Search

Bảo Thành kính chào các bạn

Chúng ta đang ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn. Bảo Thành rất hạnh phúc được làm quen với các bạn trên kênh Youtube này. Chúng ta hôm nay chia sẻ và gợi ý trên con đường tu, để mỗi một ngày chúng ta có sự gợi ý tu tập với nhau.

Các bạn thân mến. Hôm nay Bảo Thành muốn gợi ý cho các bạn biết về câu hỏi, mà mọi người chúng ta thường hay thắc mắc: Nghiệp là gì? Có lẽ chữ Nghiệp ai trong chúng ta cũng đã từng nghe từ thuở học Phật. Không có gì chúng ta có thể mang theo được, chỉ có nghiệp lực mà thôi. Nghiệp lực chúng ta sẽ mang để tái sanh suốt cuộc đời.

Các bạn thân mến. Vậy nghiệp là gì, có lẽ chúng ta hiểu đâu là ác nghiệp, đâu là thiện nghiệp. Hai luồng tư tưởng ác thiện đó chúng ta học hỏi và cố gắng thực hành theo những lời Đức Phật giáo huấn cho chúng ta. Ác và thiện luôn luôn hiện hữu trong cuộc đời, điều đó có lẽ hiểu được.

Vào thuở xưa, có một người hỏi Đức Phật rằng: Nghiệp là gì? Đức Phật đã kể cho ông ta nghe một câu chuyện, để hiểu được nghiệp là gì.

Hồi đó có một ông Vua, ông ta đi kinh hành khắp nơi để thăm viếng dân làng, thôn xóm, kinh đô. Một hôm ông Vua đến một cửa hàng bán tạp hóa, các đồ vật dụng. Có một người bán các hương liệu, mà thời đó người ta ít sử dụng những hương liệu này trong cuộc sống. Khi nhà Vua đi tới đó, thì cảm giác đầu tiên là cứ muốn giết người bán hương liệu đó mà thôi. Nhà Vua cứ muốn giết, nhưng có một Quan Đại Thần mới khuyên bảo: Thôi, xin Đức Vua hãy về. Nhà Vua nghe theo lời khuyên bảo đi về, nhưng trong lòng không hiểu làm sao lại bực bội, đi đâu cũng được, nhưng tới người đó tự nhiên muốn giết người ta.

Ông Quan mới đi tìm hiểu thử coi, một hôm ông ta đi tới cửa hàng bán hương liệu đó, vào hỏi người chủ: Ở trong tiệm này có gì được gọi là đặc biệt, danh giá nhất. Ông chủ bán hương liệu mới kể rằng: Tôi có một khúc gỗ Bạch Đàn Hương, Chiên Đàn Hương thơm lừng, bán hoài mà không được, bởi gỗ Chiên Đàn này chỉ dùng trong việc mai táng Đức Vua khi Vua băng hà, hoặc khi làm một lễ tang lớn như vậy, người ta chỉ dùng Chiên Đàn Hương này đốt lên để xông cho Vua mà thôi. Vua bây giờ đang còn tại tiền chưa chết, tôi mong sao Ông Vua này chết đi, để có Quan Thần đến mua khúc gỗ Chiên Đàn Hương này mà sử dụng cho việc đó. Ông Quan nghe xong liền bỏ tiền ra mua khúc gỗ Chiên Đàn Hương mang về.

Ngày hôm sau ông Quan mang tới hiến tặng cho Vua và nói rằng: Đây là thanh gỗ quý xin được mang lên hiến cho Vua. Vua mở ra thấy thơm lừng, trong lòng vui sướng vô cùng, liền hỏi ông Quan: Đây là gỗ gì? Ông Quan nói: Đây là gỗ Chiên Đàn Hương cao quí nhất trên đời, thơm thật là thơm, quí hiếm nhất. Vua lại hỏi: Ủa, khanh đã mua thanh gỗ này ở đâu mà có được loại gỗ quí như vậy. Ông Quan lại thưa với Vua là mua ở tiệm năm xưa Vua dừng ngang. Vua liền trao cho vị Quan một số bạc vàng, nói mang tới tặng cho người chủ bán hàng, bởi ông ta có được gỗ Chiên Đàn Hương qúi báu, mà lại mang hiến tặng cho Vua. Câu chuyện ngừng ở đó, và Đức Phật nói: Vậy đó là nghiệp. Nghiệp chiêu cảm lẫn nhau, gắn kết những con người chúng ta đang tạo nghiệp.

Các bạn thân mến. Nghiệp là gì? Đối với ông bán Chiên Đàn Hương kia, ông ta đang chiêu nghiệp, bởi không thể bán được gỗ Chiên Đàn, mà trong lòng thì muốn bán được. Ông ta biết gỗ này là gỗ cao quí, chỉ được dùng để xông cho Nhà Vua ra đi. Trong lòng ông ta luôn nghĩ phải bán được loại gỗ này, nên ngày đêm ông ta luôn mong cho Vua chết, khi Vua chết, Quan Thần sẽ đến mua, lúc đó ông ta sẽ có được nhiều tiền lắm. Chính vì ý tưởng luôn nghĩ cho Vua phải chết, ông ta đã tạo nên ý nghiệp.

Ý nghiệp chỉ khởi lên trong tâm như vậy thôi, đã chiêu nghiệp thức tới với Nhà Vua. Bởi lẽ đó mà khi Nhà Vua đi ngang qua, thì trong lòng Vua khởi lên một năng lượng sát vô cùng, nên chỉ muốn giết ông ta mà thôi, nhưng không ai hiểu được vì sao Vua tới đó lại muốn giết người kia. Đức Phật nói đó chính là nghiệp của ông chủ bán Chiên Đàn Hương kia, đã gợi ý, khởi ý ác muốn giết Nhà Vua, cho nên khi Vua đi ngang qua, liền bị nghiệp lực đó chiêu cảm, nên trong lòng gợi lên ý nghiệp muốn giết người bán hương liệu này. Chính vì điều đó mà Đức Phật nói nghiệp. Ý nghiệp rất quan trọng. Ý làm chủ các Pháp, ý làm chủ mọi tạo tác, Ý nghiệp này khởi lên từ ông bán Chiên Đàn Hương, rồi cuối cùng đã chiêu cảm được tâm ý của Nhà Vua, nên Vua muốn tới sát hại ông ta. Nhưng may thay, ở giữa Nhà Vua và người bán Chiên Đàn Hương này, có một vị Đại Thần tốt bụng, ông ta là sứ giả của hòa bình. Ông đã tới mua thanh gỗ Chiên Đàn Hương kia, rồi về nói khéo với Vua rằng chính ông chủ tiệm đó, tặng gỗ này cho Vua, gỗ quý, gỗ thơm, gỗ tuyệt vời như vậy, mùi hương đó đã làm cho tinh thần Nhà Vua sảng khoái, nên Vua đã cảm ân tấm lòng của ông chủ tiệm đã tặng gỗ Chiên Đàn Hương cho Vua, và Vua cũng chiêu đó, bằng cách tặng lại vàng bạc cho ông ta.

Trong cuộc sống, chúng ta đã bao nhiêu lần dùng ý của mình, khởi lên những nghiệp bất thiện tới một trong ai đó, cũng như người chủ bán hương liệu đã khởi lên ý muốn Nhà Vua chết, tạo nên nghiệp đó các bạn ơi. Nếu các bạn ngồi lại, sám hối lại các bạn đã khởi lên ý ác với mọi người chung quanh ta, với thân bằng quyến thuộc, với những người vu vơ trên đường hay những người tương tác trong cuộc sống, các bạn đã tạo nghiệp, nghiệp đó là nghiệp ác, nó sẽ chiêu cảm những người khác đối xử tương ưng với những gì ta nghĩ về họ. Cũng rất may trong cuộc đời của chúng ta có một vị Đại Thần, vị Sứ giả hòa bình đã tới, giúp cho chúng ta chặn đứng dòng nghiệp thức từ ý khởi lên. Vị Quan Thần kia đã lặng lẽ mua tấm gỗ Chiên Đàn Hương kia tặng cho Nhà Vua. Phật nói tặng cho Nhà Vua, nhà Vua đã nhận được, ngửi thơm, đã tặng vàng bạc lại cho ông ta. Thế là ý khởi lên ác, nay đã trở thành ý biết tri ân nhau.

Đức Phật là nhà hòa giải, là sứ giả hòa bình, Ngài như Đại Quan Thần kia đã tới giữa chúng ta và những người đã khởi ý ác. Ngài đã mang thông điệp hòa bình đó bằng chân lý sám hối, dạy cho chúng ta một chân lý tha thứ và sám hối. Trong sám hối, chúng ta phải biết tha thứ cho những ai lầm lỗi với chúng ta. Nếu chúng ta chỉ biết sám hối cho những tội lỗi chúng ta tạo ra chưa đủ, chúng ta còn phải biết tha thứ cho những ai đã phạm đến chúng ta. Chính Nhà Vua không những nhận được món quà, mà còn tặng tiền bạc cho người bán hương liệu.

Trong cuộc đời, nếu có ai phạm đến chúng ta, như ông bán hương liệu đã phạm đến ông Vua bằng khởi lên ý muốn giết, nhưng Vua nhờ Đại Quan Thần tặng vàng, sứ giả của Như Lai đã tới mỗi một người chúng ta, dạy cho chúng ta sám hối là nhận lỗi lầm, là biết hiến tặng tình yêu thương của chúng ta tới muôn người, xoa dịu đi những vết đau hằng có trong người, do tâm tham, ích kỷ về tiền, danh vọng và địa vị. Khi chúng ta nuôi dưỡng lòng tham đó, như người bán hương liệu, nuôi dưỡng lòng tham tiền bạc, cầu mong cho Nhà Vua chết thì chiêu cảm nghiệp lực Nhà Vua muốn giết ông ta.

Đức Phật dạy cho chúng ta, khi chúng ta biết mang lòng tha thứ, mà trãi rộng đến muôn người, thì tất cả những ai khởi lên ý mà muốn ám hại ta, họ liền bị chiêu cảm bởi lòng tha thứ của ta, mà họ sẽ hết nghiệp thứ nhất, và thứ hai họ sẽ trở nên thân thiện yêu thương, trở thành bạn thân của chúng ta.

Cuộc sống có nhiều sự lựa chọn, chúng ta hãy lựa chọn sự cao quý là biết tha thứ, để chúng ta không tạo nghiệp thức, không chiêu cảm những năng lượng bất thiện khởi lên từ ý của người khác. Cuộc đời may mắn, mặc dù Đức Phật đã không còn trong cuộc đời này, nhưng giáo lý của Ngài vẫn là Sứ giả của hòa bình, Sứ giả hòa giải tất cả những dòng nghiệp thức bất thiện, đang lăn trôi trong vô lượng kiếp qua, mà chúng ta đã khởi lên đối với người này hay người kia, chúng sanh này hay chúng sanh kia.

Các bạn, có nhiều lần các bạn vô tình đi ra ngoài đời, có những con người bất chợt chúng ta gặp thì chúng ta muốn chửi, muốn đánh, không hiểu sao gặp người này ghét quá. Giống như Nhà Vua, vừa đi tới tiệm bán hương liệu, chỉ đi ngang thôi, là muốn giết họ rồi, thì trong cuộc đời đó là sự chiêu cảm trong ý. Ý khởi nên nghiệp bất thiện tương lân mà tìm gặp lẫn nhau. Do vậy chúng ta đừng bao giờ khởi lên ý hại đến ai, họ sẽ tìm tới chúng ta.

Để có sự dung thông tuệ giác của Như Lai, chúng ta hãy cố gắng thực hiện hạnh biết tha thứ. Lòng biết tha thứ, bao dung như vậy, sẽ xóa tan bao nghiệp thức trong tâm ý muốn khởi lên sát hại người khác, từ bằng quyền lực, từ bằng đồng tiền, danh vọng và địa vị.

Các bạn thân mến. Như Lai là sứ giả của hòa bình, hãy áp dụng phương pháp mà Như Lai đã dạy, đó là: Sám hối và tha thứ sẽ làm tiêu tan những ý nghiệp do chúng ta khởi lên, để muốn hại kẻ khác. Nếu chúng ta không biết sám hối và tha thứ cho nhau, thì những năng lượng của bất thiện nghiệp đó, sẽ luôn luôn đối kháng với nhau, tìm nhau để bức hại nhau, đó là nghiệp. Vậy nghiệp là gì? Nghiệp là từ ý khởi lên điều ác, muốn ám hại, gây đau khổ cho người khác. Nghiệp là gì, cũng từ khẩu mà chúng ta dùng những ngôn ngữ tạo tác gây ra đau khổ cho người khác. Nghiệp là gì, là những tạo tác do thân ta tạo ra gây đau khổ, phiền não cho những người khác.

Để chuyển hóa nghiệp đó, chúng ta phải biết sám hối, sám hối miên mật và biết mở rộng lòng tha thứ yêu thương, để bao dung hơn cùng với sự sám hối, thì những bất thiện nghiệp trong cuộc đời, do ý của chúng ta khởi lên sẽ dần dần tiêu tan, nhường chỗ cho niềm hạnh phúc vô biên tới với cuộc đời.

Cám ơn các bạn đã lắng nghe sự gợi ý của Bảo Thành. Cầu chúc cho các bạn môt ngày an vui, sống hạnh phúc.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn