Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa
Con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn đang ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn. Chúc các bạn một ngày an lành trong cuộc sống.
Để nhìn rõ mọi vật ở trên đời, đòi hỏi chúng ta phải có tâm hiểu thấu để chúng ta nhìn. Bởi không phải nhìn là rõ mà cũng có trường hợp không phải nhìn là thấy. Có nhiều người nhìn mà không có thấy và cũng có nhiều người nhìn mà không có rõ. Ở trên đời, thật là nhiều sự việc chúng ta cần phải lưu tâm một chút xíu, để nếu được gọi là chứng đắc tâm an lạc thì ta phải nhìn, nhìn cho thấu, nhìn cho rõ và nhìn cho tận tường. Không thể bâng quơ, lướt mắt qua là chúng ta có thể thấy được đâu. Chính vì lẽ đó mà Đức Phật đã dạy cho chúng sanh muôn đời phải luôn luôn học một cái nhìn – cái nhìn xuyên suốt, nhìn thấu bằng trí tuệ chứ không phải thấu bằng con mắt phàm phu. Thay vì những điều chúng ta nhìn thấy, gợi lên cho ta những tư tưởng tạo ra phiền não, hoặc cái ta nhìn thấy nó khơi dậy những nguồn suy nghĩ làm rối rắm tâm thần, ta cũng có thể mượn ngay sự tự nhiên của tánh nhìn, khởi nguồn cho suy nghĩ đó theo một chiều hướng tốt đẹp hơn, tức là nhìn để khởi lên những ý niệm thanh cao, tốt đẹp trong cuộc đời. Điều đó chúng ta nghe ai cũng thấy dễ, bởi biết bao nhiêu người cũng từng nói rằng: nói thì thấy dễ quá mà khó ai thực hành được. Nói thấy dễ nghe thấy dễ và thực hành cũng thấy dễ. Nếu các bạn thực hành đúng thì nó dễ và ngược lại, các bạn thực hành sai nó khó. Hầu bất cứ một chuyện gì trên thế gian này thì cuộc đời con người chúng ta cần phải chuyên cần và phải học cho tới mức. Sự học gọi là tới mức đó để mà có thể lĩnh hội được, cần phải trải qua một thời gian trải nghiệm thực tập, không thể chỉ có nhồi sọ văn tự vào rồi gọi là đã hiểu.
Có một câu chuyện kể rằng có một người đệ tử xuất gia trong một thiền viện lớn lắm. Vị viện chủ dạy cho các tăng sinh của mình về thiền lâu lắm rồi. Ai cũng chuyên tâm học và đi đến sự thành tựu nên tuy cuộc sống có vẻ đạm bạc đơn thuần nhưng họ có sức khỏe và sự tươi tắn trên khuôn mặt, tướng hảo càng ngày càng đẹp, nụ cười tươi và có phong thái của thiền môn thong dong tự tại. Giữa đất trời mênh mông, không thấy một mảy may sự sợ hãi hiện hữu trên khuôn mặt của họ. Lời nói của họ bao dung ôn tồn nhẹ nhàng, phong thái của họ chẳng còn chút gì gọi là vướng víu trần gian, bởi hiểu lẽ thường tình trong cuộc đời “Tới rồi đi, có rồi mất”. Cái mà tốt hôm nay họ đối xử với ta chưa hẳn sẽ bền vững, cái mà gọi là thậm tệ, chê bai có thể hại chúng ta hôm nay không hẳn sẽ tồn tại mãi mãi. Tốt có thể thành xấu trong chốc lát, và xấu có thể biến thành tốt trong một sát na. Hiểu được điều đó nên các tăng sinh trong thiền viện đều an yên tự tại. Nhưng có một thiền sinh rất là giỏi, có trí nhớ dai, nhớ nhanh, lúc nào cũng kề cận với vị viện chủ và học hỏi được thật là nhiều thứ, thông thạo tất cả kinh sách, cách vận hành thiền viện kinh sách, cách tổ chức cách làm việc. Rồi bắt đầu đưa đến sự làm việc vận hành riêng bởi đầu óc học nhanh hiểu rộng. Nhưng một thời gian sau người tăng sinh này không cảm thấy có hạnh phúc và bình an là bởi vì anh ta chỉ nhớ về văn tự, cách tổ chức các diễn đàn lớn hoặc cách làm việc vận hành ngôi thiền môn, nhưng chẳng bao giờ như các thiền tăng khác vận dụng ý nghĩa của lời kinh tiếng kệ, sự hướng dẫn của viện chủ thẩm nhập đi tìm cái an, cái phúc, cái đức ở trong tâm. Có lẽ bởi vì trí tuệ quá nhanh thông thạo và nhớ – nhớ như Ngài Anan vậy, cho nên anh ta ít có khi nào tư duy, suy nghĩ kỹ bởi vì tốc độ nhớ và hiểu kinh quá nhanh, cho nên mặt chữ nào nhìn qua đều nhớ, câu kinh nào nghe qua đều đi vào trong tâm. Chính vì điều đó mà cho tới ngày đó anh ta cảm thấy không có an vui khi bạn bè ai cũng có sự chứng đắc, chỉ còn mình anh ta nhớ kinh nhớ kệ, biết hết tất cả mà không chứng được sự an lạc như vậy. Anh ta thấy buồn và trong đêm tối anh ta bỏ đi lang thang vào trong những khu rừng sâu. Một thời gian sau anh ta gặp được một nhóm ẩn sĩ đang tu trong khu rừng đó, gặp một vị cao tăng ẩn sĩ, rồi lần mò tới để tham vấn học hỏi và kể đầu đuôi câu chuyện là tại sao bạn bè chứng đắc còn tôi lại như vậy. Vị cao tăng kia chỉ nói đơn giản “À, anh có còn nhớ thuở nhỏ anh chơi trò chơi bắt dế hay không? (thuở nhỏ người Á Đông chúng ta ai mà không chơi bắt dế, ngoại trừ ngày nay người ta ở thành phố chơi game, chứ ngày xưa chơi dế là chuyện bình thường đối với những trẻ ở miền đồng quê). Anh ta nhớ và rồi vị Sư mới hỏi anh ta rằng “nếu như trong cái hộp đó – cái hộp có 6 mặt phong kín hết, anh có thể nhìn thấy dế bên trong hay không?”. Anh ta nói “nếu cái hộp đóng kín hết 6 mặt thì chẳng thể nhìn thấy dế, như vậy làm sao nhìn thấy dế”. Vị sư hỏi: “Nếu như mở hết 6 mặt ra thì dế như thế nào?” Anh ta nói: “như vậy ta sẽ nhìn thấy dế nhưng dế sẽ chạy mất, nhảy mất và rồi sẽ chẳng nhìn thấy dế nữa, thấy rồi nó mất.” Vị ẩn sĩ hỏi tiếp: “rồi làm sao đây?” anh ta đang suy nghĩ vị ẩn sĩ lại thêm: “Chỉ nên mở một cửa còn 5 cửa kia phải đóng kín, nhìn sâu qua cánh cửa đó từng con dế anh sẽ nhận ra thật rõ.” Người thiền sinh này mới thực sự liễu nghĩa rằng đúng. Khi chúng ta đóng kín cả 6 cửa – đóng kín cả 6 căn lại, thì chúng ta thực sự chẳng thể nào thành tựu được điều gì đâu, đâu thấy dược dế, đâu có thấy được những tư tưởng. Mà cũng chẳng cần phải đóng kín cả 5 cái uẩn để nhìn cho rõ, mà chỉ cần dùng cái cửa cuối cùng đó là cái cửa của tâm của ý, dụng ý. Ý là cái cửa để nhìn xuyên suốt qua những con dế còn ở trong hộp. Cuộc đời của chúng ta có ngũ uẩn, có 6 căn. Chúng ta dùng ý căn để nhìn 5 cái căn kia, tức là dùng tâm ý để quán chiếu những điều lọt vào con mắt, lỗ tai, ngửi thấy, nếm được và cảm xúc từ thân. Dùng ý căn dùng tâm ý nhìn xuyên suốt và cũng chẳng cần phải đóng hay mở mà những gì chạm vào trong mắt ta nhìn – dùng ý căn nhìn, nhìn bằng tâm từ bi chánh niệm. Cái gì chạm vào lỗ tai – âm thanh đó mà, âm thanh của ngôn ngữ người ta nói chạm vào lòng khó chịu thì chúng ta dùng ý căn nghe những âm thanh mà thiên hạ vận dụng chạm vào lỗ tai của chúng ta bằng tâm từ. Rồi những gì chúng ta ngửi thì chúng ta cũng ngửi bằng tâm từ và những điều gì mà môi miệng này đối ứng trong trần gian thì chúng ta cũng cũng đối ứng bằng tâm từ, cảm xúc của thân cũng như vậy. Anh ta mới chột dạ nhớ rằng: Ôi những điều này thật là quen thuộc bởi ở trong thiền viện đã được nhắc nhở dùng ý căn nhìn 5 căn kia như nhìn vào hộp đựng dế, mở một cửa – cửa đó là mở tâm ý ra, đừng đóng kín tâm ý của mình để nhìn 5 căn kia, 5 hướng khác, phương khác, cửa khác của hộp đó (cái hộp nó có 6 mặt). Chúng ta mở một mặt ra tức là mở ý căn để nhìn 5 cái mặt kia và 5 mặt đó tự nó như vậy, chẳng cần mở chẳng cần đóng thì nhất định hộp đã là hộp nhưng cần phải mở 1 cái cửa – cửa đó là cửa của tâm ý từ bi. Khi chúng ta sống ở trên đời hiểu được điều đó thì hạnh phúc lắm. Và anh ta nhớ lại rằng tất cả những điều đó đã được học trong thiền viện, chỉ có điều chưa bao giờ đi đến thực nghiệm, trải nghiệm để chứng nghiệm được những lời đó. Cho nên bạn bè của anh ta tự tại còn riêng anh ta là chưa có. Rất may mắn là anh ta lọt vào trong rừng sâu và gặp được vị ẩn sĩ đã ứng dụng một phương tiện thật là bình thường quen thuộc của tuổi trẻ để khơi lại cảm hứng đi sâu hơn, nhìn sâu hơn, hiếu thấu và rõ hơn những gì đã nghe đã nói đã học. Chính ngay lúc đó anh ta đã liễu ngộ, tràn đầy sự hoan hỉ ở trong lòng và bình an liền trở về xin lỗi sư phụ của mình bởi vì trong đêm đã từ bỏ để ra đi và vội vàng trách cứ những điều ở trong thiền viện đã dạy mà mình không chứng đắc được.
Con người của chúng ta có thật là nhiều lần và thật là nhiều lúc, chúng ta không trải tâm ý từ bi ra để nhìn những người chung quanh chúng ta và từ đó chúng ta không có cơ hội nhìn rõ để đối xử đối ứng cho phù hợp với nhân nghĩa làm người. Chưa đi tới mức độ tu để có được sự an lạc. Tất cả nền tảng an lạc trong lời kinh của Phật, giáo lý của Phật dạy đều dựa trên những nền tảng căn bản thực tế rất người. Nếu mỗi người chúng ta đều hiểu được những ngôn từ của Phật dạy là phải dùng ý để nhìn dùng ý để nghe dùng ý để nói để xúc chạm và để mà tương thông với cuộc đời đó phải bằng với ý căn từ bi thì ở trên đời này không có chuyện gì mà ta không thấu, không có chuyện gì mà ta không hiểu. Hiếu thấu là bởi vì tâm từ bi, chẳng phải hiểu thấu là bởi vì nhìn, nghe, nói, ngửi, và xúc chạm đâu. Do đó hôm nay câu chuyện này nhắc nhở cho chúng ta, đã bao nhiêu lần chúng ta đã từ bỏ thiền viện để đi tìm chỗ khác, đã bao nhiêu lần chúng ta đã từ bỏ cha mẹ của mình để đi tìm những người khác nhờ nương náu, đã bao nhiêu lần chúng ta đã từ bỏ vợ chồng con người thân bạn bè quốc độ nơi ăn chỗ ở để đi tìm một chỗ hoàn hảo hơn. Không có! Không có! Bởi vì ở bất cứ nơi nào chúng ta tới chỉ cần trải tâm – tâm ý nhìn đời bằng tâm từ bi thì tất cả vạn sự sẽ liễu thông, tâm sẽ an và sẽ vui.
Chúc cho các bạn luôn luôn có được suy nghĩ này ở trong đầu để chúng ta dùng tâm ý từ bi quán chiếu nhìn thấu hết mọi sự ở trên đời, để trong lòng các bạn lúc nào cũng vui, biết tươi cười và sống hòa hợp với những người yêu thương của mình trong gia đình. Cảm ơn!
Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa