Bảo Diệu Tâm đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook chùa Xá Lợi.
Hôm nay các bạn có khỏe không? Các bạn có vui không? Cuộc sống chắc sẽ buồn nếu không khỏe, không khỏe sao có thể vui phải không các bạn? Ở trên đời có biết bao nhiêu chuyện, nhưng vậy không phải vậy. Nói nghe thấy như vậy, nhưng chẳng phải ý nghĩa như vậy đâu. Chúng ta phải suy nghĩ các bạn ạ. Rất cần suy nghĩ, bởi những gì ta suy nghĩ kỹ ta sẽ hiểu rõ hơn, và những điều ta hiểu rõ hơn, ta sẽ đưa tới những hành vi, những hành động, những lời nói và suy nghĩ tốt đẹp, lợi hơn, sử dụng ứng dụng hay hơn. Càng suy nghĩ kỹ, chúng ta càng biết nhiều hơn, hiểu thấu hơn, để ứng dụng vào cuộc đời.
Có câu chuyện kể như vầy các bạn:
Có một ngôi chùa ở trong một thành phố lớn. Vị sư phụ có nhiều đệ tử. Và rồi vị sư phụ đó nói với chúng đệ tử rằng: “Các con thân mến! Chùa của chúng ta sống trong thành phố, nhưng các con thì quá đông, chùa sinh hoạt túng thiếu, hình như không bao lâu nữa các con à, chùa sẽ bị đình trệ mọi sinh hoạt, bởi không đủ sự cung dưỡng của hàng Phật tử để tồn tại. Sư phụ thấy rằng ở trong thành phố này, có thật nhiều người giàu. Các con hãy nghe lời sư phụ đi theo những người giàu đó tìm hiểu cho kỹ, lần mò vào nhà họ, hoặc là khi họ đi trên con đường vắng vào những ngõ hẻm xa. Nhân lúc họ không biết, các con hãy lấy đồ của họ mang về đây để sư phụ và thầy trò chúng ta tồn tại trong ngôi chùa lớn ở thành phố này nghe các con”.
Tất cả chúng đệ tử nghe xong thấy kinh ngạc vô cùng. Bởi từ xưa đến giờ, sư phụ mình dạy phải đàng hoàng tử tế. Giới của nhà Phật chẳng thể ăn cắp, nên các hàng đệ tử suy nghĩ kỹ và hành theo rồi, có thói quen tốt. Nay sư phụ lại nói ngược lại, cho nên đệ tử bắt đầu mới tranh luận với thầy: “Thưa thầy! Ngài thường dạy chúng con là phải sống tốt, không được ăn cắp của thiên hạ, nay không hiểu nguyên cớ gì Ngài lại dạy, không lẽ chỉ vì bảo vệ ngôi chùa này chúng con lại phạm giới? Ngài nói chúng con đi ăn cắp đồ của người khác và trốn không cho họ biết, tìm cách đừng cho họ biết, nhưng vẫn là tội ăn cắp dù họ không biết. Chúng con không làm được” Và rồi tất cả chúng để tử đều nhìn thấy hình như ông thầy của mình, sư phụ của mình khùng điên rồi, nói một đường mà bây giờ lại kêu mình đi làm một nẻo khác, không đúng! Cho nên các học trò lui dần, lui dần chẳng còn ai, về phòng ngủ. Ông sư phụ vẫn ngồi đó lim dim đôi mắt, hình như vừa mới mật truyền một chân lý gì đó cho các đệ tử? Nhưng chắc có lẽ chúng đệ tử nghe không rõ nên bỏ đi. Sư phụ ngồi lim dim, mở mắt ra thì nhìn thấy vẫn còn một đệ tử nhỏ đứng trước mặt đang ngắm đôi mắt lim dim của sư phụ. Sư phụ cười và nói rằng: “A con chưa về phòng ngủ sao? Con không có ý kiến giống như các đồng môn hay sao mà còn đứng đây?” Người đệ tử nói với sư phụ rằng: “Thưa sư phụ! Con đã suy nghĩ kỹ rồi và con nhận thấy như vầy: Nếu như theo lời của sư phụ dạy, con âm thầm đi vào nhà người ta con lấy đồ họ không biết, mà con theo dõi một ai đó vào những ngõ ngách đen tối, tối mù, rồi lấy đồ của họ, họ không biết. Con sẽ làm được điều họ không có biết, theo y như lời sư phụ dạy. Nhưng con thấy rằng hình như không ổn? Bởi vì không thể không biết. Người nhà giàu con lấy đồ, họ không biết ở trong nhà hay trên đường đi, nhưng có một người vẫn biết sư phụ ạ?” Vị sư phụ nói rằng: “ Ủa con đã lấy không để cho ai biết, vậy thì ai là người có thể biết rằng con lấy đồ của họ?” Cậu học trò mới nói rằng: “Bạch sư phụ: Con! Con chính là người biết được con đã lấy đồ của những người không cho, phạm vào giới cấm ăn cắp. Con biết sư phụ!” Vị sư phụ cười một cách sảng khoái, đặt tay lên đầu của đệ tử cảm thấy vui vô cùng và nói với đệ tử rằng: “Con đã hiểu rồi! Con đã hiểu rằng ở trên đời này không có gì mà ta không biết ta đang làm. Con đã biết được việc con đang làm, đang suy nghĩ, con chính là người đã biết và con luôn luôn biết. Hãy sống với cái biết đó. Ngôi chùa dù có sụp đổ, không tồn tại, nhưng cái biết kia không thể bị mai một đi. Con chính là đệ tử của thầy”.
Các bạn! Qua câu chuyện thật nhẹ giữa tình nghĩa của vị sư phụ truyền dạy cho chúng đệ tử, hầu hết trong chúng ta, khi tu học với một vị thầy nào đó, các vị thầy thường khế cơ, khế lý, khế thời. Có nghĩa là nhìn chân lý của nhà Phật thật rõ, để mang chân lý đó gieo trồng vào đệ tử của mình, đúng với căn cơ để đệ tử học hỏi được. Và đúng thời khắc phù hợp, như người gieo giống mang hạt giống tốt gieo vào lòng đất, phải gieo đúng vào đất tốt có phân, có nước, và rồi đúng thời thì cây mới mọc được. Đang mùa nắng hạn khô khan trồng không được và mùa đông lạnh khó trồng, phải đúng vào cái lúc trời mưa, khí hậu ôn hòa. Sư phụ đã dạy cho đệ tử của Ngài cái Tánh Biết trong một trường hợp thật là hay. Tức là nói với chúng đệ tử hãy đi lấy đồ của người khác như một kẻ ăn trộm, ngược lại với chân lý trong nhà Phật không được ăn trộm. Không lẽ ở trên đời có những vị sư phụ lại sai, lại bắt buộc đệ tử của mình đi làm những chuyện sai chân lý hay sao? Dĩ nhiên trong hàng Phật tử ai cũng vội vàng chống đối lại lời của sư phụ, cho sư phụ là đã già, lão hóa, điên khùng, không còn xứng đáng là sư phụ, nên về phòng ngủ mà thôi. Nhưng vẫn còn một chú tiểu nhẹ nhàng nhìn ngắm khuôn mặt của sư phụ mình khi lim dim, mỉm cười suy nghĩ, tư duy và hiểu rằng: “À! hóa ra sư phụ nói đi ăn cắp và phải làm sao đừng để ai biết. Và trong suy nghĩ đó chú tiểu đã nhận ra rằng: không thể giấu được, ta có thể giấu không cho người bị mất trộm biết, nhưng ta luôn luôn biết được hành vi của mình. Chân lý ngay chỗ đó. Vị sư phụ muốn nhắc nhở đệ tử của mình thấu rõ rằng; Chúng ta luôn biết về chính mình, chúng ta đang làm gì, nhưng độ biết của chúng ta, nó sâu hay nó nông.
Các bạn! Ta cần phải suy nghĩ phát triển để độ biết của chúng ta, tăng độ. Ở đời người ta hay độ xe cho nó cao, cho nó đẹp, cho nó đúng màu đúng sắc, thì ở trong đạo các bạn cũng phải độ tánh biết của mình lên cao hơn, để chúng ta sử dụng tánh biết của mình cho nó đẹp, cho nó đúng, để mỗi một việc làm trong cuộc đời, với sự tương tác hằng ngày đó, ta độ tánh biết lên cho nó hoàn mỹ, cho nó có thẩm mỹ, để ta trang điểm cuộc đời của mình. Tuyệt vời lắm các bạn! Khi mình biết được mình sẽ làm gì? đang làm gì? và đã làm gì? và độ được tánh biết lên cấp độ được cao để biết được ba thời: biết đã, đang và sẽ. Các bạn thật sự đã hoàn mỹ cuộc đời của chính mình.
Lời của sư phụ dạy, là để khai thị cho đệ tử chân lý của Đức Phật dạy như vậy. Hiện tại chúng ta cần phải học độ tánh biết của mình, độ nó lên! Chúng ta đi mua xe mua cộ. Chúng ta thích chiếc xe đó được độ lên cho đẹp, đúng với tư cách thẩm mỹ cho đúng với người hiểu được cách chơi xe. Người học Phật chúng ta cũng vậy, phải độ tánh biết lên cái tầng người tầm cao, để xứng đáng là một người thẩm thấu được tánh biết của nhà Phật. Chú tiểu kia sau khi chiêm ngắm khuôn mặt của vị sư phụ lim dim ánh mắt trong nụ cười, đã hiểu thấu “Không thể có một việc gì mà ta không biết không thể giấu được chính mình” – Đó chính là điều mà ở đời thường hay nói: “Ta không thể giấu được lương tâm của chính chúng ta. Từ đó tất cả những việc gì chúng ta làm đừng tự giấu bản thân của mình, bởi không thể giấu được bản thân của mình đâu. Do đó cố gắng độ tánh biết lên cao nghe các bạn, như một nghệ thuật độ xe vậy đó. Tánh biết là phương tiện nhiệm mầu đưa ta tới đời sống hạnh phúc.
Cảm ơn các bạn nghe!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa