Search

Một Kiếp Nhân Sinh

Bảo Nguyện đánh máy

Nhân sinh một kiếp nổi trôi 
Vui buồn sướng khổ thì rồi cũng qua
Một mai rời bỏ ta bà 
Phận người trả lại, hỏi ta còn gì?

Mô Phật. Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý sư cô, cùng các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi. Đã tới giờ đồng tu Sống Trong Chánh Niệm ngày thứ bảy, Bảo Thành mời gọi các bạn đồng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo Phật – Pháp – Tăng để chúng ta bắt đầu.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban truyền lễ quán đảnh Đại thủ ấn Trí Tuệ an lạc viên mãn cho chúng con, để chúng con biết khơi nguồn yêu thương Từ Bi, thắp sáng Trí Tuệ, nhận rõ vạn pháp Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã với một lòng thành kính. Nguyện xin Chư Phật gia trì cho các vị lãnh đạo các quốc gia trên thế giới biết thông cảm, chia sẻ, ngồi lại với nhau thiết lập nền hòa bình cho thế giới và chấm dứt chiến tranh.

Nguyện xin Chư Phật tác đại chứng minh.

Giờ đây mời các bạn cùng với Bảo Thành cùng trì niệm hồng danh Đức Phật, trì Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Thất Bảo Huyền Môn.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)

Chú Đại Bi…..Vãng sanh chú……

Mu A Mu Sa

Nam Mô Ta Mô Ta Mô Đa Ra Hoang

Ma Sa Ốp Uê

Sa Bi Mô U

Sa U Sa U Ba Thê Um

Nam Mô Saka Pouttê, Nam Mô Saka Pouttê

Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.

Mô Phật, kính chào các bạn đồng tu. Hôm nay ngày thứ 7, ngày cuối tuần. Hôm nay trời thật đẹp, ngày hôm qua và ngày hôm trước cũng vào giờ này khi đồng tu, ngoài sân Chùa tại tiểu bang Minnesota tuyết phủ trắng, xuân thực sự đã về, ở nhiều nơi, hoa đã nở, khí trời thật đẹp. Nếu như đang ở Washington DC và những tiểu bang phù cận, ai cũng hớn hở vui mừng bởi trong tiết trời xuân này là lễ hội hoa anh đào tại thủ đô của nước Mỹ. Biết bao nhiêu người về đó để nhìn cái đẹp của đất trời sau một mùa đông thật dài và hít thở không khí trong lành, tươi, ấm. Mùa xuân đã về nơi xứ người, và tại đất nước Mỹ này, khi hoa nở là mùa xuân, hoa anh đào nở sớm nhất, sau mùa đông thì hoa anh đào liền nở. Mùa xuân bên Mỹ khác mùa xuân ở Việt Nam, mùa xuân của Việt Nam bắt đầu vào ngày mùng 1 tháng Giêng, và dĩ nhiên khi đón xuân về ở quê hương ta các bạn thấy cả một vùng trời đầy hoa đẹp lắm. Còn nơi đất nước Mỹ Bảo Thành đang ở mùa xuân đến chậm hơn, phải tới cuối tháng 3 mới cảm nhận được mùa xuân tới, và đầu tháng 4 hoa anh đào mới nở. Ở Việt Nam ta, Tết có hoa mai; hoa đào; có đủ thứ hoa, nhưng đầu xuân ở Mỹ ít nhất cánh hoa anh đào báo hiệu mùa xuân thực sự đã tới. Vài ngày qua, vào sáng sớm ở sát Chùa đây những bầy chim đã bay về, tiếng hót líu lo, sự sống thực sự đã bừng tỉnh sau một mùa đông thật dài.

