Search

Ngày Nào Cũng Có Đau Khổ

Bảo Diệu Tâm đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook chùa Xá Lợi.

Các bạn thân mến! Cuộc đời là những chuỗi bong bóng nước tạo ra khi mưa rớt xuống dưới thềm, trôi một chút xíu phình lên phản chiếu ánh nắng mặt trời, nhìn đẹp nhưng nó không có bền đâu. Nó sẽ nổ tung chút lát nữa thôi và như vậy ta còn gì? Bởi có phải chăng ta ảo tưởng như bong bóng nước hay không? Chắc có lẽ cuộc đời ai ai trong chúng ta cũng đã từng thấm thật nhiều những cái buồn thê thảm? Tại sao buồn nó cứ đi vào cuộc đời và nó thấm nhanh như nước vừa mưa xuống đất, khô chẳng còn giọt nào? Cái buồn tới nó thấm vào trong sâu, trong tâm, trong đầu. Nó không chịu đi ra nữa, để nó cứ ì à ì ạch hiện hình chuyển tướng tạo cho chúng ta buồn khổ.

Các bạn! Cái buồn thường thấm và cái buồn thường làm cho chúng ta khóc, đau, ai thoát được?

Câu chuyện kể có một vị Sư già, sống ở sườn núi với một cái am thật nhỏ. Vị Sư già này sống như vậy đã lâu, có một mình thôi, ở sườn núi nhìn thoai thoải xuống cánh đồng phía trước. Lưng của cái am dựa vào núi vững chãi lắm. Vị Sư già có cơ hội nhìn thấy cánh đồng lúa và khu rừng mênh mông vô tận phía trước. Thong dong với tháng ngày tự tại như thế bao lâu rồi chẳng ai hay, có lẽ nơi đây là nơi phù hợp để cho vị Sư già này trú thân. Thỉnh thoảng có người lui tới cúng dường cho một bao gạo, vậy là đã đủ cho một vị Sư già sống dài ngày, nhiều khi cả tháng, hai tháng không hết. Sư ăn có bao nhiêu? già rồi, ở có một mình, tối ngày chỉ quán chiếu tu thiền mà thôi. Sự ăn ở đời chẳng qua là để sống nên chẳng cần là bao.

Nhưng bỗng một ngày sự bình yên bị phá vỡ, bởi có một anh chàng thanh niên nước mắt khóc ròng, than khổ vô cùng đi từ chân núi đi lên, vừa đi vừa khóc, vừa kêu than vọng vang cả một góc núi, cả một góc rừng. Vị Sư già nghe thấy ngạc nhiên tự hỏi ở trong lòng: Bao nhiêu năm trời rồi yên tĩnh nơi xa như vầy rồi ai ghé tới? Thỉnh thoảng có một vài người nông dân ghé ngang cho gạo. Sao hôm nay lại nghe được tiếng khóc than, vọng vang lên tới đây, chắc là người này đau khổ thảm thiết dữ lắm? Nhưng cái âm thanh của sự khóc than đó kề cận bên cái thất của Ngài. Cuối cùng thì chàng thanh niên kia cũng diện kiến, quỳ xuống trước mặt vị Sư già và than thở: “Thưa Sư! Con quá đau khổ và con quá buồn, đau buồn một cách tột cùng, không thể ngưng được dòng nước mắt. Con khóc đã cả tháng nay. Từ dưới chân núi lên trên này con đã khóc mà nước mắt chưa cạn, con quá đau, quá khổ. Xin Sư hãy dạy cho con biết được cuộc đời này sự khổ đau và đau buồn của con có còn nữa hay không? để con chuẩn bị sống tốt hơn. Con đau khổ quá!

Vị Sư già này chưa bao giờ nói chuyện với ai bởi có ai tới đâu? Có chăng tới để cúng gạo rồi đi. Nhưng nay có một chàng thanh niên lần đầu tới núi hỏi một câu thật ngỡ ngàng, mà nước mắt anh ta vẫn tuôn tràn trên má. Sư mới nhìn anh ta và nói: “Này anh ơi! Ngày hôm nay anh đau khổ tột cùng, nước mắt đang chảy phải không anh?” Anh ta nói: “Thưa Sư! Con đau khổ nhiều năm rồi, ngày hôm nay là sự đau khổ tận cùng và nước mắt đang chảy không thể ngừng” Vị Sư già mới nói tiếp: “Anh ơi! Anh đừng có khóc, khi đau khổ và cái buồn tột cùng nó tới với anh ngày hôm nay. Bởi vì những ngày tháng tới, đau khổ tột cùng và những cái nỗi buồn cay đắng nó sẽ liên tục tới với anh. Cho nên anh đừng khóc khi đau khổ và buồn tới trong cuộc đời” Chàng thanh niên ngỡ ngàng tại sao cuộc đời của mình hẩm hiu vậy? Đau khổ tới ngày hôm nay, tới nhiều năm trước mà vị Sư già này còn nói đau khổ và cái buồn còn tới nữa, không chỉ có ngày hôm nay đâu. Cho nên đừng vội vàng khóc than cho những cái đau khổ của nỗi buồn ngày hôm nay. Bởi những ngày tháng tới buồn và đau khổ vẫn tiếp tục tới. Anh ta ngỡ ngàng! Anh ta hỏi Sư: Thưa Sư tại sao như vậy? Và anh ta cứ hỏi thật là nhiều câu hỏi mà chẳng để cho Sư trả lời.

Hỏi dồn dập nhưng anh ta lại không ngờ rằng: Sự hỏi dồn dập đó, nước mắt của anh ta đã ngưng từ lúc nào rồi. Và trong tâm trí của anh ta, cái buồn hình như nó cũng xa và chỉ còn cái thắc mắc là tại sao những năm trước buồn và đau khổ? Hiện tại đang khổ và đau buồn? Ngày tháng tới vẫn buồn và đau khổ tiếp tục? Anh ta muốn tìm một câu trả lời nên sốt sắng hỏi dồn dập. Nước mắt đã ngưng, buồn, vui, đau khổ, cũng chẳng có ở trong đầu, mà chỉ có một câu hỏi duy nhất “Tại sao tháng ngày tới vẫn là khổ đau và đau khổ”? Vị Sư già nói với anh ta: “Câu trả lời vốn có ở trong đầu, hãy đi về và cứ hỏi liên tục “Tại sao những tháng ngày tới đau khổ và buồn vẫn tới với ta”? Anh hỏi như vậy và hỏi đi. Khi nào anh trở lại đây gặp tôi, lúc đó anh chẳng còn khóc nữa đâu, tôi biết và sẽ vui”. Anh ta trở về và từ trên đỉnh núi đi về chỗ mình ở cứ hỏi liên tục: “Tại sao tháng ngày tới lại là đau khổ và buồn, không bao giờ rời xa ta”? Anh ta cứ hỏi như vậy, hỏi như vậy thắc mắc và suy nghĩ. Tới một hôm anh ta mới ngộ ra “Tại sao ta lại phải buồn và khóc? Tại sao ta phải khóc khi đau khổ”? Anh ta hỏi ngược lại như vậy.

Và có một hôm anh ta hỏi “Tại sao phải khóc khi bao nhiêu trái ngang, cái buồn nó tới”? Thì có đứa nhỏ khóc dọc đường đi, mẹ nó kéo nó đi nó không chịu đi. Anh ta mới thấy ngỡ ngàng “Tại sao nó khóc”? Cuối cùng anh ta hiểu cái đứa hàng xóm này nó khóc là bởi vì mẹ nó kéo nó đi đâu đó mà nó không muốn. Nó ghì lại, nó giữ lại, nó chống lại, nó muốn ở cái chỗ nó muốn ở, cho nên nó khóc. Anh ta ngộ ra cái buồn, cái đau, cái khổ nó lui tới, nếu ta cứ ở trong đó thì nhất định sẽ khóc. Còn nếu chúng ta đi theo sự hướng dẫn của mẹ, sẽ khám phá ra những điều kỳ diệu. Có nghĩa đi theo sự hướng dẫn của cái tâm thấy biết sẽ khám phá ra muôn điều kỳ diệu. Anh ta trở lại chân núi gặp vị Sư già đảnh lễ nhận làm sư phụ.

Các bạn thân mến: Đúng! ở trên đời không những chỉ có một ngày, cho nên nếu ngày hôm nay cái đau khổ cái buồn đó tới các bạn đừng khóc, đừng vội khóc. Bởi vì cái đau khổ và buồn đó nó sẽ tới trong những tháng ngày tới, nó không ngừng đâu. Cho nên chúng ta phải nhất thiết nhận diện ra rằng đừng vội vàng lâm, li, bi, lụy, để khóc than, mà hãy bình tĩnh hít thở nhẹ nhàng trực diện nó, nhận diện nó, để làm gì? Để cho chúng ta đừng nhảy bổ nhào vô trong cái nỗi niềm đau khổ đó, đắm chìm trong đó. Bởi bao nhiêu lâu ta giữ mình, ta nhốt mình vào trong đó, nước mắt sẽ không bao giờ ngưng. Nếu chúng ta đứng để nhìn và nói là ta không có việc gì phải nhảy vào đắm chìm trong cái nỗi niềm đau khổ kia. Và nương theo tánh thấy biết như người mẹ hiền dắt con đi vào cuộc đời để khám phá những điều kỳ diệu, thì nhất định theo hơi thở Chánh niệm tánh thấy biết đó, ta sẽ khám phá ra ở trên đời này còn có biết bao nhiêu những chuyện tuyệt vời khác đang xảy ra.

Cho nên đừng giậm chân tại chỗ đứng ngay cái khổ cái buồn để mà khóc than cho chính mình. Mà hãy đi lên phía trước thấy, biết rõ ràng cùng với hơi thở Chánh niệm trong cuộc sống, các bạn sẽ khám phá ra niềm vui và hạnh phúc ở đằng trước ta mà thôi. Còn nếu như cứ dậm chân tại chỗ, vùi đầu vào trong khổ, nhốt mình vào trong đau, nước mắt kia sẽ không bao giờ ngừng được. Khổ lụy ai oán chất chồng, tiều tụy đau khổ, bệnh hoạn, héo hắt, già nua sẽ tới với các bạn.

Hãy sống, sống xứng đáng bằng Chánh niệm hơi thở thấy, biết rõ ràng, đừng đắm mình trong cái buồn, cái khổ. Đừng khóc than cho chính mình, bởi ngày mai nó tiếp tục tới, tương lai nó luôn luôn tới, nhưng vẫn còn có những điều đẹp lắm.

Hãy theo mẹ, mẹ hiền hơi thở Chánh niệm, thấy biết rõ ràng, vươn lên để sống, đừng giậm chân tại chỗ khóc than cho phận đời. Nước mắt sẽ không bao giờ dừng đâu. Khổ đau sẽ không bao giờ hết đâu, luôn tới với chúng ta.

Cảm ơn các bạn đã nghe!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn