Pháp thoại Thiền Sư Bảo Thành, Bảo Như bút ký
Các bạn thân mến, chúng ta sinh sống ở trong đời này có thật là nhiều chuyện xảy ra không ngờ được và có những chuyện thực sự không thể ngờ đâu.
Nếu học về nhân quả thiện ác, Đức Phật dạy nghiệp lực ác, nghiệp lực thiện – ác đưa tới họa, thiện đưa tới phước. Giữa phước báu và tai họa tới với con người đó, trùng trùng điệp điệp duyên khởi khó có thể lý giải được. Mỗi người chúng ta chỉ cố gắng chiêm nghiệm rộng lòng một chút thì có lẽ tốt đẹp lắm. Đừng với tinh thần rằng cứ phải như vậy “mạng đền mạng, tay đền tay, răng đền răng, mắt đền mắt”, cái gì cũng sòng phẳng như vậy mà không truy tìm cho rõ, đôi khi ta lại phạm đến tội kinh thiên động địa. Bởi ở trên đời ai khi tới chùa, đền miếu, tới những nơi thừa tự của tôn giáo mình theo cũng thường cầu nguyện đấng bề trên như Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, ông Trời, Thượng đế ban ơn cho chúng ta, để điều đó được làm theo đúng sở nguyện của mình. Cầu trời khi mất của tìm lại được của, cầu trời khi ai hại mình phải đền – phải bị trừng phạt. Rồi chúng ta cầu Phật, Bồ Tát, những chuyện đó thực sự. Nhưng mà có nhiều chuyện chúng ta cầu nguyện không được đáp ứng, thật là nhiều và đôi khi chúng ta lại phải tạ ơn Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, tạ ơn Thượng đế – ông Trời đã không đáp ứng lời nguyện cầu của chúng ta bởi đó là điều tốt.
Có câu chuyện kể thời xưa, có một anh chàng xây dựng một ngôi nhà trên một giàn giáo cao, đang xây dựng bức tường và trên đó người thợ xây đã sơ ý trượt chân té khỏi giàn giáo rớt xuống đất ở độ thật là cao. Nhưng rất may mắn khi rớt xuống khỏi giàn giáo, té ngang té ngửa rơi xuống đất, loay hoay lộn cuộn vòng vòng vòng…mấy chục vòng và vô tình té chạm vào một người đang đi bộ ở trên đường. Với sức té từ trên gian giáo xoay vòng như vậy nhiều lần và rơi đúng người đang đi bộ – người đi bộ bị gãy cổ chết. Gia đình của nạn nhân truy tố người thợ xây này lên quan tòa. Quan tòa sau khi nghe câu chuyện đã cho kiểm chứng rõ ràng anh thợ xây sơ ý té từ giàn giáo, trong khi té không tự chủ đã rớt đúng người đi bộ làm người này gãy cổ chết, nên trừng phạt anh thợ xây bằng cách là phải sám hối và mang tiền ra để lo đám tang và nuôi dưỡng những đứa con của gia đình này trong một thời gian cho phép. Thế nhưng gia đình của nạn nhân không chấp nhận, họ thấy điều đó không tương ứng bởi vì người cha của họ bị chết – gãy cổ chết, nay chỉ trả một ít tiền đám ma và nuôi nấng con cái một thời gian là được sao? Mạng phải đền mạng. Họ truy cứu như vậy và thúc ép quan phải xử lại với bản án này rằng mạng phải đền mạng, phải xử tử anh thợ xây đó. Cuối cùng vị quan này nói rằng “Oh, vậy thì thôi mạng đền mạng, giết người sao thì bị người giết y chang như vậy”. Gia đình kia nghe vậy thì hớn hở vì nghe vị quan phán giết người như thế nào thì bị giết như thế đó – tức là mạng đền mạng mà. Cho nên gia đình của nạn nhân thấy hạnh phúc và vui lắm bởi vì phiên tòa hình như xử đúng với ước nguyện của họ. Nhưng sau khi nói xong, vị quan nói với gia đình đó rằng: Vậy thì người thợ xây té từ trên giàn giáo ở độ cao đó lăn mấy chục vòng và rơi xuống người thân của nhà ngươi gãy cổ chết, giết người sao ta phải xử y chang như thế, từng thành viên của gia đình các ngươi hãy trèo lên giàn giáo cao kia rồi nhảy xuống vào cổ của anh thợ xây này đứng ở dưới đường cho ông gãy cổ chết đi. Một cách xử án thật là công bằng, giết người sao thì bị người giết y chang như vậy, bị chết như vậy, xử như vậy. Té từ trên xuống đè chết người ta thì gia đình người ta cũng sẽ lên trên đó té trở lại để đè chết gãy cổ mình, công bằng mà. Gia đình kia nghe qua, từng người từng người đều lùi bước sợ hãi bởi nào có ai dám trèo lên giàn giáo cao như kia mà nhảy xuống để đè đầu gãy cổ người thợ xây đâu. Không biết có trúng người thợ xây để làm anh ta gãy cổ chết hay mình lại té xuống gãy cổ mà chết đi? Cho nên mọi người lùi lại đằng sau và xin bãi nại với quan không xử xét tới chỗ chết mà chấp nhận đền bù lo đám ma và nuôi con cái của nạn nhân.
Các bạn, câu chuyện nói như vậy đấy. Các bạn nghĩ sao về câu chuyện này? Cuộc đời của chúng ta, người ta đánh má phải thì ta phải dộng má phải của họ, người ta đánh gãy răng thì ta phải đánh gãy răng – răng đền răng, người ta đánh lòi con mắt thì ta phải đánh con mắt họ lòi ra – mắt đền mắt, người ta đánh chết ta thì ta phải đánh chết họ. Nhưng có những tình huống như anh thợ xây kia chỉ là sơ ý té đè gãy cổ, gây ra cái chết cho người kia, mà chúng ta chẳng nhìn rõ nguyên nhân đó để xử lý cho phù hợp, chúng ta cứ đòi ông quan phải xử lý đúng theo ước nguyện của mình. Rất may mắn, ông quan là người có trí tuệ, có học thức và biết truy cứu tội ra tội nên đã tìm ra đúng phương án để xử êm cái tội vô tình của anh thợ xây té xuống hại người – đâu có cố tình, chỉ vô tình mà thôi. Ông thợ xây hại là do té nhưng vì vô tình, còn người kia bị hại chết là do nhân duyên, bao nhiêu người không trúng sao lại trúng ông ta. Trên đời nếu có một vị quan như vậy thì tốt biết mấy. Đúng vậy, ông Trời, Thượng Đế và Phật có khi nào mà đáp ứng nhu cầu sự trả thù của chúng ta đâu. Các bạn có nhớ không, bao nhiêu lần các bạn mất tiền các bạn bị hại, các bạn chẳng chịu suy nghĩ tư duy những điều mất mát đó. Đó cũng là một phần do tâm tham của chúng ta, những lần bị hại đó cũng là do nghiệp và tâm tham của chúng ta tạo ra. Nhưng khi bị mất mát tiền, bị người ta lừa gạt, bị người ta chà đạp lên danh phẩm của mình, ta cứ vùng vùng trỗi dậy, muốn xử trảm người ta. Xử không được bằng sức mạnh của mình, bằng cái luật hiện tại ở đời thì bắt đầu đi đến đền miếu, đến Thần đến Thánh đến Trời đến Phật cầu xin, để những vị Thần Thánh Trời Phật đó giúp chúng ta trừng phạt những người kia. Cũng rất may Thần Thánh Trời Phật không ứng đúng sở nguyện của chúng ta nên mọi người vẫn an nhiên tự tại. Để đền tội, sám hối cho chính mình bởi nhân duyên nghiệp chướng tạo ra, chứ mà ông Trời ông Phật có thực sự trừng phạt theo nguyện của chúng ta thì chắc thế gian này đã giết nhau chết hết rồi bởi vì những lầm lỗi sơ ý mà ra. Anh thợ xây kia đâu phải anh cố tình nhảy xuống từ giàn giáo cao để đè chết người kia đâu, chỉ là một sự sơ ý trượt chân té xuống và vô tình do sự tương ưng dòng nghiệp thức mà đè lên gãy cổ người kia đang đi đường. Chúng ta đang đi trên con đường của cuộc đời, biết bao nhiêu những vô tình – không nói đến cái cố tình, chỉ nói đến cái vô tình. Vô tình là do dòng nghiệp thức tương ưng sự việc xảy ra và đâu đó rớt vào ta trên con đường của cuộc đời làm tổn hại đến sức khỏe tinh thần tài chánh của ta. Hoặc là cố tình bởi nghiệp thức của chúng ta tạo ra năm xưa, kiếp xưa, nay nó trổ quả và ta bị như vậy. Nhưng hầu hết ta cứ phản ứng, cứ nằng nặc phải trừng trị những người kia phạm đến ta mà chẳng truy xét cho ra cái gốc. Đức Phật dạy cho chúng ta phải thật bình tĩnh, hầu bất cứ một việc gì xảy ra cho chúng ta, chúng ta phải nhìn kỹ cái gốc của nó, nguyên nhân của nó, để chúng ta ứng xử sao cho phù hợp để tạo thêm phước báu cho ta và giải trừ những nghiệp chướng oan gia ở đời khi ta đương đầu với, như vậy mới xứng đáng là người học Phật. Chúng ta đang học những lời giáo lý cao siêu màu nhiệm của bậc đại giác ngộ dạy cho chúng ta, thì chúng ta phải ứng dụng được vào cuộc đời. Mọi sự việc xảy ra, hãy nhìn cho kỹ, hãy xử lý cho đúng nhân quả và luôn luôn phải có tâm thật từ ái. Không thể nói đến từ bi – ban vui cứu khổ mà chẳng thể tha thứ cho những người vì nghiệp chướng, vì nghiệp thức, vì một lý do nào đó đã xúc phạm đến ta, thậm chí còn tổn hại đến thân mạng của ta. Để có được tinh thần sẵn sàng như thế, không dễ đâu các bạn. Chúng ta phải tu luyện, để rồi không những khi chúng ta sống ở trên đời này biết tha thứ cho người ta, mà rồi khi tắt hơi thở tái sanh về cảnh giới thiện lành, chẳng cưu mang vác theo những nghiệp oan gia trái chủ nhiều đời theo chúng ta. Mà chúng ta biết rộng lòng, rộng lòng nhìn rõ được nhân quả, thấu hiểu rõ để buông, để xả, để không chấp cứ, để không bám víu vào. Các bạn có dám trèo lên giàn giáo cao kia để nhảy xuống đè chết người hay không? Các bạn có chắc chắn rằng khi nhảy xuống như vậy có đè chết người hay không? Cuộc sống của chúng ta có thật nhiều chuyện xảy ra một cách vô lý, tưởng chừng như không thể lý giải được. Nhưng dưới con mắt của Phật học nhân quả thiện ác là đều do nhân nay trổ quả mà ta bị. Ta có muốn ký vào hợp đồng dài hạn rằng cứ trả, trả oán, oán với nhau từ đời này qua đời kia hay không? Hay chúng ta muốn xóa sổ bằng cách tâm niệm nghiệp quả đã trổ để sẵn lòng từ bi tha thứ cho chính mình. Các bạn, trong cuộc sống chúng ta đã học về chân lý của Phật rồi, chúng ta hãy quay về ứng dụng lời của Phật đi, để cõi lòng của ta thật nhẹ, để tâm hồn được bay bổng và tinh thần của ta được tự tại. Tất cả những điều vừa nói đó rất cần sự tu tập, tu luyện mỗi ngày mới có thể hành được, nhất là khi ai hại đến bản thân của chúng ta, hoặc là người thân của chúng ta bằng những hình thức như câu chuyện đã kể trên – khó lắm khó lắm. Hầu hết những phản ứng đều cũng như gia đình kia, ta muốn mạng đền mạng. Nhưng nghĩ sâu sắc một chút xíu, mạng đền mạng vẫn chưa phải là phương thức hoàn toàn đúng đâu, cái đúng nhất là nghiệp phải đền nghiệp. Nghiệp ác thì nên lấy nghiệp thiện để đền bù vào cho nghiệp ác bị tiêu biến đi. Đừng vì nghiệp ác mà tạo thêm nghiệp ác, nó sẽ tăng – nghiệp đền nghiệp. Lấy nghiệp thiện, lấy phước báu để đền bù cho nghiệp ác gây ra họa thì họa kia sẽ tan.
Các bạn nhớ, cảm ơn các bạn đã nghe.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.