Chủ đề: Một kiếp nhân sinh biết bao nhiêu cảm xúc tản mạn trong kiếp làm người của chúng ta. Cũng một kiếp nhân sinh đó, sự trải nghiệm và cảm xúc của mỗi người chúng ta hoàn toàn khác nhau. Có người khi sinh ra ở trong đống sình lầy rác rưởi, cô quạnh bên lề đường hay nằm vất vưởng bên ngõ hẻm, lạnh lẽo nơi cổng Chùa, bị bỏ quên nơi những nhà hộ sinh. Rồi kiếp nhân sinh của họ cũng phải đứng dậy, trên đôi mắt thiên thần chưa nhận ra sự bất hạnh, và đôi mắt thiên thần đó dần dần nhuộm màu của phiền não đau khổ khi ý thức đã phát triển nhận diện cuộc sống của chính mình. Cũng có những kiếp nhân sinh chưa sinh ra đã có đầy đủ vàng bạc châu báu, sinh ra rồi muôn người chào mừng hát ca. Khởi đầu của một kiếp nhân sinh từ lúc nào không biết, ít nhất trong kiếp này sự khởi đầu đều khác nhau. Nhưng khi đã có ý thức nhận định được cuộc đời dù có khác nhau trong sự khởi đầu đó nhưng kết quả khi đi vào cuộc sống sẽ dần dần khác biệt, tùy theo sự nhận thức của mỗi người mà thôi. Có những người sinh ra trong gia đình vương giả đầy đủ như một cậu ấm cô chiêu từ thưở còn rất bé, nhưng cuối đời chỉ là kẻ ăn mày gã ăn xin, vất vưởng bê tha bên lề đường góc chợ. Cũng có những con người khóc chẳng có ai nhìn, giun dế ca hát chào mừng khi họ bị bỏ quên đâu đó mà tìm hoài chẳng thấy mẹ cha đâu, nhưng cuối đời lại thành công; hạnh phúc. Ai trong chúng ta biết được kiếp nhân sinh của chính mình sẽ đi về đâu, hầu hết là sống không có định hướng. Và nếu như có xác định được hướng đi của cuộc đời thì ta cũng chỉ đắm chìm trong những thứ có thể nhận ra là phục vụ cho nhu cầu ham thích của chính mình: vật chất thôi, tiền bạc thôi, ái dục thôi. Mà có gì sai đâu, những thứ đó rất là người, chẳng có sai, sai ở chỗ là những điều ta ham muốn đó nó chỉ dừng lại ở ngay sự thỏa mãn cảm xúc và ham muốn của mình, chứ không nghĩ rằng ta kiếm tìm những thứ đó như một phương tiện lót đường để cho ta đi lên tiến tới chỗ đặc biệt hơn.

Nhân sinh một kiếp nổi trôi

Vui – buồn, sướng – khổ thì rồi cũng qua

Một mai rời bỏ ta bà

Phận người trả lại hỏi ta còn gì.

Có ai trong chúng ta trong một lúc nào đó tư lự một mình ngồi trong góc nhà, uống ly cà phê hoặc một tách trà, nhìn vu vơ vào chân trời vô định và hỏi rằng ta còn gì khi ngày cuối tới với cuộc đời của ta. Chắc chẳng bao giờ chúng ta hỏi ta còn gì đâu. Chẳng bao giờ ta tự hỏi mình rằng ta còn gì đâu, ta cứ rượt đuổi theo những bóng chìm nổi của sự mộng mị huyễn giả trong đời. Ngoại trừ khi khổ lắm, khổ tới mức không còn chịu được nữa thì mới mượn cung bậc thăng trầm của sầu não, đắm mình một chút để cho có ý vị của người đang sầu khổ, nhưng cũng chẳng đi tới đâu.

Nhân sinh một kiếp nổi trôi

Vui – buồn, sướng – khổ thì rồi cũng qua

Một mai rời bỏ ta bà

Phận người trả lại hỏi ta còn gì.

Các bạn đồng tu, chúng ta hãy cùng nhau hỏi thử chúng ta còn gì khi ngày cuối tới, phải chăng một đống tro tàn, mồ hoang gió lạnh xương trơ giữa trời. Có lẽ nó là sự thật, và chúng ta nếu có một lần ghé ngang những trung tâm vĩ đại nhất trên thế giới, đó gọi là nghĩa địa đó các bạn. Tại sao nghĩa địa gọi là trung tâm vĩ đại, bởi ở đó kẻ nghèo người giàu, kẻ quý người bần, vua chúa hay thường dân ai ai cũng đồng ở một chỗ bằng như nhau. Nó vĩ đại ở chỗ nơi đó không còn phân biệt giàu – nghèo, sang – hèn, có ý thức có kiến thức hay khờ khạo ngu si. Nó vĩ đại là bởi nơi đó cũng chỉ là nấm mồ hoang cô lạnh sau một thời gian. Nó vĩ đại là bởi nơi đó, cũng một hố sâu chôn vùi một kiếp người. Nó vĩ đại là bởi ngày cuối đều bình đẳng. Còn gì không, các bạn cứ tìm hiểu đi rồi sẽ thấy một kiếp nhân sinh cứ vòng quanh mãi mãi để rồi thơ rồi mộng, ngồi ngâm tưởng trong những điều hoang lạc nơi miền hư vọng, tìm kiếm những ảo giác mạnh. Thật lãng phí cho một kiếp nhân sinh bởi cái nhìn của chúng ta kiếp nhân sinh là khổ, hoặc kiếp nhân sinh là tận hưởng những cảm xúc rất người. Chứ có ngờ đâu trong kiếp nhân sinh này vẫn tàng ẩn biết bao điều kì diệu mà chúng ta đã không một lần hỏi ta còn gì khi đang sống. Ta còn gì khi đang sống chứ đừng hỏi ta còn gì khi ngày sau tới, chết rồi thì còn có gì nữa. Có thể khi chết rồi ta có gì mang theo thì câu hỏi đó còn suy nghĩ được, còn nếu chết rồi thì còn gì, chẳng còn gì. Hãy hỏi rằng ta còn gì khi đang sống, ta còn gì khi đang thở, ta còn gì khi đang sống trong Chánh Niệm, ta còn gì khi đang là một con người trong kiếp nhân sinh này. Bạn thử định nghĩa coi bạn đã có gì? Và bạn còn gì chưa tìm ra. Nhiều người trong chúng ta quá tự hào vỗ ngực và tuyên bố rằng ở đời tôi đã từng trải qua tất cả thăng trầm sướng khổ, ôi cái gì cũng từng trải qua. Bốn vùng chiến thuật chỗ nào cũng có dấu chân của tôi, khắp miền đất nước Việt Nam thế giới đều lưu dấu kỉ niệm của tôi, sang giàu khốn khổ vui sướng ảo não, ôi đủ thứ liệt kê ra cái gì tôi cũng từng trải rồi, nhưng có khi nào ta hỏi có còn gì ta chưa biết về kiếp nhân sinh của ta khi còn có nhận thức trong tư duy này hay không.

Nhân sinh một kiếp nổi trôi

Vui – buồn, sướng – khổ thì rồi cũng qua

Một mai rời bỏ ta bà

Phận người trả lại hỏi ta còn gì

Một câu chuyện thực tế xa xưa thời Đức Phật, có một ông vua lỗi lạc thời đó binh hùng tướng mạnh, mở rộng bờ cõi bằng nắm đấm; bằng gươm giáo; bằng quyền lực và binh hùng, đó là ông vua Tần-bà-sa-la. Nhưng khi gặp Đức Phật, Đức Phật đã chỉ cho ông ta những thứ ông ta có ở trên đời không đáng để nhắc tới, còn một thứ nữa ông có mà chưa nhận ra. Đức Phật đã khai thị, đã giới thiệu, đã hướng dẫn và ông vua Tần-bà-sa-la đã nhận ra từ đó, từ một người thô ác hung bạo, bành trướng quốc độ mở rộng trên từng đống xương rớt xuống từ những kiếp nhân sinh của dân chúng trong vùng gần cũng như xa. Ông ta đã dừng lại và trở thành vị vua Phật tử thuần hành hiền lương, thay đổi toàn diện. Cái thay đổi đặc biệt của ông vua Tần-bà-sa-la là ở chỗ đã theo Phật học và theo cho tới cùng. Vì sao? Vì như vậy khi ông vua Tần-bà-sa-la nhận ra con trai của mình là vua A-xà-thế lúc đó mới chỉ là một Thái tử thôi. A-xà-thế Thái tử có ý muốn chiếm ngôi giết vua, tức là giết cha của mình để đoạt ngôi. Nhìn ra được ý của người con trai, đích thân vua Tần-bà-sa-la đã nhường ngôi và truyền ngôi vua cho con trai của mình. Ngay chỗ này thôi, thử hỏi trong cuộc đời các bạn có khi nào nhường những thứ cao quý nhất của cuộc đời cho ai đó, cho con cái, cho người thân khi ta nhận ra họ đang muốn những điều đó. Dĩ nhiên làm thân cha mẹ, ta nhường cả cuộc đời, cả hơi thở, ta hiến từng giây từng phút từng giọt máu cho con, và cho con tất cả những điều con muốn, điều đó thật cao quý. Nhưng cái mà ông vua Tần-bà-sa-la trao lại cho Thái tử A-xà-thế thời đó là ngôi vua cũng chưa phải là cái đặc biệt mà ông có. Khi nhốt vua cha vào trong tù, A-xà-thế lên làm vua, không cho cha mình ăn uống, trong tù tối đen như thế, đến nỗi mà mẹ của vua A-xà-thế phải tắm rửa sạch sẽ rồi bôi bột và mật ong vào người, mặc quần áo vô thăm vua Tần-bà-sa-la để có thể mang đồ ăn vào cho chồng của mình. Biết được tin đó, vua A-xà-thế đã cấm mẹ của mình không được vào thăm nữa, và rồi cắt chân cắt tay tức là lóc thịt của cha ra xát muối vào cho đau đớn khôn cùng cho tới chết. Hành động dã man như vậy, nhưng câu hỏi rằng còn phận vua Tần-bà-sa-la làm cái gì? Các bạn thân mến, kể từ hồi biết được Phật, Ngài đã biết nhường lại cho con tất cả những điều gì con muốn, với mục đích mong cầu con của mình tận hưởng được điều đó và luôn luôn hồi hướng công đức cho con của mình, và mong sao con mình sau này có thể gặp được Thế Tôn và được khai thị đến sự chứng ngộ cảnh giới an lạc.

Chúng ta phải nhìn vào lịch sử của Đức Phật để thấy rõ ông vua A-xà-thế không dừng lại ở đó là hại vua cha đâu, ông ta còn bắt tay với ông Đề-bà-đạt-đa giết hại Phật nhiều lần lắm, ông ta thật là ác. Trở về với vua Tần-bà-sa-la ở trong ngục tối đen đó, Ngài luôn hướng về núi Linh Thứu nơi Đức Phật đang ngự, tịnh tâm cố gắng nghe Phật âm của Đức Phật vang vọng trong tâm tư, hướng về sự thanh tịnh hồi hướng cho vua A-xà-thế. Nhường ngôi vua, không có đồ ăn, bị con lóc thịt, mà vua Tần-bà-sa-la vẫn hướng về Phật, nghĩ về con. Khi xưa làm vua, khi ở trong tù, ta hỏi thử xem vua Tần-bà-sa-la còn gì để trao cho A-xà-thế. Ngôi vua đã trao, còn có gì để trao nữa. Thưa các bạn, còn có sự thanh tịnh thân-ngữ-ý, bởi hướng về Đức Thế Tôn nơi núi Linh Thứu, đây mới là cái tuyệt vời mà ông ta trao lại cho vua A-xà-thế. Kết thúc một đời người thăng trầm, làm vua, nhường ngôi, bị nhốt trong tù vẫn một lòng hướng về Phật và trao lại cho đứa con phản nghịch giết mình là A-xà-thế sự thanh tịnh của thân-ngữ-ý.

Các bạn biết không, vua Tần-bà-sa-la đã chết trong sự thanh tịnh và chứng đắc được sự thanh tịnh an lạc. Như vậy có nghĩa gì đâu, trong chúng ta có một số người hỏi, Một kiếp nhân sinh sướng như vậy, làm vua, rồi mất hết, ngồi trong tù, còn có gì để trao lại cho người con ngỗ nghịch tàn ác là vua A-xà-thế con trai của mình. Còn đó các bạn. Vì sao? Vì vua A-xà-thế thật ác, bắt tay với Đề-bà-đạt-đa hãm hại Phật, nhưng cái kết là ông ta cũng phiền não đau khổ dữ lắm dù không ngồi tù như vua cha, dù không bị nhốt vô trong ngục tù nhưng nhốt trong sự đau khổ tuyệt vọng của tâm phiền não. Và rồi chính lúc đó ông ta đón nhận được món quà vô giá của vua Tần-bà-sa-la trao tặng, đó chính là sự thanh tịnh hướng về Phật. Trong đau khổ tuyệt vọng, ông ta đã tới gặp Phật, một kẻ thật ác chiếm ngôi vua, giết cha của mình, bắt tay với Đề-bà-đạt-đa để giết Phật nhưng vẫn có can đảm gặp Phật, và Phật không bao giờ ghét bỏ dù những người nào đã từng giết Phật; hại Phật; phỉ báng Phật. Phật khai thị cho ông, và vua A-xà-thế từ đó đã thay đổi toàn diện và tìm ra ông ta vẫn còn một thứ vô giá mà vua cha Tần-bà-sa-la đã hồi hướng, đó chính là sự thanh tịnh hướng về Phật, sự thiện lương. Từ đó, ông ta đã trở thành một vị vua Phật tử thuần hành.

Bảo Thành kể sơ qua để thấy một kiếp nhân sinh của 2 con người, một là con hai là cha, cũng từ vương quyền của đỉnh cao chất ngất rồi cũng bị nhốt trong ngục tối. Ngục tối khác biệt là ngục tối của trần gian, bị nhốt trong tù do con mình tạo ra, vua Tần-bà-sa-la vẫn hướng về núi Linh Thứu để nghe Phật giảng. Còn ngục tối của vua A-xà-thế là sự đau khổ tuyệt vọng. Cái mà 2 ông vua này còn là còn biết quay lại với Phật khi sống, không phải là để phận người ra đi rồi ta mới hỏi ta còn gì. Chết rồi hỏi ai? Ai trả lời? Nhìn đi một đống xương tàn, chơ vơ ở cõi ta bà này đây. Dù có kêu to thấu tận cõi Trời, nào ai nghe thấy trả lời cho ta. Các bạn thấy chưa, hãy noi gương dù như một kẻ tàn ác như ông Tần-bà-sa-la cũng đã luôn luôn nghĩ về Phật khi còn sống, và cái ông để lại cho con là sự thanh tịnh bởi sự hồi hướng. Và cái mà một người tàn ác giết cha của mình còn suy nghĩ ta còn gì hay không khi đến gặp Phật khi còn sống. Các bạn, đó là lòng thiện lương sám hối. Chúng ta người học Phật vẫn biết đang sống trong đời biết bao nhiêu thứ lấn cấn, nhưng hãy nhớ hãy hỏi lại mình: ta còn gì khi đang sống, ta còn gì khi đang có những thứ mà ta đang có, ta còn gì nữa không khi còn thở được khi còn sức khỏe khi còn minh mẫn, ta còn gì nữa không ngay trong giây phút này. Bạn nhắm mắt lại đi và bạn hỏi khi bạn đang sống đây, ngay lúc này đây, bạn còn gì mà bạn chưa biết về chính mình. Nếu câu trả lời cho chính mình rằng tôi không biết tôi còn gì khi tôi còn sống đây, các bạn nhớ hãy hỏi mình có còn gì khi đang còn sống, đừng đợi đến khi chết nghe các bạn.

Nhân sinh một kiếp nổi trôi

Vui – buồn, sướng – khổ thì rồi cũng qua

Một mai rời bỏ ta bà

Phận người trả lại hỏi ta còn gì

Rời khỏi ta bà rồi mới hỏi ta còn gì thì muộn lắm. Kẻ tàn ác như Tần-bà-sa-la cũng không muộn bởi đã biết hỏi ta còn gì khi còn sống, nên gặp Phật. Kẻ giết cha như vua A-xà-thế cũng còn biết hỏi ta còn gì khi phiền não đau khổ để tới với Phật. Còn chúng ta, tại sao phải để đến một mai rời bỏ ta bà, phận người trả lại hỏi ta còn gì. Chết rồi hỏi ai thưa. Nhân sinh một kiếp nổi trôi, vui – buồn, sướng- khổ thì rồi cũng qua.

Người ơi đang sống cõi đời

Thì nên hỏi lại ta còn gì không

Chứ đừng đợi đến chết nghe các bạn. Hãy tới với Chánh Niệm hơi thở để diện kiến Đức Bổn Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật. Hãy tới với Chánh Niệm hơi thở để trở về với nhịp sống thanh tịnh tinh khiết trong sáng. Nơi đó ta sẽ gặp Phật. Ta sẽ như ông vua Tần-bà-sa-la, ta sẽ như ông vua A-xà-thế vô lượng kiếp qua ác dữ lắm, cũng tội lỗi Nghiệp chướng nhiều lắm, nhưng không sao. Bởi ta đã biết tìm Phật, hướng về Phật và hỏi Phật, Phật ơi con còn có gì khi còn sống. Chánh Niệm hơi thở là pháp phương tiện nhiệm màu dẫn đưa chúng ta trở về để gặp Phật ngay khi còn sống, để nhận ra rằng trong kiếp nhân sinh này, chúng ta vẫn còn có khả năng để thành tựu sự an lạc khi hướng về Phật. Sự an lạc khi hướng về Phật là vĩnh cửu, là bất diệt, sự an lạc khi hướng về Phật xóa tan đi mọi phiền não đau khổ. Sự an lạc khi hướng về Phật sẽ giúp bạn chuyển hóa mọi thất bại xui xẻo đọa đày đau khổ thành thành công, gặp được những cái hên, hên ở đây chính vì hướng về Đức Bổn Tôn Thích Ca trong Chánh Niệm. Bạn đã có đầy đủ phước báu và công đức dù cho hơi thở cuối cùng, người con của mình có lóc thịt xát muối vào thì vẫn hoan hỉ hướng về Phật, đó là gương của ông Tần-bà-sa-la. Nếu biết giữ Chánh Niệm, không phải đợi tới phút cuối rời bỏ ta bà ta mới gặp Phật mới hỏi Phật, mà trong từng giây phút trong từng sát na ta được kề cận với Phật, hơi thở của ta trở nên một cùng với Chánh Niệm, hòa mình vào với Đức Bổn Tôn Thích Ca để nhận ra giá trị của sự an lạc khi hướng về Phật. Phật là bậc tỉnh giác, Chánh Niệm hướng về Phật là Chánh Niệm hướng về sự tỉnh giác để thoát mê. Cuộc sống này nếu hướng về tỉnh giác, thể nhập vào tâm tỉnh giác để thoát mê thì chúng ta đang khi còn sống sẽ tìm lại được những điều vô giá trong cuộc đời qua hơi thở Chánh Niệm. Đừng đợi đến khi quá khổ, tức là khi chết rồi bỏ vô cái hòm quá khổ, không có cái hòm nào vừa vặn với chiều cao chiều rộng của ta đâu, tất cả những cái hòm đều quá khổ hết, lọt thỏm trong đó rồi chôn vào lòng đất. Với câu một mai rời bỏ ta bà, phận người trả lại hỏi ta còn gì. Đừng. Hôm nay, bây giờ và tại đây, các bạn và Bảo Thành đang sống, hãy hỏi ngay ta còn gì khi còn đang sống.

Hãy tới với Phật qua Chánh Niệm hơi thở, hãy gặp Phật qua Chánh Niệm hơi thở, hãy hỏi Phật như vua Tần-bà-sa-la, hãy hỏi Phật như vua A-xà-thế, để khi còn sống đây, thân người còn là phương tiện vi diệu, Bảo Thành và các bạn có cơ hội chuyển hóa. Nhớ, kiếp người của chúng ta Phật nói: sinh ra làm người là có cơ hội tuyệt vời để thành Phật. Chữ “thành Phật” quá lớn làm ta sợ. Nhưng nếu chuyển tông cho nhẹ nhàng, sinh ra làm người ta có cơ hội chuyển hóa để có sự trải nghiệm thành tựu được an lạc và hạnh phúc ngay bây giờ và tại đây. Chỉ cần hướng về Phật thôi, vua Tần-bà-sa-la hướng về Phật hướng theo hướng của núi Linh Thứu Phật đang giảng, dù ngồi trong tù bị con mình hành hạ cho tới chết thì vẫn hạnh phúc vui sướng. Các bạn đang bị hành hạ bởi cái gì, phải chăng là những sự cầu bất đắc, cầu mà không được, những điều không như ý. Các bạn đang đau khổ, các bạn đang tự mình nhốt vào trong sự lủng củng tối tăm không biết phải làm gì. Hãy tới với Phật khi đau khổ phiền não, bạn tới với Phật qua Chánh Niệm hơi thở, bạn sẽ an lạc và hạnh phúc. Khi thất bại bạn hãy tới với Phật trong Chánh Niệm hơi thở thì bạn sẽ thành công. Khi cùng đường bí lối bạn tới với Phật qua Chánh Niệm hơi thở thì bạn sẽ tìm được lối thoát. Trong bất cứ một hoàn cảnh nào, chỉ cần tới với Phật trong Chánh Niệm hơi thở thì vạn sự sẽ hanh thông. Bởi vì Chánh Niệm hơi thở tới với Phật không phải là để được Phật ban cho, mà Chánh Niệm hơi thở đến với Phật là để thắp sáng Trí Tuệ của chúng ta ứng với câu: tự mình đứng dậy thắp đuốc mà đi. Đuốc của ta được ánh minh giác ngộ của Phật thắp vào qua Chánh Niệm hơi thở, đến với Phật đuốc Tuệ sẽ bừng sáng, ta sẽ thấy đường để giải quyết mọi vấn nạn trong cuộc đời.

Nhân sinh một kiếp nổi trôi

Vui – buồn, sướng- khổ thì rồi cũng qua

Một mai rời bỏ ta bà

Phận người trả lại hỏi ta còn gì

Đừng than, hãy tới với Phật, bạn sẽ nhận ra bạn còn thật nhiều những điều vô giá ngay trong kiếp người này qua hơi thở Chánh Niệm Mật Thiền song tu. Bảo Thành và các bạn sẽ tìm lại được chính mình.

Chúc cho các bạn một cuối tuần an vui cùng gia đình, cùng với cộng đồng, cùng với Tăng thân, cùng với các bạn đồng tu. Và chúng ta cùng chúc cho nhau biết tới với Phật qua hơi thở Chánh Niệm khi còn sống, để tìm được sự an lạc và hạnh phúc ngay bây giờ, tại đây.

Cảm ơn các bạn đã lắng nghe.

Hồi hướng:

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Thưa Phật, chúng con sẽ không còn đợi đến khi từ bỏ cõi ta bà, chết xuống lòng đất mới hỏi là còn gì trong kiếp nhân sinh. Chúng con thật may mắn trong kiếp nhân sinh này đã gặp được Phật – Pháp – Tăng và đã tới được với Phật qua Chánh Niệm hơi thở Mật Thiền song tu. Chúng con đã biết chúng con còn có gì trong hiện tại. Xin Chư Phật gia trì cho chúng con. Nếu có chút phước báu nào được thành tựu trong ngày hôm nay, nguyện hồi hướng cho thế giới được hòa bình, chấm dứt chiến tranh và cho mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn