Pháp thoại Thiền Sư Bảo Thành, Tâm Sĩ bút ký
Bảo Thành kính chào các Bạn.
Chúng ta đang ở trên mạng Youtube Thất Bảo Huyền Môn. Mỗi ngày mỗi bài Pháp nhỏ, một sự chia xẻ gợi ý cho chúng ta tư duy, sống an nhiên tự tại, thấm nhuần lời dạy của Đức Phật, ứng dụng vào đời sống hiện tại.
Trong thế giới công nghiệp và kỷ thuật số, cũng như trong thế giới phát triển về mọi mặt khoa học, đã giúp đỡ cho chúng ta dần dần làm việc có hiệu qủa hơn, nhưng rồi nó cũng lôi kéo chúng ta vào vòng xoáy của cuộc đời, cơm ăn áo mặt, gạo tiền trong từng giây phút, từ đó hình như mỗi người không còn có thời gian để chiêm nghiệm về những chân lý mà Đức Phật dạy cho chúng ta nữa.
Vẫn biết phương tiện ngày hôm nay hiện đại, kinh điển đầy trên phone, trên mạng. Giáo lý của Nhà Phật, người ta còn chế tác ra, để rồi có thể bật máy mà nghe hằng ngày 24 tiếng. Nghe nhiều lắm, kinh phát hành thật là nhiều, thậm chí ngày nay ta không cần phải đọc nữa, đã có máy thâu rồi, nên đọc thay cho chúng ta.
Như một câu chuyện Đức Phật và các đại đệ tử của Phật, đi kinh hành qua một cánh đồng ruộng, nơi cánh đồng ruộng đó Đức Phật thấy có một con trâu đang kéo cày. Mượn hình ảnh con trâu đang kéo cày, Đức Phật dạy cho các Đệ tử rằng: “Các con ơi, các con có thấy con trâu đang kéo cày dưới ruộng kia không? Chúng đệ tử: “Bạch Thế Tôn, chúng con trông thấy”. Ngài nói tiếp: “Con trâu đã dùng sức lực mạnh mẽ bình sinh của mình, đặt lên trên vai cái ách cho người nông dân và nó chỉ biết dùng toàn bộ sức lực để kéo cày mà thôi, cho tới khi sức đã mòn, đã cạn để rồi chết gục trên đồng ruộng kia. Người nông dân không có sức thì dụng tâm, xử dụng con trâu có sức. Tâm của người nông dân và sức của con trâu phối hợp, nên cánh ruộng được gieo trồng.
Đức Phật mượn hình ảnh đó nói với các đệ tử rằng: Con người chúng ta xuất gia đi tu hoặc là cư sĩ tại gia, dưới nhiều góc độ tu và có nhiều nhân cách đi vào con đường tu. Nhìn hiện trạng xảy ra rõ ràng trong đời người, là nói đến sức của thân và sức của tâm. Nếu như chúng ta không có tâm huân tu rõ ràng, sửa bên trong, vận dụng trí tuệ để vận hành, mà chỉ để cho sức của mình, vai u thịt bắp, khỏe như con trâu kéo cày kia, thì nó chẳng biết làm gì đâu. Nếu như con trâu cày mà không có người nông dân, nó không biết cày, bởi nó đâu có biết đặt cái ách lên trên vai nó, rồi gắn vào cày kéo ở ruộng đâu, cuộc đời của nó có lẽ chỉ ăn cỏ, rong chơi trên đồng mà thôi dù có sức”.
Như vậy người đi tu tại gia hay xuất gia, nếu chúng ta còn có sức khỏe của thân xác, mà không có sự huân tu của tâm, thì thân này cũng rong chơi trên đồng cỏ gặm nhấm. Trâu bò gặm nhấm cỏ đồng xanh để ăn nuôi thân xác, rồi một mai cũng tàn lụi. Ta như thân trâu bò, thân này cũng vậy, sinh ra có sức khỏe, nhưng nếu chúng ta không dụng tâm, để đặt ách, đặt cày lên, thì thân này cũng rong chơi gặm nhấm. Những cảm xúc lân la trong những miền, thôn xóm của cảm giác, của cảm thọ thế gian, để rồi đắm chìm mãi, nó lười biếng, giãi đãi, nó chỉ biết ăn cỏ đồng người, rồi nằm xuống phơi nắng mà thôi. Và trên đời, nếu như chỉ có những người vận dụng được sức khỏe như xử dụng được sức con trâu, nhưng mà không có tâm ý ứng dụng vào, thì sức khỏe của con trâu kia cũng chẳng làm được gì.
Có biết bao nhiêu con người nói ở đây là đã ứng dụng tướng qúa nhiều, tướng đi chùa, tướng kinh sách, tướng tụng kinh, tướng bãi lãi, và cứ hì hục, hì hục dụng tướng đó mà chẳng dụng tâm, nên trong suốt cuộc đời tu tập, dần dần, dần dần hao mòn, đến khi tuổi lớn rồi, nhận thấy chưa có một niềm tin vững chãi vào tam bảo, bởi bao năm nay chỉ dụng sức, dụng tướng mà không dụng tâm, cho nên lớn tuổi sức cạn lực mòn, tâm chưa vững dễ bị lung lay, hóa ra từ đó dựa dẫm vào những niềm tin không chính đáng theo như lời Đức Phật dạy. Lại có kẻ dụng tâm quá sức mà không dụng tướng hài hòa, để rồi thân bị hao mòn bệnh hoạn thì tâm sẽ bị ảnh hưởng chẳng còn tịch tĩnh nữa.
Nói trong góc độ trung hòa thân và tướng chúng ta phải hòa nhập như người nông dân và con trâu. Người nông dân phải biết đẻo cày và làm cái ách vừa khuôn khổ thân con trâu, để rồi biết vận dụng cái ách, cày đó vào con trâu, để cày cấy đồng ruộng của mình cho thẳng tắp cho đúng nơi đúng chỗ mới có giá trị.
Tâm chúng ta nếu thật khéo như người nông dân, biết tạo một cái ách, cái cày để choàng lên thân này trong những lễ nghi, nghi thức, trong những pháp ngồi thiền, hít thở chánh niệm tứ oai nghi và mang cái cày là tâm, đã quán chiếu sâu sắc trên đồng ruộng của tứ đại tâm thân của chúng ta, với tâm ứng dụng hài hòa, với tâm vận dụng trí tuệ của nhà Phật, mới tạo ra được cái ách, cái cày, cày trên ruộng tứ đại này, thì nhất định ruộng tứ đại đó sẽ trở thành ruộng tốt, để chúng ta gieo vào đó những chủng tử thiện, từ đó mang lại lợi ích cho ta và lợi lộc cho muôn người.
Người tu có nhiều hạng, nhưng hôm nay Bảo Thành nhắc nhở nhẹ nhàng cho mình và mọi người thấy, điều quan trọng nhất chúng ta đừng qúa nặng nề về tướng và cũng đừng bỏ tướng mà tu tâm. Tâm và tướng phải luôn luôn hài hòa với nhau. Giữa đạo và đời là một, giữa thân và tướng là một, chẳng bỏ tướng dụng tâm, chẳng bỏ tâm dụng tướng, chẳng bỏ đời để hẳn vào đạo, mà chẳng bỏ đạo để vào đời, đạo đời song hành, thấy Phật ở mọi nơi. Pháp vi diệu của Đức Phật truyền dạy cho chúng ta là sự quán chiếu rộng rãi hơn, để thấy giữa thân tướng này và tâm của chúng ta phải trở nên một, dụng tướng để vận tâm, dụng tâm để điều tướng như người nông dân thật khéo điều khiển con trâu, đẽo ra cái ách, cái cày, để đi trên ruộng của mình cày cấy trồng trọt.
Cuộc đời chúng ta sinh ra làm người như một mãnh ruộng có đầy phước báu, và thân tướng này của chúng ta là thân tướng không khác gì con trâu, nó có sức khỏe giới hạn của nó, dù rất mạnh có sáu căn lành lặn, nhưng cái tâm người nông dân kia rất cần các bạn ơi. Người nông dân phải có kiến thức căn bản và hiểu thật rõ ràng về thời tiết và sự vận hành cái cày, cái ách hướng dẫn con trâu. Nếu chúng ta theo chân lý của Phật, chúng ta điều phục được, vận dụng được thân tướng chúng ta, để cày trong cuộc đời này, tạo ra những phước qủa tốt đẹp, còn nếu chúng ta không học theo giáo lý của Đức Phật, để điều phục con trâu này, các bạn biết gì không? các bạn sẽ để cho thân này như con trâu lười biếng gặm cỏ đồng người, phơi nắng giữa trưa, chẳng biết làm gì, để cuối đời sức tàn rồi, thì lại trở về với lòng đất, không tạo được chút phước qủa gì cho cuộc đời. Mang thân người làm phương tiện, có tinh thần là diệu dụng, diệu dụng phương tiện làm người để tăng trưởng phước báu, tiến hóa lên cảnh giới cao hơn thành Phật, đó là sự khai thị của chư Phật đối với mọi chúng sanh.
Con trâu nó kéo xe cày ruộng chỉ dùng sức thôi, sức lực cơ bắp, sức lực của ta gọi là mạnh mẽ, nhưng nó cần đến người nông dân điều khiển. Nếu các bạn chỉ tu tướng trong những lễ nghi tôn giáo thôi mà không nhập vào, thấm nhập vào chân lý, khế nhập được chân lý của nhà Phật, diệu dụng trong chân tâm, thì chúng ta thiếu đi một vế là chỉ có con trâu, và đôi khi những nghi thức kia là có cày có ách, nhưng lại thiếu đi vế quan trọng là người nông dân với cái tâm. Cho nên khi các bạn đi Chùa tụng kinh lễ Phật hay các bạn tham gia vào các nghi thức lễ tôn giáo, chúng ta phải làm sao dụng được tâm, phối hợp nhịp nhàng với tất cả tướng đó, để tạo ra phước báu. Người nông dân điều khiển con trâu, cái cày cái ách để đi đúng khuôn, đúng mẫu, đúng khổ của ruộng mình, để mang nước vào ruộng, đảo đất lên mà trồng trọt hoa màu. Có sự đảo ngược như vậy trong cuộc đời, có sự cày cấy rõ ràng, có sức mạnh tự thân và có diệu dụng của tâm, các bạn sẽ thành công được pháp an lạc. Do đó khi thân của bạn còn mạnh còn khỏe, còn ở tuổi đời mà có thể dụng được, ứng dụng được, xử dụng được, làm được nhiều việc để tâm đồng hành vào, thì các bạn sẽ có hiệu qủa cao hơn. Còn nếu như các bạn cứ để cho tuổi trẻ trôi qua uổng phí cuộc đời, như con trâu ăn cỏ đồng người, thì một mai khi các bạn hao mòn sức khỏe đi, người ta gọi là “lực bất tòng tâm”, muốn làm điều đó mà thân không còn sức khỏe, như biết bao nhiêu những vị lớn tuổi, ngay cả các bậc trưởng lão, đôi khi còn ngồi than vãn, bởi tuổi trẻ hoang phí sức qúa nhiều, đến khi lớn tuổi rồi, ngồi chút xíu đau lưng, mệt mỏi, lễ lạy chút xíu là khổ sở, nghĩ lại thời trai trẻ phung phí sức lực cho biết bao nhiêu chuyện không cần thiết.
Các bạn, chúng ta hãy tập trung vào thửa ruộng tứ đại nhân duyên làm người của chúng ta, vận dụng vào sức mà chúng ta có được, do phước báu tạo nên thân người có sức khỏe đầy đặn này và ứng dụng trí tuệ phù hợp với nhân duyên, để chúng ta biến thửa ruộng cuộc đời, biến mảnh đời của chúng ta thành nơi gieo trồng thật nhiều phước báu, cho muôn chúng sanh khác hiện thân trong cuộc đời mà chúng ta gặp được. Phước báu này cao qúy vô cùng, thể hiện giống như lời Đức Phật: dụng tâm vào thân phương tiện, thì ruộng phước báu của chúng ta sẽ được tươi, tốt và có hiệu qủa, gặt hái được nhiều thành qủa cao qúi. Các bạn, người hành đạo là hành cả tâm và cả tướng, đừng chỉ đắm chìm trong tướng và cũng đừng đắm chìm trong tâm.
Ngài Bồ Đề Đạt Ma khi tới núi Thiếu Lâm Tự ở bên Trung Hoa. Núi đó có bao nhiêu người chỉ dụng tâm mà chẳng vận tướng, nên có nhiều người đâm ra thân xác yếu đuối đau đớn chẳng thành công. Ngài phải dạy cho Dịch Cân Kinh, các động tác thế võ để dưỡng thân. Lại có những người chỉ dụng tướng, không dụng tâm, chẳng đi tới kết qủa, cho nên chúng ta đã nhìn rõ những điều dạy của chư Phật, rồi thì người hành đạo phải có đạo tâm và tướng đức.
Giới tướng và đạo tâm song hành với nhau, các bạn sẽ thành công mỹ mãn trên con đường tầm cầu sự an lạc cho tự thân.
Chúc các bạn nhìn rõ điều này, để chúng ta cùng nhau hành đạo bằng tâm đồng hành với giới tướng trong cuộc đời.
Cám ơn các bạn đã lắng nghe.