Bảo Đức đánh máy
Nỗ lực giữ chánh niệm
Tinh tấn tu tịnh hạnh
Sẽ luôn được bình an
Sống hạnh phúc ở đời.
“Sống hạnh phúc và bình an” là chủ đề Bảo Thành muốn chia sẻ với đại chúng và các bạn ngày hôm nay. Đức Phật dạy cho chúng ta rằng tất cả muôn loài chúng sanh đều có mong cầu hạnh phúc và bình an, như vậy thì loài người hay loài súc vật, ngay cả cỏ cây hay Địa Ngục, Ngạ Quỷ, cảnh giới nào cũng vậy, loài nào cũng vậy đều mong cầu hạnh phúc, một đời sống hạnh phúc và bình an, đó là chân lý mà Đức Phật đã dạy cho chúng ta. Hiểu được chân lý này chúng ta sẽ không bao giờ gây đau khổ và phiền não cho những chúng sanh, những con người ta đang sống chung trên thế giới này.
Các bạn thân mến, hạnh phúc tới từ đâu? Bình an tới từ đâu? Ta chưa nói đến vấn đề đó nhưng thực sự trong cuộc sống của chúng ta đau khổ và phiền não chắc chắn mỗi người đều có nhiều cơ hội để trải nghiệm. Đau khổ nó tổn hại đến sức khỏe như thế nào và phiền não nó tổn hại đến tinh thần của chúng ta như thế nào? Ai đã từng trải qua đau khổ, phiền não sẽ không bao giờ muốn phiền não và đau khổ tới với cuộc đời nữa. Đau khổ, phiền não thực sự tổn hại đến đời sống của con người mà chúng ta tìm đâu để thấy hạnh phúc, tìm đâu để có bình an? Chúng ta cứ loay hoay hoài, tìm kiếm hoài trong nhiều kiếp qua nhưng chúng ta chưa bao giờ tìm thấy được sự bình an và hạnh phúc, có phải vậy không các bạn? Hạnh phúc và bình an từ đâu tới? Chúng ta làm sao để tìm được sự hạnh phúc đó và bình an đó? Chúng ta có lẽ đã cố gắng thật nhiều để tìm ra cái hạnh phúc và bình an nhưng chúng ta biết tìm ở nơi đâu? Thật là may mắn cho mỗi người chúng ta ngày hôm nay và may mắn cho những ai đón nhận được ánh sáng Phật Pháp vào cuộc đời. May mắn vô cùng vì trong Phật Pháp Đức Thế Tôn là Bậc Đại Giác Đại Ngộ, Ngài đã Giác Ngộ và dạy dỗ cho chúng ta làm sao để có được hạnh phúc và bình an. Giáo pháp của Ngài cao minh vô cùng và thực sự nếu những ai mà tu luyện giáo pháp của Đức Phật đau khổ sẽ không còn, phiền não sẽ đoạn diệt được và đời sống sẽ tràn đầy hạnh phúc, bình an. Ngài dạy cho chúng ta làm sao có được hạnh phúc và bình an? Chúng ta nghe qua câu kinh Pháp Cú nói rằng:
Nỗ lực giữ chánh niệm
Sẽ luôn được bình an.
Phật nói ai biết giữ Chánh Niệm trong đời sống thì có bình an, ai tinh tấn tu tịnh hạnh đời sống sẽ hạnh phúc. Câu nói rõ ràng:
Nỗ lực giữ chánh niệm
Tinh tấn tu tịnh hạnh
Sẽ luôn được bình an
Sống hạnh phúc ở đời.
Để có được sự bình an chúng ta phải có một đời sống Chánh Niệm. Đời sống Chánh Niệm này không phải tự nhiên nó tới, Nhân Quả Thiện − Ác cũng không tự nhiên tới, nó tới là do chính tạo tác từ Thân − Ngữ − Ý của chúng ta. Cái gì chúng ta tạo ra, gây ra cái sự đau khổ đó chính là những mầm mống Ác, mầm mống Ác nó trỗi dậy và ta hành những cái pháp Ác đó, do đâu ta tạo ra pháp Ác và lầm lẫn trong pháp Ác, hành động trong pháp Ác đó? Chính là vì chúng ta không giữ được Chánh Niệm trong cuộc đời. Cả cuộc đời của Đức Phật Ngài luôn hướng dẫn cho chúng ta phải luôn luôn thực tập đời sống Chánh Niệm, Chánh Niệm ở đâu? Chánh Niệm ngay trong hơi thở vào ra để rồi từ đó ta làm chủ được tâm ý của mình, hòa mình vào với hơi thở để có được cái ý làm chủ được ngôn ngữ và hành động. Các bạn, Chánh Niệm rất quan trọng và để có được cái đời sống Chánh Niệm mỗi một chúng ta cần phải nỗ lực thật nhiều. Nó không có khó nhưng bởi vì chúng ta không có quen thực hành nó, nó rất là dễ dàng nhưng không quen nên một số người cảm giác khó quá. Không có khó, Phật nói Chánh Niệm dễ như hơi thở, các bạn hít vào thở ra khi còn sống thật dễ dàng bởi đó là sự vận hành tự nhiên của cái cơ thể. Các bạn không thở thì tự động nó cũng thở, các bạn không thở ra nó cũng tự động thở ra bởi vì đó là sự tự nhiên của sự tồn sinh trong kiếp người, nếu cơ thể không thở ra thở vào nữa thì các bạn chết. Do vậy, cơ thể của nó vận hành thật tự nhiên và kỳ diệu, nó biết thở ra và biết thở vào, hít vào thở ra nó sẽ vận hành hiển nhiên của cơ thể.
Phật nói thân người là phương tiện vi diệu bởi thân người có sự vận hành tự nhiên trong hơi thở vào ra. Nương vào cái sự vận hành tự nhiên đó ta chú tâm, chú ý, nói cho văn hoa một chút gọi là Chánh Niệm nghĩa là chúng ta giữ cái tâm Chánh, ý Chánh, ý thiện, suy nghĩ thiện luôn luôn được nuôi dưỡng cùng với hơi thở vào ra. Ta lấy hơi thở để giữ tâm, ta lấy hơi thở để điều tâm, ta lấy hơi thở để dưỡng tâm, khi trở thành thói quen thực sự cái sự tu tập bình thường bằng cái hơi thở này nó mầu nhiệm vô cùng. Đức Bổn Sư đã nương vào hơi thở để tìm ra chân lý Giác Ngộ, chúng ta nếu học theo Ngài nương vào hơi thở Chánh Niệm nhất định chúng ta sẽ có được sự bình an. Các bạn có kinh nghiệm chưa, khi các bạn sợ hãi, hơi thở dồn dập đứt quãng, chính vì dồn dập, đứt quãng không có đều mà cơ thể của các bạn không thể tiếp thu đầy đủ Oxy. Mà khi Oxy không đầy đủ cho con người của các bạn nó làm rối loạn hệ thống tiêu hóa để rồi các bạn ăn không thấy no, uống không thấy hết khát, cứ ăn cứ uống tăng trưởng cân quá mức mà không biết hoặc nó làm rối loạn hệ thống suy nghĩ. Tư tưởng của các bạn hoang mang, lo sợ, suy nghĩ không rành mạch, không sáng suốt hoặc cũng làm rối loạn cái sự điều khiển của não bộ trung ương thần kinh tạo ra những động tác run sợ và có những hành động thừa thãi gây phiền não cho con người. Chỉ vì thiếu Oxy mà thôi nhưng khi chúng ta hít vào cho đều, thở ra cho đều, giữ tâm ý ở trong ngay cái hơi thở vào ra đó một phần cơ thể có cơ hội hít đầy đủ Oxy, phần thứ hai là Oxy dưỡng thân, dưỡng khí và giúp cho tâm ý của chúng ta có một cái điều kiện thói quen để tự động vận hành không lệ thuộc vào những cái ngoại cảnh ở bên ngoài tác động vô.
Bất bình an, phiền não và đau khổ tới chính là do chúng ta không làm chủ được cái ý của mình nên tâm ý của chúng ta chạy loạn xa. Sờ chỗ này một chút, nghĩ chỗ kia một chút chạy loạn như vậy như con khỉ rồi chẳng tìm được cái gì. Có một con khỉ nó hái trái cây ở trên cây nó vừa ăn vô trong miệng nó liền nghĩ thôi ta phải hái thêm một trái nữa, rồi nó hái thêm một trái nữa rồi nó lại nghĩ ta còn có khả năng hái thêm trái nữa. Nó hái thêm một trái nữa, hai tay hai trái cộng thêm cái miệng xong nó lại muốn hái thêm cuối cùng nó kẹp xuống nách một trái thế là nó còn dư một bàn tay, nó lại hái tiếp. Nhưng nó nghĩ nó lại muốn hái tiếp nó dùng cái tay kia kẹp vô trong nách hái thêm một trái nữa rồi cái trái ở trong nách của nó rơi xuống cuối cùng thì nó chỉ giữ được ba trái thôi: một trái ở trên miệng, hai trái ở hai tay. Đúng ba trái, ba trái đó gọi là gì? Tham − Sân − Si từ Thân − Ngữ − Ý. Chúng ta nếu giữ được Chánh Niệm, chúng ta làm chủ được mọi phương tiện trong cuộc sống từ ngôn ngữ, suy nghĩ, hành động và chúng ta sẽ có cơ hội hạnh phúc ngay trong cuộc đời này. Nó không khó các bạn, chẳng qua chúng ta chưa có một thói quen hoặc chiều hướng có gần gũi những Bậc Thiện Tri Thức hay những người tinh tấn tu học. Do vậy mà khi chúng ta bắt đầu tu những sự việc trong cuộc đời nó tới ta bỏ tu, ta không có một thời khóa nhất định để tu nên dễ bị lôi cuốn.
Vẫn biết mỗi cư sĩ tại gia bận rộn vô cùng trong cuộc sống sinh nhai nhưng nhớ rằng đời sống của ai cũng bận rộn nếu chúng ta biết dừng lại trong nửa tiếng mỗi ngày để thực tập hơi thở Chánh Niệm để rồi trong muôn bề bận rộn hơi thở đó quen dần trong Chánh Niệm. 24 tiếng đồng hồ dù ăn, ngủ nghỉ, ngồi, đứng, nằm chúng ta vẫn thực hiện được Chánh Niệm trong đời sống qua hơi thở.
Nỗ lực giữ Chánh Niệm
Tinh tấn tu tịnh hạnh
Sẽ luôn được bình an
Sống hạnh phúc ở đời.
Các bạn, Đức Phật khi Ngài còn ở trần gian, Ngài luôn luôn giữ Chánh Niệm trong từng giây từng phút dù Ngài đã là Phật. Ngài ăn uống trong Chánh Niệm, Ngài nói chuyện trong Chánh Niệm, Ngài kinh hành trong Chánh Niệm, từng bước chân Ngài đi trong Chánh Niệm cùng với hơi thở. Chánh Niệm cùng với hơi thở khi ăn, Chánh Niệm khi uống, Chánh Niệm hơi thở khi nói, Chánh Niệm hơi thở khi đi đứng nằm ngồi, khi tiếp xúc, Chánh Niệm hơi thở khi rửa mặt, đánh răng, Chánh Niệm hơi thở trong mọi tạo tác của cuộc sống. Chúng ta nương vào hơi thở để thực hành đời sống Chánh Niệm từ đó chúng ta sẽ có đầy đủ năng lượng, dồi dào năng lượng thanh tịnh để chúng ta tinh tấn tu tịnh hạnh trong sự thanh tịnh và phẩm hạnh của người con Phật. Phẩm hạnh của người con Phật là sống thiện, còn những cái tạo tác thuộc về con cái của Ma Quỷ, Ngạ Quỷ, Súc Sanh là hành động ác, sống ác. Có hai cái: một là sống ác, hai là sống thiện. Sống ác ta đã biến thành dòng tộc con cái của Ma Vương, sống thiện ta trở thành con cái của Phật. Do vậy, khi chúng ta tu hơi thở Chánh Niệm, chúng ta sẽ có năng lượng dồi dào để tinh tấn trên con đường tu, tu cái gì? Tu bỏ, tu là sửa, tu là bỏ, bỏ cái gì? Bỏ cái ác, sửa Thân − Ngữ − Ý cho thành thanh tịnh trong cái hạnh thiện của chúng ta. Tu thấy sai là sửa, sai từ những cái tư tưởng không đúng ta sửa và khi ta sửa rồi tức là ta không làm như vậy nữa. Để không có tạo tác trở lại chúng ta phải luôn luôn giữ được Chánh Niệm trong hơi thở tức khắc ta làm chủ được tâm ý, ý của ta luôn khởi lên những tư tưởng đúng với Chánh Pháp, đúng với thiện pháp ta sẽ có bình an trong hơi thở đó và các bạn sửa tất cả những ngôn ngữ tạo tác. Tất cả những cái lỗi thế gian, mọi nghiệp chướng của con người đều tạo ra từ Thân − Ngữ − Ý. Đạo Phật là sửa cái tâm, sửa cái ngôn ngữ và sửa cái hành động của thân. Nếu các bạn không sửa được Thân − Ngữ − Ý, các bạn tu Pháp môn gì, các bạn có cái đẳng cấp nào trên thế gian này trao tặng các bạn cũng thể có được hạnh phúc và bình an giữa cuộc đời.
Các bạn thấy chưa, không hẳn ở hàng cư sĩ mà ngay trong hàng tu sĩ, chúng ta cứ nhìn vào đời sống của nhau, nếu ai có bình an, có hạnh phúc người đó tu đúng Chánh Pháp, không cần biết họ thuộc tôn giáo nào. Ở đây không phân biệt là phải Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Cao Đài giáo, Hồi giáo hoặc Hòa Hảo hoặc tôn giáo này tôn giáo kia không có phân biệt chỉ cần họ có được một đời sống bình an, hạnh phúc là họ đã làm đúng với lời Đức Phật dạy, đúng với giáo lý, giáo pháp họ học. Thước đo của người thành tựu pháp tu của nhà Phật là gì? Là bình an và hạnh phúc. Nhiều người tụng kinh nhiều lắm nhưng chẳng có bình an, tâm cứ hoảng hốt lo sợ. Cái này nếu các bạn có gắng nhìn các bạn sẽ thấy, biết bao nhiêu Phật tử tới chùa nhưng họ không có sự bình an bởi họ không tu đúng. Chúng ta sẽ bắt đầu đi tới sự tranh cãi ở cái chỗ tu đúng tu sai để đi sâu một chút nữa để chúng ta hiểu. Chúng ta sẽ thấy ngay cả Chư tôn đức Tăng Ni có những vị cũng không có được bình an bởi quá bận rộn, tu cũng không đúng nói chi là hạnh phúc, khi bình an không có hạnh phúc đâu thể có. Các bạn thấy chưa, đọc kinh, bái sám, chúng ta làm đủ mọi chuyện, nghe giảng, nghe kinh hết mà không có bình an là bởi vì chúng ta bái sám mà không hiểu được sám hối, chúng ta tụng kinh mà không hiểu được ý kinh, chúng ta nghe giảng mà không thực hành được lời giảng của những bậc thầy tôn kính của chúng ta truyền dạy.
Đức Phật nói thật là rõ nếu nỗ lực giữ Chánh Niệm các bạn có được bình an, sẽ luôn được bình an, vậy tại sao nhìn lại cái đời sống từ thuở học Phật hoặc đi theo một tín ngưỡng tôn giáo nào đó chúng ta có thực tập Chánh Niệm không? Câu trả lời chắc có nhưng mà thật ít do vậy chúng ta không bao giờ có được sự bình an. Chính vì như vậy bình an chúng ta không có nên tâm chúng ta luôn hoảng loạn, sợ hãi và cầu cạnh, tìm tòi, van xin nguyện Đấng này, Vị kia, Thần Linh ban cho ta bình an để rồi thật sự có những Đấng hoặc những người mượn danh và ban cho ta sự bình an. Phật nói bình an tới tự do tâm của chúng ta, chính trong lòng của chúng ta, Phật không ban bình an cho chúng ta nhưng Phật đã dạy cho chúng ta phương pháp có được sự bình an bởi Phật biết không ai có thể cho bình an của họ tới người khác. Bình an tới từ hơi thở Chánh Niệm, tới từ công phu tu tập thiện pháp, các bạn có bình an sẽ có hạnh phúc. Những người không có hạnh phúc chắc chắn không có bình an, những người không có bình an chắc chắn không có hạnh phúc và những ai không bình an và hạnh phúc thì người đó tu sai nghĩa là họ chưa tu đúng với Chánh Kiến của Chư Phật, chưa tu đúng như lời Phật dạy là phải sống trong Chánh Niệm. Họ đang sống trong rong ruổi, trong hão huyền, trong mộng.
Các bạn, kinh nghiệm trong cuộc đời của các bạn, mỗi một ngày chúng ta khởi lên biết bao nhiêu những cái ý không nằm trong Chánh Niệm. Chúng ta đi ra ngoài đường chỉ cần một người chạy xe mà không đúng thì khởi lên cái Tà niệm chửi họ ngay trong ý hoặc trách họ ngay tức có nghĩa là ý tưởng của chúng ta luôn luôn bị lôi kéo bởi những cái cảnh ở bên ngoài. Thấy một cái chợ bán hoa đẹp liền khen: “Chu choa, sao hoa này đẹp và thơm” rồi chúng ta hỏi đùa người ta nói cái giá, vừa nói chúng ta chê: “Ui, sao hoa đẹp thơm mà mắc”. Đó, nghĩa là tư tưởng của chúng ta cứ bị chạy liên miên theo những cái cảnh ở bên ngoài, chẳng Chánh Niệm trong hơi thở rồi nếu như hoa héo thì chê hoa héo, hoa tàn thì chê hoa tàn, khen chê đủ điều ở trong cuộc đời đó, rồi nó tuôn ra từ ngôn ngữ, rồi hành động. Ba cái đó liền với nhau chính là bởi vì chúng ta không Chánh Niệm trong hơi thở, không làm chủ được ý của mình để ngôn ngữ và hành động luôn lệ thuộc vào khen chê, thích và không thích, hợp và không hợp, đau khổ và hạnh phúc, chúng ta quá lệ thuộc ở bên ngoài tác động vào do chính là vì chúng ta không bao giờ thực tập hơi thở Chánh Niệm. Giữ cái Chánh Niệm trong từng hơi thở của mọi tạo tác, không khó các bạn, dễ lắm, Bảo Thành đã thực tập được, biết bao nhiêu những vị tôn túc Tăng Ni đã thực tập được và biết bao nhiêu những Phật tử khi đã hiểu thấu được những cái giá trị của lời truyền dạy của Đức Phật đã thực tập và thành công.
Các bạn chưa thực tập thấy khó nhưng khi tu luyện rõ ràng nó dễ còn hơn ăn một món đồ ăn ngon, dễ còn hơn uống nước bởi chỉ cần theo dõi hơi thở vào ra và chú tâm vào hơi thở. Khi nói chuyện các bạn chú tâm vào hơi thở, khi các bạn nghe, các bạn nghe cùng với hơi thở, khi các bạn làm việc các bạn làm cùng với hơi thở. Nghe, nhìn, nói và làm việc cùng với hơi thở không những có cái lợi lạc là giúp cho ý của chúng ta có được Chánh Kiến, miệng của chúng ta có được Chánh Ngữ, thân có Chánh hành động mà đó chính là đời sống con người để tăng trưởng sức khỏe cho chúng ta. Bởi khi hành động hơi thở vào ra giữ Chánh Niệm, ý của chúng ta gắn liền với hơi thở thì thân của chúng ta sẽ khỏe và tất cả mọi phần cơ thể của chúng ta nếu ý đi liền với hơi thở thì nó có được sự lợi lạc là bởi Oxy vào đều cung cấp cho cơ thể. Đó là nói về thân, tâm cũng vậy. Các bạn, Chánh Niệm rất cao quý, nhớ rằng nếu một người mẹ muốn để lại cho người con trước lúc ra đi thì người mẹ phải để lại cái sự cao quý nhất, cái tốt nhất cho con. Nếu là một bậc thầy, một vị thầy cô nào đó thực sự có tâm và thương yêu học trò nhất định sẽ dạy cho học trò những điều cao quý nhất, nói về phương diện giáo dục là như vậy đấy. Đức Thế Tôn là Bậc Thầy của chúng ta, Ngài là Đấng Đại Giác Đại Ngộ vượt qua mọi khổ đau, cái cao quý nhất mà Ngài đã ứng dụng được để thành tựu Chánh Đẳng Chánh Giác có được hạnh phúc và bình an để trở thành Đấng đại Từ đại Bi Ngài trao lại cho chúng ta và cái đó là Chánh Niệm trong đời sống, trong hơi thở. Bởi Ngài đã ứng dụng cái điều đó, sử dụng cái hơi thở Chánh Niệm và thành tựu được và Ngài thương yêu chúng sanh vô cùng bởi thấy chúng sanh lầm chấp, phương tiện Ngài thành tựu Ngài trao lại cho chúng sanh. Và cái điều Ngài trao truyền lại cho chúng ta đều là tinh túy đơn giản dễ làm bởi đã là một Bậc Thầy cao cả của trời đất thì phương pháp của Đức Phật dạy phải thực hiện được, phải đơn giản, phải dễ dàng và ai cũng tu luyện được mới xứng đáng là Bậc Thầy của trời đất. Kẻ bần cùng tới kẻ sang giàu đều tu luyện được, kẻ có hạnh đức hay không có kiến thức đều tu luyện được, kẻ cao người thấp, kẻ đẹp người xấu không cần biết miễn là chúng sanh có tâm cầu Đạo thì cái phương pháp Ngài dạy chúng sanh nào cũng tu được, cũng dễ tu, dễ thực hành và dễ đi tới sự chứng ngộ.
Trong đời Đức Phật có hai cái chưa thể giải quyết được thì chẳng thể chứng đắc được phần gì đó là bình an và hạnh phúc. Nếu bạn đau khổ và sợ hãi, hoảng sợ không có bình an, không có hạnh phúc, các bạn tu cái gì để chứng, các bạn nói chứng cái gì đây? Nhiều người nói chứng cái này, chứng cái kia, ngộ cái này, ngộ cái kia nhưng mà đời sống của họ hoàn toàn không có bình an, không có hạnh phúc, họ chưa có chứng. Dấu chỉ của một người chứng ngộ là luôn bình an và hạnh phúc trong cuộc đời dù không biết những hoàn cảnh nào xảy ra họ luôn luôn bình tĩnh, bình an và hạnh phúc. Các bạn nhìn lại bản thân, suy bụng ta ra bụng người, chúng ta thấy chúng ta hoảng hốt quá nhiều trong cuộc sống, khi các bạn hoảng hốt các bạn không có hạnh phúc, vui chút xíu đó là bởi vì lấy vui để che lấp cái đau khổ mà thôi, cười khúc khích với người này người kia chỉ để che đi cái đau khổ trong cuộc đời. Chúng ta không có bình an, từng giây phút chúng ta hoảng sợ bởi chúng ta không làm chủ được những sự việc sẽ xảy ra, cái hơi thở mà không làm chủ được trong Chánh Niệm thì ta có thể làm chủ được cái gì? Chánh Niệm chưa có, chưa có làm chủ được hơi thở, tâm chưa có làm chủ được hơi thở thì chưa thể chứng ngộ. Những điều mà họ nói chỉ là thuộc lòng nói cho vui chẳng mang lại lợi ích bởi cuộc sống của họ không có bình an và hạnh phúc.
Phật dạy phải xây dựng cái nền tảng đi đến sự Đại Giác Đại Ngộ thành Phật bằng bình an và hạnh phúc ngay trong hơi thở Chánh Niệm ở tại đây, cuộc đời này. Nếu cuộc đời này tại đây bạn không thể xây dựng được bình an và hạnh phúc trên cái nền tảng của hơi thở Chánh Niệm các bạn lại trở về phía dưới Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh mà thôi. Còn tất cả những cái gọi là cung trời cao rộng, cảnh Phật, Phật giới hay những cái gì các bạn nói chỉ là tiếng vọng của cô hồn nằm sâu dưới mồ mà thôi không có thực, tiếng than của loài quỷ đói, tiếng khóc của chúng sanh trong Địa Ngục, đó là ảo tưởng. Không cần tìm cảnh giới của Phật cũng chẳng cần tìm Phật giới, không cần đi về Niết Bàn mà cũng chẳng cần đi về Phật giới chỉ cần các bạn giữ được Chánh Niệm trong hơi thở các bạn đã có bình an và hạnh phúc. Các bạn nhớ, ở đâu có bình an và hạnh phúc ở đó chính là Niết Bàn, chính là Phật giới, chính là cõi Phật và ai có được bình an và hạnh phúc chính là Phật, Phật ở đâu? Phật chính là ta, nếu ta hạnh phúc và bình an ta là Phật và để có được bình an và hạnh phúc ta phải nỗ lực giữ Chánh Niệm. Khi các bạn đã nỗ lực giữ Chánh Niệm thành thói quen rồi các bạn sẽ có đời sống Chánh Niệm tự nhiên vận hành cùng với hơi thở lúc đó không cần nỗ lực nữa nó tự nhiên, hiển nhiên và các bạn phải tinh tấn tu tịnh hạnh. Chính trong cái đời sống Chánh Niệm tâm bạn thanh tịnh và phẩm hạnh của các bạn sẽ cao quý bởi khi có Chánh Niệm các bạn sẽ ứng dụng được pháp thiện của nhà Phật, tu được pháp thiện. Tịnh hạnh là tâm tu cái thiện hạnh trong cuộc đời. Pháp thiện ai cũng biết mà, một lời nói chân thành quý kính đối với mọi người cũng là một pháp ngữ tịnh hạnh, một tư tưởng nghĩ tốt cho muôn người cũng là pháp tịnh hạnh, một hành động thương yêu, giúp đỡ, nâng đỡ, an ủi, chia sẻ đối với mọi người và giúp đỡ tự thân sống trong Chánh Niệm cũng là tu tịnh hạnh.
Tu là như vậy, tu là giữ được Chánh Niệm trong mọi tạo tác với cái pháp thiện gọi là tu và chúng ta giữ được Chánh Niệm có được cái Định lực để hành pháp thiện thì pháp ác đâu có cửa để tới, không có chỗ để dung thân. Ta không cần phải loại trừ cái pháp ác để làm gì, ta chỉ cần tinh tấn giữ được trong Chánh Niệm và tu tịnh hạnh thì các pháp ác không tới với chúng ta và chúng ta sẽ tăng trưởng được pháp thiện. Khi pháp thiện được tăng trưởng trong đời sống bởi cái hơi thở Chánh Niệm, bởi đời sống Chánh Niệm thì tất cả mọi suy nghĩ, lời nói và tạo tác của chúng ta đều là pháp thiện. Có Chánh Niệm là có Chánh Pháp, không có Chánh Niệm Tà pháp nó tới, có Chánh Niệm là có pháp thiện, không có Chánh Niệm là pháp ác nó tới, có Chánh Niệm là có mầm thiện nó trổ ra và không có Chánh Niệm là có mầm ác như cỏ lấn vào trong tâm. Các bạn, chỉ cần phát triển cái đời sống Chánh Niệm tu tịnh hạnh thì mầm thiện sẽ trổ sinh hoa trái để chúng ta được hái được những cái trái bình an, hưởng những cái hương thơm của hạnh phúc tới trong cuộc đời. Hạnh phúc và bình an rất cần trong đời sống con người và Phật thấy rằng mọi loài chúng sanh đều mong muốn có một đời sống hạnh phúc và bình an. Chính vì vậy Phật đã dạy cho chúng ta cái giới không sát sanh để làm tổn hại đến nền hạnh phúc và bình an của chúng sanh. Chúng sanh muốn có hạnh phúc và bình an, chúng ta không nên sát sanh, chúng ta không nên làm tổn thương đến chúng và mọi người. Thay vào đó phải tăng trưởng hạnh phúc cho mọi chúng sanh bằng cách phóng sanh là cứu vớt chúng sanh lâm vào cái cảnh đau khổ, chết chóc như vậy chúng ta đã thực sự sống trong Chánh Niệm.
Đời sống của Chánh Niệm sẽ giúp cho chúng ta nhìn thấy điều đó và hiểu được điều Đức Phật dạy rằng hạnh phúc và bình an luôn cần phải có trong đời người. Hạnh phúc và bình an là nền tảng vững chắc, nền tảng cao quý của những người học Phật, nếu muốn chứng ngộ được điều gì cao siêu như Niết Bàn, Tam Thiên Đại Thiên bay bổng, tới chỗ này chỗ kia gọi là thành Phật, Thánh cũng cần phải có bình an và hạnh phúc. Bạn chưa tu để có sự bình an và hạnh phúc nghĩa là các bạn chưa có Chánh Niệm, khi không có Chánh Niệm bình an không có, hạnh phúc không có. Các bạn có tụng kinh hàng trăm lần, hàng ngàn năm các bạn cũng sẽ không thành công bởi các bạn tụng kinh không trong Chánh Niệm. Khi các bạn ý thức được điều này, từng câu chữ của bài kinh tiếng kệ các bạn vẫn tụng bình thường như mọi người nhưng phước đức vô cùng bởi các bạn tụng trong Chánh Niệm của hơi thở. Còn xưa giờ các bạn tụng là chỉ gào, tụng như ca hát cho nó hay để cho mọi người khen rằng tụng kinh hay, tụng kinh giỏi, tụng kinh dài có hơi, giọng đẹp. Cái giọng đẹp chẳng có quan trọng, tụng hay cũng chẳng quan trọng, hơi ngắn hơi dài chẳng quan trọng. Quan trọng ở cái chỗ Chánh Niệm, các bạn chỉ nói một chữ Mô Phật mà trong Chánh Niệm thì phước báu vô cùng thay vì các bạn niệm Nam Mô A Di Đà Phật cả ngày mà không trong Chánh Niệm thì chẳng khác gì mang rác rưởi mà đem đổ vào trong phòng ngủ của mình. Chánh Niệm trong hơi thở để khi tụng kinh chúng ta Chánh Niệm trong tụng kinh, Chánh Niệm trong tiếng chuông tiếng mõ, ta Chánh Niệm trong lời nói, ta Chánh Niệm trong ngôn ngữ, ý của ta, thân của ta và đặc biệt Chánh Niệm trong khi nghe những Bậc Thầy tôn kính giảng mới có phước báu. Còn nghe mà không trong Chánh Niệm thì không khác gì như nước đổ đầu vịt không có lợi lạc gì đâu.
Ai ở đời xưng vương xưng đế, xưng chứng đắc thành công mà đời sống của họ không có bình an và hạnh phúc thì những điều đó chỉ là Ma Quỷ đang gá vào miệng lưỡi của họ để nói chứ thực sự không phải là ngôn ngữ của Bậc Giác Ngộ. Chúng ta hãy nhìn vào đời sống của tất cả mọi chúng sanh dù là súc vật hay Ngạ Quỷ hay là cây cối nếu hạnh phúc và bình an có ở nơi đó thì người ta tu đúng Chánh Pháp. Những ai có bình an và hạnh phúc mới là người có Chánh Niệm và ai có Chánh Niệm thì người đó đúng là người đã tu đúng với Chánh Pháp của Như Lai, người đó đã chứng ngộ. Cái chứng ngộ đầu tiên gọi là thần thông vi diệu nhất phải là sự chứng ngộ được sự bình an và hạnh phúc trong chính cuộc đời của mình. Và để có được điều đó ta phải nỗ lực giữ Chánh Niệm, khi chưa có ta nỗ lực giữ Chánh Niệm trong từng hơi thở, giữ Chánh Niệm trong lời nói, trong suy nghĩ, trong hành động, trong khi tương tác với mọi người, trong khi đi đứng nằm ngồi, khi ăn, khi uống cố gắng hòa nhịp vào với hơi thở như người nghệ sĩ hát hòa nhịp vào với cung đàn, hòa nhịp vào với tiết tấu, hòa nhịp vào với nhạc công đánh các loại khí cụ khác nhau được gọi là hòa âm đó. Ta nghe nhạc giao hưởng biết bao nhiêu người nhiều khi cả hai ba trăm người đánh những cái nhạc khí khác nhau nhưng cái người nhạc trưởng họ hòa âm, hòa nhịp và tai của họ có thể nghe được tất cả mọi âm thanh khác biệt trong cùng một hơi thở, họ cũng có khả năng Chánh Niệm trong những cái nốt nhạc.
Các bạn, chúng ta giữ Chánh Niệm trong mọi tạo tác, lời nói, suy nghĩ, đi đứng ngồi nằm, ăn uống, ngủ nghỉ. Bởi hơi thở ra mà không vào ta chết cho nên hơi thở còn ta còn Chánh Niệm, hơi thở ra không vào thì ta cũng theo cái hơi thở Chánh Niệm đó ra để đi tái sanh vào cảnh giới thiện lành, luôn luôn theo hơi thở. Còn nếu như ta không thực tập cái Chánh Niệm của hơi thở, thứ nhất không có bình an và hạnh phúc và khi hơi thở ra thần thức của chúng ta vẫn còn nuối tiếc tồn tại trên thân xác đang chết chẳng thể tái sanh. Các bạn, chúng ta phải thực hành đời sống Chánh Niệm để luôn luôn có hạnh phúc và bình an bằng cách luôn nỗ lực giữ Chánh Niệm, tinh tấn tu tịnh hạnh, sẽ luôn được bình an, sống hạnh phúc giữa đời. Cầu chúc cho các bạn, chúng ta thâm nhập được lời dạy của Đức Thế Tôn mang cái pháp nhiệm mầu cao siêu nhất là sống trong Chánh Niệm bằng cách là ngay bây giờ Bảo Thành và các bạn sẽ nỗ lực giữ Chánh Niệm và tinh tấn tu tịnh hạnh để đời sống của Bảo Thành và các bạn luôn được bình an và hạnh phúc giữa cuộc đời nhiều thử thách và chông gai.
Các bạn, chúng ta hãy trở về đời sống Chánh Niệm trong hơi thở, Chánh Niệm trong khi nói, khi ăn, khi nằm, khi ngủ, khi tương tác, khi giao tiếp, khi đi, khi đứng, khi ngồi cứ theo hơi thở mà làm việc, đầy đủ Oxy để dưỡng cho cơ thể và não bộ khỏe, sáng suốt, suy nghĩ nhanh và có Trí Tuệ. Đồng thời chúng ta cũng làm chủ được cái ý của mình để từ cái ý làm chủ từ hơi thở Chánh Niệm đó chúng ta biết vận hành ngôn ngữ và tạo tác theo pháp thiện để chúng ta có bình an và hạnh phúc giữa cuộc đời. Bảo Thành xin nhắc lại thước đo của sự chứng đắc trên con đường tu tập Phật Pháp là bình an và hạnh phúc. Không cần biết là cư sĩ hay những Bậc tu sĩ nếu không có bình an và hạnh phúc người đó tu chưa đúng, người đó chưa có Chánh Niệm. Người có Chánh Niệm luôn bình an và hạnh phúc, người có bình an và hạnh phúc là người đã tu đúng và đang đi trên con đường chứng đắc Đạo quả. Cám ơn sự lắng nghe của đại chúng!