Bảo Giác Tường đánh máy, Bảo Phước biên tập
Câu 1: Thưa Thầy cho con hỏi: Tại sao có những người sống rất tốt, làm nhiều việc Thiện, cống hiến cho cộng đồng nhưng vẫn bị bệnh không qua khỏi khi tuổi còn trẻ. Vậy thì phải quán chiếu như thế nào để không hoang mang, đau thương ạ! Mô Phật (Thùy Dương)
Câu 2: Thưa Thầy, mỗi lần trong con khởi lên ý muốn làm một việc từ thiện hoặc giúp đỡ một ai đó, trong con vẫn có khời những tạp niệm và suy nghĩ không tốt, làm sao để có thể không bị những tạp niệm đó xuất hiện và mình có thể quán chiếu những tạp niệm và suy nghĩ không tốt đó để khi làm một việc từ thiện nào đó mà trong tâm luôn khởi nên sự hoan hỷ.
Câu 3: Thưa Thầy!, Thầy luôn dạy chúng con là người con Phật thì phải có trái tim từ bi, biết học và hành theo hạnh của Bồ Tát. Nhưng cuộc sống của người đời mấy ai mà không lăn trôi trong vô vàn những sự phiền não, nếu phiền não quá nhiều, thì từ bi không thể có chỗ. Vậy thì để mở rộng dung lượng trái tim mình, ta phải dọn dẹp phiền não của mình, dọn dẹp bớt bản ngã của mình, như vậy có phải là cách để trái tim mình có chỗ để nới rộng cho lòng rộng lượng và sự từ bi không ạ?
Câu 4: Dạ Thưa thầy! Thầy giải thích giúp con được rõ hơn lời Phật dạy về bình đẳng tánh trí ạ. Trong cuộc sống, thông thường người thông minh không coi trọng người ngu dốt, xa lìa họ và coi thường họ, vậy thì chúng con hiểu về bình đẳng tánh trí như thế nào ạ? (Vân Dương)
Câu 5: Cho đi vì lòng yêu thương, và cho đi vì mình cảm thấy cần sự bình yên, vậy thì khi cho đi có khác nhau nhiều lắm không thưa Thầy?
Câu 6: Thưa Thầy, Thầy có giảng cho chúng con nghe là Thầy chưa từng biết sợ hãi là gì, bởi vì Thầy đã thấm nhuần lời Phật dạy. Vậy sự không sợ hãi này có thể hiểu là sự tự tin của một người không ạ? Con là một người rất hay lo âu, sợ hãi và thiếu sự tự tin trầm trọng. Xin Thầy khai thị cho con, bây giờ con phải tu như thế nào để khắc phục và chuyển hóa tình trạng này. Con cám ơn Sư Phụ.
Câu 7: Thưa Thầy, con có sử dụng câu mật ngôn “NAMMÔ TAMÔ TAMÔ ĐARAHOANG” để bình luận vào bài viết của một người bạn con quen trên mạng. Bạn ấy nhắn tin hỏi con “NAMMÔ TAMÔ TAMÔ ĐARAHOANG” là gì ? Vậy con nên trả lời như thế nào để bạn ấy hiểu một cách khái quát về Pháp môn THIỀN MẬT TÔNG THẤT BẢO HUYỀN MÔN nói chung và về câu mật ngôn ” NAMMÔ TAMÔ TAMÔ ĐARAHOANG” nói riêng để gieo nhân duyên thiện lành với bạn ấy. Xin Thầy khai thị cho con
Câu 8: Có lúc Thầy giảng chỉ cần giữ giới Ý, làm cho ý căn thanh tịnh thì sẽ không tạo nghiệp vì khi ý diệt thì các căn khác sẽ diệt. Những tạo tác, suy nghĩ xấu không phát triển để trở thành vọng, dẫn tới hành động xấu, gây hại mình và người. Xin Thầy khai thị cho con thêm về khái niệm này. Khi con suy nghĩ tới những vấn đề xấu, những tư tưởng không tốt về một chuyện gì đó hoặc ai đó thì ngay tại thời điểm ý khởi lên đó, con có tạo nghiệp không? Để rèn luyện ý căn thanh tịnh thì con phải làm như thế nào? Con xin Thầy khai thị!
Câu 9: Phật tử tại gia có thể thọ Bồ Tát giới không ạ? Nếu có thì chúng con cần điều kiện như thế nào để thọ Bồ Tát giới ạ? (Thanh Tâm)
Câu 10: Khi nhắc tới những người xuất gia tu hành, đa phần người ta thường hay nghĩ đến việc là những người nhận vật phẩm cúng dường của mọi người và con đường đó không ăn chơi, không tiếp xúc với thực tế. Đôi phần trở thành những người nhàm chán, lạc hậu và bằng cách nào đó vẫn có rào cản khi tiếp xúc. Nhắc tới Phật Pháp là liên quan tới những nghi thức, nghi lễ cúng bái, bùa, lộc và cúng dường. Nếu tiếp xúc thường với vị đó mà không cúng dường vị đó thì không hay. Nếu là người tu tập pháp và có chí nguyện xuất gia, con nên quán chiếu và ứng xử như thế nào đối với những mối quan hệ xung quanh về cách nhìn này? Xin Thầy khai thị ạ!
Câu 11: Thưa Thầy, con xin hỏi Tâm ở đâu? Phải chăng chỉ cái nằm bên trong hay như thế nào ạ? Xin Thầy khai thị cho con thêm thấu đáo ạ.
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi!
Hôm nay thứ 07, với chương trình Sống Trong Chánh Niệm, chúng ta hãy cùng quay về với sự thanh tịnh của thân tâm, quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Thưa Phật! Hôm nay cùng đồng tu trì Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú Và Thất Bảo Huyền Môn, chia sẻ Phật pháp trong những thắc mắc đơn giản trên con đường tu tập. Nếu có tạo được chút phước đức nào, chúng con nguyện hồi hướng cho quê hương Việt Nam của chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi đại dịch.
Hồi hướng cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà, cha mẹ, những người đã quá vãng, chư hương linh vì đại dịch đã ra đi được siêu sanh miền tịnh lạc.
Hồi hướng cho cha mẹ, cho tất cả bạn bè, người thân luôn luôn được bình an, hạnh phúc, tinh tấn tu học.
Chú Đại Bi: (01 biến)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! (03 lần)
Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát! (03 lần)
Thiên thủ thiên nhãn, vô ngại Đại-bi tâm đà-la-ni. Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam mô a rị da bà lô yết đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da, ma ha tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa. Nam mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da, bà lô kiết đế, thất Phật ra lăng đà bà. Nam mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà già, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án, a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, cu lô cu lô, kiết mông độ lô độ lô, phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Mạ mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê di hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá da, hô lô hô lô, ma ra hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ na ra cẩn trì địa rị sắc ni na, ba dạ ma na, ta bà ha. Tất đà dạ, ta bà ha. Ma ha tất đà dạ, ta bà ha. Tất đà du nghệ, thất bàn ra dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì, ta bà ha. Ma ra na ra, ta bà ha. Tất ra tăng a mục khê da, ta bà ha. Ta bà ma ha, a tất đà dạ, ta bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ, ta bà ha. Ba đà ma yết tất đà dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì bàn đà ra dạ, ta bà ha. Ma bà lị thắng yết ra dạ, ta bà ha. Nam mô hắc ra đát na, đa ra dạ da. Nam mô a rị da, bà lô yết đế, thước bàng ra dạ, ta bà ha. Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt đà dạ ta bà ha. (03 lần)
Chú Vãng Sanh: (03 biến)
Nam-mô a di đa bà dạ
Ða tha dà đa dạ
Ða địa dạ tha.
A di rị đô bà tỳ
A di rị đa tất đam bà tỳ
A di rị đa tì ca lan đế
A di rị đa, tì ca lan đa
Dà di nị dà dà na
Chỉ đa ca lệ ta bà ha.
Thất Bảo Huyền Môn: (01 biến)
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Ma Sa Ốp Uê.
Sa Bi Mô U.
Sa U Sa U Ba Thê Um.
NamMô SaKa PuốtTê, NamMô SaKa PuốtTê.
Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.
(15:58) Các bạn thân mến! Hôm nay thứ 07, Bảo Thành đang ngồi ở đây – chánh điện Tổ Đình Chùa Xá Lợi tại tiểu bang Maryland. Về đây rồi, hôm qua đi máy bay mấy tiếng đồng hồ lại trở về Tổ Đình. Cuộc đời như những chuyến đi, nhưng những chuyến đi đó luôn định được ở trong tâm nơi mình đi và nơi mình tới. Phật pháp là một chuyến đi từ cuộc đời này qua cuộc đời sau, từ kiếp này qua kiếp tới, mỗi một kiếp chúng ta đều phải minh định được mình làm gì và trong cuộc hành trình của chuyến đi cuộc đời ấy, chúng ta cần phải lựa chọn cho mình những hành trang phù hợp, tốt đẹp nhất.
Bảo Thành rất vui trở về Tổ Đình Chùa Xá Lợi và rất vui gặp các bạn đồng tu trong ngày thứ 07, ngày mà chúng ta chia sẻ những thắc mắc thật nhỏ, đơn giản thôi, để có thể giải tỏa mà bước lên trên con đường tu. Sự chia sẻ này không mang Kinh điển, không mang giáo lý cao siêu, nhưng mang những lời lý giải bình thường để chúng ta an tâm tu tập.
Và giờ đây, Tham Vấn Phật Pháp số 12, mời các bạn cho Bảo Thành những câu hỏi hoặc có thể là những sự chia sẻ trên con đường đồng tu để chúng ta cùng san sẻ với nhau những điều hiểu biết được trong nhóm của mình, cũng như tới những người có nhân duyên nghe qua!
Mô Phật!
Bảo Nghy: Dạ Mô Phật! Con Bảo Nghy kính chào Thầy, quý Sư Cô, kính chào anh chị em đồng tu trên Facebook cũng như trên YouTube! Trước khi con gửi đến Thầy câu hỏi của các anh chị em gửi về, con cũng xin nhắc các anh chị đang có mặt, hiện diện trên YouTube và Facebook, các anh chị có thể gửi câu hỏi trực tiếp vào phần bình luận của YouTube và Facebook, để con có thể gửi câu hỏi đến Thầy trên những thắc mắc của toàn thể anh chị em.
(18:54) Câu 01: Thưa Thầy, cho con hỏi tại sao có những người sống rất tốt, làm nhiều việc thiện, cống hiến cho cộng đồng nhưng vẫn bị bệnh không qua khỏi khi tuổi còn trẻ. Vậy thì phải quán chiếu như thế nào để không hoang mang, đau thương ạ. Mô Phật!
Trả lời: Mô Phật! Tất cả chúng ta theo bất cứ một tôn giáo nào, dù là Phật giáo, Thiên Chúa giáo hay các tôn giáo bạn đang tin theo. Chúng ta, trong đó có Bảo Thành đều bị một chứng bệnh tâm lý trầm trọng là khi đi theo một tôn giáo, tin tưởng vào Phật, vào Chúa, các đấng giác ngộ hoặc các đấng giáo chủ, thường có một tư tưởng buộc rằng các Ngài phải ban cho chúng ta, hoặc khi chúng ta thực tập theo những gì các Ngài dạy là phải có sức khỏe, không bao giờ bị bệnh, phải trường thọ – gọi là trường sinh bất lão.
Tư tưởng bệnh hoạn ấy luôn luôn có trong Bảo Thành và các bạn mỗi khi thân xác này bị bệnh, bị mệt mỏi, hoặc tinh thần cũng như thế. Một câu trả lời đơn giản mà có lẽ không cần phải trả lời thật dài dòng, đó chính là đời sống của Đức Phật. Đức Phật trong 80 năm trời sống ở trần gian, trước khi giác ngộ, Ngài cũng thường bị bệnh và khi Ngài giác ngộ thành Phật. Thành Phật nha các bạn! Nếu là một vị Phật rồi tức là viên mãn tất cả, làm toàn là việc tốt, tu toàn là pháp thiện và đã chứng ngộ, giác ngộ nhưng Ngài vẫn bị bệnh. Từ bệnh đau nhức của tuổi già, bệnh mệt mỏi, bệnh kiết lỵ, đủ thứ bệnh hết… và phút cuối trong Kinh Đại Bát Niết Bàn có nói, Ngài bị trúng độc, bị bệnh, ăn nấm độc, ăn chén cháo cuối cùng có nấm độc của ông Thuần Đà rồi bị bệnh kiết lỵ, rồi Ngài chết.
Câu hỏi nếu bạn hỏi rằng bạn làm việc thiện và ai đó còn trẻ làm việc thiện nhiều, tu nhiều. Gọi là tu nhiều, việc thiện nhiều, sao vẫn còn bệnh? Bạn có thể trả lời rằng sao Đức Phật vẫn bị bệnh khi Ngài là Phật?
Câu hỏi đó để cho chúng ta đi sâu hơn, tìm hiểu về Luật Nhân Quả của Đức Phật, chẳng phải là chỉ ở kiếp này mà nó là một sự truyền kì nối tiếp nhiều kiếp. Cũng như chúng ta ví dụ trong cuộc đời, bạn nhịn đói 20 ngày, 30 ngày, 40 ngày, ví dụ trong thời gian đại dịch vừa qua, chúng ta giãn cách cách ly đến 40 ngày, ngày đầu tiên còn tiền, còn đồ ăn, ngày thứ hai cũng như vậy, ngày thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, đến một tuần là tiền đã cạn, đồ ăn đã cạn. Dần dần tuần thứ hai, thứ ba, thứ tư…và bây giờ nhiều người đã hết tiền trả phòng trọ, hết tiền mua đồ ăn, vật thực cũng đã cạn dần, cạn hết, cạn hết bởi chúng ta là người kiếm cơm, kiếm sống qua ngày. Và rồi đi đến sự cùng cực là không còn gì nữa, khủng hoảng tinh thần. Thì giả sử ngày hôm nay chúng ta được giãn cách, không còn bị ràng buộc, được mở cửa, được ăn tha hồ, thì cũng không thể ăn trong ngày hôm nay để mà no đủ trong 40 ngày đã đói. Vậy bạn có ăn nhiều, cái đói vẫn còn ở bên trong, dù no ngày hôm nay, sức vẫn kiệt bởi 40 ngày qua không đủ đồ ăn. Tất cả mọi nghiệp báo của chúng ta nhiều đời dù trong kiếp này nhiều bạn tu, làm thiện pháp nhưng thân vẫn bệnh, thì Đức Phật vẫn bệnh mà. Ngài giác ngộ rồi, chuyển hết nghiệp nhưng vẫn bệnh, bởi có những nghiệp về thân khi sinh ra làm người; định luật Phật đã tìm ra trong Tứ Thánh Đế là Sinh – Lão – Bệnh – Tử, sinh ra mang thân người, sinh ra mang thân tướng trong sáu nẻo luân hồi đều phải bị quy luật của Sinh – Lão – Bệnh – Tử xoay vần; bởi có sinh là có bệnh, có già và có chết. Ai cũng như vậy, tu hay không tu cũng phải trải qua giai đoạn như vậy!
Cho nên bạn tu hoặc bạn không tu, bạn làm ác hoặc bạn làm thiện đều như vậy hết, đều phải trải qua chu kỳ sinh là phải có tử, có bệnh và có già. Sự khác biệt của người tu là ở chỗ ta nhìn quy luật của Sinh – Lão – Bệnh – Tử mà không khổ, bởi ta hiểu được điều đó qua chân lý Vô Thường: Thành – Trụ – Hoại – Không Phật đã dạy. Hiểu được điều đó, thấu được điều đó, quán chiếu được sự Vô Thường như vậy, ta không khổ. Người không tu, không hiểu được Vô Thường, không hiểu được Thành – Trụ – Hoại – Không, không hiểu được Sinh – Lão – Bệnh – Tử; khi sinh ra thì hớn hở, sắp chết thì khổ đau, bệnh hoạn thì than phiền, già nua thì khóc lóc. Khác biệt chỉ có ở chỗ hiểu thấu để không khổ khi nhìn qua quá trình Sinh – Lão – Bệnh – Tử, Thành – Trụ – Hoại – Không. Và sự hiểu thấu đó là qua sự tu, công hạnh của quán chiếu vạn pháp Vô Thường, Vô Ngã. Còn bạn làm việc thiện, bạn tu là tăng trưởng phước báu để chuyển hóa những nghiệp nhiều đời, những món nợ nhiều đời. Nếu vẫn còn xảy ra những chuyện như vậy, Sinh – Lão – Bệnh – Tử tới với bạn là chuyện thường, bởi Phật cũng mang những chuyện như vậy, Phật không tránh khỏi thì ta chẳng tránh khỏi bởi sinh ra trong sáu nẻo luân hồi đều bị quy luật đó. Đó là quy luật ai cũng phải bị.
Làm việc thiện đi, cứ làm, tăng trưởng phước báu để chúng ta sống an tịnh và hạnh phúc, nhìn qua quy luật của Vô Thường sanh diệt đó để chúng ta được tịch tĩnh và an vui. Đừng làm thiện mong cầu rằng trường thọ bất lão, không bệnh, không tử, không chết, đó là Tà kiến, suy nghĩ sai! Tà tức là chướng ngại, những suy nghĩ sẽ tạo ra chướng ngại để rồi chúng ta nói: “Ôi, người ta không tu cũng bị vậy, tu cũng bị vậy, thôi không tu nữa”. Không! Tu thì khi nhìn nó xảy ra, ta không khổ; không tu khi nó tới ta sẽ khổ nhiều; sự lựa chọn của các bạn tu là không khổ khi trực diện với chân lý sự thật của Sinh – Lão – Bệnh – Tử.
Mô Phật!
(26:40) Câu 02: Thưa Thầy, mỗi lần con khởi lên ý muốn làm một việc từ thiện hoặc giúp đỡ một ai đó, trong con vẫn có khởi những Tạp Niệm và suy nghĩ không tốt. Làm sao để có thể không bị những Tạp Niệm đó xuất hiện và mình có thể quán chiếu những Tạp Niệm và suy nghĩ không tốt đó, để khi làm một việc từ thiện nào đó mà trong tâm luôn khởi nên sự hoan hỷ. Mô Phật!
Trả lời: Mô Phật! Đầu tiên trước khi đi sâu vào làm sao để có thể thì câu mà Bảo Thành muốn chia sẻ đối với mọi người rằng trong chúng ta luôn có Chánh Niệm và Tạp Niệm! Bình thường thôi, như vàng lẫn trong cát, vàng lẫn trong rác rưởi, cho nên người ta đi sàng lọc vàng. Các bạn có coi người ta đi tìm vàng chưa? Người ta hốt một mớ cát dưới dòng sông hoặc đào đất lên rồi sàng, lọc, rồi mới lấy được những vàng lấm tấm lấm tấm, mỏng, vụn như vậy rồi bắt đầu mới cô nó lại thành từng cục vàng, rồi biến chế thành những vật trang điểm, trang sức cho cuộc đời.
Và khi các bạn ở nông thôn các bạn thấy, người ta gặt lúa, người ta phải sàng để những hạt lép bay ra rồi lấy những lúa tốt mang vào kho. Cuộc sống có Tạp Niệm, có Tà Niệm, có Chánh Niệm. Bình thường! Nếu bạn còn có Tạp Niệm, Tà Niệm thì không sao, bình thường nha các bạn! Đừng sợ! Bởi ta là con người, ta luôn có cả hai thứ lẫn lộn, ta phải học trở thành người nông dân biết sàng lúa, ta phải học thành người đãi vàng biết đãi vàng, lược nó ra khỏi cát, khỏi đất để có vàng ròng 9999. Cuộc sống có Tà Niệm và Chánh Niệm. Tu là sàng lọc. Bởi vậy Phật mới nói không phải chúng ta không có Tà Niệm, Chánh Niệm, không có thiện và ác mà ta có thiện có ác luôn luôn tồn tại, nhưng Phật khuyên hãy làm việc thiện, buông bỏ việc ác. Chữ “buông bỏ việc ác” có nghĩa rằng điều ác vẫn có trong ta, tư tưởng ác vẫn có trong ta, Tà Niệm ác vẫn có trong ta, nhưng Phật khuyên rằng cái ác có trong ta, Tà Niệm có trong ta, Tạp Niệm có trong ta, nó đều khởi lên liên tục như nó sủi bọt (như nước sủi bọt lên) nhưng vẫn có Chánh Niệm song hành với cái đó, vẫn có những điều thiện song hành với điều ác.
Vậy Phật dạy, khi con nhìn thấy Tạp Niệm và Chánh Niệm, nhìn thấy và biết được trong ta khởi lên Chánh Niệm làm việc thiện, tu thiện và song hành với đó vẫn khởi lên Tà Niệm, Tạp Niệm và những điều ác, mình phải nhắc lại cho chính mình rằng: “À! Phật dạy rằng thấy ác bỏ ác, thấy thiện làm thiện, thấy Tạp Niệm thì buông nó đi, thực hành Chánh Niệm”. Cho nên đừng hoảng sợ rằng khi khởi lên những Chánh Niệm, những việc thiện thì đồng thời lại khởi lên những Tạp Niệm, Tà Niệm và những việc ác. Không sao! Không sao! Nó luôn luôn tồn tại, Tà và Chánh luôn khởi lên trong tâm bởi ta là Phàm phu. Nhưng sự khác biệt rằng khi ta tu Chánh Niệm hơi thở để có Chánh Định, để đồng thời nhìn thấy Chánh và Tà khởi lên, và chúng ta thực hiện đúng theo Kinh Pháp Cú Đức Phật dạy, hãy làm việc thiện (việc bên phải), buông bỏ điều trái (việc bên trái), Tà Niệm có đó buông đi, có thiện hành thiện, cứ như vậy, cứ như vậy tích tiểu thành đại rồi đãi cát để lược ra vàng, một ngày nào đó bạn sẽ có cả cây vàng, một ngày nào đó bạn sẽ có cả một kho Chánh Niệm, cả một kho việc thiện đãi từ trong rác rưởi, Tà Niệm và Tạp Niệm.
Cho nên để trả lời cho câu hỏi đơn giản theo phương thức mà Bảo Thành thấy rằng dễ dàng thực tập đó là Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu vô thường, thắp sáng trí tuệ, lan tỏa từ bi để chúng ta biết làm việc thiện, bỏ việc ác để tâm càng ngày càng thanh tịnh. Chỉ thực tập đơn giản vậy thôi, là buông bỏ điều ác, tinh tấn việc lành việc thiện, giữ hơi Chánh Niệm, quán chiếu từ bi và luôn luôn mở lòng để từ bi đó, trí tuệ đó được sáng, được lan tỏa thì bạn dần dần sẽ trở thành người đãi vàng chuyên nghiệp, gạt bỏ những Tạp Niệm, đất đai ra để lược được vàng, vàng ròng – Đó là những điều thiện hảo phước báu.
Hãy thực tập đơn giản như vậy một thời gian, rồi bạn sẽ có một sự trải nghiệm thích thú trong sự tu tập và bạn sẽ tăng trưởng phước báu.
Mô Phật!
(32:01) Câu 03: Thầy luôn dạy chúng con là người con Phật thì phải có trái tim từ bi, biết học và hành theo hạnh của Bồ Tát. Nhưng cuộc sống của người đời mấy ai mà không lăn trôi trong vô vàn những sự phiền não, nếu phiền não quá nhiều thì từ bi không thể có chỗ. Vậy thì để mở rộng dung lượng trái tim mình, ta phải dọn dẹp phiền não của mình, dọn dẹp bớt bản ngã của mình, như vậy có phải là cách để trái tim mình có chỗ để nới rộng cho lòng rộng lượng và sự từ bi không ạ? Mô Phật!
Trả lời: Mô Phật! Đó là một cách nói, nhưng cách đó mệt dữ lắm, bởi vì mình cứ phải đi dọn rác không à. Có ví dụ như vầy, bạn có thấy dòng sông khi lũ lụt cuốn về chưa? Nó đục ngầu rác rưởi hôi thối lắm, nhưng bạn có khi nào hỏi con cá nó có bị đục ngầu bởi nước đục hay không? Không! Con cá vẫn là con cá, nó bơi trong dòng nước đục nhưng cá không bao giờ bị đục.
Một viên kim cương bị rác rưởi hoặc rớt xuống hầm cầu, nó không bị mùi hôi thối, rác rưởi làm cho nó không còn sáng với tinh thể của kim cương. Một ví dụ cụ thể trong Phật giáo của chúng ta, hoa sen ở trong bùn lầy, nó vươn lên nhưng nó không loại trừ bùn lầy, nó vẫn đẹp. Chúng ta lan tỏa từ bi yêu thương mọi người không phải là phải dẹp tan tất cả mọi phiền não, mà chúng ta khiến phiền não thành tâm bồ đề. Tâm bồ đề chính là tâm yêu thương, tâm từ bi. Nhìn thẳng vào những phiền não đang hiện diện, đang hiện hữu trong ta và chung quanh môi trường sống để từ bi, tức là viên kim cương từ bi đó có cơ hội tỏa sáng. Chứ đừng cứ lo dọn dẹp rác rưởi sình lầy mà không thể nhập vào viên kim cương cho tỏa sáng. Thì sen kia đâu có thể ngoi lên bùn bởi vì sen cứ lo diệt bùn không à. Sen mượn bùn để trồi lên, đó là hình ảnh cao quý nhất của Phật giáo!
Chúng ta sống trong cuộc đời, biết bao nhiêu thiện nghiệp và ác nghiệp đã tạo ra, toàn một vũng sình ngập tràn trong cuộc sống, nhưng ít nhất ta còn tánh bồ đề, còn chủng tử trí tuệ và từ bi trong tánh Phật như một mầm sen. Mầm sen dù rất nhỏ trong cả một biển sình hôi thối đó, chẳng cần phải sàng lọc, gạn lọc, đẩy hết sình lầy đó đi. Mà hãy mượn luôn sình lầy rác rưởi của phiền não đó, để mầm sen mong manh nhỏ bé của trí tuệ – từ bi qua Chánh Niệm hơi thở có thể ngoi lên từ từ mà tỏa sáng. Hãy tập trung vào năng lượng từ bi và trí tuệ, Chánh Niệm hơi thở, nhất định mầm sen trí tuệ Phật tánh đó dù có bị dìm sâu ở trong đống sình lầy rác rưởi của phiền não nhiều đời nơi chúng ta và sự cộng nghiệp chung của môi trường ta đang sống vẫn có thể ngoi dậy để tỏa hương sen thơm ngát và trên tòa sen đó, có ta hiển lộ ở trong đó.
Cho nên làm sao? Là hãy tập trung vào Chánh Niệm hơi thở từ bi và trí tuệ, hãy lan tỏa trí tuệ – từ bi đó đi, còn sự phiền não xung quanh ta dù nó có tới, hãy trở về với Chánh Niệm hơi thở, hít vào thở ra như mầm sen vẫn vươn lên, đừng để phiền não xung quanh ta làm cho ta quên Chánh Niệm hơi thở, để từ đó chúng ta biến mình thành một phần của đống rác hôi thối phiền não Tạp Niệm của cuộc sống đang quấy rầy chúng ta. Hãy luôn luôn nhớ rằng Chánh Niệm hơi thở giúp cho chúng ta minh định và xác định rằng ta là mầm sáng, ta là trí tuệ, ta là từ bi và ta luôn luôn phải trí tuệ – từ bi trong từng sát na của hơi thở, dù trí tuệ – từ bi đó đang lăn trôi trong luân hồi đau khổ của biết bao nhiêu những phiền não cộng nghiệp chung quanh đang hiện hữu trong cuộc đời. Chánh Niệm từ bi!
Mô Phật!
(36:39) Câu 04: Dạ Thưa Thầy! Thầy giải thích giúp con được rõ hơn lời Phật dạy về bình đẳng tánh trí ạ. Trong cuộc sống, thông thường người thông minh không coi trọng người ngu dốt, xa lìa họ và coi thường họ. Vậy thì chúng con hiểu về bình đẳng tánh trí như thế nào ạ?
Trả lời: Mô Phật! Dĩ nhiên trong cuộc sống có sự chênh lệch về trình độ, kiến thức ở loài người. Có sự chênh lệch về cao thấp, đẹp xấu, kiến thức sâu rộng, uyên thâm, bác học, những bậc đại học sĩ, hay có những người bình thường không văn chương chữ nghĩa, đó là sự chênh lệch trong cuộc sống tùy theo phước báu nhiều đời. Nếu dựa trên ý nghĩa hơn thua của loài người đặt để, thì dĩ nhiên có khác biệt, không bình đẳng. Bởi người sinh ra có nhiều phước báu hơn và người sinh ra có ít phước báu hơn để thành tựu. Bình đẳng của nhà Phật là bình đẳng của trí tuệ và từ bi. Khi thể nhập vào trí tuệ và từ bi rồi, thì mọi loài chúng sanh đều bình đẳng ở trí tuệ và từ bi, tức là Phật tánh đều bình đẳng như nhau. Trong Phật tánh không cao không thấp, bởi vậy Phật mới nói: “Ta là Phật, các con là Phật sẽ thành”. Có nghĩa rằng giữa Phật và chúng sanh đều bình đẳng giữa tánh Phật, nhưng Phật đã hiển lộ được tánh Phật còn tánh Phật của ta vẫn chìm sâu dưới đống sình mà thôi. Hai tánh đó dù chìm sâu và đã hiển lộ đều bình đẳng với nhau, nhưng hiện giờ nó khác, khác là Phật đã được hiển lộ, còn chúng sanh đang chìm đắm, đang mê.
Cho nên sự khác biệt về kiến thức của loài người, về tiền, về danh vọng, về địa vị, về phước báu là do công hạnh tu mà tạo ra sự khác biệt. Nhưng nếu chúng ta chuyên chú vào trí tuệ và từ bi thì chính trí tuệ và từ bi của tánh Phật đó không bao giờ khác biệt. Giữa Phật và chúng sanh đều bình đẳng tánh trí – tánh Phật và trí tuệ, từ bi và yêu thương.
Và trong trí tuệ – từ bi, yêu thương đó, nếu chúng ta thể nhập vào được rồi thì có cơ hội tạo được nhiều phước báu để tăng trưởng những phần phước báu trong cõi nhân thiên này như những người khác một cách từ từ tùy theo phước báu thành tựu được. Nhưng trí tuệ và từ bi khi chúng ta thể nhập vào được rồi, dù có khác biệt về vật chất, về danh vọng, địa vị, về tướng cao, tướng thấp, tướng đẹp, tướng giàu nghèo nọ kia thì cũng không sao bởi vì đó chỉ là phước báu nhân thiên của loài người mà thôi. Còn phước báu tột cùng chính là trí tuệ và từ bi, khi thể nhập vào rồi, chúng ta sẽ thành Phật và sẽ là Phật, không có sự khác biệt. Cho nên bình đẳng tánh trí trong nhà Phật là nói đến tâm Phật chứ không nói đến sự khác biệt giữa kiến thức của loài người bởi phước báu nhân thiên tạo ra.
Mô Phật!
(39:47) Câu 05: Cho đi vì lòng yêu thương và cho đi vì mình cảm thấy cần sự bình yên, vậy thì khi cho đi có khác nhau nhiều lắm không thưa Thầy? Mô Phật!
Trả lời: Mô Phật! Có một câu chuyện là có một anh chàng kia, ảnh ngồi ảnh mơ có lầu thứ 03. Bởi vì anh ta đi tới hàng xóm, thấy anh hàng xóm xây nhà đến ba lầu, mà anh ta không có tiền để xây cả ba tầng, nên anh ta chỉ có tiền xây tầng thứ 03 thôi. Và rồi xây tầng thứ 03 đó giữa những nền móng quá nhỏ, mong manh, cuối cùng nó bị sập. Chúng ta thường bỏ qua từng bước từng bước, nếu có đủ tiền xây một tầng thì xây một tầng. Nhưng chúng so kè, ta thích cao bằng người, hơn người nên bỏ qua quá nhiều công đoạn tu tập. Từ đó mà nền tảng không vững chải, dễ bị sụp đổ. Sự tu ở đời không nhất thiết phải so kè, phải vươn lên cho bằng người, mà hãy nhận diện ra phước báu của ta để tu một cách từ từ.
Cho nên khi bạn cho đi để tạo niềm vui cho mình hay cho đi để thể hiện tình thương hay vì thương người thì cho, đầu tiên nhớ rằng hai ý nghĩa đó khác nhưng đồng một hành động tức là cho đi. Người ta nói: “Cho như vậy không tạo được nhiều phước! Cho như kia không tạo được nhiều phước!”. Không sao! Bạn cứ thực tập cho đi đi! Cho đi dù là với cảm giác thương người ta túng thiếu nghèo khổ hay cho đi chỉ để mình thỏa mãn niềm vui thì cũng cứ làm việc đó đi. Đừng so sánh cái nào nhiều phước hơn, ít phước hơn, đúng hay là sai! Chúng ta cứ so sánh đúng hay là sai, cuối cùng chỉ ngồi mơ mộng mộng mơ, không bắt tay vào hành động, chẳng làm nên được điều gì. Cho dù để thỏa mản cảm giác vui thôi cũng đã được rồi. Bởi nó dần dần thăng hoa từ cái thỏa mãn cảm giác riêng mình, nó sẽ thăng tiến tới sự yêu thương rõ nét hơn để cho vì tình thương. Rồi từ từ chúng ta cho hay hơn như bố thí Ba La Mật, cho mà không thấy đối tượng nhận, không thấy đối tượng cho, không thấy vật để cho. Nhưng đừng liên tưởng tới Ba La Mật đó quá cao để rồi: “Ôi, tôi cho, tôi không thấy người tôi cho là ai, tôi không biết ai cho tôi vật đó và vật đó là gì”. Đó chỉ là ảo tưởng sức mạnh mà thôi! Bạn cho bạn phải biết! Biết đối tượng cho là gì, cho vì mục đích gì và cho vật gì, rồi từ từ, từ từ chúng ta tiến lên.
Cho nên nếu bạn cho vì cảm giác rằng để an tâm, để vui, bạn cứ làm! Hãy bắt đầu bởi đó là rất thật, bạn rất chân thật với cảm giác của bạn. Nếu bạn cho vì tình thương khởi lên ở trong lòng, thương xót, thông cảm, bạn cứ cho. Dù cho bất cứ một cảm xúc nào thì hành động cho, hiến tặng đó đều cao quý hết. Còn những cảm xúc khởi lên từ trong tâm vì lý do này, lý do kia từ từ sẽ được thành tựu đẹp hơn cũng như là câu hỏi đầu tiên đó, tức là người đi đãi vàng, cả một khối đất cứ đãi từ từ sẽ lòi ra vàng. Thì chúng ta cứ cho đi, cho là một hành động cao cả, còn mục đích cho như thế nào không cần nghĩ đến quá nhiều. Chỉ cần bạn chân thật với chính mình, tôi muốn được vui, được an tâm hoặc tôi vì tình thương, hoặc tôi vì bắt chước, tôi cho để tạo được phước báu,… hàng trăm hàng vạn lý do để cho đi. Hành động cho đi rất cao quý bởi đó là những sự khởi đầu cho một giai đoạn bạn chuyển hóa tâm thức của chính mình.
Mô Phật!
(44:02) Câu 06: Thầy có giảng cho chúng con nghe là Thầy chưa từng biết sợ hãi là gì, bởi vì Thầy đã thấm nhuần lời Phật dạy. Vậy sự không sợ hãi này có thể hiểu là sự tự tin của một người không ạ? Con là một người rất hay lo âu, sợ hãi và thiếu sự tự tin trầm trọng. Xin Thầy khai thị cho con, bây giờ con phải tu như thế nào để khắc phục và chuyển hóa tình trạng này. Con cám ơn Sư Phụ. Mô Phật!
Trả lời: Mô Phật! Hồi xưa Bảo Thành hay sợ lắm, sợ một cách mông lung, sợ một cách không rõ, sợ có được cái này rồi nó mất, sợ không đạt được điều này, sợ không bằng người, sợ so sánh với bạn bè, so sánh với người thân, so sánh đủ thứ, thấy mình thiếu, mình thua, mình thiệt, mình không bằng họ. Nhiều cái sợ nó làm cho lúc nào cũng không có được vui. Nhưng khi Bảo Thành tu qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để quán chiếu về trí tuệ, nhìn xuyên qua vô thường, đúng theo lời Phật dạy, hồi xưa không hiểu và thấy nhưng mà chưa có sống được, chưa có tật thể nhập vào chân lý đó để sống, cho nên còn quờ quạng dữ lắm, nên sợ, chuyện gì cũng sợ hết. Sợ đến mức mà đôi khi không dám làm gì, sợ đến khi bệnh luôn, sợ mà thiếu đi tự tin. Dĩ nhiên khi chúng ta không còn sợ (bằng cái hiểu chứ không phải sợ như người ta gọi là có gan lớn, không biết sợ gì), sợ bởi hiểu bằng trí tuệ quán chiếu sẽ giúp cho chúng ta có niềm tin, niềm tin đó dựa trên cơ sở của sự tu, của sự thực hành, chứ không phải niềm tin đó bởi vì ta tin rằng ta có sức mạnh, sức mạnh đó là do lá gan quá bự, không sợ, liều mạng.
Bảo Thành quán chiếu mật ngôn số 02 thấy như lời Phật dạy các pháp đều vô thường sanh diệt, trải qua nhiều năm quán chiếu, thể nhập và hiểu được, và thấy rõ ràng vạn pháp trong cuộc đời đều vô thường sanh diệt, từ đó mà những điều có hay không đều tới và đi theo nhân duyên. Vậy thì sống trên cuộc đời này, những điều ta làm được, thực hiện được đều do nhân duyên của phước báu thành tựu qua công hạnh tu tập và dù công hạnh có lớn bự như núi Tu Di, nó tới rồi cũng sẽ đi. Và thấu được tinh thần vô ngã. Hồi xưa còn: “À ta như vầy, ta như kia” nên đi đâu cũng sợ đứng sau, đi đâu cũng sợ thua. Để rồi cho tâm ngã mạn vươn dậy, ưỡn ngực lên đằng trước để xô đẩy người ta té xuống, đạp lên họ mà vươn lên để thành được những mục đích của mình. Nhưng ngày nay đã không còn sợ, bởi hiểu được vô thường và vô ngã.
Cho nên đó là kinh nghiệm riêng của Bảo Thành. Dĩ nhiên mỗi một người chúng ta có phước báu và ứng dụng những phương tiện của Phật pháp khác biệt để thành tựu được niềm tin vào cuộc sống không còn sợ hãi. Nhưng kinh nghiệm riêng của Bảo Thành do thực tập mật ngôn số 02 NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, dùng trí tuệ thể nhập vào lòng từ bi quán chiếu vô thường và vô ngã, từ đó tìm được niềm tin vững chải trong cuộc sống ở chỗ không còn chấp vào cao thấp, hơn thua. Để rồi bị tám luồng gió chướng là được và mất, khen và chê, tốt và xấu, đau khổ và hạnh phúc biến thành cơn cuồng phong bão tố, biến thành những cơn lốc xoáy cuốn mình vào trong đó, điên đảo thần hồn đau khổ. Tám luồng gió chướng đó trở thành tám luồng gió mát hiện diện trong cuộc đời bằng sự sáng của trí tuệ, sự ấm áp của lòng từ bi, cho nên Bảo Thành hết sợ.
Các bạn nếu thực tập mật ngôn số 02, quán chiếu trí tuệ của mình và từ bi, thấu rõ được vô thường và vô ngã, bạn sẽ bớt khổ dần dần và hết khổ. Để rồi tám luồng gió chướng của cuộc đời, Bảo Thành nhắc lại: hai luồng gió chướng của được và mất sẽ không làm bạn đau khổ, không làm bạn sợ hãi; hai luồng gió chướng của khen và chê; của xấu và đẹp; của đau khổ và hạnh phúc, hiểu thấu được điều đó bằng sự thực hành quán chiếu, bạn sẽ như Bảo Thành không biết sợ, hoặc còn hơn thế nữa. Có niềm tin vào cuộc sống và niềm tin cuộc sống đó là niềm tin qua công hạnh tu tập. Mong rằng bạn thực tập để có được điều đó như Bảo Thành bởi đó là pháp bảo quý nhất qua sự thực hành!
Mô Phật!
(49:26) Câu 07: Thưa Thầy! Con có sử dụng câu mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để bình luận vào bài viết của một người bạn con quen trên mạng. Bạn ấy nhắn tin hỏi con NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là gì? Vậy con nên trả lời như thế nào để bạn ấy hiểu một cách khái quát về Pháp môn Thiền Mật Tông, Thất Bảo Huyền Môn nói chung và về câu mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang nói riêng để gieo nhân duyên thiện lành với bạn ấy. Xin Thầy khai thị cho con!
Trả lời: Mô Phật! Ở trên đời có nhiều thể loại ngôn ngữ, ngôn ngữ là mang ý nghĩa. Tất cả các ngôn ngữ, ngôn ngữ viết hoặc ngôn ngữ nói đều mang ý nghĩa để diễn đạt một điều gì đó cho nhau.
Nếu các bạn học Anh ngữ, chúng ta ví dụ như câu “Hello” tức là “Chào bạn”. Tiếng Việt là “Chào bạn” còn tiếng Mỹ là “Hello”. Còn các ngôn ngữ khác nó còn nhiều nữa, đa dạng, bao nhiêu thứ ngôn ngữ thì đều có một câu để thể hiện rằng “Chào bạn”.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là một ngôn ngữ thời xưa để nói đến thiền trí tuệ, tóm gọn hơn đó gọi là trí tuệ quán. Trí tuệ quán về cái gì thì câu này là trí tuệ quán về Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Bạn có thể trả lời đối với bạn đó NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có nghĩa là trí tuệ quán về Vô Thường, Khổ, Vô Ngã.
Mô Phật!
(51:18) Câu 08: Có lúc Thầy giảng chỉ cần giữ giới Ý, làm cho ý căn thanh tịnh thì sẽ không tạo nghiệp vì khi ý diệt thì các căn khác sẽ diệt. Những tạo tác, suy nghĩ xấu không phát triển để trở thành vọng, dẫn tới hành động xấu, gây hại mình và người. Xin Thầy khai thị cho con thêm về khái niệm này. Khi con suy nghĩ tới những vấn đề xấu, những tư tưởng không tốt về một chuyện gì đó hoặc ai đó thì ngay tại thời điểm ý khởi lên đó, con có tạo nghiệp không? Để rèn luyện ý căn thanh tịnh thì con phải làm như thế nào? Con xin Thầy khai thị!
Trả lời: Mô Phật! Trong nhà Phật, tất cả các nghiệp thiện và ác (nghiệp có thiện và ác) đều tạo ra bởi thân, ngôn ngữ sử dụng và ý. Những hành động tạo tác bởi thân, những ngôn ngữ sử dụng và những ý khởi lên đều tạo ra một lực. Nếu ý thiện, ngôn ngữ thiện, hành động thiện thì tạo nên lực thiện, đó là nghiệp lực thiện. Nếu ý ác, ngôn ngữ ác, hành động ác thì tạo nên nghiệp lực ác.
Trong Kinh Đức Phật dạy vạn pháp do tâm tạo, tâm làm chủ các pháp. Các pháp ở đây là các pháp về ngôn ngữ và hành động. Ví dụ đơn giản, tâm là ông vua, ông vua mà làm chủ đất nước là ông vua đó được gọi là thánh vương, được gọi là minh vương bởi có những tư tưởng tốt đẹp thì ông ta sẽ điều khiển được ông quan văn là ngôn ngữ, ông quan võ là những hành động phải phục vụ ông vua – vị minh vương đó để làm việc tốt. Còn nếu ông vua là bạo chúa thì ông ta sẽ sai quan văn nói những lời nguy hiểm, tấu trình những đoạn nguy hiểm để hại những triều thần khác, hoặc sai ông quan võ đi hại người, giết người. Cho nên miệng là văn, thân là võ, hiểu đơn giản như vậy nhé các bạn. Miệng là quan văn, thân là quan võ, đừng để nó thành nịnh thần, đừng để thành hung thần, ác chúa. Cho nên tâm làm chủ, tâm là minh vương. Hãy tập làm chủ tâm!
Dĩ nhiên trong tâm của ta vẫn khởi lên điều ác và điều thiện, bởi ý thiện, ý ác đó vốn có trong ta, trong kiếp luân hồi sinh tử làm người. Do đó Đức Phật dạy luôn luôn quán tâm từ bi. Luôn luôn quán tâm từ bi tức là nhìn vào tâm từ bi, nhận ra ta có tâm từ bi và luôn luôn gọi là gì, gần mực thì đen gần đèn thì sáng, gần từ bi thì tâm sẽ an. Phật nói quán từ bi là để chúng ta luôn luôn kề cận với tình thương và lòng từ bi vốn có trong ta. Đừng lấn sang hàng xóm gai góc của những điều bất thiện!
Do đó, tâm luôn quán từ bi tức là luôn gần với năng lượng thiện từ bi, thì tâm đó sẽ biến thành tâm của một vị minh vương, từ đó có thể điều khiển được ông quan văn và ông quan võ làm những việc tốt phục vụ để không tạo nghiệp. Hy vọng cách nói đơn giản này bạn hiểu được để thực hành cho dễ. Còn dĩ nhiên trong Phật pháp, phân tích tỉ mỉ hơn bằng những ngôn ngữ cao siêu nhiệm màu thì dài lắm, nhưng Bảo Thành hôm nay chỉ muốn nói đơn giản để làm chủ được tâm Phật dạy, Chánh Niệm hơi thở từ bi quán, tâm của bạn sẽ trở thành một vị minh vương, để quan văn, quan võ phục vụ đời sống của bạn theo đúng chiều hướng tốt, tạo được thiện nghiệp và tăng trưởng phước báu.
Mô Phật!
(55:32) Câu 09: Phật tử tại gia có thể thọ Bồ Tát giới không? Nếu có thì chúng con cần điều kiện như thế nào để thọ Bồ Tát giới ạ? Mô Phật!
Trả lời: Mô Phật! Bất cứ ai cũng có thể thọ được Bồ Tát giới. Bồ Tát giới tức là để hành Bồ Tát đạo, Bồ Tát đạo tức là tu từ bi và trí tuệ. Từ bi và trí tuệ là hai pháp quán của Mẹ Hiền Quan Thế Âm, cho nên Phật tử tại gia đều thọ được Bồ Tát giới. Lời khuyên chân thật, bạn có thể lên Google đọc qua tám giới hoặc mười giới, hoặc tùy theo chỗ bạn tu giới Bồ Tát, bạn thọ được bao nhiêu giới cho đến khi thọ toàn phần và hiểu được Bồ Tát giới là gì, Bồ Tát hạnh là gì. Tốt nhất nếu bạn ở gần chùa, bạn hãy tới gặp các Sư Cô, quý Thầy hỏi để biết, để được hướng dẫn một cách chân thật, tốt đẹp hơn và bạn nên chuẩn bị coi tại gia, nếu thọ Bồ Tát giới, bạn có giữ và hành được hay không.
Dĩ nhiên, nhiều người nói: “Ôi, hoàn cảnh tôi không hành, không thể giữ được”, nhưng các bạn nhớ, khi chúng ta thọ, đó là mục đích để thành tựu, bạn chưa thực hành được, nhưng bởi vì bạn thọ giới đó, bạn sẽ đặt mục đích cao cả hơn trong một đời sống Bồ Tát hạnh. Có lầm lỗi, có phạm giới trong suốt chiều dài khi đã thọ giới, nhưng bạn sám hối tu tập, một ngày nào đó bạn sẽ thành tựu được giới đó. Cho nên câu trả lời ngắn gọn, tất cả mọi người đều có thể thọ Bồ Tát giới được!
Mô Phật!
(57:20) Câu 10: Khi nhắc tới những người xuất gia tu hành, đa phần người ta thường hay nghĩ đến việc là những người nhận vật phẩm cúng dường của mọi người và con đường đó không ăn chơi, không tiếp xúc với thực tế. Đôi phần trở thành những người nhàm chán, lạc hậu và bằng cách nào đó vẫn có rào cản khi tiếp xúc. Nhắc tới Phật Pháp là liên quan tới những nghi thức, nghi lễ cúng bái, bùa, lộc và cúng dường. Nếu tiếp xúc thường với vị đó mà không cúng dường vị đó thì không hay. Nếu là người tu tập Phật pháp và có chí nguyện xuất gia, con nên quán chiếu và ứng xử như thế nào đối với những mối quan hệ xung quanh về cách nhìn này? Xin Thầy khai thị ạ! Mô Phật!
Trả lời: Mô Phật! Những cách nhìn như vậy hoàn toàn sai! Hoàn toàn là Tà Kiến tạo dựng lên trong dân gian để gây sự hiểu lầm giữa bậc xuất gia và ở đời. Chúng ta chỉ hiểu đơn giản, chúng ta có cái đèn, có dầu, có tim đèn. Người xuất gia là người mồi lửa cho ngọn đèn được sáng; còn người không xuất gia là người có đèn, có tim đèn, có dầu mà không mồi lửa nên ngọn đèn đó không sáng. Đơn giản vậy nhé các bạn!
Xuất gia là thắp sáng ngọn đèn của mình để được sáng, được sống trong vùng sáng và để được ánh sáng trí tuệ – từ bi của mình lan tỏa và ảnh hưởng đến những vùng tối của những chúng sanh khác để họ nương vào đó, có được sự sáng mà thoát mê lầm. Còn người không xuất gia, có đèn, có dầu, có tim mà không thắp sáng, cứ khư khư ôm lấy ta có, mà chẳng sáng.
Còn những ý niệm như bạn vừa nói đều là sai, đều là Tà Kiến, Tà Niệm của người đời ghép vào. Đặc biệt trong thời gian vừa qua và trong suốt chiều dài lịch sử, không hẳn chỉ có Phật giáo, tất cả mọi tôn giáo, những vị xuất gia hoặc những vị đi tu của tất cả mọi tôn giáo luôn luôn bị thế lực ngầm ở ngoài đời dùng mọi phương tiện xảo trá để bôi nhọ. Nhưng nhớ chỉ có một phần mà thôi, không nhiều đâu! Còn có biết bao nhiêu các bận chân tu thanh tịnh mà khi chúng ta tiếp cận với các Ngài, chúng ta thấy như tiếp cận với một người cha hoặc như một người mẹ, như một người bạn, như một người tri kỷ, hoàn toàn không có những cảm giác như bạn vừa nói xâm chiếm và ảnh hưởng tới. Và khi tiếp xúc với những bậc đó, bạn thấy thư thái nhẹ nhàng, an nhiên tự tại, vui vẻ và như nhìn thấu được những điều gì ở trong lòng của bạn.
Cho nên xuất gia là thắp sáng cây đèn của mình vốn có. Đèn đó là đèn gì? Đèn trí tuệ và từ bi! Người xuất gia là người thắp sáng trí tuệ và từ bi. Người không xuất gia là có trí tuệ và từ bi nhưng không chịu ứng dụng, chôn vùi vào trong Ngũ Dục.
Mô Phật!
(1:00:34) Câu 11: Thưa Thầy, con xin hỏi Tâm ở đâu? Phải chăng chỉ cái nằm bên trong hay như thế nào? Xin Thầy khai thị cho con thêm thấu đáo ạ. Mô Phật!
Trả lời: Mô Phật! Trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật cũng nói về tâm ở đâu, hỏi các đệ tử và A-Nan. Tâm nằm trong mắt, ở mũi, ở tai, ở các giác quan, nằm ở bên ngoài hay bên trong?”, và Kinh Lăng Nghiêm nói thật rõ tâm ở đâu. Thời đại ngày nay Kinh điển không thiếu! Thiếu là bởi vì ta không đọc, thích hỏi mà thôi. Để ai nói đúng ý của ta, ta khoái quá ta vỗ tay: “À, ông Thầy hay!”. Ai nói không đúng như ý của ta, ta buồn, dù ông Thầy đó nói đúng.
Cho nên Bảo Thành khuyên các bạn, tâm ở đâu thì lên Google tìm Kinh Lăng Nghiêm đọc ngay, đọc ngay để thấu được sự phân tích của Phật nói về tâm ở đâu. Nhưng đối với Bảo Thành, để trả lời ngắn gọn thôi, tâm ở Tánh biết. Tâm ở ngay Tánh biết! Biết gì? Biết Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Nếu tâm bạn không biết được Vô Thường, Khổ, Vô Ngã thì bạn chẳng hiểu thấu Nhân Quả. Cho nên, tâm ở đâu? Ở Tánh biết!. Còn Tánh biết ở đâu, tìm về trong Lăng Nghiêm để hiểu.
Đọc đi các bạn! Bảo Thành khi chia sẻ với các bạn, khuyến khích các bạn đọc Kinh để hiểu thêm, nghiên cứu thêm để hiểu, đừng chỉ mù tịt tin tưởng vào Bảo Thành mà phải nghiên cứu học hỏi. Bạn lên Google bấm ngay từ khóa “Kinh Lăng Nghiêm nói về tâm ở đâu”, lời Phật dạy trong Kinh thật rõ, rồi từ đó ta hiểu từ từ từ từ làm nền tảng. Nhớ, tâm ở ngay Tánh biết, chỗ nào có Tánh biết, ở đó có tâm; chỗ nào không có Tánh biết thì tâm không có ở đó.
Mô Phật!
Bảo Nghy: Dạ con cảm ơn Thầy ạ. Còn hai câu hỏi nữa Thầy có cho phép con hỏi thêm không ạ?
Thầy: Hình như tới thời gian rồi, mình để dành đợt sau nha con. Mình làm việc phải đúng giờ!
Bảo Nghy: Dạ, vâng ạ!
Thầy: Chúng ta hồi hướng công đức!
Hồi hướng:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Thưa Phật! Buổi tham thoại ngày hôm nay, chúng con rất hạnh phúc khởi lên được những tâm ý thiện lành, chắc có lẽ tạo được chút xíu phước báu, xin Phật chứng minh.
Chúng con hồi hướng phước báu này tới quê hương Việt Nam và thế giới để thoát khỏi đại dịch và tới tất cả những chư hương linh đã ra đi để tái sanh về cảnh lạc.
Đặc biệt hồi hướng cho cha mẹ, đấng bậc sinh thành tăng long phước thọ, cho gia đình, cho xã hội và cộng đồng luôn sống bình an và hạnh phúc.
Xin Chư Phật chứng minh cho!
Mô Phật!