Bảo Diệu Tâm đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn! Hôm nay chúng ta lại tiếp tục gặp nhau trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn – Thiền Mật Tông. Các bạn nhớ đăng nhập vào kênh YouTube này để chúng ta có cơ hội đón nhận được những bài kế tiếp.
Các bạn thân mến! Chúc cho các bạn luôn sống an bình và hạnh phúc. Chúc cho các bạn luôn luôn diệu dụng, hay nói đúng hơn là có thể áp dụng tất cả mọi kiến thức về cuộc đời, cũng như kiến thức về đạo hay tâm linh, để làm giàu đời sống các bạn, để làm tăng trưởng niềm hạnh phúc khi các bạn sống trong thế giới này. Thế giới mà mỗi người của chúng ta ngày nay không còn xa lạ gì với nhau. Dù các bạn ở bên kia bờ đại dương hay các bạn ở đâu đi nữa, sự xa cách đó ngày nay trở nên thật gần gũi bởi phương tiện truyền thông đại chúng trên mạng, trên báo chí. Phương tiện này giúp cho chúng ta tạo được sự gần gũi nhau hơn, tạo được sự trao đổi về mọi phương diện của cuộc sống. Bảo Thành có may mắn gặp được các bạn, làm quen với các bạn để chia sẻ phần nào đó với đời sống mà mỗi người chúng ta có tâm nguyện theo đuổi.
Ai trong cuộc đời cũng có những ước mơ, cũng có những ước nguyện, để chúng ta đeo đuổi những chuyện như vậy. Những chuyện mà các bạn theo đuổi đều là tốt hết. Nhưng chúng ta phải làm sao cho nó tốt hơn mỗi ngày. Chính vì thế mà Đức Thế Tôn ngày xưa khi thấy La Hầu La đã trưởng thành, mười tám tuổi hơn rồi, lúc đó La Hầu La trên mười tám tuổi. Để cho các bạn hiểu rõ hơn, La Hầu La đi tu từ thuở bảy tuổi, tức là còn rất nhỏ, chỉ là đứa trẻ con. La Hầu La chính là đứa con duy nhất của Đức Phật. Cho nên Đức Phật muốn dạy cho La Hầu La có được kiến thức của Tâm chân thật. Bởi Tâm chân thật là chìa khóa để chúng ta có thể diệu dụng được mọi phương tiện trong cuộc đời từ kiến thức của xã hội, kiến thức của loài người, kiến thức trong đạo giáo, trong tâm linh. Với tâm chân thật, với tâm thiện, để mang lại nhiều lợi lạc hơn trong cuộc sống.
Do đó, thuở đó Đức Phật gọi La Hầu La lại và nói với La Hầu La: “con hãy rửa chân cho thầy”. La Hầu La mang một thau nước tới rửa chân cho Đức Phật. Thuở xưa các bậc Tỳ kheo, ngay cả Phật thường đi chân đất, không bao giờ đi giày dép như chúng ta ngày hôm nay. Các vị đi chân đất, đầu đội trời, chân đạp đất, tứ đại giai không, đi khắp nơi để truyền đạo, khai thị và cũng đi để mà lãnh nhận thọ thực, tạo cơ hội cho chúng sanh gieo mầm phước thiện từ bi vào ruộng phước, vào ruộng của bậc giác ngộ là Phật, để nương vào ruộng giác ngộ của Phật đó mà họ thừa hưởng được những phước báu sau này. Sau khi ông La Hầu La rửa chân cho Phật xong Phật hỏi La Hầu La: “khi con rửa chân cho thầy xong, con nhìn ở trong nước, nước này sạch hay dơ và nước này có sử dụng được không?”. La Hầu La nói “Bạch Thế Tôn nước này dơ rồi. Nước này không thể sử dụng cho nấu ăn uống hoặc làm bất cứ một thứ gì. Bởi nước đã dơ”. Phật mới nói với La Hầu La rằng: “Này con khi nước dơ rồi không thể sử dụng được nữa, thì người Tỳ kheo, hay người tại gia hay bất cứ một ai. Khi tâm, ý và khẩu dơ dáy bẩn thỉu, không chân thật, thì không sử dụng được, không có làm lợi ích gì cho bản thân của họ và cho xã hội, cộng đồng. Cái tâm không có chân thật. Cái tâm dơ dáy bẩn thỉu từ ý, tà ý, tà khẩu, tà hành động. Tức là ý của ta luôn nghĩ đến điều xấu, miệng của ta luôn nói những điều ác, thân của ta luôn có những hành động bất chính, thì chúng ta trở lên không có sử dụng được, vô dụng, không làm lợi lạc cho chúng sanh.
Rồi Phật mới nói: “La Hầu La, con đổ hết nước dơ đi”, rồi Phật hỏi: “Con à, cái thau nước đó con có thể đựng đồ ăn được không?”. La Hầu La nói: “Bạch Thế Tôn, thau nước thật là dơ, bởi sau khi rửa chân, nước dơ, con đổ nước dơ đi, cái thau còn dơ. Nên cái thau này không thể đựng đồ ăn được, không thể chứa gì được”. Phật dạy: “Nếu con không có tâm chân thật, mà từ thân, ngữ, ý luôn khởi lên những điều bất thiện, thì cuộc đời của con không thể dung nhiếp được bất cứ một chuyện gì, không thể nâng đỡ một ai, không thể giáo dưỡng một ai, không thể làm gương cho những người khác học, bởi thân, ngữ, ý của con quá dơ, quá bẩn. Do đó để mà giáo dưỡng người khác, để có thể chứa đựng được tất cả những điều tốt, thiện, tốt lành, thiện hảo vào trong cuộc đời, thì chúng ta phải tu thân, ngữ, ý cho thật sạch, thì chúng ta mới trở thành người hữu dụng. Chúng ta mới trở thành người tốt đẹp. Còn không chỉ là vô dụng mà thôi. Tâm chân thật rất cần thiết trong cuộc sống.
Rồi Đức Phật dạy La Hầu La: “Con hãy nhìn”, ngài dùng chân đạp cái thau lăn qua lăn lại một hồi, rồi Đức Phật mới hỏi La Hầu La: “Con có tiếc cái thau này không? Ta đạp nó xoay tít như thế kia, văng ra cả ngoài, hư rồi con tiếc không?”. La Hầu La nói: “Hơi tiếc nhưng giờ con không tiếc nữa, con đã bỏ bởi nó đã đựng chất dơ và đã dơ thì ngài đã đạp bỏ nó con cũng không còn nuối tiếc nữa”. Phật dạy có hai ý nghĩa: ý nghĩa thứ nhất tức là:
– Với tâm không chân thật, nếu chúng ta không có tâm chân thật thì chúng ta phải cắt bỏ ngay, cắt bỏ tâm không chân thật đó ngay lập tức, không có nuối tiếc, để mà tu, tu dưỡng trở lại, để mà tịnh tâm quán chiếu sửa đổi.
– Thứ hai, ý nghĩa này rất quan trọng. Những ai không có tâm chân thật thì như thau bể kia, nghĩa là không có việc ác gì mà họ không dám làm. Người không có tâm chân thật không có điều gì mà họ không dám nói dối, không dám nói ác. Không có tư tưởng ác nào mà họ không nghĩ tới, không có hành động ác nào mà họ không hành động. Cho nên người không có tâm chân thật thì điều ác gì họ cũng dám làm.
Bài học ngày hôm nay Đức Phật dạy cho La Hầu La để xiển dương tánh thiện, tâm chân thật vốn có ở trong lòng của mỗi người chúng ta. Khi chúng ta sống, dĩ nhiên không có ai mà hoàn hảo hết được. Chúng ta cũng thường xuyên nói dối. Chúng ta cũng thường xuyên nói những lời thô ác. Chúng ta, nghĩa là trong đó có Bảo Thành, có những tư tưởng sai lệch, hành động sai phạm. May thay bởi nhờ phước báu, ta nghe được bài học của Thế Tôn. Chúng ta sống cho đúng. Chúng ta hành cho đúng, để nuôi dưỡng tánh thiện của mình, tánh chân thật của mình. Tất cả mọi cảm xúc, tất cả mọi suy nghĩ, tất cả mọi ngôn ngữ hành động đều phải được nuôi dưỡng, bởi tư tưởng ngôn ngữ và hành động đều là một sự sống. Nó có sự sống độc lập, riêng biệt, nên chúng ta cần phải đầu tư thời gian để chăm sóc, để nuôi dưỡng tánh thiện, suy nghĩ thiện, lời nói chân thật, hành động chân thật. Để tâm và ngữ, và thân luôn sống đồng nhất với sự chân thật vốn có.
Nếu mỗi người chúng ta không có ý tưởng chân thật thì như thau nước dơ, không thể sử dụng được, không thể dụng ý đó để giúp đời được. Mà chúng ta với ý dơ bẩn, với ý không có tốt, với những ý bất thiện khởi lên mà chúng ta lại dụng ý đó để tiếp cận với mọi người, chúng ta sẽ là người ô nhiễm ý của người khác, làm lây nhiễm những ý bất thiện tạo thêm nghiệp cộng hưởng, tổn phước cho ta, tổn phước cho người. Miệng của chúng ta, thân của chúng ta cũng vậy. Mà nếu như chúng ta không tẩy rửa những điều bất thiện, không chân thật trong tư tưởng, lời nói và hành động, thì toàn cuộc đời của chúng ta trong kiếp này đã bị nhiễm ô, đã bị xấu. Không còn chân thật thì chúng ta sẽ trở thành một người vô dụng. Chúng ta sẽ tổn Phước báu, tư tưởng bất thiện, lời nói thô ác, hành động không còn chân thật kia sẽ làm ảnh hưởng đến tình cảm trong gia đình, xã hội. Và đặc biệt hơn nữa là gây nguy hiểm cho mỗi người chúng ta. Nó làm mất hết tất cả những phước báu vốn có từ đời trước lưu trữ lại cho đời này và những phước báu mà các bạn gom lại trong cuộc sống. Bởi tâm không chân thật nó làm tổn phước, làm hư cuộc đời.
Và đặc biệt hơn, bài học cuối cùng Đức Phật dạy: “Nếu chúng ta có tư tưởng bất thiện, hành động bất thiện, ngôn ngữ bất thiện, không chân thật, thì không những chúng ta không sử dụng được, trở thành vô dụng, mà không những chúng ta không thể giúp đỡ ai được mà chính bản thân chúng ta không một điều ác gì mà ta không dám làm. Không một điều bất thiện gì mà chúng ta không khởi lên. Không một ngôn ngữ ác nào mà ta không dám nói. Không một hành động nào gây tạo tác hại đến người khác mà ta không dám hành động. Câu chuyện tuy ngắn nhưng nó hàm chứa vi diệu nơi lời dạy của Đức Phật muốn gởi gắm đến chúng ta, muốn khai thị cho chúng ta để chúng ta hiểu: Tâm chân thật rất quan trọng trong đời sống của người Phật tử. Tâm chân thật rất quan trọng trong đời sống của người xuất gia. Nói chung, tâm chân thật rất quan trọng trong đời sống của tất cả mọi chúng sanh. Chúng ta hãy sống với cái tâm chân thật đó. Để kiến tạo thêm phước báu, ổn định đời sống trong Chánh niệm từng hơi thở. Nguyện xin thế giới có được sự hoà bình viên mãn.
Cám ơn các bạn đã theo dõi sự gợi ý của Bảo Thành trong ngày hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.