Search

4063. Tâm Lý Bất Ổn, Phải Làm Sao?

Bảo Vô Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu. Mời các bạnđồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật !

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho chúng con biết tinh tấn tu học Mật Thiền Chánh pháp để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức, thực hiện các pháp thiện, quán chiếu thấy rõ các pháp là Vô thường, là Khổ, là Vô ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà, cha mẹ những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho tất cả hàng đệ tử chúng con thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Hôm nay chúng con cũng nguyện cho một phật tử, người quen đang bị bệnh được mau khỏe, hết bệnh, tinh thần được phục hồi như xưa. Chúng con cũng nguyện hồi hướng cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật từ bi chứng minh.

Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta hãy về với hơi thở của Chánh niệm trong tư thế ngồi nhẹ nhàng buông thư. Những giây phút này đây, hãy trở về với hơi thở để chăm sóc sự tươi mát của tinh thần, thể chất và tâm linh. Hãy về với Chánh niệm để chăm sóc tự thân nguồn suối an lạc nơi ta. Qua hơi thở của Chánh niệm Mật thiền lấy làm gốc và nương vào sự quán chiếu qua các mật ngôn vi diệu để tiếp hiện năng lượng tha lực của chư Phật. Năng lượng của Từ bi qua mật ngôn: Mu A Mu Sa. Năng lượng của Trí tuệ nhìn thấu qua mật ngôn: NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Năng lượng của sự Tỉnh thức qua mật ngôn: Ma Sa Ốp Uê. Năng lượng của các pháp Thiện lành qua mật ngôn: Sa Bi Mô U. Từ bi, Trí tuệ, Tỉnh giác, Thiện lành được quán chiếu qua các mật ngôn bằng hơi thở của Chánh niệm khi hành trì. Chúng ta sẽ tiếp nhận được nguồn năng lượng tha lực chư Phật vào thân tâm để thanh tịnh hóa cuộc sống của mình và hồi hướng lan tỏa tới cho muôn người.

Chúng ta hãy bắt đầu. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng và lan tỏa tới muôn người:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

Sa Bi Mô U

(7 biến)

Các bạn đồng tu thân mến!

Chúng ta cứ ngỡ rằng chuyện gì ở trên đời này cũng nắm chặt được trong lòng bàn tay. Nghĩ như vậy để tạo hứng thú cho cuộc đời, như rằng chúng ta làm chủ được mọi thứ. Nhưng thực ra ở đời này các bạn nhìn đi, có cái gì mà bạn có thể làm chủ được chúng đâu?. Suy nghĩ và suy nghĩ, nhận diện mới thấy: Tất cả mọi thứ chung quanh chúng ta, chúng ta không làm chủ được. Ngay cả cái mạng sống này đây cũng không thể làm chủ được. Hơi thở này đây cũng không thể làm chủ được. Những cái gọi là ta, thân, suy nghĩ, hành xử… mọi thứ chẳng làm chủ được các bạn ơi. Và nếu làm chủ sẽ không bao giờ mất. Cuộc đời này có cái gì mà không mất đi? Có cái gì mà không có thối rữa đi? Có cái gì mà không hư biến theo thời gian? Cứ tưởng rằng ta làm chủ tất cả nhưng thực ra muôn sự chẳng thể làm chủ.

Ngày hôm qua nghe tin của một bạn đồng tu rất thân, rất gần gũi, rằng: Có một người con trai, vào buổi sáng sớm thức dậy đánh răng, súc miệng, rửa mặt để đi làm thì bất chợt té xuống ngất đi. Người mẹ sợ hãi khôn cùng, biết làm sao đây? Lo lắng, gọi hàng xóm đưa người con lên xe trong sự vội vàng chở tới nhà thương. Sau khi điều trị một thời gian ngắn, cháu tỉnh lại nhưng quên không biết chuyện gì xảy ra và tại sao ở trong nhà thương? Cách đây hơn một tiếng, Bảo Thành có nhắn tin về thăm, cháu đã tỉnh khỏe và nhớ lại rồi. Bác sĩ khuyên: Cần phải nghỉ ngơi, vì lo lắng, vì áp lực ảnh hưởng đến sự điều hành khí huyết của thân, máu lên não không kịp, không đủ nên ngất. Nghe cũng bàng hoàng, buồn, rồi khuyên bảo mọi người chúng ta hãy cùng nhau nghĩ tới cháu, hướng tới người Phật tử, bạn đồng tu của chúng ta, nguyện cầu và hồi hướng dồn toàn bộ năng lượng hồi hướng cho cháu.

Các bạn, ngay cái sự vận chuyển máu huyết, lưu thông của kinh mạch để mang lại sự sống ổn định cho tinh thần, ta không làm chủ được. Đó các bạn thấy chưa? Đang đánh răng, súc miệng thì té sụp. Sự bất ổn của tâm lý thường xảy ra trong cuộc sống này. Không phải cái thời kỳ kinh tế phát triển, thế giới mở rộng mà có nhiều áp lực. Ngay cả cái thuở ban sơ khi nghề nông làm chủ cuộc sống của người Á Đông, cày cấy, trồng lúa, ăn uống, thư giãn rồi mênh mông với trời đất thì áp lực của cuộc sống về mặt này mặt kia ảnh hưởng đến tâm lý làm cho bất ổn là chuyện rất thường. Thông thường, khi chúng ta tới cái tuổi mới lớn trưởng thành, nam nữ dậy thì, hóoc môn cơ thể phát triển thường bất ổn tâm lý sau một thời gian dài thì ổn định khi trưởng thành. Nhưng trong cuộc đời này không phải chỉ ở lứa tuổi đó tâm lý mới bất ổn. Tâm lý bất ổn thật nhiều. Nếu để ý những cái hành vi của chúng ta như bứt rứt ở trong người. Đó cũng là một trạng thái của tâm lý bất ổn. Như sợ hãi, suy nghĩ không ổn định, không có lập trường, dễ cáu gắt bực bội, dễ rút lui vào bóng tối, tránh xa mọi người, hay chống báng cãi cọ, hay sợ hãi lo âu… rất là nhiều những cái dấu hiệu mà nếu bạn nhìn lại thấy rằng chúng ta cũng vẫn rơi vào cái tình trạng bất ổn tâm lý thật nhiều.

Chuyện xảy ra trong gia đình như hồi sáng của người mẹ thì người mẹ ấy cũng bị bất ổn tâm lý bởi lo lắng cho sức khỏe của người con. Đối với chúng ta, có biết bao nhiêu những người bạn rơi vào cái trạng thái bất ổn tâm lý, bị sập nguồn năng lượng chẳng biết phải làm gì. Đầu óc cứ lung tung rối bù, tư tưởng này tới tư tưởng kia tới, chân tay thì cuống cuồng không biết phải làm sao. Những cái tình trạng đó vẫn xảy ra thật nhiều dù đã lớn tuổi. Chỉ một chuyện đơn giản thôi, xích mích trong gia đình giữa vợ chồng, có thể người vợ bị bất ổn tâm lý sau những cái cuộc đối xử, xử thế đối với chồng trong sinh hoạt hằng ngày. Rồi người vợ chẳng biết phải làm gì bỏ mặc con gái rơi vào trạng thái khủng hoảng toàn diện. Hoặc ngược lại người chồng cũng như thế. Thường khi bị như vậy người vợ vì có con cái, có cái trách nhiệm nên dễ dàng trụ vững sau một thời gian ổn định tâm lý vì tình yêu thương đối với con cái, trở lại trạng thái bình thường. Còn người đàn ông, tình yêu thương đối với con cái có, nhưng dễ dàng tìm những cái cái khác để thỏa mãn cái cảm xúc của sự bối rối khủng hoảng tâm lý như: ăn nhậu, đi chơi…đủ thứ rồi dần dần dễ bị sa ngã. Đối với những người con đôi khi cũng bị bất ổn tâm lý về sức ép của cuộc sống của cha mẹ.

Ngày hôm trước, Bảo Thành có chia sẻ với một nhóm các bạn đồng tu trên một kênh Zoom khác. Có một cô chia sẻ rằng: Thuở nhỏ cha mẹ tranh đấu, sống không hạnh phúc, chia tay. Cô bị bất ổn tâm lý cả tuổi thơ, lớn lên đau khổ nhiều lắm. Cho tới khi lập gia đình, nghĩ lại không muốn con cái mình bất ổn tâm lý như mình trong cuộc sống của cha mẹ, nên cô đã chịu trách nhiệm cao hơn về đời sống, nhún nhường, hoạt động tốt đẹp hơn trong cách sống xử thế với chồng để tránh những sự không tốt xảy ra, mang lại sự bất ổn tâm lý cho con cái. Và gia đình của chị sống bình ổn, tốt đẹp hơn. Chúng ta cứ nhìn qua và lược qua biết bao nhiêu câu chuyện bất ổn tâm lý thường xảy ra. Ở những cái trường hợp sự bất ổn tâm lý xảy ra mà chúng ta không chuyển hóa kịp, không nhận cái diện kịp, lâu ngày nó bất ổn đến cái trạng thái sinh hoạt của cơ thể, đưa đến cái áp lực quá cao mà chính bản thân cũng không nhận ra. Đưa vào cái tình trạng rằng: Chúng ta có thể ảnh hưởng đến sức khỏe làm cho thân bị bệnh, bị yếu, tinh thần rối bù, không còn lập trường, mất đi sự suy nghĩ trong sáng, và có những hành xử dễ cãi cọ nổi quạu, dễ chán nản sợ hãi, dễ trốn lui vào bóng tối, mất niềm tin vào chính mình, khủng hoảng.

Ta cứ đi vòng vòng sẽ thấy rằng đời sống của con người ta không thể làm chủ được cái trạng thái tâm lý, nên sự bất ổn tâm lý vẫn diễn ra. Có những trường hợp bất ổn tâm lý phát hiện sớm do chính mình bị tự điều trị bằng tâm lý trị liệu cho mình có nhiều phương pháp. Cũng có trường hợp người nhà phát hiện ra kịp thời và rồi nhờ vào những nhà tâm lý học, nhờ vào những phương pháp trị liệu mà phục hồi lại. Nhưng riêng đối với Bảo Thành, sự bất ổn tâm lý vẫn thường xảy ra trong quá khứ thấy có một phương pháp vi diệu mà thầy Tổ dạy qua cái sự truyền đạt của chư Phật ngàn đời xưa, khi bất ổn tâm lý thực tập sẽ hết và cứ tiếp tục thì tâm lý sẽ bình ổn mạnh mẽ. Bảo Thành không đi sâu vào những cái hiện trạng bất ổn tâm lý như thế nào, nhưng giới thiệu cho các bạn một phương pháp vi diệu để các bạn thực tập chuyển hóa sự bất ổn tâm lý của chính mình về muôn phương diện. Dĩ nhiên, đối với khoa học tâm lý, đối với tâm thần học, chúng ta khi bị bất ổn tâm lý cần phải nhờ sự giúp đỡ của các nhà tâm lý, bác sĩ tâm lý, hoặc các bậc Thiện Trí thức thì có những bước căn bản ở đời là chúng ta phải tìm ra cái nguyên nhân tại sao ta bất ổn tâm lý để chuyển hóa. Phải nương nhờ vào các bác sĩ tâm lý, những nhà tâm lý học, những bậc Thiện Trí thức giúp đỡ chúng ta chuyển hóa. Phải chia sẻ những sự bất ổn tâm lý với người thân thương gần gũi như ông bà, cha mẹ ,vợ chồng, và những người rất thân để được sự giúp đỡ. Phải thay đổi cách sống của mình, cách suy nghĩ của mình để tâm lý đi vào sự ổn định. Và phải luôn luôn tập thể dục, thể thao, thiền định, yoga, thể dục thể thao để cho cơ thể được khỏe tâm lý ổn định. Có rất nhiều phương pháp như thế để hỗ trợ cho tâm lý bình ổn. Nhưng theo sự học hỏi của Bảo Thành khi tâm lý bất ổn mình thực tập Mật thiền Chánh niệm sẽ giúp đỡ được rất nhiều.

Hãy nhớ: “Sáu căn” tức là sáu cái giác quan của con người đưa đến sự thành lập các tội trạng nghiệp ác, kiến lập phước báu và công đức từ sáu căn mà thôi. Cái khoẻ, cái yếu, cái bất ổn, cái bình an, cái hạnh phúc, cái an lạc, cái phiền não, cái đau khổ cũng tới từ sáu căn này, sáu cái giác quan này. Người học Phật đôi khi ít chú ý, bởi những cái lý thuyết hoặc sự truyền dạy rằng: Cứ niệm Phật đi, cứ đọc kinh đi mọi chuyện sẽ ổn. Cứ thế này thế kia đi, không cần phải tu gì nữa cầu nguyện sẽ xong. Bảo Thành ngồi tư duy thì mới thấy: Nếu như cứ niệm Phật để thành Phật, nếu như cứ tụng kinh, cứ tới chùa làm đủ mọi thứ gọi là theo những nghi thức, theo những sinh hoạt của tôn giáo mà bình ổn tâm lý, mà thành tựu được quả Giác, quả Phật, thì Đức Phật là Bậc Giác ngộ sao Ngài không rút ngắn thời gian mà phải dùng đến bốn mươi lăm năm trời để giảng biết bao nhiêu pháp môn khác, tám mươi bốn vạn pháp môn, nhiều phương pháp khác? Mà Ngài không nêu rõ: Ờ! Cứ niệm Phật là xong rồi bốn mươi lăm năm trời cứ hành trì cái điều đó và dạy cho mọi người chỉ như vậy là được? Ngài là Bậc Giác ngộ tại sao phải phung phí bốn mươi lăm năm trời để dạy thật nhiều các phương pháp? Vì sao? Vì Ngài thấy chúng sanh khác biệt chẳng có phương pháp nào mà trọn gói cho tất cả mọi người, mỗi người một phương pháp. Nhưng phương pháp nào cũng phải trải qua cái sự thực tập nhìn thấu được sáu giác quan ảnh hưởng đến đời sống con người và ứng dụng vào cái điều này, huân tu sáu giác quan hỗ tương cho nhau trong cuộc sống  để mang lại sự bình ổn của tâm lý. Cái danh từ của Phật giáo gọi là: Nhãn; Nhĩ; Tỷ; Thiệt; Thân; Ý, tức là Mắt; Tai; Mũi; Miệng; Thân và Ý. Bất ổn tâm lý tới từ cái ý căn của mình nó bất ổn, nó loạn xạ, nó sợ hãi, nó mông lung, nó lo lắng, nó phiền não, mất niềm tin do ý. Hồi nhỏ Bảo Thành được Tổ dạy thì chỉ có sáu cái thứ trò chơi đó mà, tức là sáu giác quan đó thôi. Cái giác quan nào nó yếu thì dùng những cái giác quan còn lại mình tập để mình nâng đỡ cái giác quan kia sẽ khỏe thôi. Và đúng như vậy, nếu cái giác quan là ý căn của chúng ta, nó bất ổn đưa đến cái trạng thái tâm lý bất ổn thì dùng năm cái giác quan còn lại là dùng mắt, dùng tai, dùng mũi, dùng miệng, dùng cái cảm xúc của thân để hỗ trợ.

Các bạn nghe trong Mật thiền đã có đủ năm cái điều đó tức là phương pháp năm bước thực hành để hỗ trợ cho tâm lý bất ổn, làm ổn định tinh thần, mang lại sự hỉ lạc và khơi dậy nguồn hạnh phúc, có sức khỏe, trong sáng, luôn luôn tỉnh chứ không có tửng. Phương pháp năm bước đó là gì? Dùng con mắt để nhìn. Trong cái Thiền định của Mật thiền, con mắt nhìn vào đâu? Con mắt nhìn vào bốn chỗ là ở bụng, ở trái tim, ở ấn đường và ở đảnh đầu. Bụng, tim, ấn đường và đầu như bốn cái nấc thang để bước lên cái cảnh giới cao nhất của đời người. Mắt nhìn vào đó tuần tự thôi, khi bạn bị bất ổn tâm lý không phải cúi xuống nhìn mà dùng cái ý của mình qua cái con mắt nhìn xuống trong sự quán tưởng của vùng bụng, lên dần bước thứ hai trái tim, thứ ba ấn đường, thứ tư đến bách hội. Nguyên lý năng lượng tổng hợp cấu trúc toàn diện của cơ thể tới trong bốn bước này, chỉ cần nhìn thôi tâm lý của bạn sẽ hết bất ổn, sẽ bình ổn ngay. Bạn hãy thực tập thường xuyên. Cơ thể của con người nơi cái vùng bụng có ba cái luân xa hay nói đúng hơn là có ba cái đạo huyệt lớn cung cấp năng lượng toàn diện để tái tạo xây dựng và bồi dưỡng cho sức khỏe của con người. Nguồn năng lượng này là nguồn năng lượng gốc của tự thân. Nhìn vào cái trung tâm điểm, cái tiểu vũ trụ, nơi cái bụng của chúng ta, khởi nguồn cho một sự tái lập trở lại trạng thái tâm lý. Và nhìn lên trái tim sưởi ấm và lòng bao dung tha thứ cho mình. Và mang cái năng lượng đó lên trên ấn đường để nhìn thấu cái nguyên nhân tạo ra mọi rắc rối tâm lý của chúng ta. Và đưa lên trên bách hội giao thoa với vạn vật, người sẽ nhẹ nhàng. Đó là dùng cái con mắt để nhìn trong sự thực tập của Mật thiền sẽ bình ổn lại trạng thái tâm lý của chúng ta. Nếu các bạn bị bất ổn tâm lý, đã nhờ vào sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý, những nhà Thiện tri thức hoặc những cái bước tâm lý trị liệu như Bảo Thành nói ở trên mà kèm theo sự tu tập này nữa hoặc tự tu tập trị liệu cho chính bản thân của mình, bạn sẽ trở thành người dõng mãnh.

Nhưng trong Mật thiền thì ứng dụng cả năm bước. Cái mắt lúc nãy đã nhìn rồi, còn cái tai là huấn luyện như thế nào? Cái tai nghe âm thanh vi diệu của mật ngôn: Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ bi – quán tình thương. Và cái tai nghe đó là được sự ứng dụng của cái miệng do chúng ta trì mật ngôn: Mu A Mu Sa. Đó chúng ta dùng mắt, tai, miệng. Ta hít vào là đã đưa đến cái cảm xúc rồi các bạn. Và ta thở ra, ta tụng Mu A Mu Sa.

Tai nghe rõ mật ngôn này, và mắt nhìn rõ bốn cái trạm chúng ta dùng lại bụng, tim, ấn đường, bách hội, và lại trở lại bụng, tim, ấn đường, bách hội. Tai nghe âm thanh vi diệu của mật ngôn: Mu A Mu Sa. Mắt nhìn bốn thứ như thế và miệng trì mật ngôn. Mũi thì chúng ta hít thở đều đặn (đó là sử dụng cái mũi).

Rồi cái cảm xúc của chúng ta là gì? Là dùng cái động của cái tay. Hai tay của chúng ta đưa từ bụng đưa lên trên ôm vào sưởi ấm trái tim, nhẹ nhàng thoa bóp cái ấn đường, xoa lên trên đảnh đầu, nhẹ xuống ngang tai. Tức là năm cái giác quan còn lại của chúng ta tức là: mắt, tai, mũi, miệng, và cảm xúc của thân được sưởi ấm bằng cái động tác của tay qua cái nhìn toàn diện từ bụng lên tim, ấn đường, bách hội, trong cái hơi thở của mũi này hít vào nhịp nhàng và miệng trì mật âm. Cả năm giác quan đó hỗ trợ đưa lại sự bình ổn của tâm lý. Cho nên khi bất ổn tâm lý bạn thực hành cái Mật thiền này, bạn có sức khỏe. Bạn dùng năm giác quan còn lại để hỗ trợ cho ý căn. Sự thực tập này chính Bảo Thành đã thực hiện nhiều năm, thấy cái trạng thái bất ổn tâm lý của chính bản thân của mình đã lùi xa vạn dặm, Và sự bất ổn tâm lý đó thật khó lui tới với Bảo Thành. Nhiều bạn thực tập sau những sự đổ ngã của gia đình, li dị, li thân, con cái hoặc bệnh hoạn, hoặc nhiều chuyện xảy ra trong công ăn việc làm, đủ mọi tình trạng, thực tập đã tìm lại sức mạnh tâm lý của bản thân họ.

Thật nhiều phương pháp nhưng Mật thiền là một phương pháp vi diệu trong thiền định, tăng trưởng sức khỏe cho cơ thể, làm trong sáng tinh thần và làm cho tâm linh của chúng ta tăng thêm cái tuệ giác và trí tuệ. Phương pháp năm bước tức là dùng năm giác quan còn lại hỗ trợ cho ý căn được mạnh bạo hơn, khỏe mạnh hơn, bền vững hơn, trong sáng hơn, mãnh liệt hơn. Mắt nhìn bụng đếm một, nhìn tim đếm hai, nhìn ấn đường là ba, nhìn bách hội là bốn. Hơi thở nhìn, hít vào bằng mũi. Tai nghe mật ngôn: Mu A Mu Sa. Miệng thì tụng rồi. Mũi thì hít vào thở ra. Tay thì đưa lên từ bụng, sưởi ấm trái tim, vuốt lên trên ấn đường, nhẹ nhàng tới bách hội, xuống ngay hai cái lỗ tai trở về vị trí cũ. Động tác Mật thiền này đã được hướng dẫn thật là kỹ. Nếu các bạn thực tập cho rõ từng bước như vậy, bạn sẽ bình ổn được tâm lý của bạn. Hay hơn nữa, ngoài sự thực tập này bình ổn tâm lý cho chính mình, bạn còn làm tăng trưởng được cái nguồn năng lượng thật mạnh để hồi hướng, để lan tỏa, để gắn kết tới những người thân đang bất ổn tâm lý, giúp cho họ bình ổn tâm lý trong cái sự hồi hướng gắn kết mật thiết bằng cái công hạnh tu tập của chính mình. Điều này đã được thực hiện qua bao nhiêu ngàn năm truyền lưu tới ngày nay vẫn còn hữu dụng và hiệu nghiệm thật nhiều. Bảo Thành đã thực tập thấy có sức khỏe thấy tốt đẹp.

Một lần nữa, trong cái chủ đề các bạn gửi về: “Bất ổn tâm lý phải làm sao”?, Bảo Thành giới thiệu trở lại cái phương pháp thực tập hơi thở năm bước của Mật thiền. Ai hữu duyên nghe qua, muốn giữ cho tâm lý mình cứng rắn mạnh mẽ để sống hạnh phúc an vui, hoặc hồi hướng năng lượng giúp đỡ những người thân bất ổn tâm lý được bình ổn trở lại, hãy thực tập thử. Sự trải nghiệm của bạn sẽ mang lại cho bạn sự hạnh phúc vô cùng.

Các bạn thân mến! Mời các bạn trở về với hơi thở của Chánh niệm.

Thưa Phật! Xin gia trì cho chúng con hiểu thấu được sự thực tập Mật thiền sẽ giúp ích cho chúng con có được một tâm lý ổn định để sống an vui và hạnh phúc trong cuộc đời này.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở rất từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho nhau bình ổn tâm lý.

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

Sa Bi Mô U

(7 biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn