Thưa thầy, xin thầy khai thị và mở rộng thêm cho con. Con hiểu rằng chúng ta cần bớt mong cầu và tập trung tu phước. Phước báu có đủ thì vạn sự sẽ thuận buồm xuôi gió, công việc, con cái gặp nhiều điều tốt đẹp. Ngoài sự tu học Phật pháp như thầy hướng dẫn hằng ngày. Con thấy cũng có rất nhiều các khóa học mới rất hiện đại dạy những điều cụ thể và thực tế như: làm sao để làm một người vợ/ người chồng tốt, hiểu tâm lý con cái, dinh dưỡng thuận tự nhiên, như thế nào là một công việc tốt cống hiến cho xã hội… con thấy rất thiết thực và dễ ứng dụng để cuộc sống thay đổi tích cực hơn. Đó có phải là sự tham không ạ? Nếu như có những lúc con dành ít thời giờ hơn cho việc tu học Phật pháp thì liệu có phải đó là vì tâm tham hay không?
Trả lời: Mô Phật! Các bạn thân mến! Hôm nay Bảo Thành không ngồi trong chánh điện, Bảo Thành đã đi ra khỏi chùa vào lúc 6h sáng nhưng tranh thủ 9h30 – 10h phải trở về với Phật sự tiếp tục. Tại nơi đây, người ta cho Bảo Thành mượn cái phòng này và ngồi đây mình chia sẻ Phật Pháp. Ngày hôm nay, thế giới này, thực ra Bảo Thành chỉ cần một cái phone và một cây gậy để cắm phone vào, thế thôi, là chúng ta có thể gặp nhau. Thật thực tế với câu hỏi của bạn vừa hỏi! Đức Phật dạy là buông bỏ tất cả, không vướng víu một cái gì nữa, buông bỏ vật chất, đời sống liên quan đến vật chất, buông bỏ những sự níu kéo ràng buộc, vào trong rừng sâu núi thẳm tu giải thoát. Cách suy nghĩ như vậy nhiều người vẫn thấy tốt và họ đã từ bỏ tất cả để làm theo lời Đức Phật. Mối quan tâm hàng đầu của Đức Phật đối với dân chúng thời đó cũng như mãi mãi, làm sao để bớt khổ, và làm sao để tăng trưởng những kiến thức về loài người, và kiến thức Phật Pháp từ Đức Phật dạy để kiến thức của con người đó đúng với chánh pháp, sống bằng các pháp thiện để tăng trưởng phước báu có được cho đời sống của con người và cũng thành tựu được những điều cần thiết để cái tâm bớt khổ, bớt phiền não, có hạnh phúc trong suốt cuộc đời ta đang sống ở trần gian.
Tất cả các phước báu có được đều do các pháp thiện! Thực hiện các pháp thiện như Đức Phật dạy như hành thập thiện, nói đúng hơn chúng ta chỉ cần giữ năm giới, và những việc tốt ta thực hiện thì đã có đầy đủ phước báu, hạnh phúc, bình an, ngõ hầu phục vụ cho đời sống rất người của mình theo đúng thiện pháp, không tạo khổ. Đó là chúng ta không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống và sử dụng các chất say. Thực hiện các pháp thiện, các pháp lành thì phước vô cùng, cái gì cũng đều sẽ tới với chúng ta. Bởi lúc đó tinh thần ta sẽ an lạc, sẽ hạnh phúc. Khi tinh thần an lạc, hạnh phúc, não bộ của chúng ta hoạt động tối ưu để thu lượm những kiến thức rất người phục vụ lại cho đời sống của gia đình, như đời sống để thương yêu vợ chồng, chăm sóc cho con cái. Rất thiết thực như học cái gì, làm cái gì để con có lòng hiếu đạo với cha mẹ, và cách đối nhân xử thế như thế nào để cho cộng đồng sống chung luôn luôn được bình an và cách đối xử như thế nào đối với vợ chồng con cái, thân bằng quyến thuộc. Rồi Ngài còn dạy cho chúng ta cách xài tiền như thế nào để phù hợp. Ngài dạy cho chúng ta những kiến thức căn bản để phục vụ cho đời sống, kiến thức về khoa học, kiến thức về y học, xã hội học…tất cả mọi thể loại kiến thức Ngài đều muốn chúng ta học, học bằng cái tâm thiện, nghiên cứu bằng chánh pháp, và không quên tăng trưởng đời sống tâm linh. Nếu chưa nói đến quả vị Phật thì Ngài là một Thái Tử kỳ tài có trí tuệ thông thạo tất cả các nền văn hoá, kiến thức thời đó.
Cho nên Phật tử tại gia của chúng ta, nếu học hỏi các khoá như dinh dưỡng cho trẻ thơ, cách sống làm sao để có đạo hiếu với cha mẹ, những phương thức cụ thể mà ngày nay, người ta mang từ lời Phật diễn dải bằng ngôn ngữ, thực hành phù hợp, dễ học, phù hợp với xã hội, phù hợp với văn hoá hiện thời, phù hợp với phong cách của giới trẻ và phù hợp với nền kinh tế hiện đại. Những điều đó không nằm ngoài giáo lý của Phật giáo nhưng được chuyển hoá phù hợp và diễn giải phù hợp với thể loại ngôn ngữ mới theo sự phát triển thế giới. Nếu chúng ta học hỏi đúng với với tinh thần của chánh kiến, đúng với tinh thần của chánh pháp, lấy tâm thiện, tác ý thiện để hành thì là điều tốt. Do vậy các bạn học những môn đó không phải là khởi lên bởi cái lòng tham, tìm cầu học hỏi phù hợp với chánh pháp của Phật để phục vụ cho đời sống của mình trên con đường thực hiện pháp thiện lành, mang lại cho gia đình, cho con cái vợ chồng hoặc cho cha mẹ. Cũng là tham nhưng mà tham cầu, phát nguyện tham cầu học Phật, tăng trưởng kiến thức ở đời phù hợp đúng với chánh pháp theo chánh kiến! Điều này cần được sách tấn! Không phải là chúng ta tham lam, cũng tham mà là tham cầu học hỏi, đúng với tinh thần của Phật, giữ được chánh kiến, chánh pháp, thực hiện chánh tư duy để phục vụ cho đời sống của mình. Điều này sách tấn và chúng ta nên học hỏi thường xuyên hơn. Mô Phật!
Tham vấn Phật Pháp 20, https://youtu.be/RyK0OGFUVkI