Search

Ngừng Nói Lời Cay Đắng

Lời cay đắng như liều thuốc độc

Gieo vào người nghiệp thức khổ đau 

Ngừng lời cay đắng trao nhau 

Dụng ngôn từ ái ngày sau quả lành.

Các bạn thân mến, sống trong cuộc sống ngày hôm nay cứ va chạm hoài, từ sáng sớm khi bình minh mới trỗi dậy mọi người cứ vội vội vàng vàng rửa mặt, đánh răng rồi phải lên đường làm việc. Giao lộ của cuộc đời xe cộ rần rần kẻ qua người lại, có những chuyến đi vội vàng, có những chuyến đi mà cứ phải va chạm làm cho mình vui thì ít, buồn thì nhiều trước khi tới được chỗ công sở hoặc văn phòng nơi làm việc. Ngày dài, ngày ngắn, ngắn dài dù có trôi qua nhưng thế nào đi nữa ở trong lòng vẫn còn cô đọng những cái lời nói mà trong tâm hồn chẳng có chút gì để vui. Biết bao nhiêu sự vui ở đời trao cho nhau, ngắn ngủi tới rồi đi nhưng những cái lời trao cho nhau tạo ra cay đắng, phiền muộn, canh cánh, cô đọng, găm ở trong trái tim khó có thể gỡ ra được. Chỉ một lời thôi cũng có thể làm cho người ta bạc đầu chỉ qua một giờ suy nghĩ, có những cái lời nói làm nên những cái vết hằn trên trán in sâu nơi khóe mắt và cũng có những cái lời nói làm héo úa tâm can của nhau. Ba đời mười phương Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền ý thức được cái chỗ này, ý thức được cái lời cay đắng của chúng sanh trao cho nhau tạo khổ khó gỡ. Không phải như trái mìn nổ chậm đâu, có thể như trái bom nguyên tử thả xuống một cái, lời nói lan ra làm cho muôn người đau khổ. Biết bao nhiêu những cái lời như vậy nó làm cho tan nát gia đình, cha mẹ, con cái, vợ chồng sống chẳng còn hạnh phúc chỉ vì một lời nói. Có những tình bạn bị tan vỡ, có những tình người bị đổ nát, những quốc gia bị tiêu diệt, có những vùng miền bị rơi vào cảnh đen tối, chết chóc cũng chỉ bởi vì một lời nói cay đắng, hận thù dâng trào. Các bạn, hiểu thấu được cái điều đó Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền mười phương luôn khéo ăn, khéo nói. Chúng sanh đang sân giận như loài hùm beo, thú dữ mà gặp Phật một nơi của ngài cũng làm cho chúng sanh đó phải quy phục ngồi xuống bằng cái tánh thiện lành. Bởi vậy mà trong suốt cái chiều dài rao giảng giáo lý của bậc giác ngộ, Đức Bổn Sư luôn dạy cho chúng sanh và đệ tử phải biết khéo ăn, khéo nói, khéo ứng dụng phương tiện ngôn ngữ mà chúng ta truyền tải hàng ngày mang lại lợi lạc, an vui. Dẫu biết có những điều thật là đúng cũng phải suy nghĩ thật là kĩ ứng dụng ngôn ngữ để mang ra trình bày. Đừng vội vội vàng vàng thể hiện cái đúng để gây cho đau lòng để cứa vào trong trái tim và đâm thủng những cái sự tự ái dồn dập, những lời cay đắng phải thật kĩ. Đó là nói về những cái điều hay ta còn phải khéo ứng dụng ngôn ngữ huống hồ chi là những lời thô ác. Những lời vội vàng tuôn ra nó còn cay hơn cả ớt hiểm, nó đắng mà ngàn đời không tiêu hết, nó đọng ở trong tim, nó dồn dập trong tâm hồn, nó làm cho tan nát cuộc đời, đổ vỡ cái xã hội, với gia đình. Phải rất cẩn thận và phải ngừng nói lời cay đắng trong cuộc sống. Đây là chủ đề chúng ta chia sẻ hôm nay “Ngừng nói lời cay đắng”.

Có một thuở Đức Phật đang giảng kinh có một ông Bà La Môn không biết nguyên cớ giận hờn gì (đối với người phàm phu mà nhưng Phật thì hiểu rõ) ông ta tới chỉ thẳng tay Phật nói hằng hà những lời cuộc đời, thô ác, thô tục, chửi bới rần rần. Phật vẫn tịch tĩnh mĩm cười tọa trong Chánh Định ban phước cho ông ta. Nhưng ta không phải là Phật, một lời của người ta mà tới xỉa xói, chửi thẳng mặt mình chắc có lẽ kẻ đó gãy răng, không gãy răng cũng ôm đầu máu mà chạy về nhà, không ôm đầu máu thì chắc cũng gãy tay, gãy chân. Không gãy tay gãy chân chắc bàn ghế cũng gãy mà bàn ghế không gãy thì về nhà chắc chén bát cũng bị nổ tung bởi giận quá phá nhà, phá cửa, chửi cho hả giận. Có người nói cho cùng khó kềm được cái tánh nóng giận khi ai chửi chúng ta. Suy về chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta chửi bới và đối đãi với nhau bằng những lời cay nghiệt, cay đắng thì người ta nghe cũng sẽ đau khổ giống như ta. Không hẳn chỉ những lời cay đắng gây đau khổ cho người ta mà Đức Phật nói mà những lời cay đắng, thô ác, cay nghiệt đó tổn phước báu như ngọn lửa đốt hết phước báu của chúng ta và của đời đời kiếp kiếp ông bà, cha mẹ để lại cho chúng ta. Và rồi còn thiêu rụi luôn phước báu của ta để lại cho con cái. Mà phước báu ta hưởng từ cha mẹ tiêu tán, phước báu để lại cho con cái cũng chẳng còn nhiều đời đau khổ, trầm luân khó thoát. Một lời cay đắng như lời nguyền khó gỡ.

Các bạn, suy nghĩ phải thật kĩ khi ứng dụng ngôn ngữ, cái miệng hoặc lời nói trao cho nhau. Lời vui thì khó nhớ, lời buồn thì khắc ghi. Có một câu chuyện nói về một bậc đạo sư và bậc đạo sư này sáng lập ra một tôn giáo lớn trên thế giới. Vào một thuở vị đạo sư này đi trên đường cùng với chúng đệ tử, chắc có lẽ vào giờ trưa như Bảo Thành đây, giờ này trưa rồi, gần 12h trưa ở bên tiểu bang Marryland, bụng đói. Mà chúng ta nhớ rằng khi bụng đói con người dễ sân, dễ giận, thấy khó chịu. Vị đạo sư đó mới thấy một cái cây, cây đó đúng ra là phải có trái vì nhìn từ xa thấy xanh tươi tốt đẹp dữ lắm mà thông thường cây xanh tươi và đúng mùa hoa trái thì nhất định ra nhiều. Vị đạo sư đó mới kêu đệ tử rằng hãy ra đó hái cho thầy vài trái để ăn, thầy đang đói bụng. Các đệ tử tới gần cái cây ăn trái không thấy một cái trái nào mà cây xanh tốt về thưa với đạo sư rằng: “Thưa thầy! Cây thì xanh tốt nhưng chẳng có trái ăn”. Vị đạo sư đang khi đói bụng bực mình quở một cái cây xanh tốt mà không có trái thôi chết đi cho rồi, chứ sống xanh tốt mà không sinh trái thì sống để làm gì. Quả thực chỉ vài phút sau cái cây héo úa chết tại chỗ, đây là sự thực còn ghi ở trong kinh. Các bạn thân mến, một lời quở, một lời nguyền, một lời cay đắng, một lời chửi với cái cây đang xanh, tươi tốt mà còn héo úa chết, lời đó của bậc đạo sư.

Bậc đạo sư có tâm từ mà lỡ nói một lời quở, nguyền, cuộc đời cây còn chết huống chi là phàm phu như chúng ta nếu nói những lời cay đắng trao cho nhau thì nhất định trái tim của người nghe sẽ chết. Bởi vậy trên đời có những trái tim bị khô héo, bị héo úa, bị tàn lụi, bị rỉ máu, bị đau. Chẳng phải là bị đau tim mà bởi vì cái chứng của những cái lời cay đắng nơi những người yêu thương dồn dập đẩy vào. Nói đến cái đói chúng ta cũng phải suy nghĩ một chút xíu của những ông chồng khi về nhà giấc trưa, giấc tối, đói bụng quá rồi về nhà vợ chưa kịp nấu ăn chửi ngay: “giờ này còn chưa có món đồ ăn, không thấy tôi đói bụng hay sao, không thấy tôi phải làm việc khổ cực để nuôi gia đình, giờ này bữa trưa, bà làm cái gì?”. Nói như vậy cũng nhẹ nhàng đó nhưng mà không đâu, đau lòng người vợ, thậm chí có những ông chồng còn đập bàn, đập ghế, quăng dĩa, quăng chén, đập nhà, đập cửa, nói những lời thô ác, cuộc đời vô cùng đối với vợ của mình. Chứ đâu nghĩ rằng vợ ở nhà cũng bận rộn vô cùng, chăm sóc cho con cái, giặt giũ quần áo, nấu cơm, lo cơm áo cho con cái đi học lỡ nấu trễ một chút xíu ông chồng gia trưởng đập bàn, đập ghế ôi thôi người vợ ôm vào lòng. Thế đấy, cho nên người vợ từ thuở sanh thời mười tám đôi mươi, bỏ cha bỏ mẹ, bỏ mọi người thân yêu về với ta chỉ có một thời gian ngắn héo úa vô cùng. Bởi cái tánh khí vỗ bàn, đập ghế, chửi bới lung tung nói những lời không suy nghĩ, làm cho tuổi mộng tuổi mơ của người con gái năm nào héo úa theo dòng đời, để giọt lệ trôi mãi, gò má thâm tím. Đó là nói đến tình nghĩa vợ chồng. Chưa kể những bà vợ đôi khi có những cái lời thật là ngọt, ngọt như mía lau nhưng mà sắc như dao làm cho những ông chồng sức khỏe, vạm vỡ cũng tiêu điều. Đó là cảnh vợ chồng thế nên ở đời cảnh đời trong gia đình tan nát là như vậy. Chúng ta nói gọn bởi vì trong tình nghĩa vợ chồng vẫn thường xảy ra những cái lời cay đắng.

Chưa kể đến xã hội, chúng ta đi làm có những sếp lớn chẳng thương đến những người làm việc, ỷ mình có tài, ỷ mình có tiền, ỷ mình có quyền nói những lời thật là cay đắng đối với nhân viên làm việc. Người ta cũng đi làm vì miếng cơm manh áo, sự sống ở đời nhưng ỷ có quyền lực nói những lời thật sự thậm tệ vô cùng. Chưa kể chúng ta là những con người bình thường tương tác trong cuộc sống chẳng cẩn thận lời nói. Chỉ một lời xích mích đơn giản sẵn sàng thảy ra, thả ra, tuôn ra những cái lời cay đắng vô cùng. Tại sao chúng ta vẫn làm như vậy? Là bởi vì chúng ta không hiểu những lời cay đắng tạo khổ cho đối tượng khi nghe, bởi vì chúng ta không thấu được những lời cay đắng làm chết đi trái tim và thiêu cháy toàn bộ lòng nhiệt huyết, yêu thương lẫn nhau. Có những mối tình thật là đẹp nhưng chỉ một lời cay đắng của vợ hoặc của chồng hay của người bạn, của người con trao ra, thả ra, thảy ra trong cái sự thiếu suy nghĩ nó giết chết tình cảm đó. Lời cay đắng khủng khiếp vô cùng, khủng khiếp đến mức mà giết chết con người không hẳn trong ngày nay, trong kiếp này và đời đời kiếp kiếp ôm hận tìm nhau để cứ tiếp tục trao cho nhau những ngôn lời cay đắng, cay nghiệt. Phật dạy bởi Phật thấy cái miệng kinh khủng, ông bà cũng nói cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, khổ đau, nghiệp tạo từ cái lưỡi, cái miệng thật là nhiều. Phật dạy: “Các con, các con phải nhận ra sự nguy hiểm của những cái lời cay đắng, thô ác, nó giết chết tình cảm của con người, nó đày đọa con người và nó còn làm cho con người đau khổ  triền miên không thể đoạn diệt được từ kiếp này tới kiếp sau”. Đồng thời nó làm thiêu rụi toàn bộ phước báu vô lượng kiếp tích lũy của ta và thừa hưởng từ ông bà, cha mẹ và đốt luôn phước báu cho con cháu chúng ta. Rất nguy hiểm và rất nguy hại cần phải cảnh tỉnh cuộc đời để chúng ta sống đúng, đừng bao giờ trao lời cay đắng cho nhau, ngừng ngay những cái lời nói cay đắng.

Phật dạy chúng ta phải học đó là lời cay đắng như liều thuốc độc các bạn ơi. Các bạn cứ mang thuốc độc vào mà uống bạn chết ngay à, bạn chết có một lần thôi, mà lỡ uống thuốc độc mang tới bác sĩ rửa ruột cũng hết. Nhưng lời cay đắng như liều thuốc độc gieo vào người nghiệp thức khổ đau. Cái lời cay đắng nó như mọc rễ, nó lan như cỏ không thể tiêu diệt được nữa, lời cay đắng giống như thuốc độc nó thấm vào xương, vào máu, vào từng tế bào, hết thuốc chữa chết ngay. Nếu các bạn dùng lời cay đắng đối với nhau rất nguy hiểm, mình học Phật các bạn, mình trân quý mạng sống của mình và mình thương yêu những người kề cận ta phải biết sử dụng lời cho đúng. Đừng mang lời cay đắng trao cho nhau và phải dùng ái ngữ như lời Phật, lời nói khôn khéo. Ba đời mười phương Chư Phật đều khéo sử dụng phương tiện ngôn ngữ để chúng sanh không giận, không hờn, không khổ đau để chúng sanh thêm hoan hỷ và hạnh phúc.

Lời cay đắng như liều thuốc độc

Gieo vào người nghiệp thức khổ đau 

Ngừng lời cay đắng trao nhau 

Dụng ngôn từ ái ngày sau quả lành.

Và đúng vậy, nếu chúng ta biết ngừng những lời cay đắng trao cho nhau và tạo dựng những cái ngôn từ, những ngôn từ ái ngữ, yêu thương trao gửi tặng cho nhau. Không hẳn ngày sau đâu mà ngay trong giây phút đó mát lòng người đang nghe. Về nhà một bữa cơm trễ quá, đói bụng, vợ nấu chưa xong thay vì chửi đập bang, đập ghế, la cho to con cái hoảng sợ, vợ run rẩy, đau lòng vợ một lời nhẹ nhàng kềm cái sự đói vào trong bếp thỏ thẻ tội nghiệp em, cực khổ quá, không nấu kịp giờ thôi để anh phụ. Một lời như vậy còn mát, ui cha mát hơn gió, ngọt hơn mía lau, đường phèn. Vợ làm cực, cũng thấy hối lỗi không kịp nấu ăn cho chồng về nhưng mà ít nhất mát lòng, bữa cơm hôm đó nhất định có hương vị của tình yêu, ngọt lịm, muôn đời ăn vào bổ dưỡng, không bao giờ có sự giận dữ. Thấy vậy mà đàn ông chẳng làm được còn ngược lại suy nghĩ về phụ nữ có lẽ chúng ta có khi nào nói được những cái lời ngọt không. Vốn dĩ phụ nữ sinh ra chất chứa sự ngọt ngào ở trong tim, phải biết ứng dụng những cái chất liệu ngọt đó đối xử với chồng, với cha mẹ, với người thân, với bạn bè. Ở đâu có phụ nữ ở đó có tình yêu và hương tình yêu lan tỏa, ở đó có hạnh phúc và chẳng có chiến tranh. Đó là cái câu phương châm của những con người sống sau khi trải dài kinh nghiệm chẳng có phụ nữ ở trên đời mới thấy rằng phụ nữ như ánh mặt trời, như sao tinh tú hiện thời trong tim, phụ nữ là sự ngọt ngào, dịu êm. Còn chồng, chẳng phải người đàn ông không có chất liệu ngọt ngào đâu, người đàn ông có chất liệu từ ái, có sự che chở và bao dung bởi vậy đàn ông mới như thái sơn, vững chải, che chở muôn người. Che chở chẳng phải là cái sự vững chãi cứng như núi mà là sự mềm dẻo, nhẹ nhàng, ngọt ngào trong cái tư tưởng biết đối ứng với người. Các bạn thân mến, hãy ngững nói những lời cay đắng đối với nhau ngay từ trong gia đình giữa vợ chồng, giữa con cái, giữa cha mẹ. Và trong cái tình thân giao tế dù có bực bội khó chịu cỡ nào thì chúng ta cũng phải ngừng nói cái lời cay đắng.

Lời cay đắng như liều thuốc độc

Gieo vào người nghiệp thức khổ đau 

Ngừng lời cay đắng trao nhau 

Dụng ngôn từ ái ngày sau quả lành.

Trở lại cái vị đạo sư đó sau khi đã nói cái lời nguyền rủa, cay đắng với cái cây đó, lá xanh tốt mà lại chẳng có trái chết đi cho rồi, cây liền chết. Vị đạo sư sau khi thấy như vậy hối hận vô cùng, hối hận bởi đã nói những lời cay đắng để cái cây phải chết. Ta đói bụng có dính líu gì tới cái cây mà khi cây kia không có trái ta nguyền rủa để cây chết, sau đó vị đạo sư hối hận vô cùng, sám hối và phát nguyện rằng sẽ không bao giờ nguyền rủa và gây những lời cay đắng để trừng phạt người khác rồi mở tâm từ, yêu thương, hiến thân cả cuộc đời cho những người mình yêu. Đây là sự thực có trong kinh sách,vị đạo sư đó đã từ bỏ và không bao giờ phát những cái lời nói như thế và sẵn sàng tận hiến cuộc đời cho tất cả những người mình yêu thương. Chúng ta thực sự có yêu thương nhau hay không, vợ ơi có thương chồng không, chồng ơi có thương vợ không, cha mẹ có thương con, ta có thương dòng tộc, thân bằng quyến thuộc, ta có thương tình bạn, thương bằng hữu, có thương con người, có thương chúng sanh như Phật dạy hay không? Câu trả lời rất dễ, có. Nếu là có thì đừng mang lời cay đắng trao cho nhau, nếu đã có thì đừng cay nghiệt chì chiết, đừng dèm pha, đâm thọc. Dù chỉ là một lời thôi nhưng những cái lời cay đắng đó là thuốc độc. Các bạn, thuốc độc ta chẳng thể uống được, lời cay lời đắng sao lại trao cho nhau. Hiểu được ý nghĩa đó, đặc biệt hơn chúng ta là người con Phật, ta học giáo lý của bậc giác ngộ để khơi dậy lòng từ bi ta phải thực tập tâm từ bằng ái ngữ, bằng lời dễ thương. Ta phải biết nói những cái lời mà làm cho người giận phải nguôi, làm cho người cay đắng với chúng ta cũng phải nhẹ nhàng, từ ái. Ta phải thật khéo, ta là con Phật, ta là đệ tử của Phật chân truyền giáo lý bậc giác ngộ. Ta phải ứng dụng được điều này còn không ta đã phỉ báng Như Lai bởi những lời từ ái,giáo lý của ngài dạy ta không làm được nên những tôn giáo khác, những bạn bè của tôn giáo khác nói xấu về Đức Phật, lời Phật sáo rỗng nghe để làm gì. Lời Phật nghe, học phải đi đôi với thực hành, thực tế ngay trong cuộc sống, phải thật rõ ràng.

Trong cuộc đời giao tiếp bằng môi miệng, lời nói thật nhiều do đó các bạn và Bảo Thành từ ngày hôm nay ta cẩn thận những lời nói của mình, ngừng nói lời cay đắng. Để làm gì? Để ta biết khởi lên từ ái, ái ngữ, yêu thương, lời dễ thương dù như thế nào đi nữa cũng phải thật bình tĩnh như Phật. Người ta chửi, người ta mắng, người ta đánh đập, người ta đày đọa, người ta nguyền rủa, người ta nói cay nói đắng, nói nghiệt ngã thì ta cũng phải Chánh Niệm hơi thở hít vào thở ra xin Chư Phật ban rải năng lượng từ bi xuống con và xuống những người đang đối xử tệ bằng những ngôn từ cay đắng. Đây là một pháp tu vi diệu bởi vì bạn sẽ phải đụng chạm liên tục trong cuộc đời cho tới khi chết, những lời cay đắng ở đời sẽ không ngừng tới với các bạn đâu. Nhưng các bạn phải ngừng lời cay đắng đối xử với mọi người. Lời cay đắng ở bên ngoài không ngừng tới với các bạn nhưng không vì những ai mang cay đắng, nghiệt ngã, cái ngôn ngữ thô ác đối với ta để làm cho chúng ta phải cay đắng, nghiệt ngã với họ. Đừng để cho những người nói những lời cay đắng với ta, đối xử nghiệt ngã với ta để ta phải đối xử nghiệt ngã và cay đắng với người. Ta là con Phật, chất liệu từ bi vốn có trong ta, hãy để lời cay đắng, cách đối xử thậm tệ nhất ở đời khi tới với ta làm giàu chất liệu yêu thương chứ đừng làm tiêu tan cái danh phẩm, phẩm giá người con Phật. Các bạn thân mến:

 Lời cay đắng như liều thuốc độc

Gieo vào người nghiệp thức khổ đau 

Ngừng lời cay đắng trao nhau 

Dụng ngôn từ ái ngày sau quả lành.

Đó là lời kết của thông điệp chia sẻ pháp thoại ngày hôm nay. Cám ơn tất cả các bạn đã đồng hành trong giờ phút này, nguyện chúc các bạn ý thức được điều này để ngay từ phút này phát nguyện cùng với Phật rằng: “Chúng con nguyện xin ngừng nói lời cay đắng”. Xin các bạn chấp tay vào hồi hướng công đức

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Chúng con đồng nguyện và phát nguyện thâm sâu rằng từ nay trở đi xin ngừng mọi lời cay đắng đối với nhau, nguyện xin Chư Phật gia trì và ban rải năng lượng từ bi xuống cho cuộc đời của mọi chúng sanh để tất cả chúng con biết dụng ngôn từ ái để ngày sau quả lành trổ sinh.

Xin Chư Phật mười phương từ bi chứng minh     



				

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn