Bảo Minh đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nguyện xin chư Phật mười phương rải năng lượng đại từ đại bi đến muôn loài chúng sanh.
Mu A Mu Sa!
Bảo Thành kính chào các bạn. Các bạn thân mến, trong cuộc sống có biết bao nhiêu điều kỳ diệu do chúng ta biết đối thoại với nhau. Khi giữa người với người chúng ta biết đối thoại, biết chia sẻ, biết lắng nghe, cuộc sống sẽ tốt đẹp nhiều lắm, sẽ hạnh phúc lắm. Có biết bao nhiêu điều chúng ta nhìn rõ để chia sẻ thì điều đó sẽ tăng trưởng phước báu và hạnh phúc. Nhưng chỉ khổ thay những điều ta chia sẻ, chúng ta đối thoại mà ta nhìn không rõ, chúng ta chấp vào nó mà cứ cho là đúng thì tạo ra nghiệp và gây ra mất đoàn kết, thương yêu nhau.
Hôm nay Bảo Thành muốn nói về chủ đề “Nhìn Cho Rõ”, phải nhìn rõ các bạn ơi! Các bạn đi mua một món hàng ở đời, ra chợ đó mà các bạn chỉ nhìn thấy sự hào nhoáng ở bên ngoài mà không thấy chất ở bên trong, vô tình các bạn mua sẽ lầm. Và về nhà rồi các bạn sẽ oán trách, khó chịu và sống không có vui. Cho nên vấn đề ở chỗ là mỗi một người chúng ta có biết nhìn rõ vào mọi hiện tượng xảy ra trong cuộc đời để chúng ta sống an vui hay không. Nhìn rõ rất quan trọng, mà Đức Phật biết bao nhiêu năm trời dạy kinh Lăng Nghiêm với mục đích duy nhất là hướng dẫn cho chúng ta phải nhìn cho thấu, nhìn cho rõ.
Có câu chuyện kể về một người đi nấu cơm đãi khách. Hôm đó khi khách tới, vị này đã nấu cơm, một nồi cơm thật là thơm, thật là ngon theo phương cách truyền thụ lâu đời của gia đình để đãi khách. Lòng của anh ta hoan hỷ vô cùng bởi đây là phương pháp tổ truyền, phương thức nấu cơm ăn rất là ngon, rất là thơm và còn hậu hĩnh hơn là đích thân của mình ra tay nấu để đãi khách. Ông ta thầm nghĩ nhất định khách sẽ ăn và sẽ khen ngon, bởi vì ông bà để lại, bởi bí kíp tổ truyền muôn đời sẽ được lưu danh bởi người khách ngày hôm nay được chính ta nấu cơm đãi. Khi cơm chín anh ta mang lên đãi khách, vị khách hoan hỷ và hạnh phúc vô cùng bởi hôm nay tới nhà bạn, bạn đã nấu cơm theo phương pháp tổ truyền của gia đình và đãi mình. Mở nồi cơm ra nhìn thấy thơm ngát ngon vô cùng. Khi người khách ăn vào thì thấy quá lạ, mới nói rằng ăn không có ngon bạn ơi, hay bạn cho tôi xin một chút muối để tôi ăn với cơm. Người bạn kia thấy buồn lắm nhưng chạy xuống bếp mang muối lên và thực sự khi người khách ăn cơm với muối thì thấy ngon vô cùng và khen, trời ơi có muối ăn thấy thật là ngon.
Các bạn cùng với Bảo Thành nghe rõ không? Người khách khen rõ ràng là có muối ăn thật là ngon. Và người chủ nhà cũng nghe rõ câu đó, rõ mồn một. Khi người khách về, người chủ nhà mới chạy xuống dưới bếp lấy tô muối để ăn, bởi nghe khách nói có muối ăn thật là ngon nên anh ta lấy cả tô muối ăn vô, khi ăn vô anh ta thấy mặn chát, mặn đắng cả cổ không có chút gì ngon hết. Thì anh ta kêu trời, muối làm sao mà ngon, mặn như vậy mà ngon gì?
Các bạn thân mến, nghe câu chuyện rồi các bạn hiểu như thế nào, ai đúng ai sai? Thì dĩ nhiên người khách nói rằng cơm ăn với một chút muối thật là ngon nhưng chỉ vì người gia chủ đó nghe không rõ tưởng rằng có muối ăn thật là ngon, có nghĩa là ăn muối thật là ngon. Và để rồi khi ăn muối nó mặn, nó chát cảm thấy khó chịu, bực bội nghĩ sai về người khách.
Cuộc sống này biết bao nhiêu chuyện đã xảy ra cho chúng ta, câu mà dân gian nói “Nhìn gà hóa cáo”nghĩa là nhìn cái này hóa ra cái kia, hoặc nghe chuyện này lại nói chuyện kia. Điều đó gây khổ, gây phiền não, gây chia rẽ và gây ra hận thù thực sự các bạn à. Lỗi đó cũng là do chính ta nhìn không rõ, nghe không rõ mà thôi. Nếu như người chủ nhà nghe thật là rõ, là cơm ăn thêm với muối sẽ ngon thì ông ta sẽ nấu cơm ăn thêm chút muối sẽ ngon; nhưng chỉ vì ông ta nói có muối ăn thật là ngon, mà người chủ nhà nghe không rõ lại không hỏi lại là có muối ăn với cơm hay là có muối ăn thật là ngon. Hiểu lầm, hiểu không rõ, nhìn lầm, nhìn không rõ nên xuống lấy cả một tô muối đổ vô trong miệng. Các bạn không tin muối ngon hay không, cứ thử lấy muối đổ vô trong miệng sẽ biết và sẽ cảm thông cho số phận của người chủ nhà. Nghe không rõ lại không hỏi.
Trong cuộc sống biết bao nhiêu những chuyện ta nghe hàng ngày, nhưng ta vẫn tôn sùng ta là cao ngất ngất đỉnh trời nên chuyện mới nghe cứ tưởng là hiểu rồi mang ra nói. Và thực tế có những lúc ta cũng không hiểu, nhưng ta không tu hạnh lắng nghe, hỏi lại cho rõ ràng để am tường hiểu được, để sống, để thực hành. Cứ vội vội vàng vàng hư hết mọi đàng gây ra khổ não cho nhau. Hãy sống chậm lại một chút, hãy biết lắng nghe và hãy biết hỏi. Khi ta biết nghe trong cuộc sống này khi đàm thoại thì cuộc sống sẽ tươi lắm. Bởi khi chúng ta biết đối thoại, biết nói chuyện với nhau bằng hạnh lắng nghe, biết trao đổi chân thật, hiểu và không để có thêm sự thông cảm. Bởi chữ yêu phải hiểu, hiểu để thông cảm để yêu thêm. Thương là phải hiểu, bởi không hiểu sao thương. Cho nên trong cuộc sống giữa tâm tình trò chuyện với nhau, giữa thân bằng, bằng quyến, giữa người thân, cha mẹ hay con cái, giữa những bạn bè trong những quán cà phê hay bên góc của cuộc đời hay quán cóc bên lề đường; thì chúng ta khi nói chuyện cũng cố gắng nghe cho rõ, không rõ chúng ta hỏi để chúng ta được thấu hiểu sự trò chuyện, chia sẻ đó, để nếu như chúng ta có nói lại cho người khác nghe, người ta nghe thật rõ ý tưởng của người kia truyền đạt để vui vẻ và hạnh phúc. Cho nên trong cuộc đời này nghe cho rõ, không rõ thì hỏi, chuyện đó thật tốt đẹp.
Và các bạn thân mến, trong cuộc sống sự tương quan giữa con người rất cần, rất cần sự tâm tình, nói chuyện với nhau. Nhất là trong thế giới ngày nay, chúng ta quá bận rộn lao khổ trong cuộc đời làm ăn kiếm tiền, ít có cơ hội nói chuyện giữa hai vợ chồng, ít có cơ hội ngồi xuống ăn bữa cơm, nói chuyện với con cái. Và khoảng trống giữa vợ chồng, con cái trong bữa cơm là chỉ ăn rồi lại làm sao vùi đầu vào trong điện thoại (phone), vùi đầu vào trong facebook, vùi đầu vào trong những chuyện của riêng tư và sự tương tác giữa vợ chồng, con không còn cơ hội để nói chuyện, để trò chuyện, để đối thoại, để chia sẻ. Nói chuyện, đối thoại, chia sẻ đã không có thì làm sao có thời gian để cho các bạn lắng nghe nhau. Và nếu như mỗi một người chúng ta không lắng nghe nhau, sự hiểu lầm, sự hiểu sai rồi để nói sai, nói lầm sẽ xảy ra thật là nhiều và dĩ nhiên sẽ gây ra phiền não, đau khổ. Nói cho thật gần thì tình nghĩa giữa vợ chồng sẽ dần bị ngăn cách, nói thêm chút nữa giữa con cái và cha mẹ sẽ không còn có sự gắn kết chặt chẽ, sự thông cảm, sự hiểu biết để tăng trưởng tình thương mái ấm của gia đình. Và dần dần chồng cũng chẳng muốn về nhà bởi ở trong nhà là một khoảng trống mênh mông giữa vợ và mình không có cơ hội nói chuyện với nhau. Và vợ cũng lê la hàng xóm bởi về nhà khoảng trống giữa chồng và vợ cũng là khoảng trống vô tận không thể tới. Con cái cũng vội vàng ăn rồi ra đi, chơi ở hàng xóm với mọi người. Để rồi giữa khoảng trống giữa vợ chồng, con cái không thể hàn gắn cũng chính vì chúng ta không biết lắng nghe và tạo một điều kiện để vợ chồng nói chuyện, tâm tình nhỏ nhẹ, lắng nghe hiểu để thương chồng, hiểu để yêu vợ, hiểu để mà thương con cái. Do đó, vợ đi đằng vợ, chồng đi đằng chồng, con cái thì chạy tán loạn mọi nơi về nhà trống trải, yêu thương không còn.
Các bạn thân mến, ý tưởng hôm nay Bảo Thành muốn chia sẻ là trong cuộc sống mà trên thế giới này đang phát triển nền công nghiệp, hiện đại hóa mọi kỹ thuật trong tương tác, cũng là lúc mà giữa gia đình, vợ chồng, con cái, giữa bạn bè chúng ta không còn đủ thời gian để ngồi xuống uống một tách trà nói chuyện tâm tình, để giao thoa trong tình cảm chân thật giữa người với người đối mặt trong cuộc sống. Giữa chồng với vợ cũng không thể ngồi lại với nhau coi một đoạn phim trên tivi, hay uống cũng một vài tách trà nói chuyện vợ chồng hay con cái, hay trong gia đình con cái cũng không còn thời gian ngồi để nói mẹ ơi, cha ơi, con hỏi cái này, con muốn biết cái kia mà mỗi người một cái điện thoại (phone) ở trên tay, mỗi người một tivi, một laptop, một ipad. Ai cũng chạy theo chiều hướng đó, căn nhà đã nhỏ mà thêm lớn, lớn là bởi khoảng trống của vợ, của chồng, của con cái, mỗi người một góc chia ba xẻ bảy, chẳng ai nhìn nhau.
Các bạn, các bạn có cảm nhận được điều Bảo Thành chia sẻ hôm nay, các bạn có cảm nhận được không? Có thể nó đã đang xảy ra trong cuộc sống của các bạn, nhưng có điều chúng ta thấy, hiểu rõ mà không thể sửa bởi cứ buông theo cảnh giới đó. Để một mai khi nó đã phát triển quá lớn rồi thì gia đình không còn gọi là tổ ấm như ông bà, cha mẹ đã thường dạy dỗ chúng ta. Gia đình là mái ấm duy nhất cho tất cả mọi người, cho vợ chồng, con cái nương náu để sống hạnh phúc. Nhưng ngày nay gia đình không còn gọi là mái ấm bởi về nhà mỗi người một góc, về nhà vợ chồng không thể nói chuyện, con cái không thể chia sẻ và bữa cơm trưa hay bữa cơm tối cũng chỉ là một bữa cơm vội vàng ăn vào thoáng qua. Vừa nhét vô miệng chưa nhai đã nuốt, bao tử nó còn đau huống chi là lòng người sao không đau. Khi về nhà cảnh gia đình chẳng ấm êm, chẳng êm ấm, chẳng vui vẻ bởi vì chỉ là nơi hội tụ sống, ăn, ngủ và chia ra mỗi người một góc.
Hy vọng các bạn hiểu được tâm ý của Bảo Thành để chúng ta cùng suy nghĩ với nhau trong đời sống hiện tại, trong đời sống văn minh. Càng văn minh thì chúng ta càng phải tư duy để ứng dụng nền văn minh của xã hội, phục vụ cho đời sống của mình, để đời sống thêm hạnh phúc. Càng văn minh thì chúng ta càng cần phải biết ngồi lại với nhau trong một gia đình nhỏ bé; giữa hai vợ chồng phải biết nói chuyện với nhau để thông cảm, giữa con cái và cha mẹ phải biết nói chuyện với nhau để sống bình an. Đặc biệt nhất là giữa hai vợ chồng phải biết chia sẻ, phải biết chia sẻ tất cả mọi góc cạnh trong cuộc sống, vui buồn, sướng khổ, để cuộc sống thêm vui, để nhà là tổ ấm cho con cái trở về như câu “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Gia đình vẫn là cái ao để mọi người trở tắm bởi ao đó là ao của nhà mình.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa!