Search

Bảo Đức đánh máy

Tâm Tu Luyện thường xuyên
Tham dục không thể vào
Sống đời luôn an tịnh
Bền vững và thanh cao.

Mô Phật!

Bảo Thành kính chào tất cả quý Phật tử và các bạn đang ở trên kênh Facebook Chùa Xá Lợi!

Các bạn thân mến! Hôm nay, chúng ta gặp gỡ nhau chia sẻ về lời của Đức Phật thường dạy cho chúng ta đó là nhắc nhở mỗi người chúng ta phải luôn luôn tinh tấn tu học. Bảo Thành lấy chủ đề ngày hôm nay là Tâm Tu Luyện, có một câu Kinh Pháp Cú mà chúng ta được nghe Đức Phật dạy ý nghĩa như vầy:

Như mái nhà khéo lợp
Nước không thể giọt vào
Tâm người biết tu luyện
Tham dục sẽ lìa xa.

Trong cuộc sống này có biết bao nhiêu chuyện thường xuyên lui tới với chúng ta, tự gõ cửa cuộc đời của chúng ta mà đi vào. Chúng ta không mời nó cũng vào, ta không mở cửa, nó cũng tới, ta không làm gì nó cũng tự động tới, tự động đi nhưng ta phải biết làm sao đây? Ta thực sự đã đạt được sức mạnh an vui trong cuộc đời đó là mỗi một người trong chúng ta có đầy đủ phước báu để tinh tấn tu học. Dù cái Tâm Tu Luyện của chúng ta còn rất mỏng manh, còn rất bình thường, chưa đủ là bao nhưng chúng ta đã thành tựu được một phần công đức nhỏ để chúng ta có được sự an lạc trong cuộc sống.

Hôm nay, chủ đề Tâm Tu Luyện. Chúng ta là người con Phật sống trong thế giới mà hàng ngày phải tiếp cận với thế giới ngoại cảnh ở bên ngoài đa dạng, đa hình. Thế giới đó cứ tự động kéo tới, lui tới trong Tâm thức của chúng ta qua Nhãn căn, Nhĩ căn. Đây là hai cái đưa toàn bộ thông tin của cuộc sống đi vào trong Ý căn của chúng ta dễ dàng. Những chuyện ông bà nói, những điều chướng tai, dù là chướng tai nhưng nó lại tự động cài đặt vào trong tâm của chúng ta, điều chướng tai đó cứ luân lưu chuyển động trong tâm của chúng ta. Ta không muốn nhưng nó vẫn đi vào, ta đẩy lui, nó cứ nhập vô và rồi những điều gai con mắt, con mắt nhìn thấy thật là gai nhưng chúng cứ tự động xâm nhập vào Ý căn của ta để rồi cuộc đời của mỗi người chúng ta bị những điều chướng tai, gai mắt đó tự do thâm nhập, hoành hành và chúng nó đang dẫm nát cuộc đời của người con Phật. Ta làm sao đây? Ta làm sao để ngăn ngừa được những chuyện không như ý xâm nhập vào Ý căn của ta qua con mắt, qua lỗ tai mà nhà Phật gọi là Nhãn căn và Nhĩ căn?

Đi trên đường, không có một chuyện gì mà không thể lọt vào lỗ tai là điều hiển nhiên phải không các bạn? Nó cứ tự động đi vào, đi vào mãi trong Tâm thức rồi nó mọc ở trong đó, nó bám gốc rễ ở trong đó, gốc rễ của nó bám sâu vào Tâm thức của chúng ta rồi nó lại trổ bông kết trái rụng xuống trong tâm và chúng lại mọc lên cả một rừng chướng ngại bởi những điều ta thấy gai con mắt, những điều ta nghe chướng lỗ tai. Những hạt giống từ tai và mắt tuôn chảy hàng ngày, từng giờ, phút vào trong tâm của chúng ta và như vậy cuộc đời của chúng ta bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu những nỗi niềm cứ chồng chất, chúng tự động kích hoạt và nhảy múa trong tâm làm cho chúng ta phiền não vô cùng. Ví như căn nhà của các bạn đang ở, nếu người thợ không khéo lợp những cái mái thì nhất định gió, mưa, bụi bặm sẽ từ mái nhà tuôn xuống trong nhà các bạn. Khi nó tuôn vào như vậy, nhà của các bạn trước bị dơ bẩn, sau bị ướt át, các bạn khó ngủ, không thể sinh sống trong một căn nhà mà mái nhà lợp không đủ, không đúng. Đức Phật lấy ví dụ đó để nói với chúng ta: “Nếu người Phật tử không có Tâm Tu Luyện chẳng khác gì mái nhà Tâm thức của chúng ta không khéo lợp, nó trống không, có nhiều lỗ thủng để mưa sa, bão tố, bụi bặm của cuộc đời cứ tự do tuôn vào trong Tâm thức qua Nhĩ căn và Nhãn căn”.

Con mắt và lỗ tai của chúng ta là bốn lỗ hổng trên mái nhà Tâm thức của chúng ta. Biết bao nhiêu những chuyện phong ba, bão tố, buồn, vui, có, được rồi những chuyện ai oán, than van, những hình ảnh ghê tởm, ô uế trong xã hội cứ tự động tuôn vào hai con mắt là hai lỗ thủng của Tâm thức, hai lỗ tai cũng là hai lỗ thủng nữa. Bốn cái lỗ thủng đó, chúng ta không biết lợp cho khéo để rồi căn nhà Tâm thức của chúng ta dơ dáy, nhiễm ô, ô uế, ô trược, sao ta có thể ngủ được? Sao ta có thể sống với cái tâm như vậy? Chúng ta đang ở trong thời đại này, mọi người đều muốn lợi dụng bốn cái lỗ hổng của mái nhà Tâm thức chúng ta đó là hai con mắt và hai lỗ tai để đẩy vào đó, để nhét vào đó những thông tin, những hình ảnh. Họ chiếm hết toàn phần tâm, ý của chúng ta. Mái nhà Tâm thức đã bị bỏ hoang vì ở trên mái nhà đó bốn cái lỗ hổng thật to từ hai Nhĩ căn và hai Nhãn căn. Thiên hạ không hẳn từ gần trong làng xóm ta sinh sống mà xa tận vô tận mà người ta không thấy cũng có thể nhồi nhét vào Nhĩ căn và Nhãn căn của chúng ta qua mạng lưới truyền thông và thông tin đại chúng toàn cầu. Như vậy, mái nhà Tâm thức của chúng ta đã không khéo lợp rồi thì làm sao các bạn có thể tránh khỏi những phiền não, đau khổ tới bởi vì ta không khéo che hai con mắt, hai lỗ tai trên mái nhà Tâm thức của chúng ta?

Đức Phật dạy như người khéo tu luyện, tham dục chẳng thể vào, chẳng thể vào được bên trong tâm của chúng ta. Chúng ta khéo tu luyện cái gì để có thể che kín Nhĩ căn và Nhãn căn chúng ta để mái nhà Tâm thức của chúng ta được che kín và mưa gió của cuộc đời không xâm chiếm vào bên trong? Người thợ xây nhà có phương thức để sửa chữa mái nhà bị thủng. Nếu bằng ngói, họ lấy ngói lợp lại, nếu bằng tranh, họ lấy tranh lợp lại, nếu bằng xi măng họ sẽ đổ xi măng lợp lại cho chúng ta để chống nước thấm vào, nhỏ vào, chảy vào. Tâm thức của chúng ta được Phật là Bậc đại Giác đại Ngộ, Ngài cũng khuyên bảo chúng ta hãy trở thành người thợ xây nhà Tâm thức, phải thật khéo lợp lại mái nhà Tâm thức. Đã bao nhiêu năm rồi, Nhĩ căn đã thủng, Nhãn căn cũng thủng, mái nhà Tâm thức của chúng ta bao nhiêu kiếp qua bị bốn lỗ thủng này để cho sóng gió, ba đào của cuộc đời cứ tự do chảy vào bên trong đó.

Các bạn! không thể như vậy nữa. Hôm nay chúng ta nghe được sự chia sẻ này về câu Kinh của Đức Phật dạy:

Như mái nhà khéo lợp
Mưa gió không giọt vào
Tâm người khéo tu luyện
Tham dục chẳng đi vào. 

Chúng ta khéo tu cái Pháp nào để tham dục không thể qua con mắt mà tự động đi vào trong Ý căn của chúng ta? Chúng ta phải tu tập cái Pháp nào đây để những chuyện trên đời không thể tự do đi vào Nhĩ căn của chúng ta, chiếm cứ lấy Ý căn, làm chủ Ý căn của chúng ta? Ta phải làm chủ cái Ý căn để tất cả những lời nói và hành động của chúng ta đều là lời nói của người làm chủ bằng Pháp Thiện thì điều lành sẽ tự tới liền liền với chúng ta như bóng liền với hình, chẳng thể rời xa?

Đại chúng và các bạn thân mến! Pháp môn nào? Chúng ta đã nghe thật nhiều Kinh, chúng ta đi nhiều lắm rồi, mỏi chân rồi, nghe nhiều lắm rồi, mệt mỏi Tâm thức rồi. Nhưng Nhãn căn và Nhĩ căn của chúng ta vẫn còn trơ trơ như bốn lỗ thủng trên mái nhà Tâm thức để bao nhiêu phiền lụy, bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu thứ ở trên đời cứ tự động tuôn vào trong Ý căn làm cho Ý căn bị mù, làm Ý căn bị tội, làm Ý căn không còn sự sáng suốt để phán quyết, để xác định, để chọn lựa một con đường đúng đắn giống như lời Phật dạy đó là Chánh Pháp. Ta biết được Chánh Pháp sẽ dẫn chúng ta tới bến bờ hạnh phúc.

Đại chúng và các bạn thân mến! Pháp môn đó là Pháp môn làm chủ Ý căn qua làm chủ hơi thở Chánh Niệm, sống trong Chánh Niệm hàng ngày. Đại chúng và các bạn quán chiếu hơi thở vào, ra và với sự quán chiếu như vậy, các bạn sẽ làm chủ được cuộc đời và Ý căn.

Khi ta lấy Ý căn thanh tịnh, Chánh Pháp làm chủ cuộc đời, chúng ta sẽ có được đời sống an lạc và hạnh phúc. Thực hiện hơi thở Chánh Niệm, thực hiện sống Chánh Niệm trong từng bước, trong từng tạo tác, hành động của đời sống bình thường dễ lắm các bạn. Nếu không dễ thì Đức Phật không phải là Bậc Thầy. Ngài đã là Bậc đại Giác đại Ngộ thì sự hướng dẫn của Ngài phải đơn giản và dễ ứng dụng trong đời sống nên nếu nó không mang lại công hiệu để chuyển biến cuộc đời thêm an lạc và hạnh phúc thì lời dạy của Phật chẳng phải lời dạy của Bậc Giác Ngộ. Ngài đã là Bậc đại Giác đại Ngộ nên Pháp môn Chánh Niệm trong hơi thở và Chánh Niệm trong đời sống hàng ngày là một Pháp môn thật dễ, không phân biệt học thức, kiến thức, không phước báu già hay trẻ, nam hay nữ mà chỉ cần ai đó nghe qua một lần, phát tâm thực hành, họ sẽ thực hiện được Pháp môn Thiền Chánh Niệm và Chánh Niệm trong đời sống.

Người biết Chánh Niệm trong đời sống là người đã biết khéo đặt những mái ngói thật kín vào với nhau vững chắc trên nền tảng hiểu biết của người thợ xây lợp mái nhà. Nhà của chúng ta không bao giờ bị ướt. Nhà của chúng ta sẽ không bao giờ bị nước giọt vào và nơi ở của chúng ta sẽ sạch sẽ, sẽ thơm, sẽ ấm áp trong mùa đông và mát mẻ trong mùa hè. Tâm thức của chúng ta cũng như vậy. Nếu các bạn khéo tu Chánh Niệm, sống đời sống Chánh Niệm và an trú trong hơi thở Chánh Niệm, các bạn sẽ khéo lợp lại bốn cái lỗ hổng của hai con mắt, hai lỗ tai.

Khi hai con mắt, hai lỗ tai này được lợp bằng hơi thở Chánh Niệm và sống đời sống Chánh Niệm hàng ngày thì Nhãn căn và Nhĩ căn của các bạn được phủ lên hơi thở Chánh Niệm và sự sống trong Chánh Niệm Tỉnh Thức. Nó không còn để cho bất cứ một điều gì lọt vào lỗ tai một cách tự do, nó không còn để cho bất cứ một chuyện gì tự động vô con mắt, nhập vào Ý căn. Nó được nhìn và đón nhận một cách trân trọng nhưng nó không thể tự động chạy vào ẩn hình trong đó bởi vì ta đã lợp bằng hơi thở Chánh Niệm, ta đã lợp bằng đời sống Chánh Niệm. Mắt của ta, tai của ta nay được làm chủ bằng Ý căn trong hơi thở Chánh Niệm, bằng Ý căn trong đời sống Chánh Niệm.

Hạnh phúc vô cùng, hạnh phúc thật là nhiều! Các bạn thấy đó, muôn sự đau khổ sẽ tạo ra phiền não và muôn sự phiền não đều bắt đầu từ những cái nhìn, cái nghe phần nhiều trong cuộc sống, chưa kể tới sự va chạm của thân xác nhưng đó cũng chỉ là một phần nhỏ mà hôm nay chúng ta không nói tới, chỉ nói tới là làm sao chúng ta thực hành hơi thở Chánh Niệm và sống đời sống Chánh Niệm, làm chủ được Nhãn căn và Nhĩ căn, con mắt và lỗ tai để sự nghe và sự thấy không còn là rác rưởi tự động chạy vào trong tâm ngủ ngầm, ẩn núp để phá hoại ta nữa.

Vậy đời sống Chánh Niệm là gì? Là mỗi một hành động, mỗi một lời nói, mỗi một suy nghĩ ta luôn an trú trong hơi thở. Hơi thở hít vào, thở ra giúp cho chúng ta có đầy đủ khí lực luân lưu trong thân, giúp cho chúng ta tỉnh thức và làm chủ, giúp cho chúng ta có sức mạnh để cái ý của chúng ta biết sàng lọc, ngăn chặn mọi điều chướng ngại đi từ tai, từ mắt vào trong tâm. Chúng ta an trú trong hơi thở, hít vào biết hít vào, thở ra biết thở ra và tất cả những hành động như đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, ngủ nghỉ, nói chuyện hay suy nghĩ, ta đều an trú trong hơi thở, như vậy gọi là sống Chánh Niệm. Hơi thở Chánh Niệm giúp chúng ta có đời sống Chánh Niệm, đời sống Chánh Niệm giúp chúng ta biết sàng lọc những cái xấu không đưa vào và từ đó tạo nên một cái lực. Cái lực đó tự động vận hành và ngăn chặn tất cả những dòng chảy rác rưởi từ bên ngoài xâm nhập qua lỗ tai và con mắt của chúng ta. Ý căn của chúng ta không còn chỗ để chứa những rác rưởi chảy từ mắt, từ tai mà nó được xây dựng, tái tạo trở lại trên cái nền tảng của Ý Thiện, của Pháp Thiện an trú trong hơi thở. Nhưng đầu tiên, mỗi người chúng ta cần phải an trú trong hơi thở trước, cần phải sống đời sống Chánh Niệm.

Khi mỗi sớm mai thức dậy, các bạn hít vào, thở ra mỉm cười trong Chánh Pháp rồi các bạn bước xuống giường rửa mặt trong Chánh Pháp, đánh răng trong Chánh Niệm, soi gương nhìn vào mình trong Chánh Niệm, biết tất cả. Soi gương biết soi gương, đánh răng biết đánh răng, rửa mặt biết rửa mặt, ăn uống biết ăn uống, dùng cái Tánh Biết an trú trong hơi thở. Chúng ta nói chuyện, chúng ta biết chúng ta đang nói gì, sẽ nói gì và chúng ta đã nói gì, chúng ta gặp người, chúng ta phải biết được người đó là ai, đang nói chuyện phải biết ta đang nói chuyện với người đó. Chúng ta tập an trú trong hơi thở để biết, để ứng dụng cái Tánh Biết trong tất cả mọi tạo tác khi đi, đứng, nằm, ngồi, khi bắt tay, khi làm vườn, khi giặt giũ, khi tắm rửa, khi ăn uống, khi ngồi nghỉ, khi xỉa răng. Tất cả những sinh hoạt trong ngày thường, các bạn cố hít vào, thở ra dùng Tánh Biết quán chiếu mọi hành động, tạo tác của mình. Cứ lâu dần như vậy, nó tạo thành một cái Tâm lực, tâm có cái lực Chánh Định như vậy an trú trong hơi thở và sống đời sống Chánh Niệm thì chẳng khác gì mái nhà của các bạn bị hở, bị hư mưa gió, bão tố lọt vào, nay đã có được người thợ thật giỏi họ sửa những phần mục, lợp lại ngói, nhà sẽ ấm, sẽ mát, sẽ sạch, mưa gió không thể vào.

Tâm thức của chúng ta đã bị bỏ quên nhiều đời, nhiều kiếp. Nó đã bị những năm tháng của thời gian không hiểu biết, không sống cùng với Tánh Biết làm cho mục nát ra rồi. Và trong Nhĩ căn, Nhãn căn, tai, mắt của chúng ta, muôn sự ở đời cứ tự do lui tới nhảy múa, ẩn trốn rồi núp trong đó, sống trong đó rồi còn kéo theo, gọi theo biết bao nhiêu con người đi vào đó làm chủ. Và nếu như các bạn biết được điều đó, hôm nay, các bạn thực tập hơi thở Chánh Niệm, sống đời sống Chánh Niệm, Ý căn của các bạn sẽ thanh tịnh.

Đại chúng thân mến! Chúng ta là con Phật, chúng ta là đệ tử tu tập Pháp Phật, nếu chúng ta không thể tu được Pháp của nhà Phật, không siêng năng tinh tấn tu tập thì chúng ta sẽ không thành tựu được sự an lạc trong đời sống. Chúng ta phải tu tập và tu luyện. Lời Phật dạy không phải để nghe rồi hiểu. Dĩ nhiên, nghe để hiểu nhưng khi nghe xong hiểu rồi, chúng ta phải tu tập cái sự hiểu biết khi nghe, vận dụng vào đời sống mới có kết quả còn không chúng ta chỉ là máy thu âm, chỉ là con vẹt ghi nhớ âm thanh mà chẳng thể thực hành.

Chúng ta không nên biến mình thành máy thu thanh, chúng ta không nên biến mình thành con vẹt. Ta là người có phương tiện quý báu, ta cần phải vận dụng được chỗ này. Hãy tu hơi thở Chánh Niệm và sống đời sống Chánh Niệm để Ý căn không còn bị mục nát, để Ý căn không còn bị thủng bởi con mắt, lỗ tai thì hạnh phúc sẽ tới ngay thôi.

Nhắc lại câu Kinh:

Như mái nhà khéo lợp
Mưa gió không giọt vào
Người khéo tu luyện tâm
Tham dục không thể tới.

Chúng ta hãy tinh tấn tu tập hơi thở Chánh Niệm, chúng ta hãy tinh tấn tu tập đời sống Chánh Niệm hàng ngày!

Các bạn ở đời, đại chúng sống trong đời có thật nhiều cơ hội để ứng dụng đời sống vào những lời Đức Phật dạy để mang lại hạnh phúc cho nhau bởi chúng ta vẫn nghe có câu: “Thứ nhất là tu tại gia”. Các bạn đang ở tại gia, có cơ hội nghe thấy, nhìn thấy hàng ngày những chuyện bất như ý hoặc như ý, chính những chuyện bất như ý và như ý đó là những đề mục quán chiếu trong hơi thở Chánh Niệm, là những đề mục để chúng ta sống đời sống Chánh Niệm. Trồng một cái cây mà nó héo biết ngay là phải tưới. Trong đời sống Chánh Niệm, những chuyện bất như ý tới biết ngay phải chuyển hóa cho như ý, lấy gì để chuyển hóa? Lấy Ý căn làm chủ trong Pháp Thiện. Hãy bỏ điều ác, siêng làm điều lành để Tâm Thanh Tịnh làm chủ Ý căn.

Các bạn, Tâm Thanh Tịnh làm chủ được Ý căn. Tâm Rối Loạn, Phiền Não, Tâm Hoảng Loạn, Sợ Hãi, Lo Âu không làm chủ được Ý căn, chỉ có Tâm Thanh Tịnh. Mà để có Tâm Thanh Tịnh chúng ta phải bỏ điều ác, siêng làm điều lành thì Tâm Thanh Tịnh làm chủ được Ý căn, mắt và tai của chúng ta sẽ trở nên thanh tịnh chẳng còn những điều chướng tai lọt vào, chẳng còn những chuyện gai con mắt đâm vô, ghim vào trong tâm.

Các bạn suy xét đi! Những chuyện phiền não hầu hết tới từ con mắt và lỗ tai. Nó cứ như con dao đâm mãi vào trong tâm ý chúng ta. Nó làm khổ và phiền não, nó làm cho chúng ta tăng cái nhiệt phiền não đốt cháy cuộc đời chẳng còn hạnh phúc, tạo ra bệnh hoạn, thân, tâm bệnh hoạn yếu đuối, con người bệnh hoạn, phiền não, không sống hạnh phúc, đi đâu cũng tạo ra phiền não tới đó và chính đời sống của ta cũng không được hạnh phúc nữa.

Các bạn! Chúng ta hãy nghe theo lời Thế Tôn đi. Sống trong hơi thở Chánh Niệm, sống trong Chánh Niệm an trú trong hơi thở vào, ra, sống chầm chậm chút xíu, sống từ từ, sống điềm đạm, sống trầm tĩnh, quán chiếu nhất cử, nhất động trong cuộc đời hàng ngày. Khi nói một lời với ông bà hoặc cha mẹ, ta cũng nên nói từ từ bằng Tâm Thanh Tịnh và dùng cái Tánh Biết biết ta đây là con, là cháu, ta nói với ông bà hoặc cha mẹ, biết ta là vợ hoặc là chồng, ta nói chuyện với vợ chồng, ta nói với ai, ta phải biết ta là ai và ta đang nói với ai, nói bằng ngôn ngữ gì? Ngôn ngữ của Ái ngữ dễ thương hay ngôn ngữ thô ác, đâm thọc, chì chiết, mỉa mai? Nếu các bạn chưa dừng được những lời nói đâm chọc, những lời nói mỉa mai, miệt thị, chì chiết, thô ác, thêm, bớt cũng không sao, ít nhất khi các bạn đang nói, các bạn phải biết ta đang nói điều đó. Cái Tánh Biết rất quan trọng. Khi các bạn biết được rồi thì các bạn sẽ làm chủ được nó.

Phần đầu tiên là các bạn phải biết, còn nếu các bạn không biết mình nói gì, làm cái gì thì các bạn đang mê quá rồi. Các bạn mê như vậy chẳng khác gì bệnh nhân bị chích thuốc mê chẳng còn biết gì và chúng ta đã tự chích một liều thuốc mê thật mạnh vào trong tâm của chúng ta để tâm ta bị tê liệt vào những chuyện xảy ra hoàn toàn không biết. Thậm chí kẻ thù hoặc những hành động tạo ra, nó cắt cả cuộc đời từng phần, chết dần mà không hay. Liều thuốc mê đó là đắm chìm trong tham dục.

Tại sao bị đắm chìm trong tham dục? Là vì ta chưa làm chủ được Ý căn. Làm sao chúng ta không làm chủ được Ý căn? Là bởi ta còn làm nhiều chuyện ác nên Ý căn không làm chủ được. Làm sao để làm chủ Ý căn? Buông bỏ việc ác, siêng làm việc lành thì Tâm Thanh Tịnh làm chủ được Ý căn. Làm việc Thiện đi, tâm được thanh tịnh, Ý căn được làm chủ. Từ đó, khi Ý căn làm chủ được thì Nhãn căn và Nhĩ căn sẽ biết sàng lọc những chuyện gì cần mang vào và những chuyện gì không cần mang vào một cách tự động bởi Nhĩ căn và Nhãn căn của chúng ta có thể tạo được thật nhiều phước báu nếu làm chủ được, còn không làm chủ được Ý căn thì Nhĩ căn và Nhãn căn của chúng ta sẽ tạo ra hằng hà sa nghiệp chướng và phiền não.

Đức Phật nhìn thấy thật rõ điều đó và Đức Phật khuyên bảo chúng ta hãy cố gắng sống trong Chánh Niệm và thực tập hơi thở Chánh Niệm để được sống trong Chánh Niệm hằng giây, phút trong cuộc đời.

Thân người thật khó có được, khi có được ta phải biết tu tập.

Các bạn thân mến và đại chúng thương yêu! Hãy cố gắng nghe lời khai thị hôm nay, nhắc lại từ sự giáo huấn của Đức Phật:

Như mái nhà khéo lợp
Mưa gió không giọt vào
Tâm người khéo tu luyện
Tham dục chẳng đi vào. 

Tham dục chẳng đi vào đó, tham dục không thể tới, chúng ta hãy sống trong Chánh Niệm.

Hôm nay, Bảo Thành nhắc nhở mọi người cùng với Bảo Thành thực tập sống đời sống Chánh Niệm trong mỗi giây phút của cuộc đời. Khi các bạn đi ngủ, nằm xuống cũng nằm xuống trong Chánh Niệm, hít vào, thở ra rồi chúng ta đi vào giấc ngủ an lạc. Khi thức dậy, ngồi trên giường mỉm cười, hít thở nhẹ nhàng, chúng ta hít vào 03 hơi, thở ra 03 hơi từ từ, mỉm cười đón chào cuộc đời rồi đánh răng biết đánh răng, rửa mặt biết rửa mặt, trang điểm biết trang điểm, cười biết cười, tiếp xúc với ông bà hoặc vợ chồng, con cái, ta biết ta tiếp xúc, ta làm bữa sáng cho mọi người ta biết, ta uống cafe ta biết. Dùng cái Tánh Biết đứng đằng trước mọi hành động, lâu dần tạo thành một thói quen. Tất cả mọi hành động đều phải đi qua Tánh Biết và tất cả mọi hành động đều được Tánh Biết soi chiếu với cái sống trong Chánh Niệm, hơi thở Chánh Niệm, chúng ta sẽ tăng trưởng được Tánh Biết trong cuộc sống, hạnh phúc ngay trong tầm tay, niềm vui sẻ khởi lên ngay trong gia đình của các bạn, của đại chúng.

Cám ơn đại chúng đã nghe Bảo Thành nói ngày hôm nay. Cầu chúc cho đại chúng luôn luôn an vui và hạnh phúc. Đại chúng nhớ thực tập!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn