Con chào thầy, con nhờ thầy giải đáp về việc liên quan đến cuộc sống, đến công việc ạ. Nếu con làm trong môi trường công ty, và con cảm nhận công ty có những chính sách không có lợi lắm cho người lao động hoặc khách hàng. Bản thân con cũng đã có những góp ý cho sếp nhưng sếp không ghi nhận và không thay đổi, thì khi người lao động hoặc khách hàng bức xúc và trách móc công ty cũng như người làm, việc đó có ảnh hưởng đến phước báu của con không ạ? Con có thể làm gì để giảm việc ấy ạ. Con lấy ví dụ như mình làm trong sale trong công ty, công ty có chạy một chương trình với những lời quảng cáo che giấu một phần sự thật, gây hiểu nhầm cho khách hàng. Con đã có góp ý với những cách khác, vừa có lợi cho công ty và vừa tăng giá trị cho khách hàng, nhưng sếp không chú ý. Khi khách hàng không nhận được những lợi ích như quảng cáo nói thì họ quay lại trách người sale và công ty, lâu dần công ty sẽ mất khách hàng. Như vậy thì con có đang một phần tạo nghiệp không ạ? Và làm sao để tránh được ạ? Mô Phật!
Trả lời: Trong nhà Phật gọi là sự cộng nghiệp. Khi chúng ta bắt tay với một người nào đó làm một việc sai, dù cố tình hay vô tình cũng tạo nghiệp. Trong hoàn cảnh thật là khó giải quyết khi bạn làm với một công ty, lệ thuộc vào sếp của mình điều hành công việc, điều phối công việc và bạn chỉ là người phải làm việc mà thôi. Tiếng nói của bạn chưa đủ mạnh trong quyền lực danh phận ở công ty để người gọi là sếp lắng nghe, sửa đổi dù những lời của bạn góp ý đúng và có lợi cho công ty cũng như lợi cho khách hàng. Chúng ta nhớ rằng, Đức Phật thuở xưa Ngài là bậc giác ngộ, nhưng Ngài sinh ra cùng với một người anh em họ là Đề Bà Đạt Đa, người này luôn chống kình. Bậc giác ngộ là Phật luôn nói và hướng dẫn cho ông Đề Bà Đạt Đa những tư tưởng tốt, thế nhưng ông ta luôn luôn chống đối lại, mặc dù những lời của Phật có hữu ích và tốt đẹp, nhiều người nghe và thực hành đều mang lại kết quả. Nhưng riêng ông Đề Bà Đạt Đa không bao giờ nghe. Để rồi có những lúc khi gặp ông ta, Phật đã tránh và Phật dạy rằng, nếu gặp người chướng duyên, cũng như tránh voi chẳng hổ mặt người. Đó là câu nói của chúng ta thường hay ứng dụng. Tránh người ngang tàng không nghe, chẳng có gì để hổ mặt, khó là bạn đang làm trực thuộc dưới công ty đó, lời góp ý của bạn chưa được sếp lắng nghe. Bạn hãy cố gắng tịnh tâm, đừng vì điều đó mà khó chịu, hồi hướng công đức cho người đó với điều bạn có thể làm được. Và năng lượng hồi hướng công đức đó, vẫn giữ vững lập trường, suy nghĩ của mình, đừng để lập trường, suy nghĩ của sếp dần dần thay đổi cách suy nghĩ của bạn. Giữ vững lập trường, suy nghĩ của mình, hồi hướng cho người đó và rồi sự làm việc như vậy bạn sẽ không tạo ra nghiệp bởi bạn làm đúng, bạn không làm sai, giữ vững lập trường. Cái người mà tác động lên kế hoạch sai kia họ mới tạo nghiệp.
Tuy nhiên, bạn phải khởi tâm nhìn theo một chiều hướng khác. Nếu làm ở trong công ty đó quá dài quá lâu, bạn ảnh hưởng dần dần xuôi theo tư lợi của vật chất, của hãng xưởng mà lừa gạt những người khách, tiêm nhiễm tư tưởng đó để biến tư tưởng của sếp hòa nhập vào tư tưởng thay đổi lập trường của mình. Mưa lâu thấm đất, ta thấm vào tư tưởng đó là bạn đã bắt đầu tác ý vào để tạo nghiệp cho mình. Cho nên Phật dạy, có những lúc tránh voi chẳng hổ mặt người, bạn hãy suy nghĩ thật kỹ, nếu như bạn làm ở công ty đó quá lâu rồi và công ty đó luôn luôn làm những điều sai trái với lương tâm để tăng trưởng lợi nhuận mà bạn là người sale – tức là phải đương đầu với khách, phải chịu trách nhiệm nhưng không thể thay đổi thì suy nghĩ thật là kỹ nên chuyển qua một chỗ khác hài hòa hơn. Thay vì tiếp tay, sau khi đã biết mà mình còn vẫn tiếp tục tiếp tay cho sếp để làm những chuyện đó để gây phiền não cho khách tới với chính chúng ta và dần dần công ty đó sẽ không có phát triển được đâu. Nhưng khi chúng ta nhận định được rồi, bạn khuyên một thời gian thật dài, bạn đưa ra kế hoạch rằng làm như vầy, như vầy, như vầy và dĩ nhiên nếu thế của bạn chưa đủ, tiếng nói của bạn chưa đủ để sếp nghe thì lời khuyên chân thật nhất là bạn hãy chuyển qua một công ty khác. Ở đời cần nhất là làm được những điều gì phù hợp với tánh thiện để tâm được an, lòng được vui, không phải làm được công việc gì mà quá nhiều tiền để rồi lệ thuộc vào sự sai khiến hoàn toàn sai trái, như vậy sẽ tạo nghiệp trong sự cộng nghiệp chung. Bạn suy nghĩ kỹ và sự quyết định của bạn sau một thời gian thật dài suy nghĩ tác động, nếu không có sự thay đổi của công ty, thì bạn hãy thay đổi thế đứng và làm việc của bạn với công ty khác. Mô Phật!
Tham vấn Phật Pháp 13, https://youtu.be/mdV7ur831bA