn lại từ bỏ vì cho rằng việc tốt mình làm cũng không giúp được gì cho mình lúc khó khăn. Khi đương đầu với những sự việc như vậy phải làm sao để tốt cho mình và cho người ạ. Con xin Thầy khai thị.
Trả lời: Mô Phật! Các bạn cứ thấy rằng bây giờ các bạn đang còn sống, đang còn hít vào thở ra, đó là phước báu lớn nhất trong đời người, là ta vẫn còn sống. Thấy mà, đâu phải không thấy! Không thấy là bởi vì họ nghĩ vậy thôi, chứ chúng ta nhìn lại chúng ta còn đang sống, đó chính là phước báu của biết bao nhiêu những thiện nghiệp chúng ta đã tạo ra nên vẫn còn sống. Chúng ta phải tri ân Tam Bảo, tổ thầy, cha mẹ ông bà, Cửu Huyền và chính bản thân của chúng ta nữa, bởi chúng ta vẫn còn sống. Chúng ta chưa bị Covid đưa đi về miền đất lạnh, ta còn sống, ta phải biết tri ân, ta phải biết cảm ơn, và ta phải nhận ra đấy là phước báu lớn nhất của đời người là chúng ta còn đang sống. Ai còn đang sống chứng tỏ rằng đã nhận được phước báu thật nhiều trong cái công hạnh tu tập của chúng ta. Bởi khi còn sống, chúng ta có được cơ hội để chuyển hóa tất cả mọi khổ đau thành hạnh phúc. Cái phước báu này ai cũng thấy, cho nên bạn hãy quán tưởng và nhìn thật rõ ràng, nói với chính mình “Tôi còn đang sống chính là phước báu thật là lớn. Và bởi tôi còn đang sống, tôi vẫn có cơ hội chuyển hóa mọi phiền ưu, mọi đau khổ thành hạnh phúc và an lạc”. Mô Phật!
Hôm nay ngày đầu năm, tất cả những câu hỏi ta có thể đặt ra chỉ là một sự gợi ý thật nhỏ nằm trong một góc cạnh thật bé để mỗi người có cơ hội quán chiếu và tư duy phù hợp với nhân duyên của riêng mình. Chẳng phải là những câu hỏi giải đáp về những chuyên mục tu tập trong Tam Tạng Đại Kinh mà chỉ là sự giải thích phù hợp với nhân duyên hiện thời của từng người. Mong rằng đầu năm chúng ta nghe qua như là một sự gợi ý để tu. Nguyện xin Chư Phật mười phương chúc phúc cho chúng ta luôn luôn được an lạc và tinh tấn tu hành. Nguyện cho mọi sự chấp trược còn ngủ ngầm trong chúng ta được nhìn thấu, được nhìn rõ và chúng ta tự lực tinh tấn tu học để chuyển hóa.
Chúc mừng năm mới tới các bạn và cảm ơn, tri ân tất cả các bạn đã đồng tu với Bảo Thành trong suốt một năm qua. Nguyện cho năm mới chúng ta tiếp tục tinh tấn và có thể làm hương hoa của pháp Phật lan tỏa khắp mọi nơi, để những người kề cận chúng ta nhận thức được giá trị của pháp học, pháp hành để đồng tu với chúng ta, thay đổi cuộc sống của họ để tìm được hạnh phúc và an lạc trong năm mới này. Chúng ta kết thúc ở đây. Chúng ta hãy nguyện hồi hướng công đức.
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.