Bảo Giác Tường đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Trái tim có một lăng kính lớn Lọc bẩn dơ tranh chấp thiệt hơn Đầy trong ấy tình người chan chứa Trái tim nhìn, chỉ thấy yêu thương
Mô Phật! Bảo Thành xin kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh Youtube “Thất Bảo Huyền Môn” và trên kênh Facebook “Chua Xa Loi”.
Hôm nay ngày thứ 7, ngày lễ về cha, trong pháp thoại đời sống chánh niệm, chúng ta lại gặp nhau. Giờ đây mời các bạn cùng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo, cùng với Bảo Thành hồi hướng công đức buổi đồng tu này tới tất cả những đấng sinh thành là cha trên thế giới này luôn được an lạc, hạnh phúc, bình an và sức khỏe, tự tại và tinh tấn tu hành; cũng nghĩ và hồi hướng tới những đấng sinh thành là cha đã từ bỏ cõi trần gian này đón nhận được thật nhiều năng lượng, gặp được Phật Pháp Tăng, tái sanh về cảnh thiện lành. Hãy cùng với Bảo Thành, chúng ta nhất tâm hướng tới cha, đồng trì Đại Bi Chú, Vãn Sanh Chú và Thất Bảo Huyền Môn. Chúng ta hãy bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (03 lần)
Chú Đại Bi (01 biến):
Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát. (03 lần)
Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm đà la ni, nam-mô hắc ra đát na, đá ra dạ da. Nam-mô a rị da, bà lô yết-đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da. Ma-ha-tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa. Nam-mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da bà lô Yết-đế, thất Phật ra lăng đà bà. Nam-mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà đà, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, câu lô câu lô kiết mông, độ lô độ lô phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Ma mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê y hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá ra, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì, địa rị sắt ni na, ba dạ ma na ta-bà ha, tất đà dạ ta-bà ha. Ma ha tất đà dạ ta-bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì ta-bà ha. Ma ra na ra ta-bà ha. Tất ra tăng a mục khư da, ta-bà ha. Ta-bà ma ha, a tất đà dạ ta-bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ ta-bà ha. Ba đà ma kiết tất đà dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì bàn dà ra dạ ta-bà ha. Ma bà rị thắng yết ra dạ, ta-bà ha. Nam-mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam-mô a rị da bà lô Yết-đế thước bàn ra dạ, ta-bà ha.
Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt đà dạ ta bà ha. (03 lần)
Chú Vãng Sanh (03 biến):
Nam mô a di đa bà dạ
Ða tha dà đa dạ
Ða điệt dạ tha
A di rị đô bà tỳ
A di rị đa tất đam bà tỳ
A di rị đa tỳ ca lan đế
A di rị đa tỳ ca lan đa
Dà di nị, dà dà na
Chỉ đa ca lệ ta bà ha.
Thất Bảo Huyền Môn (01 biến):
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Ma Sa Ốp Uê.
Sa Bi Mô U.
Sa U Sa U Ba Thê Um.
NamMô SaKa PuốtTế, NamMô SaKa PuốtTế.
Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.
Mô Phật! Hôm nay ngày thứ 7, Sống Trong Chánh Niệm là khởi đầu của cuối tuần, để cho chúng ta đón nhận thật nhiều, thật nhiều năng lượng, tình yêu thương của Chư Phật tới với chúng ta. Chúng ta cũng tĩnh tọa, sàng lọc năng lượng lui tới trong cuộc đời. Sống Trong Chánh Niệm là sống tươi, sống vui, sống hạnh phúc, sống bình an, sống đúng chân lý của Đức Phật truyền dạy, sống ý nghĩa, sống yêu thương, sống để san sẻ, sống để mà chúng ta đẩy lùi đi bao nhiêu nhọc nhằn đau khổ phiền muộn trong cuộc đời, sống để tươi cười, cười cho hạnh phúc, cho đời nở hoa. Các bạn! Hôm nay Bảo Thành thật là vui, bởi ngày hôm nay cũng là ngày chúng ta kỷ niệm ngày lễ về cha – Father’s Day, ngày lễ về cha, tạ ơn cha. Và chủ đề các bạn gửi về hình như có sự trùng hợp hay không trùng hợp chẳng biết, nhưng cứ đưa chủ đề này để nói về cha, chắc có lẽ cũng sẽ rất là hay.
Chủ đề “Nhìn Bằng Trái Tim”, nếu nói theo khoa học, chúng ta sẽ cười, trái tim đâu có mắt để nhìn. Con mắt mới có chức năng nhìn thấy, còn trái tim đâu có chức năng để nhìn. Vậy thì chủ đề “Nhìn Bằng Trái Tim” hình như không có ý nghĩa!? Khoa học vẫn nói như thế, nhưng đối với đời sống tâm linh, tất cả mọi nơi trên cơ thể của chúng ta, từng tế bào, từng giác quan, nếu chúng ta giữ được trạng thái tâm thanh tịnh tuyệt đối, thì mọi giác quan và tế bào đều có khả năng làm việc như nhau – đồng nhất thể. Đây có lẽ là một lý lẽ cao siêu khó giải thích, nhưng đâu cần phải đi miên man vào chiều sâu lý luận là trái tim biết nhìn. Nếu mang đời sống chân thật của chúng ta, chúng ta thử nhận diện nó, sẽ thấy được điều đặc biệt là giữa cái nhìn của con mắt và trái tim gắn kết với nhau. Nhìn thấy một cảnh đẹp, tinh thần sảng khoái, trái tim cũng nhảy nhộn nhịp; nhìn thấy được cha được mẹ sau bao nhiêu ngày xa cách, trái tim hình như cũng nhảy, nó cũng muốn thể hiện rằng nó cũng nhìn thấy cha thấy mẹ, nhìn thấy người yêu thương, nhìn thấy cảnh này vật kia. Trái tim nó đồng hành với cái nhìn, cái nhìn hài lòng đẹp trong mơ ước, mong ước, trái tim rộn ràng nhộn nhịp. Cái nhìn sợ hãi, lo âu, phiền muộn, trái tim cũng hồi hộp. Trái tim và con mắt có sự liên hệ mật thiết, cho nên người ta mới gọi là “Mắt thương nhìn cuộc đời”. Chữ “thương” ở đây nó gắn bằng trái tim, mà trong pháp thiền ta thường tu là từ bi trí tuệ, nhìn bằng tâm từ bi. Con mắt nó có tầm nhìn của mắt, trái tim có tầm nhìn của tâm từ bi, trí tuệ nói đến não bộ suy nghĩ, từ bi nói đến sự cảm động của trái tim, cảm xúc của trái tim. Cho nên từ bi và trí tuệ luôn song hành, nhìn bằng con mắt, bằng não bộ, bằng trí tuệ và có tầm nhìn bằng trái tim của sự rung cảm, cảm động, để cảm thông với muôn người trước oan trái.
Chúng ta nhớ Đức Phật là bậc đại trí có trí tuệ, nhưng không phải như vậy mà trái tim của Ngài không còn nhìn để rung động với mọi cảnh trong cuộc đời. Từ những cảnh cơ hàn của cuộc đời nơi mỗi một chúng sanh, Ngài có sự rung động. Chúng sanh khổ, Ngài khổ nhưng không khổ. Khổ ở đây là Ngài có sự rung động của cái khổ. Chúng sanh buồn Ngài có sự rung động của cái buồn, thông cảm, đồng cảm để thấu hiểu được mọi tâm cảm của chúng sanh. Cho nên Ngài vẫn nhìn bằng trái tim. Các bạn đừng tranh luận trái tim không có mắt. Trái tim có sự rung động của nó khi gắn kết với con mắt và liên lạc với tâm thức của não bộ, trí tuệ để suy nghĩ. Thế nên có một thuở Đức Phật đi ở trong khu rừng, bậc trí tuệ nhìn thấy đống xương mà còn rung động nơi trái tim, khóc ròng, thương, nhớ về những người đã mất chẳng ai chôn, phơi xác trên rừng hoang, xương trơ trọi. Đó chính là cái nhìn bằng con mắt xuyên qua cái nhìn của tâm từ bi mà những giọt lệ đã rơi xuống. Rồi trên những đoạn đường đi hoằng pháp, gặp biết bao nhiêu cảnh, Ngài cũng nhìn bằng trái tim để thông cảm, trái tim để đồng một nhịp rung động với mọi chúng sanh trong những cảm xúc đời thường của con người. Ngài chẳng lìa thế gian để giảng đạo, xuất thế gian, Ngài mang chân lý xuất thế gian nhập vào trong thế gian, đồng hành với muôn người, đồng nhịp với trái tim và đồng cảnh, đồng ảnh với con mắt của thế gian để tương đồng với tất cả căn duyên, nghiệp thức của chúng sanh. Mục đích duy nhất là để dẫn đường khai thị cho chúng ta.
Nhìn bằng trái tim rất quan trọng trong cuộc sống. Nếu trên đời cứ mang lý lẽ, giới luật, hoặc mang luật lệ ra mà đối xử với nhau thì cuộc đời có lẽ sẽ khô và rạn nứt, chẳng có sự sống như sa mạc mà thôi. Giữa cái lý phải có cái tình, giữa cái nhìn nhận thức phải có sự cảm nhận của trái tim. Trái tim của chúng ta có nhịp đập, có những cung bậc của cảm xúc rất chân thật. Bởi trái tim không hề nói dối, không hề dối chúng ta. Trái tim rất chân thật, có độ rung của cảm xúc một cách chân thực đến mức mà đôi khi nếu chúng ta chỉ theo cái nhìn của con mắt, ta sẽ bị lầm lạc. Nếu chúng ta lắng nghe cái nhìn của trái tim, ta sẽ thấy được chân thật những điều ta đang nhận diện trong cuộc đời. Do đó, cái nhìn của con mắt là con mắt của trí tuệ, và cái nhìn của con mắt là con mắt của tình thương và thông cảm của từ bi luôn luôn là một. Ai ở trên đời này nhìn cái lý và cái tình luôn luôn hài hòa với nhau, hai mà là một, một mà là hai.
Hôm nay chúng ta, ngày lễ về cha, chủ đề “Nhìn Bằng Trái Tim”, Nhìn Bằng Trái Tim để chúng ta hiểu thấu được tình của cha mình. Cuộc đời của chúng ta, người mẹ là đấng sanh nên chúng ta, người mẹ là đấng gần gũi với chúng ta. Mẹ là đấng luôn luôn chăm sóc, mẹ là đấng gắn trái tim của người vào với ta. Nhịp đập của mẹ là nhịp đập của trái tim ta, hơi thở của mẹ là hơi thở của ta, suy nghĩ của mẹ là suy nghĩ của ta. Mẹ và ta đồng nhất thể là một, bởi vậy ta chỉ cảm nhận được tình yêu và sự gắn kết với mẹ mật thiết và rất rất mật thiết không ngăn ngại. Và rồi ai trong chúng ta cũng nhìn một đấng sinh thành khác là cha, vững chãi như Thái Sơn, sừng sững giữa đời, như để chỗ ta dựa lưng vào, như là chỗ để ta nương vào để tồn tại sống. Nhưng cảm xúc của tình cha hình như thực sự, nói cho rõ, ít ai có tần suất, cảm xúc với cha gắn kết như đối với mẹ. Nếu nói về tình thì ta hay nói về mẹ, còn về cha chắc ít bởi cha lúc nào cũng tịnh tĩnh như núi. Và đôi khi chính vì thế mà chúng ta không nhìn thấu được cái tình của người cha đối xử với chúng ta. Và nếu nói về cha, hai chữ “nghiêm khắc” nó hiện rõ; nói về mẹ hai chữ “tình yêu” lênh láng như biển trời. Và hầu hết phận làm con chúng ta gần gũi mẹ dễ hơn là gần với cha, bởi cha lúc nào cũng trang nghiêm, cha lúc nào mặt hùng dũng, và cha lúc nào cũng nghiêm nghị trong những luật và chân lý sống ở đời. Do đó phận làm con tới với cha khó hơn tới với mẹ và cũng từ đó mà chúng ta nhìn bằng con mắt đối với cha mà chẳng nhìn bằng trái tim để thấy được cha cũng có một khối tình yêu lênh láng như biển trời giống mẹ, để thấy được cha cũng có tình yêu và sự rung động, rung cảm cùng tần số với chúng ta trong mọi góc cạnh của cuộc đời, trong mọi cảm xúc. Và cha cũng là đấng luôn luôn đồng cảm, thông cảm và đồng hành cùng chúng ta như một cách ẩn dật hơn. Ngài ẩn thân để độ cho chúng ta, để dìu bước chúng ta, để dẫn dắt, để hướng dẫn, để ta nương vào ngài để chúng ta sống, trưởng thành, vững chãi.
Ngày của cha, ta nói về cha một chút, ta nói về cha một chút nữa cho cuộc đời của ta đẹp hơn, nở hoa. Ngày về cha, hãy nghĩ về cha thêm một chút nữa, để thấy rằng cha như núi Thái Sơn, nhưng cha có trái tim biết rung động với tình cảm của chúng ta. Để chúng ta nhìn cha bằng sự rung động của trái tim chân thật, để thấu được tình cha luôn luôn tràn đầy, đầy ắp, ban và hiến tặng cho chúng ta. Cha rất đặc biệt trong cuộc đời. Bảo Thành như các bạn thôi, có một người cha. Cha của Bảo Thành, khi mà Bảo Thành đi ra nước ngoài, mẹ mất rồi, cha ở một mình à, bao nhiêu lần người thân trong gia đình muốn bảo lãnh cha qua bên nước ngoài, nhưng cha không đi, cha chỉ nói một câu rằng cha đã lớn tuổi, cha an phận ở đời, cha không muốn qua bên đó làm cho các con bận rộn lo lắng. Nhưng nếu thấu hiểu, nhìn bằng trái tim biết rung động, ta thấy rằng cha của Bảo Thành rất thương các con, muốn cho các con bình an, không vướng víu để bước lên những điều mơ ước, thành tựu những điều ước nguyện, nên cam phận sống một mình trong niềm hạnh phúc hướng về các con trưởng thành hơn. Cho nên mấy mươi năm trời sống một mình, cô cút một mình nhưng chẳng có cô đơn, sầu muộn, một mình đó mà lúc nào cũng hạnh phúc, bởi trái tim của cha dành cho tất cả các con của cha. 95 tuổi, Bảo Thành còn nhớ, ông vẫn tươi cười. Hầu hết khi ở tuổi 95 là già lụ khụ rồi, nhưng ông cụ khỏe lắm, chẳng cần con cháu ở gần, chỉ cần con cháu cứ đi theo con đường đức hạnh của tổ tông, ông bà cha mẹ, giữ đúng phẩm hạnh làm người để ngẩng đầu mà đi, không phải cúi đầu xấu hổ, đó là cha đã vui. Và thật nhiều lần đi về thăm ông cụ, thấy ông cụ thật vui. Nếu nhìn bằng sự nghiêm nghị của người cha, ta chẳng thấu được tình cha đâu, cho nên nhìn bằng trái tim để rung động với cha, ta mới thấy được sự hy sinh, sự hiến dâng trọn vẹn cuộc đời cho những người con một cách ẩn dật mà chỉ có những người con nào khéo lắm mới cảm nhận được tình của cha, còn không chúng ta chỉ cảm nhận được tình của mẹ. Tình mẹ lúc nào cũng như biển trời ôm ấp, che chở, gần gũi; còn cha lẳng lặng như Thái Sơn đứng ở xa, nhưng nếu không có cha, ta nhất định sẽ khổ muôn đời.
Đó là nói về người cha của chúng ta, chúng ta hãy nói về người cha của Đức Phật là vua Tịnh Phạn. Đức Phật có nghĩ về cha của mình là vua Tịnh Phạn không, hay Đức Phật chỉ nhìn người cha của mình bằng ánh mắt của trí tuệ? Đức Phật có nhìn cha của mình là vua Tịnh Phạn bằng trái tim, bằng từ bi. Chính Ngài nhìn cha của mình bằng ánh mắt của từ bi, bằng trái tim biết rung động với những cung bậc cảm xúc của con người, mà thật nhiều lần trong cuộc đời, Đức Phật đã trở về nhà, tìm đủ mọi phương tiện để hóa độ cha của mình theo con đường giác ngộ. Ngay cả giây phút cuối của cuộc đời, Đức Phật cũng tới ngồi kề cạnh khai thị để cha của mình ngộ được chân lý sống, buông bỏ tất cả mà được nhẹ nhàng tung bay trên cõi trời cao rộng của tâm thức, không còn dính mắc bởi cảnh trần bon chen, tranh đua. Đức Phật lúc nào cũng có tấm lòng hiếu thảo với cha và mẹ. Và Ngài nhìn đấng bậc sinh thành bằng trái tim, bằng sự rung động, bằng tình yêu thương chân thật. Chúng ta, những người đệ tử của Phật, chúng ta là Phật tử, chúng ta quy y hoặc chưa quy y, ít nhiều chúng ta cũng học được giáo lý của Phật, chúng ta phải học theo cách của Phật nhìn bằng trái tim khi trực diện với cha của mình, để thấy rằng cha của chúng ta ngoài trí tuệ, kiến thức ở đời, cũng có một trái tim biết rung động với chúng ta, biết thông cảm với chúng ta và đồng cảm xúc với chúng ta. Hãy thay đổi quan niệm của cuộc sống, đừng nghĩ rằng chỉ có mẹ yêu thương mình mà cha không yêu. Hầu hết chúng ta khi thuở nhỏ hay vướng vào suy nghĩ như vậy, Bảo Thành bị vướng vào suy nghĩ đó khi nghĩ rằng mẹ thương yêu, còn cha chẳng thương yêu. Bởi cha ít nói, bởi cha không bao giờ nói nhiều, cha chỉ thầm lặng làm và hỗ trợ chúng ta mà thôi.
Càng nói càng nhớ về cha của mình. Ngày hôm nay là ngày của cha, cũng như các bạn nhớ về cha của các bạn. Bài hát lúc đầu mở lên cho ngày lễ của cha, con trở về đây, dưới những căn nhà hoang vắng bốn bức tường chẳng còn, ly cà phê hoặc những món ăn nào năm đó, cha vẫn gọi ta tới ăn cùng nay có còn đâu, đìu hiu cô vắng. Bởi cha Bảo Thành đã mất nên bài hát này chứa đựng nhiều ân tình và cảm xúc, nó thấm vào trong trái tim, nó làm rung động thật sự khi nghĩ về cha, thì cha đã chẳng còn trong cuộc đời. Chính lúc mà thân xác của cha không còn hiện hữu trên cuộc đời này nữa, mà ta không thể nhìn thấy cha của mình, ta không thể nhìn thấy ngài bằng con mắt này, thì chỉ còn có trái tim mới thấy được cha. Trái tim mới rung động với tình của cha mà thôi. Con mắt còn có thể nhìn nhưng mà nhìn đâu, nhìn đâu để thấy cha, cha ơi cha đâu rồi, cha đâu hỡi, không thấy cha được nữa đâu. Nhưng trong trái tim của chúng ta vẫn thấy được cha, còn đối với các bạn, ai còn tràn đầy phước báu, còn có cha hiện diện trong cuộc đời, ta nhớ hãy nhìn cha bằng trái tim yêu thương, thì nó sẽ trở nên dung thông viên mãn hơn, thay vì nhìn cha chỉ bằng con mắt. Ngoài sự phân biệt của cái nhìn của con mắt, cần phải rung động với cái nhìn của trái tim, thì bạn sẽ thấu hiểu được tình cha thương yêu bạn như thế nào. Nếu cha còn sống trong cuộc đời, hãy nhìn cha bằng trái tim để chúng ta hiểu, hiểu thấu được tình cha đối xử với chúng ta cao vời như Thái Sơn, ân nghĩa ấy chẳng thể trả hết được. Hãy nhìn cha bằng trái tim trong cuộc đời. Và hãy nhìn nhau bằng trái tim nữa để không những chúng ta thấy cha ở trong cha mà chúng ta thấy cha trong tất cả mọi chúng sanh, mọi con người đang sống chung với chúng ta, để chúng ta thấu hiểu được tình cha hiện thân, ẩn thân trong cuộc đời nơi mọi góc cạnh của cuộc sống. Có như vậy, ta luôn tràn đầy yêu thương, chẳng còn nghi kị, chẳng còn bon chen, chẳng còn chấp trược, chúng ta dễ phá tan tất cả những sự chướng ngại trong cuộc đời để đi tới dung hòa với muôn người trong tình yêu thương thật sự của nhịp đập con tim biết yêu thương và nhìn bằng tâm từ bi.
Các bạn! Ngày của cha, Đức Phật hiếu thảo với cha, Phật nhìn cha bằng tình yêu thương chân thật. Và có một suy nghĩ khác mà Bảo Thành gợi ý, chúng ta hãy nhìn Phật như người cha của mình. Đừng khi nào nhìn Phật như một đấng toàn năng, ban thưởng, trừng phạt, đừng nhìn Phật như một đấng tôn nghiêm quá để chúng ta xa và sợ. Hãy nhìn Phật như người cha yêu dấu của chúng ta. Hãy nhìn Phật như người cha và nhìn Phật bằng trái tim biết rung động để thấu rằng Đức Phật cũng rung động với từng cung bậc cảm xúc của chúng ta, Ngài sẵn sàng đồng hành với cảm xúc phàm phu của chúng ta như người cha để dắt dìu, như người cha để chúng ta nương dựa vào Ngài để vững bước trong cuộc đời. Nếu nhìn bằng trái tim của con người như thế để nhận ra Đức Phật là cha của chúng ta, thì chúng ta thật dễ tiếp xúc, gần gũi, tâm sự và nói chuyện, đón nhận lời giáo huấn của Ngài. Còn nếu chúng ta đặt để Đức Phật như một đấng tối cao ở trên trời, thì nó xa, xa như giữa đất với trời, mà chúng ta biết rồi, gần đất xa trời thật nguy hiểm. Chúng ta phải gần luôn trời, gần luôn thiên địa, hợp nhất với thiên địa, cho nên, ta phải gần cha, ta phải gần Phật, ta phải nhìn Phật như người cha yêu thương, là đấng sanh nên chúng ta, không phải sanh nên thân xác này, mà là đấng đã tái sanh chúng ta, tái sanh chúng ta trở lại với dòng pháp vũ, dòng giáo pháp của Ngài. Nhờ Ngài, nhờ giáo pháp của ngài, nhờ sự giác ngộ của Ngài khai thị, mà ta được tái sanh trở lại, không còn luân hồi trong trầm luân đau khổ, ta tái sanh và viết lên trang sử mới của tâm Phật trong sạch.
Hãy nhận Phật là cha, hãy tới với Phật như tới với cha của chúng ta để được che chở, để được ôm ấp, để được dắt dìu, để được hướng dẫn và được giáo dục để ta trưởng thành có đầy đủ trí tuệ và kiến thức Phật học để giải thoát tất cả những điều ta đang vướng mắc, không hiểu và để chúng ta chuyển hóa những tâm tham sân si vượt lên trên để được thanh thoát và nhẹ nhàng. Đức Phật là cha của chúng ta, và cha của chúng ta có sự hiện thân của Đức Phật trong cuộc đời của các ngài. Đúng, nếu các bạn quán chiếu đúng như lời Đức Phật dạy, hoặc đúng như Ngài Phổ Hiền dạy, chúng ta sẽ có cơ hội được thấy được Đức Phật trong tâm tướng của cha mình, thấy được Đức Phật trong mọi hành vi, lời nói, đời sống của cha mình. Nhưng mà phải thanh tịnh, phải nhìn bằng tâm từ bi, phải nhìn bằng trái tim. Trái tim từ bi của chúng ta có khả năng nhìn thấu mọi ngăn ngại, vượt qua mọi ngăn ngại để chạm vào tình thương chân thật của cha. Chúng ta nếu nhìn thấy, vượt qua mọi ngăn ngại, chúng ta sẽ chạm được tà áo của Như Lai trong cuộc sống của cha mình, vượt qua những ý nghĩa, tư tưởng, cách sống tầm thường nơi người cha để nhìn thấu được cách sống phi thường của Đức Phật ẩn hiện trong tình thương, nơi trái tim của cha mình.
Nhìn bằng trái tim để thấu hiểu được tình cha, bởi làm sao, bởi trái tim có một lăng kính thật lớn, lọc bẩn dơ, tranh chấp thiệt hơn. Đầy trong trái tim của chúng ta là tình người chan chứa, trái tim nhìn chỉ thấy yêu thương, trái tim chỉ nhìn thấy yêu thương, không nhìn thấy hận thù. Cho nên trái tim có một lăng kính thật lớn, để nhìn thấu, nhìn rõ và nhìn thấy trọn vẹn; và trái tim nhờ lăng kính lớn đó mà nó lọc bẩn dơ, tranh chấp thiệt hơn trong cuộc đời. Để rồi ta nhận diện ra rằng trong trái tim ấy, nó đầy ắp tình người, nó chan chứa tình người, và chỉ có yêu thương mà thôi. Nếu như chúng ta biết nhìn cha của mình bằng trái tim, bằng lăng kính của tình yêu, bằng lăng kính của lòng hiếu hạnh hiếu đức, thì nhất định trái tim của chúng ta có khả năng lọc mọi dơ bẩn của cuộc đời, những tranh chấp thiệt hơn trong thế gian để thấy được chính trong trái tim của chúng ta, tình người nó chan chứa, nó đầy ắp, để thấy được trong trái tim của chúng ta, ta nhìn cuộc đời bằng tình yêu mà thôi. Đau khổ tới là vì ta thiếu đi cái nhìn của trái tim, lăng kính của tình yêu, ta chỉ nhìn bằng sự phán xét hơn thua của tranh chấp, của con mắt phàm phu soi mói và xỉa xói. Nhưng nếu chúng ta nhìn bằng lăng kính của tình yêu, mọi sự chướng ngại trong cuộc đời sẽ tiêu tan, ta sẽ nhận ra được chân giá trị của tình người và ta sẽ nhận ra được chân giá trị của tình cha. Nhìn bằng trái tim để hiểu thấu được tình cha, bởi trái tim có lăng kính thật lớn, nó lọc sạch mọi dơ bẩn, tranh chấp, thiệt hơn trong cuộc đời; để chúng ta nhận thấy được trong trái tim của chúng ta nó đầy ắp và chan chứa tình người, và trái tim của chúng ta chỉ luôn luôn biết nhìn nhau bằng tình thương mà thôi.
Ngày của cha, ta luôn nhớ về cha, cha ở trên cõi trời, cha đã tái sanh vào cảnh giới nào, con cũng luôn luôn thầm nguyện hồi hướng nghĩ về cha, luôn luôn nhìn cha bằng trái tim biết rung động với từng cung bậc của cuộc đời và hồi hướng đến cha những năng lượng siêu thế nhất của lòng từ bi, trí tuệ nơi của Phật. Và đối với cha, cha còn hiện hữu trong cuộc đời này, chúng con luôn nghĩ về cha và hồi hướng cho cha tăng long phước thọ, khỏe mạnh, vui vẻ, hạnh phúc, sống lâu bền với con cháu, sống tươi vui, sống để ánh mắt của cha chan chứa tình thương, để trái tim của cha là biển trời con có thể bơi vào trong đó, tận hưởng được từng giây phút đang sống giữa lòng đời với người. Chúng con rất yêu cha, chúng con rất thương và nhớ đến cha. Nguyện chúc cho tất cả người cha trên thế gian này luôn luôn hạnh phúc và bình an, tinh tấn, đi theo con đường của Đức Phật, để trở thành Thái Sơn hùng vĩ, vững chãi muôn đời, cho chúng con nương vào cha để tồn tại và vươn lên. Ngày của cha, nguyện chúc cho tất cả mọi người được bình an và hạnh phúc, cùng tận hưởng hạnh phúc, và nhìn cha của mình bằng trái tim để thấu hiểu được tình cha của chúng ta. Happy Father’s Day, chúc mừng tất cả những người cha trên thế gian này. Mô Phật!
Phần giao lưu:
Mô Phật! Bảo Thành nghe coi có bạn bè hoặc các bạn đồng tu có chia sẻ thêm gì về ngày của cha hoặc bài pháp ngày hôm nay hay không.Phật tử Bảo Nghy: Dạ thưa Thầy, con Bảo Nghy kính đảnh lễ Thầy, quý Thầy và quý Sư Cô. Kính chào các bạn. Con có thấy vài lời cảm ơn gửi đến Thầy, cảm ơn Thầy khai thị và nhân ngày lễ cha, chúng con là những đệ tử của Thầy và chúng con được Thầy dẫn dắt trong thời gian vừa qua, chúng con xin kính chúc Thầy một ngày lễ cha thật là vui và thật nhiều hạnh phúc, để nhìn thấy những đứa con của Thầy ngày càng tinh tiến hơn trong con đường tu tập, và mỗi ngày đều có sự kết nối với Thầy, có sự kết nối với chư Thầy, chư Phật để tạo được nhiều phước báu cho mình và lan tỏa tình yêu thương đến với tất cả mọi người. Con kính chúc Thầy một ngày lễ cha thật hạnh phúc ạ.
Thầy Bảo Thành: Mô Phật! Cảm ơn con.
Phật tử Thanh Hà: Dạ Thưa Thầy! Con xin kính chào Thầy, kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu. Hôm nay là ngày lễ cha, qua bài dạy của Thầy và cũng nhân dịp này, con xin kính chúc Thầy là một người cha tinh thần của chúng con đã dìu dắt chúng con thời gian qua trên bước đường tu tập, con không có gì hơn, xin kính chúc Thầy – sư phụ – người cha một ngày của cha thật an ổn, vui vẻ, sức khỏe, thân tâm an lạc và cũng như kính chúc tất cả các người cha cùng đồng tu với chúng con thời gian qua có được một ngày khóa tu thật hạnh phúc ấm êm, an ổn và sức khỏe. A Di Đà Phật!
Thầy Bảo Thành: Mô Phật! Dạ Bảo Thành cảm ơn cô Hà và cũng chúc tất cả mọi người cha được an bình, hạnh phúc. Đặc biệt là chúc cho cậu – người cha mà Bảo Thành đã được quen, một người rất trung can, có tinh thần dũng mãnh như núi Thái Sơn, lúc nào cũng an vui, vững chãi, và là chỗ dựa cho tất cả con cháu cũng như những người thân quen của mình. Cảm ơn cô.
Phật tử Thanh Hà: Dạ con xin đáp tạ Thầy. A Di Đà Phật!
Chắc có lẽ không còn ai chia sẻ, hoặc đang nghĩ về cha của mình. Vậy Bảo Thành xin kết thúc ở đây, và chúng ta xin hồi hướng cho tất cả những người cha trên thế giới này luôn tràn đầy phúc lạc, và luôn luôn là Thái Sơn để cho tất cả những người con nương dựa vào mà thành công trong cuộc đời. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Con xin Chư Phật chứng minh cho chúng con. Mô Phật!