Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật- Mu A Mu Sa
Con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn.
Có lẽ trong cuộc sống này, những chuyện xảy ra hàng ngày chúng ta vẫn luôn luôn có một cái nhìn tốt đẹp, bởi nhận thấy trong sự việc xảy ra ẩn chứa một bài học, mà ai trong chúng ta cũng có thể làm mới cuộc đời bằng cách học được ở nơi đó giá trị sống. Các bạn, mỗi một đời người và mỗi một con người từ sự nhận thức đó học hỏi để rút tỉa được kinh nghiệm trong cuộc đời. Nhanh hay chậm, theo hướng tốt hay xấu sẽ làm cho mình khác biệt với mọi người và ai trong chúng ta cũng có những cách hành xử, tu học, hay những cách làm việc khác nhau. Do đó mà ít có khi nào mà chúng ta có thể áp chế cách làm việc của mình dù chúng ta nghĩ rằng nó tốt, đặt để vào người khác y khuôn như vậy mà làm việc. Muôn hình vạn trạng trong cuộc đời này, mỗi người mỗi vẻ, mỗi người có cách suy nghĩ và làm việc khác nhau. Tựu trung, dù là cách hành xử khác biệt, ý ở bên trong làm việc đó mới là quan trọng. Nhất là trên con đường tu học, cốt lõi của sự tu học và thực hành giáo lý của Phật là để đi tới sự bình an và giác ngộ, để cứu mình khỏi đau khổ phiền não và cứu vớt những chúng sanh khác theo tâm nguyện và hạnh nguyện của mình đã lựa chọn.
Có một vị tu sĩ sống lâu đời trong một khu rừng. Vị này tu với hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm – Tầm thinh cứu khổ, ông ta tìm được một chỗ là một phiến đá gần một làng nhỏ – làng này nghèo lắm. Ông ta ngồi trên phiến đá quay mặt vào ngôi làng đó bắt đầu thiền định. Chỉ một phút sau khi nhắm mắt đi vào nhập định thì ông nghe được tiếng than khóc của dân làng, hình như có người bệnh hoạn đau đớn vô cùng. Vị sư không thể ngồi đó thiền định liền đứng dậy đi vào làng và thấy được người đang bệnh. Rất may là vị sư cũng biết về ngành y, tỏ lòng thương và chăm sóc cho người bệnh đó. Sau khi chữa trị khỏi cho người bệnh vị sư lại tiếp tục ngồi trên phiến đá để tu. Khi nhập định, ông lại nghe được những tiếng thống khổ của sự tranh cãi giữa cha và con trong làng, ông lại rời phiến đá lần mò vô làng và tìm cách khuyên giải và giúp đỡ cho cha con thuận hảo trở lại bình thường. Rồi lại ngồi thiền rồi lại nhập định và rồi biết bao nhiêu chuyện trong thôn làng cứ xảy ra khi ông ngồi xuống nhập định nhập thiền. Nào là kẻ bệnh hoạn, nào là kẻ cãi nhau, cha mẹ tranh giành quyền lợi, con cái bỏ bê cha mẹ, rồi những kẻ tật nguyền sinh ra, những con người sinh ra với mảnh đời bất hạnh, những đứa mồ côi cơ nhỡ…cứ liên tục xảy ra trước mặt. Và ông sư già này luôn luôn mang cả tấm lòng của mình phục vụ những người đó. Mặc dù cái đích của ông là muốn ngồi thiền trên phiến đá, nhưng thôn làng ngay trước mặt muôn sự cứ xảy ra và ông sư cứ phải như vậy hoài nhưng ông vẫn sẵn lòng giúp đỡ với tâm rất hoan hỉ, hạnh phúc. Thế nhưng các vị sư – huynh đệ khuyên ông rằng hãy đi tìm một chỗ xa, tránh xa mọi rắc rối của cuộc đời để tu nhập định, nhập định để kiến tánh. Lúc đó mới có thể cứu vớt được chúng sanh, còn bây giờ đang khổ như vậy thì làm sao có thể. Nhưng ông vẫn tiếp tục ngồi đó để tu và rồi muôn sự trong thôn làng xảy ra nhiều trường hợp như đã kể, ông vẫn xắn tay áo lên, xả định và vào làng để giúp đỡ. Rồi có một nhóm huynh đệ trẻ tuổi hơn khuyên ông rằng: thôi hãy bỏ đi tới chỗ khác đi, đi tới chỗ xa khuất bóng người để tu, tu để nhập định chứng đắc đã. Khi đã chứng đắc rồi muốn cứu muôn loài cũng dễ thôi. Những lời khuyên như vậy đã xảy ra thật là nhiều, ông đã trả lời với tất cả lời khuyên của huynh đệ rằng: Tôi phát nguyện theo tâm hạnh của Ngài Quán Thế Âm – Tầm thinh cứu khổ, nay ngồi ở giữa cuộc đời này nhìn vào thôn làng nhập định liền nghe thấy sự thống khổ của dân làng dưới mọi hoàn cảnh nên phải xả định để đi ra cứu vớt, chia sẻ, giúp đỡ họ. Và nếu như hạnh nguyện của quan âm mà tôi đã phát nguyện đi theo để trợ lực giúp đỡ những chúng sanh đau khổ kia, nay thấy mà không giúp đỡ được cứ ngồi khư khư một mình trên phiến đá nhập định để tự mình chứng đắc thì đâu có xứng đáng phát nguyện đi theo ngài Quán Thế Âm nữa. Nghe thế các vị sư huynh đệ của ông liền lùi bước nhường lại để cho vị sư già này tiếp tục làm theo hạnh nguyện của mình.
Các bạn thân mến, đây là một câu chuyện rất bình thường. Nhưng hiện tại trong xã hội này đã có biết bao nhiêu người đã viết ra những câu được gọi là răn dạy ở trong đời hay cũng có thể là chỉ nói lên ý kiến riêng tư của mình. Có những con người lại viết ra những câu như là một bài học thể hiện chân lý rằng như cha mẹ ở nhà, như anh em ở nhà, như việc này việc kia chưa làm xong, đại khái là mình chưa lo được việc mình mà cứ vác tù và lo chuyện hàng xóm. chuyện đó là chuyện ở đời, chuyện hơn thua trong xã hội, chuyện tranh chấp từng chút xíu một, bất cứ việc gì các bạn làm đều có người thích và người không thích, đều có người hợp và người không hợp. Chân lý tựu trung là trong tâm của các bạn phát hạnh nguyện gì trên con đường tu. Đúng vậy, đã có biết bao nhiêu bạn phát nguyện sử dụng kiến thức vốn có của mình từ chỗ có tiền bởi làm ăn được, từ kiến thức về khoa học, về xã hội học, hoặc về y hoc, về thể loại này thể loại kia rồi trong cuộc sống như vậy phát nguyện hạnh như ngài Quán Âm – thương đến những người đang đau khổ, giúp đến những người đang gặp cảnh khó. Chẳng thể ngồi mãi mà tụng kinh, chẳng thể ngồi đó mà tu theo các pháp môn này pháp môn kia hoặc chẳng thể ngồi ở trong chùa khoác áo nhà tu, khoác áo cư sĩ, có pháp phục y như mọi người nhưng ít nhất trong tâm của họ đã khoác lên tâm hạnh Bồ Tát, mang khả năng vốn có để chia sẻ, san sẻ nỗi niềm đau khổ tới muôn người. Như có những người hành nghề bác sĩ chẳng hạn, họ chẳng đọc kinh ở trong chùa, chẳng nghiên cứu kinh điển mấy nhưng lại mang nghề nghiệp của mình đi làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo. Hoặc có những con người luôn luôn thể hiện lòng từ ái bằng cách mang khả năng làm ra tiền đó, tiết kiệm rồi chia sẻ giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Hoặc có những người đơn giản, họ đi giúp những cụ bà cụ ông, những người tật nguyền, những người neo đơn khổ cực, hoặc phóng sanh hoặc giúp đỡ những chúng sanh khác. Tất cả những hành động đó thể hiện tâm từ của họ bởi họ học theo đức hạnh của ngài Quán Âm.
Cũng như những vị sư trẻ hoặc những vị huynh đệ kia thường khuyên ông ta hãy tìm một chỗ yên tĩnh mà lo tu đi. Và cuộc đời cũng như thế khi biết bao nhiêu con người trong xã hội này đang lâm vào cảnh lầm than đau khổ, ta phát tâm giúp đỡ theo hạnh nguyện Quán Âm – Bồ Tát hạnh, thì luôn luôn có những vị sư huynh sư đệ, những vị tôn túc hoặc Phật tử thường nói qua nói lại là Tại sao phải làm chuyện đó? Tại sao gia đình lo cho được, bản thân lo cho được? Mà cứ đi lo chuyện này làm chuyện kia không đúng phép. Điều đó không đúng bởi vì từ xưa tới giờ giữa tinh thần của nguyên thủy và đại thừa thường luôn lý luận với nhau rằng: Nguyên thủy chỉ lo cho chứng đắc thành đạo, còn đại thừa Bồ Tát hạnh dù chưa chứng đắc nhưng mang tâm Bồ Tát, hạnh nguyện đó phục vụ quần sanh. Ở một góc độ nào đó sau khi Đức Phật tịch diệt, con người mới tranh cãi đúng và sai. Và đã là con người ai cũng luôn luôn bảo thủ tư tưởng suy nghĩ của mình.
Các bạn, chúng ta là những con người vì một nhân duyên nào đó tiếp cận tiếp cận được giáo lý của Đức Phật và mang giáo lý của Đức Phật áp dụng vào cuộc đời để chuyển hóa khổ đau cho chúng ta và cũng mang khả năng vốn có nhân duyên phước báu của mình để hỗ trợ cho biết bao nhiêu con người đau khổ khác. Tùy theo hạnh nguyện và nhân duyên tiếp cận với giáo lý của Đức Phật, mỗi một con người chúng ta sẽ nhìn ra con đường hành đạo khác biệt. Tựu trung chỉ có ta mới cảm nhận được những việc ta đang làm đều là những cảm hứng khơi nguồn cho tâm hạnh Bồ Tát, tâm hạnh từ bi của chúng ta có chỗ để trỗi dậy, có chỗ để mọc lên. Vị sư đó chọn phiến đá nhìn vào làng để có thể thấy sự đau khổ của dân làng, giúp đỡ dân làng. Cũng có những huynh đệ chọn những phiến đá ở trong rừng sâu ngồi xuống tĩnh tọa tu đến khi chứng đắc A La Hán – quả vị cao để độ đời. Nhưng ở trên cuộc sống với phước báu hoàn toàn khác biệt của chúng ta, ta không thể đánh đồng ai cũng như ai. Bởi vậy Đức Phật và Bồ Tát luôn dạy cho chúng ta phải luôn có tâm tùy hỷ – tùy hỷ trong việc làm, tùy hỷ trong suy nghĩ, tùy hỷ trong cách tu, tùy hỷ khi tương tác để chúng ta tán thán công hạnh của từng người theo tâm đức của họ, theo sự phát nguyện của họ. Đừng mang họ vào phát nguyện của ta để rồi đánh đồng tạo ra sự khác biệt trong tư tưởng suy nghĩ để có sự bàn luận đúng – sai. Phật pháp không có đúng – sai, chỉ có từ bi và hỷ xả, nó khác biệt với tâm ác thô và gây ra sự đau khổ cho người khác. Bạn có thể ngồi nhập định để chứng đắc hoặc bạn cũng có thể xắn tay áo lăn xả vào cuộc đời giúp đỡ muôn người cũng chứng đắc – chứng tâm hạnh Bồ Tát, chứng lòng từ bi, chứng được ở trong ta vẫn có một tình thương yêu rộng lớn luôn nghĩ đến muôn người. Chẳng cần ta phải thành tựu được gì hết, chỉ cần ta có tâm từ bi yêu thương để trải rộng lòng thương xót đến muôn người và với khả năng tâm hạnh vốn có là làm được gì chúng ta làm hết mình để phục vụ quần sanh phục vụ muôn người. Cảm ơn tất cả các bạn đã nghe.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.