Search

Tham Vấn Phật Pháp 14

Bảo Giác Tường đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Câu 1: Con thấy mình giống như anh chàng trong câu chuyện Con gà và hạt bắp quá ạ. Con muốn hỏi thầy nếu con là anh chàng đó thì con nên làm gì ạ? Con không biết tóm tắt tình trạng của mình như thế nào nhưng may nhờ có câu chuyện này, con thấy con giống vậy. Khi con đã biết mình như vậy rồi con rất hoang mang nên bây giờ con hay rụt rè và tự ti trong mọi quyết định. Trong khoảng thời gian học đại học và ra trường con bị áp lực khá nhiều và thế hệ con cũng được tiếp xúc với quá nhiều thông tin nên con thấy mình như rối loạn và hoang tưởng giống như anh chàng đó. Năm nay con 25 tuổi, con nên làm gì. Xin thầy khai thị ạ.

Câu 2: Con có một người bạn hay hỏi thăm con nhưng con không thích cũng không ghét bạn ấy, chỉ là con không muốn nói chuyện và con đã phải gượng ép mình trả lời một cách giả tạo. Như vậy con có đang tạo nghiệp không, xin Thầy khai thị và hướng dẫn cho con biết con nên làm sao ạ. Mô phật! Con xin cảm ơn Thầy

Câu 3: Xin Thầy hướng dẫn cho con cách sám hối khi ứng dụng Thất Bảo Huyền Môn và tu tập chuyển hoá nghiệp chướng là con nên làm những việc gì?

Câu 4: Người ta thường nói phải có thấu hiểu thì mới có thương yêu. Ở đời nếu mình không hiểu và đồng cảm với nỗi đau của người khác thì mình không thể thương người ta được. Nhưng việc thương yêu thường rất khó khăn vì ít ai chịu đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để suy nghĩ, thường moi cái xấu của người ta để gây tổn thương và không trân trọng nhau khi ở cạnh. Làm sao để có thể thương yêu và thấu hiểu một người nào đó tận tường? Xin Thầy khai thị!

Câu 5: Mỗi người đều có một thời điểm giác ngộ của riêng mình. Nhưng thông thường, tại sao phải tới khi đau khổ tận cùng hoặc phải trải qua một biến cố nào đó, việc nào đó để phải đau đớn thì người ta mới biết quay về với đạo ạ? Khi nhìn những người xung quanh con làm những việc không tốt, con biết là họ sẽ phải chịu đau khổ sau này bởi nhân quả, nhưng không thể khuyên ngăn họ được vì nếu nói ra, có thể họ sẽ không tin và phỉ báng Tam Bảo. Nhưng khi thấy họ khổ, con cũng đau lòng. Xin Thầy khai thị để con được nhẹ lòng ạ!

Câu 6: Thưa thầy, con cảm thấy bị lạc lối khi quán chiếu tánh sân giận của mình. Con khởi lên sự sân giận với một người. Xưa người ấy có làm vài việc khiến con buồn, con nghĩ là con đã bỏ qua và tha thứ cho họ. Tuy nhiên, khi đến gần đây, vì một việc, con khởi lên sân giận với họ thì những nỗi buồn cũ lại trở về. Có điều lần này con đã biết tự quán chiếu và tự dặn mình hãy từ bi, hãy buông bỏ. Sau khi quán chiếu xong, con thấy lòng nhẹ hơn. Nhưng những khi gặp mặt người ấy, lòng con lại khởi lên lại sự sân giận và ghét bỏ. Con thấy để rải tâm từ bi và yêu thương với những người đã làm ta buồn thật khó. Mặc dù con đã nhẹ lòng sau khi quán chiếu nhưng sau đó con vẫn khởi lên sự sân giận nếu gặp người ấy. Con thắc mắc, vậy thì quán chiếu tiếp tục sẽ bớt được tâm sân giận của mình không ạ? Hay nó sẽ cứ liên tục đến một cách bất ngờ như vậy và mình sẽ phải quán chiếu hoài. Vậy làm cách nào con có thể buông bỏ được ạ? Vì con biết sân giận như thế làm khổ mình và con khá khó chịu khi thấy mình sân giận như vậy.

Câu 7: Con có vọng tâm quá nhiều, hay suy nghĩ lung tung và tưởng tượng. Mỗi lần như vậy con nên tu tập Thất Bảo như thế nào ạ?

Câu 8: Kính thầy, xin thầy khai thị cho con ạ. Con đọc truyện thấy vua Tần Bà Sa La vì gieo nghiệp sát giết A Xà Thế của kiếp trước nên A Xà Thế mới theo oán nghiệp mà đầu thai giết vua cha. Điều này theo con hiểu chính là luật nhân quả. Vậy nếu như A Xà Thế trong kiếp trước không nảy sinh oán hận khi bị giết bởi vua Tần Bà Sa La thì luật nhân quả sẽ hoạt động như thế nào ạ?

Câu 9: Thầy hay dạy té đâu vịn đó đứng dậy, phải tự thắp đuốc lên mà đi. Nhưng con luôn cảm thấy mình không đủ kiên nhẫn và dũng lực để thực hành thiền tập và vượt qua chướng ngại. Xin Thầy cho con lời khuyên ạ!

Câu 10: Trong Thập Thiện có dạy không nói lời thêu dệt. Vậy trong khi tương tác hằng ngày, những lời nói đùa giỡn, chửi thề hoặc những lời mà mình nói không phải là sự thật mà chỉ là nhận định và cảm xúc của cá nhân thì có tạo Khẩu nghiệp không ạ?

Mô Phật!

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh Youtube “Thất Bảo Huyền Môn” và kênh Facebook “Chua Xa Loi”.

Hôm nay ngày thứ 7 cuối tháng 11, vào những thứ 7 cuối tháng, chúng ta có chương trình Tham Vấn Phật Pháp. Đây là chương trình Tham Vấn Phật Pháp số 14 với những câu hỏi nhẹ nhàng chúng ta gợi ý trên con đường tu tập. Kính mời các bạn cùng tham gia với buổi vấn đáp vào mỗi cuối tháng.

Giờ đây mời các bạn cùng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo với tăng thân chùa Xá Lợi tụng Đại Bi Chú, Vãn Sanh Chú Và Thất Bảo Huyền Môn. Nguyện cầu mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi người chúng ta và gia trì cho chúng ta tinh tấn, chánh niệm hơi thở, thiền quán Trí Tuệ và Từ Bi để thấu rõ vạn pháp vô thường sanh diệt, khổ, vô ngã. Chúng ta cũng nguyện hồi hướng cho quê hương Việt Nam và toàn thế giới mau hết đại dịch và nguyện cầu cho tất cả những ai bị bệnh dịch có đầy đủ phước báu gặp thầy gặp thuốc, phương tiện thiện xảo để bệnh tật tiêu trừ. Chúng ta cũng hồi hướng cho tất cả thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu tan, phiền não đoạn diệt, cầu siêu cho các hương linh luôn theo thiện nghiệp của mình nương bóng từ ân Đức Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật mà vãng sanh cảnh thiện lành. Giờ đây chúng ta nghe ba tiếng chuông và bắt đầu trì tụng Đại Bi Chú.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)

CHÚ ĐẠI BI (01 biến)

Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát. (03 lần)

Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm đà la ni, nam-mô hắc ra đát na, đá ra dạ da. Nam-mô a rị da, bà lô yết-đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da. Ma-ha-tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa. Nam-mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da bà lô Yết-đế, thất Phật ra lăng đà bà. Nam-mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà đà, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, câu lô câu lô kiết mông, độ lô độ lô phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Ma mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê y hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá ra, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì, địa rị sắc ni na, ba dạ ma na ta-bà ha, tất đà dạ ta-bà ha. Ma ha tất đà dạ ta-bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì ta-bà ha. Ma ra na ra ta-bà ha. Tất ra tăng a mục khư da, ta-bà ha. Ta-bà ma ha, a tất đà dạ ta-bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ ta-bà ha. Ba đà ma kiết tất đà dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì bàn dà ra dạ ta-bà ha. Ma bà rị thắng yết ra dạ, ta-bà ha. Nam-mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam-mô a rị da bà lô Yết-đế thước bàn ra dạ, ta-bà ha.

Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt đà dạ ta bà ha. (03 lần)

CHÚ VÃNG SANH (03 biến)

Nam mô A Di Đa bà dạ

Ða tha dà đa dạ

Ða điệt dạ tha

A Di rị đô bà tỳ

A Di rị đa tất đam bà tỳ

A Di rị đa tỳ ca lan đế

A Di rị đa tỳ ca lan đa

Dà di nị, dà dà na

Chỉ đa ca lệ ta bà ha.

THẤT BẢO HUYỀN MÔN (01 biến)

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Ma Sa Ốp Uê.

Sa Bi Mô U.

Sa U Sa U Ba Thê Um.

NamMô SaKa PuốtTê, NamMô SaKa PuốtTê.

Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.

Mô Phật! Hôm nay thứ 7 cuối tháng, chúng ta có chương trình Tham Vấn Phật Pháp để Bảo Thành có cơ hội lắng nghe những thổn thức, những chia sẻ và những thắc mắc thật nhẹ trên con đường tu như tạo một nhịp cầu gắn kết với nhau qua sự tham vấn này. Dù có thể nhiều bạn chúng ta chưa có cơ hội gặp nhau, mặt đối mặt, nhưng trên cái đời sống tâm linh cao cả, qua Đức Bổn Sư, qua phẩm hạnh các vị Bồ Tát, chúng ta đã gặp nhau trong tâm tình người con Phật phát nguyện đồng tu, san sẻ năng lượng vi diệu Từ Bi và Trí Tuệ tới với nhau mà mỗi khi trong chánh niệm hơi thở chúng ta đón nhận được từ mười phương chư Phật. Các bạn, dù là đồng tu mỗi ngày, Thất Bảo hay những buổi tham vấn như vậy đều mang cái trí tuệ của mỗi người chúng ta với cái chí nguyện cao cả đó là đi đến sự giải thoát khỏi đau khổ hiện tiền trong cuộc sống. Đau khổ từ bản thân qua sự tương tác và xô xát của cuộc sống hằng này, đau khổ của môi trường tạo ra, của gia đình, của tất cả những dòng nghiệp thức nổi trôi trong cuộc đời. Tới với nhau trong sự đồng tu và tới với nhau trong sự tham vấn chẳng phải là rượt đuổi theo những cái tư tưởng vọng ngoại, cầu ở bên ngoài như có một điều gì đó mang theo sự thay đổi cho chúng ta, mà là cùng khơi dậy một nguồn mạch sự sống từ bi vốn có trong trái tim của mỗi người, nương vào ba ngôi Tam Bảo như thuyền Bát Nhã vượt sóng cồn thử thách của cuộc đời để có thể tới với bến bờ an vui tại gia đình, tại gia và tại kiếp này. Thật nhẹ nhàng tới với nhau trong ý nguyện này, mỗi người chúng ta mỗi ngày đồng tu, gắn kết mật thiết bằng cái tâm bình đẳng không phân biệt, không khác biệt để từ đó không có một cái chấp ngã mảy may xảy ra, để tâm của Bảo Thành và các bạn đồng tu không gặp chướng ngại, không gặp những sự cố làm cho khủng hoảng và khủng bố, để cái tâm an nhiên tự tại mỉm cười tới với nhau. Thế giới ngày nay thật bận rộn, rất cần một sự dấn thân, nỗ lực và tự lực thật cao đi đến sự tự giác, giác tha và giác hạnh. Đây là chí nguyện của Bảo Thành phát tâm đồng hành mỗi một ngày, dù trời mưa hay trời nắng, dù cho muôn sự ở đời có đổi thay nhưng tâm nguyện này không bao giờ thay đổi. Bảo Thành nếu còn tồn tại trong cuộc đời này sẽ vẫn mãi mãi tiếp tục nối kết với các bạn qua mười phương chư Phật của sự mật thiền đồng tu. Hôm nay ngày thứ 7, ngày nghỉ ngơi, nhưng chúng ta tham vấn với nhau để san sẻ. Và giờ đây tới giờ, mời các bạn có thể chia sẻ những tâm nguyện của mình và điều gì Bảo Thành có thể gợi ý được, Bảo Thành sẽ cố gắng. Mời!

Câu 1: Dạ Mô Phật! Bảo Nghy kính đảnh lễ sư phụ, quý thầy, quý sư cô, kính chào toàn thể chư vị đồng tu. Thưa thầy con có câu đầu tiên gửi về là: Con thấy mình giống như anh chàng trong câu chuyện “Con gà và hạt bắp” quá ạ. Con muốn hỏi thầy nếu con là anh chàng đó thì con nên làm gì ạ? Con không biết tóm tắt tình trạng của mình như thế nào nhưng may nhờ có câu chuyện này, con thấy con giống vậy. Khi con đã biết mình như vậy rồi con rất hoang mang nên bây giờ con hay rụt rè và tự ti trong mọi quyết định. Trong khoảng thời gian học đại học và ra trường con bị áp lực khá nhiều và thế hệ con cũng được tiếp xúc với quá nhiều thông tin nên con thấy mình như rối loạn và hoang tưởng giống như anh chàng đó. Năm nay con 25 tuổi, con nên làm gì. Xin thầy khai thị ạ. Mô Phật!

Trả lời: Mô Phật! Nếu như các bạn muốn biết thật rõ về câu chuyện “Con gà và hạt bắp”, các bạn có thể vô trang mạng “thatbaohuyenmon.org”  được ghi ở bên dưới chủ đề trên màn hình này, hoặc vô kênh Youtube “Thất Bảo Huyền Môn”, bấm bài “Con gà và hạt bắp” để các bạn có thể nghe qua cái bài chia sẻ pháp thoại đó. Các bạn có thể có vô đó để nghe lại, còn hôm nay Bảo Thành không đi sâu vào câu chuyện “Con gà và hạt bắp”, nhưng khi nói đến con gà và hạt bắp, chúng ta biết rồi, là con gà rất thích hạt bắp. Câu hỏi vừa rồi ở cái lứa tuổi 25, ở cái lứa tuổi mà đúng ra trên danh nghĩa là đã thành tựu về kiến thức học ở đời. Trong cái khung trời đại học, bao nhiêu ước mơ ta mang toàn bộ năng lượng để mài dùi kiến thức. Và Bảo Thành tôn trọng các bạn trẻ, lúc nào cũng tôn trọng bởi các bạn là những nhà kiến thức trẻ của thời đại, không cần biết các bạn học ở cái môi trường nào, xã hội nào, quốc độ nào, thì trong tất cả các môi trường đại học ở mọi nơi trên thế giới đều là nơi đào tạo kiến thức và đặc biệt ở cái lứa tuổi từ 18-25 là lứa tuổi muốn vươn lên, cho nên chúng ta biết lựa chọn và gạn lọc những môn học phù hợp với sở thích. Đôi khi chúng ta học thật là nhiều nhưng mỗi một nơi, mỗi một hoàn cảnh và mỗi cái nghiệp của chúng ta sẽ có những cái sự thuận duyên và nghịch duyên khi mang kiến thức đại học ứng dụng vào đời sống. Cái thuận duyên nó như nâng cái gót chân chúng ta bước lên nhịp cầu cao hơn của sự thành tựu, cái nghịch duyên nó chèn ép, nó đè nén. Và dĩ nhiên, ai trong chúng ta cũng luôn luôn phải gặp những cái thuận và cái nghịch, cái sức ép của cuộc sống làm cho khủng hoảng và sợ hãi như trong truyện “Con gà và hạt bắp” vậy.

Nếu bạn rơi vào tình trạng đó, hôm nay một câu hỏi thật, rất chân thật và một câu trả lời cũng thật ngắn gọn. Gà thích bắp nhưng nó không thấy được hạt bắp, nó sinh ra ảo tưởng nhiều. Đức Phật biết rằng cái tâm Phật của chúng ta nó phù hợp với một thể loại thức ăn cao trọng tuyệt vời, nhưng không ảo tưởng, nó có thật. Gà thích bắp thì Phật tánh của chúng ta phù hợp với cái nguồn năng lượng của Trí Tuệ và Từ Bi là hai món ăn thực tế, không ảo tưởng. Vậy nên sự chèn ép của cuộc đời làm cho kiến thức của bạn chưa có cơ hội ứng dụng vào đời sống. Bạn nhớ hãy trở về trong chánh niệm hơi thở, thực tập, bạn sẽ thấy tinh thần của bạn sẽ ổn định, ảo tưởng sẽ tan dần.

Chánh niệm hơi thở vào ra thật là tự tại, nhẹ nhàng. Mới đầu bạn nương vào hơi thở, bạn chỉ cần nhận xét cái hơi thở tự nhiên của bạn trước. Trong giai đoạn đầu thường chúng ta không để ý khi hít vào và thở ra bởi vì nó là sự tự nhiên, để ý để làm gì. Nhưng chính vì chúng ta không để ý vào hơi thở nên tâm của chúng ta phóng tâm, rượt đuổi theo những ý tưởng. Đức Phật giác ngộ thấy rằng trong cuộc sống của con người rất lệ thuộc vào hơi thở, không có hơi thở chúng ta chết. Và hơi thở là phương tiện thuận lợi, tiện dụng mọi nơi mọi lúc. Người giàu, người nghèo, có kiến thức hoặc không có kiến thức, ai cũng có hơi thở. Vậy Ngài đã phát minh ra cái chánh niệm hơi thở là ứng dụng cái phương tiện vốn có của chúng ta để đưa cái tâm thể nhập vào hơi thở để nó không chạy tán loạn, gây ra ảo tưởng. Và trong cái sự thực tập hơi thở chánh niệm đó cộng hưởng với cái năng lượng Từ Bi và Trí Tuệ qua mật ngôn “Mu A Mu Sa” và “NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang”, chúng ta như người đi học thêm được vị thầy kèm thật là sát trong những cái môn thi sắp sửa ra trường. Đức Phật Thích Ca, Chư Phật mười phương, Chư Vị Bồ Tát, Hiền Thánh Tăng thể nhập vào chánh niệm hơi thở và năng lượng Từ Bi – Trí Tuệ sẽ tiếp cận với bạn để đồng hành với bạn, để giúp cho cái năng lượng Từ Bi – Trí Tuệ bạn có thể tiếp cận được thật nhiều với Chư Phật, Bồ Tát dồi dào cái năng lượng đó, để xua tan đi những sự ảo tưởng do cái sức ép của cuộc sống đang đè nén lên cuộc đời của bạn.

Cho nên trả lời cho câu bạn phải làm sao, hãy thực tập chánh niệm hơi thở, hít vào biết hít vào, thở ra biết thở ra, rồi trì khi thở ra. Khi thở ra, ta trì mật ngôn “Mu A Mu Sa”, cái thứ hai ta hít vào ta thở ra, ta trì mật ngôn Trí Tuệ “NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang”. Cứ tập như vậy, bình thường như vậy thôi, như bạn lấy nước bạn tưới cây, rất bình thường nhưng mà cây sẽ hút nước và rồi sẽ mọc lên. Tâm Phật của chúng ta theo hơi thở chánh niệm vào ra và mật ngôn Từ Bi và Trí Tuệ sẽ được hiển lộ sáng ra, tinh thần sẽ khỏe, đầu óc sẽ có thể ứng dụng được mọi thể loại kiến thức trong xã hội này bạn đã học. Bởi kiến thức đó được chiếu sáng do cái trí tuệ của các đấng giác ngộ sẽ giúp cho bạn không cần phải lần mò và giúp ổn định tâm thần của các bạn, dần sẽ bớt đi sự khủng hoảng bởi sự chèn ép và đè nén ở bên ngoài. Bạn hãy thực tập, bạn sẽ có một sự trải nghiệm như vậy.

Đồng thời sự đồng tu cùng với Bảo Thành, cùng với các bạn đồng tu là một điều rất quan trọng bởi chúng ta hùn phước với nhau. Ông bà thuở xưa và ngày nay vẫn có trò “chơi hụi” là chúng ta không có đủ tiền để làm một việc gì đó, chúng ta chơi một chân hụi, hai chân hụi để hốt trước để dồn vốn làm việc. Hùn phước là một hình thức “chơi hụi tâm linh” và người đại diện trong nhóm đồng tu của chúng ta là Bảo Thành. Bảo Thành là chủ hụi nhưng không có ăn lời, không có giựt hụi bởi tất cả sự hùn phước của các bạn tới với Bảo Thành, chúng ta đều dâng lên cho Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền chứng minh và chú nguyện gia trì cho chúng ta. Để từ đó sự hùn phước báu đối với sự đồng tu qua Bảo Thành, qua các bạn đồng tu mà Chư Phật đó gia trì cái số phước báu ta hùn với nhau đó sẽ được chia đồng đều cho tất cả và cho ngay cả những bạn không đồng tu vô tình nhìn qua facebook hoặc youtube thấy được, nghe qua đều đón nhận được năng lượng. Và nếu chúng ta thường xuyên tu, đồng tu với nhau cùng với Bảo Thành, hùn phước cùng với Bảo Thành và dâng lên để Chư Phật chứng minh gia trì thì các bạn sẽ đón nhận được thật là nhiều để thay đổi cuộc sống, làm cho đầu óc mình tỉnh táo, vững chãi, thanh tịnh, tràn đầy năng lượng tích cực. Nên Bảo Thành khuyên bạn hãy cố gắng đồng tu cùng với Bảo Thành, chánh niệm hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ quán một thời gian. Khi đã đầy đủ vốn liếng rồi thì sự khủng hoảng của cuộc đời, đè nén của xã hội sẽ dần dần bị triệt tiêu và trong tâm của bạn sẽ khởi lên thật nhiều năng lượng hoan hỷ và tràn đầy hạnh phúc. Mô Phật!

Câu 2: Dạ Mô Phật! Con có một người bạn hay hỏi thăm con nhưng con không thích cũng không ghét bạn ấy, chỉ là con không muốn nói chuyện và con đã phải gượng ép mình trả lời một cách giả tạo. Như vậy con có đang tạo nghiệp không? Xin Thầy khai thị và hướng dẫn cho con biết con nên làm sao ạ. Mô Phật! Con xin cảm ơn Thầy.

Trả lời: Mô Phật! Thông thường chúng ta nghĩ rằng việc đó không có tạo nghiệp nhưng đó là tạo nghiệp nếu bạn phải trả lời gượng ép và giả tạo. Trong Thập Thiện, mười điều lành thiện chúng ta làm, mà làm tức là không làm đó, bởi vì mười cái điều thiện đều bắt đầu bằng chữ “không”. Nói một cách gượng ép giả tạo, tức là từ miệng – khẩu nghiệp. Trong cái miệng tạo ra bốn cái nghiệp từ những cách nói, không nói dối, không nói thêm bớt, không nói đâm thọc, không nói hung ác. Bạn nói gượng ép và giả tạo, giả tạo tức là nói dối, giả tạo tức là nói thêm bớt, tạo nghiệp. Phật dạy mười điều thiện ở cái chỗ không, không nói dối, không nói thêm bớt, mà bạn có nói chứ bạn không phải là không, bạn có nói mà nói giả tạo, giả tạo nó pha trộn giữa nói dối và thêm bớt, đó là tạo nghiệp, không nên như thế!

Cuộc sống của chúng ta tiếp xúc với thật nhiều người, có người chúng ta thích lắm, dù người ta có xua đuổi, người ta có đánh đập, mình cũng cứ bò theo, dính sát để sống với họ, để nói với họ, để tám với họ từ ngày này qua ngày kia. Bởi nó có một cái sự liên kết trong cái dòng nghiệp thức của chúng ta, đó là nghiệp thức mà dính chặt vào với nhau, có nghịch có thuận. Rồi có những con người mà cái nghiệp nó như nam châm, mà hai cái thái cực nó khác nhau thì nó hút, còn nó đồng nhau thì nó đẩy nhau ra. Có những con người ta gặp ta không ưa nhưng ta không ghét, không ghét là tốt rồi, không giận hờn không bực bội là tốt rồi, nhưng lại tạo ra cái nghiệp của nói giả dối.

Nếu gặp những trường hợp như vậy, ta thực hiện cái phẩm hạnh Từ Bi quán của Mẹ Hiền Quan Âm, Mu A Mu Sa, tức là hạnh lắng nghe, bạn không cần phải nói giả dối, phải nói gượng ép. Bạn chỉ cần tùy hỷ hằng thuận chúng sanh, lắng nghe người đó bằng rải cái tâm Mu A Mu Sa là cái tâm Từ, không nhất thiết phải nói gượng ép giả tạo để tạo nghiệp. Thay vào đó, bạn lắng nghe theo Mẹ Hiền Quan Âm, dùng tâm từ mà lắng nghe, lắng nghe bằng tâm từ bi để dù là chuyện tào lao hay là chuyện thật của người kia nói, họ cũng được cái hạnh lắng nghe bằng tâm từ của chúng ta đó, để họ được thỏa mãn cái sự xả ra những cái điều uất ức hay chất chứa quá nhiều trong cái lồng ngực của họ, họ được nhẹ nhàng. Ứng dụng thực tế, lần sau đối với người bạn đó, bạn cứ lắng nghe, thực hiện hạnh phẩm Mẹ Quan Âm, lúc đó chỉ cần niệm “Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát”, “Nam Mô Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Thế Âm Bồ Tát”, “Mu A Mu Sa”, xin Mẹ Hiền Quan Âm gia độ cho con có đủ cái năng lực lắng nghe như mẹ, lắng nghe bằng tâm từ bi Mu A Mu Sa để bạn của con, cái người này đây có thể trút hết bầu tâm sự của họ mà con không cần phải sinh ra sự bực tức khó chịu, gượng ép, trả lời bằng những lời giả dối. Hãy phát nguyện như vậy thì bạn mượn ngay cái chỗ người đó nói chuyện với bạn để gieo trồng và phát triển phước báu của bạn. Đó gọi là phước điền, là ruộng phước, người đó là ruộng phước để mượn người đó gieo trồng những cái chủng tử thiện lành qua Phật ngôn “Mu A Mu Sa” và hạnh lắng nghe bằng tâm Từ, tâm Bi của Mẹ Hiền Quan Thế Âm. Mô Phật!  

Câu 3: Dạ Mô Phật! Xin Thầy hướng dẫn cho con cách sám hối khi ứng dụng Thất Bảo Huyền Môn và tu tập chuyển hoá nghiệp chướng là con nên làm những việc gì?

Trả lời: Mô Phật! Sám hối có nhiều phương thức, mà chung quy sám hối tức là nhìn nhận thật là rõ những cái lỗi lầm ta tạo ra, những cái điều sai ta tạo ra với ta và với muôn người và chúng sanh, từ đó phát nguyện chấm dứt không làm nữa, không hành nữa và đồng thời phát nguyện tương tác với những cái điều ta đã làm bằng cái tâm ngược lại. Ví dụ ngược với sát sanh, ta sẽ phóng sanh. Cái tội nói thô ác, ta sám hối, ta nhận ra ta đã nói thô ác, nói gượng ép, nói giả dối, nói đâm nói thọc, nói thêm nói bớt, thì nay ta sám hối và hứa với lòng mình, chứ không phải hứa với ông Phật. Ông Phật không cần phải hứa mà ta hứa với lòng mình rằng, Phật ơi, xin Phật chứng minh, Phật làm chứng cho con, con phát cái tâm rằng con thấy con đã sai, nay con nguyện sám hối và con không muốn làm chuyện đó nữa và xin Phật gia trì cho con để con có thể làm ngược lại, đó là dùng cái miệng này nói những cái lời ái ngữ, lời chân thật, lời đúng, lời của từ bi. Đó là ta làm ngược lại thì ta sẽ tạo được phước.

Trong Thất Bảo Huyền Môn, Thất Bảo Huyền Môn có 7 câu mật ngôn chuyên luyện về tâm, như câu số 1 là tâm từ bi, câu số 2 là trí tuệ, đi xuống câu số 5 là câu sám hối về những cái nghiệp thức tạo ra sầu muộn, đau khổ và phiền não. Câu số 5 này gắn kết với câu số 7 là câu “Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha” là bao dung và tha thứ, sám hối bằng câu số 5 và câu số 7. Câu số 5 là “Sa U Sa U Ba Thê Um” là nguyện nhìn nhận và thấu rõ mọi cội nguồn của phiền não để hỷ xả, buông bỏ. Câu số 7 “Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha” là nguyện bao dung và tha thứ. Đó là cách sám hối gọn nhất. Sau khi chúng ta ngồi xuống tịnh tâm quán chiếu về những cái hành xử ta đã tạo ra nghiệp và dùng mật ngôn số 5 để nhìn rõ cái nguồn gốc gây ra và dùng mật ngôn số 7 để tha thứ cho ta và cho người, để rồi phát nguyện trở lại bằng cái mật ngôn số 1 là rải tâm từ “Mu A Mu Sa”. Đó là cách sám hối của Thất Bảo Huyền Môn. Nếu bạn nào chưa nghe qua Thất Bảo Huyền Môn mà bất chợt ngày hôm nay nghe nhắc tới, mời các bạn vào kênh youtube “Thất Bảo Huyền Môn” xem video số 1, chúng ta sẽ thấy về cái ý nghĩa của Thất Bảo. Rồi chúng ta hiểu trong Thất Bảo, 7 câu mật ngôn này đã được sáng tác thành những bài thiền ca, những bài đạo ca, như hôm nay chúng ta vừa nghe bài đạo ca với mật ngôn số 3 “Ma Sa Ốp Uê” rất là hay. Bạn có thể vào kênh youtube hoặc gửi email tới Bảo Thành trên cái trang mạng đó, sẽ có Phật tử gửi tới cho các bạn các trang link để bạn có thể vô nghe được những bài đạo ca như vậy để hiểu được từng bài đạo ca từ số 1 đến số 7. Tóm lại, để sám hối theo Thất Bảo Huyền Môn, sau khi ngồi xuống tĩnh tâm niệm Phật, bạn quán chiếu lại những lầm lỗi sai trái của mình và bạn trì câu số 5 “Sa U Sa U Ba Thê Um” và câu số 7 “Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha” và câu số 1 “Mu A Mu Sa” để trọn vẹn câu sám hối. Mô Phật!

Câu 4: Mô Phật! Người ta thường nói, phải có thấu hiểu thì mới có thương yêu. Ở đời nếu mình không hiểu và đồng cảm với nỗi đau của người khác thì mình không thể thương người ta được. Nhưng việc thương yêu thường rất khó khăn vì ít ai chịu đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để suy nghĩ, thường moi cái xấu của người ta để gây tổn thương và không trân trọng nhau khi ở cạnh. Làm sao để có thể thương yêu và thấu hiểu một người nào đó tận tường? Xin Thầy khai thị!

Trả lời: Mô Phật! Theo kinh nghiệm của cuộc đời, ông bà mình ngày xưa chẳng có thấu hiểu nhau, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, rồi đi vào cuộc sống gia đình có vợ có chồng rồi thương yêu nhau. Và trong cuộc sống có những con người chẳng có thấu hiểu nhau đâu, gặp một cái như tiếng sét đánh, thế là yêu nhau cả cuộc đời, bỏ cha bỏ mẹ, bỏ hết bỏ hết, dù cho bạn bè, cha mẹ người thân có khuyên răn, có ngăn chặn, cũng cứ thế mà đi. Bạn thấy rồi, chắc có lẽ chính Bảo Thành và các bạn cũng từng trải qua những cái tình cảm, những cái tình thương mà chẳng thấu hiểu được đối tượng của mình.

Thấu hiểu để tăng trưởng tình yêu thương, chứ tình yêu thương không hẳn phải thấu hiểu. Cái tình yêu thương không cần phải thấu hiểu là tình yêu thương của ái dục, bởi vì cái nghiệp ái nó dẫn, nó kéo để chúng ta tìm gặp nhau và gắn kết với nhau, thỏa mãn cái tình yêu trong ái dục. Từ đó tạo ra khổ. Cho nên cái tình yêu thuộc về ái dục, nghiệp lực ái dục chẳng cần phải thấu hiểu, nó dẫn đưa người ta mù đôi mắt, què đôi chân vẫn có thể tìm tới nhau, không còn vòng tay, họ vẫn ôm ấp suốt cả cuộc đời. Nói tới cái thứ tình yêu thấu hiểu để tăng trưởng tình yêu, đó chính là lòng từ bi cao lớn vô cùng. Cái tình yêu mà định nghĩa theo cái tâm từ bi của nhà Phật thì cần phải thấu hiểu mới phát triển được cái tâm từ bi. Vì sao? Vì khi không thấu hiểu cái đối tượng ở trước mặt, chúng ta chỉ có thể yêu thương và tới với nhau bằng cái tình yêu của cái nghiệp ái mà dẫn đưa, còn khi nhìn và quán chiếu thấu hiểu được đối tượng và thông cảm với họ, thấu hiểu để rồi thông cảm, đồng cảm, đồng hành thì cái tình yêu đó nó thăng hoa, vượt lên trên tình yêu của ái dục, nghiệp lực nó dẫn mà đạt đến cái tình yêu vô thượng của lòng từ bi.

Làm sao để đạt được tình yêu vô thượng lòng từ bi ấy? Đức Phật dạy, hãy quán chiếu tất cả mọi chúng sanh đều là cha mẹ nhiều đời của chúng ta và đều là Phật sẽ thành để từ đó chúng ta có sự bình đẳng tánh trí trong sự đối xử, đối ứng với họ. Và với cái tâm bình đẳng tánh trí quán chiếu những chúng sanh ấy, những chúng sanh ta gặp hằng ngày như ông bà cha mẹ, như người thân, như bạn bè, như mọi người trong cộng đồng xã hội đều là cha mẹ của chúng ta nhiều đời, đều là Phật sẽ thành thì chúng ta sẽ dần dần gắn kết được với họ và sẽ hiểu thấu được họ bằng cái mắt thương, mắt từ bi Mẹ Hiền Quán Thế Âm nhìn cuộc đời và bằng cái tâm từ bi mà đối đãi bình đẳng. Để rồi từ cái tình yêu nếu có trong cái sự ái dục nghiệp lực nó kéo tới sẽ được thăng hoa lên những cái đẳng cấp cao hơn của lòng từ bi vô thượng không dính mắc. Nói như vậy nhưng nó cần cả một công hạnh tu tập và công hạnh tu tập để thành tựu được điều đó là bằng hai viên gạch kỳ diệu kết nối bằng năng lượng của chư Phật, đó là viên gạch của “NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang” và viên gạch “Mu A Mu Sa” – viên gạch của Trí Tuệ và Từ Bi được kết nối với nhau bằng sự gia trì của chư Phật trong sự chánh niệm tu tập. Nó sẽ tạo thành cái nền tảng vững chãi để xây dựng cái tình yêu vô thượng từ bi. Và như vậy ta sẽ có cơ hội hiểu thấu họ nhiều hơn mà không cần phải tìm hiểu, đào bới về quá khứ, lịch sử của con người ấy, mà ta chỉ cần nhìn họ bằng mắt thương nhìn đời, cảm ứng với họ bằng năng lượng từ bi, chiếu sáng cuộc đời của bạn và họ bằng ánh sáng của trí tuệ. Mô Phật!

Câu 5: Mô Phật! Mỗi người đều có một thời điểm giác ngộ của riêng mình. Nhưng thông thường, tại sao phải tới khi đau khổ tận cùng hoặc phải trải qua một biến cố nào đó, việc nào đó để phải đau đớn thì người ta mới biết quay về với đạo ạ? Khi nhìn những người xung quanh con làm những việc không tốt, con biết là họ sẽ phải chịu đau khổ sau này bởi nhân quả, nhưng không thể khuyên ngăn họ được vì nếu nói ra, có thể họ sẽ không tin và phỉ báng Tam Bảo. Nhưng khi thấy họ khổ, con cũng đau lòng. Xin Thầy khai thị để con được nhẹ lòng ạ!

Trả lời: Mô Phật! Hồi nhỏ Bảo Thành và các bạn thường như vầy. Người lớn nói “con đừng có đi tới chỗ đó, chỗ đó là đoạn đường cụt, ngõ hẻm cụt tối tăm và có thể là bìa rừng hoặc có thể là chân núi té xuống chết”. Nhưng mà trên con đường đi tuổi trẻ không có thích, bởi ta nghĩ rằng ta có sức khỏe, ta có sức mạnh cho nên ta cứ đi để khám phá. Cho tới khi tới đó rồi, ta mới nhận ra người lớn nói đúng, ta quay đầu lại. Thật ra cũng không sao, nhà Phật không có vội vàng cho những con người thích thử thách, đi tới cái đích cuối cùng thấy rằng không có lợi mà quay đầu trở lại, đó gọi là “hồi đầu thị ngạn”.

Trong nhà Phật, có câu “kiến phiền não” tức là nhìn thấu phiền não để lập cái tâm bồ đề trở lại để bắt đầu tu, nhìn thấu phiền não để tu. Mà muốn nhìn thấu phiền não thì phải đi vào phiền não để thấu thôi, còn cứ nghe nghe thì chưa thấu đâu. Tình sầu, tình muộn, tình đau…nghe vậy chứ không hiểu, mà đi vào cuộc tình thấy đau, thấy muộn, thấy sầu, thấy chết nửa con tim, lê thê cả cuộc đời. Có đê mê đó, rồi có chết ngây chết ngất rồi lại có đau, có những cái đoạn trường, đó là sự trải nghiệm có phiền não. Và có đi vào phiền não như vậy, người ta mới nhìn thấu. Có một bài hát, hình như là bài “Thói đời”, “trong thói đời cười ra nước mắt… ai chưa qua chưa phải là người”, đúng vậy, trong cuộc đời, ai chưa can qua những thăng trầm, phiền não, đau khổ một cách tuyệt vọng, cùng cực thì chẳng có cơ hội nếm được cái mùi vị đó mà biết dừng lại đâu. Cho nên cái câu mà cổ nhân thường nói “kiến phiền não thành bồ đề”, tức là nhìn thấu mọi đau khổ phiền não sẽ bắt đầu là một sự khởi đầu để tu.

Không cần thiết phải khuyên bảo, bởi có những người tuổi còn trẻ, sức còn mạnh, họ muốn đi qua cái vùng lửa cháy để bị bỏng, bị đau, bị thiêu đốt rồi biết dừng lại. Nhưng cái quan trọng, lời khuyên chân thành nhất mà Đức Phật thường nhắc nhở mỗi người chúng ta là gì, hãy tự lực tu để có đầy đủ và dư dả năng lượng yêu thương, hồi hướng lan tỏa đến cho mọi người. Chúng ta thường ít tu lắm mà cứ thích đi sửa người, đi khuyên người, phải tu các bạn ạ. “Hữu xạ tự nhiên hương” – cái hương đức hạnh, cái hương công hạnh của ta tu nó tỏa ra, và người trong phiền não đau khổ sẽ ngửi thấy được. Và đúng, vì đau khổ phiền não cùng cực, người ta mới bắt đầu tới chùa để tu. Cửa chùa thiền môn luôn mở rộng và những cái phút tận cùng đau đớn của đời người đó chính là “kiến phiền não”, họ đã thấy được phiền não rồi, là cái điểm hồi để trở về trong cái sự tu.

Chúng sanh vốn sinh ra là như vậy, chẳng thể trái được với cái quy luật đó, ngoại trừ có những con người có những cái phước báu đặc biệt đã từng trải qua vô lượng kiếp đau khổ và nhận ra, đã tu rồi, thì kiếp này họ tiếp tục tu từ cái chỗ không cần phải bước qua sự trải nghiệm của phiền não mà họ tiếp bước trên con đường tu công hạnh, bởi họ nghe qua họ có tín tâm họ tu ngay. Như Lục Tổ Huệ Năng, Ngài là một người sống ở trong rừng, Ngài không biết chữ, không biết đọc, không biết kinh đâu, và Ngài có một người mẹ già. Ngài đi vô rừng, còn nhỏ đốn củi về bán để nuôi mẹ. Thì khi giao củi cho một người khách thì nghe được ông ta tụng kinh “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” thì ông ta hỏi người đó là kinh gì, vị kia nói đây là kinh Kim Cang, ông ta khởi cái tín tâm ngay. Và hỏi ở đâu, thì người kia nói là ở Lĩnh Nam có Ngũ Tổ, thì Ngài liền đi tới Ngũ Tổ để học liền và sau này trở thành Lục Tổ Huệ Năng. Chúng ta thấy chỉ một câu kinh được nghe đã phát tâm rồi, có nghĩa rằng từ vô lượng kiếp Ngài đã tu, không cần phải trải nghiệm qua sự đau khổ phiền não mà đi tu đâu. Cho nên trong cuộc đời có những người chưa can qua, chưa dừng bước, chưa nhìn thấy phiền não, họ cần phải nhìn thấu phiền não. Chúng ta ở ngoài không nhất thiết phải nhảy vô cản họ, bởi khi họ đang ở trong tình huống đó thật khó cản. Nhưng chúng ta hãy như người khách kia, hãy tụng kinh đi, hãy tu đi, nhất định cái người kia sẽ có nhân duyên nghe một câu kinh, một câu kệ, thừa hưởng cái năng lượng yêu thương ta hồi hướng cho họ mà sẽ gặng hỏi ta đó là gì và ngay lúc đó chính là lúc người ta sẽ tìm về cội nguồn của sự tu để chuyển hóa phiền não của tự thân. Mô Phật!

Câu 6: Mô Phật! Thưa thầy, con cảm thấy bị lạc lối khi quán chiếu tánh sân giận của mình. Con khởi lên sự sân giận với một người. Xưa người ấy có làm vài việc khiến con buồn, con nghĩ là con đã bỏ qua và tha thứ cho họ. Tuy nhiên, khi đến gần đây, vì một việc, con khởi lên sân giận với họ thì những nỗi buồn cũ lại trở về. Có điều lần này con đã biết tự quán chiếu và tự dặn mình hãy từ bi, hãy buông bỏ. Sau khi quán chiếu xong, con thấy lòng nhẹ hơn. Nhưng những khi gặp mặt người ấy, lòng con lại khởi lên lại sự sân giận và ghét bỏ.

Con thấy để rải tâm từ bi và yêu thương với những người đã làm ta buồn thật khó. Mặc dù con đã nhẹ lòng sau khi quán chiếu nhưng sau đó con vẫn khởi lên sự sân giận nếu gặp người ấy. Con thắc mắc, vậy thì quán chiếu tiếp tục sẽ bớt được tâm sân giận của mình không ạ? Hay nó sẽ cứ liên tục đến một cách bất ngờ như vậy và mình sẽ phải quán chiếu hoài. Vậy làm cách nào con có thể buông bỏ được ạ? Vì con biết sân giận như thế làm khổ mình và con khá khó chịu khi thấy mình sân giận như vậy. Mô Phật!

Trả lời: Mô Phật! Chúng ta học về vật lý học, về cái quán tính, cái quán tính đó nó đúng theo cái quy luật Thành – Trụ – Hoại – Không, nó hình thành rồi nó trụ. Cái năng lượng đó nó tạo ra quán tính hình thành, nó trụ rồi dần dần nó bị băng hoại, nó biến mất. Đó là quy luật, không có gì tồn tại được. Câu mật ngôn số 2 “NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang” là dùng trí tuệ quán chiếu vô thường, nó vô thường là nó không bao giờ tồn tại mãi mãi, nhưng cái quán tính nó còn. Đến khi nó thành không rồi thì nó hết. Quán chiếu không phải là xô đẩy, không phải là chuyển hóa, quán chiếu là à…ta thấy nó tới, ta biết, như cái câu “buồn ơi, ta chào mi”. Bạn chưa buông bỏ được là vì bạn hòa nhập, đồng hành, bạn biến thành đạo diễn, rồi bạn làm đạo diễn đó bạn chưa ưng nữa, bạn biến thành diễn viên luôn để diễn cái khúc nhạc sầu của quá khứ khi tương tác với người đó. Nên khi gặp cái người đó thì cái quán tính của một cái nỗi niềm sầu hoặc là nỗi niềm sân giận do sự tương tác nghịch ý nhau đó nó vẫn còn, nó chưa đến thời hoại không, nó đang ở trong cái thời đang xoay. Nhưng khi nó xoay mà bạn cảm ứng được khi gặp người đó, bạn không biết nói rằng “buồn ơi, ta chào mi”. Biết “buồn ơi, ta chào mi”, tức là ta quán chiếu nó, ta nhìn ta nhận thức ra à đây nó tới rồi, thì ta nhìn nó bằng tâm Mu A Mu Sa, ta nhìn nó bằng cái tâm Thành – Trụ – Hoại – Không, bằng vô thường sanh diệt NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để cái quán tính đó mình sẽ tác động vào đó để quán tính nó giảm dần giảm dần nó trở thành Thành – Trụ – Hoại và cuối cùng là Không.

Nhưng khi bạn gặp, theo như câu hỏi của bạn, bạn gặp bạn bực bội, bạn có quán chiếu nhưng bạn sân giận, bạn bực bội, tức là bạn đã trở thành diễn viên, bạn trở thành đạo diễn rồi. Nhớ lần sau khi nó tới với bạn nữa, đừng trở thành diễn viên hay đạo diễn, mà chỉ cần nói “buồn ơi, ta chào mi, giận ơi ta chào mi” và mang Mu A Mu Sa và Trí Tuệ để quán chiếu nó. Đúng, ta sẽ quán chiếu cho tới khi cái quán tính nó triệt tiêu, còn bao nhiêu lâu nó chưa triệt tiêu, nó tới thì mang Tâm Từ và Trí Tuệ ra và nói rằng “sân giận ơi, ta xin chào mi”, chào mi bằng tâm Từ Bi, chào mi bằng tâm Trí Tuệ. Lần sau nhớ thực hiện như vậy, khi gặp cái người đó, sân giận nó trở về, hoặc nó nhắc nhở về, tức là cái quán tính nó còn, thì bạn nhớ nói rằng “sân giận ơi, ta chào mi” bằng Tâm Từ và Trí Tuệ, mỉm cười, hít vào thở ra. Dần dần bạn sẽ tương tác với cái sự sân giận, năng lượng sân giận đó để làm cho cái năng lượng sân giận đó, cái quán tính của nó giảm cái cường độ và dần dần triệt tiêu. Khi nó triệt tiêu, nó sẽ không bao giờ trở lại nữa. Mà mỗi khi nó còn trở lại, tức là quán tính nó còn vận hành nhưng nó sẽ đi tới cái đoạn cuối cùng là trở thành Hoại, Không, Vô thường. Mô Phật!

Câu 7: Dạ Mô Phật! Con có vọng tâm quá nhiều, hay suy nghĩ lung tung và tưởng tượng. Mỗi lần như vậy con nên tu tập Thất Bảo như thế nào ạ? Mô Phật!

Trả lời: Hầu hết chúng ta không có làm chủ được cái vọng tâm, bởi nhiều kiếp ta tạo ra và sống trong vọng tâm rồi. Trong ta cái vọng tâm nó nhiều lắm, cái chân tâm nó có đó nhưng mà nó không được hiển lộ bừng sáng, cái vọng tâm nó nhiều quá, nó cứ lấn át như cỏ dại. Cho nên khi cái vọng tâm của các bạn nhiều quá, bởi vậy mới có Thiền Mật Song Tu để bạn pha vào. Cũng như nước mà nó bị đục thì bạn pha nước trong vào nó sẽ trong ra, như đồ ăn bạn nấu lỡ tay mà cho muối nhiều thì bạn phải pha đường hoặc đổ thêm nước cho nó bớt mặn đi. Khi cái vọng tâm của bạn quá nhiều thì bạn dùng cái chân tâm “Mu A Mu Sa” và cái chân tâm của Trí Tuệ “NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang”, hai cái nguồn ân điển này bạn đổ vào cái vọng tâm. Khi bạn nhận thức ra đây là vọng tâm thì đổ cái chân tâm “Mu A Mu Sa” và “NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang”. Bạn cứ đổ, đổ cho đến khi nào cái liều lượng nó đủ thì cái vọng tâm nó liền bị lỏng ra, tan ra và hòa với cái chân tâm của Từ Bi và Trí Tuệ. Hãy thực tập chánh niệm hơi thở “Mu A Mu Sa” và “NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang”, lấy đó làm cái đề mục để hòa trộn vào với cái vọng tâm vốn có ở nơi kiếp người, để rồi cái vọng tâm đó nó sẽ mỏng ra và dần dần được dung thông với cái chân tâm Từ Bi và Trí Tuệ. Sự thực hành như vậy, dần dần cái vọng tâm của bạn nó cũng sẽ tới nhưng nó được dung nhiếp bởi cái chân tâm Từ Bi và Trí Tuệ. Cố gắng thực hành để có sự trải nghiệm thích thú. Mô Phật!

Câu 8: Mô Phật! Kính thầy, xin thầy khai thị cho con ạ. Con đọc truyện thấy vua Tần Bà Sa La vì gieo nghiệp sát giết A Xà Thế của kiếp trước nên A Xà Thế mới theo oán nghiệp mà đầu thai giết vua cha. Điều này theo con hiểu chính là luật nhân quả. Vậy nếu như A Xà Thế trong kiếp trước không nảy sinh oán hận khi bị giết bởi vua Tần Bà Sa La thì luật nhân quả sẽ hoạt động như thế nào ạ?

Trả lời: Mô Phật! Cái luật nhân quả là tác động giữa hai cái tâm của con người khi tương tác với nhau. Vua Tần Bà Sa La kiếp trước giết A Xà Thế, A Xà Thế lúc bị giết đó thì đầu thai trở lại thành con của Tần Bà Sa La, trở thành vua A Xà Thế và đi giết vua cha. Câu trả lời nếu trở về kiếp trước, Tần Bà Sa La giết A Xà Thế mà A Xà Thế không có cái tâm hận thù như trong kinh Pháp Cú nói “hận với hận là không bao giờ hết, oán với oán không bao giờ hết, chỉ có tâm từ mới có thể cắt đứt những cái oán hận trong cuộc đời”. Oán hận với oán hận thì không bao giờ hết oán hận. Khi chúng ta gặp một người nào đó mà ta giận, trong cái sự tương tác dễ giận dễ sân, hoặc là ta không có làm gì hết mà người đó làm cái là ta bực bội, hoặc là họ sân với ta, thì ta có cái nghiệp thức như Tần Bà Sa La và A Xà Thế rồi.

Nếu như ông vua A Xà Thế khi ở kiếp trước mà bị Tần Bà Sa La giết mà ông ta phát tâm từ bi, hỷ xả “Ê Thê Ê The Sam Ma Tha”, tức là tâm bao dung, tâm hỷ xả, tâm từ bi, tức là tứ lượng tâm từ bi hỷ xả, không chấp và sẵn sàng tha thứ bỏ qua thì ông ta sẽ không phải tái sanh trở lại để làm con của vua Tần Bà Sa La để giết vua cha. Bởi ngay lúc đó ông đã đoạn trừ cái hợp đồng giận rồi, bởi vì Tần Bà Sa La trong kiếp trước giết A Xà Thế, như vậy thì kiếp trước nữa A Xà Thế đã giết Tần Bà Sa La và cứ như vậy, vòng xoay cứ như vậy như vậy. Nhưng cuối cùng là vua cha Tần Bà Sa La đã nhận ra bởi vì Đức Phật khai thị, cho nên khi bị vua A Xà Thế nhốt rồi không cho ăn, rồi cắt thịt ra rồi trét mật ong cho những loài kiến lên đốt để giết ông từ từ, thì ông ta hướng về Đức Phật và phát nguyện với Đức Phật rằng con sẽ không giận không hờn vì ông hiểu rằng kiếp trước ông đã làm như thế nên kiếp này ông phải trả nghiệp. Và kiếp này ông nhận ra bởi Phật dạy dỗ và khai thị cho ông ta nên ông ta muốn hủy cái hợp đồng thù truyền kiếp đó. Trong những phim truyện kiếm hiệp trả thù 10 năm không có trễ, chúng ta cứ trả thù từng kiếp từng kiếp và vô lượng kiếp trả thù nhau thôi. Ông vua Tần Bà Sa La đã hiểu được, chấm dứt cái hợp đồng vô lượng kiếp đó bằng cách tha thứ cho ông A Xà Thế và không giận hờn. Cho nên, sau khi vua Tần Bà Sa La chết thì vòng xoay của cái oán nghiệp không nữa, do đó tích được phước. Nhờ vậy, vua A Xà Thế cuối cùng gặp được phiền não khi sinh ra đứa con đau đớn, và ông ta khủng hoảng đã tìm tới Phật và được Phật hóa độ trở thành một Phật tử thuần hạnh. Thì chính Phật mang Trí Tuệ và Từ Bi khai sáng cho vua cha Tần Bà Sa La để chấm dứt cái hợp đồng truyền kiếp oán giận, để rồi ông vua A Xà Thế cũng nương vào cái năng lượng hồi hướng của vua cha Tần Bà Sa La cho nên đã tìm tới Đức Phật để được khai thị và các ngài đó đã chấm dứt cái hợp đồng truyền kiếp ân oán nhiều đời và trở thành những Phật tử thuần hạnh.

Cho nên nếu một sự việc gì xảy ra có cái hình thù như vậy, như câu chuyện đó, nếu ta là người trong cuộc, hãy khôn ngoan như vua Tần Bà Sa La, tha thứ cho cái đối tượng mà con người kia đang tạo nghiệp với ta và nhận rõ rằng sự việc xảy ra như vậy chính là bởi vì kiếp trước ta đã đối xử với họ. Đừng than trời than đất, trời ơi tôi có làm gì đâu mà người ta ghét bỏ tôi, tôi có làm gì  đâu người ta mắng tôi, người ta chửi tôi người ta dèm pha tôi, người ta hại tôi. Bảo Thành gặp thật là nhiều người tới bắt hại, chụp mũ, chửi Bảo Thành, nói thêm nói bớt nói đủ thứ hết. Hồi xưa đó, bực bội dữ lắm, nghe xong là bực bội rồi, trong đầu dù không có những hành động trả thù nhưng trong đầu mình có những cái tư tưởng chống lại họ, nguyền rủa họ. Nhưng sau này lớn lên, tu tập nhiều, nhớ đến cái câu chuyện của Tần Bà Sa La mới thấy rằng tại sao chúng ta cứ kéo dài cái hợp đồng đó và từ đó mà những người kia muốn bắt hại Bảo Thành. Người ta chụp mũ, người ta xây dựng chuyện này chuyện kia, người ta làm nhiều thứ thì Bảo Thành liền quán chiếu như vua Tần Bà Sa La, à kiếp trước ta đã làm như vậy và nương vào giáo huấn của Chư Phật đó mà quán chiếu và rồi hứa với lòng mình không ký, không tái ký cái hợp đồng đó trở lại nữa, không đáo hạn nữa, cho nó bỏ luôn bằng cách là tập cái lòng bao dung và tha thứ. Tha thứ, bao dung cho chính ta bởi kiếp trước ta đã tạo ra cái sự việc như vậy với cái đối tượng này để gây ra cái nghiệp thức mà ngày nay ta phải hứng lấy nhưng hứng lấy bằng sự tha thứ cho mình và tình thương rải đến họ để hợp đồng chấm dứt như ông vua Tần Bà Sa La và vua A Xà Thế. Mô Phật!

Câu 9: Dạ Mô Phật! Thầy hay dạy, té đâu vịn đó đứng dậy, phải tự thắp đuốc lên mà đi. Nhưng con luôn cảm thấy mình không đủ kiên nhẫn và dũng lực để thực hành thiền tập và vượt qua chướng ngại. Xin Thầy cho con lời khuyên ạ! Mô Phật!

Trả lời: Mô Phật! “Té đâu vịn đó đứng dậy”, “phải tự thắp đuốc mà đi” – đó là lời Đức Phật dạy, không phải Bảo Thành dạy, lời của Đức Phật dạy, Bảo Thành chỉ nhắc lại lời của Đức Phật và chúng ta nên ứng dụng cái lời đó, té ở đâu vịn ở đó đứng dậy và mỗi người chúng ta phải tự thắp đuốc lên mà đi. Trong công hạnh tu, đôi khi ta không đủ lực. Nếu hồi nhỏ ta té xuống, tay chân còn yếu, mới tập đi bị té thì mẹ của chúng ta thường là ở ngay đó, đưa tay xuống và nắm lấy tay ta, mẹ chủ động nắm lấy tay ta, cho ta vịn vào và nâng ta dậy để tiếp tục thực tập mà đi. Trong Thiền Mật Song Tu có một người mẹ giác ngộ, có một vị cha giác ngộ nằm trong mật ngôn số 3 là “Ma Sa Ốp Uê”. Mỗi khi chúng ta té trong đồng tu, ta không đủ sức đứng dậy, hãy nắm lấy “Ma Sa Ốp Uê” tức là đại thủ ấn viên mãn của Chư Phật thể nhập vào cuộc đời để ta vịn vào cái sự tỉnh giác đó, cái sự giác ngộ của Phật đó mà ta đứng dậy tự thắp đuốc lên mà đi. Cho nên trong Thất Bảo Huyền Môn, nếu bạn cảm thấy không đủ sức mỗi khi té xuống để tự đứng dậy, hãy vịn vào “Ma Sa Ốp Uê” mật ngôn này trong chánh niệm, bạn sẽ có một cái nội lực thâm hậu để tự đứng dậy do nương nhờ vào cái hồng ân của Chư Phật và Tam Bảo. Mô Phật!

Câu 10: Dạ Mô Phật! Trong Thập Thiện có dạy, không nói lời thêu dệt. Vậy trong khi tương tác hằng ngày, những lời nói đùa giỡn, chửi thề hoặc những lời mà mình nói không phải là sự thật mà chỉ là nhận định và cảm xúc của cá nhân thì có tạo Khẩu nghiệp không ạ?

Trả lời: Ngắn gọn, tạo nghiệp! Thập Thiện đã nói “không nói thêu dệt”, ta nói thêm một chút, ta trộn thêm một chút, ta làm này làm kia – tạo nghiệp. Mượn ngay cái chỗ đó, nói lời chân thật – tạo được phước, nói lời thêm bớt – tạo ra nghiệp. Sự lựa chọn của bạn là muốn tăng trưởng phước báu trong cái sự tương tác bằng ngôn ngữ, hay muốn hao tổn phước báu, tạo nghiệp trong sự tương tác bằng ngôn ngữ, bạn hãy tự chọn cho bạn một hướng đi. Thập Thiện Phật dạy cho chúng ta hãy chọn cái hướng đừng nói thêm bớt để tăng trưởng phước báu trong mọi hoàn cảnh, ngữ cảnh tương tác bằng ngôn ngữ. Mô Phật!

Cám ơn các bạn đã tham vấn ngày hôm nay và buổi tham vấn thật nhẹ trong cái tình thân hữu của những người bạn đồng tu. Nguyện xin Chư Phật mười phương gia hộ cho chúng ta luôn luôn tinh tấn tu học. Nguyện xin “Ma Sa Ốp Uê”, mười phương Chư Phật luôn là chỗ dựa để ta vịn vào, nương vào đứng dậy khi té và đổ thêm dầu Trí Tuệ “NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang” để thắp sáng cái tánh Phật mà đi, cũng như gọi là tự thắp đuốc mà đi. Nguyện hồi hướng công đức này tới mọi loài chúng sanh, tới các bậc ân nhân trong ngày lễ Tạ Ơn, tới tất cả các đấng sinh thành là cha mẹ, là vợ chồng, là con cái, thân hữu bạn bè đã giúp đỡ và làm nền tảng cho ta thăng hoa trong cuộc sống này. Nguyện xin Chư Phật chứng minh. Chúng con nguyện xin hồi hướng tất cả công đức cho các đấng ấy. Mu A Mu Sa!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn