Bảo Diệu Tâm đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa
Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn đang ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook chùa Xá Lợi.
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà có biết bao nhiêu sự khác biệt luôn luôn được phát triển hằng ngày. Sự khác biệt đó, nói đến sự tăng trưởng nhận thức của con người về thế giới mà chúng ta đang sống. Tất cả mọi môn học mỗi ngày đều được mở rộng, để giúp cho chúng ta tiếp cận được với trời đất, với tâm ý, với những hoàn cảnh luôn luôn thay đổi để làm phù hợp với cuộc sống của con người. Thế nhưng, không có một sự khác biệt nào cao trọng đặc biệt hơn sự khác biệt kia. Tất cả mọi sự khác biệt đều có cái đẹp, đều có cái hay, đều là một phần của sự sống. Dù sự khác biệt đó là sự khác biệt của ngàn năm xưa còn truyền lại. Hay sự khác biệt đó là sự mới khám phá ra, phát triển trong ngày hôm nay, thuộc về hiện tại hay tương lai.
Có một câu chuyện như vầy: Một người mẹ, chở người con đi trên đường. Người mẹ này chở người con đi trên đường tới một chỗ để bỏ rác rưởi. Và khi người mẹ tới chỗ đó rồi, nói người con hãy mang bịch rác mà bỏ xuống đống rác kia. Nhưng ngày hôm đó, khi người mẹ vừa tới đó, thì xe rác công cộng cũng chạy tới. Người hốt rác chào người mẹ và chào cô bé nhỏ lấy đống rác bỏ lên xe, và lấy luôn cái bịch rác của đứa bé đang cầm ở trên tay, rồi chuẩn bị đi. Ngay lúc đó người mẹ nói với người con rằng: “Con à, mẹ đang chở con đi học, nhưng rất may mắn khi bỏ bịch rác xuống, con đã nhìn thấy, con bỏ bịch rác xuống đống rác và con đã thấy người lao phu lượm rác bỏ lên xe đi, con có thấy không? Người còn nói rằng: “Thưa mẹ con thấy”. Người mẹ nói rằng: “Con hãy cố gắng học, hôm nay mẹ chở con tới trường là để trau dồi kiến thức, trau dồi các kiến thức đó cho hay cho giỏi, để sau này con làm những nghề cao hơn như bác sĩ, luật sư hoặc những nghề kỹ sư, văn phòng chứ đừng làm biếng học để rồi phải làm nghề hốt rác như người kia”.
Câu chuyện của người mẹ nói với người con, người hốt rác, người lao phu vẫn còn ở đó nghe được, nhưng trên mặt chẳng có một nét gì gọi là buồn. Nhìn thẳng vào đôi mắt của đứa bé gái nhắn nhủ rằng: “Con ơi mẹ nói đúng rồi cố gắng học nghe”. Chỉ có thế rồi chiếc xe chở rác của những người lao phu lượm rác kia, lại lăn bánh tới những trạm khác để tiếp tục hốt rác. Riêng cô bé cảm thấy ở trong lòng hạnh phúc vô cùng bởi lời mẹ đã nhắn nhủ, và sự niềm nở của người hốt rác như nhắc cô ta rằng: hãy cố gắng với những điều gì cô ta muốn làm.
Câu chuyện ngưng ở ngay chỗ đó và nó trở nên quá bình thường, bởi mỗi ngày chúng ta thường đổ rác ra ngoài, và mỗi ngày chúng ta vẫn nhìn thấy những người lao phu quét rác ở bên đường, lượm rác ở đống rác, để dọn dẹp sạch sẽ khu phố con đường ta đi. Và biết bao nhiêu rác rưởi từ trong nhà của chúng ta, đã mang ra bỏ ở ngoài đường. Và đã biết bao nhiêu ngày tháng, những người lao phu, công nhân hốt rác kia vẫn vui vẻ tới lấy rác của ta thải ra mà mang đi, nhưng trên miệng vẫn nở nụ cười. Ngành nghề nào gọi là cao quý? Cách này hình như ai cũng đã từng nghe. Nếu không có người xuống ruộng trồng lúa, chẳng có người quét rác bên đường, hay hốt rác, làm những công việc rất bình thường như đào đất, đào lỗ, những người thợ lao công cực khổ, sửa xe, hoặc những người thậm chí còn phải hút hầm cầu, làm đường, làm phố… thì đâu có được sạch sẽ cho ta nhẹ nhàng mà đi.
Không phải chúng ta không có khuyến khích con cái mình học lên, học cao, mà điều quan trọng nhất là tất cả mọi ngành nghề, dù kiếm được nhiều tiền, dù được người ta trọng vọng hay không? thì cũng chẳng phải đó là mấu chốt mang lại hạnh phúc và sự tử tế trong cuộc đời. Người lao công hốt rác đã nghe được người mẹ dạy cho người con như thế trước mặt mình. Thay vì buồn lắm, bởi lời dạy đó là đúng, nhưng không được tử tế mấy khi trước mặt người lao công. Nói như vậy như ám chỉ rằng nghề hốt rác là hạ đẳng bình thường, đáng khinh miệt. Các bạn, tất cả mọi người trong chúng ta, không hẳn ai cũng lựa chọn ngành nghề cao quý để làm, chỉ vì đồng tiền hoặc sợ cực khổ. Mà mọi người chọn một việc làm ở trong đời, chính là bởi vì niềm vui và sự cống hiến nhận thấy trong xã hội này. Tất cả những sự việc đó, những công việc đó đều góp phần vào ý nghĩa cao cả trong cuộc đời. Đức Phật đã dạy chúng ta phải bình đẳng đối xử với mọi người, thì nhất định tất cả sự khác biệt dù cao hay thấp, bởi sự phân biệt của con người, chẳng thể làm con người đó nên tốt đẹp. Mà sự tốt đẹp ở chính trong tâm của họ suy nghĩ như thế nào? để thể hiện hành động và làm công việc đó. Tại ở nước ngoài, người ta phát triển nền giáo dục cho con cái theo sở thích và niềm vui của các trẻ. Khi họ phát hiện ra một đứa trẻ thích một ngành thể thao, thích một công việc gì đó, dù rất bình thường, nhưng chỉ cần đứa trẻ đó nó thích, đứa trẻ đó nó vui và nó mơ ước, là cha mẹ sẵn sàng đầu tư cho người con phát triển theo tiềm năng sở thích. Và vì vậy ở nước ngoài, tất cả mọi công việc đều được coi trọng. Còn có những nơi khác, chúng ta vẫn đặt quá nặng những công việc ở trên những đẳng cấp cao, làm mất đi sự quân bình. Và rồi những con người đi làm công việc cao, cố gắng, bởi cha mẹ nó chẳng thể vui. Do đó bao nhiêu những người học thật là giỏi, là kỹ sư, là tiến sĩ, thậm chí còn là những đẳng cấp, học vị, học hàm cao lắm, nhưng mà rồi đi vào xã hội, họ lại tìm được một niềm vui, chỉ là người rất bình thường phục dịch qua ngày cho những con người đi vào cuộc đời của họ.
Các bạn thân mến! Không có một ngành nghề nào cao quý và không có một pháp môn nào như Đức Phật gọi là thuộc thượng thượng cao ở trên trời, và hạ hạ thấp ở dưới? Để từ đó ta luôn luôn nói với mọi người rằng: Cái nghề này cao quý, Pháp môn này mới là đệ nhất, phải học cái này mới là hay, phải học tông phái này mới là tuyệt kỷ phải tu tập. Sự phân biệt đó không có ở trong trí tuệ của bậc giác ngộ là Đức Phật. Nhưng sự phân biệt đó được hình thành là chính vì chúng đệ tử là con người.
Khi nhìn vào chiều dài của 45 năm mà đức Phật dạy ở trên đời, người ta bắt đầu phân biệt thứ cấp, của những bài học đầu tiên thuở đầu và những bài học sau này, để rồi đặt cho nó cấp độ cao hơn. Để những ai học ở đó hãnh diện về những điều cao quý mình học nơi Đức Phật. Nhưng chúng ta có ngờ đâu, từ thuở đầu Đức Phật truyền thọ cho chúng sanh những pháp môn để tu tập, những phương thức để mà khơi nguồn sự sống hạnh phúc, chuyển hóa đau khổ phiền não, thì Ngài đã là bậc giác ngộ. Cho nên chẳng phải là trong 45 năm dạy dỗ đó. Ngài dậy từ thấp đến cao, hoặc từ cao đến thấp. Đã là bậc giác ngộ là đại giác đại ngộ, sự dạy dỗ của Ngài tùy duyên, tùy thời và tùy người phù hợp với căn cơ. Chính vì lẽ đó, mà ngày nay chúng ta có cơ hội tiếp cận được thật nhiều những lời dạy của Đức Phật, thì hãy nhớ rằng: Chúng ta phù hợp căn duyên nào, pháp môn nào, kinh kệ nào? chúng ta tu tập Pháp môn kinh kệ và đường lối đó. Chớ như người mẹ kia đứng trước mặt người lao phu hốt rác mà dạy cho con mình phải cố gắng học, còn không sau này chỉ là kẻ hốt rác mà thôi. Với cái tâm phân biệt như thế hạnh phúc chẳng thể tới, dù đứa con sau này có thể là bác sĩ hoặc luật sư.
Đó là ở đời, còn trên con đường đạo, nếu các bạn đã thâm nhập vào tri kiến của Đức Phật, sự suy nghĩ và đời sống qua giáo lý hướng dẫn của Phật rồi mà ta còn phân biệt giữa cái cao cái thấp, pháp này pháp kia, tông này tông kia, thì chúng ta không khác gì người mẹ kia. Chúng ta không phải sỉ nhục người lao phu hốt rác, mà chúng ta đang sỉ nhục chính bậc thầy cao cả là Đức Phật. Bởi Ngài đã truyền dạy phương thức đó. Ngài ứng dụng phương tiện đó và Ngài đã khai thị cho chúng sanh bằng phương pháp như vậy. Thì sao ta có thể thấy sự khác biệt? để rồi bắt đầu nói: Cái này dở, cái này thấp, cái này cao, cái này hay. Các bạn thấy không? cách suy nghĩ như thế nó không phù hợp, nó không phù hợp trong thời đại ngày nay, khi con người có đầy đủ phước báu, đón nhận biết bao nhiêu những lời giáo dưỡng của Đức Phật từ những năm đầu Ngài mới giác ngộ truyền dạy cho đến phút cuối hơi thở của Ngài không còn nữa. Tất cả những giáo trình sư phạm dạy dỗ con người và đời sống tâm linh và xã hội của Đức Phật, đều có thể ứng dụng trong mọi thời, mọi lúc, bởi đó là chân lý. Cho nên hàng Phật tử chúng ta có nhân duyên học Phật rồi, chúng ta phải tránh khỏi những hành động lỗ mãng như người mẹ kia, trước mặt người lao phu mà chê bai nghề nghiệp của họ. Chúng ta đừng chấp pháp, đừng chấp tâm, đừng chấp tông, đừng chấp phái. Hãy với lòng từ bi tuỳ theo căn duyên của mỗi người mà hấp thụ nền giáo dục của Đức Phật để canh tân sửa đổi cuộc sống, để có được hạnh phúc cho chính mình.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa