Bảo Đức đánh máy
Ai sống không phóng dật
Tiếng lành càng tăng trưởng.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh. Chúng ta hãy đồng nghe tổng trì Mật chú Thất Bảo Huyền Môn để đón nhận Phật lực đại Từ đại Bi vào thân, tâm chúng ta.
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Ma Sa Ốp Uê.
Sa Bi Mô U.
Sa U Sa U Ba Thê Um.
Nam Mô SaKa PuốtTê, Nam Mô SaKa PuốtTê.
Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Bảo Thành kính chào quý Phật tử, các bạn!
Hôm nay chúng ta vừa trì Chú Đại Bi và tổng trì Mật chú Thất Bảo Huyền Môn cầu nguyện cho quốc thái, dân an, hồi hướng công đức cầu an cho cha mẹ, ông bà, gia đình và tất cả mọi người chúng ta. Chúng ta cũng đồng hồi hướng cầu nguyện dâng lên cho Chư hương linh ký tự nơi Chùa Xá Lợi, hương linh Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà, cha mẹ được siêu sanh miền Tịnh độ.
Chúng ta hôm nay chia sẻ Pháp thoại về chủ đề “Tâm Không Phóng Dật”.
Các bạn thân mến! Chúng ta cứ khổ, cứ phiền não chính là vì tâm của chúng ta phóng dật.
Tâm phóng dật là tâm gì? Đây là thể loại tâm gọi là tâm Sở, có nghĩa là chúng ta sở hữu cái tâm này, chúng ta sở hữu chúng thành những tạo tác suy nghĩ, hành động như một phần đời sống kiếp người. Tâm phóng dật là tâm buông lung, buông lơi chạy theo năm dục, năm dục của nhà Phật nghĩa là Tiền, Tình, Tài, Sự Ăn uống và Sự cung phụng trong Ngủ nghỉ gọi là Ngũ Dục. Chúng ta phóng dật nghĩa là tâm luôn chạy theo năm việc này và chúng ta chạy theo năm cái căn trần, nghĩa là từ tai, mắt, mũi, lưỡi, ý của ta khi tiếp xúc với những hiện tượng bên ngoài, chúng ta liền bị lôi cuốn chạy theo. Đó là ở bên ngoài còn ở bên trong, chúng ta chạy theo tham dục của Tham − Sân − Si. Năm cái dục bên ngoài (Tiền, Tình, Tài, Sự Ăn uống, Ngủ nghỉ) lôi kéo , ba cái dục bên trong thôi thúc (Tham − Sân − Si). Những cái dục này, tâm ta khi trực diện dù ở bên ngoài hay bên trong, chúng ta không làm chủ được và bị nó lôi cuốn dẫn đi, rồi thì tâm của chúng ta như cánh diều bị gió thổi, đến khi căng quá, sợi dây bị đứt rồi không biết bay về đâu. Cái tâm vô định, buông lung như vậy gọi là tâm phóng dật, tâm không làm chủ được.
Ai mà sống trong tâm phóng dật thì người đó luôn đau khổ, phiền não, luôn bị người đời khiển trách, chê bai, Đức Phật dạy như vậy, còn nếu ai sống không phóng dật, tiếng lành càng tăng trưởng. Các bạn đã nghe về tâm phóng dật, như vậy tâm không phóng dật là tâm gì? Tâm không phóng dật là cái tâm có được Chánh Định. Chúng ta đương đầu với năm dục, đứng đầu là tiền, chúng ta không bị đồng tiền tha hóa, chúng ta ứng dụng đồng tiền đúng như một phương tiện ta tìm ra được, làm chủ đồng tiền đó cho đời sống của chúng ta. Làm chủ đồng tiền, tiêu xài đúng sẽ mang lại sự an vui trong đời thường của ta và mọi người, ta làm chủ được cái tâm không để tiền chi phối, tâm đó là tâm không phóng dật. Khi chúng ta đương đầu với tình cảm giữa vợ chồng, con cái, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc, tất cả mọi hình thức tình cảm trong cuộc đời như tình bạn, tình người, tình vợ chồng, tình ông bà, cha mẹ, chúng ta không bị những thứ tình này lôi kéo, cám dỗ, sai khiến để ta làm sai với Chánh Kiến, tạo ra tội lỗi. Tâm làm chủ tình cảm như vậy gọi là tâm không phóng dật.
Khi tâm của chúng ta đương đầu với danh vọng, tài danh của cuộc đời, ta không chạy theo quỳ, lụy những người có danh ở trên đời. Chúng ta làm chủ được cái Tâm Tịch Tĩnh đối xử bình đẳng giữa tất cả những con người thì tâm đó là tâm không phóng dật. Đối với nhà cao, cửa rộng, xe hơi, vật chất trong cuộc đời mà ta làm chủ được như phương tiện cuộc đời nhưng không đắm chìm trong cái tham đó, ta làm chủ được, đó là tâm không phóng dật. Khi đối diện với ăn uống, ngủ nghỉ ta không say sưa rượu chè, ta không say xưa ăn uống, nhậu nhẹt, tiệc tùng, đàn đúm, sinh hoạt bừa bãi, ta làm chủ được, tiết độ được cái ăn, cái uống, cái mặc và vận dụng chúng như là để nuôi thân mà tu thì đó là tâm không phóng dật. Đương đầu với lòng tham sân, tham dục, si của ta, ta làm chủ được chúng, ta không bị lôi kéo, không bị dẫn đi, ta tịch tĩnh, an nhiên, đó là tâm không phóng dật.
Người sống không phóng dật, người sống với tâm không phóng dật, tiếng lành của họ càng tăng trưởng và cuộc đời của họ luôn an yên, hạnh phúc, thân tâm khỏe mạnh trong sáng, thân bớt bệnh, tâm không có phiền não. Đức Phật dạy cho chúng ta đừng sống với tâm phóng dật, khi sống với tâm phóng dật, ta đang hủy hoại cuộc đời trong năm dục ở bên ngoài và ba cái dục ở bên trong. Ta đang dần dần bị tám thứ đó bủa vây cuộc đời như Bát Quái Trận không thể thoát ra, người sống trong tâm phóng dật như vậy sẽ làm tiêu biến tất cả phước báu vốn có, tích lũy nhiều đời có được và cũng làm tiêu tan phước báu của cha mẹ, ông bà hồi hướng lại cho chúng ta. Người đó sẽ thiếu phước, khổ sẽ tới, họa sẽ trở về để làm cuộc đời ngày càng đau khổ hơn và họ bị nhận chìm vào dưới đáy xã hội đau khổ, lầm chấp, khó thoát. Nhưng ai sống không phóng dật thì tiếng lành càng tăng trưởng, đâu đâu cũng nghe tiếng thơm của họ và họ sống giữa muôn người như hoa thơm nở khắp mười phương.
Các bạn! Chúng ta là người trong cuộc đời này và trong cuộc trần thế phải đương đầu với cơm ăn, áo mặc, với những cái tiện nghi trong cuộc đời, làm sao chúng ta có thể có được cái Tâm Định giữa bao nhiêu những thử thách, tham dục, tham ái bủa vây, cám dỗ? Thật là khó phải không các bạn? Nếu nó dễ thì ai ai trong chúng ta cũng hạnh phúc, đã làm được rồi.
Đây là một cách nói, một cách nhìn, thực ra chúng ta ở gần sông nước thì tự nhiên sẽ biết bơi bởi vì môi trường sông nước sẽ tạo điều kiện cho chúng ta phải học bơi nên phần nhiều những người ở miền sông nước hoặc sống gần biển, họ biết bơi thật là giỏi. Còn những người ở miền rừng và núi, họ biết leo núi giỏi, sức mạnh cơ bắp vận động hay, chạy nhảy, leo núi thật tuyệt vời. Môi trường ảnh hưởng thật nhiều tới đời sống của chúng ta, để có một cái tâm không phóng dật cũng thật là dễ. Muốn biết bơi thì di chuyển về miền sông nước để sống, muốn leo núi thì về miền có núi, chúng ta muốn có tâm không phóng dật, chúng ta hãy di chuyển sống cận kề với những Bậc Thiện Tri Thức. Khi sống cùng với những Bậc Thiện Tri Thức, chúng ta sẽ dần dần chuyển hóa được tâm phóng dật, chúng ta sẽ làm chủ được tâm của mình và đứng trước tham dục ở bên ngoài hay ở bên trong, chúng ta khéo léo ứng dụng để làm lợi lạc cho cuộc đời của chúng ta và cho những người đang sống với chúng ta.
Làm sao khi sống gần với những Bậc Thiện Tri Thức tâm ta sẽ không còn phóng dật và học được cái môi trường sống trong Tâm Chánh Định? Là bởi vì những Bậc Thiện Tri Thức có cái năng lượng hòa ái, Từ ái, yêu thương, lành mạnh, tịch tĩnh cộng thêm sự hướng dẫn của những Bậc Thiện Tri Thức về các Pháp Thiện để giúp chúng ta tu hành Pháp Thiện.
Các bạn thân mến! Những ai tu hành Pháp Thiện sẽ có Tâm Chánh Định, những ai buông lung theo những Tà Pháp, Ác Pháp, tâm sẽ phóng dật, đau khổ. Các Bậc Thiện Tri Thức hướng dẫn cho chúng ta thật rõ để chúng ta từ bỏ các Pháp Ác, không gieo mầm Ác và huân tu theo Pháp Thiện, gieo mầm Thiện Pháp và ai biết gieo mầm Thiện Pháp, biết thực hiện Chánh Pháp, biết thực hiện Thiện Pháp trong cuộc đời, người đó nhất định tâm sẽ có Chánh Định. Người có Tâm Chánh Định thì luôn luôn hạnh phúc, bình an, tiếng lành đồn xa như: “Hữu xạ tự nhiên hương” và người có cái tâm không phóng dật tức là Tâm Chánh Định, thường miên mật tu Thiện Pháp, biết làm từ thiện, biết ứng dụng Pháp Thiện vào trong cuộc đời từ Thân − Ngữ − Ý.
Các bạn nhớ rằng, tất cả nghiệp chướng, tội lỗi của chúng ta tới từ Thân − Ngữ − Ý, nghĩa là từ hành động của chúng ta tạo ra hàng ngày trong sự tương tác với mọi người. Từ “Ngữ” có nghĩa là ngôn ngữ của chúng ta ứng dụng khi tương tác, từ “Ý” có nghĩa khi chúng ta va chạm trong cuộc đời khởi lên ý thiện hay ý ác.
Bởi chúng ta gần những Bậc Thiện Tri Thức, được hướng dẫn thực tu Pháp Thiện có cái Chánh Định, có cái tâm như vậy nên chúng ta luôn hoan hỷ và hạnh phúc tu tập Pháp Thiện, ý khởi lên những ý thiện. Gặp bất cứ một người nào chúng ta cũng khởi lên những ý thiện an vui, chẳng bao giờ khởi lên ý ác, nghĩ sai, nghĩ lầm, nghĩ xấu về họ, đó là một điều trân quý nhất trong cuộc đời bởi khi ý biết nghĩ thiện là chúng ta đã có Chánh Định đi vào làm chủ Tâm − Ý của chúng ta, khi Tâm − Ý của chúng ta biết khởi lên những ý tốt đẹp, ta làm chủ được nó và ta vận dụng nó luôn khởi lên những tư tưởng phù hợp với Pháp Thiện của Đức Phật, chúng ta lại càng thẩm nhập vào cái Tâm gọi là Chánh Định, vững chãi, không hề lung lay trước muôn trùng thử thách của cuộc đời.
Đây là điều tối quan trọng trên con đường mà Phật tử cũng như những ai học Phật cần phải lưu ý thực hành. Chánh Định tới từ ý sẽ giúp cho ý khởi lên những luồng tư tưởng thanh cao, nhẹ nhàng, Từ ái. Người Ý căn thanh tịnh là người tâm không phóng dật, người Ý căn thanh tịnh là người từ tốn, Từ ái, nhẹ nhàng, khoan dung, người có năng lượng cảm hóa được những phiền não, chuyển hóa được những đau khổ, ai gặp những người có Chánh Định, có cái Ý căn thanh tịnh đều hoan hỷ và hạnh phúc. Nếu họ đang phiền não gặp được người có Ý căn thanh tịnh, họ liền thanh tịnh, phiền não liền rụng rơi, nếu họ đang đau khổ, gặp người có Ý căn thanh tịnh thì đau khổ của họ, những nỗi niềm đó liền tan biến. Cái năng lượng thanh tịnh từ Ý căn của người có Chánh Định, tu Thiện Pháp, người có tâm không phóng dật luôn luôn tiếp sức cho bản thân của họ được tịch tĩnh, an yên mà còn hỗ trợ cho những người xung quanh và cho tất cả những chúng sanh gần gũi với họ nữa.
Còn nếu như khi từ Ý căn thanh tịnh đó chuyển hóa cái Khẩu thanh tịnh, Thân thanh tịnh hay được gọi là Thân − Ngữ − Ý thanh tịnh. Khi Thân − Ngữ − Ý thanh tịnh, những lời được ứng dụng trên môi, miệng của họ như châu ngọc tuôn ra, như Cam Lồ tẩy rửa trần ai, như châu ngọc trang điểm cho cuộc đời.
Một lời nói có thể gây ra chiến tranh hoặc giết chết một con người, cũng một lời nói có thể mang lại hạnh phúc và bình an cho thế giới. Người con Phật chúng ta khi có tâm không phóng dật, Tâm Chánh Định, biết thực hành Pháp Thiện, người đó có những ngôn ngữ như châu ngọc tuôn ra, như vật cao quý nhất trang điểm cho cuộc đời, cho mỗi người được hạnh phúc, được tăng phẩm hạnh, nhân phẩm làm người con Phật trong cuộc đời, họ sẽ tăng cái danh giá cho bản thân của họ và đồng thời họ cũng tăng cái danh giá, phẩm giá cho những con người sống xung quanh với họ. Ngôn ngữ ứng dụng trên môi, miệng của họ thơm như hoa, đẹp như hoa, quý báu như kim cương, vàng bạc, như tất cả những thứ cao quý ở trên đời gọi là những lời châu ngọc. Và nếu tâm của họ càng thanh tịnh thì ngôn ngữ của họ tuôn chảy như nước Cam Lồ Tịnh Thủy Lưu Ly của Đức Quán Thế Âm rửa sạch những niềm đau, nỗi khổ của chúng sanh. Như vậy, chúng ta thấy người có tâm không phóng dật là người có Chánh Định, người thường thực hiện và tu luyện Thiện Pháp cao quý như thế nào, họ là những Bậc Thiện Tri Thức. Khi chúng ta sống mà tâm không phóng dật, tiếng lành càng tăng trưởng và ta trở thành Bậc Thiện Tri Thức như tàn cây cổ thụ đứng vững giữa phong ba, bão tố của cuộc đời để che mát cho muôn người.
Các bạn thân mến! Khi từ Ý căn thanh tịnh đó, Khẩu căn thanh tịnh đã là những cái ứng dụng công năng tuyệt vời của người sống có Chánh Định, sống không phóng dật rồi nhưng còn chuyển tới Thân căn thanh tịnh thì càng tuyệt vời hơn, như cọp mọc thêm cánh bay lên tận trời. Khi Thân căn của chúng ta thanh tịnh, nó được điều khiển bởi cái ý thanh tịnh, cái ngôn ngữ thanh tịnh thì sự hoạt động của thân, những tạo tác ta hành động đều mang lại sự yêu thương, che chở, bao dung, giúp đỡ, san sẻ, người đó thường biết nghĩ tới bản thân của mình, chăm sóc cho mình sống thanh tịnh và luôn nghĩ tới tất cả mọi chúng sanh khác, san sẻ, đùm bọc, che chở, dìu dắt tất cả mọi chúng sanh vượt khổ đến bình an. Mọi tạo tác của họ hàn gắn tất cả những vết đau trong trái tim khổ hạnh của những con người đang bị rỉ máu bởi tội lỗi, phiền não. Những tạo tác của họ sẽ làm cho những mảnh đời bất hạnh thêm vui, có hạnh phúc, những tạo tác của họ mang lại sự ấm cúng và chan hòa tình yêu thương. Họ là những Bậc Thiện Tri Thức bởi họ sống với Chánh Định miên mật thực hành Pháp Thiện, tâm họ không phóng dật, ý của họ, ngôn ngữ của họ, hành động của họ toàn là những phương tiện diệu dụng mang lại lợi lạc, sự hạnh phúc và bình an cho bản thân, cho gia đình và cho muôn loài chúng sanh. Các bạn! Người đó là người cao quý, ta cần phải kính trọng họ.
Tâm phóng dật và tâm bị năm dục lôi cuốn, Tham − Sân − Si nhận chìm. Tâm phóng dật là tâm buông lung, tâm không làm chủ, không có Định lực, luôn bị lôi kéo trượt theo, không có lập trường, không thực hành được những Pháp Thiện, luôn bị những Pháp Ác dẫn đầu, kéo đi. Tâm đó khiến cho cuộc đời của họ đau khổ, khiến cho muôn người gần gũi với họ phiền não, khiến cho xã hội không có được sự hòa bình. Nhưng cái tâm không phóng dật là cái Tâm Chánh Định luôn thực hiện Pháp Thiện của Như Lai, tâm đó cao quý bởi cái tâm đó có Ý căn thanh tịnh, Khẩu căn thanh tịnh, Thân căn thanh tịnh, Thân − Ngữ − Ý thanh tịnh. Những ý khởi ở trong tâm của họ đều là những ý thiện, đều là những ý lành, đều là những ý hướng Thượng, những ý giải thoát, những ý tránh ác làm thiện, những cái ý mà luôn luôn nghĩ tới làm sao để mang lại hạnh phúc cho bản thân và mang lại hạnh phúc bình an cho muôn người, muôn chúng sanh.
Người có Khẩu − Ý trong Pháp Thiện là người từ môi, miệng của họ sẽ tuôn chảy ra những dòng châu ngọc làm tươi mát cuộc đời, người luôn Chánh Định và an trú trong Pháp Thiện là người tâm không phóng dật, người đó luôn có hành động, giúp đỡ, san sẻ, đùm bọc, dìu dắt và che chở cho họ khỏi phạm lỗi, phạm tội và cho muôn chúng sanh khỏi đau khổ, người đó đáng được tôn kính. Người đó là ai? Người đó chính là mỗi chúng ta nếu chúng ta không phóng dật, người đó chính là chúng ta nếu chúng ta không sống trong cái tâm phóng dật. Người đó chính là mỗi người chúng ta nếu chúng ta biết sống để thực hành Pháp Thiện của Chư Phật, chúng ta biết sống cận kề với Bậc Thiện Tri Thức khác để được nuôi dưỡng, hướng dẫn, dạy dỗ, truyền thừa để chúng ta bắt đầu đi vào con đường thực hiện Thiện Pháp. Người đó sẽ có cái Tâm Chánh Định, người đó sẽ là người có tâm không phóng dật, người đó chính là ta nếu ta biết tiến tới.
Ai cũng có cơ hội để trở thành người cao quý, người đáng tôn kính, người được vinh danh bởi phẩm chất của ta vẫn là phẩm chất của người con Phật, bởi phẩm chất của chúng ta vẫn là phẩm chất trong đó có Phật Tánh. Đã có Phật Tánh thì mỗi người chúng ta đều có Tánh Thiện, nếu đã có Tánh Thiện thì mỗi người chúng ta đều có cơ hội thực hiện, tu luyện Tánh Thiện đó. Vậy, chúng ta hãy tiến lên để thực hành sự hướng dẫn này, của Phật, của những Bậc Thiện Tri Thức là chúng ta thực tập một đời sống với cái tâm không phóng dật.
Tâm không phóng dật mang lại lợi lạc cho cuộc đời, những đau khổ, tai họa chợt tới từ người hay từ ta, chúng ta đều chuyển hóa. Người tâm không phóng dật sống trong Chánh Định Pháp Thiện thì những chuyện thị phi, thô ác ở đời, nói qua, nói lại chẳng làm tâm của họ dao động, họ vẫn tịch tĩnh, an nhiên nên đời sống của họ luôn hạnh phúc. Người có tâm không phóng dật thì khi họ nhìn thấy những điều chướng con mắt, mắt họ vẫn êm, vẫn tỏa sáng long lanh như sao trời soi sáng cho chúng ta dưới màn đêm u tối. Nhớ rằng những người có Tâm Thanh Tịnh thì Thần Khí của họ lộ hừng hực trên đôi mắt, mắt họ sẽ sáng long lanh như sao trời. Người có tâm không phóng dật, tâm luôn thực hiện Pháp Thiện có Chánh Định, mắt của họ là thể hiện Trí Tuệ Viên Minh của Chư Phật, khi ta nhìn vào con mắt của họ, ta thấy an tâm, nhẹ nhàng, khi ta đau khổ, ta nhìn họ, họ nhìn ta, ta sẽ thấy bình an. Khi phiền não tràn đầy trong Tâm thức, họ nhìn ta, ta nhìn trong mắt họ thì năng lượng Từ Bi từ trong con mắt họ tỏa sáng giúp cho chúng ta thấy rõ phiền não để chúng ta chuyển hóa chúng, chúng ta liền có bình an. Những ai bệnh hoạn, đau khổ mà gặp Bậc Thiện Tri Thức có Chánh Định thì con mắt của họ tỏa sáng bao trùm lên để rồi những người đó sẽ bớt khổ, bớt bệnh. Con mắt thật là kỳ diệu, vậy nên trong đời mới nói con mắt là cửa sổ của tâm hồn, trong đời sống tâm linh người có cái Tâm Chánh Định, người có cái tâm không phóng dật thì đôi mắt của họ là cửa Niết Bàn đưa tới sự bình an và hạnh phúc. Khi họ nhìn ta, ta nhìn trong mắt họ, ta thấy tràn đầy năng lượng Từ ái, ta thấy sự bình an.
Người có tâm không phóng dật khuôn mặt lộ rõ Tánh Từ ái, hiền lương, nhẹ nhàng, dịu dàng và dù chúng ta có đau khổ tới mấy thì khi nhìn trên khuôn mặt của họ, ta thấy an tâm, ta thấy nhẹ nhàng, ta thấy phiền não, đau khổ rụng rơi, đó là sự thật. Các bạn cứ trở về nơi Chánh Điện, các bạn cứ trở về Chùa hay nơi bàn thờ, các bạn thành tâm ngồi xuống, các bạn chiêm ngưỡng tướng hảo của Phật, chúng ta thấy trên đôi mắt của Phật, trên khuôn mặt của Phật năng lượng Từ Bi tuôn trào. Mỗi khi đau khổ, phiền muộn ta tới ta chiêm ngưỡng tướng hảo của Như Lai thì tất cả phiền muộn và đau khổ đều tan biến mất bởi Đức Phật là Bậc Đại Thiện Tri Thức. Và ở trong đời khi chúng ta Quy Y Phật − Pháp − Tăng, chúng ta nhận một vị nào là Thiện Tri Thức làm Thầy, chúng ta được giáo dưỡng và học hỏi, chúng ta cũng được thừa hưởng, nương vào những điều đó, thừa lực, sức mạnh của người Thiện Tri Thức đó mà họ sẽ dìu dắt, hướng dẫn, nuôi dưỡng ta trên con đường Pháp Thiện để chúng ta trở thành Bậc Thiện Tri Thức như họ.
Những Bậc Thiện Tri Thức chúng ta có thể nhận ra ngay trong cuộc đời, chỉ nhìn vào ánh mắt của họ, chỉ nhìn vào khuôn mặt của họ, chỉ nhìn vào tạo tác của họ, ta thấy họ đúng là Bậc Thiện Tri Thức. Nếu là một Bậc Thiện Tri Thức thì Quỷ, Thần đều phải kính sợ. Chúng ta cũng vậy, chúng ta sẽ làm cho Quỷ, Thần kính sợ nếu chúng ta trở thành một Bậc Thiện Tri Thức. Nếu chúng ta biết tu tập Pháp Thiện, biết nuôi dưỡng thân, tâm trong Pháp Thiện có được Chánh Định, Thân − Ngữ − Ý thanh tịnh trở thành Bậc Thiện Tri Thức thì Quỷ, Thần đều kính sợ, đều hộ mạng cho chúng ta.
Các bạn! Lời của Đức Phật là lời của Bậc đại Giác đại Ngộ, sự hướng dẫn của Ngài là giúp cho chúng ta Siêu Phàm Nhập Thánh hay nói đơn giản lời của Phật nếu ta thực hành đúng, ta sẽ nên Thánh, ta sẽ trở thành Thánh. Mà nhớ Bậc Thánh luôn là Bậc có Chánh Định, cái tâm của Bậc Thánh không phóng dật và ở nơi đâu có Bậc Thánh sống thì ở nơi đó chan hòa yêu thương. Ai tiếp cận với Bậc Thánh thì người đó luôn thừa hưởng được sự trợ lực đặc biệt để sống bình an và hạnh phúc.
Các bạn đã có sự trải nghiệm đó trong đời. Có những con người khi các bạn gần, nhìn vào con mắt của họ, các bạn thấy hoang mang và sợ hãi bởi trên con mắt của họ không có sự tịch tĩnh, an nhiên của Pháp Thiện, con mắt của họ chứa đựng sự gian ác, căm phẫn, u uất. Cũng có những lúc các bạn đã tìm và đã gặp được những con người nhìn vào khuôn mặt của họ, các bạn càng hoang mang, sợ hãi bởi trên gương mặt của họ không có sự tịch tĩnh của Pháp Thiện, thể hiện sự hung ác, trầm mê, đen tối, Vô Minh. Điều đó xảy ra trong cuộc đời rồi. Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều lúc các bạn tiếp cận được với những con người khi các bạn nhìn vào đôi mắt của họ, ánh mắt long lanh, rực sáng, làm cho bạn tỉnh trí nhận thức được điều sai và cái đúng, phiền não và đau khổ để chuyển hóa. Ánh mắt của họ như Trí Tuệ soi vào miền tăm tối trong tâm can của các bạn, soi dẫn cho các bạn trở thành những người tịch tĩnh, khuôn mặt của họ tỏa ra năng lượng vi diệu, chan hòa, xoa dịu tất cả những đau khổ phiền não cho ta. Họ là hiện thân của Bậc Thánh, họ là Bậc Thiện Tri Thức, họ có Chánh Kiến, họ có Chánh Định, tâm của họ không phóng dật, không buông lung, không bị những Ngũ Dục, tham dục trong cũng như ngoài lôi cuốn, dẫn đưa và nhận chìm. Họ làm chủ được cái tâm, họ làm chủ được cái Khẩu, ngôn ngữ, họ làm chủ được cái thân của họ nên Thân − Ngữ − Ý của họ, nhất cử nhất động đều thoát ra cái năng lượng Từ Bi, Từ ái. Năng lượng đó tới từ Chư Phật bởi người Thiện Tri Thức, người có Chánh Định, người có cái tâm không phóng dật là người luôn gắn kết với mười phương Chư Phật từ cuộc đời của họ lan tỏa, phát minh, chiếu sáng mọi miền đen tối từ Tâm thức của mọi chúng sanh. Người luôn gần với Chư Phật tiếp được tha lực Phật điển năng lượng Từ Bi, người đó có sức mạnh vượt qua, khi chúng ta kề cận với họ, chúng ta sẽ không còn yếu đuối, chúng ta có cái sức mạnh của tự thân đứng dậy, đứng vững chãi để vượt qua tất cả. Kề cận Bậc Thiện Tri Thức thật là tuyệt vời!
Các bạn thân mến! Tâm không phóng dật nha các bạn! Tâm không phóng dật là tâm cao quý bởi cái tâm đó Đức Phật nói ai sống với cái tâm không phóng dật thì tạo được phước, phước thật là nhiều, tiếng lành càng tăng trưởng. Ý căn của họ như dòng suối mát gội rửa phiền ai, Khẩu căn của họ thanh tịnh, lời nói của họ tuôn ra như châu ngọc, châu báu ở đời, trang điểm cho muôn người, êm dịu nỗi đau, hạnh phúc vô cùng. Những hành động của họ đều là những hành động mang lại hạnh phúc, họ là những người Thiện Tri Thức. Chúng ta nếu sống chung với họ thì chúng ta sẽ trở thành Thiện Tri Thức và chúng ta nhớ rằng để trở thành Bậc Thiện Tri Thức như vậy, chúng ta có cơ hội đấy bởi ta có Phật Tánh ở trong đời. Phật Tánh đó khi chúng ta ứng dụng Pháp Thiện của Phật, làm chủ không phóng dật buông lung, đứng trước năm dục cám dỗ ở bên ngoài và tham dục ở bên trong ta tự tại, an nhiên, ta làm chủ được, chính lúc đó ta đã trở thành Bậc Thiện Tri Thức, tiếng lành của chúng ta sẽ càng ngày càng tăng trưởng, năng lượng Từ Bi của chúng ta sẽ lan tỏa, mọi người gần gũi với chúng ta sẽ luôn hạnh phúc và muôn người kề cận sẽ có được sự bình an.
Các bạn thân mến! Trong cuộc đời của chúng ta thật nhiều những cám dỗ ở bên ngoài, nhất là trong hiện tại phiền não tới với muôn người bởi cái môi trường sống đang bị tha hóa bởi vật chất, tiền tài, danh vọng, dục vọng của cuộc đời. Chúng ta, có những người đã trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời lên voi xuống chó, có được mất đó, cũng có những con người còn rất trẻ mới bước vào cuộc đời, đang trải nghiệm mật ngọt của cuộc đời hoặc là cay đắng của đời người, chúng ta từ từ cũng sẽ trải qua nhưng những ai nghe được sự hướng dẫn hôm nay từ lời của Đức Thế Tôn, dù các bạn đã lớn tuổi trải qua hay các bạn còn trẻ tuổi sắp bước vào thì các bạn thân mến, chúng ta thực hành theo lời của Đức Bổn Sư, Bậc Thầy của chúng ta, chúng ta sẽ có một đời sống với cái tâm không phóng dật, chúng ta sẽ có một đời sống với cái Tâm Chánh Định, với cái tâm luôn thực hành Pháp Thiện để chúng ta là Thánh Nhân, là Thiện Tri Thức ở trong đời. Cái tinh thần này cao quý lắm! Ai trong chúng ta cũng thực hiện được, ai trong chúng ta cũng làm được chỉ cần sự sách tấn khi chúng ta gần gũi với Bậc Thiện Tri Thức, chỉ cần chúng ta nương nhờ vào Hùng Lực Từ Bi, Thánh Thiện của các Bậc Thiện Tri Thức.
Khi nhìn vào đời sống gương mẫu của họ ta sẽ có được cái Nội lực vượt qua tất cả, ánh mắt của họ như mặt trời soi sáng, dẫn đường ta đi, khuôn mặt của họ như mặt trăng tỏ rõ giữa đêm rằm để chúng ta từng bước đêm, từng bước thầm trong cuộc đời ta tỏ lộ được tất cả. Thật sự đúng như lời dạy những Bậc Thiện Tri Thức có ánh mắt long lanh Từ ái, có khuôn mặt sáng trong tình yêu thương. Các bạn chính là Thiện Tri Thức bởi ánh mắt của các bạn thật long lanh trong Pháp Thiện. Các bạn chính là Bậc Thiện Tri Thức bởi khuôn mặt của các bạn sáng lên niềm tin vượt khổ tới bến Giác.
Các bạn có biết không? Mắt các bạn thật sáng trong Pháp Thiện, tâm của các bạn thật thanh tịnh, các bạn là những Bậc Thiện Tri Thức. Các bạn hãy sống là một Bậc Thiện Tri Thức nha! Các bạn đừng lầm tưởng cái tâm phóng dật là bạn. Tâm phóng dật không phải là bạn. Tâm Không Phóng Dật, Tâm Tịch Tĩnh, Tâm An Nhiên, Tâm Chánh Định, Tâm luôn hành Pháp Thiện mới là bạn thân của chúng ta.
Trong tâm của các bạn vốn có điều đó, các bạn đã là những Bậc Thiện Tri Thức rồi. Hãy nghe lời của Phật sống với điều đó, hãy nghe lời của Phật để ánh mắt của các bạn là mặt trời Trí Tuệ soi đường dẫn lối cho muôn người vượt qua cái khổ của cuộc đời để tìm được hạnh phúc, để nhìn rõ phiền não, có được bình an.
Các bạn hãy trở thành một Bậc Thiện Tri Thức để khuôn mặt của các bạn như mặt trăng tỏ rõ giữa đêm rằm để thế gian này sẽ đẹp hơn, tốt hơn.
Các bạn hãy trở thành một Bậc Thiện Tri Thức và sống như một Bậc Thiện Tri Thức đi! Để ngôn ngữ của các bạn là châu ngọc tuôn vào dòng đời khô cạn, trên sa mạc khổ đau để tưới mát cho muôn người. Các bạn hãy sống là những Bậc Thiện Tri Thức để hành động của các bạn, mọi việc các bạn làm đều chia sẻ, san sẻ được tình thương về mọi phương diện để những mảnh đời bất hạnh, những cuộc đời đau khổ gần, xa hoặc ngay trong gia đình của chúng ta có được nụ cười hạnh phúc, có đời sống bình an.
Chúng ta là những Bậc Thiện Tri Thức, ánh mắt của chúng ta sáng ngời như mặt trời, khuôn mặt của chúng ta sáng ngời như trăng rằm, tạo tác của chúng ta cao quý như Bậc Thánh. Hãy sống là Bậc Thiện Tri Thức, đừng sống với tâm phóng dật. Tâm phóng dật đang hủy hoại cuộc đời của các bạn, tâm phóng dật đang dìm các bạn xuống Địa Ngục tăm tối, tâm phóng dật đang tạo khổ cho bạn, gia đình và xã hội.
Các bạn có cái tâm không phóng dật, Tâm Chánh Định, tâm sống trong Thiện Pháp, tâm mà làm cho tiếng lành của các bạn tăng trưởng, tâm mà làm cho ánh mắt của các bạn sáng như mặt trời, tâm mà làm cho khuôn mặt của các bạn bừng sáng như mặt trăng rằm. Hãy như mặt trời Trí Tuệ soi đường cho người đi! Hãy như trăng rằm để tỏ rộ giữa ban đêm để người người đều hoan hỷ và hạnh phúc! Hãy sống là một Bậc Thiện Tri Thức và đừng sống với cái tâm phóng dật.
Cầu chúc cho tất cả chúng ta đều trở về sống được với cái điều đó, đều hạnh phúc!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Sự đồng tu hôm nay, chia sẻ Pháp thoại về tâm không phóng dật và trì Đại Chú Từ Bi cùng với tổng trì Mật chú Thất Bảo Huyền Môn đã được công đức gì, chúng con thành tâm hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đều thành Phật Đạo.
Mô Phật!