Khi con phạm lỗi thì ngay sau đó con nhận ra và sửa lỗi nhưng đó là những lỗi nhỏ con kịp thời sửa chữa. Nhưng có những lỗi con chưa sửa được mà cảm thấy buồn vì nó thì con phải chuyển hóa như thế nào được ạ?
Ở trong đời ai cũng có lỗi, Bảo Thành cũng có lỗi, lỗi to, lỗi nhỏ, tùy theo. Cái tốt đẹp mà bạn vừa nói là bạn có những lỗi bạn nhận ra được nhưng bạn chưa sửa kịp. Do đó khi nhìn những lỗi lầm đó bạn cảm thấy buồn tức là hổ thẹn. Tâm hổ thẹn khi nhìn ra sự sai trái và lầm lỗi là cái tâm tốt rồi tức là mình đã có cái chiều hướng thẩm nhập vào chân lý của Phật. Đó là sự nhận thức, nhận thức ra lỗi và cảm thấy hổ thẹn đó là sự nhận thức rất tốt. Đầu tiên ta phải nhận thức ra được ta có lỗi dù ta chưa sửa được, Phật dạy đó là biết lỗi. Tánh Biết rất quan trọng, nhiều khi chúng ta cứ tưởng lầm rằng Tánh Biết là phải biết chuyện tốt, thấy sai là phải chuyển tốt ngay. Chưa, đầu tiên là sai biết sai, đúng biết đúng. Khi chúng ta phát triển được sự nhận thức biết đúng và biết sai thì nó giúp cho chúng ta có khả năng phán đoán, nhận xét thật là nhanh để rồi tạo ra những tạo tác có Chánh Kiến tức là có sự nhận thức theo Nhân Quả.
Đối với những lỗi lầm bạn đã tạo ra dù rất là nhỏ như kinh Pháp Cú nói dù những lỗi thật là nhỏ, nhỏ như hạt bụi các bạn cũng không bao giờ làm. Bởi dù nó nhỏ như hạt bụi các bạn cứ làm những lỗi lầm đó lặp đi lặp lại thì nó tạo ra những nghiệp quả lớn vô cùng. Kinh Pháp Cú dạy những lỗi lầm, sai trái, pháp bất thiện nhỏ như hạt bụi cũng không được làm. Nhưng nếu các bạn đã làm rồi nay các bạn nhận thức ra và biết rằng ta đã sai dù rất nhỏ, sửa chưa được không sao, ít nhất là có sự nhận thức. Khi nhận thức nó đã sai bạn hổ thẹn là điều rất tốt. Rất nguy hiểm khi những việc lỗi thật là nhỏ ta nhận ra mà không biết hổ thẹn, không biết hổ thẹn thì không đưa đến sự sám hối do đó ta lại tiếp tục phạm lỗi nữa mà thôi.
Bạn nói bạn cảm thấy buồn tức là có sự hổ thẹn với lỗi lầm đó, điều này được khích lệ, rất tốt. Khi đã biết mình lầm lỗi cảm thấy buồn, cảm thấy hổ thẹn bước kế tiếp là bạn sám hối thành tâm. Dù chưa sửa được nhưng sám hối cho những lỗi lầm đã tạo ra. Tất cả những lỗi lầm của bạn đã tạo ra bạn không thể sửa bởi vì đã tạo ra rồi. Nay bạn sám hối lỗi lầm đó và phát nguyện ngừng ngay không bao giờ tái lập lầm lỗi đó nữa đó là sự nhận thức thứ hai. Biết nhận thức mình đã sai, thứ hai sám hối, thứ ba ngưng. Thứ tư là chúng ta phát tâm làm một việc tương ưng tốt đẹp cho lỗi lầm chúng ta tạo ra.
Ví dụ lỗi lầm đó là chúng ta đã cãi nhau với một người nào đó, dù rất nhỏ chỉ cãi nhau thôi bằng tâm sân nay nhận ra lỗi lầm đó tuy nó xong rồi, không sửa được nó nữa nhưng ta nhận thức rằng nó đã sai, ta cảm thấy hối hận và sám hối, phát nguyện sẽ không bao giờ lặp lại điều đó nữa. Rồi chúng ta lập một hành vi tương ưng tức là ta đã cãi nhau nay ta không cãi nữa mà luôn mang ngôn ngữ yêu thương, từ ái đối xử với người đó nếu gặp còn không thì cũng đối xử như vậy đối với những ai ta gặp. Thì đó là hành vi ta có thể làm để làm sao để chuyển hóa nghiệp ta đã lầm lỗi cãi nhau bằng tâm sân thì nay ta không cãi bằng tâm sân nữa mà ta tương tác bằng ngôn ngữ Từ Bi, bằng tâm Từ Bi. Thì như vậy chúng ta đã tăng trưởng được phước báu để chuyển hóa nghiệp lực do khẩu nghiệp ta cãi nhau với người ta, ta tạo được một nghiệp tương ưng là thiện nghiệp do nói ái ngữ, do tương tác phù hợp, do tôn trọng lẫn nhau, kính trọng lẫn nhau tạo được thiện nghiệp do cách ứng dụng ngôn ngữ này để thiện nghiệp này nó chuyển hóa khẩu nghiệp trong tương tác mà ta đã chửi với người kia.
Cho nên khi bạn đã nhận ra lỗi lầm, chúng ta nhận biết, khi chúng ta cảm thấy xấu hổ hãy sám hối và tạo ra một việc tương ưng như vậy nhưng ngược lại. Cãi nhau thì ta không cãi nữa dù gặp người đó ta sẽ không cãi với họ mà ta nói những người tốt đẹp sách tấn mọi người sống tốt với nhau, yêu thương với nhau. Hoặc không thể gặp người đó nữa thì ta gặp bất cứ ai trong cuộc đời, trong cuộc sống chúng ta luôn luôn tương tác bằng ái ngữ, ngôn ngữ thiện lành thì chúng ta sẽ tăng trưởng thiện nghiệp trong ngôn ngữ thiện lành này để chuyển hóa ngôn ngữ bất thiện ta đã ứng dụng vào với người kia.
Tham vấn Phật Pháp 3, https://youtu.be/onZbzt5RIAY