Bảo Ngọc đánh máy
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Mu A Mu Sa.
Con nguyện mười Phương chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi tới cho muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn. Chúng ta lại tiếp tục gặp nhau, gặp gỡ nhau trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền môn, tông phái Thiền Mật tông.
Các bạn thân mến. Trong cuộc sống của chúng ta, đôi lúc chúng ta buồn. Chúng ta tự ái. Chúng ta cảm thấy tủi, chúng ta buồn. Có nhiều sự việc xảy ra chúng ta buồn, bởi cuộc sống giữa người với người luôn có cái tâm so đo, luôn có cái tâm so sánh thiệt, hơn thắng thua, nhiều ít. Người có nhiều của nhiều tiền, nhiều bạc thì muốn mang cái nhiều của mình để khoe khoang cho những người khác biết. Rồi những người không có, có ít thì tủi thì buồn. Mặt rộng đó là thuộc về xã hội. Có những người cứ tủi hoài, tủi cho cái phận nghèo của mình, thấy kẻ giàu khoe khoang cái tự ái, bực bội, tủi cho cái phận không bằng người ta, không bằng về cái này cái kia, không bằng về tiền, không bằng về danh trong công chức mình đi làm, không bằng về nhà, xe, của cải, về những phương diện hơn thua thiệt thòi, đâm ra tủi phận. Mà cái tủi đó nó tệ hại hơn là nó làm cho mình cứ buồn hoài, không có được vui, cau có để rồi gương mặt mình nó già theo năm tháng.
Có nhiều hiện tượng ở xã hội đã xảy ra, nhưng mà đôi khi cũng xảy ra trong những ngôi chùa, trong những thiền tự, tịnh xá, am thất. Bởi chùa chiền, tịnh xá, am thất là để mở rộng đón tiếp bá tánh, bá gia muôn nơi trở về thờ Phật, kính Tăng, hội họp, học giáo lý của nhà Phật. Có những lúc thật là thanh tịnh trong những khóa tu, nhưng nhiều lúc xô bồ giữa kẻ tới người đi, có kẻ giàu có, có kẻ nghèo khổ. Trong cái giàu nghèo nó tạo ra nhiều cảnh mà những đệ tử hoặc những phật tử chúng ta, là những người bình dân, đôi khi thấy tủi phận vì kẻ giàu tới, thầy nói chuyện nhiều quá, thầy thân cận nhiều quá, thầy coi trọng, thầy tiếp xúc, bởi họ là thí chủ lớn, họ cúng dường tiền bạc nhiều, họ làm nhiều thứ và rồi ta cảm thấy ta buồn cho số phận, đâm ra không tới chùa nữa hoặc là ông thầy không để ý ta. Tư tưởng đó nó không hay, bởi vì thực tế trong nhà Phật bình đẳng tánh trí, các thầy các sư cô hiểu thông lời Phật dạy luôn luôn đối xử bình đẳng chẳng phân biệt kẻ giàu người nghèo đâu.
Có câu chuyện thời Đức Phật. Ngài giảng vào ban đêm mọi người phải đốt đèn lên, đốt đèn dầu, thời đó xài đèn dầu để thắp sáng cho buổi thuyết giảng đó mọi người tới dự lời đức phật khai thị. Mà thời đó Đức Phật thuyết pháp ở vùng đó vua quan, vua chúa nhiều, cũng có người nghèo. Có một ông vua gọi là ông vua A Xà Thế. Ông ta giàu dữ lắm. Ông ta cúng dường cho Phật bao nhiêu là xe dầu, và chỗ ông ta ngồi đốt một cái đèn dầu sáng lên như vậy. Và hầu hết những kẻ giàu có, có tiền đều mang dầu và đốt đèn của mình, hoặc là cúng thật nhiều dầu cho Phật, tới ngồi nghe pháp Phật khai thị.
Có một bà lão nghèo, nghèo lắm, nghèo như thầy, nghèo như Bảo Thành, nghèo như chúng ta… muốn tới nghe Pháp nhưng không có nhiều dầu, ít lắm. Bà mới tìm đủ mọi cách có một chút dầu, nếu cái dầu này so với ông vua A Xà Thế thì không thể bằng, bởi ông A Xà Thế giàu có, là vua thời đó, dầu nhiều do có tiền. Còn bà cụ là nông dân nghèo, nhưng có được chút dầu thắp vô ngọn đèn dầu nhỏ thôi, trong đêm tối đó để cúng dường cho Phật, để Phật ngồi thuyết pháp. Bà ta phát nguyện ở trong lòng: thưa Phật, con là phận nghèo nhưng với tâm thành kính cúng dường ngọn đèn dầu hiu hắt nhỏ bé, có chút xíu dầu này thôi, nếu phật chứng minh xin cho ngọn đèn của con được sáng tỏ mãi. Thực ra trong đêm đó bão tố cũng nhiều, nhưng đèn của bà không tắt. Rồi cho tới suốt đêm, Đức Phật ngài Mục Kiền Liên ra thổi tắt, ngài Mục Kiền Liên là người có thần thông, được Phật sai ra thổi những ngọn đèn đó đi bởi vì đèn dâng cúng cho Phật đã xong, thuyết Pháp đã xong rồi, thì thôi Mục Kiền Liên, con hãy đi ra thổi tắt ngọn đèn đó đi.
Ngài Mục Kiền Liên đi thổi tất cả những đèn của vua quan, của vua chúa, người giàu, thổi một cái là tắt hết, bởi vì ngài có thần thông, thần thông của ngài dữ lắm cho nên đèn lớn dầu nhiều cỡ nào ngài thổi một cái cũng tắt hết. Khi ngài Mục Kiền Liên tới ngọn đèn của bà cụ, nhỏ à, hắt hiu à, dầu thì không có, thế vậy ngài Mục-Kiền-Liên thổi hoài ba lần nó không tắt, ba lần không tắt quý vị à. Ngài mới ngạc nhiên về hỏi Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn mới nói cho ngài Mục Kiền Liên biết: ngọn đèn dầu hiu hắt với một chút xíu dầu của bà cụ khi cúng dường phát nguyện đã được ta chứng minh bởi lòng thành kính cúng dường đó, nên dù là ông, ông là Mục Kiền Liên có thần thông thổi cũng không thể tắt được ngọn đèn dầu đó.
Các bạn thân mến, câu chuyện này của thời Đức Phật đã chứng minh thật là hùng hồn cho mọi người chúng ta hiểu rằng: dù là phận nghèo không có tiền, dù là người không có sức, không có công, của, tịnh tài cúng dường cho chùa. Chúng ta chỉ có chút xíu lòng thành kính cúng dường lên Phật, cúng dường tới chùa thì mười phương chư Phật đều chứng minh cho lòng thành kính cúng dường đó. Phước báu vô lượng các bạn ạ, nó không phải là số dầu nhiều như ông A Xà Thế, hay vua quan quyền thế có tiền bạc nhưng nó là chất lượng của lòng thành kính, tôn kính đối với Phật. Chất lượng đó với số lượng thật là nhỏ, với phận nghèo của bà lão, vậy mà một bậc thần thông như Ngài Mục Kiền Liên thổi ba lần không thể tắt.
Các bạn thấy không? do đó trong cuộc sống của chúng ta, nếu các bạn có lòng thành kính, có tâm chân thành cúng dường đến Phật, cúng giường tăng cúng dường pháp, dù là rất ít, dù là rất nhỏ, cũng cần phải có tâm thành kính, chân thành, để phật chứng minh công đức vô lượng. Nói như vậy không phải chúng ta vì nghèo mà được phật chứng minh thành kính để rồi người giàu có như ông A Xà Thế hoặc những người khác không được Phật chứng minh. Chân lý ở đây là lòng thành kính, dù bạn có giàu, nhiều của, nhiều vật chất cúng dường mà không có tấm lòng thành kính đối với Phật, với tâm chân thật thì của dâng cúng, của lễ dâng cúng đó trở thành vô nghĩa. Còn nếu như bạn không có gì, hoặc nghèo xơ xác, nhưng với lòng thành kính, tôn kính chư Phật, cúng dường với tâm chân thành, thì đều được Phật chứng minh, công đức vô lượng. Chất lượng là ở chỗ lòng thành kính, tâm chân thành, cho nên dù bạn là người giàu hay người nghèo, nên nhớ pháp cúng dường trong nhà Phật thật là mầu nhiệm. Nó màu nhiệm ở chỗ không phải là số lượng lớn nhỏ, giàu có, có quyền chức, có danh có phận, còn những người nghèo hèn vô danh tiểu tốt không được, không phải; Nó được ở chỗ cái tâm thành kính, do đó dù bất cứ chúng ta là ai, khi mang tâm hạnh cúng dường, nên giữ tâm thành kính tuyệt đối. Và với tâm thành kính đó, nhất định người nhận cúng dường là chư Phật ngài sẽ rất hoan hỷ. Và với tâm thành kính đó, các chư vị tăng ni, những phẩm vật cúng dường của chúng ta dù sơ sài nhỏ bé, cũng thật là tôn trọng, đón nhận bằng cả tấm lòng yêu thương.
Các bạn đừng buồn đừng tủi, đừng nghĩ rằng tăng ni chỉ nhận của nhà giàu, chê cảnh nghèo khó. Tăng ni cũng theo phẩm hạnh của đức Phật dạy, sống biết yêu thương trải lòng. Tất cả phẩm vật cúng dường của đàn na tín thí đều cao cả bởi tấm lòng tôn kính Tam Bảo. Tất cả sự cúng dường của mọi người, của bá gia bá tánh đều, đều cao quý bởi tâm tôn kính Phật Pháp Tăng. Do đó Tăng Bảo dù ở thành phố lớn hay thôn quê, thành thị, đều có tâm hạnh hoan hỷ, từ bi đón nhận mà không phân biệt nghèo giàu sang trọng bần hàn. Cho nên các bạn hãy cố gắng phấn đấu đấu và vượt trội khỏi những tư tưởng như vậy, để chúng ta đi tới cúng dường thành tựu được pháp an lạc.
Cúng dường có nhiều phẩm vật để cúng dường, chưa hẳn cần phải cúng dường tiền bạc tịnh tài mà có thể chúng ta chỉ cần cúng dường nụ cười trong an lạc khi tới chùa, khi đối diện với Tam Bảo. Làm sao để chúng ta bớt tủi phận, bớt cái sự so sánh giàu nghèo, và luôn luôn an vui khi tới chùa thực hiện pháp cúng dường. Để chuyển hóa được điều đó như Thế Tôn thường dạy, mỗi một Phật tử, mỗi một con người chúng ta cố gắng nuôi dưỡng tình yêu thương trong hơi thở, pháp thiền trong hơi thở, có được cái công năng vi diệu. Phật cũng nhờ hơi thở thiền định mà ngài giác ngộ, thì ngày nay học Phật, chúng ta cũng phải nuôi dưỡng tình yêu không phân biệt, bằng hơi thở chánh niệm vào ra. Hít vào ta biết ta hít vào, thở ta biết ta thở ra, hơi thở chánh niệm. Với hơi thở chánh niệm đó và rải lòng yêu thương không phân biệt. Cứ như vậy ta thực tập miên mật như vậy. Nếu các bạn bỗng một ngày có nỗi niềm, có cảm xúc thấy tủi vì kẻ giàu người nghèo, vì vị tăng vị ni này tiếp đón các bạn không phù hợp mà lại nghinh tiếp những kẻ giàu có gần gũi hơn làm cho bạn buồn, cũng không sao các bạn ạ. Đó cũng là một phần nghiệp quả của bạn. Bạn chỉ cần hít vào thở ra ra quán chiếu tình yêu không phân biệt, giữ với hơi thở chánh niệm, quán chiếu và rải lòng yêu thương không phân biệt đó liên tục, bạn sẽ tăng trưởng được niềm vui, hân hoan đi vào chùa cúng Phật, cúng dường Tam Bảo với cái tâm hỉ của nụ cười an lạc, chẳng màng tới tiền tài vật chất của thế gian, cũng chẳng nghĩ tới kẻ giàu người hèn mà chỉ hiện tiền vui vẻ mỉm cười an lạc, cúng dường tâm hạnh đó, thì ba ngôi Tam Bảo đều hoan hỷ. Còn nếu như người nhận sự cúng dường đó không hoan hỷ vì tâm khác biệt trong sát na đó, thì chúng ta cũng có thể chuyển hóa tâm của họ thành hoan hỷ để đón nhận ta, bước vào cổng chùa để cúng dường Tam Bảo. Cảm ơn các bạn đã nghe qua sự gợi ý tư duy này.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Mu A Mu Sa.