Search

Sám Hối Nghiệp Chướng

Đã vô minh tạo thành chướng nghiệp

Phải thành tâm sám hối sửa sai

Nhân trổ quả nhẹ nhàng nghinh tiếp 

Tích phước lành chuyển hoá tương lai

Mô Phật! Bảo Thành kính chào đại chúng và các bạn đang ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn, kênh Facebook Chùa Xá Lợi cũng như các kênh Facebook thông tin đại chúng ở trên mạng. Với cái đại phước nhân duyên hiện tại Bảo Thành và các bạn có sự hội ngộ ở trên các kênh truyền thông này mà ngày nay các bậc tôn túc đức trọng luôn ứng dụng để mang nền giáo hóa của Chư Phật gửi gắm tới tất cả mọi người dù ở xa hay ở gần.

Các bạn thân mến, hôm nay Bảo Thành ngồi ở tại nơi đây, Tổ đình chùa Xá Lợi, tiểu bang MaryLand gửi lời của Đức Phật qua chủ đề “sám hối nghiệp chướng” để chúng ta cùng suy niệm về cái ý nghĩa sám hối nghiệp chướng ở trong Phật giáo như thế nào cho thật gọn, thật nhẹ, thật dễ dàng. Và có thể ứng dụng được vào trong cái cuộc sống mà ở tầng lớp các bạn đang lao khổ ở cuộc đời sáu, bảy ngày một tuần lam lũ, với hai vợ chồng phải tranh thủ trong cái vấn đề cơm ăn áo mặc, giáo dưỡng con cái và tất cả mọi sự sinh hoạt bận rộn ở đời thường. Thậm chí là vào những ngày cuối tuần chủ nhật, các bạn vợ chồng, con cái cũng chẳng còn có thời gian bởi mệt nhoài do lam lũ để chẳng có thể tới chùa nghe được tiếng mõ, tiếng kinh huống hồ chi đọc những văn tự dài ở trong kinh, thật là khó. Không phải các bạn không muốn nhưng bởi hoàn cảnh, sắp xếp gọn thì thật khó, cuộc đời đã như thế. Các bạn, ngày xưa thì kinh của Phật nằm gọn ở trong chùa, cũng ngày xưa ấy lời của Phật nằm gọn trên môi miệng của những bậc tôn túc. Nói xa thêm một chút thì nằm ở trong các tàng kinh các ở chùa, của thiền thất, của thiện viện. Nhưng ngày nay dưới phước báu nhiều đời tích lũy được và sự quan tâm đặc biệt với hồng ân của tam bảo mỗi người chúng ta dù rất lao công khổ cực ở trong cuộc đời bận rộn đó vẫn có cơ hội tiếp cận Phật Pháp ở trong một khung hình thật là nhỏ nằm trên cái phone (điện thoại). Phật pháp không còn nằm ở trong thiền am xa xôi, rừng sâu núi thẳm, sơn lam chướng khí, ở trong thiền viện thật lớn, chuông mõ rình rang. Hay trong những cái đầu óc của những bậc tôn túc học cao hiểu rộng mà nằm gọn trên màn hình của phone. Để người bình thường như các bạn và Bảo Thành mọi nơi, mọi lúc, mọi thời gian, hoàn cảnh đều có thể nhìn, nghe và học được. Phật giáo ở trong bếp, lời Phật ở trong gia đình, chân lý của Đức Phật trải dài và thật là rộng trong mọi cảnh của cuộc đời, ở trên bàn ăn, trong bếp, trong phòng khách, trên đường đi làm. Ngay cả nơi công xưởng nhẹ nhàng thì bên tai vẫn có thể văng vẳng lời chân lý của Đức Phật. Ôi! Thật là vi diệu. Cái thời đại ngày nay có lẽ không có cơ hội gặp được Phật nhưng chúng ta có nhiều cơ hội hơn thời ông cha của mình để tiếp cận với Phật pháp. Nhìn cho kĩ, thế hệ ngày nay của chúng ta, Bảo Thành và các bạn khổ đó, mệt đó, làm nhiều đó nhưng vẫn đầy tràn phước báu bởi biết Phật, biết Pháp và biết Tăng trên phương tiện đại chúng gọn gàng ở trong bàn tay của chúng ta. Thật là thần thông, Phật hồi xưa ở trên ngón tay của ngài đã gom tam thiên đại thiên thế giới vào để cho chúng đệ tử có thể nhìn thấy. Ngày nay, là những người đệ tử của Phật chúng ta cũng gom những lời giáo huấn của Phật. Không bàn ở trong ngón tay của Phật nữa mà mang lời của Phật ứng dụng vào đời sống trên những khung hình nhỏ của cái phone vốn có của các bạn. Kỳ diệu, kỳ diệu.

Các bạn, trở lại vấn đề chúng ta đã có phước báu biết được lời của Đức Phật rồi. Ở trên đời này các bạn có thấy không, từ thời ông bà, ông cố, ông sơ cho tới thời ông bà nội ngoại hai bên, cha mẹ hiện tại, bản thân chúng ta và con cái ai ai cũng lầm lỗi. Các bậc Thánh nhân được thờ ngày hôm nay ở trong đình miếu cũng có tạo ra thật nhiều những chuyện lầm lỗi, sai trái. Nhưng không phải được gọi là bậc Thánh bởi vì không có lầm lỗi mà toàn là tốt. Người ta xiển dương cái tốt để nâng cao cái thánh đức của một con người can qua trong trầm luân đau khổ và những sự sai trái của đời người vẫn vương lên như sen trồi khỏi bùn lầy hôi thối. Để rồi thật đẹp, đón ánh mặt trời tỏa hương khắp mười phương, đó chính là cái điều cao cả của đạo Phật chúng ta biết sám hối. Nếu mà dịch cho nó đơn giản hơn mà ở trong các tôn giáo khác gọi là xin tội, sám hối tức là nhìn vào tội lỗi của mình. Chúng ta không phải tới với một ông thầy, một vị tôn túc, hòa thượng, thượng tọa, đại đức, tăng ni hay tới một đấng nào đó gọi là đức hạnh để quỳ xuống van xin mà kể tội để người đó tha cho chúng ta. Dĩ nhiên các tôn giáo khác hình thành cái phương tiện pháp như thế để những người theo tôn giáo đó có một sự hướng dẫn cặn kẽ, biết cách hối lỗi, sám hối, xưng tội để cải hóa cuộc đời, hướng thiện, điều đó thật là tuyệt vời. Các tôn giáo và mỗi một tôn giáo đều có một sự sám hối và xin tội khác nhau. Và nếu chúng ta nhìn dưới một cái góc độ rộng hơn ở trong cái trí tuệ viên dung của bậc đại giác các pháp đều là phương tiện để chúng ta chuyển hóa. Cho nên những cái sự xưng tội của các tôn giáo khác đối với một vị đức cao trọng vọng, chức thánh chẳng có khác biệt gì đối với chúng ta trong cái nền giáo dục của Phật sám hối tự thân chẳng qua là khác biệt phương tiện mà thôi. Nước uống có thể đựng trong cái bát, trong cái bình, trong cái ly hay còn gọi là cái cốc, cái chén. Vật dụng đựng không quan trọng vẫn là sự quan trọng chúng ta uống được nước thanh tẩy vào cuộc đời. Sám hối dưới bất cứ hình thức nào cũng được miễn là chúng ta có nhân duyên chúng ta nên sám hối.

Sám hối nghiệp chướng là một trong những cái điều mà ngài Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát dạy, đó là điều thứ tư. Ngài Phổ Hiền có 10 điều răn dạy cho chúng sanh đời sau, điều thứ tư là sám hối nghiệp chướng. Ngài dạy là chúng ta phải biết nhìn nhận lại tất cả mọi tội lỗi vốn có của mình đã tạo tác ra. Nhìn thật sâu, nhìn thật rõ để thấy được cái gốc gác, nguyên nhân tạo tội của chúng ta để từ đó chúng ta từ bỏ, ăn năn, hối lỗi, không tạo ra nữa. Và để đền bù vào những tháng ngày, những tháng năm, những kiếp ô trược, lầm lỗi đó chúng ta làm một cái hành động thật tốt đó là hành động thiện để bù lại. Cũng như ta lỡ đánh rớt một cái ly của người bạn bị bể, bị vỡ, ta xin lỗi bạn, bạn tha lỗi cho ta rồi nhưng để bù lại cái hành động đó ta mua cái ly đẹp hơn hoặc tương ưng để tặng biếu lại cho bạn. Đó là sám hối, nhìn lại lỗi của mình và làm cái việc tương ưng để bù lại cái lỗi đó. Nếu bạn chỉ có xin lỗi không thì nó chỉ nhẹ về mặt tâm lý, còn nếu bạn không làm một cái việc thiện tương ứng thì cái nghiệp lực của cái lỗi đó vẫn tồn tại. Về mặt tâm lý là chúng ta đã xin lỗi nhưng cái nghiệp của cái lỗi đó vẫn tồn tại. Cho nên Đức Phật mới dạy để chuyển hóa, sám hối ngoài cái sự việc quán chiếu nhìn rõ tội lỗi của chúng ta, lầm lỗi của chúng ta phải có một hành động phát nguyện tương ưng bằng thân ngữ ý để tạo cái phước báu chuyển hóa cái nghiệp lực. Gọi là nghiệp lực do bất thiện nghiệp thì cái nghiệp đó là xấu, chúng ta sám hối là nhìn thấy, quán chiếu thật rõ những bất thiện nghiệp chúng ta tạo ra rồi thấy cái lực của bất thiện nghiệp đã tồn tại một ngày, hai ngày, nhiều đời nhiều kiếp, nguyên nhân gì. Rồi dựa theo mười điều thiện Đức Phật dạy dựa trên cái nền tảng ngũ giới mà thôi để rồi chúng ta làm một cái hành động tương ưng để tư tưởng, lời nói và hành động để tạo ra một cái nghiệp lực nhưng mà cái nghiệp lực này là nghiệp lực thiện để chuyển hóa cái quán tính của nghiệp lực ác đang dẫn, đang đẩy đưa chúng ta đi vào miền vô minh đen tối.

Đó gọi là sám hối nghiệp chướng mà ngài Đại Hạnh Phổ Hiền thường khuyên và sách tấn chúng ta hãy cố gắng, không phải đợi đến ngày mùng 1 hoặc ngày rằm mới tụng sám hối. Mà mỗi một ngày ở trong cuộc đời phải luôn luôn sống một đời sống Chánh Niệm hơi thở để ta luôn luôn Tỉnh Thức. Ta luôn Tỉnh Thức không phải để cầu nguyện, để van xin mà chúng ta Tỉnh Thức để nhìn rõ mọi tạo tác của mình để có một sự lựa chọn thật là tốt. Ta nhìn, ta thấy cái hành động của ta đã khởi lên, đã làm tạo ra nghiệp xấu ta phải ngưng không tạo nữa. Ta nhìn để ta thấy trong sự Tỉnh Thức những cái hành động, ngôn ngữ, suy nghĩ của ta đang tạo ra xấu, bất thiện ta ngưng ngay. Và ta nhìn, ta thấy tư tưởng, lời nói, hành động trong sự Tỉnh Thức, thấy cái chiều hướng sẽ xảy ra ta ngăn chặn. Cả ba thời quá khứ, hiện tại và tương lai ngăn chặn những cái điều đang tạo ra, chưa tạo ra, sẽ tạo ra. Đó là người khôn ngoan, luôn luôn biết lọc nước cho sạch để uống vào cho cơ thể khỏe, đó là người khôn ngoan trong thời hiện đại biết rửa cái tấm lọc của máy điều hòa không khí để rồi hơi vào, hơi ra được trong sạch. Người không khôn ngoan không biết máy điều hòa xài lâu, lọc không khí nó dơ bẩn, nó tắc nghẽn, máy chạy nhiều, chạy dài thời gian hao điện và không khí thổi ra không được sạch. Sám hối nghiệp chướng là ta ráp và lắp đặt bộ lọc thân tâm ngữ ý của chúng ta trong sự Tỉnh Thức để mọi suy nghĩ, lời nói và hành động được lọc bằng cái pháp thiện để nó không ô nhiễm cuộc đời của chúng ta.

Nếu nói theo ngôn từ hiện đại, các bạn dùng phone, các bạn dùng máy tính, các bạn dùng những cái phương tiện hiện đại hóa chúng ta cài đặt trên mạng, chúng ta kích hoạt tất cả phần mềm rồi chúng ta cài xuống, chúng ta bỏ lên có sự tương tác với nhau. Thì trong cái sự tương tác đó có bụi bặm của những con virus ở trên mạng xâm nhập vô phần mềm, phần cứng của các bạn để phá tan và lấy đi thông tin của các bạn. Cho nên các bạn phải có một sự thanh lọc bằng cách mua một cái “app” tức làm mua một cái phần mềm ngăn ngừa những cái thể loại virus đó. Đức Phật là bậc thầy, ngài dạy cho chúng ta không phải tốn tiền, tốn công, tốn sức mà chỉ cần ứng dụng một cái “app” thật là tân kỳ thời đó cách đây hai ngàn năm trăm sáu mươi mấy năm rồi. Mà ngài là nhà vi tính chế tạo ra một cái “app”, chế tạo ra một phần mềm mà chúng ta tự động cài đặt thật dễ ứng dụng vào để ngăn ngừa những con sâu, cặn bã và những con vi trùng của bất thiện nghiệp xâm nhập vào bản thể tự tánh của chúng ta, làm xơ cứng cái tâm thiện. Các bạn, hiểu theo điều này thật là dễ. Phần mềm đó là gì? Mà nó thật sự mềm, nó tinh vi, nó nhỏ tới mức mà chúng ta cũng không thấy được nó, nó mềm như hơi thở, nó nhỏ như từng hơi hít vào thở ra. Chánh Niệm hơi thở là phần mềm vi diệu siêu thế, nó sẽ giúp cho chúng ta Tỉnh Thức. Cũng như cái máy vi tính có một cái phần mềm để chống virus luôn luôn được kích hoạt 24 tiếng đồng hồ để mỗi khi các bạn sử dụng là nó ngăn ngừa virus xâm nhập. Hơi thở Chánh Niệm nó siêu mầu tới mức mà các bạn thẩm nhập cài đặt cho nó đúng quy trình rồi thì mọi tư tưởng, hành động, ngôn ngữ bất thiện của các bạn sẽ được lọc cho sạch và trở thành tinh khiết. Điều này tuyệt diệu vô cùng, dễ ứng dụng, không cầu kỳ văn tự như tụng kinh Diệu Pháp Liên Hoa hết phẩm này tới phẩm kia mà hứa, nguyện rồi phải tụng hết một cuốn Diệu Pháp Liên Hoa. Ui cha, bận rộn quá đọc không kịp thì đọc cho nhanh nhanh nhưng mà mình đọc mình cũng không hiểu nữa. Ngày nay có những nơi tụng kinh còn nhanh hơn hỏa tiễn bắn lên sao Hỏa nữa, vượt ngoài cái gọi là tốc độ ánh sáng nữa, tụng nhanh như vậy bản thân họ cũng chả hiểu, ai hiểu đây. Tụng niệm kinh là đọc để hiểu rõ lời của Phật dạy để từ đó ứng dụng. Nhưng ngày nay tụng kinh trở thành những cái phi thuyền gửi câu văn chữ trở ngược lại Niết Bàn để Đức Phật nhồi sọ bản thân của ngài bằng chính những lời nói của ngài dạy cho chúng sanh. Thật là một cái suy nghĩ ngược ngạo phải không các bạn, ngược quá, ngược quá như người gọi là mang củi về rừng, mang lời Phật trả lại cho Phật, tội nghiệp Phật.

Cho nên chúng ta ngày nay dưới cái thời đại mà chúng ta quá bận rộn, đặc biệt là các bạn trẻ có thể có phước báu có một ngôi nhà hay các bạn trẻ đang sống trong phòng trọ hay sống trong nhà thuê ở những thành phố chật chội, con cái, vợ chồng. Các bạn cứ tự hỏi đi vấn đề ứng dụng Phật pháp làm sao đi vào cuộc đời? Có chăng là ngày rằm, mồng 1, lễ lớn tới thắp một nén nhang như vậy, mịt mù cả một cái chùa nhưng cũng chỉ để cầu xin mà thôi chứ cả cuộc đời khó ứng dụng lời Phật. Sám hối nghiệp chướng là một phần mềm vi tế, chỉ cần ứng dụng hơi thở, ở đâu bạn cũng phải thở, không thở bạn chết cho nên bạn chỉ ứng dụng hơi thở đó từng nơi, từng phút giữ cái tâm trong hơi thở, thở ra biết thở ra, hít vào biết hít vào. Và trong cái thở ra hit vào biết đó, cái tánh thấy biết chúng ta được đánh thức một cách thực tế và hơi thở đó mang đầy đủ oxy nuôi dưỡng cơ thể của các bạn. Cho não bộ có đầy đủ năng lượng để sống và tỉnh táo, người thiếu oxy đầu óc u mê, hơi thở thật dài oxy đầy đủ, não bộ được tỉnh thức. Đơn giản, sự đơn giản đó ứng dụng ở đâu cũng được, không phải quỳ trước một cái tượng Phật, không phải mua một cái mõ, thỉnh một cái chuông để và tụng pong, pong, pong gõ cốc, cốc, cốc và đọc lên văn tự dài dòng cho nhức đầu. Chỉ cần chú trọng vào hơi thở đó, Chánh Niệm đó để nhìn rõ mọi tạo tác, sai trái, bất thiện ta bỏ, lựa chọn cái điều tốt để chúng ta làm hàng ngày đó là sám hối mỗi giây, mỗi phút.

Đừng chờ đến ngày mồng 1, chừng chờ đến ngày rằm vô trong chùa rồi các thầy, các cô mới ngồi tụng sám hối, sám hối hồng danh, sám hối này, sám hối kia, điều đó tốt, điều đó hoàn toàn chuẩn mực và tốt. Nhưng tại sao các bạn lại gom tội lỗi một tháng để một lần, hai lần tới để sám hối? Bạn cứ thử tưởng tượng các bạn bị thương, các bạn có chờ cho cả cái toàn thân này bầm dập thương tích một lần để tới bác sĩ chữa hay không? Không, hơi đau chút xíu, nếu các bạn có con, con của các bạn hơi đau, hơi sốt có chút xíu, ui chu cha là cuống cuồng ngược xuôi, đau tim, nhức đầu, chạy tìm thầy, tìm thuốc khắp mọi nơi để chữa trị cho con dù chỉ một chút xíu. Lỡ mà nó uống sữa sai một chút xíu, nó đau bụng một cái rồi là những người mẹ, người cha thao thức cả đêm, khổ lắm. Nếu các bạn là mẹ rồi, là cha rồi, con các bạn đau các bạn đâu có để dành cuối tháng, đầu tháng, rằm rồi mang đi bác sĩ đâu hoặc gom một đống bệnh mới đi bác sĩ, cái chuyện đó không có. Và nếu các bạn có người thân là cha mẹ ốm các bạn nói ôi thôi cha mẹ ơi ngồi đợi đó đi, đợi nó nhiều nhiều rồi mang tới bác sĩ chữa một lần cho xong, không có. Cái bệnh của thân mà các bạn còn lo lắng như thế huống hồ chi là cái ác nghiệp tạo ra không những nó gây cho bệnh tật của thân, của tâm và thần thức nữa, cả ba cái đều ô nhiễm bệnh hoạn sao các bạn gom lại dồn vào một tháng vậy. Một tháng một lần, nhiều khi cả đời một lần giống kiểu chơi hụi quá. Mình chơi hụi cái mình dồn lại cái mình hốt hụi mình giật chạy luôn, tức là chờ đến cuối tháng hoặc đầu tháng thôi đóng hụi cho Phật. Mà mình chơi hụi là mình phải mang tiền tới đóng hụi cho chủ hụi còn chơi cái kiểu hụi sám hối đó chúng ta không mang tiền, không mang hương hoa cho Phật mà mang tội lỗi, một tháng một lần hoặc ngày rằm tới thôi tôi chuyển hết cho ông Phật mọi tội lỗi. Đọc 500 ông Phật, đọc 1000 ông Phật, đọc hàng vạn tên ông Phật rồi sám hối quỳ lên lạy xuống bao nhiêu tội lỗi tôi đưa hết cho Phật. Sám hối kiểu đó nó giống tuồng quá các bạn ơi mà mình ca tuồng như vậy đâu có hết, mình chỉ diễn tuồng thôi. Cho nên các bạn bệnh phải chữa ngay nghiệp đã tạo từng giây phút Chánh Niệm hơi thở nhìn thật rõ, rửa ngay.

Các bạn có nhớ cái thuở xưa đó, bây giờ giàu quần áo nhiều, cái thuở xưa có những bạn chỉ có một áo dài để đi học nhất là các nữ sinh, đi xong về phải giặt phơi đi cho nó sạch, phơi để ngày mai mặc cho nên cái áo nữ sinh bao giờ cũng đẹp và các bạn nam mặc đồng phục cũng phải giặt mỗi ngày. Vì thuở xưa nghèo, có cái áo à rồi sau này giàu có nhiều áo nữa cũng phải giặt, không ai mặc cái áo đó hai lần trong ngày nó hôi bạn cười. Huống chi là ta chỉ có một đời để sống, một giây phút để sám hối sao các bạn để cho toàn thân này trong cuộc đời này tràn đầy những điều bất thiện, ác nghiệp dơ dáy, cấu trược, uế nhiễm bám vào thân để đợi ngày mồng 1, ngày rằm đi sám hối là sao. Đau đâu chữa đó, dơ đâu giặt đó, các bà mẹ đều biết cái cách đó. Chúng ta phải là người con của Phật trong Chánh Pháp hiện thời hiểu rõ để sám hối nghiệp chướng một cách tân tiến tốt đẹp hơn đúng như lời khởi nguồn của Chư Phật hoặc của ngài Đại Hạnh Phổ Hiền dạy sám hối nghiệp chướng từng giây phút. Các bạn, trời ơi cả cuộc đời cứ sám hối thì làm gì được vui, cuộc đời cứ sám hối rồi sao mà ăn, nhậu, chơi. Cả đời sám hối rồi sao đi café, rồi làm sao cà kê dê ngỗng, trời ơi cuộc đời tu Phật thấy khó quá, cái gì cũng bỏ bỏ bỏ, cái gì cũng hối, cái gì cũng sám, thôi không đi sám hối nữa mà đi xập xám. Chết rồi, tốn tiền, vợ đánh chết. Cho nên sám hối không phải là cái cách mà cũng nào cũng nhìn cái tội, cái lỗi của mình. Mà sám hối ở cái chỗ là chúng ta nhìn rõ cái ác và cái thiện, chúng ta ngăn ngừa ngay. Cũng như người khôn thì mang vào cái kho của mình vàng bạc châu báu. Có một câu kinh trong kinh Trung Bộ nói:

Có một cái ông kia có tráp bằng ngọc. Vừa đi ra ngoài đường có người gặp thấy nói ôi anh ơi anh có cái tráp bằng ngọc đẹp quá cho tôi coi thử của anh có cái gì, người đó cho coi chỉ có cái tráp ngọc không thôi, đẹp quá. Rồi ông ta đi một vòng quanh chợ trở về người đó cũng hỏi cái tráp của anh mới đi ngoài chợ về đưa tôi coi coi nó là cái gì. Cái tráp ngọc đi một vòng chợ mua toàn là nước mắm, đồ hôi thối đặt vào đó, ù ui cái tráp bằng ngọc đừng toàn đồ hôi không mất giá trị mất rồi, lắc đầu bỏ đi. Rồi có anh kia cũng có cái tráp bằng ngọc, cũng được nhìn như vậy, cũng đi một vòng qua chợ, cũng được hỏi và được nhìn lại một lần nữa thì anh ta không có đựng thịt, đựng cá, đựng đồ hôi tanh trong cuộc đời mà anh mua vàng, mua kim cương, hột xoàn. Cái anh kia nhìn trời ơi anh có cái tráp bằng ngọc đã đẹp nay lại mua hột xoàn, vàng bạc, châu báu đặt vào, thật là tuyệt vời.

Chúng ta chỉ có một cái tâm Phật và có một đời để sống hiện tại ngay trong lúc này. Nếu chúng ta không Chánh Niệm và đi vòng quanh cuộc đời, đi vòng quanh ở đời vơ vét những thứ hôi thối, bất thiện nghiệp đặt vào trong cái tráp tức cái bình tâm thức thanh tịnh của ta thì còn gì là thanh tịnh, còn gì là cao quý, phẩm cách tiêu tan. Cho nên cũng vòng quanh chợ đời, cũng như họ, cũng một kiếp, cũng một thời, cũng một hơi thở nhưng ta lựa chọn cái gì, đó gọi là sám hối. Sám hối là đời sống Tỉnh Thức, sống thật trong từng giây để có sự lựa chọn khôn ngoan mang vào kho tâm thức và đời sống những suy nghĩ, những lời nói và hành động có nghĩa cử thanh cao, đẹp. Đó là sám hối, đâu có gì khó khăn đâu. Các bạn dạy các con của bạn là phải ăn học cho đúng, chuẩn mực, học những cái lời hay ý đẹp, không dạy các con của chúng ta học những điều xấu. Thì Đức Phật là một nhà giáo dục, là một bậc thầy cũng dạy cho chúng ta từng ngày, từng giây phải học cách mang vào trong tâm và đời sống những ý tưởng cao đẹp. Ta biết dạy con, ta biết dạy bạn, ta biết nhắc nhở bản thân mang những ý hay, ý đẹp của cuộc đời. Đức Phật là một bậc thầy quân tâm tới chúng ta, nhắc nhở cho chúng ta biết sám hối. Người biết sám hối tức là người học theo Phật, biết mang những điều thanh cao đặt để vào kho tâm thức Chân Như của mình để nó nở hoa thơm ngát. Các bạn, đây là ý nghĩa sám hối nghiệp chướng thông dụng, dễ ứng dụng trong đời người đặc biệt đối với các bạn không có cơ hội đến chùa hoặc quá bận rộn, lam lũ trong cuộc đời. Phật giáo không còn ở trong chùa nữa, các bậc tôn túc không những đi ở ngoài để mang đạo tới cuộc đời mà còn vi hành, ứng hóa thân ở trên phone. Các bạn có thấy ứng hóa thân của Bảo Thành trên phone không? Thấy cũng nói, cũng cười nè, cũng di động, đó là ứng hóa thân qua cái mạng nhưng mà Bảo Thành lạm dụng cái chữ ứng hóa thân, thôi thì hóa hiện trên phone cũng vậy mà phải không. Không có thần thông Chư Phật nhưng có phương tiện thì ta hóa hiện, hiện hình ở trên màn hình để mang lời Phật tới cho các bạn. Đây cũng là vi diệu pháp thật là hay ở trong phương tiện hóa, cách mang lời Phật tới cho cuộc đời. Nhớ rằng lời Phật không cứng ngắc, đóng khung, đóng hình để rồi chất đống đó gửi tới chỗ này, gửi tới chỗ kia rồi lạc mất địa chỉ lại trở về tay Phật, ui cha buồn lắm. Mà lời Phật cần phải mở ra ứng dụng vào đời sống của mỗi người, sám hối nghiệp chướng là như vậy.       

Đã vô minh tạo thành chướng nghiệp

Phải thành tâm sám hối sửa sai

Chúng ta tạo thành chướng nghiệp là bởi chúng ta vô minh, không nhìn rõ nay đã có minh tuệ của Phật chiếu vào rồi thì trong cái kiếp của cuộc đời chúng ta đã vô minh tạo thành chướng nghiệp phải thành tâm sám hối sửa sai. Thành tâm nha các bạn.

Nhân trổ quả nhẹ nhàng nghinh tiếp

Trong vô minh ta tạo nghiệp nếu mà nó trổ quả ta nhẹ nhàng hoan hỷ học lời Phật ta gieo gì ta gặt đó nay nó trổ quả thì tâm thái nhẹ nhàng an yên nghinh tiếp nó thì nó sẽ nhẹ nhàng hơn, nó bớt nặng nề ở trong đầu. Các bạn nhớ tích phước, các bạn phải nhớ tích phước, tích phước lành chuyển hoá cái tương lai của chúng ta. Tất cả mọi nghiệp chướng ta tạo ra là vô minh của kiếp trước, của ngày trước, của ngày qua. Nay ta thành tâm sám hối, ta sửa sai bởi ta hiểu rõ cái Nhân Quả đó nó do ta mà tạo cho nên  ta nhìn nhẹ nhàng nghinh tiếp đó. Để rồi ngay trong hiện tại, Chánh Niệm hơi thở này ta tích phước lành chuyển hóa tương lai. Cho nên thật là hay nếu các bạn thấy thật là rõ sám hối của Phật mang ý nghĩa đó.

Đã vô minh tạo thành chướng nghiệp

Phải thành tâm sám hối sửa sai

Nhân trổ quả nhẹ nhàng nghinh tiếp 

Tích phước lành chuyển hoá tương lai

Ngay trong hiện tại với hơi thở Chánh Niệm nhìn cho thật rõ mọi tạo tác của ta biết sàng lọc, cân nhắc rõ ràng từng giây phút là người khôn ngoan, biết mang vàng bạc châu báu đặt vào cái tráp ngọc của cuộc đời, ai cũng muốn ngắm, ai cũng muốn nhìn và làm tăng trưởng cái giá trị sống của chúng ta. Đó là cách sám hối nghiệp chướng hiện tại mà ngài Đại Hạnh Phổ Hiền đã dạy để ứng dụng vào trong cái đời sống hiện tại của các bạn bận rộn như thế. Các bạn đừng nghĩ sám hối là phải đợi đến ngày rằm, ngày mồng 1 cũng như đừng có để dành cái bệnh một lần luôn mới tới khám bác sĩ. Trời ơi, bệnh có chút chút khám tốn tiền quá, để dành đi như vậy đi cho nó nhiều bệnh khám một lần luôn thì lần khám đó là lần khám cuối cùng để được đi vô cái nhà khám có cái 6 cái bức vánh, nhốt mình trong đó chui xuống lỗ chết thôi, nhớ không các bạn. Cho nên phòng bệnh hơn chữa bệnh, sám hối là nhìn thấy những cái điều sai để rồi phòng bệnh bằng cách ngay bây giờ phòng ngừa nó bằng tâm thanh tịnh. Đừng để nó dồn bệnh lại một lần rồi mới đi khám bệnh, chết luôn. Các bạn nhớ, sống trong hiện tại ứng dụng thật là dễ để có một đời sống thiện lành, an vui và hạnh phúc. Các bạn nhớ sám hối nghiệp chướng từng giây, từng phút.

Đã vô minh tạo thành chướng nghiệp

Phải thành tâm sám hối sửa sai

Nhân trổ quả nhẹ nhàng nghinh tiếp 

Tích phước lành chuyển hoá tương lai

Bảo Thành cảm ơn các bạn đã lắng nghe và đồng trì mật chú Thất Bảo Huyền Môn, Vãng Sanh chú và chú Đại Bi. Chúng ta chắp tay hồi hướng công đức.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa Chúng con hồi hướng công đức trì Đại Bi chú, Vãng Sanh, Thất Bảo và nghe pháp tới tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo và chúng con xin phát nguyện theo lời của Phật sám hối nghiệp chướng mỗi ngày trong cuộc sống và biết sống đời sống Chánh Niệm hơi thở, tỉnh thức để luôn an vui và hạnh phúc, để biết ứng dụng Phật pháp trong đời thường một cách giản tiện, hữu hiệu. Xin Chư Phật chứng minh!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn