Bảo Như bút ký
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa
Con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi.
Các bạn thân mến, chúng ta cứ học cứ học mãi và trong sự tham khảo kiến thức sống sao cho tinh thần thoải mái ở đời, kiến thức xã hội, kiến thức về tâm linh…nhiều kiến thức lắm. Con người là một chủng loại thông minh, con người có những chuyện ly kỳ đặc biệt mà. Do đó Phật khai thị: mang kiếp người chính là phương tiện vốn có thật vi diệu, hãy ứng dụng. Chúng ta ở trên đời phải học hỏi nhiều lắm, cứ tìm tòi, cứ học những môn học ta yêu thích và mỗi một môn học chúng ta đi tầm cầu những bậc giáo sư, những vị thầy có nhân duyên ta sẽ được dạy dỗ để thành công về môn học đó. Có một câu chuyện như vầy:
Có một chàng thanh niên cũng đi tới một vị thiền sư để tham khảo về cuộc sống tinh thần, tâm linh. Khi tới vị thiền sư đó thì được tiếp đãi cũng như bao nhiêu con người khác, bởi vì vị thiền sư này là một vị thầy hoan hỉ, sống nhẹ nhàng dung hòa với mọi người, ai tới cũng thương mến. Tiếp xúc vài câu chuyện xã giao trong lúc đầu, anh thanh niên này đi thẳng vào vấn đề và hỏi thiền sư rằng: Thưa thiền sư! Tại sao người hiền người tốt lại vẫn gặp cái khổ, và tại sao người ác họ vẫn hay gặp được hạnh phúc? Vị thiền sư này nói: Khi ai còn gặp cái khổ và phiền não thì người đó vẫn còn ác tâm ở trong lòng.
Nghe qua anh chàng này không chấp nhận, là bởi vì xét về bản thân thấy mình hiền lương, có văn hóa, tâm địa tốt ai cũng thương mến nên không chấp nhận cách nói quy chụp rằng ai vẫn còn phiền não đau khổ, vẫn còn có tâm ác. Hình như vị thiền sư thấy được sự thắc mắc đó nên nói với anh ta rằng: À! Vậy thì anh hãy kể cho tôi nghe cái khổ và phiền não của anh như thế nào? Anh ta bắt đầu kể: Thưa thiền sư! Con là người học giỏi, làm việc cũng tốt vậy mà cũng không đủ tiền để sống bình thường như những người giàu khác mà chỉ đủ mua một chiếc nhà nhỏ, sống với vợ con qua tháng ngày. Còn bao nhiêu những con người khác không có giỏi, không có văn hóa vậy mà họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn con nhiều lần, dù so với kiến thức họ thua con xa. Và ở trên đời cũng có những con người bình thường lắm, dở lắm mà họ cứ thành công, đời sống của họ cứ phây phây. Và còn có biết bao nhiêu chuyện nữa, nói ra thì không biết phải kể như thế nào cho đủ tất cả những chuyện làm cho con buồn con khổ. Nào là chuyện làm lương không hơn người ta, nào là chuyện người ta rất bình thường không có văn hóa trình độ kiến thức mà lại thành công, biết bao con người đụng đâu thành công đó. Những sự việc như vậy nhìn thấy so với bản thân, con thấy con hiền, con tốt, có kiến thức nhưng cứ phải buồn và phiền não, còn những kẻ kia họ không có gì, vậy mà vẫn thành công. Thiền sư nghe sơ qua thôi cũng biết cái rối rắm trong lòng ở người bạn trẻ này như thế nào nên bắt đầu phân tích cho anh chàng này thấy rằng:
Thứ nhất, dù anh hoàn cảnh thế nào đi nữa thì anh vẫn có một ngôi nhà, dù nhỏ, sống với vợ con, có công ăn việc làm để nuôi dưỡng vợ con. Anh còn ngưỡng cầu tới cái nhà to hơn của những người khác đó là thể hiện tâm tham – tâm tham là một loại ác tâm. Trong cuộc sống nếu ai còn có tâm tham và tăng trưởng tâm tham đó theo lối suy nghĩ như vậy thì người đó chẳng bao giờ được vui, sẽ buồn và khổ.
Thứ 2, còn chuyện anh có kiến thức, anh làm ra từng đó tiền còn những người không có kiến thức mà họ có thể làm ra nhiều hơn lương anh gấp nhiều lần, anh thấy không hài lòng thì đó chính là tâm đố kỵ và đố kỵ cũng là ác tâm
Thứ 3, còn những chuyện mà anh thấy người ta như thế này như thế kia, anh không chấp nhận anh nói vào thì đó là tâm gièm pha đâm thọc, đó cũng là một thể loại ác tâm.
Tâm tham, tâm đố kỵ đi tới gièm pha đâm thọc – 3 thể loại tâm đó đều là ác tâm. Ai có những ác tâm như vậy trong cuộc sống thì người đó thường gặp đau buồn, và chỉ gặt hái được nhiều phiền não trong cuộc sống. Còn ai không có ác tâm của lòng tham, đố kỵ và gièm pha đâm thọc thì người đó dù trong hoàn cảnh nào họ cũng sống an vui thoải mái. Và chính vì không có ác tâm trong lòng tham, đố kỵ và gièm pha đâm thọc đó thì họ không những vui, không có buồn mà họ còn có đầy đủ phước báu để có thể làm những việc rất bình thường đưa đến sự thành tựu. Anh thanh niên này nghe qua, tới lúc này mới thầm phục và cảm ơn vị thiền sư đã khai thị để anh ta nhìn thấy chính anh ta – một con người buồn khổ bởi còn có ác tâm mang lòng tham, đố kỵ và gièm pha chê bai đâm thọc. Anh ta về cải hóa cuộc sống và rồi anh ta thấy vui, chẳng còn buồn như thuở xưa.
Các bạn, trong cuộc đời có những tâm ác vi tế lẫn lộn mà chúng ta không thấy. Sống chỉ một lời nói thôi mà không hợp ta đã buồn lắm rồi, là bởi vì ta có “tâm chấp” rồi hòa lẫn vào tham – tham rằng ở giữa đám đông ta phải được nhiều người quý trọng, đố kỵ là bởi vì ta có cách nói hay hơn mà tại sao ta không thể thâu phục được nhiều người và từ đó đâm ra gièm pha thị phi chê bai đâm thọc. Đó là một ác tâm thường tình ẩn trốn trong 3 tâm: Tâm tham chấp, tâm đố kỵ và tâm thị phi gièm pha đâm thọc mà Bảo Thành và các bạn ai cũng nhiều hoặc ít nhất một lần bị dính mắc vào. Chúng ta nhớ Phật dạy: Ai có ác tâm thì chẳng thâu hoạch được những thành quả hạnh phúc và bình an đâu. Bởi ác tâm là nhân tạo ra đau khổ và phiền muộn. Dù biết rằng trong xã hội này ác tâm luôn luôn tồn tại trong cuộc sống của con người, do vậy mà Đức Phật đã nhìn rõ tới để hướng dẫn cho chúng ta chuyển hóa ác tâm đó đi để chúng ta có được hạnh phúc và bình an trong mọi hoàn cảnh sống của chúng ta.
Tâm tham bởi so sánh ta là tài mà không có tiền tài danh vọng địa vị quyền lực nhà cửa to cao như người kia – đó là tâm tham và tâm tham thường được thể hiện trong cuộc đời. Làm sao để chuyển hóa tâm tham này? Hãy nhớ rằng nhìn lên thì ta không bằng ai thật – đó là câu nói ở đời ta thường nghe – nhưng nhìn xuống thì ta chẳng thua kém ai. Do vậy hãy sống và đón nhận những thành quả ta đang có, sống an vui và tinh tấn trên con đường tích lũy phước báu để ta có thể thành tựu được nhưng đừng dính vào bờ của tâm tham. Để đối trị tâm tham này thì mỗi người chúng ta phải luôn luôn tu hạnh biết cho đi, biết phụng hiến, hiến dâng, trao tặng. Biết trao tặng cho người sẽ diệt trừ được tâm tham, không những vậy còn tạo được phước báu tăng trưởng. Vì hành động cho đi như về vật chất, nó tương ưng thì ta sẽ đón nhận được vật chất, cho đi về tịnh tài tương ưng thì tiền tài sẽ tới với ta, cho đi về tình yêu thương bác ái bao dung thì ta cũng sẽ đón nhận được điều đó. Nghiệp quả tương ưng sẽ trổ sinh với những điều gì ta thực hiện thì ta chuyển hóa được tâm tham chấp đó, ta luôn vui và hạnh phúc bởi thành quả ta sẽ gặt hái được.
Còn về tâm đố kỵ, nếu ta chuyển hóa bằng cách chúc phúc họ thay vì đố kỵ khi nhìn thấy những người khác làm được việc đó thành công hơn ta, như ngài Phổ Hiền nói: Tùy hỷ cúng dường mà tán thán công hạnh của những ai thành công trong cuộc sống. Đừng vì họ thành công hơn ta dù trình độ họ thấp hoặc dưới ta nhìn từ một góc độ nào đó, mà ta đố kỵ với họ, điều đó không hay. Để chuyển hóa tâm đố kỵ thì ta luôn biết ca ngợi những thành quả của bất cứ người nào đó thành công trong cuộc đời, không cần biết trình độ học vấn, vai vế trong xã hội như thế nào. Cho và trao tặng lời, biết ca ngợi sự thành công của họ thì ta sẽ được bình an và hạnh phúc và ta cũng được mọi người ca ngợi ta, phước báu là ta luôn sống được mọi người kính trọng, thương yêu ca ngợi.
Còn với tâm gièm pha đâm thọc chê bai thì ta không nên làm chuyện đó bằng cách luôn luôn sống tương ưng với dòng nghiệp thức đó. Không có chê bai – hãy khen ngợi, không có gièm pha – nói chân thật, không có đâm thọc – nói ngay thẳng, những điều đó sẽ tạo được phước báu thật nhiều, để cho mọi người sống an vui và hạnh phúc. Và đồng thời nó thể hiện được lòng nhân ái, thể hiện được lòng không có dã tâm, ác tâm mà chỉ có thiện tâm, từ tâm. Ác tâm sẽ tạo ra hậu quả là tổn hại phước báu và gây ra phiền não đau khổ. Còn từ tâm mang lại bình an và hạnh phúc, tăng trưởng phước báu để thành tựu được tất cả các mặt của phương tiện cuộc đời.
Lời thật giản dị và cũng dễ ứng dụng nếu chúng ta nhận ra. Cái khó là mỗi người chúng ta không nhìn ra được ác tâm của chính mình, bởi mấy ai thấy được ác tâm của mình đâu. Chúng ta thường thấy cái sai của người chứ không thấy cái sai của chính mình, thấy ác tâm của họ nhưng không thấy ác tâm của ta. Đức Phật dạy hãy trở về nhìn ta, nhìn chính ta, nhìn lại ta để tìm ra những tâm xấu, ác tâm thì chuyển hóa thành từ tâm. Khi đã chuyển hóa được ác tâm thành từ tâm thì chuyện gì ta cũng hài lòng mà thôi, không buồn, không phiền não, hạnh phúc và an vui. Cảm ơn các bạn đã lắng nghe.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.