Tâm Sĩ đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển Đại Từ Đại Bi tới muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và trên Facebook Chùa Xá Lợi.
Các bạn thân mến,
Suy nghĩ về cuộc đời đôi khi thấy tức cười, bởi có biết bao nhiêu việc chúng ta muốn nắm giữ trong tay, nhưng nó cứ vuột mất. Còn biết bao nhiêu sự việc chúng ta muốn buông bỏ, nhưng nó cứ dính mãi ở trong lòng. Nó dai dẵng đeo đuổi như bóng ma chập chờn, xua đuổi hoài mà không hết, đẩy ra hoài mà nó cứ gần ngay trong trái tim. Chắc chắn Bảo Thành và các bạn đã từng có những sự trải nghiệm như thế.
Có bao nhiêu những sự việc đã xảy ra trong các mối giao hảo của cuộc đời, như làm việc, công ăn việc làm, tương tác cuộc sống, giao tế xã hội và ngay cả trong gia đình, giữa vợ chồng và Cha Mẹ. Có những chuyện chúng ta thực sự muốn quên đi, nhưng quên không được, muốn buông đi để làm lại từ đầu, nhưng không sao buông được, canh cánh ở trong lòng. Muốn buông hoàn toàn khó lắm, để rồi dẫn đến một câu chuyện thật là rõ ràng.
Có một cô gái kia, cô ta đau khổ vì gặp nhiều chuyện, mà cô ta muốn thực sự quên đi, buông bỏ, nhưng không sao làm được. Cô gặp một vị Thiền Sư trong một am nhỏ bên sườn núi. Cô nói với vị Thiền sư rằng: Thưa Thiền sư, ở trong cuộc đời của con, ngắn vì con còn trẻ, vậy mà con đã gặp không biết bao nhiêu là chuyện buồn. Con muốn buông bỏ, quên, nhưng con không sao làm được thưa Thiền sư, xin Thiền sư chỉ cách. Thiền sư rất lịch sự, bởi Ngài là Thiền sư, không có chuyện gì làm cho Ngài hoảng hốt sợ hãi. Ngài bình tĩnh đưa một tách trà cho cô gái. Cô ta cầm trên tay, rồi Ngài dùng một bình trà nước nóng, bắt đầu đổ từ từ vô cái tách. Ngài đổ rất vô tư
Cô gái theo dõi hành động của vị Thiền sư, để coi coi Ngài muốn dạy cho cô cái gì đây. Vị Thiền sư cứ đổ nước, đổ nước, đổ nước, đến khi nước nóng quá tràn ra trên bàn tay của cô. Cô ta nóng quá chịu không được đã buông cái tay, thế là tách trà rớt xuống đất bể. Thiền sư mới cười nói: Tách trà đã bể rồi. Cô đã buông tách trà và nó đã bể rồi. Cô gái lúc này mới ngỡ ngàng, mình đã buông tách trà của Thiền sư, và cho tách trà bể. Cô hơi hoảng hốt vì tới đây để học, mà lại làm bể tách trà. Nhưng chính khi Cô hoảng hốt đó, Thiền sư nói nhẹ một câu: Khi đau thật là đau, khổ thật là khổ, tức khắc sẽ buông. Cô ta lúc này mới hiểu, nước tràn ra nóng quá chịu không nỗi bỏng tay, nên cô tức khắc phải buông.
Cuộc đời có những cái thật sự như vậy xảy ra. Chúng ta không thể buông được là bởi vì chúng ta là con người. Đã là con người thì chúng ta có những cảm xúc của ái tình. Tách trà đẹp của vị Thiền sư ai muốn buông xuống để cho nó bể đâu. Và trong mối tình cảm của con người, hay những sự việc xảy ra ở trong con người, ta nghiêng về phần thương yêu, ái dục, tình cảm. Cho nên chúng ta thật khó có thể buông được, dù không xảy ra như ý muốn. Nhưng nếu như thật sự nó đã đủ và tràn ra tay, để làm bỏng tay đau đớn, thì tức khắc phản ứng là buông.
Đau khổ cũng có giá trị. Và nếu trên cuộc đời này chúng ta chưa có một lần có cảm xúc, hoặc có một sự trải nghiệm đích thực về sự đau khổ trong cuộc đời, thì chúng ta rất hời hợt với lời Đức Phật dạy. Ai chưa từng trải qua đau khổ thật sự, thì không thấy được giá trị của lời Đức Phật dạy. Bởi chính Đức Phật khi xưa, Ngài từ bỏ tất cả, để đi tìm một chân lý mà được gọi là giác ngộ thành Phật. Cũng bắt đầu từ sự đau khổ có thể tràn ra rồi, đau khổ một cách tràn lan mọi nơi Đức Phật đến.
Sinh ra, rồi phải chết. Sinh ra rồi bị bệnh, rồi già, sinh lão bệnh tử. Ngài nhìn thấy nỗi khổ đó, cảm giác được nỗi khổ đó, Ngài thọ được nỗi khổ đó. Từ đó mà Ngài mới buông bỏ tất cả những cuộc sống sang trọng hiện thời khi còn là Thái tử, để đi tìm con đường giác ngộ, giải bày cho chúng sanh thoát khổ. Từ đó Đạo Phật cũng có thể nói là chân lý bắt đầu từ khổ đau. Cuộc sống của mỗi người chúng ta, nói đến chữ buông, buông ở đây là buông những sự việc giữa con người, sự việc và con người, hành động và suy nghĩ, lời nói mà tạo ra khổ đau.
Có khi nào các bạn, một lời của các bạn lỡ thốt ra, dùng chữ “lỡ”, không cố tình, rồi sau đó gây khổ đau cho bản thân trước, hoặc sau đó gây khổ đau cho người mà chúng ta tương tác hay không? Có. Chúng ta phạm thật nhiều lần, bằng ngôn ngữ sử dụng trong đời, gây đau đớn cho tâm hồn của chúng ta và cho người khác. Nhưng nếu chưa ở mức thật đau, các bạn chưa thẫm thấu nỗi đau đó, để rồi các bạn có thể buông, không phải buông người kia, hoặc buông cuộc đời, mà buông đi những hành động đó, để làm lại, bởi chúng ta vẫn còn có khả năng, tạo thành những hành động khác biệt, đối nghịch với những hành động, lời nói đã tạo ra, gây khổ đau cho chúng ta và cho người.
Nhìn rõ khổ đau cũng là nhìn rõ chân lý, bởi ai nhìn rõ và trải nghiệm được sự khổ đau, người đó mới thấu rõ được chân lý giải thoát. Còn ai không nhìn rõ khổ đau và trải nghiệm qua khổ đau, thì những người đó thật khó có thể thấu được chân lý của Đức Phật. Bởi vì chân lý của Đức Phật xuất phát từ khổ đau, phiền não, cho nên các bạn không thấy được khổ đau, không có kinh nghiệm về khổ đau, chưa hiểu thấu, nhận diện khổ đau là thế nào, các bạn chẳng thể ứng dụng lời của Đức Phật vào cuộc đời, đưa đến sự giải thoát.
Do vậy mà các bạn không thể buông được những dây dưa phiền não trong cuộc đời, bởi các bạn không bao giờ ngồi xuống, để nhìn và nhận diện ra sự có mặt của khổ đau, phiền não, đang tồn tại trong cuộc đời của các bạn. Các bạn luôn luôn nghĩ rằng đời là hạnh phúc, đời là bất diệt, của cải là hiện hữu. Sắc dục là những điều chúng ta luôn luôn trong tầm tay, có thể với được. Tiền tài là điều chúng ta có thể vơ vét vào. Chẳng bao giờ chúng ta chết. Chẳng bao giờ chúng ta bệnh. Chẳng bao giờ chúng ta khổ. Chẳng bao giờ có những hiện tượng như trong Phật giáo, thật là tiêu cực, như nói: Đời là bể khổ.
Các bạn nhớ, khi các bạn không nhận diện ra sự khổ đau, các bạn chẳng buông được tâm Tham Sân Si, và những nỗi khổ đang dai dẳng đeo đuổi, dính ở trong tâm, hiện hình một cách ma quái, để các bạn không nhận diện ra, nhưng thật sự nó đang giết chết các bạn. Bởi vậy con đường học Phật là con đường nhận diện ra khổ đau hiện hữu trong cuộc đời của chúng ta. Làm sao các bạn có thể nhận diện ra khổ đau? Hành động của vị Thiền sư là giao cho cô gái một tách trà, và rồi đổ nước nóng cho đến khi tràn ra bỏng tay.
Chúng ta nếu biết quán chiếu nhìn rõ, thì mọi đau khổ nó đang ẩn tàng, ngủ ngầm không chịu lộ diện, nó sẽ phải xuất đầu, để cho chúng ta nhìn thấy, bằng một đời sống tu tập trong chánh niệm, để nhận diện ra. Khi nhận diện ra khổ đau bằng chánh niệm hơi thở, đây là một phương pháp mà ai cũng có thể thực hành được. Chúng ta thật khó nhận diện ra sự khổ đau có mặt. Khi gặp nước nóng rót vào cái ly, có tách trà nóng, nhưng cô gái không thể nhận diện ra để buông tách trà, đến khi nó trào ra. Chánh niệm hơi thở giúp cho chúng ta nhìn rõ mọi nghiệp khổ đau và phiền não, đang tàng ẩn, ẩn trốn trong cuộc đời của chúng ta, dù nó có trốn, nhỏ bé như con siêu vi khuẩn, chúng ta cũng nhận diện ra. Và khi nhận diện ra rồi, chúng ta sẽ hạnh phúc vô cùng, bởi chúng ta có thể buông được những hành động tạo tác, suy nghĩ, tiếp tay cho sự khổ đau, phiền não ẩn trốn trong cuộc đời của chúng ta.
Các bạn, chúc các bạn phải luôn luôn suy nghĩ thật là kỹ. Tại sao chúc, là bởi vì cuộc đời này thiếu sự chúc phúc cho nhau. Chẳng phải chúng ta có phúc, để rồi tặng cho họ, ban cho họ. Nhưng sự chúc nhau những điều phúc lành, sách tấn nhau đi tới một con đường thiện hảo, làm cho đời sống rỡ ràng trong tình yêu thương.
Các bạn nhớ rằng, Đức Phật dạy nhận diện ra khổ đau là chìa khóa để cho các bạn buông tất cả những gì đã gây ra đau khổ phiền não. Nhận diện ra phiền não và khổ đau, thì chúng ta sẽ học được hạnh xả buông thật dễ dàng. Còn nếu không nhận diện ra khổ đau thì không buông được. Cô gái kia, nếu nước nóng sôi không tràn ra làm tay bỏng, thì không thể buông cái cốc, ít nhiều cái tách trà này, cốc trà này cũng là một vật quý báu của vị Thiền sư đang đặt trên tay.
Ở đời chúng ta có những tưởng chừng thật là quý, đặt vào cuộc đời của chúng ta. Và chúng ta cứ khư khư ôm mãi trong người, cho tới khi khổ đau dâng trào, làm bỏng tay như cốc nước nóng, chúng ta mới có cơ hội giải tỏa. Bởi vậy, những điều các bạn chưa buông được, bởi vì các bạn chưa nhận diện ra khổ đau của sự chấp thủ mà các bạn đang ôm ấp, như cô gái không thể buông tách trà nếu nước sôi không tràn.
Đây cũng là một mặt để nhắc nhở rằng: nếu các bạn không thể buông, là bởi vì sự đau khổ chưa tràn ra, để thẫm thấu làm cho bạn phải buông. Nếu chưa đến tâm trạng mà bạn có thể cảm nhận được đau khổ đó như thế nào, là bởi vì các bạn chưa có bao giờ có thói quen nhận diện ra sự khổ đau đó, và luôn luôn cứ hiểu lầm rằng cuộc đời của các bạn sung sướng và hạnh phúc, khổ đau không có mặt, nên các bạn cứ vơ cứ vét cứ ôm vào.
Pháp môn nhận diện ra khổ đau trong chánh niệm hơi thở, là một phương thức dẫn đưa chúng ta trở về sống thực với chính mình, để tăng trưởng niềm hạnh phúc trong cuộc đời của chúng ta.
Cám ơn các bạn đã lắng nghe.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa