Tuệ Uyên đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa
Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn!
Trong cuộc sống ngày nay, phương tiện giao thông đi tới đâu ta thường thấy những dấu hiệu báo trước để chúng ta biết rằng ta đang đi trên con đường gì, tên gì, ở đâu, cách bao nhiêu mét nữa thì tới. Và còn báo trước cho chúng ta biết đường cong quẹo hoặc là lên dốc, xuống dốc, hoặc có rừng hay có biển. Hơn thế nữa, để giúp cho chúng ta trong sự giao thông được an toàn cho mọi người, đèn còn có đèn xanh đèn đỏ và đèn vàng. Và những màu sắc như vậy được qui định để chúng ta được phép chạy, chạy chậm lại hoặc dừng. Đi theo một trật tự như vậy, chúng ta giữ lại sự an toàn cho ta và cho mọi người. An toàn trong tính mạng rất quan trọng. Chỉ có những kẻ say sưa, say mê, say xỉn về hình thức này hoặc hình thức kia, ở trên giao lộ, họ không còn nghĩ đến sanh mạng của họ. Họ cũng chẳng nghĩ đến sanh mạng của những người khác là quan trọng. Họ chạy ẩu, họ vượt đèn đỏ, rồi họ không tuân thủ theo những điều báo trước để giữ cho bản thân được bình an. Mạng sống của con người có lẽ không có tồn tại trong ý thức, trong giao lộ của cuộc đời. Họ cũng chẳng có gì để quan tâm, bởi họ luôn say xỉn. Sự say xỉn không hẳn bởi ăn nhậu mà đôi khi do mê của cuộc đời làm cho chúng ta không nhìn rõ. Nên sinh mạng của người khác và sinh mạng của ta được coi quá rẻ. Có những chuyện đã xảy ra trong cuộc sống ta nhìn thấy mà đau lòng, và mang lại khổ cho nhiều người.
Bảo Thành có một người bà con, trên một đoạn đường để đi tới nơi thờ phượng, đi tới nơi tu tập, cũng con đường trong thôn làng được trải nhựa. Rồi có một anh chàng say xỉn lái xe honda thật là mạnh, thật là nhanh, phóng ùn ùn trên con đường nhỏ của thôn quê đó. Người bà con đó cũng đi sát bên lề đường như thường ngày. Thế nhưng anh xỉn kia đã tông vào cô ấy. Cô ấy đã bay lên không gian lộn 2, 3 vòng, té xuống. Và cô ta đã chết. Bảo Thành đã tới dự đám tang đó để tiễn đưa người bà con về nơi an nghỉ. Thấy rất buồn. Buồn bởi vì sinh mạng của một con người ngày nay mất đi giá trị, do chúng ta trong cuộc sống không thể tự chủ được. Trong đạo Phật, đức Phật dạy hạnh buông. Nhưng chúng ta khó có thể buông. Rất nhiều lần mỗi người chúng ta chứng kiến cảnh tang thương, chứng kiến cảnh mà những con người khác phải ra đi bởi ta làm không đúng, không tuân thủ những luật lệ. Hoặc chứng kiến những cảnh đau lòng, từ biệt nhau, bởi ta không biết buông. Hay chứng kiến cả chính bản thân của mình chết dần theo năm tháng. Chết từ tâm hạnh, chết từ sức khỏe, chết từ đời sống tinh thần và tâm linh. Buông thật khó, nhưng buông được, Phật dạy ta buông.
Có câu chuyện như vầy. Có một con diều hâu. Nó lượn trên nền trời cao. Trong lúc nó đói bụng, nó mới nghĩ: ta phải tìm gì để ăn. Ta làm diều hâu, con mắt của ta sáng. Ta có thể nhìn xa hằng trăm dặm, nghìn trùng xa cách ta cũng nhìn thấy. Nên con diều hâu này trong cơn đói bụng nó nhìn thấy được một miếng thịt ở dưới mặt đất. Nó là loài diều hâu các bạn ạ, con mắt của nó sáng dữ lắm. Và nên nhớ, đã gọi là diều hâu thì độ nhìn của nó có tầm cỡ. Trong độ nhìn có tầm cỡ mà lại quá đói nên nó không thể kềm lòng được. Nó lao vun vút xuống mặt đất, cắp được miếng thịt đó và bay bổng lên. Nhưng bởi vì sức mạnh nó lao xuống để cắp miếng thịt xuống mặt đất tạo thành một âm thanh đánh thức tất cả các loài chim xung quanh đó, loài chim to chim nhỏ, thì các loài chim đó nhìn lên trên bầu trời thấy có con diều hâu đang cắp miếng thịt thật là tươi. Thế là cả đàn, cả bầy cũng trong cơn đói đó, trong cơn đói khát đó, vùn vụt bay dí theo con diều hâu. Một số thì ngắm vào miếng thịt để xé miếng thịt ra, giành miếng thịt đó từ con diều hâu. Một số thì bắt đầu nhắm vào con diều hâu, đánh cho nó chết để mà cướp miếng thịt. Và con diều hâu kia bị cả bầy đàn nhắm vào và cảm thấy không thể tồn tại để ăn miếng thịt tươi ngon như vậy nên nó thả ra. Trong khi miếng thịt tươi rớt xuống và hàng bầy những loài chim kia xâu xé nhau cạnh nó, thì lại có một chú diều hâu lớn hơn bay đến cắp miếng thịt đó, giành được từ những chú chim nhỏ kia, lại bay đi. Nhưng cả một bầy đàn tuy nhỏ lại túm vào tấn công con diều hâu thứ hai và giành giựt miếng thịt tươi kia. Thế là anh diều hâu thứ hai cũng cảm thấy bất lực, buông bỏ miếng thịt. Miếng thịt rớt xuống, cả bầy chim nhỏ đấu đá, xé ra, tranh giành để hưởng.
Câu chuyện rất đơn giản, đức Phật dạy dù là ngụ ngôn bình thường ta thấy được trong cuộc sống. Như hình thức của con diều hâu nó buông. Bởi dù nó là diều hâu mạnh tới đâu đi nữa, con mắt của nó có tinh, có sáng tới đâu đi nữa, thì con mắt đó cũng chỉ nhìn được thấy miếng thịt tươi chứ không nhìn ra được rằng: khi cắp miếng thịt tươi này, muông thú kia sẽ dí theo và giết hại nó. Nó không nhìn thấy được xa như vậy. Nó nhìn có tầm cỡ xa để thấy miếng thịt. Nhưng nó không nhìn thấy xa trong sự tranh giành mà phải nên buông ngay lúc đầu, mà nó để cho thân nó bị đau, bị xé, bị cào, bị mổ; mà nó để cho thân nó bị tấn công đến bị thương đau đớn vô cùng; mà nó để cho muôn loài nhắm vào nó, sát hại nó, giết nó. Tưởng rằng sắp chết, tới giây phút cuối cùng nó hoảng sợ nó mới buông. Thế mà khi nó buông rồi đó, con diều hâu khác cũng chẳng nhận ra, cắm đầu xuống. Cuối cùng cũng phải buông.
Các bạn, cuộc sống của chúng ta có biết bao nhiêu điều chúng ta chấp, chấp chặt, không buông. Mà có cả người chấp cho tới hơi thở cuối cùng. Hơi thở cuối cùng nằm trên giường bệnh chờ chết rồi, mà khuôn mặt vẫn giận dữ căm thù, chấp trược vào những điều đã xảy ra trong cuộc đời. Để rồi chết mà mang theo trong tâm thức ngọn lửa cháy của sân hận, thù hằn. Trong nhà Phật, buông rất là quan trọng. Buông quan trọng vô cùng. Mà buông ngay từ đầu tức là nhận biết được nó, nhìn thấu được nó. Giả như con diều hâu nhìn thấu được rằng khi nó cắp miếng thịt đó, nó sẽ bị tranh giành và tổn hại đến sức khỏe thì nó buông. Buông ngay hoặc không lao xuống để cắp miếng thịt. Nhưng mà ở đời vốn có tâm tham, trong lúc đói khát mà con mắt nhìn thấy thì trời ơi, làm sao ta có thể cản được ta. Như con diều hâu, con mắt có thể nhìn thấy miếng thịt tươi ngon mà bụng thì quá đói, làm sao nó có thể dừng lại được. Khác biệt giữa công phu tu tập là chỗ đó. Ta không còn đói khát dù ta nhìn thấy miếng thịt tươi đang phô bày trước mặt, và người không tu, không nhìn thấy cũng đã tham, huống hồ khi thấy thì không có chuyện gì họ không làm.
Như vậy làm sao con diều hâu có thể nhìn thấy miếng thịt và còn nhìn thấy cả sự nguy hại khi bám chặt vào nó. Làm sao chúng ta nhìn thấy được sự việc ta đang chấp hoặc ta sẽ chấp nó sẽ gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần của ta. Đức Phật dạy, hãy hít vào thật sâu trong hơi thở chánh niệm. Niệm thầm chữ “Buông”. Đức Phật dạy và người ta nghĩ đơn giản vậy sao? Đúng! Phật đã thực hành, và đã chứng ngộ. Tâm không còn chấp, buông hết được, để sống hạnh phúc. Mà ngài truyền lại bí pháp để cho chúng ta tập. Ở đời phương thức càng cầu kỳ ta tưởng càng hay nhưng không phải. phương pháp càng đơn giản, càng dễ áp dụng thì là tuyệt kỹ, thì lại càng hay. Mà đơn giản nhất không bao giờ giấu giếm, đơn giản nhất mà lợi lạc cho chúng sanh thì Phật không có cất giữ và trình bày và truyền hết cho mọi người. Phương pháp thật là đơn giản: là hít vào trong hơi thở chánh niệm. Hít vào ta biết hít vào, thở ta biết thở và ta niệm thầm “buôngggg”. Và mỗi lần hít vào dù ngắn hay dài, thở ra dù ngắn hay dài, ta cũng niệm vào trong đầu “buông”. Để làm gì? Để chuẩn bị sẵn một năng lượng, một tự lực tự giác, một tha lực vốn có trong tâm niệm, chánh niệm buông đó. Khi đối đầu với sự việc xảy ra, ta chỉ cẩn hít vào thở vào niệm chữ “buông” là tâm ta nhẹ nhàng buông, không bám víu và chẳng chấp. Để khi có sự xô xát trong gia đình, vợ chồng, con cái hoặc người thân, hoặc người ngoài, với thói quen lập trình tư tưởng trong chánh niệm, ta chỉ cần hít vào, ta chỉ cần thở ra, ta chỉ cần niệm “buôngggg”. Chính vì sự ý thức mà lập trình cho mình một cách sống hoan hỷ, một cách sống biết buông và tạo điều kiện cho tâm của chúng ta thuần phục được nó, thuần hóa được nó. Ta sẽ làm chủ được hơi thở chánh niệm, để khởi nên niệm “buông”. Để ta sẽ có được con mắt thật là tinh như con diều hâu, nhìn xa hàng vạn dặm để ngăn ngừa, để biết và để buông ngay từ đầu. Chứ không để cho các loài khác tấn công, tổn hại đến thân mạng rồi mới nhận ra. Chúng ta buông ngay chứ không chờ đến giây phút cuối của cuộc đời. Giây phút đó bao nhiêu dòng nghiệp nó tràn về, nó đổ về, ta khó tự chủ để buông. Hãy thực tập ngay, thực tập ngay bây giờ để chúng ta giữ hơi thở chánh niệm mà buông.
Chúc các bạn nhẹ nhàng buông bỏ.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa